GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BA 5/12/2006

 TUẦN I MÙA VỌNG NĂM C

 

?  Đức Tổng Giám Mục Giáo Chủ Cộng Đồng Hiệp Thông Anh Giáo Rowan Williams ngỏ lời cùng Đức Thánh Cha Biển Đức XVI ngày 23/11/2006

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đáp từ Đức Tổng Giám Mục Giáo Chủ Cộng Đồng Hiệp Thông Anh Giáo Rowan Williams ngày 23/11/2006

?   Bản Tuyên Ngôn Chung giữa Đức Thánh Cha Biển Đức XVI và Đức Tổng Giám Mục Rowan Williams

 

 

? "Là mục tử của gia đình Kitô hữu, hai chúng ta đều gánh vác một công việc, đó là trở thành những cổ võ viên hòa giải, công lý và cảm thương trên thế giới này"

 

Đức Tổng Giám Mục Giáo Chủ Cộng Đồng Hiệp Thông Anh Giáo Rowan Williams ngỏ lời cùng Đức Thánh Cha Biển Đức XVI ngày 23/11/2006

 

Trọng kính Đức Thánh Cha,

 

Tôi hết sức hân hoan để có thể chào kính ngài tại thành phố này, một thành phố đã được thánh hóa từ những ngày đầu tiên của kỷ nguyên Kitô Giáo, nhờ thừa tác vụ của hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, và là một thành phố được rất nhiều vị tiền nhiệm của ngài cống hiến chứng từ cao cả cho Phúc Âm có quyền năng biến đổi của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta.

 

Từ đầu của thừa tác vụ của mình với vai trò làm Tổng Giám Mục ở Canterbury, tôi đã được viếng thăm vị tiền nhiệm rất yếu dấu và khả kính của ngài là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và mang đến cho vị giáo hoàng này lời chào kính của gia đình chư giáo hội Anh Giáo toàn cầu có khoảng 80 triệu Kitô hữu. Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đánh động nhiều người trên khắp thế giới qua việc vị giáo hoàng này dấn thân cho Chúa Kitô, và như ngài biết, đã chiếm được một chỗ đặc biệt trong tâm can của nhiều người ở cả bên ngoài Giáo Hội Công Giáo Rôma nữa, nhờ niềm cảm thương và đức kiên trì đối với tất cả mọi người nơi thừa tác vụ của vị giáo hoàng này.

 

Trong lần gặp gỡ nhau đây, chúng ta cũng nhắc lại và mừng kỷ niệm 40 năm cuộc viếng thăm Đức Giáo Hoàng Phaolô VI 40 năm trước của vị tiền nhiệm tôi là Đức Tổng Giám Mục Michael Ramsey, một cuộc gặp gỡ giữa hai vị lãnh đạo Giáo Hội Anh Giáo và Công Giáo Rôma đã mở màn cho tiến trình hòa giải và thân hữu là những gì đã được tiếp tục cho tới ngày hôm nay. Chiếc nhẫn tôi đang mang hôm nay đây là chiếc nhẫn thuộc hàng giáo phẩm do Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tặng cho Đức Tổng Giám Mục Michael, cây thánh giá này là tặng vật của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, biểu hiệu cho việc chúng ta cùng nhau dấn thân hoạt động thực hiện mối hiệp nhất hữu hình trọn vẹn của gia đình Kitô Giáo.

 

Chính trong cùng tinh thần huynh đệ ấy mà tôi thực hiện cuộc viếng thăm này, vì cuộc hành trình thân hữu được các vị khởi đầu là một cuộc hành trình tôi tin rằng chúng ta cần phải cùng nhau tiếp tục. Tôi cảm thấy phấn khởi trước cách thức ngài tỏ ra, ngay từ khi bắt đầu thừa tác vụ làm Giám Mục Rôma của mình, đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của vấn đề đại kết nơi thừa tác vụ của ngài. Nếu muốn Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô được hoàn toàn rao giảng cho một thế giới khẩn trương, thì yếu tố trọng yếu nơi chứng từ của chúng ta đó là việc tất cả mọi Kitô hữu biết hòa giải trong chân lý và yêu thương.

