GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ HAI 4/12/2006

 TUẦN I MÙA VỌNG NĂM C

 

?  Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật I Mùa Vọng 3/12/2006 về tổng quan chuyến  Tông Du vừa qua và về Mùa Vọng với ý nghĩa việc Chúa đến

?  Bài Giảng của Đức Thánh Cha ở Vương Cung Thánh Đường Thánh Linh Công Giáo

?   Đáp Từ của Đức Thánh Cha ngỏ cùng Thượng Phụ Mesrob II Mutafina

 

 

? Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật I Mùa Vọng 3/12/2006 về tổng quan chuyến  Tông Du vừa qua và về Mùa Vọng với ý nghĩa việc Chúa đến

 

Anh Chị Em thân mến:

 

Cùng với anh chị em, một lần nữa, tôi xin tạ ơn Chúa về chuyến tông du ở Thổ Nhĩ Kỳ tôi vừa thực hiện trong mấy ngày vừa qua: Tôi cảm thấy được hỗ trợ và nâng đỡ bởi lời cầu nguyện của toàn thể cộng đồng Kitô hữu. Tôi xin gửi tới tất cả mọi người lòng tri ân thân ái của tôi!

 

Thứ Tư tới đây, trong buổi triều kiến chung, tôi sẽ có dịp để nói dài hơn về cảm nghiệm linh thiêng và mục vụ không thể nào quên được ấy, một cảm nghiệm tôi hy vọng sẽ mang lại thành quả tốt đẹp cho việc hợp tác hơn bao giờ hết nơi thành phần môn đệ Chúa Kitô cũng như cho việc đối thoại với các tín đồ Hồi Giáo.

 

Giờ đây, tôi buộc phải lập lại lời cám ơn của tôi với những ai tổ chức chuyến đi này và một cách nào đó đã góp phần vào việc thực hiện  nó một cách bình an và thành quả. Tôi đặc biệt cám ơn các vị thẩm quyền Thổ Nhĩ Kỳ và nhân dân thân tình Thổ Nhĩ Kỳ, những người đã đón tiếp tôi xứng đáng với tinh thần hiếu khách truyền thống của họ.

 

Trước hết, tôi mến thương nhớ đến và tri ân cộng đồng Công Giáo thân yêu, một cộng đồng sống ở mảnh đất Thổ Nhĩ Kỳ.  Tôi nghĩ đến cộng đồng ấy khi chúng ta tiến vào Chúa Nhật này trong Mùa Vọng đây.

 

Tôi đã có thể thấy và cử hành Thánh Lễ với anh chị em ấy của chúng ta, những người anh chị em đang sống trong những hoàn cảnh thường gặp phải khốn khó. Đó thực sự là một đàn chiên bé nhỏ và khác nhau, giầu lòng nhiệt thành và đức tin, có thể nói, sống cảm nghiệm Mùa Vọng liên lỉ và thiết tha, một cảm nghiệm được nâng đỡ bởi niềm hy vọng.

 

Trong Mùa Vọng, phụng vụ thường lập lại và bảo đảm với chúng ta, như thể tìm cách chế ngự niềm nghi hoặc của chúng ta, rằng Thiên Chúa ‘đang đến’: Ngài đang đến để ở với chúng ta, nơi mỗi một người chún g ta trong các hoàn cảnh của chúng ta; Ngài đến để sống giữa chúng ta, để sống với chúng ta và sống trong chúng ta; Ngài đến để làm cho khoảng cách chia rẽ và phân ly chúng ta được lấp đầy; Ngài đến để hòa giải chúng ta với Ngài và với nhau. Ngài đến trong lịch sử nhân loại để gõ cửa hết mọi con người nam nữ thiện chí, nhờ đó cống hiến cho mọi cá nhân, gia đình và dân tộc tặng ân huynh đệ, thái hòa và bình an.

 

Bởi thế, Mùa Vọng trên hết là thời điểm của niềm hy vọng cậy trông, thời điểm tín hữu tin vào Chúa Kitô được mời gọi để sống niềm trông đợi một cách tỉnh thức và chủ động, một niềm mong đợi được dưỡng nuôi bằng việc nguyện cầu cũng như bằng việc dấn thân yêu thương một cách cụ thể. Chớ gì việc giáng sinh sắp tới của Chúa Kitô làm cho lòng Kitô hữu tràn đầy niềm vui, thanh thản và an bình!

