GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ NĂM 12/1/2006 |
? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI - Diễn Từ Mừng tân Niên với Phái Đoàn Ngoại Giao Chư Quốc ngày Thứ Hai 9/1/2006: Việc dấn thân cho sự thật là những gì thiết lập và củng cố quyền tự do
? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI - Nguyên văn Diễn Từ Tất Niên với Giáo Triều Rôma ngày Thứ Năm 22/12/2005: Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới và Năm Thánh Thể
? Vấn đề triệt sinh an tử theo quan điểm luân lý nơi giáo huấn Giáo Hội Công Giáo: Tổng Quan
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI - Diễn Từ Mừng tân Niên với Phái Đoàn Ngoại Giao Chư Quốc ngày Thứ Hai 9/1/2006: Việc dấn thân cho sự thật là những gì thiết lập và củng cố quyền tự do
Quí Vị Lãnh Sự, Quí Bà và Quí Ông,
Điểm thứ hai tôi muốn nói tới là thế này: việc dấn thân cho sự thật là những gì thiết lập và củng cố quyền tự do. Cái cao cả đặc thù của con người trên hết là ở khả năng nhận biết chân lý. Và con người muốn biết sự thật. Tuy nhiên, sự thật chỉ có thể đạt được trong tự do. Điều này áp dụng cho tất cả mọi sự thật, như hiển nhiên thấy nơi lịch sử của khoa học; thế nhưng nổi bật nhất là những sự thật mà trong đó chính bản thân thực sự của con người lại đang gặp nguy hiểm, những sự thật về thần linh, những sự thật về thiện ác, về những mục đích cao cả và về chân trời của cuộc sống, về những liên hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa. Những sự thật này không thể đạt tới mà lại không mang lại thành quả sâu xa cho đường lối sống của chúng ta. Và một khi được tự do chiếm đoạt, chúng đòi hỏi một phạm vi rộng lớn của tự do, nếu chúng được sống một cách xứng hợp với hết mọi chiều kích của đời sống con người.
Đó là nơi mà hoạt động của mọi Quốc Gia, và sinh hoạt ngoại giao giữa các Quốc Gia theo bản chất của mình phải thực hiện. Trong việc phát triển luật lệ quốc tế ngày nay, càng ngày càng hiển nhiên thấy được rằng không một Chính Quyền nào có thể cảm thấy tránh khỏi việc lơ là với nhiệm vụ của mình, trong việc bảo đảm những điều kiện tự do xứng hợp giành cho thành phần công dân của mình, nhờ đó mới không tác hại tới uy tín của mình trong việc lên tiếng về các vấn đề quốc tế. Đúng thế, vì trong việc bảo toàn các thứ quyền lợi thuộc về con người như thế, các thứ quyền lợi được quốc tế bảo đảm như thế, là con người dĩ nhiên cần phải ưu tiên chú trọng tới việc bảo đảm các quyền lợi tự do trong từng Quốc Gia, trong đời sống chung riêng, trong những mối liên hệ về kinh tế và chính trị, cũng như nơi các lãnh vực về văn hóa và tôn giáo. Về vấn đề này, chính quí vị đã thừa biết rằng vì chính bản chất của mình mà hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh là những gì liên quan tới việc cổ võ, trong số các hình thức khác của tự do, khía cạnh tự do về tôn giáo. Tiếc thay, ở một số Quốc Gia, thậm chí nơi những quốc gia có thể hãnh diện về truyền thống văn hóa ngàn năm thì tự do tôn giáo chẳng những không được bảo đảm mà lại còn bị vi phạm trầm trọng nữa, nhất là ở những nơi có thành phần thiểu số. Ở đây tôi chỉ xin nhắc lại những gì đã được phác họa rất rõ ràng trong Bản Hiến Chương Chung về Nhân Quyền. Các quyền lợi căn bản của con người đều là những gì giống nhau ở mọi nơi; trong đó, cần phải chú trọng tới vị trí cao cả của quyền tự do tôn giáo, vì nó bao gồm những mối liên hệ quan trọng nhất của con người, đó là mối liên hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa. Tôi xin nói cùng tất cả những ai có trách nhiệm với đời sống của Chư Quốc là, nếu quí vị không sợ sự thật thì quí vị chẳng lo gì tự do! Tòa Thánh, trong việc yêu cầu quyền tự do chân thực cho Giáo Hội Công Giáo ở khắp nơi cũng yêu cầu quyền tự do ấy cho hết mọi người nữa.
(còn tiếp)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo
http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2006/january/documents/hf_ben-xvi_spe_20060109_diplomatic-corps_en.html
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI - Nguyên văn Diễn Từ Tất Niên với Giáo Triều Rôma ngày Thứ Năm 22/12/2005: Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới và Năm Thánh Thể
Quí Đức Hồng Y
Chư Huynh Khả Kính trong Hàng Giáo Phẩm và Giáo Sĩ
Anh Chị Em thân mến,
Chữ “tôn thờ” (thờ phượng) đưa chúng ta tới biến cố cao cả thứ hai mà tôi muốn nói tới, đó là Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới và Năm Thánh Thể. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, qua Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể và Tông Thư Xin Chúa Ở Với Chúng Con, đã cống hiến cho chúng ta những đầu mối thiết yếu, đồng thời, bằng cảm nghiệm bản thân của ngài về đức tin nơi Thánh Thể ngài đã mang giáo huấn của Giáo Hội vào thực tế.