 

Tôi nói đến việc làm chứng và phục vụ chung này, với ý thức là con đường tiến đến mối hiệp nhất không phải là con đường dễ dàng, và những cuộc tranh cãi về cách thức chúng ta làm thế nào có thể áp dụng Phúc Âm vào những thách đố khó khăn gây ra bởi xã hội tân tiến thường làm lu mờ đi hay thậm chí đe dọa tới cả những thành đạt trong việc đối thoại. Trong thế giới tân tiến này, không một phần nào thuộc gia đình Kitô Giáo tác hành mà lại không gây ảnh hưởng sâu xa tới đồng đạo đại kết của chúng ta; chỉ khi nào đâm rễ sâu xa vào tình thân hữu với Chúa Kitô mới giúp chung ta có thể chân thành nói chuyện với nhau về những thứ khó khăn ấy, cũng như có thể nhận ra được một đường lối để làm sao biết hoàn toàn trung thành với trách nhiệm được ủy thác cho chúng ta là thành phần môn đệ của Chúa Kitô. Bởi thế, tôi đến đây hôm nay là để mừng mối thân hữu đang diễn tiến giữa Kitô hữu Anh Giáo và Kitô hữu Công Giáo Rôma, nhưng cũng để lắng nghe và biết được những mối quan tâm ngài muốn chia sẻ với tôi.

 

Tuy nhiên, là mục tử của gia đình Kitô hữu, hai chúng ta đều gánh vác một công việc, đó là trở thành những cổ võ viên hòa giải, công lý và cảm thương trên thế giới này – trở thành những vị khâm sứ của Chúa Kitô – và tôi tin rằng cuộc chân tình trao đổi những mối quan tâm của chúng ta sẽ không làm lu mờ đi những gì chúng ta có thể cùng nhau xác quyết và loan báo – đó là niềm hy vọng cứu độ và việc chữa lành trong Ân Sủng và Yêu Thương của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi Chúa Kitô.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 23/11/2006

 

 

TOP

 

 

?  "Tôi hy vọng rằng cuộc viếng thăm của anh chị em sẽ giúp vào việc anh chị em tìm kiếm những đường lối xây dựng tiến lên trong những hoàn cảnh hiện tại".

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đáp từ Đức Tổng Giám Mục Giáo Chủ Cộng Đồng Hiệp Thông Anh Giáo Rowan Williams ngày 23/11/2006

 

Thưa Đức Tổng Giám Mục,

Các bạn thân mến,

 

Nguyện chúc anh chị em ân sủng và bình an trong Chúa Giêsu Kitô! Việc anh chị em viếng thăm nơi đây hôm nay gợi lên truyền thống quan trọng được các vị tiền nhiệm của tôi thiết lập trong những thập niên mới đây. Nó cũng nhắc nhở chúng ta về một lịch sử liên hệ lâu dài hơn giữa Tòa Thánh Rôma và Tòa Thánh Canterbury, một tòa thánh được bắt đầu hiện hữu khi Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả sai Thánh Âu Quốc Tinh đến mảnh đất Anglo-Saxons trên 1400 năm trước đây. Hôm nay tôi hân hoàn tiếp đón ngài và phái đoàn đại biểu đi hộ tống ngài. Đây không phải là cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng ta. Thật vậy, tôi lấy làm biết ơn về sự hiện diện của ngài, cũng như sự hiện diện của các đại diện khác thuộc Cộng Đồng Hiệp Thông Anh Giáo, có mặt trong lễ an táng của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, rồi sau đó tại buổi lễ đăng quang giáo triều của tôi một năm rưỡi trước đây.

 

Việc anh chị em viếng thăm Tòa Thánh này trùng với dịp mừng kỷ niệm 40 năm cuộc viếng thăm Đức Giáo Hoàng Phaolô VI của Đức Tổng Giám Mục ở Canterbury bấy giờ là Tiến Sĩ Michael Ramsey. Nó là một cuộc viếng thăm đầy hứa hẹn lớn lao, khi Cộng Đồng Hiệp Thông Anh Giáo và Giáo Hội Công Giáo bắt đầu những bước tiến tới việc khởi xướng một cuộc đối thoại về những vấn đề cần được giải quyết trong việc tìm kiếm mối hiệp nhất hữu hình trọn vẹn.

