GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 4/11/2006

 TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN

 

?  Sứ Điệp Đức Thánh Cha Biển Đức XVI gửi Nhân Dịp Ngày Lương Thực Thế Giới

?  Đức Hồng Y Chủ Tịch Hội Đồng Công Lý và Hòa Bình cảnh báo tình trạng phân ly giữa đạo lý và kỹ thuật

?   “Luận Về Lòng Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria” của Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort): Cuộc ‘hành trình đức tin’ - Một dấu hiệu của niềm hy vọng vững vàng

 

 

 

? Sứ Điệp Đức Thánh Cha Biển Đức XVI gửi Nhân Dịp Ngày Lương Thực Thế Giới

 

Kính gởi Ông Jacques Diouf

Tổng giám đốc Tổ chức lương thực và nông nghiệp của Liên hiệp quốc (FAO)

 

Ngày Lương thực thế giới diễn ra hằng năm được Tổ chức lương thực và nông nghiệp của Liên hiệp Quốc (FAO) bảo trợ là cơ hội để xem lại nhiều hoạt động của tổ chức, cụ thể là những gì liên quan đến hai mục tiêu: cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho các anh chị em trên thế giới và cân nhắc những cản trở đối với công tác này bởi hoàn cảnh khó khăn và thái độ đi ngược với tinh thần đoàn kết.

 

Chủ đề của năm nay – Đầu tư vào nông nghiệp nhằm bảo đảm lương thực – tập trung sự chú ý vào lĩnh vực nông nghiệp và kêu gọi chúng ta nhìn vào các yếu tố ngăn cản cuộc đấu tranh chống nạn đói nghèo, trong đó nhiều trường hợp do con người gây ra. Chưa có sự quan tâm đầy đủ đối với các nhu cầu nông nghiệp, và điều này vừa làm xáo trộn trật tự thiên nhiên của tạo hóa vừa làm tổn thương đến sự tôn trọng nhân phẩm.

 

Theo truyền thống Kitô giáo, lao động nông nghiệp mang một ý nghĩa sâu sắc hơn, vừa do nỗ lực và sự nặng nhọc bởi đó mà ra, vừa vì nó là một kinh nghiệm ưu tiên nói lên sự hiện diện của Thiên Chúa và tình yêu của Ngài đối với tạo hóa. Chính Đức Kitô đã sử dụng các hình ảnh mang tính nông nghiệp để nói về Nước Trời, qua đó biểu lộ sự tôn trọng lớn lao đối với hình thức lao động này. 

 

Hôm nay, chúng ta đặc biệt nghĩ đến những ai đã phải bỏ hoang đồng ruộng của mình do các cuộc xung đột, các thiên tai, và sự thiếu quan tâm của xã hội đối với lĩnh vực nông nghiệp. Sự “cổ võ cho công bằng qua những nỗ lực nhằm đem lại sự cởi mở của tâm trí và ước muốn theo những đòi hỏi của ích chung, là những gì sâu xa liên hệ đến Hội Thánh” (Thông Điệp “Deus Cartas Est,” 28).

 

Đã mười năm trôi qua từ ngày Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, vị tiền nhiệm đáng kính, khai mở cho Hội nghị lương thực thế giới. Điều này tạo cơ hội cho chúng ta nhìn lại và xem xét về sự thiếu quan tâm dành cho lĩnh vực nông nghiệp và những hậu quả mà nó mang lại cho các cộng đồng nông thôn. Sự đoàn kết là chìa khóa xác định và loại trừ các nguyên do gây ra nạn nghèo đói và thiếu phát triển.

 

Hành động quốc tế chống lại nạn đói rất nhiều khi bỏ quên yếu tố con người, nhưng lại ưu tiên cho các lĩnh vực kỷ thuật và xã hội, kinh tế. Các cộng đồng địa phương cần được tham gia vào các lựa chọn và quyết định liên quan đến cách sử dụng đất đai, vì đất nông nghiệp ngày càng bị chuyển sang các mục tiêu khác, thường gây nên nhiều tác hại trên môi trường và khả năng phát triển lâu dài của vùng đất. Nếu con người được đối xử như là thành phần đóng vai chính thì rõ ràng các lợi lộc kinh tế ngắn hạn phải được cân nhắc trong bối cảnh kế hoạch dài hạn tốt hơn để bảo đảm lương thực, vừa về chất lượng lẫn số lượng.

 

Trật tự của tạo vật đòi phải đặt ưu tiên cho các sinh hoạt của con người song không gây ra tai hại cho thiên nhiên mà không thể thay đổi được, nhưng đó là những sinh hoạt gắn liền với cơ cấu xã hội, văn hóa và tôn giáo của các cộng đồng. Như thế chúng ta đạt được sự quân bình giữa việc tiêu thụ và duy trì tài nguyên.

