GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ BẢY 2/12/2006 TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN |
? ĐTC Biển Đức XVI Tông Du Thổ Nhĩ Kỳ (28/11-1/12/2006): 29/11 – Bài Giảng Thánh Lễ cử hành trước Đền Thánh Meryem Ana Evi (Nhà Mẹ Maria) gần Ephêsô
? Vị Trí Ngôi Nhà của Đức Mẹ ở Êphêsô Thổ Nhĩ Kỳ
? ĐTC Biển Đức XVI Tông Du Thổ Nhĩ Kỳ (28/11-1/12/2006): 1/12 – Những lời ngài tạ từ Thổ Nhĩ Kỳ và một số vị nhận định về chuyến tông du
"Trong việc cử hành Thánh Thể này, chúng ta chúc tụng Chúa về vai trò thiên mẫu của Mẹ Maria, một mầu nhiệm được long trọng tuyên xưng và công bố ở Êphêsô tại Công Đồng Chung Êphêsô năm 431"
ĐTC Biển Đức XVI Tông Du Thổ Nhĩ Kỳ (28/11-1/12/2006): 29/11 – Bài Giảng Thánh Lễ cử hành trước Đền Thánh Meryem Ana Evi (Nhà Mẹ Maria) gần Ephêsô
Anh Chị Em thân mến,
Trong việc cử hành Thánh Thể này, chúng ta chúc tụng Chúa về vai trò thiên mẫu của Mẹ Maria, một mầu nhiệm được long trọng tuyên xưng và công bố ở Êphêsô tại Công Đồng Chung Êphêsô năm 431. Các vị tiền nhiệm khả kính của tôi là hai Người Tôi Tớ Chúa Phaolô VI và Gioan Phaolô II đã đến nơi rất thân thương với cộng đồng Kitô Giáo này, như là những người hành hương; Đức Gioan Phaolô II đã đến viếng Đần Thánh này vào ngày 30/11/1979, hơn một năm chút xíu sau khi mở màn cho giáo triều của ngài. Một vị khác trong các vị tiền nhiệm của tôi đã ở nơi xứ sở này không phải với tư cách là Giáo Hoàng mà là Đại Diện Giáo Hoàng, từ tháng Giêng 1935 đến tháng Chạp 1944, đó là Chân Phước Gioan XXIII, Angelo Roncalli, một vị vẫn còn được hết lòng mộ mến. Ngài đã tỏ ra hết sức quí mến và ca ngợi nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ. Đến đây tôi xin trích lại một đoạn trong Nhật Ký về Một Linh Hồn của ngài: ‘Tôi yêu mến dân Thổ; tôi cảm nhận được những phẩm chất tự nhiên của những con người đã chiếm được chỗ đứng trong cuộc hành trình của nền văn minh’ (pp. 233-4). Ngài cũng đã lưu lại cho Giáo Hội cũng như cho thế giới di sản của tính chất lạc quan Kitô Giáo của ngài, một tính cách lạc quan được bắt nguồn từ đức tin sâu xa và từ mối hiệp nhất liên lỉ với Thiên Chúa. Trong cùng một tinh thần ấy, tôi hướng về quốc gia này, nhất là về ‘đàn nhỏ’ này của Chúa Kitô đang sống giữa quốc gia đây, để cống hiến tiếng nói phấn khích và để bộc lộ lòng cảm mến của toàn thể Giáo Hội. Với hết tình yêu mến, tôi gửi lời chào đến tất cả anh chị em đang hiện diện nơi đây, thành phần tín hữu ở Izmir, Mersin, Iskenderun và Antakia, cùng những người khác ở các phần đất trên thế giới, cũng như những ai không thể tham dự vào việc cử hành này song liên kết với chúng ta trong tinh thần. Tôi đặc biệt chào Đức Tổng Giám Mục Ruggero Franceschini TGP Izmir, TGM Giuseppe Bernardine, TGM hưu trí ở Izmir, Đức Giám Mục Luigi Padovese, các linh mục và tu sĩ. Xin cám ơn việc anh chị em hiện diện, chứng từ của anh chị em, và việc anh chị em phục vụ cho Giáo Hội ở mảnh đất phúc đức này, nơi mà ngay từ ban đầu, cộng đồng Kitô hữu đã cảm thấy tăng trưởng mạnh mẽ, một sự kiện còn được thấy nơi đông đảo khách hành hương tới Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày này.
