GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
CHÚA NHẬT 31/12/2006 LỄ THÁNH GIA TRONG TUẦN 8 NHẬT GS |
? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI với Các Vị Giám Mục Thụy Sĩ Thứ Năm 9/11/2006: “Hãy chăm lo tới mối liên hệ riêng tư của con người với Thiên Chúa, một mối liên hệ nhờ đó Thiên Chúa tỏ mình cho chúng ta nơi Chúa Kitô”
? Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II – Căn Nguyên của Cuộc Khủng Hoảng Hôn Nhân Hiện Nay
? Lược Tóm và Phân Tích Sứ Điệp Hòa Bình 2007 của ĐTC Biển Đức XVI: “Con Người – Trọng Tâm của Hòa Bình”
“Hãy chăm lo tới mối liên hệ riêng tư của con người với Thiên Chúa, một mối liên hệ nhờ đó Thiên Chúa tỏ mình cho chúng ta nơi Chúa Kitô”
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI
với Các Vị Giám Mục Thụy Sĩ Thứ Năm 9/11/2006 (tiếp theo bài giảng hôm Thứ Ba 7/11/2006).
(tiếp 30 Thứ Bảy)
Thánh Âu Quốc Tinh đã nhấn mạnh nhiều lần hai phương diện nơi quan niệm của Kitô Giáo về Thiên Chúa: Thiên Chúa là Lời và Thiên Chúa là Tình Yêu – cho đến độ Ngài đã hoàn toàn hạ mình, mặc lấy thân xác loài người, hiến mình trong tay chúng ta như một miếng bánh. Chúng ta lúc nào cũng phải nhớ rằng và giúp cho những người khác nhớ tới hai khía cạnh này nơi quan niệm của Kitô Giáo về Thiên Chúa.
Thiên Chúa là ‘Thần Linh Sáng Tạo’, Ngài là Lời, Ngài là lý trí. Và đó là lý do tại sao đức tin của chúng ta là một điều có liên quan tới lý trí, có thể được truyền đạt nhờ lý trí và không có lý do gì lại dấu giếm lý trí, thậm chí cả với thứ lý trí của thời đại chúng ta đây. Thế nhưng, chính vì thứ lý trí hằng hữu khôn lường này không phải thuần túy là một thứ toán học về vũ trụ, và lại càng không phải là một nguyên lý đệ nhất nào đó đã rút lui sau khi tạo nên cuộc Đại Bùng Nổ (Big Bang).
Ngược lại, lý trí này có một con tim đến nỗi có thể từ bỏ tính cách lớn lao vĩ đại của mình mà mặc lấy xác thịt. Tôi nghĩ rằng chỉ nguyên điều này thôi cũng cho thấy cái cao cả tối hậu và thực sự nơi quan niệm của chún g ta về Thiên Chúa rồi. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa không phải là một thứ giả thiết về triết lý, Ngài không phải là một cái gì đó có lẽ hiện hữu, thế nhưng chúng ta biết Ngài và Ngài biết chúng ta. Và chúng ta có thể biết Ngài mỗi ngày một hơn nếu chúng ta tiếp tục thực hiện cuộc đối thoại trao đổi với Ngài.
Đó là lý do tại sao công việc trọng yếu nơi vấn đề chăm sóc mục vụ là dạy cho dân biết cách nguyện cầu và biết cách làm điều ấy một cách riêng tư mỗi ngày một hơn. Ngày nay, xuất hiện các học đường cầu nguyện và các nhóm nguyện cầu; rõ ràng là dân chúng đều cần đến những điều ấy. Nhiều người tìm kiếm việc suy niệm ở một chỗ khác, vì họ nghĩ rằng họ không thể tìm thấy chiều kích linh thiêng nơi Kitô Giáo.