 

Gia đình nông thôn cần lấy lại vị trí đúng đắn nơi tâm điểm của trật tự xã hội. Các nguyên tắc và giá trị luân lý điều khiển gia đình thuộc về di sản của nhân loại, và phải được ưu tiên trên luật pháp. Chúng liên quan đến hành vi cá nhân, mối quan hệ vợ chồng và giữa các thế hệ, cũng như tinh thần đoàn kết gia đình. Đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phải để cho gia đình chiếm lấy vị trí và chức năng thích đáng, tránh các hệ quả tai hại của chủ nghĩa khoái lạc và vật chất có thể tạo ra nhiều nguy cơ cho đời sống gia đình và hôn nhân.

 

Các chương trình giáo dục và đào tạo ở các vùng nông thôn phải có bề rộng, nhắm vào tất cả các lứa tuổi. Nên có sự quan tâm đặc biệt đối với những người yếu đuối, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Điều quan trọng là chúng ta truyền lại cho các thế hệ tương lai không chỉ các yếu tố kỷ thuật trong vấn đề sản xuất, dinh dưỡng, và bảo vệ tài nguyên, nhưng còn các giá trị của thế giới nông thôn.

 

Qua việc thực hiện sứ mệnh của mình một cách trung thành, tổ chức FAO có sự đầu tư thiết yếu vào nông nghiệp, không chỉ qua sự hỗ trợ kỷ thuật và chuyên môn đầy đủ, nhưng còn mở rộng việc đối thoại diễn ra giữa các cơ quan quốc gia và quốc tế đóng vai trò trong việc phát triển nông thôn. Các nỗ lực cá nhân nên được kết hợp với các chiến lược lớn hơn nhằm chống lại nạn nghèo đói. Đây có thể là sự quan trọng mang tính quyết định nếu các quốc gia và cộng đồng liên quan thực hành các chương trình thích hợp nhắm vào một mục tiêu chung.

 

Ngày nay hơn bao giờ hết, đối diện với các cuộc khủng hoảng liên tục tái lại và sự đeo đuổi các nhu cầu hẹp hòi, phải có sự hợp tác và đoàn kết giữa các quốc gia, họ phải quan tâm đến nhu cầu của các công dân yếu đuối nhất, vì họ là nạn nhân trước tiên của cảnh nghèo đói. Nếu không có sự đoàn kết này thì dám gặp phải nguy cơ là công việc của các tổ chức quốc tế nhằm chống lại nạn đói và thiếu dinh dưỡng sẽ bị hạn chế hay bị ngăn cản. Bằng cách này mới có thể xây dựng cách hiệu quả tinh thần công lý, hòa thuận, và hòa bình giữa các dân tộc: “opus iustitiae pax” (x. Is 32,17).

 

Kính thưa ông Tổng giám đốc, qua những suy nghĩ này, tôi muốn cầu xin Thiên Chúa chúc lành cho tổ chức FAO, các quốc gia thành viên, và tất cả những người làm việc cần cù để hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp và cổ võ sự phát triển nông thôn.

 

Vatican, 16 tháng 10 năm 2006

 

ĐGH Benedictô XVI

 

Rev Antôn Lê Ngọc Đức Phúc, SVD, chuyển dịch theo

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/messages/food/documents/hf_ben-xvi_mes_20061016_world-food-day-2006_en.html

 

 

TOP

 

 

 ? Đức Hồng Y Chủ Tịch Hội Đồng Công Lý và Hòa Bình cảnh báo tình trạng phân ly giữa đạo lý và kỹ thuật

Theo vị hồng y chủ tịch Hội Đồng Công Lý và Hòa Bình của Tòa Thánh là Renato Martino trong bài khai mạc cho Tuần Lễ Xã Hội 4 ngày ở Toledo Tây Ban Nha hôm Thứ Năm 2/11/2006, mang tựa đề “Nhân Quyền là Nền Tảng Xây Dựng Văn Hóa Đại Đồng”, thì việc tôn trọng nhân quyền bị đe dọa bởi tình trạng phân ly giữa đạo lý và kỹ thuật.

Để hiểu được những thách đố trong việc bênh vực nhân quyền thì cần phải hiểu được “mối liên hệ khó khăn giữa kỹ thuật và đạo lý”.

“Nhân loại tân tiến bị phân ly hơn bao giờ hết nơi mối liên hệ giữa kỹ thuật và đạo lý”, cho đến độ đạo lý và kỹ thuật sẽ trở thành “hai khối mới trong tương lai”.