Mẹ Thiên Chúa – Mẹ Giáo Hội
Chúng ta đã nghe một đoạn theo Phúc Âm Thánh Gioan, một đoạn phúc âm mời chúng ta hãy chiêm ngưỡng giây phút cứu chuộc, khi mà Mẹ Maria, hiệp nhất với Con Mẹ hiến dâng hy tế của Người, đã bao trùm vai trò làm mẹ của Mẹ đối với tất cả mọi con người nam nữ, nhất là với thành phần môn đệ của Chúa Giêsu. Một chứng nhân diễm phúc của biến cố ấy là tác giả của cuốn Phúc Âm Thứ Tư là Thánh Gioan, người duy nhất trong các vị Tông Đồ ở trên đồi Golgotha với Mẹ Chúa Giêsu và những phụ nữ khác. Vai trò làm mẹ của Mẹ Maria, một vai trò được bắt đầu từ tiếng xin vâng của mình, đã được nên trọn dưới chân cây Thập Giá. Thánh Anselmô nói rằng ‘từ giây phút của tiếng xin vâng, Mẹ Maria khởi sự cưu mang tất cả chúng ta trong cung lòng của Mẹ’, nhưng ơn gọi và sứ vụ làm mẹ của Đức Trinh Nữ này đối với những ai tin tưởng vào Chúa Kitô thực sự bắt đầu khi Chúa Giêsu nói cùng Mẹ rằng: ‘Hỡi Bà, này là con bà!’ (Jn 19:26). Từ Cây Thập Giá nhìn xuống Mẹ mình và người môn đệ yêu dấu đang ở bên Mẹ, Chúa Kitô hấp hối đã thấy được những hoa trái đầu mùa của một gia đình Người đã đến để thành lập trên thế giới, mở màn cho Giáo Hội và cho một tân nhân loại. Vì lý do này Người đã nói cùng Mẹ Maria như ‘Người Nữ’ chiứ không phải như một ‘Người Mẹ’, từ ngữ Người sử dụng để trao Mẹ cho người môn đệ của mình: ‘Này là Mẹ con!’ (Jn 19:27). Như thế, Người Con Thiên Chúa đã hoàn tất sứ vụ của mình, ở chỗ, được hạ sinh bởi Vị Trinh Nữ này để chia sẻ thân phận loài người của chúng ta trong hết mọi sự ngoại trừ tội lỗi, khi trở về cùng Cha, Người đã lưu lại trên thế gian bí tích hiệp nhất loài người (x Lumen Gentium, 1): đó là một gia đình ‘được hiệp nhất bởi mối hiệp nhất của Cha, Con và Thánh Thần’ (Saint Cyprian, "De Orat. Dom.," 23: PL 4, 536), mà tâm điểm của gia đình này là mối liên kết mới giữa Người Mẹ và người môn đệ. Bởi thế mà vai trò thiên mẫu của Mẹ Maria và vai trò làm mẹ giáo hội của Mẹ là những gì liên kết bất khả phân ly.
Mẹ Thiên Chúa – Mẹ Hiệp Nhất
Bài đọc một cho thấy những gì có thể được gọi là ‘Phúc Âm’ của vị Tông Đồ Dân Ngoại, đó là tất cả mọi con người nam nữ, bao gồm cả thành phần dân ngoại, đều được kêu gọi hoàn toàn thông phần vào mầu nhiệm cứu độ trong Chúa Kitô. Đoạn văn này cũng chất chứa một diễn đạt được tôi chọn làm tâm niệm cho Chuyến Tông Du Mục Vụ của tôi, đó là “Chúa Kitô là hòa bình của chúng ta” (Eph 2:14). Đước linh ứng bởi Thánh Thần, Thánh Phaolô đã nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu Kitô chẳng những mang lại cho chúng ta bình an mà chính Người là bình an của chúng ta nữa. Rồi tah1nh nhân đã biện minh cho câu nói này của ngài bằng việc đề cập tới mầu nhiệm Thập Giá: bằng việc đổ ‘máu của Người ra’, bằng việc dâng hiến hy sinh ‘xác thịt của Người’, Chúa Giêsu đã hủy diệt hận thù ‘nơi chính bản thân mình’, và kiến tạo ‘nơi bản thân mình một con người mới duy nhất thay cho hai’ (Eph 2:14-16). Thánh Tông Đồ cắt nghĩa làm thế nào, một cách hoàn toàn không thấy trước được, niềm bình an thiên sai giờ đây đã trở thành hiện thực nơi bản thân của Chúa Kitô và nơi mầu nhiệm cứu độ của Người. Ngài đã giải thích nó bằng việc trong thời gian bị giam cầm tù ngục viết cho cộng đồng Kitô hữu sống ở đây, ở Êphêsô này: ‘cho các thánh nhân đang sống ở Êphêsô và trung thành trong Chúa Giêsu Kitô’ (Eph 1:1), như ngài nói trong lời chào thăm của Bức Thư. Vị Tông Đồ này chúc cho họ ‘ân sủng và bình