 

Để sống Mùa Vọng này một cách chân thực và hiệu quả hơn, phụng vụ khuyến dụ chúng ta hãy nhìn lên Mẹ Maria rất thánh và hãy thực hiện cuộc hành trình thiêng liêng đến Bêlem cùng với Mẹ. Khi Thiên Chúa gõ cửa lòng tuổi trẻ của Mẹ, Mẹ đã lãnh nhận Ngài bằng niềm tin tưởng và tình yêu mến. Trong vài ngày nữa, chúng ta sẽ chiêm ngưỡng Mẹ nơi mầu nhiệm rạng ngời của đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội. Chúng ta hãy ngây ngất trước vẻ đẹp của Mẹ, một vẻ đẹp phản ảnh vinh quan g thần linh, nhờ đó, ‘việc Thiên Chúa đang đến’ sẽ tìm thấy nơi mỗi người chúng ta một con tim cở mở và tốt lành, để Ngài có thể ban tràn đầy các tặng ân của Ngài.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 3/12/2006  

 

 

TOP

 

 

?  “Hãy đặt vấn đề đại kết làm mối ưu tiên hàng đầu về Giáo Hội, và đừng thực hiện cho các Giáo Hội và cộng đồng riêng biệt của chúng ta những quyết định nào trái ngược với hay tác hại cho vấn đề đại kết”

 

ĐTC Biển Đức XVI Tông Du Thổ Nhĩ Kỳ (28/11-1/12/2006): 1/12 – Bài Giảng của Đức Thánh Cha ở Vương Cung Thánh Đường Thánh Linh Công Giáo

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Vào lúc kết thúc chuyến tông du Thổ Nhĩ Kỳ của mình, tôi hân hoan được gặp gỡ cộng đồng Công Giáo ở Istanbul và cử hành Thánh Thể để tạ ơn Thiên Chúa về tất cả những ân ban của Ngài. Trước hết tôi xin gửi lời chào đến Đức Thượng Phụ Constantinople Bartholomew I, và Đức Thượng Phụ Armenia Mesrob II, chư huynh khả kính của tôi, những vị ưu ái tham dự với chúng tôi trong việc cử hành này. Tôi xin bày tỏ cùng các vị lòng sâu xa biết ơn của tôi trước cử chỉ huynh đệ ấy, một cử chỉ tỏ ra tôn kính toàn thể cộng đồng Công Giáo.

 

Anh chị em thuộc Giáo Hội Công Giáo thân mến, các Giám Mục, linh mục và phó tế, tu sĩ và giáo dân nam nữ thuộc về các cộng đồng khác nhau của thành phố này và thuộc về các lễ nghi khác nhau trong Giáo Hội: tôi hân hoan chào tất cả anh chị em theo lời của Thánh Phaolô gửi cho Kitô hữu Galata: ‘Chúc anh chị em ân sủng và bìn h an của Thiên Chúa là Cha của chúng ta và của Chúa Giêsu Kitô!’ (Gal 1:3). Tôi xin cám ơn các vị thẩm quyền dân sự hiện diện bằng việc ưu ái nghênh đón của họ, đặc biệt là tất cả những ai góp phần vào việc làm hiện thực chuyến viếng thăm của tôi. Sau hết tôi xin chào các vị đại diện thuộc các cộng đồng giáo hội khác và những tôn giáo khác đang hiện diện nơi đây. Chúng ta không thể không nghĩ tới những biến cố khác nhau xẩy ra ở nơi đây và đã hình thành lịch sử chung của chúng ta? Đồng thời tôi cũng cảm thấy cần phải nhắc lại với lòng đặc biệt nhớ ơn nhiều chứng nhân cho Phúc Âm của Chúa Kitô, Đấng đã thôi thúc chúng ta cùng nhau hoạt động cho mối hiệp nhất của tất cả mọi thành phần môn đệ của Người trong chân lý và bác ái!

 