Theo ngài thì cuộc phân ly này chia ra làm hai thành phần, một thành phần thì chủ trương “quyền tự do thực hiện” được căn cứ vào chính nó như là cùng đích, còn thành phần kia thì chủ trương “quyền tự do thực hiện cần phải được căn cứ vào một điều gì đó ở ngoài nó, tức là vào phẩm vị con người”.

Ngài nhận định là “một quan điểm về kỹ thuật tách rời đạo lý làm cho con người trở thành một sản phẩm của lịch sử, văn hóa và nhân tạo, mất đi mối liên hệ với bản tính, truyền thống và tạo vật”.

“Theo chiều hướng này, con người không còn là một dự phóng nữa, mà trở thành một cái gì đó được dự phóng. Con người không còn phận sự gì nữa mà chỉ có quyền lợi. Bởi thế mới xẩy ra chủ nghĩa độc tôn cấm đoán trong việc ngăn cấm”, và mới có “những thứ độc tôn mới”.

Ngài tiếp: “Nạn khủng bố, một quan niệm về kỹ thuật của chính trị, chủ nghĩ a trần thế hiểu như là một vị trí trung lập đối với các thứ giá trị và những độc đoán, nền dân chủ như là một phương thức, việc tài trợ cho nền kinh tế, chủ nghĩa tương đối của các nền văn hóa, kỹ thuật hóa luật pháp và nhân quyền, tất cả đều là những thức độc tôn mới có tính cách tiêu cực vì chúng tuyệt đối hóa kỹ thuật.

“Tất cả những điều này đều hết sức liên quan với nhau, và đó là lý do tại sao vấn đề nhân loại học – và trong vấn đề này hàm chứa những vấn đề của nhân quyền, ngày nay thực sự là vấn đề xã hội vậy”.

“Những nền văn hóa có tính cách năng hiệu, có tính cách duy vật thực tiễn, có tính cách cá nhân chủ nghĩa duy thực dụng và hưởng lạc, xuất phát trên hết từ chủ trương ngờ vực về khoa kiến thức học và đạo lý, đều là những gì tác hại đến toàn bộ nhân quyền.

“ Với những nền văn hóa như thế, những nền văn hóa không còn quan điểm nguyên vẹn về con người như một cứ điểm để qui chiếu nữa, thì chính việc bảo vệ nhân quyền theo pháp lý về nội dung cũng thực sự có vấn đề và chẳng còn gì đáng kể nữa”.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 3/11/2006

 

 

 

TOP

 

 

?  “Luận Về Lòng Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria” của Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort): Cuộc ‘hành trình đức tin’ - Một dấu hiệu của niềm hy vọng vững vàng

 

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II:

Thư Gửi Chư Gia Đình Hội Dòng Montfort

Nhân Dịp Kỷ Niệm 160 Năm (1843-2003)

Xuất Bản Tác Phẩm “Luận Về Lòng Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria”

 

Gửi Tu Sĩ Nam Nữ Chư Gia Đình Montfort

 

Cuộc ‘hành trình đức tin’

 

7.         Tôi đã viết trong Tông Thư Novo Millennio Ineunte – Tiến Đến Ngàn Năm Thứ Ba rằng: ‘Người ta không bao giờ có thể tiến đến với Chúa Giêsu ngoại trừ bằng con đường đức tin’ (khoản 19). Đó là con đường Mẹ Maria đã theo suốt cuộc đời trần gian của Mẹ và là con đường của Giáo Hội lữ hành cho tới ngày cùng tháng tận. Công Đồng Chung Vaticanô II đã nhấn mạnh rất nhiều tới đức tin của Mẹ Maria, một đức tin được Giáo Hội nhiệm mầu chia sẻ, khi làm sáng tỏ cuộc hành trình Đức Mẹ trải qua từ lúc Truyền Tin cho tới giây phút của cuộc Khổ Nạn cứu chuộc (cf. Dogmatic Constitution Lumen Gentium, nn. 57, 67; Encyclical Letter Redemptoris Mater, nn. 25-27).

