GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ BA 19/12/2006 TUẦN BÁT NHẬT TRƯỚC LỄ GIÁNG SINH |
? ĐTC Gioan Phaolô II Chiêm Ngưỡng Mầu Nhiệm Nhập Thể Giáng Sinh: Chúa Kitô "trở nên một người trong chúng ta"
? Thành công trong mục tiêu đại kết với Giáo Hội Chính Thống Constantinople Thổ Nhĩ Kỳ: 3) Tương lai: Nhu cầu đại kết khẩn trương cho sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội Chúa Kitô
? "ĐGH cảm thấy cần phải có sự đối thoại giữa Kitô giáo và Hồi giáo ở mức độ văn hoá và tôn giáo"
ĐTC Gioan Phaolô II Chiêm Ngưỡng Mầu Nhiệm Nhập Thể Giáng Sinh: Chúa Kitô "trở nên một người trong chúng ta"
(Tông Thư Tiến Đến Ngàn Năm Thứ Ba)
Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, tuyển dịch
4- Chúa Kitô, đấng cứu chuộc thế giới, là trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. nên không có một danh hiệu nào khác ở dưới gầm trời này có thể cứu được chúng ta (x.Acts 4:12). Như chúng ta đọc thấy trong Thư gửi cho các tín hữu Êphêsô: "Nơi Đức Kitô, chúng ta nhờ máu của Người mà được ơn cứu chuộc, được ơn tha thứ những lỗi phạm của mình, theo ân sủng dồi dào Thiên Chúa tuôn đổ xuống trên chúng ta. Vì Thiên Chúa đã tỏ cho chúng ta, bằng tất cả khôn ngoan và sáng suốt... mục đích của Ngài đã phác họa nơi Chúa Kitô một dự án cho thời điểm viên trọn, mục đích đó là hiệp nhất tất cả trong Người, những sự trên trời cùng những sự dưới đất" (1:7-10). Vì thế, Chúa Kitô, Ngôi Con là một với Chúa Cha, là Đấng mạc khải dự án của Thiên Chúa cho tất cả mọi tạo vật, đặc biệt là cho con người. Theo một câu đáng nhớ của Công Đồng Chung Vaticanô II thì Chúa Kitô "hoàn toàn tỏ cho con người biết về chính con người và làm sáng tỏ ơn gọi cao trọng của họ" (hiến chế Gaudium et Spes, đoạn 22). Người tỏ cho chúng ta ơn gọi này bằng việc mạc khải mầu nhiệm về Cha và về tình yêu của Cha.
5- Việc "trở nên một người trong chúng ta" (hiến chế Vui Mừng Và Hy Vọng, đoạn 22) nơi phần của Con Thiên Chúa đã xẩy ra hết sức khiêm hèn, nên không lạ gì các sử gia đời, chỉ chú trọng vào những biến cố náo động và những nhân vật danh tiếng, đã lấy Người, cho dù có quan trọng, cũng chỉ là những viện dẫn (references) mà thôi. Những viện dẫn về Chúa Kitô được tìm thấy trong "Các Truyện Cổ Về Dân Do Thái", một tác phẩm do sử gia Flavius Josephus tổng hợp ở Rôma vào giữa những năm 93 và 94, và nhất là trong "Annals" của Tacitus, được viết vào giữa những năm 115 và 120, một tài liệu mà khi tường thuật lại vụ thành Rôma bị cháy năm 64, Nêrô đã tưởng lầm là do những người Kitô giáo làm, nhà viết sử đã tỏ tường dẫn chứng về Chúa Kitô "bị hành xử theo lệnh của quan tổng trấn Phongxiô Philatô trong triều đại Tibêriô". Cả Suetonius nữa, trong cuốn truyện viết quãng năm 121 về đời của hoàng đế Claudiô, cho chúng ta biết rằng, những người Do Thái bị đuổi khỏi thành Rôma vì "họ thường gây nên những cuộc phiến loạn theo xúi giục của một số Chrestus" (Vita Claudii 25:4). Đoạn văn này thường được cắt nghĩa như ám chỉ về Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã trở nên căn nguyên tranh cãi trong những cộng đồng Do Thái ở Rôma. Việc phát triển nhanh chóng của Kitô giáo cũng là một chứng cớ quan trọng, như đã được Tiểu Pliny, vị tổng trấn ở Bithynia, tường trình cho hoàng đế Trajan, vào giữa những năm 111 và 113, về tình hình có một số đông dân chúng thường hay tụ họp nhau "vào một ngày ấn định, trước hừng đông, để luân phiên hát thánh ca chúc tụng Đức Kitô như là một vị Thiên Chúa" (Epist.10:96).