Trong ngôi Vương Cung Thánh Đường Thánh Linh này, tôi muốn dâng lời cảm tạ Thiên Chúa về tất cả những việc Ngài thực hiện trong lịch sử loài người và kêu xin cho mọi người được lãnh nhận những tặng ân của Thần Linh thánh đức. Như Thánh Phaolô vừa nhắc nhở chúng ta, Thần Linh là mạch nguồn bền vững cho niềm tin và mối hiệp nhất của chúng ta. Ngài đã khơi lên trong chúng ta kiến thức về Chúa Giêsu và Ngài đặt vào môi miệng của chúng ta những lời tin tưởng khiến chúng ta có thể nhận biết Chúa. Chúa Giêsu đã nói với Phêrô sau khi vị tông đồ này tuyên xưng đức tin ở Caesarea Philippi: ‘Phúc cho con, hỡi Simon, Con Jona! Vì không phải là huyết nhục đã tỏ cho con biết điều ấy, mà là Cha Thày ở trên trời’ (Mt 16:17). Chúng ta thực sự được chúc phúc khi Thánh Linh hướng chúng ta về niềm vui của lòng tin tưởng và làm cho chúng ta tham gia vào đại gia đình Kitô hữu  là Giáo Hội của Người. Vì tất cả những gì là đa dạng phong phú của Giáo Hội, qua những khác biệt về các tặng ân, thừa tác vụ và hoạt động, Giáo Hội bao giờ cũng là một, vì ‘chính cùng một Thiên Chúa là Đấng đã tác động tất cả những sự ấy trong hết mọi người’. Thánh Phaolô còn thêm: ‘việc biểu lộ Thần Linh cho công ích là những gì giành cho từng người’. Việc biểu lộ Thần Linh, viêc sống bởi Thần Linh, không phải là việc sống cho bản thân mình mà thôi, mà làm cho mình được nên giống Chúa Giêsu Kitô, bằng việc, như Người, trở thành  tôi tớ của anh chị em mình. Đây là một giáo huấn rất cụ thể cho mỗi người Giám Mục chúng ta, được Chúa gọi để dẫn dắt dân của Người bằng việc trở thành tôi tớ như Người; nó cũng xác đáng cho tất cả mọi thừa tác viên  của Chúa cũng như cho tất cả mọi tín hữu nữa: khi chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội, tất cả chúng ta đầu được dìm mình vào cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô, ‘chúng ta đều được uống cùng một Thần Linh duy nhất’ và đời sống của Giáo Hội trở thành của chúng ta, để chúng ta có thể sống như Người, để chúng ta có thể yêu thương anh chị em chúng ta như Người đã yêu thương chúng ta (x Jn 13:34).

 

Hai mươi sáu năm trước, tại chính Vương Cung Thánh Đường này, vị tiền nhiệm của tôi là Người Tôi Tớ Chúa Gioan Phaolô II, đã bày tỏ niềm hy vọng của ngài là bình minh của tân thiên kỷ sẽ ‘chiếu tỏa trên một Giáo Hội tìm thấy lại mối hiệp nhất của mình, để làm chứng một cách tốt đẹp hơn, giữa những thứ quá ư là căng thẳng của thế giới này, cho tình yêu siêu việt của Thiên Chúa, một tình yêu được biểu lộ nơi Người Con Giêsu Kitô của Ngài’ (Homily in the Cathedral of Istanbul, 5). Niềm hy vọng này chưa trở thành hiện thực, thế nhưng, vị Giáo Hoàng này vẫn mong được thấy no nên trọn, và nó thúc đẩy chúng ta, thành phần môn đệ của Chúa Kitô đang tiến bước một cách ngập ngừng và hạn chế trong con đường hiệp nhất, hãy không ngừng hoạt động ‘cho thiện ích của tất cả mọi người’, hãy đặt vấn đề đại kết làm mối ưu tiên hàng đầu về Giáo Hội, và đừng thực hiện cho các Giáo Hội và cộng đồng riêng biệt của chúng ta những quyết định nào trái ngược với hay tác hại cho vấn đề đại kết. Có thế chúng ta mới thực sự sống bởi Thần Linh của Chúa Giêsu trong việc phục vụ cho công ích.

 

