GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ BẢY 9/12/2006 TUẦN I MÙA VỌNG NĂM C |
? Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Lễ Mẹ Vô Nhiễm 8/12/2006 về Mẹ Maria Đầy Ơn Phúc
? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Lời Kính Viếng Mẹ Vô Nhiễm ở Tháp Trụ Piazza di Spagna Rôma theo truyền thống vào Lễ Mẹ Vô Nhiễm 8/12/2006
? Cảm Nghiệm về Tình Hình Linh Địa Thánh Mẫu Fatima
Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Lễ Mẹ Vô Nhiễm 8/12/2006 về Mẹ Maria Đầy Ơn Phúc
Anh Chị Em thân mến:
Hôm nay chúng ta cử hành một trong những lễ tuyệt vời nhất và phổ thông nhất của Đức Trinh Nữ – đó là lễ Mẹ Hoài Thai Vô NHiễm Nguyên Tội. Mẹ Maria chẳng những không phạm bất cứ một tội nào, Mẹ còn được gìn giữ khỏi cái di sản chung của loài người là nguyên tội, vì sứ vụ Thiên Chúa giành cho Mẹ từ thuởi đời đời, đó là sứ vụ làm mẹ Đấng Cứu Chuộc.
Tất cả những điều ấy được chất chứa nơi sự thật đức tin về Ơn Hoài Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội. Nền tảng Thánh Kinh về tín điều này được thấy nơi những lời Thiên Thần ngỏ cùng người nữ tỳ Nazarét: ‘Kính chào đầy ơn phúc, Chúa ở cùng người!’ (Lk 1:28). ‘Đầy ơn phúc’, theo nguyên ngữ Hy Lạp là ‘kecharitomene’, là tên gọi tuyệt đẹp nhất của Mẹ Maria, danh xưng chính Thiên Chúa đã ban cho Mẹ để nói lên rằng từ đời đời và muôn thuở Mẹ là người được yêu thương, là người được chọn lựa, được chọn để lãnh nhận tặng ân cao quí nhất là Chúa Giêsu, ‘tình yêu nhập thể của Thiên Chúa’ (Deus Caritas Est, 12).
Chúng ta có thể tự hỏi: Tại sao Thiên Chúa đã chọn, trong tất cả mọi người nữ, Mẹ Maria thành Nazarét một cách đặc biệt? Câu trả lời được giấu ẩn nơi mầu nhiệm khôn thấu của ý muốn thần linh. Tuy nhiên, có một lý do được Phúc Âm đề cao đó là lòng khiêm nhượng của Mẹ.
Thi hào Dante Alighieri đã nhấn mạnh đến điều này trong đoạn cuối cùng của vở kịch ‘Địa Đường’: ‘Hỡi trinh mẫu, nữ tử của Con mình, khiêm nhượng và cao cả hơn mọi tạo vật khác, danh xưng được ấn định theo ý muốn hằng hữu’ (Địa Đàng, XXXIII: 1-3). Chính vị Trinh Nữ này trong ca vịnh Ngợi Khen, ca vịnh chúc tụng của m ình, đã nói đến điều ấy: ‘Linh hồn tôi công bố những điều cao cả của Chúa…. Vì Ngài đã nhìn đến phận thấp hèn nữ tỳ của Chúa’ (Lk 1:46,48). Phải, Thiên Chúa bị chiếm đoạt trước lòng khiêm nhượng của Mẹ Maria, một con người đã được ân nghĩa với Ngài (x Lk 1:30). Nhờ đó, Mẹ trở nên Mẹ Thiên Chúa, hình ảnh và là mô phạm của Giáo Hội, một Giáo Hội được chọn giữa chư dân để lãnh nhận phép lành của Chúa và để tỏa nó ra cho toàn thể gia đình nhân loại.
‘Phúc lành’ này là chính Chúa Giêsu Kitô. Người là nguồn ‘ân sủng’ mà Mẹ Maria được tràn đầy từ giây phút đầu tiên trong cuộc sống của Mẹ. Bằng lòng tin tưởng, Mẹ đã lãnh nhận Chúa Giêsu, và bằng tình yêu thương, Mẹ đã ban tặng Người cho trần gian. Đó cũng là ơn gọi của chúng ta và sứ vụ của chúng ta, một ơn gọi và sứ vụ của Giáo Hội, đó là nhận lãnh Chúa Kitô trong đời sống của mình và trao ban Người cho trần gian ‘hầu trần gian nhờ Người mà được cứu độ’ (Jn 3:17).