Thế nhưng, biến cố vĩ đại mà những sử gia ngoài Kitô giáo chỉ đề cập đến qua loa ấy lại có một tầm vóc hết sức quan trọng nơi những bản văn của Tân Ước. Những bản văn này, cho dù có là những văn kiện về đức tin đi nữa, nếu chúng ta để ý đến mối iên hệ toàn diện của chúng, thì chúng cũng là những chứng cớ lịch sử không phải không đáng tin. Đức Kitô, Thiên Chúa thật và là người thật, Chúa của vũ trụ, cũng là Chúa của lịch sử, một lịch sử mà Người là "Alpha và Omega" (Rev.1:8;21:6), là "nguyên thủy và là cùng đích" (Rev.21:6). Nơi Người, Chúa Cha đã nói lên một lời thực sự về con người và về lịch sử của họ. Lời này được diễn tả một cách tóm gọn và hùng hồn qua Bức Thư gửi cho giáo đoàn Do Thái: "Bằng nhiều thể nhiều cách, xưa kia Thiên Chúa đã nói với cha ông chúng ta nhờ các tiên tri; thế nhưng, trong những ngày sau hết này, Ngài đã nói với chúng ta qua Người Con" (Heb.1:1-2).
(còn tiếp)
Thành công trong mục tiêu đại kết với Giáo Hội Chính Thống Constantinople Thổ Nhĩ Kỳ: 3) Tương lai: Nhu cầu đại kết khẩn trương cho sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội Chúa Kitô
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, nhận định, tổng hợp và tuyển dịch
(tiếp theo)
3) Tương lai: Nhu cầu đại kết khẩn trương cho sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội Chúa Kitô
“Hai anh em Simon cũng là Phêrô và Anrê là những người đánh cá được Chúa Giêsu kêu gọi trở thành những tay đánh cá người. Chúa Kitô Phục Sinh, trước khi Thăng Thiên, đã sai họ ra đi cùng với các Tông Đồ khác với sứ vụ làm cho tất cả mọi quốc gia thành môn đệ của Người, rửa tội cho họ và truyền dạy giáo huấn của Người (x Mt 28:19ff; Lk 24:27; Acts 1:8).
“Trách nhiệm được hai người anh em thánh là Phêrô và Anrê này lưu lại cho chúng ta còn xa chỗ hoàn trọn. Trái lại, ngày nay nó lại trở nên khẩn trương và cần thiết hơn nữa. Vì nó hướng tới chẳng những các nền văn hóa mới chỉ được sứ điệp Phúc Âm chạm tới một cách hời hợt, mà còn tới cả những nền văn hóa Âu Châu lâu đời được sâu xa bắt nguồn vào truyền thống Kitô Giáo. Tiến trình tục hóa đã làm yếu kém đi việc nắm giữ truyền thống ấy; thật vậy, nó đang được xét lại, thậm chí bị loại trừ nữa. Trước thực tại này, chúng ta được kêu gọi, cùng với tất cả mọi cộng đồng Kitô hữu khác, canh tân ý thức của Âu Châu về các gốc gác Kitô Giáo của nó, những truyền thống và các giá trị Kitô Giáo của nó, cống hiến cho chúng một sức sống mới.