Qui tụ lại với nhau vào sáng hôm nay tại ngôi nhà nguyện cầu được thánh hiến cho Chúa này, làm sao chúng ta không nhắc tới một hình ảnh đẹp khác được Thánh Phaolô sử dụng khi nói  về Giáo Hội, hình ảnh của việc xây dựng có những viên đá gắn bó chặt chẽ với nhau để làm thành một cấu trúc duy nhất, có tảng đá nền nâng đỡ hết mọi sự là Chúa Kitô? Người là nguồn mạch của sự sống mới được Cha ban cho chúng ta trong Thánh Thần. Phúc Âm Thánh Gioan đã loan báo về nó là: ‘từ lòng họ vọt lên giòng sông chảy nước sự sống’. Thứ nước vọt lên này. thứ nước sự sống này là những gì Chúa Giêsu đã hứa với người phục nữ Samaritanô, như được tiên tri Zacaria và Êzêkiên thấy xuất phát từ bên phải Đền Thờ, để làm cho các giòng nước của Biển Chết nên tươi tốt: một hình ảnh tuyệt vời về lời hứa sự sống bao giờ cũng được Thiên Chúa thực hiện cho dân của Ngài và được Chúa Giêsu đến làm hoàn trọn. Trong một thế giới mà con người cảm thấy hết sức miễn cưỡng chia sẽ những sản vật của trái đất này và đang xẩy ra tình trạng thiếu hụt thê thảm về nước, thì thứ sản vật nước này rất quí đối với sự sống của thân xác, Giáo Hội khám phá ra rằng Giáo Hội đang sở hữu một kho tàng còn cao quí hơn thế nữa. Là Thân Mình của Chúa Kitô, Giáo Hội được ủy thác trách nhiệm loan báo Phúc Âm cho đến tận cùng trái đất (x Mt 28:19), truyền đạt cho con người nam nữ của thời đại chúng ta Tin Mừng không phải chỉ là một lời nói mà là một ngôi vị đó là chính bản thân Chúa Kitô phục sinh và hằng sống! Nhờ ân sủng của các bí tích, giòng nước này chảy từ một bên cây Thập Giá, đã trở thành một nguồn suối ngập tràn, thành ‘những giòng sông chảy nước sự sống’, là một trận lụt không ai có thể ngăn chặn, là một tặng ân phục hồi sự sống. Làm sao Kitô hữu có thể giữ cho riêng bản thân mình những gì họ đã lãnh nhận chứ? Làm sao họ lại có thể che đậy đi kho tàng này và vuì chôn đi giòng suối này chứ? Sứ vụ của Giáo Hội không phải là vấn đề duy trì quyền lực hay chiếm hữu giầu sang; sứ vụ của Giáo Hội là trao tặng Chúa Kitô, là cống hiến việc thông phần vào sự sống của Chúa Kitô, một sự thiện quí báu nhất của con người được chính Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Con Ngài.

 

Hỡi Anh Chị Em, các cộng đồng của anh chị em đang tiến bước trên con đường nhún nhượng của tình đồng bạn thường nhật với những ai không có cùng niềm tin với chúng ta, nhưng ‘cho rằng tin tưởng vào Abraham, và cùng với chúng ta tôn thờ một Thiên Chúa nhân hậu duy nhất’ (Lumen Gentium, 16). Anh chị em quá rõ là Giáo Hội không muốn áp đặt bất cứ sự gì trên bất cứ một ai, và Giáo Hội chỉ xin được sống tự do để tỏ bày tỏ Đấng Giáo Hội không thể che giấu là Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã yêu thương chúng ta cho tới cùng trên cây Thập Giá và đã ban cho chúng ta Thần Linh của Người là sự hiện diện sống động của Thiên Chúa giữa chúng ta và sâu xa trong chúng ta. Hãy luôn tiếp nhận vị Thần Linh này của Chúa Kitô, nhờ đó chuyên chú tới những ai khao khát công lý, hòa bình, phẩn giá và tôn trọng đối với chính bản thân họ cũng như đối với anh chị em của họ. Hãy sống hòa hợp, theo những lời Chúa dạy: ‘Nếu các con yêu thương nhau thí cứ dấu ấy mà mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ của Thày’ (Jn 13:35).

 

Hỡi Anh Chị Em, giờ đây chúng ta hãy trao phó ước vọng của chúng ta trong việc phụng sự Chúa cho Trinh Nữ Maria là Mẹ của Thiên Chúa và là Tôi Tớ của Thiên Chúa. Mẹ đã nguyện cầu cùng với các vị Tông Đồ trên Căn Thượng Lầu, vào những ngày trước Lễ Ngũ Tuần. Cùng với Mẹ, chúng ta hãy cầu xin Chúa Kitô Con Mẹ: Ôi Chúa, xin hãy sai Thánh Linh của Chúa xuống trên toàn thể Giáo Hội, để Ngài ngự trị nơi mỗi một phần tử của Giáo Hội và làm cho họ trở thành thành phần rao giảng tin mừng Phúc Âm của Chúa!

 

Amen.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 1/12/2006

 

 

TOP

 

 

?   “Chúng ta cần phải tiếp tục làm mọi sự có thể để chữa lành những vết thương phân rẽ và mau chóng thực hiện việc tái thiết mối hiệp nhất Kitô Giáo”

 

ĐTC Biển Đức XVI Tông Du Thổ Nhĩ Kỳ (28/11-1/12/2006): 30/11 – Đáp Từ của Đức Thánh Cha ngỏ cùng Thượng Phụ Mesrob II Mutafina khi cử hành Lời Chúa tại Vương Cung Thánh Đường Tông Truyền Armenia ở Istanbul

 

Huynh thân mến trong Chúa Kitô,

 

