GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 CHÚA NHẬT 5/11/2006

 TUẦN XXXI THƯỜNG NIÊN

 

?  "Khi ngước mắt nhìn lên gương sáng của các vị thánh chúng ta cảm thấy bừng lên trong mình đầy lòng ước vọng trở thành những thánh nhân"

?  "Thế nhưng, làm sao chúng ta có thể trở thành những vị thánh, thành bạn hữu của Thiên Chúa đây?"

?   Ngày của Chúa - Dies Domini / Ngày của mọi ngày – Dies Dierum: Chúa Nhật, Ngày Lễ Nguyên Thủy Tỏ Hiện Ý Nghĩa của Thời Gian

 

 

? "Khi ngước mắt nhìn lên gương sáng của các vị thánh chúng ta cảm thấy bừng lên trong mình đầy lòng ước vọng trở thành những thánh nhân"

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Bài Giảng Lễ Các Thánh 1/11/2006 tại Đền Thờ Thánh Phêrô

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Việc chúng ta cử hành Thánh Thể hôm nay được bắt đầu bằng lời kêu gọi: “Chúng ta hãy hân hoan trong Chúa”. Phụng vụ kêu mời chúng ta chia sẻ niềm hân hoan thiên đình của các thánh nhân, mời chúng ta nếm hưởng niềm vui. Các vị thánh không phải là một giai cấp hạn hữu của thành phần được tuyển chọn mà là một đám đông vô số được phụng vụ kêu gọi chúng ta hãy ngước mắt lên nhìn các ngài.

 

Trong đám đông này không phải chỉ có những vị thánh được chính thức công nhận mà còn là thành phần đã lãnh nhận phép rửa thuộc mọi lứa tuổi và tên gọi chúng ta chưa biết tới, nhưng với con mắt đức tin chúng ta thấy họ rạng ngời như các vì tinh tú đầy vinh quang trên bầu trời thần linh.

 

Hôm nay, Giáo Hội mừng phẩm vị của mình với vai trò làm “mẹ của các thánh, hình ảnh của thành đô trường tồn” (Alessandro Manzoni), và biểu lộ nhan sắc của mình ra như vị hôn thê tinh tuyền của Chúa Kitô, nguồn mạch và là mô phạm của tất cả mọi sự thánh đức. Giáo Hội không phải là không có những đứa con cái phóng túng, những đứa con cái thực sự là phản loạn, thế nhưng, chính ở nơi các vị thánh Giáo Hội nhận thấy những đặc tính nổi bật của mình, và chính ở nơi các vị Giáo Hội tỏa ra niềm vui sâu thẳm nhất của mình.

 

Trong bài đọc thứ nhất, tác giả của Sách Khải Huyền đã diễn tả “một đám rất đông không ai có thể đếm xuể thuộc hết mọi quốc gia, chủng tộc, dân chúng và ngôn ngữ” (7:9). Thành phần dân chúng này bao gồm những vị thánh thuộc Cựu Ước, bắt đầu từ Abel là con người công chính và tổ phụ Abraham, rồi tới những vị tháng Tân Ước, nhiều vị tử đạo khi Kitô Giáo mới bắt đầu, các vị chân phước và thánh nhân thuộc các thế hệ sau đó, và cuối cùng là những chứng vị chứng nhân của Chúa Kitô trong thời đại của chúng ta. Những gì các vị có chung với nhau đó là ý muốn hiện thực hóa Phúc Âm trong đời sống của mình theo tác động của Thánh Linh, Đấng là Đấng vĩnh hằng ban sự sống cho dân Thiên Chúa.

 

Thế nhưng, “việc chúng ta ca ngợi các thánh, việc chúng ta tỏ lòng tôn vinh, việc chúng ta long trọng cử hành có ích gì chứ?” Bài giảng nổi tiếng của Thánh Bênađô cho lễ Chư Thánh đã được bắt đầu bằng câu hỏi này. Nó là một câu hỏi chúng ta có thể tự hỏi mình ngay cả đến ngày hôm nay đây. Câu giải đáp được Thánh Bênađô cống hiến cũng liên quan tới chúng ta nữa. Ngài nói: “Các thánh nhân không cần việc tôn vinh của chúng ta, và các ngài chẳng chiếm được gì nơi việc tưởng niệm của chúng ta. Đối với chính mình, tôi cần phải tuyên xưng rằng khi tôi nghĩ đến các vị thánh thì tôi cảm thấy bừng lên những ước muốn cao cả” (Homily 2, "Opera Omnia," ed. Cisterc, 5, 364 ff.).