an từ Thiên Chúa là là Cha của chúng ta và Chúa Giêsu Kitô’ (Eph 1:2). Ân sủng là quyền lực biến đổi con người và thế giới; bình an là hoa trái chín mùi của việc biến đổi này. Chúa Kitô là ân sủng; Chúa Kitô là bình an. Thánh Phaolô biết rằng ngài đã được sai đi để loan truyền một ‘mầu nhiệm’, một dự án thần linh mà chỉthực hiện và mạc khải nơi Chúa Kitô khi thời gian viên trọn, đó là, ‘Dân Ngoại trở thành kẻ đồng thừa tự, thành chi thể của cùng một thân thể, và là những người thông phần vào lời hứa trong Chúa Giêsu Kitô nơi Phúc Âm’ (Eph 3:6). Mầu nhiệm này đã được hoàn thành, trong lịch sử cứu độ, nơi Hội Thánh, một Dân mới mà giờ đây bức tường phân rẽ đã bị phá đổ, dân Do Thái và dân ngoại được liên kết với nhau. Như chính Chúa Kitô, Giáo Hội chẳng những là dụng cụ hiệp nhất mà còn là dấu hiệu tác dụng của Giáo Hội nữa. Và Trinh Nữ Maria, Mẹ Chúa Kitô và Mẹ Giáo Hội, là Mẹ của mầu nhiệm hiệp nhất được Chúa Kitô và Giáo Hội biểu hiệu và xây dựng, trên thế giới và qua giòng lịch sử.
Chúng ta hãy nài xin hòa bình cho Giêrusalem và cho toàn thế giới
Vị Tông Đồ Dân Ngoại nói rằng Chúa Kitô ‘đã làm cho cả hai chúng ta thành một’ (Eph 2:14): những lời này xứng hợp liên quan tới mối liên hệ giữa dân Do Thái và Dân Ngoại trong mầu nhiệm cứu độ đời đời, song những lời ấy, nếu so sánh, cũng bao gồm cả mối liên hệ giữa các dân tộc với các nền văn minh hiện nay trên thế giới. Chúa Kitô ‘đã đến để loan báo bình an’ (Eph 2:17), không chỉ giữa người Do Thái với không Do Thái, mà là giữa tất cả mọi quốc gia, vì tất cả đều có cùng nguồn gốc là Thiên Chúa, Đấng Hóa Công duy nhất và là Chúa của vũ trụ này. Được kiên cường bởi lời Chúa, từ Êphêsô đây, một thành phố được chúc phúc bởi sự hiện diện của Rất Thánh maria – vị chúng ta biết rằng được mến yêu và tôn kính bởi các tín đồ Hồi Giáo – chúng ta hãy dâng lên Chúa lời nguyện cầu đặc biệt cho hòa bình giữa các dân tộc. Từ mép của bán đảo Anatolia này, một chiếc cầu nối thiên nhiên giữa các châu lục, chúng ta hãy nài xin bình an và hòa giải, trước hết cho những ai đang cư trú nơi Mảnh Đất được gọi là ‘Thánh’ và được coi như vậy bởi cả tín hữu Kitô Giáo, Do Thái và Hồi Giáo: nó là mảnh đất của Abraham, Isaac và Giacóp, được ấn định để làm nhà của một dân tộc trở thành phúc lành cho tất cả mọi quốc gia (x Gen 12:1-3). Bình an cho tất cả nhân loại! Chớ gì lời tiên tri của Isaia sớm được nên trọn: ‘Họ sẽ biến kiếm gươm thành lưỡi cầy, và đao thương thành lưỡi liềm; quốc gia này sẽ không vung kiếm chống lại nước kia; họ không còn biết đến chiến tranh nữa’ (2:4). Tất cả chúng ta đều cần đến thứ bình an toàn cầu này; và Giáo Hội được kêu gọi chẳng những trở thành người loan báo tin mừng ngôn sứ, mà thậm chí còn hơn thế nữa, thành ‘dấu hiệu và dụng cụ’ của thứ hòa bình này. Trước bối cảnh của bình an toàn cầu ấy, niềm khát vọng được trọn vẹn hiệp thông và hòa hợp giữa tất cả mọi Kitô hữu trở thành hết sức khẩn trương hơn bao giờ hết. Hiện diện trong Thánh lễ hôm nay có tín hữu Công Giáo thuộc các lễ nghi khác nhau, và đây là lý do để hân hoan ca tụng Thiên Chúa. Những lễ nghi này, khi chúng qui tụ lại hiệp nhất và cùng làm chứng chung, đều là một biểu hiệu của một thứ đa dạng tuyệt vời để điểm tô cho vị Hiên Thê của Chúa Kitô. Về vấn đề này, mối hiệp nhất của các vị Bản Quyền thuộc Các Hội Đồng Giám Mục trong niềm hiệp thông và chia sẻ các nỗ lực mục vụ với nhau cần phải trở thành một tấm gương soi.
