GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ BẢY 14/1/2006 |
? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI - Diễn Từ Mừng tân Niên với Phái Đoàn Ngoại Giao Chư Quốc ngày Thứ Hai 9/1/2006: Việc dấn thân cho hòa bình mở đường cho những niềm hy vọng mới.
? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI - Nguyên văn Diễn Từ Tất Niên với Giáo Triều Rôma ngày Thứ Năm 22/12/2005: Cách Dẫn Giải theo chiều hướng canh tân về Công Đồng Chung Vaticanô II
? Vấn đề triệt sinh an tử theo quan điểm luân lý nơi giáo huấn Giáo Hội Công Giáo (tiếp: vấn đề 4-6)
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI - Diễn Từ Mừng tân Niên với Phái Đoàn Ngoại Giao Chư Quốc ngày Thứ Hai 9/1/2006: Việc dấn thân cho hòa bình mở đường cho những niềm hy vọng mới.
Quí Vị Lãnh Sự, Quí Bà và Quí Ông,
(tiếp 10 Thứ Ba, 11 Thứ Tư, 12 Thứ Năm và 13 Thứ Sáu)
Giờ đây, Thưa Quí Vị Lãnh Sự, tôi xin nói đến điểm cuối cùng: đó là việc dấn thân cho hòa bình mở đường cho những niềm hy vọng mới. Ở một nghĩa nào đó thì đây là điểm đúc kết tất cả những gì tôi nói tới. Con người có khả năng biết được sự thật! Họ có một khả năng liên quan tới các vấn đề quan trọng đối với hữu thể và tác hành: là một cá nhân và là một phần tử của xã hội, hoặc một nước hay toàn thể nhân loại. Hòa bình, những gì họ có thể và cần phải dấn thân cho, không phải chỉ là tình trạng im hơi lặng tiếng cuộc đụng chạm vũ khí; hơn thế nữa, nó là một thứ hòa bình có thể phấn khích những nghị lực mới trong các mối liên hệ quốc tế, những mối liên hệ trở thành phương tiện gìn giữ hòa bình. Thế nhưng, điều này có thể xẩy ra nếu những mối liên hệ ấy đáp ứng sự thật về con người và về phẩm giá của họ. Bởi thế mà người ta không thể nói về hòa bình ở những trường hợp con người thiếu thốn cả đến những nhu cầu căn bản nhất để sống xứng với phẩm giá của họ. Ở đây, tôi nghĩ tới vô vàn con người đang chịu đựng đói khổ. Không thể nói rằng họ sống trong hòa bình, cho dù họ không ở trong tình trạng chiến tranh: thật vậy họ là những nạn nhân bất khả tự vệ của chiến tranh. Ngay sau đó là những hình ảnh buồn thảm của các trại khổng lồ khắp thế giới cho những người di tản và tị nạn, thành phần sống trong những điều kiện hết sức cố gắng để thoát khỏi số phận tệ hại song vẫn sống trong cảnh thiếu thốn thảm khốc. Chẳng lẽ những con người này không phải là anh chị em của chúng ta hay sao? Con cái của họ không vào đời có cùng những niềm mong đợi được hạnh phúc như những đứa trẻ khác hay sao? Người ta cũng có thể nghĩ tới tất cả những ai bị những điều kiện sinh sống bất xứng buộc phải di tản xa nhà cửa và gia đình, ôm niềm hy vọng có được một cuộc sống nhân bản hơn. Chúng ta cũng không bỏ qua được nạn buôn người vẫn còn là những gì hổ ngươi ô nhục trong thời đại của chúng ta.
Trước những “thứ nguy ngập về nhân đạo” này cũng như những thảm trạng nhân bản khác, nhiều người thiện tâm, cùng với các tổ chức quốc tế và các cơ quan phi chính phủ khác nhau, thật sự đã tỏ ra đáp ứng. Thế nhưng vẫn cần phải cố gắng nhiều hơn nữa từ toàn thể cộng đồng ngoại giao để cương quyết trong chân lý và can đảm quảng đại khắc phục những chướng vật vẫn còn cản trở những giải quyết nhân đạo hiệu nghiệm. Và sự thật đòi hỏi là không một Quốc Gia trù phú nào chối bỏ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong việc ra tay giúp đỡ, bằng cách trích ra một cách quảng đại hơn nữa các nguồn lợi của mình. Căn cứ vào những dữ kiện thống kê sẵn có, có thể nói rằng gần một nửa số lượng khổng lồ chi phí trên thế giới cho vấn đề vũ trang quá đủ để giải thoát vô số nhiều người nghèo khỏi cảnh cơ cực. Đây là điều thách đố lương tâm nhân loại. Việc dấn thân chung của chúng ta cho sự thật có thể và cần phải mang lại niềm hy vọng mới cho những người sống dưới mức nghèo khổ, phần nhiều là do bởi những mối liên hệ chính trị, thương mại và văn hóa quốc tế, hơn là bởi những hoàn cảnh vượt ra ngoài khả năng kiểm soát của họ.