 

Vậy ý nghĩa của việc long trọng cử hành hôm nay đây là ở chỗ: Khi ngước mắt nhìn lên gương sáng của các vị thánh chúng ta cảm thấy bừng lên trong mình đầy lòng ước vọng trở thành những thánh nhân; chúng ta cảm thấy sung sướng được sống gần Thiên Chúa, được sống trong ánh sáng của Ngài, trong một đại gia đình các bạn hữu của Thiên Chúa. Là một vị thánh nghĩa là sống gần gũi với Thiên Chúa, sống trong gia đình của Ngài. Và đó là ơn gọi của tất cả chúng ta, được Công Đồng Chung Vaticanô II mạnh mẽ tái khẳng định, và cần chúng ta đặc biệt chú ý tới vào ngày này.

 

(xin đọc tiếp phần hai của bài giảng trên đây)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 1/11/2006

 

 

TOP

 

 

"Thế nhưng, làm sao chúng ta có thể trở thành những vị thánh, thành bạn hữu của Thiên Chúa đây?"

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Bài Giảng Lễ Các Thánh 1/11/2006 tại Đền Thờ Thánh Phêrô

 

Thế nhưng, làm sao chúng ta có thể trở thành những vị thánh, thành bạn hữu của Thiên Chúa đây? Câu trả lời đầu tiên cho vấn nạn này đó là: Để làm thánh không cần phải thi hành những công việc và những hoạt động phi thường, cũng không cần phải có được những đặc sủng ngoại thường. Song câu trả lời này mới nói cho chúng ta biết những gì không phải là sự thánh thiện. Câu giải đáp tích cực cho việc trở thành một vị thánh đó là trước hết cần phải lắng nghe Chúa Giêsu để rồi theo Người và đừng nản lòng trước những khốn khó.

 

Người phán: “Nếu ai muốn phụng sự Tôi thì họ cần phải theo Tôi, và Tôi ở đâu thì tôi tớ của Tôi cũng ở đó. Nếu ai phụng sự Tôi thì Cha sẽ tôn vinh họ” (Jn 12:26). Ai ký thác mình cho Người và chân thành mến yêu Người thì sẽ chết cho Người như hạt lúa miến mục nát đi trong lòng đất vậy.

 

Người thực sự biết rằng ai cố gắng giữ lấy sự sống mình thì sẽ làm nó mất đi, và ai hiến sự sống mình như thế thì lại giữ được nó (x Jn 12:24-25). Kinh nghiệm của Giáo Hội chứng tỏ rằng, mặc dù có những đường lối khác nhau, tất cả mọi hình thức thánh thiện bao giờ cũng trải qua con đường thập giá, con đường từ bỏ chính mình.

 

Các câu truyện tiểu sử về các vị thánh cho thấy những con người nam nữ, thành phần luôn dễ dạy đối với ý định thần linh, đôi khi đã trải qua những khổ đau khôn xiết tả, đã bị bách hại và tử đạo. Các vị kiên trì với nhiệm vụ của mình. Chúng ta đọc thấy trong Sách Khải Huyền “Đó là những người đã sống sót trong thời kỳ đầy những đau thương, họ giặt áo mình nên tinh trắng trong máu của Con Chiên” (7:14).

 

Danh tính của họ được ghi trong sách sự sống (x Rev 20:12); thiên đàng là nơi cư ngụ đời đời của họ. Mẫu gương của các thánh nhân là những gì phấn khích chúng ta hãy theo bước chân của các vị, cảm nghiệm niềm vui của những ai tin tưởng phó mình cho Thiên Chúa, vì lý do buồn khổ duy nhất đó là sống xa cách Ngài.

 

Thánh thiện đòi hỏi phải liên lỉ cố gắng, nhưng thánh thiện là những gì khả dĩ đối với tất cả mọi người, vì nó không phải chỉ là công việc của loài người mà trước hết là một tặng ân của Thiên Chúa, Đấng ba lần thánh (x Is 6:3). Trong bài đọc thứ hai, Thánh Tông Đồ Gioan nhận định rằng: “Hãy xem tình yêu thương của Thiên Chúa tuôn đổ xuống trên chúng ta biết là chừng nào, để chúng ta được gọi là con cái của Thiên Chúa. Mà thật sự chúng ta là như thế” (1Jn 3:1).

 

Bởi thế, chính Thiên Chúa là Đấng đã yêu thương chúng ta trước, và nơi Chúa Giêsu Ngài đã làm cho chúng ta trở thành những người con được Ngài thừa nhận làm dưỡng tử. Trong cuộc sống của chúng ta, tất cả đều là tặng ân yêu thương của Ngài. Làm sao chúng ta có thể tỏ ra dửng dưng lãnh đạm trước một mầu nhiệm cao cả như thế chứ? Làm sao chúng ta không đáp ứng tình yêu thương của Cha trên trời bằng việc sống một cuộc đời con cái với lòng tri ân cảm tạ chứ?