Anh Chị Em thân mến: lễ Hoài Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội soi sáng như một đèn hiệu mùa Vọng, một thời gian tỉnh thức và tin tưởng đợi chờ Đấng Cứu Thế. Trong khi chúng ta tiến lên gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng đang đến, chúng ta hãy nhìn lean Mẹ Maria là vị ‘chiếu giãi như một dấu hiệu của niềm hy vọng vững chắc và ủi an cho dân Chúa trong cuộc lữ hành’ (Lumen Gentium, 68).
Với ý thức ấy, tôi mời anh chị em hãy hợp với tôi vào buổi chiều hôm nay, tại tháp trụ Piaoãa di Spagna, tôi sẽ lập lại việc tôn kính truyền thống giành cho Người Mẹ dịu dàng bởi ân sủng và của ân sủng này. Giờ đây chúng ta hãy hướng về Mẹ bằng lời nguyện cầu gợi lại việc truyền tin của thiên thần.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 8/12/2006
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Lời Kính Viếng Mẹ Vô Nhiễm ở Tháp Trụ Piazza di Spagna Rôma theo truyền thống vào Lễ Mẹ Vô Nhiễm 8/12/2006
Hỡi Maria, Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội:
Năm nay, chúng con lại qui tụ lại với tình yêu thơ thảo dưới chân cột hình ảnh của Mẹ đây để lập lại với Mẹ lòng tôn kính của cộng đồng Kitô hữu và của thành phố Rôma. Chúng con đến trong nguyện cầu, theo truyền thống của các vị Giáo Hoàng trước đây, vào ngày phụng vụ long trọng cử hành Ơn Hoài Thai Vô Nhiễm của Mẹ, một mầu nhiệm là nguồn vui mừng và hy vọng cho tất cả mọi người được cứu độ.
Chúng con xin chào Mẹ và kêu cầu Mẹ bằng những lời của Thiên Thần: ‘đầy ơn phúc’ (Lk 1:28), một danh xưng tuyệt đẹp nhất được chính Thiên Chúa gọi Mẹ từ thuở đời đời.
Hỡi Maria, Mẹ ‘đầy ơn phúc’, đầy tình yêu Thiên Chúa từ giây phút đầu tiên của đời sống Mẹ được quan phòng tiền định làm Mẹ Chúa Cứu Thế, và thân mật liên kết với Người trong mầu nhiệm cứu độ.
Từ Ơn Hoài Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ chiếu sáng ơn gọi của thành phần môn đệ Chúa Kitô, thành phần được kêu gọi trở nên, với ơn của Người, các vị thánh và vô nhiễm bằng tình yêu thương (x Eph 1:4). Từ Mẹ chiếu tỏa ra phẩm vị của hết mọi người, thành phần luôn quí hóa trước mắt hóa công.
Ai nhìn lên Mẹ, Người Mẹ toàn thánh, không bị mất đi niềm thanh thản, bất kể là họ có bị thử thách đớn đau trong cuộc sống. Cho dù cảm nghiệm về tội lỗi là những gì buồn thảm, vì nó làm hoen nhọ đi phẩm vị làm con cái Thiên Chúa, song ai chạy đến với Mẹ đều tái khám phá ra vẻ đẹp của chân lý và tìn h yêu, và thấy lại được con đường dẫn về nhà Cha.
Mẹ ‘đầy ơn phúc’, hỡi Maria, vị, khi chấp nhận dự án của đấng hóa công bằng lời ‘xin vâng’ của mình, đã mở đường cứu độ cho chúng con. Xin dạy cho chúng con cũng biết thưa ‘vâng’ cùng ý muốn của Chúa! Một tiếng ‘vâng’ liên kết voơi tiếng ‘vâng’ dứt khoát không mập mờ của Mẹ, một tiếng ‘vâng’ Chúa Cha mong muốn có để sinh hạ một Con Người mới là C húa Kitô, Đấng cứu tinh duy nhất của thế giới và của lịch sử.