Quí Vị Lãnh Sự!
Trong việc Hạ Sinh của Chúa Kitô, Giáo Hội thấy rằng lời tiên tri của Thánh Vịnh Gia đã nên trọn, đó là “tình thương và lòng trung thành gặp nhau; công lý và hòa bình ôm lấy nhau; chân lý từ đất vọt lên và công lý từ trời nhìn xuống” (85:10-11). Khi chú giải những lời được linh ứng này, vị Đại Giáo Phụ của Giáo Hội là Âu Quốc Tinh, khi bày tỏ niềm tin tưởng của toàn thể Giáo Hội, đã kêu lên rằng: “Chân lý thật sự đã vọt lên từ đất, đó là Chúa Kitô, Đấng đã tự xưng: ‘Thày là Sự Thật’, đã được hạ sinh bởi Vị Trinh Nữ” (Bài Giảng 185).
Giáo Hội luôn kín múc sự sống từ chân lý này, thế nhưng, vào giai đoạn phụng niên đây, Giáo Hội thấy nó là một nguồn ánh sáng và niềm vui. Và trong ánh sáng của sự thật này, chớ gì những lời này của tôi ngỏ cùng quí vị đây, thành phần đại diện cho hầu hết các quốc gia trên thế giới, như lời bày tỏ niềm xác tín và hy vọng rằng chỉ có trong chân lý mới có hòa bình mà thôi!
Theo tinh thần ấy, tôi xin gửi đến tất cả quí vị lời chân thành chúc mừng tốt đẹp nhất của tôi cho một Tân Niên hạnh phúc!
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo
http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2006/january/documents/hf_ben-xvi_spe_20060109_diplomatic-corps_en.html
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI - Nguyên văn Diễn Từ Tất Niên với Giáo Triều Rôma ngày Thứ Năm 22/12/2005: Cách Dẫn Giải theo chiều hướng canh tân về Công Đồng Chung Vaticanô II
Quí Đức Hồng Y
Chư Huynh Khả Kính trong Hàng Giáo Phẩm và Giáo Sĩ
Anh Chị Em thân mến,
(tiếp 10 Thứ Ba, 11 Thứ Tư, 12 Thứ Năm và 13 Thứ Sáu)
Việc dẫn giải thiên về tính cách bất liên tục có nguy cơ tiến tới chỗ phân chia Giáo Hội tiền công đồng và Giáo Hội hậu công đồng. Việc dẫn giải này chủ trương rằng các văn kiện của Công Đồng ấy dù sao cũng không diễn đạt được tinh thần thực sự của Công Đồng. Kiểu dẫn giải này cho rằng những văn kiện ấy là thành quả của những thứ dung hòa, những gì muốn tiến tới chỗ đồng thanh nhất trí cần phải thực hiện để bảo tồn và tái xác định nhiều điều cũ kỹ giờ đây đã trở thành vô dụng. Tuy nhiên, tinh thần thực sự của Công Đồng này không ở tại những thứ dung hòa này mà là ở những động lực hướng tới những gì mới mẻ được chất chứa trong những bản văn kiện ấy.
Chí có những thứ mới mẻ ấy mới đáng làm tiêu biểu cho tinh thần đích thực của Công Đồng, và bắt đầu từ những mới mẻ ấy cũng như hợp với những thứ mới mẻ ấy tinh thần của Công Đồng mới có thể tiến phát. Chính vì các bản văn kiện này chỉ phản ảnh một cách bất toàn tinh thần thực sự của Công Đồng cũng như tính cách mới mẻ của Công Đồng mới cần phải can đảm vượt ra ngoài những văn kiện để giành chỗ cho cái mới mẻ theo ý hướng sâu xa nhất được Công Đồng bày tỏ, cho dù ý hướng ấy vẫn còn mập mờ.
Tóm lại, không cần phải tuân theo các văn kiện của Công Đồng mà là tinh thần của Công Đồng. Như thế thì hiển nhiên là có cả một giới hạn rộng lớn trước vấn đề được đặt ra ở đây đó là làm thế nào để tinh thần Công Đồng theo đó được xác định và nhờ đó tinh thần này có chỗ đứng nơi hết mọi thứ sáng kiến.