Chúng ta cần phải tỏ cho họ thấy một lần nữa chẳng những Kitô Giáo có chiều kích thiêng liêng mà nó còn là nguồn mạch của tất cả mọi sự nữa. Để đạt được mục đích này, chúng ta cần phải gia tăng con số học đường cầu nguyện ấy, vì việc cùng nhau cầu nguyện, khi nào có thể, là để học biết cầu nguyện riêng ở tất cả mọi chiều kích của nó: như một thứ âm thầm lắng nghe Thiên Chúa, như một thứ lắng nghe thấm nhập Lời của Ngài, thấm nhập việc im hơi lặng tiếng của Ngài, thấu hiểu được hành động của Ngài trong lịch sử cũng như nơi con người của mình; và hiểu được ngôn từ của Ngài trong đời sống của mình, nhờ đó biết đáp ứng bằng việc nguyện cầu theo những lời kinh nguyện cao cả từ những Thánh Vịnh ở Cựu Ước và những kinh nguyện Tân Ước.
Tự mình, chúng ta chẳng biết nói gì với Thiên Chúa hết, mà là những lời được gợi lên cho chúng ta: chính Thánh Linh là Đấng đã làm lên những lời lẽ nguyện cầu cho chúng ta; chúng ta có thể cảm thấy chúng, chúng ta có thể dùng chúng nguyện cầu và nhờ đó biết tự mình nguyện cầu khá hơn; chúng ta có thể ‘biết được’ Thiên Chúa và nhờ đó cảm thấy vững tâm về Ngài cho dù Ngài âm thầm câm nín – chúng ta có thể trở nên hân hoan trong Thiên Chúa.
Việc thân
tình ở với Thiên Chúa, nhờ đó, cảm nghiệm được sự hiện diện của Ngài, có thể nói
là những gì làm cho chúng ta cảm nghiệm thấy một cách mới mẻ hơn bao giờ hết
tính cách cao cả của Kitô Giáo, bởi thế cũng giúp cho chúng ta tìm được cách
thức vượt qua tất cả mọi thứ tầm thường là những gì, tất nhiên, cũng cần phải
sống và mang ra thực hành, từ ngày này đến ngày khác, trong đau thương cũng như
trong yêu thương, trong vui mừng cũng như trong sầu khổ.
Thế rồi từ quan điểm này, theo tôi nghĩ, người ta nhận thấy được tầm quan trọng của Phụng Vụ thực sự như là một học đường nguyện cầu, nơi chính Chúa dạy chúng ta cầu nguyện và là nơi chúng ta cùng nguyêä cầu với Giáo Hội, cả ở những cuộc cử hành âm thầm giản dị có vài tín hữu tham dự cũng như nơi cuộc mừng lễ theo niềm tin.
Qua những cuộc đàm thoại khác nhau, giờ đây tôi đã nhận thấy, một lần nữa vào chính lúc này đây, một đàng là tính cách quan trọng biết bao đối với tín hữu về việc giữ thinh lặng trong cuộc giao tiếp với Thiên Chúa, đàng khác là cuộc mừng lễ theo niềm tin, quan trọng biết bao để làm sao có thể sống động cuộc cử hành mừng lễ này.
Thế giới cũng có những ngày mừng lễ của nó. Nietzsche thực sự đã nói rằng: Chúng ta chỉ có thể c73 hành nếu Thiên Chúa không hiện hữu. Thế nhưng, đây là một điều ngớ ngẩn, ở chỗ, chỉ khi nào Thiên Chúa hiện hữu và chạm tới chúng ta thì cuộc mừng lễ mới thực sự diễn ra mà thôi. Và chúng ta biết rằng những cuộc mừng lễ theo niềm tin này là những gì mở rộng lòng con người ra, tạo nên những ấn tượng hữu ích cho tương lai. Trong các chuyến Tông Du Mục Vụ ở Đức quốc, Ba Lan và Tây Ban Nha, một lần nữa tôi lại thấy được rằng đức tin ở những nơi đó được sống như là một cuộc mừng lễ và nó hỗ trợ dân chúng cùng hướng dẫn dân chúng.
Trong bối cảnh ấy, tôi xin đề cập tới một điều khác tác động tôi và tạo nên một ảnh hưởng lâu dài.