 

Chúng ta cần phải dâng lời tạ ơn về nhiều mối liên hệ của chúng ta trên 40 năm qua. Công việc của ủy ban đối thoại về thần học đã từng là nguồn mạch phấn khởi, khi các vấn đề về tín lý vẫn chia cách chúng ta trong quá khứ đã được nói lên. Mối thân hữu và các liên hệ tốt đẹp diễn tiến ở nhiều nơi giữa Kitô hữu Anh Giáo và Kitô hữu Công Giáo đã góp phần tạo nên một môi trường mới để nuôi dưỡng và tiến triển việc chúng ta cùng nhau làm chứng cho Phúc Âm của Chúa Giêsu Kitô. Những cuộc viếng thăm Tòa Thánh này của những vị Tổng Giám Mục ở Canterbury đã giúp vào việc củng cố những mối liên hệ ấy và đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết những trở ngại làm cách ngăn chúng ta. Truyền thống này đã làm nẩy sinh một cuộc gặp gỡ xây dựng giữa các vị giám mục Anh Giáo và Công Giáo ở Mississauga, Canada, vào tháng Năm 2000, một cuộc gặp gỡ đã tiến tối chỗ đồng lòng thành lập một ủy ban hỗn hợp các vị giám mục để nhận thức những đường lối thích hợp trong việc thể hiện trong đời sống giáo hội mức tiến bộ đã đạt được. Chúng ta hãy dâng lời cảm tạ Thiên Chúa về tất cả những điều ấy.

 

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, và nhất là trong một thế giới Tây phương bị tục hóa này, thành phần Kitô hữu và các cộng đồng Kitô Giáo đang bị chi phối rất nhiều bởi những ảnh hưởng và áp đảo tiêu cực. Trên 3 năm qua, ngài đã công khai nói về những trạng thái căng thẳng và những khó khăn cứ ám ảnh Cộng Đồng Hiệp Thông Anh Giáo, gây ra tình trạng bất định cho tương lai của chung Cộng Đồng Hiệp Thông này. Những diễn tiến mới đây, đặc biệt liên quan tới vấn đề thừa tác vụ thánh chức và một số giáo huấn về luân lý, đã chi phối chẳng những các mối liện hệ nội bộ của Cộng Đồng Hiệp Thông Anh Giáo mà còn cả các mối liên hệ giữa Cộng Đồng Hiệp Thông Anh Giáo và Giáo Hội Công Giáo nữa. Chúng tôi tin rằng những vấn đề này, những vấn đề đang được bàn luận trong Cộng Đồng Hiệp Thông Anh Giáo, là những gì hết sức hệ trọng cho việc rao giảng Phúc Âm một cách trọn vẹn, và những cuộc bàn luận hiện nay của chúng ta sẽ là những gì hình thành tương lai cho các mối liên hệ của chúng ta. Hy vọng rằng công cuộc đối thoại về thần học, một công cuộc chưa ghi được một mức độ thỏa thuận nhỏ nhoi về những vần đề thần học quan trọng nào, sẽ được tiếp tục thực hiện một cách nghiêm chỉnh theo nhận thức của anh chị em. Chúng tôi hỗ trợ anh chị em bằng lời nguyện cầu thiết tha cho những cuộc bàn luận ấy. Chúng tôi hy vọng rằng Cộng Đồng Hiệp Thông Anh Giáo sẽ mãi vững vàng với các Phúc Âm và Truyền Thống Tông Đồ là những gì làm nên gia sản chung của chúng ta và là nền tảng cho ước vọng chung của chúng ta trong việc hoạt động cho mối hiệp nhất hữu hình trọn vẹn.

 

Thế giới cần đến chứng từ của chúng ta và sức mạnh xuất phát từ một việc hiệp nhất loan truyền Phúc Âm. Những nỗi khổ đau lớn lao của gia đình nhân loại và những hình thức bất công ảnh hưởng ngược chiều tới đời sống của rất nhiều người là những gì trở thành khẩn thiết cần đến chứng từ và việc phục vụ chung của chúng ta. Chính vì lý do này, và cho dù giữa những khó khăn hiện tại, chúng ta cần phải tiếp tục việc đối thoại về thần học của chúng ta. Tôi hy vọng rằng cuộc viếng thăm của anh chị em sẽ giúp vào việc anh chị em tìm kiếm những đường lối xây dựng tiến lên trong những hoàn cảnh hiện tại.

 

Xin Thiên Chúa tiếp tục chúc lành cho anh chị em và gia đình anh chị em, và xin Ngài kiên cường anh chị em trong thừa tác vụ của anh chị em đối với Cộng Đồng Hiệp Thông Anh Giáo.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 23/11/2006

 

 

TOP

 

 

?   "Vấn đề đại kết đích thực là những gì vượt ra ngoài việc đối thoại về thần học; nó chạm tới đời sống thiêng liêng của chúng ta và việc chúng ta cùng làm chứng nhân".