 

Nơi Chúa Kitô Ngài đã hoàn toàn ban mình cho chúng ta và đã kêu gọi chúng ta sống mối liên hệ riêng tư và sâu xa với Ngài. Bởi thế, chúng ta càng bắt chước Chúa Kitô và liên kết với Người, chúng ta càng tiến vào mầu nhiệm thánh thiện thần linh. Chúng ta khám phá ra rằng chúng ta được Ngài vô cùng yêu thương và điều khám phá này thúc đẩy chúng ta yêu thương anh chị em mình. Yêu thương bao giờ cũng là một hành động từ mình, “đánh mất bản thân mình”, và chính nhờ đó mà chúng ta mới cảm thấy hạnh phúc.

 

Bởi thế chúng ta sang bài Phúc Âm của thánh lễ này, sang với lời công bố các phúc đức chúng ta vừa nghe vang vọng chốc lát trước đây trong đền thờ này.

 

Chúa Giêsu phán rằng: Phúc cho ai nghèo khó trong tinh thần, phúc cho ai khóc lóc, cho ai hiền lành, phúc cho ai đói khát công lý, cho ai biết xót thương, phúc cho ai có tấm lòng thanh sạch, cho kẻ xây dựng hòa bình; kẻ bị bách hại vì sự công chính (x Mt 5:3-10).

 

Thật vậy, phúc đức trên hết là chính Người, là Chúa Giêsu. Thật vậy, Người thực sự nghèo trong tinh thần, là người khóc lóc, là người hiền lành, là người đói khát công lý, là người xót thương, có lòng tinh khiết, là người kiến thiết hòa bình; Người là vị bị bắt bớ vì sự công chính.

 

Các phúc đức cho chúng ta thấy dung mạo thiêng liêng của Chúa Giêsu, nhờ đó cho thấy mầu nhiệm của Người, mầu nhiệm của tử nạn và phục sinh, của cuộc khổ nạn và niềm vui phục sinh. Mầu nhiệm này, một mầu nhiệm của những gì thực sự phúc đức, mời gọi chúng ta hãy bước theo Chúa Giêsu, nhờ đó theo con đường dẫn đến hạnh phúc.

 

Tùy theo cách thức chúng ta chấp nhận lời Người mời gọi và bước theo Người – tùy theo hoàn cảnh của hết mọi người – cả chúng ta nữa cũng được tham dự vào phúc đức của Người. Với Người những gì bất khả đều trở thành khả dĩ cho đến độ con lạc đà có thể chui qua lỗ kim (x Mk 10:25); với ơn trợ giúp của Người, chúng ta có thể nên trọn hảo như Cha trên trời là Đấng trọn hảo (x Mt 5:48).

 

Anh chị em thân mến, giờ đây chúng ta tiến vào tâm điểm của việc cử hành Thánh Thể là những gì phấn khích và nuôi dưỡng sự thánh thiện. Chẳng bao lâu nữa Chúa Kitô sẽ hiện diện một cách cao cả, Người là cây nho thật mà tín hữu trên thế gian và các thánh trên trời liên kết lại như là những cành nho.

 

Mối hiệp thông của Giáo Hội lữ hành trên thế giới này với Giáo Hội khải hoàn trong vinh quang sẽ được kiên cường. Trong Kinh Tiền Tụng chúng ta sẽ loan báo rằng các vị thánh là bạn hữu và là mẫu sống cho chúng ta. Chúng ta sẽ xin các vị hãy giúp đỡ chúng ta trong việc bắt chước các vị và thực hiện việc quảng đại đáp ứng tiếng gọi thần linh như các vị đã làm. Chúng ta đặc biệt kêu xin Mẹ Maria, mẹ của Chúa Kitô và là gương soi thánh đức. Chớ gì Mẹ là vị toàn thánh làm cho chúng ta trở thành những người môn đệ trung thực của Chúa Giêsu Kitô Con Mẹ! Amen. 


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 1/11/2006

 

 

TOP

 

 

?  Ngày của Chúa - Dies Domini / Ngày của mọi ngày – Dies Dierum: Chúa Nhật, Ngày Lễ Nguyên Thủy Tỏ Hiện Ý Nghĩa của Thời Gian

 

Tông Thư Dies Domini của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tài liệu của văn khố Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/apost_letters/documents/hf_jp-ii_apl_05071998_dies-domini_en.html

 

(loạt bài về Chúa Nhật cho các Chúa Nhật kể từ Chúa Nhật 23/4/2006) 

 

Chúa Kitô là Alpha và Omega của thời gian

 

74.          “Theo Kitô Giáo, thời gian có tính cách rất quan trọng. Trong chiều kích của thời gian thế giới đã được tạo thành; trong thời gian, lịch sử cứu độ đã được tỏ hiện, lên đến tột đỉnh của mình nơi ‘thời điểm viên trọn’ của biến cố Nhập Thể, và đích điểm của thời gian là việc Con Thiên Chúa trở lại vào lúc ngày cùng tháng tận. Nơi Chúa Giêsu Kitô, Lời hóa thành nhục thể, thời gian trở thành một chiều kích của Thiên Chúa, Đấng tự mình hằng hữu” (118).