Nơi tác phẩm cuối cùng của Thánh Tôma Aquinas vẫn còn dang dở chưa xong, Cuốn Tổng Luận Thần Học mà ngài có ý cấu trúc một cách giản dị theo 3 thần đức tin, cậy, mến, vị đại Tiến Sĩ này đã bắt đầu và đã khai triển một phần chương sách của mình về đức cậy. Nơi chương này, có thể nói ngài đã đồng hóa đức cậy với việc cầu nguyện: chương về đức cậy đồng thời cũng là chương về việc cầu nguyện.
Cầu nguyện là đức cậy sinh động. Thật thế, lý do đích thực được chứa chất nơi việc cầu nguyện, lý do tại sao có thể hy vọng cậy trông, đó là việc chúng ta tiến đến chỗ giao tiếp với Vị Chúa của thế giới này, Người đang lắng nghe chúng ta, và chúng ta có thể nghe thấy Người. Đó là những gì Thánh I Nhã ám chỉ tới và là những gì tôi muốn nhắc nhở chư huynh hôm nay một lần nữa"ou peismones to ergon, alla megethous estin ho Christianismos" ("Ad Rom." 3, 3) – điều thực sự cao cả nơi Kitô Giáo, điều không châm chước cho con người khỏi những thứ nhỏ nhoi, thường nhật song cũng không bị chúng che khuất, đó là khả năng tiến đến chỗ giao tiếp với Thiên Chúa này.
(còn tiếp)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh Vatican
Căn Nguyên của Cuộc Khủng Hoảng Hôn Nhân Hiện Nay
Huấn Từ của ĐTC Gioan Phaolô II ngày 30/1/2003 với Pháp Đình Roma dịp Mở Năm Tài Phán
“Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài; theo hình ảnh của mình Thiên Chúa đã dựng nên con người; Ngài đã dựng nên họ có nam có nữ” (Gn 1:27). Hình ảnh được Thiên Chúa được thấy nơi tính chất lứa đôi của con người nam và nữ cũng như nơi mối hiệp thông liên cá thể của họ. Đó là lý do siêu việt tính đã sẵn có nơi cuộc hiện hữu của đời sống hôn nhân ngay từ ban đầu, vì nó thuộc về đặc thù tính tự nhiên giữa người nam và người nữ trong trật tự tạo thành. Qua trạng thái “là một thân thể” của mình (Gn 2:24), con người nam và con người nữ này, bằng việc tương trợ nhau và sinh sản, tham dự vào một cái gì đó linh thánh và đạo nghĩa, như được nhấn mạnh đến trong Thông Điệp Arcanum Divinae Sapientiae của Vị Tiền Nhiệm Lêô XIII của Tôi, một văn kiện đề cập đến việc hiểu biết về hôn nhân theo những nền văn minh cổ (10 Feb. 1880, Leonis XIII P.M. Acta, vol. II, p. 22). Đối với vấn đề này, Ngài nhận định rằng hôn nhân “ngay từ ban đầu đã là hình ảnh (adumbratio) của Việc Lời Chúa Nhập Thể” (ibid.). Trong tình trạng công chính nguyên thủy, Adong và Evà đã được hưởng tặng sủng siêu nhiên. Như thế, trước khi Việc Lời Nhập Thể xẩy ra trong giòng lịch sử thì sự thánh thiện tốt lành của việc Lời Nhập Thể này đã được ban xuống cho nhân loại.
Rất tiếc, vì các hậu quả của nguyên tội, những gì là bản chất nơi mối liên hệ
giữa con người nam và nữ đã đi đến chỗ sống theo đường lối không hợp với dự án
và ý muốn của Thiên Chúa, và tình trạng tách mình lìa xa Thiên Chúa không thể
tránh khỏi kéo theo cả một tình trạng giá trị nhân bản bị hạ giá một cách tương
xứng nơi các mối liên hệ về gia đình. Thế nhưng, vào lúc “thời gian nên trọn”,
chính Chúa Giêsu đã phục hồi dự án nguyên thủy của hôn nhân (x Mt 19:1-12), nhờ
đó, trong tình trạng của bản tính được cứu chuộc, mối hiệp nhất giữa con người
nam và nữ chẳng những lấy lại được sự thánh thiện ban đầu, mà còn được thực sự
tham dự vào chính mầu nhiệm giao ước của Chúa Kitô với Giáo Hội nữa.