Bản chất của một Công Đồng như thế là những gì bị hiểu lầm tận gốc rễ. Theo chiều hướng ấy thì bản chất của công đồng được coi như là một thứ cấu hợp loại trừ đi một thứ pháp chế cổ xưa để tạo nên một thứ pháp chế mới mẻ. Tuy nhiên, Hội Đồng Cấu Hợp cần có một thừa ủy nhiệm viên cùng với việc xác nhận của vị thừa ủy nhiệm viên này, tức là của thành phần được pháp chế ấy phục vụ. Các Vị Nghị Phụ không có một thừa ủy nhiệm quyền nào như thế và không ai đã từng ban cho các ngài quyền này; cũng chẳng có bất cứ một ai ban cho các vị quyền này vì pháp chế thiết yếu này của Giáo Hội xuất phát từ Chúa Kitô và được ban cho chúng ta để chúng ta có thể đạt được sự sống trường sinh, và nhờ đó, bắt đầu có thể chiếu tỏa sự sống trong thời gian và chiếu tỏa chính thời gian nữa.
Qua Bí Tích được nhận lãnh, các vị Giám Mục là những người quản thủ tặng ân của Chúa. Họ là “những vị bảo quản viên các mầu nhiệm của Thiên Chúa” (1Cor 4:1); nhờ đó, họ phải tỏ ra “trung thành” và “khôn ngoan” (x Lk 12:41-48). Điều này đòi các vị phải ban phát tặng ân của Chúa một cách đúng đắn, nhờ đó tặng ân ấy không bị che đậy đi cách nào mà là sinh hoa kết trái, để rồi cuối cùng Chúa nói với thành phần quản trị viên này rằng: “Vì ngươi trung tín trong những điều nhỏ mọn Ta sẽ đặt ngươi coi sóc những việc lớn hơn” (x Mt 25:14-30; Lk 19:11-27).
Những dụ ngôn này của Phúc Âm cho thấy việc phục vụ Chúa đòi phải có một động lực của lòng trung thành; và qua những dụ ngôn này, vấn đề được sáng tỏ là, cái động lực và lòng trung thành này cần phải có nơi Công Đồng.
Lối dẫn giải theo chiều hướng bất liên tục bị đối nghịch bởi lối dẫn giải theo chiều hướng canh tân, như lối dẫn giải theo chiều hướng canh tân này được bày tỏ trước hết nơi bài khai mạc Công Đồng của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII ngày 11/10/1962, cũng như sau đó nơi bài diễn từ bế mạc Công Đồng ngày 7/12/1965 của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI.
Ở đây tôi chỉ trích dẫn những lời lẽ quá nổi tiếng của Đức Gioan XXIII, những lời nói lên một cách dứt khoát lối dẫn giải này khi ngài nói rằng Công Đồng muốn “chuyển đạt một thứ tín lý tinh tuyền và nguyên vẹn, không bị pha loãng hay méo mó”. Và ngài còn nói: “Nhiệm vụ của chúng ta không phải chỉ là để canh giữ kho tàng quí báu này, như thể chúng ta chỉ quan tâm tới những gì là cổ xưa, mà là để dấn thân bằng một lòng thiết tha và can đảm cho hoạt động mà thời đại của chúng ta cần đến chúng ta…”. Cần phải tỏ ra là “việc gắn bó với tất cả giáo huấn của Giáo Hội một cách trọn vẹn và chính xác của giáo huấn này…” được thể hiện nơi “việc trung thành và hoàn hảo tuân hợp với tín lý chân chính, những tín lý dầu sao cũng cần phải được học hỏi và quảng diễn bằng những phương pháp nghiên cứu cũng như bằng các hình thức văn chương của tâm tưởng tân tiến. Bản chất của tín lý xưa trong kho tàng đức tin là một vấn đề, còn đường lối trình bày tín lý này là một vấn đề khác…”, khi bảo tồn cũng một ý nghĩa và sứ điệp của tín lý ấy (The Documents of Vatican II, Walter M. Abbott, S.J., p. 715).
(còn tiếp)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ
http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2005/december/documents/hf_ben_xvi_spe_20051222_roman-curia_en.html
Vấn đề triệt sinh an tử theo quan điểm luân lý nơi giáo huấn Giáo Hội Công Giáo
(tiếp 12 Thứ Năm và 13 Thứ Sáu)
. 4. Bệnh nhân ở trong tình trạng này cần phải được đối sử như thế nào?