Ca Vịnh Ngợi Khen
Trong phụng vụ hôm nay chúng ta đã lập lại, như điệp khúc của Bài Thánh Vịnh Đáp Ca, bài ca chúc tụng được Trinh Nữ Nazarét xướng lên khi gặp bà chị luống tuổi Isave của mình (x Lk 1:39). Tâm hồn chúng ta cũng cảm thấy ủi an trước những lời của Thánh Vịnh gia: ‘tình yêu bền vững và lòng trung thành sẽ gặp nhau, công chính và bình an sẽ hôn nhau’ (85:10). Anh chị em thân mến, trong cuộc viếng thăm này, tôi muốn chuyển đạt lòng yêu thương riêng của tôi và sự gắn bó về tinh thần của tôi, cùng với của Giáo Hội hoàn vũ, với cộng đồng Kitô Giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ này, một thiểu số nhỏ bé đang phải đối diện với nhiều thách đố và khó khăn hằng ngày. Bằng niềm tin tưởng mãnh liệt, chúng ta hãy cùng với Mẹ Maria xướng lên bài ca chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa là Đấng đã thương đến phận thấp hèn tôi tớ của Ngài (x Lk 1:48). Chúng ta hãy hân hoan hát lên, thậm chí cả lúc chúng ta bị thử thách bởi những khốn khó và hiểm nguy, như chúng ta học được từ chứng từ tốt lành của vị linh mục Rôma là Don Andrea Santoro, vị tôi hãnh diện nhắc lại trong cuộc cử hành này. Mẹ Maria dạy chúng ta rằng nguồn vui của chúng ta và sự nâng đỡ chắc chắn duy nhất của chúng ta là Chúa Kitô, và Mẹ lập lại những lời của Người: ‘Đừng sợ’ (Mk 6:50), ‘Thày ở cùng các con’ (Mt 28:20). Mẹ Maria, Mẹ Giáo Hội, hộ tống chúng ta luôn mãi trên bước đường của chúng ta! Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con! Aziz Meryem Mesih’in Annesi bizim icin Dua et’. Amen.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo
http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/homilies/2006/documents/hf_ben-xvi_hom_20061129_ephesus_en.html
Vị Trí Ngôi Nhà của Đức Mẹ ở Êphêsô Thổ Nhĩ Kỳ
Trong chuyến tông du Thổ Nhĩ Kỳ, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI hôm Thứ Tư 29/11/2006 đã đến dâng Thánh Lễ tại một địa điểm được cho là Nhà của Đức Mẹ. Thật vậy, từ những thế kỷ đầu tiên, nhiều tác giả Kitô Giáo từ Đông sang Tây đều đã đề cập tới việc Thánh Gioan và Mẹ Maria ở trong thành phố Êphêsô này, nơi có tổng hành dinh của một trong bảy Giáo Hội được đề cập tới trong Sách Khải Huyền.
Thế nhưng, làm sao có thể xác quyết được nhà của Đức Mẹ. Việc tìm kiếm đã xẩy ra vào cuối thế kỷ thứ 19. Sự kiện diễn tiến như sau.