 

Trong các văn kiện của Thánh Louis Marie, chúng ta cũng thấy ngài nhấn mạnh đến đức tin được Mẹ Chúa Giêsu sống trong cuộc hành trình của Mẹ từ Nhập Thể tới Thập Giá, một đức tin nhờ đó Mẹ trở thành mô phạm và kiểu mẫu của Giáo Hội. Thánh Louis Marie đã diễn tả điều này qua nhiều sắc thái, khi ngài dẫn giải nó trong bức thư của mình về ‘những công hiệu lạ lùng’ của việc tôn sùng Thánh Mẫu trọn hảo: ‘Bởi thế, các bạn càng chiếm được ân huệ của Vị Nữ Hoàng uy nghi và Vị Trinh Nữ trung thành này thì các bạn sẽ càng tác hành bằng một đức tin tinh tuyền; một đức tin tinh tuyền sẽ làm cho các bạn trước hết cảm thấy được những điều an ủi và những hồng ân phi thường; một đức tin sống động được đức ái tác dụng, một đức ái giúp các bạn có thể thi hành tất cả mọi hành động của các bạn theo động lực của tình yêu tinh tuyền; một đức tin mạnh mẽ và bất khả chuyển lay như một tảng đá, nhờ đó các bạn sẽ được nghỉ an và kiên trì giữa các phong ba bão tố; một đức tin chủ động và thấu nhập, giống như một chiếc chìa khóa chính yếu kỳ diệu, giúp các bạn tiến vào tất cả mọi mầu nhiệm của Chúa Giêsu, đích điểm tối hậu của con người, cũng như tiến vào cõi lòng của chính Thiên Chúa; một đức tin can trường sẽ giúp các bạn chấp nhận và dứt khoát thi hành những điều cao cả cho Thiên Chúa cũng như cho phần rỗi các linh hồn; sau kết, một đức tin sẽ trở thành cây đuốc sáng của các bạn, sự sống thần linh của các bạn, kho tàng khôn ngoan thần linh kín mật của các bạn và là những cánh tay toàn  năng của các bạn, những cánh tay được các bạn sử dụng để soi sáng những ai đang ở trong tối tăm của bóng tối tử thần, để sưởi ấm những ai thờ ơ lãnh đạm và những ai cần đến thứ vàng đức ái nóng bỏng, để ban sự sống cho những ai đã chết vì tội lỗi, để chạm tới những tâm hồn chai đá và những cây hương bá Lebanon bằng những lời lẽ nhu mì quyền năng của các bạn, và sau hết, để chống lại quỉ ma cùng với tất cả các kẻ thù của ơn cứu độ’ (cf. Treatise on True Devotion, n. 214).

 

Thư Thánh Gioan Thánh Giá, Thánh Louis Marie trước hết nhấn mạnh tới tính cách tinh tuyền của đức tin và đêm tối tăm thiết yếu và thường sầu thương của đức tin này (cf. The Secret of Mary, nn. 51-52). Đức tin chiêm niệm, bằng việc từ bỏ những gì là khả giác hay phi thường, là những gì thấu nhập vào những thẳm cung nhiệm mầu của Chúa Kitô. Bởi thế, trong lời nguyện cầu của mình, Thánh Louis Marie đã ngỏ cùng Người Mẹ của Chúa rằng: ‘Con không xin Mẹ được thấy những thị kiến, được nhận những mạc khải, được lòng tôn sùng xúc cảm hay được sảng khoái thiêng liêng… Ở dưới thế này, tôi không muốn gì khác ngoài những gì của Mẹ, đó là chân thành tin tưởng mà không cần đến những sảng khoái thiêng liêng’ (ibid. trang 72). Thập Giá là giây phút tuyệt đỉnh của đức tin Mẹ Maria, như tôi đã viết trong Thông Điệp ‘Mẹ Đấng Cứu Chuộc - Redemptoris Mater’: ‘Nhờ đức tin này, Mẹ Maria được liên kết trọn hảo với Chúa Kitô nơi việc tự hủy thân của Người… Có lẽ đây là cuộc tự hủy sâu xa nhất của đức tin nơi lịch sử loài người’ (đoạn 18).

 

Một dấu hiệu của niềm hy vọng vững vàng

 