Xin hãy ban cho chúng con lòng can đảm nói ‘không’ với những ảo tưởng của quyền lực, bạc tiền, khoái lạc: với những chiếm đoạt bất chính, với sự băng hoại và giả hình, với cái tôi và bạo động. ‘Không’ với tên gian ác, tên ma đầu của thế giới. ‘Vâng’ với Chúa Kitô, Đấng đã hủy diệt quyền lực sự dữ bằng quyền toàn năng của yêu thương. Chúng con biết rằng chỉ có những con tim trở về với tình yêu là Thiên Chúa mới có thể xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.
Hỡi Maria Mẹ ‘đầy ơn phúc’! Danh của Mẹ là bảo chứng của niềm hy vọng vững chắc cho tất cả mọi thế hệ. Phải, như vị đại thi hào Dante đã viết, đối với chúng con là thành phần chết chóc thì Mẹ là ‘nguồn hy vọng sống động’ (Paradise, XXXIII, 12). Chúng con một lần nữa chạy đến mạng nguồn này, giòng suối của Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, như kẻ hành hương tin tưởng, để kín múc lấy niềm tin và niềm an ủi, niềm vui và tình yêu thương, sự an ninh và an bình.
Hỡi Trinh Nữ ‘đầy ơn phúc’, xin hãy
tỏ mình là một người mẹ dịu dàng yêu thương với thành phần dân cư của thành phố
này, nhờ đó tinh thần đích thực của việc truyền bá phúc âm hóa làm sinh động và
hướng dẫn tác hành của họ; xin hãy tỏ mình là một người mẹ và là viên canh gác
tỉnh táo của Ý quốc và Âu Châu, để từ căn gốc Kitô Giáo cổ kính, con người lấy
được nhựa sống để xây dựng hiện tại và tương lai của họ; xin hãy tỏ ra là một
người mẹ quán xuyến và từ hậu với toàn thế giới, để nhờ đó con người có thể vững
vàng xây dựng nền văn minh yêu thương, tôn trọng phẩm vị con người và loại trừ
đi tất cả mọi hình thức bạo động và khai thác.
Xin hãy tỏ mình là một người mẹ đặc biệt cho thành phần khẩn thiết nhất: thành
phần bất khả tự vệ, thành phần sống bên lề xã hội, và thành phần bị loại trừ,
thành phần nạn nhân của một xã hội thường hy sinh con người cho các mục đích và
lợi lộc khác.
Xin hãy tỏ mình ra là mẹ của tất cả
mọi người, hỡi Maria, và ban cho chúng con Chúa Kitô là niềm hy vọng của thế
giới! ‘Monstra te esse matrem’, hỡi trinh nữ hoài thai vô nhiễm đầy ân phúc!
Amen!
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến
ngày 8/12/2006
Cảm Nghiệm về Tình Hình Linh Địa Thánh Mẫu Fatima
Đức Gioan Phaolô II đã viếng thăm linh địa thánh mẫu Fatima này 3 lần, nên vị giám đốc đền thánh mẫu này là linh mục Luciano Guerra từ năm 1973 cũng hy vọng Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cũng sẽ đến viếng thăm vào năm 2007. Trong cuộc phỏng vấn với mạng điện toán toàn cầu Zenit, ngài đã chia sẻ về những thách đố của đền thánh mẫu và niềm hy vọng của ngài.
Vấn: Với tư cách là vị giám đốc của Đền Thánh Fatima trên 30 năm, cha cảm nghiệm thấy như thế nào?
Đáp: Cảm nghiệm của tôi vẫn là những gì tích cực. Fatima là một nơi người ta hiếm thấy được một cuộc khủng hoảng nào. Ngày nay đang có một bầu khí khủng hoảng trong thế giới dân sự và tôn giáo. Ở Fatima, chúng tôi thực sự là không bị khủng hoảng. Con số khách hành hương vẫn gia tăng và tôi nghĩ sẽ tiếp tục như thế. Bởi vậy, nó thực sự là một cảm nghiệm tích cực mà tôi xin tạ ơn Thiên Chúa về điều này.