Vào ngày 29/7/1891, có hai vị linh mục người Pháp dòng Thánh Vinh Sơn, đó là cha Henry Jung và Eugène Poulin, đã chiều theo những lời yêu cầu liên tục của nữ tu Marie de Mandat-Grancey, bề trên của Dòng Nữ Tử Bác Ái làm việc tại một bệnh viện Pháp ở Izmir. Hai vị linh mục này khởi công tìm kiếm nhà của Đức Mẹ, căn cứ vào thị kiến của Chân Phước thần bí người Đức là Anna Katharina Emmerick (1774-1824).
(Biệt chú của người dịch: Nên nhớ là cuốn phim nổi tiếng “The Passion of Christ – Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô” ở Hoa Kỳ tung ra vào Mùa Chay năm 2004 cũng đã dựa truyện phim vào thị kiến của nữ chân phước này).
Trên giuờng bệnh của mình tại một làng ở Westphalia, nơi chị đã sống 12 năm cuối đời, nữ thần bí này đã nhận được những thị kiến về cuộc đời của Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Những thị kiến này đã được ghi lại và xuất bản sau khi chị chết bởi tác giả người Đức tên là Clemens Brentano.
Hai vị linh mục trên đây, trước kia là quân nhân thuộc quân đội Pháp, đã trèo lên Bulbul Dag (‘đồi nightingale’ ở Thổ Nhĩ Kỳ) là ngọn đồi vươn cao trên đồng bằng Êphêsô.
Sau nhiều nỗ lực, các vị đã tìm thấy những thứ đổ nát của một ngôi nhà gần một suối nước, cách Êphêsô mấy cây số. Ngôi nhà này dường như được sử dụng như là một nguyện đường – hoàn toàn hợp với những gì được nữ thần bí chân phước diễn tả.
Đó là ‘Panaya uc Kapoulou Monastiri’, theo như Kitô hữu Chính Thống Giáo ở vùng này đã gọi như thế, tức là ‘Đan Viện Tam Môn Panaya, Toàn Thánh’, căn cứ vào 3 vòm cung ở tiền điện. Những Kitô hữu Hy Lạp này thường đến địa điểm này để hành hương trong tuần bát nhật lệ Mẹ Maria Sinh Thì (Mary’s Dormition), 15/8.
Các vị linh mục dòng Vinh Sơn này đã thực hiện một số nghiên cứu nơi các người dân cư ở vùng này và xác định sự hiện hữu của việc tôn sùng bao thế kỷ cho rằng nơi nguyện đường đổ nát này là chỗ cư trú cuối cùng của ‘Meryem Anas’, Mẹ Maria.
Những cuộc nghiên cứu về khảo cổ học được thực hiện vào năm 1898 và 1899 đã làm sáng tỏ là trong những thứ tàn rụi ấy có các di tích của một ngôi nhà từ thế kỷ thứ nhất, cũng như có những thứ tàn rụi của một ngôi làng nhỏ được thiết dựng quanh ngôi nhà này từ thế kỷ thứ bảy.
Đức Giáo Hoàng Lêô XIII (1878-1903) tỏ ra tin tưởng vào những khám phá này và đã tái thiết lập trong Lễ Nghi Rôma một ghi chú về ngày lễ Mẹ Mông Triệu là Ephêsô có thể là nơi an nghỉ của Mẹ Maria.
Đền thánh Meryem Ana, mà mặt tiền được Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cử hành Thánh Lễ hôm Thứ Tư 29/11/2006, đã được phục hồi vào thập niên 1950. Việc chăm sóc mục vụ ở địa điểm này được trao phó cho tu sĩ dòng Capuchin Phanxicô.
Ngôi Nhà Mẹ Maria này cũng đã được hai vị Giáo Hoàng Phaolô VI và Gioan Phaolô II đến kính viếng vào những lần các ngài tông du Thổ Nhĩ Kỳ 1967 và 1797. Ngôi nhà này cũng là nơi hành hương của cả tín đồ Hồi Giáo nữa, vì Mẹ Maria được Kinh Koran của họ trình bày cho thấy như là ‘người nữ duy nhất không hề bị ma quỉ chạm tới’.
Đaminh
Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày
29/11/2006
ĐTC Biển Đức XVI Tông Du Thổ Nhĩ Kỳ (28/11-1/12/2006): 1/12 – Những lời ngài tạ từ Thổ Nhĩ Kỳ và một số vị nhận định về chuyến tông du
Sau đây là những lời lẽ tạ từ của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tại phi trường với vị đại diện chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, thống đốc hạt Istanbul là Muammer Guler, tiễn đưa ngài trở về lại Rôma:
“Tôi để lại một phần của lòng tôi ở Istanbul, ở thành phố tráng lệ này.