Tính cách bí tích của đời sống hôn nhân là cách thức hiệu nghiệm cho việc tìm
hiểu sâu xa hơn nữa mầu nhiệm của mối liên hệ giữa bản tính tự nhiên và ân sủng.
Qua sự kiện hôn nhân của thời xưa đã trở thành dấu hiệu và là dụng cụ cho ân
sủng của Chúa Kitô trong thời Tân Ước, người ta thấy được dấu chứng của siêu
việt tính nội tại nơi tất cả những gì thuộc về hữu thể của con người, nhất là
thuộc về mối liên hệ tự nhiên theo tính cách khác biệt song bổ khuyết cho nhau
nơi con người nam nữ. Cái con người và thần linh được cấu kết với nhau một cách
tuyệt vời.
Ý hệ nặng trần tục ngày nay có khuynh hướng xác nhận các giá trị nhân bản của cơ
cấu gia đình nhưng lại tách những giá trị này khỏi những giá trị đạo nghĩa và
cho rằng chúng hoàn toàn biệt lập với Thiên Chúa. Thực sự bị ảnh hưởng bởi những
lối sống rất hay được thấy nơi các phương tiện truyền thông đại chúng, ý hệ ngày
nay đã đặt vấn đề: “Tại sao người phối ngẫu này cứ phải luôn luôn trung thành
với người phối ngẫu kia?”, và vấn nạn này, trong những lúc bị khủng hoảng, đã
biến thành mối ngờ vực về cuộc sống. Những khó khăn trong đời sống hôn nhân có
thể có những hình thức khác nhau, thế nhưng, tựu kỳ trung thì tất cả đều qui về
vấn đề yêu thương. Đó là lý do, vấn nạn trước có thể được đặt lại thế này: tại
sao bao giờ cũng cần phải yêu người phối ngẫu của mình, ngay cả khi có rất nhiều
lý do bề ngoài có thể đi đến chỗ bỏ nhau?
Nhiều câu trả lời có thể được nêu lên; trong số đó, những câu trả lời rất mạnh đó là vì thiện ích của con cái cũng như thiện ích của toàn thể xã hội, thế nhưng, câu trả lời trọng yếu nhất phát xuất từ việc nhìn nhận tính cách khách quan của việc làm vợ chồng là việc được thấy như một món quà tặng trao cho nhau, một việc được chính Thiên Chúa làm cho khả dĩ và bảo toàn. Bởi thế, lý do tối hậu nơi phận sự trung thành yêu thương không còn là gì khác ngoài cái vốn là nền tảng cho giao ước của Thiên Chúa đối với con người, đó là việc Thiên Chúa thủy chung. Để lòng có thể trung thành với người phối ngẫu của mình, thậm chí ngay cả trong những trường hợp gay cấn nhất, con người cần phải chạy đến với Thiên Chúa, tin tưởng là mình sẽ được Ngài hỗ trợ. Ngoài ra, con đường dẫn tới chỗ trung thành với nhau này cần đến cánh cửa lòng mở ra trước đức ái của Chúa Kitô nữa, một đức ái “chấp nhận mọi sự, tin tưởng mọi sự, hy vọng mọi sự, chịu đựng mọi sự” (1Cor 13:7). Mầu nhiệm cứu chuộc hiện thực nơi hết mọi cuộc sống hôn nhân, được thể hiện bằng việc thực sự tham phần vào Thánh Giá của Chúa Cứu Thế, bằng việc chấp nhận cái ngược đời của Kitô Giáo là cái liên kết hạnh phúc với việc chịu đựng khổ đau bằng tinh thần đức tin.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit
Lược Tóm và Phân Tích Sứ Điệp Hòa Bình 2007 của ĐTC Biển Đức XVI: “Con Người – Trọng Tâm của Hòa Bình”
