GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 21/12/2006

 TUẦN BÁT NHẬT TRƯỚC LỄ GIÁNG SINH

 

?  ĐTC Gioan Phaolô II Chiêm Ngưỡng Mầu Nhiệm Nhập Thể Giáng Sinh: “Nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa chẳng những nói với loài người mà còn tìm kiếm họ nữa”

?  Thành công trong mục tiêu đại kết với Giáo Hội Chính Thống Constantinople Thổ Nhĩ Kỳ: 5) Quá khứ & Tương lai: Số phận hạt lúa miến của Giáo Hội Rome - Constantinople

?  i thuyết trình tại Đại Học Regensburg của ĐGH Bênêđictô XVI được bình chọn là “Diễn Văn Của Năm 2006“ tại Đức quốc

 

 

 

? ĐTC Gioan Phaolô II Chiêm Ngưỡng Mầu Nhiệm Nhập Thể Giáng Sinh: “Nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa chẳng những nói với loài người mà còn tìm kiếm họ nữa”

 

(Tông Thư Tiến Đến Ngàn Năm Thứ Ba)

 

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, tuyển dịch

 

7- Nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa chẳng những nói với loài người mà còn tìm kiếm họ nữa. Việc Con Thiên Chúa nhập thể chứng tỏ là Thiên Chúa đi tìm kiếm con người. Chúa Giêsu nói về việc tìm kiếm này như tìm kiếm một con chiên lạc đàn (x.Lk.15:1-7). Đó là một cuộc tìm kiếm mà khởi điểm bắt đầu từ cõi lòng của Thiên Chúa và đích điểm ở nơi việc nhập thể của Ngôi Lời. Nếu Thiên Chúa đi tìm con người, loài được dựng nên theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài, là vì đời đời Ngài yêu thương họ nơi Ngôi Lời, và trong Đức Kitô Ngài muốn nâng họ lên danh phận làm một người con được thừa nhận. Thế nên, Thiên Chúa đi tìm kiếm con người là sở hữu đặc biệt của Ngài bằng một đường lối không giống như các tạo vật khác. Con người là sở hữu của Thiên Chúa bởi việc yêu thương chọn lựa: Thiên Chúa tìm kiếm con người theo tấm lòng hiền phụ rung cảm của mình.

 

Tại sao Thiên Chúa lại tìm kiếm con người? Là vì con người đã bỏ Ngài mà đi, ẩn mình đi như Adong đã làm trong Vườn Địa Đàng (x.Gn.3:8-10). Con người đã để cho mình bị kẻ thù của Thiên Chúa (x.Gn.3:13) làm lạc hướng. Satan đã đánh lừa con người, làm cho con người tin rằng họ cũng là một thần linh, như Thiên Chúa, họ có khả năng biết lành biết dữ, cai trị thế giới theo ý mình mà không cần phải căn cứ vào ý muốn thần linh (x.Gn.3:5). Đi tìm kiếm con người qua Con của mình như thế là Thiên Chúa muốn chinh phục con người, để họ rời bỏ những đường nẻo gian ác đã dẫn họ càng ngày càng đi sai lạc. "Làm cho họ rời bỏ" những đường nẻo này nghĩa là làm cho họ hiểu được rằng họ đang đi sai đường lạc hướng; nghĩa là chế ngự sự dữ ở bất cứ giai đoạn nào trong lịch sử loài người. Chế ngự sự dữ: đó là ý nghĩa của việc cứu chuộc. Điều này đã được thực hiện nơi việc hy sinh của Đức Kitô, nhờ đó loài người được cứu cho khỏi nợ nần tội lỗi và được hòa giải cùng Thiên Chúa. Con Thiên Chúa đã làm người, nhận lấy một thân xác và một linh hồn trong cung lòng một Trinh Nữ, chính vì: để trở nên một hy tế cứu độ hoàn hảo. Tôn giáo của mầu nhiệm Nhập Thể là một tôn giáo của ơn cứu thế, nhờ hiến tế của Đức Kitô, một hiến tế chiến thắng sự dữ, tội lỗi và chính sự chết. Chấp nhận cái chết trên thập giá là Đức Kitô cùng một lúc vừa tỏ bày sự sống vừa thông ban sự sống, vì Người đã sống lại và sự chết không còn làm gì được Người nữa.