 

Bản Tuyên Ngôn Chung giữa Đức Thánh Cha Biển Đức XVI và Đức Tổng Giám Mục Rowan Williams

 

Bốn mươi năm trước đây, các vị tiền nhiệm của chúng tôi là Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Tổng Giám Mục Michael Ramsey đã gặp nhau ở thành phố này, một thành phố được thánh hóa nhờ thừa tác vụ và máu của các Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô. Các vị đã bắt đầu một cuộc hành trình mới cho việc hòa giải theo các Phúc Âm và những truyền thống chung cổ xưa. Những thế kỷ lạnh lùng giữa Kitô hữu Anh Giáo và Kitô hữu Công Giáo đã được thay thế bằng một niềm ước vọng mới thân tình và hợp tác, như một mối hiệp thông thực sự song bất toàn nơi chúng ta được tái nhận thức và xác định. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Tổng Giám Mục Ramsey bấy giờ đã thực hiện việc thiết lập một cuộc đối thoại để giải quyết những vấn đề từng gây chia rẽ trong quá khứ theo quan điểm mới trong chân lý và yêu thương.

 

Từ cuộc gặp gỡ ấy, Giáo Hội Công Giáo Rôma và Cộng Đồng Hiệp Thông Anh Giáo đã tiến tới một tiến trình đối thoại tốt đẹp, một cuộc đối thoại được đánh dấu bằng việc khám phá ra những yếu tố quan trọng của cùng một niềm tin, cùng với ước muốn, nhờ việc cùng nhau cầu nguyện, bày tỏ việc làm chứng và phục vụ là những gì chúng ta đều thực hiện. Trên 35 năm qua, Ủy Ban Quốc Tế Anh Giáo và Công Giáo Rôma (ARCIC: Anglican-Roman Catholic International Commission) đã phổ biến một số những văn kiện quan trọng là những gì tìm cách bày tỏ niềm tin chung của chúng ta. Trong vòng 10 năm, kể từ Bản Tuyên Ngôn Chung mới nhất được ký kết giữa Vị Giáo Hoàng này và Đức Tổng Giám Mục ở Canterbury, giai đoạn thứ hai của cơ cấu ARCIC đã hoàn thành trách vụ của mình, với việc phổ biến các văn kiện “Tặng Ân về Thẩm Quyền” (1999) và “Mẹ Maria: Ân Sủng và Niềm Hy Vọng trong Chúa Kitô” (2005). Chúng ta lấy làm biết ơn các thần học gia đã nguyện cầu và cùng nhau làm việc để soạn dọn những bản văn  ấy, những bản văn đang đợi chờ để được học hỏi và suy tư sâu xa hơn.

 

Vấn đề đại kết đích thực là những gì vượt ra ngoài việc đối thoại về thần học; nó chạm tới đời sống thiêng liêng của chúng ta và việc chúng ta cùng làm chứng nhân. Khi cuộc đối thoại với nhau được diễn tiến thì nhiều Kitô hữu Công Giáo và Kitô hữu Anh Giáo đã tìm thấy nơi nhau một lòng mến yêu Chúa Kitô là Đấng mời gọi chúng ta tham dự vào việc hợp tác và phục vụ cụ thể. Việc hiệp thông phục vụ Chúa Kitô ấy, việc hiệp thông được nhiều cộng đồng của chúng ta trên khắp thế giới cảm nghiệm thấy, là những gì đẩy mạnh mối liên hệ của chúng ta. Ủy Ban Quốc Tế Anh Giáo và Công Giáo Rôma về Hiệp Nhất và Truyền Giáo (IARCCUM: International Anglican-Roman Catholic Commission for Unity and Mission) đã dấn thân vào việc khám phá ra những đường lối thích hợp để sứ vụ chung của chúng ta trong việc loan truyền sự sống mới trong Chúa Kitô cho thế giới có thể được tiến triển và nuôi dưỡng. Bản tường trình của họ, một bản tường trình cho thấy phần tóm lược về những kết luận chính yếu của ARCIC và đề ra những ý kiến cho việc cùng nhau phát triển về việc truyền giáo và làm chứng, mới đây đã được hoàn thành và đệ trình cho Văn Phòng Hiệp Thông Anh Giáo và Hội Đồng Tòa Thánh Về Việc Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo duyệt xét, và chúng ta bày tỏ niềm tri ân cảm tạ của chúng ta đối với công việc họ làm.