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Căn cứ vào chủ đề “con người là trọng tâm của hòa bình” nói chung và nguyên tắc cả con người lẫn hòa bình đều vừa là tặng ân vừa là tác vụ (như ngài nói ở đoạn 2 và 3), với ý hướng vì giới trẻ hiện tại và cho các thế hệ mai sau (như ngài nói rõ ở đoạn 1), Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khai triển sứ điệp hòa bình của mình với 7 điểm chủ yếu quan trọng được ngài nhấn mạnh đặc biệt thứ tự sau đây: 1) Vì “con người là trọng tâm của hòa bình” nên con người có quyền sống và quyền tự do tôn giáo; 2) Vì “con người là trọng tâm của hòa bình” nên tất cả mọi người đều bẩm sinh bình đẳng với nhau; 3) Vì “con người là trọng tâm của hòa bình” mà họ cần phải kiến tạo ‘Môi Sinh Hòa Bình”; 4) Vì “con người là trọng tâm của hòa bình” mà họ không thể bị quan niệm một cách lệch lạc; 5) Vì “con người là trọng tâm của hòa bình” mà các quyền lợi của họ mới cần được những tổ chức quốc tế bảo vệ; 6) Vì “con người là trọng tâm của hòa bình” mà họ cần đến những luật nhân đạo quốc tế và luật lệ nội tại của các Quốc Gia; 7) Vì “con người là trọng tâm của hòa bình” mà Giáo Hội Kitô Giáo có sứ vụ phải dấn thân bảo đảm cho tính cách siêu việt của họ. Sau đây là nguyên văn lời ngài nhận định, huấn dụ và kêu gọi cho từng vấn đề.
1) Vì “con người là trọng tâm của hòa bình” nên con người có quyền sống và quyền tự do tôn giáo:
Quyền sống và quyền tự do bày tỏ niềm tin tưởng của cá nhân đối với Thiên Chúa không phải là những gì lệ thuộc vào quyền bính của con người. Hòa bình đòi phải thiết lập một biên giới rõ ràng giữa những gì thuộc quyền sử dụng của con người và những gì không, nhờ đó, mới tránh được những thứ xâm nhập bất khả chấp vào gia sản của những thứ giá trị chuyên biệt của con người. (đoạn 4)
2) Vì “con người là trọng tâm của hòa bình” nên tất cả mọi người đều bẩm sinh bình đẳng với nhau:
Một yếu tố nồng cốt cho việc xây dựng hòa bình đó là việc nhìn nhận cái quyền bình đẳng thiết yếu của con người xuất phát từ phẩm giá siêu việt chung của họ. Sự bình đẳng về phương diện này là sự thiện thuộc về tất cả mọi người, một sự thiện được ghi nhận nơi một ‘thứ văn phạm’ có thể suy diễn từ sự án thần linh của việc tạo dựng; nó là một sự thiện không thể bị coi thường hay khinh thường nếu không muốn gây ra những hậu quả trầm trọng nguy hại tới hòa bình. (đoạn 6)
3) Vì “con người là trọng tâm của hòa bình” mà họ cần phải kiến tạo ‘Môi Sinh Hòa Bình”:
Cùng với môi trường thiên nhiên, cũng có cả những gì được gọi là một thứ môi trường ‘con người’ nữa, một môi trường ngược lại cần đến một thứ môi trường ‘xã hội’. Tất cả những điều này có nghĩa là nhân loại, nếu thực sự muốn hòa bình, cần phải gia tăng ý thức về những mối liên hệ giữa môi sinh tự nhiên, hay tôn trọng thiên nhiên, và môi sinh con người. Kinh nghiệm cho thấy rằng việc bất kể môi trường bao giờ cũng tác hại tới việc chung sống của con người, hay ngược lại. Càng trở nên hiển nhiên hơn nữa nơi cái liên hệ bất khả phân ly giữa tình trạng hòa bình với thiên nhiên và hòa bình nơi con người. Cả hai thứ hòa bình này bao hàm tình trạng hòa bình với Thiên Chúa. (đoạn 8)