(còn tiếp) 

TOP

 

 

?  Thành công trong mục tiêu đại kết với Giáo Hội Chính Thống Constantinople Thổ Nhĩ Kỳ: 5) Quá khứ & Tương lai: Số phận hạt lúa miến của Giáo Hội Rome - Constantinople

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, nhận định, tổng hợp và tuyển dịch 

(tiếp theo)

5) Quá kh & Tương lai: Số phận hạt lúa miến của Giáo Hội Rome - Constantinople

“Bài học về hạt lúa miến chết đi để trổ sinh hoa trái cũng có một ý nghĩa tương tự nơi cuộc đời của Thánh Anrê. Truyền thống cho chúng ta biết rằng ngài đã theo cùng một số phận như Chúa của ngài và Thày của ngài, kết thúc những ngày sống của mình ở Patras, Hy Lạp. Như Thánh Phêrô, ngài đã chịu tử đạo trên một cây thập tự giá, một câu thập tự giá chéo được chúng ta tôn kính ngày nay như cây thập giá của Thánh Anrê. Từ gương của ngài, chúng ta học được là con đường của mỗi một Kitô hữu, như con đường của cả Giáo Hội, là con đường dẫn tới sự sống mới, sự sống đời đời, nhờ việc bắt chước Chúa Kitô và cảm nghiệm được thánh giá của Người.

“Theo giòng lịch sử, cả hai Giáo Hội Rome và Giáo Hội Constantinople đều cảm nghiệm được bài học của hạt lúa miến này. Cùng nhau chúng ta tôn kính nhiều vị tử đạo giống nhau, những vị mà máu của các ngài, theo câu nói nổi tiếng của giáo phụ Tertullian, đã trở thành hạt giống cho thành phần tân Kitô hữu ("Apologeticum," 50, 13). Với các vị ấy, chúng ta chia sẻ cùng một niềm hy vọng thúc đẩy Giáo Hội ‘tiến bước , như một kẻ lạ mặt trên miền đất ngoại bang, giữa những bách hại của thế giới lẫn các niềm ủi an của Thiên Chúa’ ("Lumen Gentium," 8, cf. Saint Augustine, "De Civ. Dei," XVIII, 51, 2). Về phần mình, thế kỷ vừa kết thúc cũng đã chứng kiến thấy những chứng nhân can trường cho đức tin, ở cả Đông lẫn Tây. Thậm chi cho đến giờ đây, có nhiều nhân chứng như thế ở các phần đất khác nhau trên thế giới. Chúng ta nhớ đến họ trong lời nguyện cầu của chúng ta, và bằng bất cứ cánh nào có thể, chúng ta tỏ ra ủng hộ họ, khi chúng ta tha thiết xin tất cả mọi nhà lãnh đạo trên thế giới hãy tôn trọng quyền tự do tôn giáo như là một quyền lợi nồng cốt của con người” (2).

Trong cuộc phỏng vấn với tờ nhật báo Ý quốc là Avvenire ngay sau khi kết thúc lễ nghi đại kết giữa hai vị lãnh đạo hai Giáo Hội, Đức Thượng Phụ Chính Thống Toàn Cầu Bartholomew I đã cho biết là chuyến viếng thăm của ĐTC có một “giá trị khôn lường trong tiến trình hòa giải”, và vị giáo chủ Chính Thống Giáo này còn cho biết rằng ngài đã đề nghị một điều không ngờ về đại kết với Đức Thánh Cha, như sau:

 