 

Trong cuộc viếng thăm huynh đệ này, chúng ta mừng sự thiện gặt hái được từ 4 thập niên đối thoại. Chúng ta cám ơn Thiên Chúa về những ân ban cho những thập niên này. Đồng thời cuộc chúng ta cùng nhau hành trình dài lâu làm cho chúng ta cũng cần phải công khai nhìn nhận cái thách đố nơi những diễn tiến mới, những diễn tiến mà, ngoài tình trạng chia rẽ đối với Kitô hữu Anh Giáo, còn gây ra những trở ngại trầm trọng cho việc tiến bộ về đại kết của chúng ta nữa. Bởi thế, đây là một vấn đề khẩn trương mà, trong việc canh tân quyết tâm của chúng ta theo đuổi con đường tiến tới mối hiệp nhất hữu hình trọn vẹn trong chân lý và tình yêu Chúa Kitô, chúng ta cũng phải quyết tâm tiếp tục đối thoại, để giải quyết những vấn đề quan trọng liên quan tới những yếu tố đang được khơi lên về giáo hội học và đạo lý học,  những gì làm cho cuộc hành trình này càng trở nên khó khăn và gian nan hơn. 

 

Là những nhà lãnh đạo Kitô Giáo đang phải đối diện với những thách đố của ngàn năm mới, chúng tôi, một lần nữa, xin khẳng định việc chúng tôi dấn thân chung cho việc tỏ hiện sự sống thần linh được Thiên Chúa thể hiện nơi thần tính và nhân tính của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Chúng tôi tin rằng chính nhờ Chúa Kitô cùng với phương tiện cứu độ ở nơi Người mà việc chữa lành và hòa giải được cống hiến cho chúng ta và cho thế giới. 

 

Có nhiều lãnh vực làm chứng và phục vụ chúng ta có thể cùng nhau thực hiện, và là những gì thực sự cần đến việc hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa chúng ta, như việc theo đuổi hòa bình ở Thánh Địa cũng như ở các phần đất khác trong một thế giới bị tương tàn bởi xung đột và đe dọa khủng bố; việc cổ võ tôn trọng sự sống từ khi được thụ thai cho tới lúc tự nhiên qua đời; việc bảo vệ tính chất linh thánh của hôn nhân và phúc hạnh của trẻ em trong môi trường đời sống gia đình lành mạnh; việc tiến đến với thành phần nghèo khổ, bì áp bức và dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là những ai bị bách hại vì đức tin; việc nói lên những hậu quả tiêu cực của chủ nghĩa duy vật; và việc chăm sóc thiên nhiên tạo vật và môi trường sống của chúng ta. Chúng tôi cũng quyết tâm thực hiện việc đối thoại liên tôn để cùng nhau chúng tôi tiến tới với những người anh chị em ngoài Kitô Giáo của chúng tôi.

 

Tưởng nhớ đến 40 năm đối thoại của mình, cũng như đến chứng từ của những con người nam nữ thánh đức chung cho truyền thống của mình, bao gồm cả Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, Thánh Biển Đức, Thánh Grêgôriô Cả, và Thánh Âu Quốc Tinh thành Cantebury, chúng tôi xin tự đoan hứa thực hiện việc cầu nguyện thiết tha hơn và nỗ lực dấn thân hơn trong việc đón nhận và sống chân lý được Thần Linh Chúa Kitô muốn dẫn dắt thành phần môn đệ của Người (x Jn 16:13). Tin tưởng bằng niềm hy vọng tông đồ ‘là Đấng đã bắt đầu công việc tốt lành của Ngài nơi anh chị em thì cũng hoàn thành nó’ (x Phil 1:6), chúng tôi tin rằng nếu chúng tôi cùng nhau trở thành những dụng cụ của thiên Chúa trong việc kêu gọi tất cả mọi Kitô hữu tiến tới chỗ vâng phục Chúa Kitô sâu xa hơn, chúng tôi cũng sẽ xích lại gần nhau hơn, tìm thấy nơi ý muốn của Người tầm vóc viên trọn của mối hiệp nhất và cuộc sống chung là những gì chúng ta được mời gọi đạt tới vậy.

 

Tại Vatican ngày 23/11/2006
 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 23/11/2006

 

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