“Các nỗ lực của chúng ta trong việc thiết lập các thắt buộc chặt chẽ hơn giữa Giáo Hội Công Giáo và Chư Giáo Hội Chính Thống Giáo là một phần thuộc công cuộc truyền giáo này. Những thứ chia rẽ diễn ra nơi thành phần Kitô hữu là một gương mù đối với thế giới và là một ngãng trở cho việc loan truyền Phúc Âm. Vào lúc áp cuộc khổ nạn và tử nạn của mình, Chúa Kitô, có môn đệ chung quanh, đã thiết tha nguyện cầu cho tất cả được nên một, để thế gian nhận biết (x Jn 17:21). Chỉ nhờ mối hiệp thông huynh đệ giữa các Kitô hữu và qua tình yêu thương nhau của họ sứ điệp về tình yêu Thiên Chúa đối với mỗi và mọi con người nam nữ mới trở thành uy tín. Bất cứ ai thoáng nhìn một cách thực tế vào thế giới Kitô Giáo ngày nay sẽ thấy được cái khẩn tương của thứ chứng từ ấy”. (2)
“Là những Mục Tử, trước hết chúng tôi suy nghĩ về sứ vụ loan báo Phúc Âm trong thế giới ngày nay. Sứ vụ này, ‘Các con hãy đi tuyển mộ các môn đồ ở tất cả mọi dân nước’ (Mt 28:19), ngày nay là những gì hợp thời và khẩn thiết hơn bao giờ hết, ngay cả nơi các quốc gia Kitô Giáo truyền thống. Ngoài ra, chúng tôi không thể nào không lưu ý tới việc gia tăng tình trạng tục hóa, chủ nghĩa tương đối, thậm chí chủ nghĩa tuyệt mệnh, nhất là ở thế giới Tây phương. Tất cả những thứ ấy đòi hỏi một cuộc loan báo Phúc Âm một cách mới mẻ và mãnh liệt, một cuộc loan báo được thích ứng với các nền văn hóa của thời đại chúng ta. Các truyền thống của chúng ta cho chúng ta thấy cả một gia sản cần phải được liên tục chia sẻ, bàn luận và dẫn giải một cách mới mẻ. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải củng cố việc hợp tác của chúng ta và việc cùng làm chứng trước thế giới….” (3)
(còn tiếp)
"ĐGH cảm thấy cần phải có sự đối thoại giữa Kitô giáo và Hồi giáo ở mức độ văn hoá và tôn giáo"
Phỏng vấn Cha Justo Lacunza Balda
Roma, 19.11.2006 - Thổ nhĩ kỳ là một cộng hoà phi tôn giáo, nơi đạo Hồi có một vai trò quan trọng trong bản sắc của người dân, đó là ý kiến của một học giả chủ trương rằng không có lý do gì quốc gia này nên gia nhập Liên hiệp Âu châu.
Cha Justo Lacunza Balda, thuộc tu hội Truyền giáo Châu Phi, là giáo sư tại Học viện Giáo Hoàng về Ả rập và Hồi giáo học (PISAI), nơi mà ngài đã làm hiệu trưởng từ năm 2000 đến 2006.
Ngài có bằng cử nhân trong khoa tiếng Ả rập và Hồi giáo học từ PISAI, và bằng tiến sĩ về ngôn ngữ và văn hoá Châu Phi từ trường Đại học London, khoa Đông phương và Châu Phi học.
Cha Lacunza đã trao đổi với ZENIT về các con đường mà ngài cho rằng ĐGH Benedictô đang theo đuổi trong cuộc đối thoại với Hồi giáo.
Hỏi: ĐGH một vài ngày nữa sẽ đến thăm viếng Thổ nhĩ kỳ, việc này đang gây ra nhiều mong đợi. Tại sao đây là một chuyến đi khó khăn?
Cha Lacunza: Thổ nhĩ kỳ là một cộng hoà phi tôn giáo, dân chủ và thế tục. Quốc gia không có tôn giáo chính thức, nhưng ta không thể quên rằng đa số người dân tại Thổ nhĩ kỳ là Hồi giáo.
Vì thế, mối quan hệ với Giáo hội Công giáo có vai trò đối với phần đa số người dân là Hồi giáo, và điều này khó khăn nhìn từ góc độ người Kitô giáo thiểu số, tự do tôn giáo và hoạt động mục vụ.
Đây là một chuyến đi khó khăn vì đây là khoảnh khắc quan trọng đối với việc Thổ nhĩ kỳ gia nhập vào Cộng đồng Âu châu.
Bản thân tôi không hiểu tại sao Thổ nhĩ kỳ nên trở thành một thành phần của Liên Hiệp Âu châu. Nếu nhìn tình hình địa lý là đủ để nhận ra điều này. Phải chăng chúng ta đã quên rằng Thổ nhĩ kỳ có ranh giới giáp các quốc gia Iran, Iraq và Syria?
Tâm điểm của vấn đề là các trở ngại phải được phân tích từng điểm một, chứ không thể nêu lên một cách thẳng thắn: "Đúng, Thổ nhĩ kỳ là một phần của Âu châu".
Việc Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan sẽ không đón tiếp ĐGH là một sự kiên quan trọng sẽ không giúp củng cố mối quan hệ giữa Toà thánh và Thổ nhĩ kỳ.
Hỏi: Thổ nhĩ kỳ khẳng định rằng họ tôn trọng nhân quyền. Điều này có thực không?