Vấn: Còn về những thứ liên hệ với khách hành hương thì như thế nào?
Đáp: Với tư cách là những vị linh mục, chúng tôi liên tục giao tiếp với khách hành hương. Thật là vui thú khi thấy khách hành hương thích Fatima vì môi trường và vì họ có cơ hội được sống những thời gian nguyện cầu một cách thiết tha sống động, bởi thế mà họ trở lại nhiều lần. Chúng tôi có những khách hành hương ngoại quốc đã trở lại Fatima cả chục lần, vì họ cảm thấy tốt lành nơi đây và hiếm khi có một lời phàn nàn nghiêm trọng nào. Dĩ nhiên là cũng có những khiếm khuyết và những khó khăn, thế nhưng phản ứng của khách hành hương lại rất ư là tích cực.
Vấn: Nhiều tín hữu đến đền thánh này là những người không còn tham dự
Lễ Chúa Nhật. Chúng ta có thể hiểu sự kiện này như là một thứ tìm kiếm những gì
là linh thiêng hay chăng?
Đáp: Đúng thế. Họ là những người đã bỏ việc tham gia vào Giáo Hội vì những lý do lịch sử hay những lý do khác, thế nhưng tôi tin rằng là thành phần bỏ Giáo Hội họ cũng bắt đầu nhận thấy nỗi lẻ loi cô độc của họ. Họ không có được sự chở che bảo vệ của một cơ cấu mang tâm niệm tôn kính và tôn vinh Thiên Chúa và hoạt động cho phần rỗi theo mọi quan điểm của loài người.
Tôi nghĩ rằng một chốn hành hương là một nơi người ta chẳng những mãn nguyện với ước vọng riêng tư về mối liên hệ với Thiên Chúa mà còn tiến đến chỗ nhận thấy được cái thiết yếu nơi mối hiệp thông với anh chị em mình mà không có nó không thể được gọi là một tôn giáo thực sự.
Vấn: Đức Mẹ Fatima được biết đến trên khắp thế giới. Đâu là tầm vóc
quan trọng hiện nay của sứ điệp Fatima đối với Giáo Hội cũng như với thế giới?
Đáp: Tính cách hợp thời của sứ điệp Fatima được thể hiện một cách xác thực nơi lợi ích được dân chúng biểu lộ nơi Fatima. Dĩ nhiên là có một ích lợi chung xuất phát từ sự kiện là Đức Mẹ đã hiện ra ở đó vào thời buổi tân tiến. Tất cả những được bao gồm trong một việc hiện ra siêu nhiên là một thứ trẻ trung hóa niềm tin tưởng được bắt đầu từ các nền tảng của nó, tức là từ sự hiện hữu của Thiên Chúa, của Đức Mẹ, nơi chốn của Chúa Giêsu Kitô. Ngoài ra, còn sự kiện là Thiên Chúa ở với chúng ta và tỏ tình Ngài yêu thương chúng ta.
Tôi nghĩ đây là lý do chính yếu và nền tảng của sứ diệp Fatima. Đó là Thiên Chúa. Những ai thực sự tin rằng Fatima là thật thì tin rằng Thiên Chúa hiện hữu. Một khi chúng ta tin rằng Thiên Cgúa hiện hữu thì như Thánh têrêsa nói: ‘Một mình Thiên Chúa là đủ rồi!’.
Vấn: Đức Gioan Phaolô II đã viếng thăm đền thánh Fatima 3 lần vào năm
1982, 1991 và 2000. Theo cha nghĩ thì các cuộc viếng thăm của Đức Gioan Phaolô
II đã góp phần vào đền thánh này ra sao?
Đáp: Tôi nghĩ là việc đóng góp trên hết đó là việc ngài thực hiện tác động tận hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria cùng với các vị giám mục trên thế giới, như ngài đã được yêu cầu theo quan điểm của sứ điệp này. Bởi vậy mà chính niềm xác tín sâu xa của ngài mà ngài đã thực sự được Đức Mẹ ra tay can thiệp cứu mạng, vì đó là ngày 13/5, ngày của Đức Mẹ.