8.         Thánh Linh mời gọi Mẹ Maria hãy sinh sản các nhân đức của Mẹ nơi thành phần được tuyển chọn, bằng cách vươn ra nơi họ những gốc rễ của ‘niềm tin bất khuất’ của Mẹ và ‘niềm hy vọng vững mạnh’ của Mẹ (cf. Treatise on True Devotion, n. 34). Công Đồng Chung Vaticanô II đã nhắc lại điều này rằng: ‘Người Mẹ của Chúa Giêsu trong vinh quang, thứ vinh quang Mẹ chiếm hữu nơi cả thân xác lẫn linh hồn ở trên thiên đình, là hình ảnh và là khởi đầu của Giáo Hội, bởi Giáo Hội phải được nên trọn hảo trong thế giới mai sau. Cũng thế, Mẹ chiếu tỏa trên trái đất này một dấu hiệu của niềm hy vọng vững vàng và của niềm ủi an cho Dân Chúa lữ hành, cho đến ngày của Chúa’ (Dogmatic Constitution Lumen Gentium, n. 68). Chiều kích cánh chung ấy được Thánh Louis Marie chiêm ngưỡng đặc biệt khi ngài nói về ‘thành phần tông đồ ở những thời sau này’ là thành phần được Đức Trinh Nữ hình thành để mang lại cho Giáo Hội cuộc chiến thắng của Chúa Kitô trên các lực lượng sự dữ (cf. Treatise on True Devotion, nn. 49-59). Đây không phải là một hình thức của ‘chủ nghĩa ngàn năm’ mà là một cảm quan sâu xa về tính chất cánh chung của Giáo Hội liên quan tới tính cách độc nhất và tính cách phổ quát cứu độ của Chúa Giêsu Kitô. Giáo Hội đợi chờ việc Chúa Giêsu đến trong vinh quang vào ngày cùng tháng tận. Như Mẹ Maria và với Mẹ Maria, các thánh đang ở trong Giáo Hội và vì Giáo Hội làm cho thánh đức của Giáo Hội tỏa chiếu và quảng bá công cuộc của Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế duy nhất, tới tận cùng trái đất cũng như tận cùng thời gian.

 

Trong bài Lạy Nữ Vương – Salve Regina, Giáo Hội gọi Người Mẹ Thiên Chúa là ‘Niềm Hy Vọng của chúng con’. Cũng từ ngữ này đã được Thánh Louis Marie lấy nó từ một bản văn của Thánh Gioan Damascene, vị thánh đã áp dụng cho Mẹ Maria biểu hiệu về cái neo theo thánh kinh này (cf. Hom I in Dorm. B.V.M., 14: PG 96, 719): Thánh Louis nói ‘Chúng con liên kết linh hồn chúng con với niềm hy vọng của Mẹ, như với một cái neo vững chắc. Chính vì gắn bó với Mẹ mà các thánh là thành phần cứu được mình đã từng là những gì gắn bó nhất và đã hết sức thực hiện việc gắn bó với người khác nữa để kiên trì thực hiện nhân đức. Bởi thế, hạnh phúc thay, muôn ngàn lần hạnh phúc thay những Kitô hữu giờ đây trung thành và hoàn toàn gắn bó với Mẹ như với một cái neo vững chắc!’ (Treatise on True Devotion, n. 175). Qua việc tôn sùng Mẹ Maria, chính Chúa Giêsu ‘mở rộng tâm can bằng niềm cậy trông vững vàng nơi Thiên Chúa, làm cho nó nhìn lên Ngài như là một Người Cha’ (ibid., khoản 169).

 

Cùng với Đức Trinh Nữ này và cũng bằng cùng một tấm lòng từ mẫu như Mẹ, Giáo Hội nguyện cầu, hy vọng và chuyển cầu cho phần rỗi của tất cả mọi con người nam nữ. Hiến Chế Tín Lý Ánh Sáng Muôn Dân đã kết luận bằng những lời như thế này: ‘Tất cả thân xác của người tín hữu tuôn ra những lời khẩn nguyện cùng Người Mẹ Thiên Chúa và Mẹ của loài người mà Mẹ, Vị đã hỗ trợ thuở ban đầu của Giáo Hội bằng lời nguyện cầu của Mẹ, giờ đây được tôn vinh trên tất cả mọi thần thánh, cũng chuyển cầu trước Con Mẹ trong mối hiệp thông của tất cả mọi vị thánh, cho đến khi tất cả mọi gia đình của con người, dù họ hân hạnh mang tước hiệu Kitô hữu hay vẫn chưa biết đến Đấng Cứu Thế, cũng được hạnh phúc qui tụ lại với nhau trong an bình và hòa hợp thành một Dân Chúa duy nhất, cho vinh quang của Ba Ngôi Chí Thánh và Duy Nhất’ (khoản 69).

 

Đó là niềm hy vọng tôi bày tỏ một lần nữa cùng với Các Nghị Phụ Công Đồng khác gần 40 năm trước, tôi gửi tới toàn thể Gia Đình Montfort Phép Lành Tòa Thánh đặc biệt.

 

Tại Điện Vatican ngày 8/12/2003, Lễ Trọng Kính Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội

 

Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

 

 

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, chuyển dịch từ

 

http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/letters/2004/documents/hf_jp-ii_let_20040113_famiglie-monfortane_en.html

 

(còn tiếp vào các ngày Thứ Bảy)

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