4) Vì “con người là trọng tâm của hòa bình” mà họ không thể bị quan niệm một cách lệch lạc:
Chúng ta cần phải có một nhãn quan về con người không bị lây nhiễm bởi các thứ thành kiến về ý hệ và văn hóa, hay bởi những thứ khuynh hướng lợi lộc về chính trị và kinh tế là những gì có thể gây ra hận thù và bạo động. Vẫn biết rằng các thứ quan niệm về con người là những gì khác nhau tùy theo văn hóa. Tuy nhiên, điều không thể chấp nhận được ở đây là việc gieo rắc các quan niệm về nhân loại học chất chứa các mầm mống hận thù và bạo lực. Cũng không thể chấp nhận được các quan niệm về Thiên Chúa gây phấn khích thái độ bất dung nhượng và việc sủ dụng bạo lực chống lại kẻ khác. (đoạn 10)
5) Vì “con người là trọng tâm của hòa bình” mà các quyền lợi của họ mới cần được những tổ chức quốc tế bảo vệ:
Việc bảo vệ các thứ nhân quyền là những gì liên tục được qui cho những cơ cấu quốc tế, và, đặc biệt là Tổ Chức Liên Hiệp Quốc, một tổ chức lãnh trách nhiệm nống cốt là cổ võ các thuư nhân quyền được qui định trong Bản Tuyên Ngôn Chung năm 1948. Bản Tuyên Ngôn này được coi như một thứ quyết tâm về luân lý được thực hiện bởi toàn thể nhân loại. Có một sự thật sâu xa đặc biệt ở đây đó là các thứ quyền lợi được diễn tả trong Bản Tuyên Ngôn này được tuân giữ trên căn bản không phải chỉ vì chúng là những quyết định được chuẩn nhận bởi một hội đồng, mà là những gì căn cứ vào chính bản tính của con người và phẩm giá bất khả chuyển nhượng của họ như là một con người được Thiên Chúa dựng nên. Bởi thế, điều quan trọng là các cơ quan quốc tế đừng làm mất đi cái nền tảng tự nhiên về nhân quyền này. (đoạn 13)
6) Vì “con người là trọng tâm của hòa bình” mà họ cần đến những luật nhân đạo quốc tế và luật lệ nội tại của các Quốc Gia:
Việc nhìn nhận rằng các thứ nhân quyền bất khả chuyển nhượng của con người liên hệ với bản tính chung của con người đã dẫn đến chỗ thiết lập một bộ luật nhân đạo quốc tế được các Quốc Gia quyết tâm tôn trọng, ngay cả trong trường hợp xẩy ra chiến tranh…. Trước những biênácố đáng lo ngại trong những năm gần đây, các Quốc Gia không thể nào không nhận thấy nhu cầu cần phải thiết lập các qui luật rõ ràng hơn trong việc đương đầu một cách hiệu nghiệm với tình trạng tệ hại gần đây đang xẩy ra trước mắt chúng ta. (đoạn 14)
7) Vì “con người là trọng tâm của hòa bình” mà Giáo Hội Kitô Giáo có sứ vụ phải dấn thân bảo đảm cho tính cách siêu việt của họ:
Hết mọi Kitô hữu hãy dấn thân cho việc không ngừng đi làm hòa bình cũng như cho việc nhiệt thành bênh vực cho phẩm giá của con người cùng những quyền lợi bất khả chuyển nhượng của họ. Với lòng biết ơn Chúa là Đấng đã gọi mình thuộc về Giáo Hội của Người, một Giáo Hội là ‘dấu hiệu và là bảo đảm cho chiều kích siêu việt của con người (cùng nguồn vừa dẫn, đoạn 76) trên thế gian này, Kitô hữu sẽ không ngừng nài xin Chúa ban cho sự thiện hòa bình sâu xa, một sự thiện có một tầm quan trọng thực sự nơi đời sống của mỗi một con người. (đoạn 16)