Thêm vào đó, Thánh Bộ Thờ Phượng, liên kết với bức Thông Điệp này, đã phổ biến Bản Hướng Dẫn Bí Tích Cứu Chuộc như là một bản chỉ nam cụ thể cho việc áp dụng đúng đắn Hiến Chế của Công Đồng về phụng vụ và việc canh tân phụng vụ. Ngoài những văn kiện này ra, thực sự còn điều gì mới mẻ hơn nữa để khai triển hơn thế nữa về toàn bộ giáo huấn này hay chăng?
Đó chính là cảm nghiệm cao cả của Thượng Nghị này, một thượng nghị được các Nghị Phụ đóng góp những suy tư về kho tàng sự sống Thánh Thể của Giáo Hội ngày nay và về tính cách bất tận của niềm tin của Giáo Hội vào Thánh Thể. Những gì các Nghị Phụ đã suy nghĩ và bày tỏ cần phải được trình bày, liên kết với bản Propositiones của Thượng Nghị, trong một Văn Kiện Hậu Thượng Nghị.
Ở đây, một lần nữa, tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến một điểm vừa được chúng ta đề cập tới liên quan đến Ngày Giới Trẻ Thế Giới, đó là việc tôn thờ Vị Chúa Phục Sinh, Đấng hiện diện nơi Thánh Thể với máu và thịt, với thân xác và linh hồn, với thần tính và nhân tính của Người.
Tôi lấy làm cảm động khi thấy khắp nơi trong Giáo Hội niềm vui tôn thờ Thánh Thể đang được khơi động và sinh hoa kết trái. Trong giai đoạn canh tân phụng vụ, Thánh Lễ và việc tôn thờ ngoài Thánh Lễ thường được thấy như là những gì nghịch lại nhau. Đó là ý nghĩ cho rằng Bánh Thánh Thể đã không được ban cho chúng ta để chiêm ngưỡng mà là để ăn, như nhiều chống đối thời bấy giờ chủ trương.
Cảm nghiệm về việc cầu nguyện của Giáo Hội đã chứng tỏ cái phản đề này vô lý là chừng nào. Thánh Âu Quốc Tinh đã chính thức nói rằng: “… nemo autem illam carnem manducat, nisi prius adoraverit; … peccemus non adorando – Không ai được ăn thịt này mà trước hết không tôn thờ thịt ấy; … chún g ta sẽ phạm tội nếu chúng ta không tôn thờ thịt này” (cf. Enarr. in Ps 98: 9 CCL XXXIX 1385).
Thật vậy, chúng ta không chỉ lãnh nhận một điều gì đó nơi Thánh Thể. Đó là một cuộc hội ngộ và là một cuộc hiệp nhất hai ngôi vị; tuy nhiên, ngôi vị đến gặp gỡ chúng ta và muốn hiệp nhất chính bản thân mình với chúng ta là Con Thiên Chúa. Việc hiệp nhất hóa này chỉ có thể xẩy ra bằng việc tôn thờ.
Việc lãnh nhận Thánh Thể có nghĩa là tôn thờ Đấng chúng ta nhận lãnh. Chính vì thế và chỉ như thế chúng ta mới có thể nên một với Người. Bởi vậy, vấn đề phát triển về việc tôn thờ Thánh Thể, như nó đã hình thành trong Thời Trung Cổ, là thành quả thích hợp nhất của chính mầu nhiệm Thánh Thể: chỉ ở nơi việc tôn thờ việc chấp nhận mới có thể phát triển sâu xa và thực sự. Và chính tác động riêng tự gặp gỡ này với Chúa mới phát triển sứ vụ xã hội là sứ vụ được chất chứa nơi Thánh Thể và mới muốn phá đổ những thứ ngãng trở, chẳng những các ngãng trở giữa Chúa và chúng ta, mà còn trên hết những ngãng trở giữa chúng ta với nhau nữa.
Biến cố cuối cùng của năm nay tôi muốn chia sẻ ở đây là việc cử hành 40 năm bế mạc Công Đồng Chung Vaticanô II…..
(còn tiếp)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ
http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2005/december/documents/hf_ben_xvi_spe_20051222_roman-curia_en.html
Vấn đề triệt sinh an tử theo quan điểm luân lý nơi giáo huấn Giáo Hội Công Giáo
Theo nguyên tắc luân lý phổ quát và lý lẽ tự nhiên thì không ai tự mình mà có, do đó cũng không ai có toàn quyền tuyệt đối trên sự sống của chính mình hay của bất cứ một ai. Đó là lý do chính yếu cho Giáo Hội Công Giáo chủ trương cổ võ văn hóa sự sống và chống lại văn hóa sự chết.