Một lần nữa, chúng ta trở về với cái cảm nghiệm, tới cái ý thức trước sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống của chúng ta. Đức Gioan Phaolô II đã liên lỉ bày tỏ việc ngài rất yêu chuộng Fatima, vì ngài xác tín rằng Đức Mẹ đã muốn tỏ cho ngài thấy, bằng sức mạnh của sứ điệp này, bằng sự quyền năng Mẹ hiện diện ở Fatima, là Mẹ ở bên cạnh ngài.
Vấn: Nhìn đến tương lai, cha có dự định gì về những hoạt động và dự án
hay chăng?
Đáp: Tôi không có những dự án dài hạn. Tôi nghĩ dự án chính đó là tiếp tục tiếp đón khách hành hương một cách tương xứng. Thật sự là khách hành hương đang càng ngày càng cảm nhận được bầu khí và môi trường nguyện cầu và thinh lặng. Như chúng tôi đã thực hiện một lời kêu gọi mạnh mẽ về việc tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi, dĩ nhiên cùng với việc tôn sùng Thánh Mẫu và việc tôn thờ Thánh Thể Cực Linh, tôi nghĩ rằng tương lai của đền thánh này là ở chỗ khuyến khích khách hành hương biết tĩnh lặng hơn nữa để tôn thờ Thiên Chúa, tôn thờ Thánh Thể Cực Linh và tôn thờ Ba Ngôi Chí Thánh. Bởi thế, cần phải chú trọng tới vấn đề huấn luyện và thực sự bày tỏ đức tin.
Vấn: Trong lãnh vực truyền thông xã hội thì nguyệt san Tiếng Vọng
Fatima (Voice of Fatima) của đền thánh mẫu này hiện nay đã được biết đến chưa?
Cha có nghĩ rằng đây là một phương tiện quan trọng để làm cho đến thành mẫu này
được biết đến hay chăng?
Đáp: Chúng tôi không bao giờ giỏi lắm về lãnh vực truyền thông xã hội. Chúng tôi cũng có một trang điện toán toàn cầu chúng tôi muốn duy trì. Tôi nghĩ nó là một trong những yếu tố đền thánh mẫu này cần phải giải quyết trong tương lai.
Hôm nay phương tiện truyền thông xã hội là những gì thiết yếu, cho dù có biết được rằng đối với chúng ta nó có thể trở thành một nguy cơ xa lạ. Tôi nghĩ chúng ta luôn cần phải tìm kiếm tha nhân của mình, và người có thể gặp gỡ chúng ta nhờ phương tiện truyền thông xã hội là một người cận thân rất liên hệ.
Bởi thế mà Giáo Hội cần phải nỗ lực để hình thành các cộng đồng dân chúng sống gần nhau, và có thể bày tỏ cảm nghiệm cộng đồng của họ cùng tác động của Chúa Kitô trong các cộng đồng ấy. Dù sao đi nữa, trước hết, theo quan điểm tiền phúc âm hóa, để thực hiện một cuộc loan báo có khả năng làm dậy lên một quan tâm chú ý và đồng cảm nào đó, tôi nghĩ rằng phương tiện truyền thông thực sự là những gì hệ trọng.
Vấn: Cha nghĩ sao về mối liên hệ của Đức Biển Đức XVI với đền thánh
mẫu Fatima?
Đáp: Chắc chắn là ngài có một liên hệ rất nhiều với đền thánh mẫu này. Không những vì ngài đã đến viếng thăm nó trước khi trở thành Giáo Hoàng, mà còn vì ngài đã viết lời dẫn giải (về phần Thứ Ba của Bí Mật Fatima khi còn là Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin). Đó không phải là một quyết định ít giá trị đâu, cho dù nó được Đức Gioan Phaolô II yêu cầu làm.
Tôi thành thực hy vọng rằng Đức Biển Đức XVI sẽ đến Fatima. Tôi rất mong ngài đến vào đầu năm tới để khánh thành ngôi thánh đường Chúa Ba Ngôi, và nếu có thể, để phong thánh cho các em (biết chú: phải chăng ở đây vị linh mục này có ý nói tới hai thiếu nhi Chân Phước Phanxicô và Giaxinta?).
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 3/12/2006