“Trước hết, tôi phải nói rằng tôi thực sự cám ơn Đức Thánh Cha về chuyến viếng thăm của ngài vào ngày lễ Thánh Anrê. Nó thực sự là một bước tiến rất quan trọng trong mối liên hệ của chúng ta, và đã được thực hiện trong bối cảnh của một cuộc hành trình nói chung góp phần vào vấn đề đối thoại liên tôn theo tôi nghĩ thật là quan trọng…

 

“Tôi có thể thực sự nói rằng ngày Thứ Năm đây chúng tôi đã sống như là một ngày lịch sử dưới nhiều khía cạnh. Lịch sử vì cuộc đối thoại đại kết và, như chúng ta đã thấy vào buổi chiều, lịch sử vì mối liên hệ giữa các nền văn hóa và tôn giáo. Dĩ nhiên vì tất cả những lý do ấy nó cũng lịch sử đối với xứ sở của chúng tôi nữa….

 

“Tôi đã nói với Đức Thánh Cha về một điều – một điều chúng tôi có thể thực hiện. Tôi đã trình bày với ngài một dự án mà hiện nay tôi không thể nào nói rõ hơn, vì chúng tôi đang đợi ngài chính thức trả lời, thế nhưng tôi có thể nói rằng Đức Thánh Cha rất hào hứng và ngài tiếp nhận nó một cách nhiệt tình.

 

“Chúng tôi hy vọng nó có thể được thực hiện vì nó hướng đến việc tiến bộ đại kết, một sự tiến bộ, như chúng tôi đã khẳng định và viết trong bản tuyên ngôn chung, cả hai chúng tôi đều quyết tâm theo đuổi.


”Hiệp nhất là một trách nhiệm cao quí, thế nhưng đồng thời lại là một trách nhiệm khó khăn cần phải được lãnh nhận nếu nó không được chia sẻ giữa anh em với nhau. Lịch sử của ngàn năm qua là một thứ ‘ký ức’ đau thương về thực tại này.

 

“Chúng tôi mạnh mẽ tin tưởng rằng chuyến viếng thăm của Giáo Hoàng Biển Đức XVI  có một giá trị khôn lường cho tiến trình hòa giải ấy, vì ngoài ra nó đã diễn ra ở một thời điểm khó khăn và trong những hoàn cảnh rất tế nhị như thế.

 

“Chắc chắn, với ơn Chúa giúp, chúng tôi được có cơ hội để thực hiện những bước tiến thiện ích trong tiến trình hòa giải nơi hai Giáo Hội của chúng tôi. Và có lẽ, nhờ ơn Chúa giúp, chúng tôi sẽ có cơ hội để thắng vượt một số những chướng ngại về sự không hiểu biết đầy đủ nơi các tín đồ thuộc các tôn giáo khác, đặc biệt là giữa tín đồ Kitô Giáo và tín đồ Hồi Giáo”.

 

TOP

 

 

?  i thuyết trình tại Đại Học Regensburg của ĐGH Bênêđictô XVI được bình chọn là “Diễn Văn Của Năm 2006“ tại Đức quốc

  

Đức quốc - Tübingen, 18.12.2006 - Đại học Tübingen tại miền Nam Đức thuộc phân khoa Hùng Biện đã bình chọn bài thuyết trình của ĐGH Bênêđictô XVI - dịp ngài trở về thăm cố hương - tại giảng đường đại học Regensburg vào ngày 12.9.2006 là “Diễn Văn Của Năm 2006“ tại Đức quốc. Đại học Tübingen đã nêu lý do và đánh giá bài thuyết trình là „tác phẩm xuất chúng“ (Meisterhaft Komponierte Rede) nói về mối quan hệ của đức tin và lý trí. Theo phân khoa này thi đó chính là câu trả lời đúng nhất được đặt trên nền tảng tôn giáo cho xã hội thời nay.

 

Tiếng vọng của bài thuyết giảng này đã trở thành bài học nổi danh cho toàn cầu và trong những tháng vừa qua hàng triệu độc giả đã tìm đọc bài thuyết trình của Đức Giáo Hoàng trong những trang Internet.