Tôi vui mừng được dịp gặp gỡ Đức Thượng Phụ ở chính nơi Đức Thượng Phụ Kalustia đã tiếp đón các vị tiền nhiệm của tôi là Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Với đầy lòng cảm mến, tôi xin gửi lời chào toàn thể cộng đồng Tông Truyền Armenia được huynh dẫn dắt với vai trò chủ chiên và linh phụ. Tôi cũng xin gửi lời chào thăm huynh đệ đến Đức Karekin II, Thượng Phụ của Holy Etchmiadzin, cùng hàng giáo phẩm của Giáo Hội Tông Truyền Armenia. Tôi xin tạ ơn Chúa về niềm tin và chứng từ Kitô Giáo của nhân dân Armenia, được truyền đạt từ đời nọ sang đời kia, thường ở trong những hoàn cảnh rất thảm thương như những hoàn cảnh trong thế kỷ vừa qua.

 

Cuộc hội ngộ của chúng ta không phải chỉ là một cử chỉ lịch thiệp và thân tình về đại kết mà thôi. Nó là một dấu hiệu của việc chúng ta cùng nhau thông dự vào những lời hứa hẹn của Chúa và lòng chúng ta ước muốn thấy hoàn tất lời nguyện cầu của Chúa Giêsu cho thành phần môn đệ của Người vào thời điểm vọng cuộc khổ nạn và tử nạn của Người: ‘để họ tất cả được nên một. Như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha, họ cũng được hiệp nhất trong chúng ta, hầu thế gian tin rằng Cha đã sai Con’ (Jn 17:21). Chúa Giêsu đã hiến sự sống của mình trên cây Thập Giá để qui tụ làm một tất cả mọi con cái của Thiên Chúa bị phân tán, phá hủy những bức tường chia rẽ. Nhờ bí tích Rửa Tội, chúng ta đã được tháp nhập vào Thân Mình Chúa Kitô là Giáo Hội. Những thứ chia rẽ thê thảm mà qua giòng thời gian đã xẩy ra trong thành phần môn đề của Chúa Kitô là những gì công khai phản nghịch lại với ý muốn của Chúa Kitô, gây gương mù cho thế giới và tác hại công việc làm thánh hảo nhất là việc rao giảng Phúc Âm cho tất cả mọi tạo vật (cf. "Unitatis Redintegratio," 1). Chính vì chứng từ đức tin và tình yêu thương ấy mà Kitô hữu được kêu gọi để cống hiến một dấu hiệu rạng ngời niềm hy vọng và nguồn ủi an cho thế giới này, một thế giới đầy những xung đột và căng thẳng. Bởi thế chúng ta cần phải tiếp tục làm mọi sự có thể để chữa lành những vết thương phân rẽ và mau chóng thực hiện việc tái thiết mối hiệp nhất Kitô Giáo. Chớ gì chúng ta được ánh sáng và sức mạnh của Thánh Linh hướng dẫn trong việc làm khẩn trương này.

 

Về khía cạnh này tôi chỉ còn biết thành tâm cảm tạ Chúa về mối liên hệ huynh đệ sâu xa mỗi ngày một hơn giữa Giáo Hội Tông Truyền Armenia và Giáo Hội Công Giáo. Vào thế kỷ 13, Nerses ở Lambron, một trong những vị đại Tiến Sĩ của Giáo Hội Armenia, đã viết những lời đầy phấn khích này: ‘Bởi vậy, vì tất cả chúng ta cần đến  hòa bình từ nơi Thiên Chúa mà hãy làm cho nền tảng của hòa bình này trở thành hòa hợp nơi anh em. Chúng ta đã nguyện cầu cùng Chúa ban hòa bình và tiếp tục làm như thế. Này, Ngài đang ban cho chúng ta tặng ân hóa bình: chúng ta hãy đón nhận nó! Chúng tax in Chúa hãy làm cho Hội Thánh của Người được vững chắc, và Người đã sẵn sàng lắng nghe lời van nài của chúng ta. Bởi vậy chúng ta hãy trèo lên núi của niềm tin Phúc Âm!’ ("Il Primato della Carità," Ed. Qiqajon, p. 81). Những lời lẽ này của ông Nerses đã vẫn còn nguyên giá trị của chúng. Chúng ta hãy cùng nhau nguyện cầu cho môá hiệp nhất của tất cả mọi Kitô hữu, nhờ đó, bằng việc chấp nhận tặng ân này từ trên cao bằng một tâm hồn cởi mở, chúng ta có thể trở thành những chứng nhân lôi cuốn cho sự thật của Phúc Âm và là những người tôi tớ tốt lành hơn cho sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2006/november/documents/hf_ben-xvi_spe_20061130_patriarch-mesrob-ii_en.html

 

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