Chính vì con người vẫn còn nguyên phẩm giá của mình dù ở trong trạng thái thực vật như khoa học nhận định như thế mà sự sống của họ cần được tận tình chăm sóc và cứu vớt bao nhiêu có thể. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh như thế trong đoạn 4 của bài huấn từ của ngài. Ngài nói:
“Thành phần bệnh nhân trong trạng thái thực vật, đang đợi chờ được phục hồi hay được tự nhiên qua đi, có quyền được chăm sóc căn bản về sức khỏe (dinh dưỡng, thủy dưỡng, vệ sinh, độ ấm v.v.), cũng như có quyền được ngăn ngừa khỏi bị những biến chứng liên quan đến việc họ nằm liệt giường. Họ cũng có quyền được chăm sóc thích hợp về phục hồi cũng như được theo dõi về những dấu hiệu bệnh lý cho thấy tình trạng từ từ hồi phục.
“Tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh đến cách thức điều hành việc cho ăn uống, ngay cả trong trường hợp bằng nhân tạo, cũng là một phương tiện tự nhiên để bảo trì sự sống, chứ không phải là một hành động y khoa. Bởi thế, theo nguyên tắc, cần phải coi việc sử dụng phương tiện này là những gì bình thường và thích hợp, do đó buộc phải làm theo luân lý, cho tới chỗ và cho tới khi được coi là đạt được mục đích xứng hợp của nó, một mục đích mà, trong trường hợp này, bao gồm cả việc cung cấp dưỡng chất cho bệnh nhân và việc làm giảm bớt đớn đau cho họ.
“Trách nhiệm phải cung cấp ‘việc chăm sóc bình thường cho các bệnh nhân ở trong những trường hợp như vậy’ (Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, “lure et Bona”, p. IV), thật sự bao gồm việc sử dụng cả dưỡng chất và thủy chất (x Hội Đồng Giáo Hoàng “Cor Unum”, “Dans le Cadre”, 2,4,4; Hội Đồng Giáo Hoàng Về Trợ Giúp Mục Vụ Cho Các Cán Sự Chăm Sóc Sức Khỏe, Bản Hiến Chương Của Các cán Sự Chăm Sóc Sức Khỏe, 120).
5. Có bao giờ được rút ống dinh dưỡng và thủy dưỡng ra hay chăng? Thế nào là việc triệt sinh an tử?
Cũng ở đoạn 4 trong bài huấn từ của mình, vì khẳng định phẩm giá của con người vẫn còn nguyên vẹn dù họ ở trong bất cứ trạng thái nào, và bởi thế họ vẫn cần phải được quyền tôn trọng sự sống của họ, ở chỗ, khi họ còn sống, còn hơi thở, người ta vẫn buộc phải cung cấp tất cả mọi phương tiện để bảo tồn sự sống của họ, không bao giờ được tự ý để cho họ bị chết đói. Ngài nói như sau:
“Việc thẩm định về những cơ hội, được căn cứ vào những nỗi hy vọng hồi phục yếu ớt khi trạng thái cỏ cây kéo dài hơn một năm trời, thì về đạo lý, cũng không thể trở thành cớ để biện minh cho việc loại bỏ hay chấm dứt việc chăm sóc căn bản cho bệnh nhân, bao gồm cả việc cung cấp dưỡng chất và thủy chất. Cái chết vì bị bỏ đói hay thiếu chất nước thực sự chỉ là thành quả khả dĩ gây ra bởi việc không chịu cung cấp những chất ấy. Về khía cạnh này, nếu thực hiện một cách ý thức và cố tình, thì nó quả là một thứ triệt sinh an tử ở chỗ bỏ không chịu làm những gì cần phải làm.
“Về vấn đề này, tôi muốn nhắc lại những gì tôi đã viết trong Thông Điệp ‘Phúc Âm Sự Sống’, khi làm sáng tỏ vấn đề là ‘việc triệt sinh an tử theo đúng nghĩa và xác nghĩa cần phải hiểu là một việc làm hay việc bỏ không chịu làm mà tự bản chất của nó có ý định sát hại với mục đích để loại trừ đi tất cả mọi đớn đau’, một hành động như thế bao giờ cũng là ‘một vi phạm trầm trọng đến lề luật của Thiên Chúa, vì nó là một việc sát nhân cố ý bất khả chấp về luân lý’ (số 65). Ngoài ra còn có nguyên tắc luân lý hết sức tỏ tường nữa, đó là ngay cả khi còn hơi nghi ngờ rằng một con người còn đang sống, thì buộc phải hoàn toàn tôn trọng họ và không được thi hành bất cứ điều gì nhắm đến việc có thể làm cho họ bị chết đi”.