 

Điều đáng tiếc đã xảy ra trong giới Hồi giáo, vì trước khi hiểu được cặn kẽ về nội dung, khối Hồi Giáo đã cuồng tín biểu tình gây bạo động và còn đưa đến án mạng cho những người tu sĩ nam nữ công giáo tại các nước Hồi Giáo. Thí dụ điển hình cho sự cuồng tín này, nhà chính trị lớn của Thổ, ông Ali Bardakoglu, vụ trưởng tôn giáo vụ Thổ Nhĩ Kỳ đã lên truyền hình quốc gia tuyên truyền rằng ĐGH Bênêđictô XVI đã xúc phạm đến Hồi Giáo và phải xin lỗi. Ông ta cũng gián tiếp cho biết không muốn đón tiếp ĐGH vào dịp thăm viếng Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 11. Điều trớ trêu sau này được báo chí Thổ tiết lộ cho biết là ông Ali Bardakoglu chưa đọc bài thuyết trình này, khi tuyên truyền vô căn cớ như thế trước công luận. Cho nên, cũng thật dễ hiểu khi khối đông Hồi giáo cực đoan không có phương tiện theo dõi thông tin, xuống đường biểu tình rầm rộ và điên cuồng ngay cả trước khi bài thuyết trình được dịch sang ngôn ngữ của họ.

 

Trong bài thuyết trình ngày 12.9.2006, Đức Giáo Hoàng đã trích dẫn lời văn của hoàng đế Byzantiner là Manuel II Paleologus trong một cuộc tranh luận giữa vị hoàng đế này với một học giả Ba Tư vào thế kỷ XIV: “Hãy chỉ cho tôi thấy Mohamed đã mang lại điều gì mới, và ở đó bạn chỉ thấy toàn là sự dữ và phi nhân bản, chẳng hạn như lệnh truyền của ông ta là phải dùng gươm giáo để truyền bá niềm tin ông ta đã rao giảng”.

 

Giới Hồi giáo tại Thổ vẫn mong đợi một lời xin lỗi của Đức Giáo Hoàng, khi ngài thăm nước Thổ vào tháng 11.2006, nhưng ngài đã không phát biểu gì về vấn đề này, vì ngài đã nói một lần tại Rôma vào ngày 17.9.2006: “Tôi rất tiếc vì những phản ứng tại một vài quốc gia về một vài đoạn trong bài thuyết trình của tôi tại Đại Học Regensburg, (vì những hiểu lầm) mà đã bị xem là xúc phạm đến tình cảm của những người Hồi Giáo”. Tuy nhiên, những ngày tại Thổ, giới nhận định báo chí thay đổi ngay thái độ và khen ngợi về tính khiêm nhường, sự lắng nghe, tâm tình cầu nguyện của ĐGH Bênêđictô XVI trong đền thờ Hồi giáo. Thí dụ, với tựa đề lớn trên trang báo hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ, tờ Hurriyet đã gọi ngài là “Vị Giáo Hoàng khả ái”, hoặc có tờ báo dùng luôn tiếng Ý chào đón ngài: “Ben Venuto“ (Nhiệt liệt chào mừng).

 

Bằng phương cách đối thoại chân thành, cộng với một chút tế nhị khôn khéo ĐGH Bênêđictô XVI đã chiếm lại được cảm tình của giới Hồi giáo ngay trong lò lửa của Hồi giáo. Bài thuyết trình tại Đại Học Regensburg của ĐGH Bênêđictô XVI đã được chọn là „Diễn Văn Của Năm 2006“ tại Đức quốc cũng là một sự chứng minh rất chân thực – tuy đã rất trễ - cho sự nhận định đúng của ĐGH Bênêđictô XVI về tình hình tôn giáo thế giới ngày nay.

 

Lm. Paul Phạm Văn Tuấn

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