Giáo Hội Công Giáo chủ trương tôn trọng sự sống của con người ngay từ lúc nó được thụ thai cho tới khi tự nhiên qua đời; bởi đó, Giáo Hội Công Giáo đều cực lực lên án và cương quyết chống đối tất cả những gì phạm đến sự sống, như ngừa thai nhân tạo, triệt sản, phá thai, diệt sinh an tử và tuyên án tử hình v.v.
Riêng về vấn đề diệt sinh an tử, Giáo Hội Công Giáo chủ trương 3 điều sau đây:
Thứ nhất, thành phần bệnh nhân ở trong tình trạng vốn được một số chuyên viên y khoa gọi một cách mỉa mai và khinh thường là tình trạng thực vật, tức ở trong tình trạng không còn ý thức như con người hay cảm xúc như con vật mà chỉ sinh động và tồn tại một cách vô tri vô cảm như loài cỏ cây, thì họ vẫn còn là người, nên vẫn phải tôn trọng họ như thường, giống như một mầm thai chưa thành hình người và chưa biết cựa quậy cũng cần phải tôn trọng vì nó đã là người rồi vậy.
Thứ hai, theo Thông Điệp Phúc Âm Sự Sống, ở đoạn 65c, thì được phép sử dụng các loại thuốc giảm đau cho dù loại thuốc này có gây ra hậu quả tai hại cho chính sự sống của con người, nhưng với mục đích duy nhất là để giảm đau khi cần thiết mà thôi, chứ không phải với mục đích dùng nó để làm cho bệnh nhân nguy tử chết sớm hơn.
Thứ ba, cũng theo Thông Điệp Phúc Âm Sự Sống, ở đoạn 65b, thì được tháo ống dinh dưỡng và thủy dưỡng ra, nếu những phương tiện này không còn đạt được mục đích của mình nữa, tức khi thân thể của người bệnh không còn tiếp nhận được các thứ dinh dưỡng và thủy dưỡng nữa, nói cách khác, nghĩa là thân xác người bệnh đã hoàn toàn chết rồi, cho dù có dùng dụng cụ để khiến cho tim còn đập một cách giả tạo.
Tất cả những chủ trương trên đây, nhất là chủ trương thứ nhất, chủ trương nống cốt nhất, đã được phản ảnh trong câu nói bất hủ của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II sau đây: “Giá trị sự sống của một con người không thể nào lại tùy thuộc vào phán quyết về phẩm chất sự sống của những người khác”.
Thật vậy, vào ngày Thứ Bảy 20/3/2004, tại Sảnh Đường Clementine, ĐTC đã tiếp 400 tham dự viên của Hội Nghị Thế Giới về chủ đề “Những Trị Liệu Bảo Trì Sự Sống và Trạng Thái Thực Vật: Các Tiến Bộ Về Khoa Học và Những Nan Giải Về Đạo Lý”, do Liên Hiệp Thế Giới Các Hiệp Hội Y Khoa Công Giáo (FIAMC: World Federation of Catholic Medical Associations) và Học Viện Tòa Thánh Về Sự Sống tổ chức tại Augustinianum Patristic Institute ở Rôma từ Thứ Tư 17 đến hết Thứ Bảy 20/3/2004. Cuộc hội nghị quốc tế này diễn tiến với sự tham dự của 40 ký giả khoa học và 370 vị khác đến từ 49 quốc gia, kể cả từ Saudi Arabia, Israel và Kazakhstan. Có 40 bài nói chuyện của các chuyên viên khoa học và 30 bản tường trình.
Trong bài huấn từ của mình, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã khẳng định “Giá trị sự sống của một con người không thể nào lại tùy thuộc vào phán quyết về phẩm chất sự sống của những người khác”. Ngoài ra, cũng trong bài huấn từ này, ngài còn nói rõ những vấn đề thiết yếu sau đây: 1) Thế nào là tình trạng thực vật? 2) Con người có thể ra khỏi trong tình trạng này hay chăng? 3) Phẩm chất sự sống của con người ở trong tình trạng này ra sao? 4) Bệnh nhân ở trong tình trạng này cần phải được đối sử như thế nào? 5) Có bao giờ được rút ống dinh dưỡng và thủy dưỡng ra hay chăng? Thế nào là việc triệt sinh an tử? 6) Tại sao người ta muốn diệt sinh an tử bệnh nhân ở trong tình trạng thực vật? 7) Việc triệt sinh an tử có thật sự là một việc làm của lòng xót thương hay chăng? 8) Giáo huấn về vấn đề triệt sinh an tử nơi vụ của Terry Schiavo ở Florida Hoa Kỳ ra sao? 9) Giáo huấn về vấn đề triệt sinh an tử có tác dụng ra sao nơi ngành y khoa?
(còn tiếp)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,