“Tôi tin rằng, đối với Vị Mục Tử Tối Cao của Giáo Hội Công Giáo, việc đối thoại là một nhiệm vụ. Tôi xin cám ơn Chúa đã làm hiệu cho việc đối thoại này cũng như cho việc hiểu biết hơn giữa các tôn giáo và nền văn hóa, nhất là với Hồi Giáo.
“Thổ Nhĩ Kỳ là một chiếc cầu nối giữa Á Châu và Âu Châu.
“Tôi muốn cám ơn mỗi một vị và hết mọi vị thẩm quyền đã tiếp đón tôi một cách tốt đẹp nhất có thể. Tôi để lại một phần tâm can của tôi lại Istanbul. Tôi hy vọng cái năng lực liên kết của thành phố này sẽ mãi mãi tiếp tục.
ĐTC cho biết rằng mặc dù ngài “không thể thấy hết mọi sự nơi những thứ vàng bạc là Đền Thờ Xanh và Bảo Tàng Viện Thánh Sofia, chúng cũng mãi mãi được khắc ghi vào lòng tôi. Tôi hết lòng cám ơn Istanbul.
“Nó là một cuộc viếng thăm bình thản, cũng nhờ ở việc hợp tác của dân chúng và tôi hy vọng nó sẽ mãi là một dấu hiệu của tình thân hữu giữa các dân tộc và các tôn giáo.
“Istanbul là một thành phố Âu Châu thực sự, một chiếc cầu nối giữa Tây phương và Á Châu, trong việc mang lại gần nhau những thứ cấu trúc và những thứ tổ chức”.
Được biết rằng vào năm 2010, thành phố này sẽ là thủ đô về văn hóa của Âu Châu, ngài nói: ‘Nó thực sự là xứng đáng”, và giải thích bằng một nụ cười rằng: “thành phố bản xứ của ngài đã xin được công nhận như thế nhưng không được ban tặng.
Vị đại diện chính quyền tiễn đưa ngài đã cám ơn ngài với tư cách cá nhân về “những lời phát biểu của ngài liên quan tới Hồi Giáo làm cho chúng tôi cảm thấy vui mừng sung sướng”, loại trừ đi “quá nhiều những giải thích xấu xa tệ hại”.
Ông đã mời ngài trở lại Istanbul, ĐTC trả lời: “Tôi già rồi, tôi không biết Chúa còn ban cho tôi sống bao lâu nữa. Chúng ta hãy đặt hết mọi sự trong tay của Ngài”.
Dức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tarcisio Bertone, đã công khai tỏ ra hài lòng mãn nguyện về việc tiếp đón Đức Thánh Cha ở Thổ Nhĩ Kỳ bằng lời phát biểu qua điện thoại với tờ nhật báo Avvenire rằng:
“Tôi nghĩ chuyến đi này xẩy ra tốt đẹp và đã mang lại những thành quả tích cực, cả ở lãnh vực hoàn toàn chính trị lẫn lãnh vực dư luận quần chúng ở Thổ Nhĩ Kỳ.
“Có những đài truyền hình đã trình chiều nhiều về những bài nói và sứ điệp của Đức Giáo Hoàng. Ngoài ra, có những đài khác nhau đã truyền hình sống những cuộc gặp gỡ của vị Giáo Chủ này.
“Nhiều người đứng dọc đường phố, bao gồm cả giới trẻ và học sinh, đã chào mừng và vỗ tay mừng Đức Giáo Hoàng. Một số trẻ em đã vẫy cờ Thổ Nhĩ Kỳ và Tòa Thánh Vatican”.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ nhật báo Ý quốc là Avvenire, Đức Thượng Phụ Chính Thống Toàn Cầu Bartholomew I đã cho biết là chuyến viếng thăm của ĐTC có một “giá trị khôn lường trong tiến trình hòa giải”, và vị giáo chủ Chính Thống Giáo này còn cho biết rằng ngài đã đề nghị một điều không ngờ về đại kết với Đức Thánh Cha.
Vấn: Ngài có thể cho chúng tôi biết gì về cuộc hành trình này?