Ở đây chúng ta nên nhớ rằng, như các tín điều Thánh Mẫu được hai vị Giáo Hoàng tiền nhiệm của ngài dùng quyền tối cao tuyên tín, (Đức Piô IX với Tín Điều Vô Nhiễm ngày 8/12/1854, và Đức Piô XII với Tín Điều Thánh Mẫu Mông Triệu ngày 1/11/1950), ngài cũng đã mạnh mẽ chính thức sử dụng quyền bính tối cao của mình để tuyên tín luân điều của Giáo Hội về sự sống buộc phải tuân giữ, (một sự kiện tuyên tín về luân lý như thế chưa từng xẩy ra trong lịch sử Giáo Hội), trực tiếp liên quan tới vấn đề cấm phá thai (Thông Điệp Evangelium Vitae, khoản 62), cũng như tới hành động không được triệt sinh an tử (cùng thông điệp này ở khoản 65). Tính cách long trọng được ngài tuyên phán về tín điều luân lý này như sau:
“Sau khi cẩn thận phân biệt như thế, hợp với Huấn Quyền của các vị tiền nhiệm, và hiệp thông với các vị giám mục của Giáo Hội Công Giáo, tôi xác định rằng việc triệt sinh an tử là một việc trầm trọng vi phạm tới lề luật của Thiên Chúa, vì nó là việc cố tình sát hại bất khả chấp về luân lý một con người. Tín lý này được căn cứ vào luật tự nhiên cũng như vào lời Chúa, được truyền đạt bởi Thánh Truyền và được giảng dạy bởi Huấn Quyền thông thường và hoàn vũ”.
6. Tại sao người ta muốn diệt sinh an tử bệnh nhân ở trong tình trạng thực vật?
Ngoài, ra, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II còn cho biết lý do tại sao con người ngày nay muốn thực hiện việc triệt sinh an tử, đó là vì con người tân tiến về khoa học và kỹ thuật ngày nay căn cứ vào phẩm chất của sự sống, tức là đã sống cho ra sống, bằng không chết quách đi cho rồi, một chủ trương theo chiều hướng của thuyết tiến hóa mạnh còn yếu mất, hay theo đường lối tranh đấu giai cấp của Cộng Sản. Ngài đã khẳng khái chống lại quan niệm vừa phò phẩm chất sự sống đi đến chỗ diệt chính sự sống của con người văn minh tân tiến thời nay, ở đoạn 5 và 6 trong bài huấn từ của mình như sau:
“Những cứu xét về ‘phẩm chất của sự sống’ là những gì thực sự thường bị chi phối bởi những áp lực về tâm lý, xã hội và kinh tế, không thể nào lấn át những nguyên tắc chung. Trước hết, không có một thẩm định nào về tốn phí có thể quan trọng hơn giá trị của sự thiện nồng cốt đang được chúng ta cố gắng bảo vệ, đó là giá trị sự sống con người.
“Tuy nhiên, như thế vẫn không đủ để tái khẳng định nguyên tắc chung là giá trị sự sống của một con người không thể nào lại tùy thuộc vào phán quyết về phẩm chất của những người khác; cần phải cổ võ những hoạt động tích cực để đối đầu với áp lực muốn ngưng việc thủy dưỡng và dinh dưỡng như cách thức để chấm dứt sự sống của những bệnh nhân này”.
Theo lời kêu gọi của Đức Thánh Cha trên đây, vào ngày 4/10/2005, Tiểu Ban Đạo Đức Sinh Vật (NBC: National Bioethics Committee) đại đa số đã chấp thuận một văn kiện bày tỏ ‘một quyết định không đình chỉ việc dinh dưỡng và thủy dưỡng nhân tạo’ cho các bệnh nhân chỉ tự nhiên sinh động theo sự sống và tự động hít thở, cho dù họ không ý thức gì hết.
Nhận định về quyết định này của NBC, Đức Giám Mục Elio Sgreccia, chủ tịch Giáo Hoàng Học Viện về Sự Sống, đã nhấn mạnh trên Đài Phát Thanh Vatican rằng ’bệnh nhân sống miên man trong tình trạng thực vật là người bệnh chưa chết. Họ chỉ cần được dinh dưỡng theo nhân tạo bằng không họ sẽ chết đói. Việc dinh dưỡng và thủy dưỡng không phải là một thứ trị liệu tàn ác …. Đây không phải là vấn đề trị liệu, nó là một việc hỗ trợ quan thiết cần phải được cung cấp như một phận vụ đối với bất cứ ai đang sống”.
(còn tiếp)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,