Cha Lacunza: Mọi điều nằm ở việc 'nhân quyền' được thông hiểu như thế nào. Nếu ai đó phải bảo vệ Thổ nhĩ kỳ bằng mọi giá -- và điều này ngăn cản không cho người dân tự do thay đổi tôn giáo -- thì thực ra có vấn đề nghiêm trọng liên quan đến nhân quyền và tự do.
Nếu cụm từ 'Thổ nhĩ kỳ' được đồng nghĩa với Hồi giáo thì con đường vẫn còn dài. Ta phải nhìn xem thành phần Kitô giáo thiểu số có cảm thấy tự do hay không. Khái niệm về một chính quyền Hồi giáo tại Thổ nhĩ kỳ chưa hề bị loại trừ khỏi các luồng suy nghĩ Hồi giáo.
Hỏi: Là một học giả về Hồi giáo, cha có nghĩ rằng ĐGH Benedictô XVI đang có những bước đi quan trọng trong cuộc đối thoại với Hồi giáo?
Cha Lacunza: Tôi tin rằng ĐGH cảm thấy cần phải có sự đối thoại giữa Kitô giáo và Hồi giáo ở mức độ văn hoá và tôn giáo.
Ngài đã khẳng định điều này trong bài diễn văn tại Cologne vào tháng 8, 2006 trong chuyến đi Đức vào dịp Đại hội giới trẻ Thế giới, lúc ấy ngài đã trao đổi với các đại diện Hồi giáo. ĐGH Benedictô đã khẳng định điều này vào một số dịp khác nhau.
Theo ý kiến của tôi, ĐGH đang theo đuổi ba con đường, với một mục đích chung: làm cho chính ngài trở nên người mang sứ mệnh của Giáo hội đến toàn thế giới. Nhìn ở một góc độ nào đó, đây là sự tiếp diễn của sứ mệnh tông đồ của vị tiền nhiệm là ĐGH Gioan Phaolô II.
Bước đầu tiên là áp dụng hai khía cạnh 'đức tin và lý luận' vào cuộc đối thoại liên tôn và liên văn hoá, đặc biệt trong mối quan hệ với Hồi giáo, là giới xem ra mang thái độ khó khăn và xung đột nhất.
Thách đố này được hướng đến tất cả người Công giáo, các vị giám mục và các tổ chức giáo hội. Sự đối thoại không phải được phát minh phi lợi ích, kiến thức và sự học hỏi. Tuy nhiên, hành động của ĐGH Benedictô XVI cũng hướng đến các tổ chức chính trị có xu hướng gạt tôn giáo qua một bên, bóp nghẹt niềm tin của tín đồ, và tuyên truyền ý tưởng cho rằng đức tin là điều chỉ có trong quá khứ. Thái độ khả nghi trong giới tôn giáo là một bệnh ung thu nguy hiểm của thời đại chúng ta.
Bước thứ hai là xây dựng bản sắc tôn giáo cho người Công giáo một cách khôn ngoan và bảo vệ nó một cách thông minh.
Việc người Công giáo nhận thức được như thế nào là một người tín đồ Kitô giáo rất quan trọng. Điều này đòi hỏi sự giáo dục, giáo lý, và niềm tin tiến triễn. Đây là cách duy nhất để người Công giáo chuẩn bị để đối thoại liên tôn và liên văn hoá.
Việc thứ hai rất gian khổ và khó khăn nếu bản sắc tôn giáo của người Công giáo bị lưỡng lự và thiếu chắc chắn. Nếu niềm tin bị thu hẹp thành một lớp véc ni bóng loáng, mọi việc đối thoại sẽ bao gồm sự sợ hãi, thành kiến, và xung đột.
Bước thứ ba là phải đặt ngón tay vào vết thương và khẳng định một cách tuyệt đối rằng những người bào chữa niềm tin không thể sử dụng bạo hành để biện hộ cho hành động của mình. Trong sự liên hợp này, tự do ngôn luận phải chiếm vị trí chính yếu trong mọi hình thức đối thoại liên tôn và liên văn hoá.
Bài diễn văn tại Regensburg, bản thân nó không phải là bài nói về Hồi giáo, đã gây nên giông bão với những chỉ trích, phản đối và tranh cãi trong lẫn ngoài Giáo hội. Điều này có nghĩa con đường vẫn còn dài, và các tiếng nói không phải lúc nào cũng hài hòa.
Rev Lê Ngọc Đức Phúc, SVD, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 19/11/2006