Đáp: Trước hết, tôi phải nói rằng tôi thực sự cám ơn Đức Thánh Cha về chuyến viếng thăm của ngài vào ngày lễ Thánh Anrê. Nó thực sự là một bước tiến rất quan trọng trong mối liên hệ của chúng ta, và đã được thực hiện trong bối cảnh của một cuộc hành trình nói chung góp phần vào vấn đề đối thoại liên tôn theo tôi nghĩ thật là quan trọng.
Vấn: Ngài và Đức Giáo Hoàng đã gặp nhau trực diện một vài lần khuất bóng máy chụp và ký giả. Hai ngài đã nói gì với nhau?
Đáp: Đức Thánh Cha đã tỏ ra nhân ái đối với vai trò thượng phụ và những vấn đề của vai trò này; chúng tôi thực sự biết ơn ngài vì lý do ấy.
Nó đã là một cơ hội để biết nhau hơn, kể cả các vị hồng y trong đoàn tùy tùng của ngài, những vị tôi nghĩ rằng chúng tôi đã có được mối thân tình tốt đẹp, và điều này đối với tôi cũng rất quan trọng nữa.
Tôi có thể thực sự nói rằng ngày Thứ Năm đây chúng tôi đã sống như là một ngày lịch sử dưới nhiều khía cạnh. Lịch sử vì cuộc đối thoại đại kết và, như chúng ta đã thấy vào buổi chiều, lịch sử vì mối liên hệ giữa các nền văn hóa và tôn giáo. Dĩ nhiên vì tất cả những lý do ấy nó cũng lịch sử đối với xứ sở của chúng tôi nữa.
Vấn: Những bài diễn từ và bản tuyên ngôn chung ngài đã ký là những gì ‘cao quí’ và dung hợp. Ngài cũng nói về tương lai hay chăng?
Đáp: Về khía cạnh này tôi có thể nói rằng tôi đã nói với Đức Thánh Cha về một điều – một điều chúng tôi có thể thực hiện. Tôi đã trình bày với ngài một dự án mà hiện nay tôi không thể nào nói rõ hơn, vì chúng tôi đang đợi ngài chính thức đáp ứng, thế nhưng tôi có thể nói rằng Đức Thánh Cha rất hào hứng và ngài tiếp nhận nó một cách nhiệt tình.
Chúng tôi hy vọng nó có thể được thực hiện vì nó hướng đến việc tiến bộ đại kết, một sự tiến bộ, như chúng tôi đã khẳng định và viết trong bản tuyên ngôn chung, cả hai chúng tôi đều quyết tâm theo đuổi.
Vấn:
Tại sao ngài tỏ ra quả quyết như thế?
Đáp: Hiệp nhất là một trách nhiệm cao quí, thế nhưng đồng thời lại là một trách nhiệm khó khăn cần phải được lãnh nhận nếu nó không được chia sẻ giữa anh em với nhau. Lịch sử của ngàn năm qua là một thứ ‘ký ức’ đau thương về thực tại này.
Chúng tôi mạnh mẽ tin tưởng rằng chuyến viếng thăm của Giáo Hoàng Biển Đức XVI có một giá trị khôn lường cho tiến trình hòa giải ấy, vì ngoài ra nó đã diễn ra ở một thời điểm khó khăn và trong những hoàn cảnh rất tế nhị như thế.
Chắc chắn, với ơn Chúa giúp, chúng tôi được có cơ hội để thực hiện những bước tiến thiện ích trong tiến trình hòa giải nơi hai Giáo Hội của chúng tôi. VCà có lẽ, nhờ ơn Chúa giúp, chúng tôi sẽ có cơ hội để thắng vượt một số những chướng ngại về sự không hiểu biết đầy đủ nơi các tín đồ thuộc các tôn giáo khác, đặc biệt là giữa tín đồ Kitô Giáo và tín đồ Hồi Giáo.
Vấn: Trước đây ngài cũng đã đề cập đến tầm quan trọng của việc này đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Tại sao vậy?
Đáp: Là giao điểm của Âu Châu và Á Châu, thành phố này và Giáo Hội đây giữ một vị thế thực sự đặc biệt trong việc nuôi dưỡng một cuộc gặp gỡ nơi các nền văn minh tân tiến. Ở một nghĩa nào đó thì thành phố Istanbul này là một nơi tuyệt vời để trở thành một trung tâm vĩnh viễn của việc đối thoại giữa các niềm tin và văn hóa khác nhau.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 1/12/2006