 

Theo chiều hướng của Tân Ước thì những năm tháng của cuộc đời Chúa Kitô sống trên trần gian là những gì làm nên tâm điểm của thời gian, tâm điểm này đạt tới tuyệt đỉnh của nó ở biến cố Phục Sinh. Quả thực Chúa Giêsu là Thiên Chúa đã hóa thân làm người từ chính giây phút Người được thụ thai trong lòng Đức Trinh Nữ, thế nhưng chỉ nơi biến cố Phục Sinh nhân tính của Người mới hoàn toàn được biến đổi và hiển vinh, nhờ đó mới cho thấy tất cả căn tính và vinh quang thần linh của Người. Trong bài nói tại hội đường Antioch ở Pisidia (x Acts 13:33), Thánh Phaolô đã áp dụng những lời của Thánh Vịnh 2 vào việc Phục Sinh của Chúa Kitô: ‘Con là Con Cha, hôm nay Cha đã sinh ra Con’ (câu 7). Chính vì lý do này mà, trong cuộc cử hành Đêm Vọng Phục Sinh, Giáo Hội mới tôn tụng Chúa Kitô Phục Sinh là ‘Nguyên Thủy và là Cùng Đích, là Alpha và Omega’. Đó là những lời được thốt ra từ vị cử hành khi sửa soạn cây nến Phục Sinh là cây nến mang con số của năm tháng đương thời. Những lời ấy hiển nhiên chứng thực là “Chúa Kitô là Chúa của thời gian; Người là nguyên thủy và là cùng đích của thời gian; mỗi năm, mỗi ngày và mỗi giây phút đều được gồm tóm trong cuộc Nhập Thể và Phục Sinh của Người, nên chúng thuộc về ‘thời gian viên trọn’” (119).

 

75.          Vì Chúa Nhật là Lễ Phục Sinh hằng tuần, nhắc nhở và hiện thực ngày Chúa Kitô sống lại từ trong kẻ chết, mà nó cũng là ngày cho thấy ý nghĩa của thời gian. Nó không dính dáng gì tới các chu kỳ của vũ trụ mà theo đó tôn giáo tự nhiên và văn hóa con người có khuynh hướng muốn áp đặt một cơ cấu về thời gian, đến nỗi đành phải chấp nhận cái huyền thoại về một thứ luân hồi đời đời kiếp kiếp. Ngày Chúa Nhật của Kitô Giáo hoàn toàn khác hẳn! Xuất phát từ biến cố Phục Sinh, nó cắt ngang thời gian của con người, những tháng năm, các thế kỷ, như một mũi tên định hướng nhắm tới mục tiêu của nó, đó là việc Chúa Kitô Đến Lần Thứ Hai. Ngày Chúa Nhật báo trước ngày tận cùng, ngày Parousia – ngày Chúa Kitô đến lần thứ hai, ngày mà, một cách nào đó, đã được vọng tỏa từ vinh quang của Chúa Kitô nơi biến cố Phục Sinh.

 

Thật vậy, những gì sẽ xẩy ra cho tới ngày cùng tháng tận của thế giới sẽ không còn là gì khác ngoài việc kéo dài và tỏ hiện những gì đã xẩy ra vào ngày thân xác bị dập nát của Chúa Kitô Tử Giá được phục sinh bởi quyền năng của Thần Linh và nhờ đó trở thành mạch nguồn Thần Linh cho tất cả nhân loại. Kitô hữu biết rằng không cần phải đợi chờ một thời điểm cứu độ nào khác nữa, vì, cho dù thế giới này có kéo dài đến đâu đi nữa, thì họ cũng đã sống trong những thời sau hết. Chẳng những Giáo Hội mà còn cả chính vũ trụ cùng lịch sử cũng liên lỉ được cai trị và quản trị bởi Chúa Kitô vinh hiển. Chính quyền năng sự sống này là những gì đẩy mạnh tạo vật, ‘đang quằn quại cho tới nay’ (Rm 8:22), hướng tới đích điểm hoàn toàn được cứu chuộc của mình. Nhân loại có thể có một trực giác mong manh về tiến trình này, thế nhưng Kitô hữu nắm được chính cái then chốt và niềm tin tưởng. Việc giữ cho Ngày Chúa Nhật thánh hảo là chứng từ quan trọng họ được kêu gọi để thực hiện, nhờ đó, hết mọi giai đoạn của lịch sử loài người được thăng hoa trong hy vọng.

 

(còn tiếp vào mỗi Chúa Nhật) 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