GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ NĂM 19/1/2006 |
? Đức Thánh Cha Biển Đức với Buổi Triều Kiến Chung hằng Tuần Thứ Tư 18/1/2006 về Việc Nguyện Cầu Cho Mối Hiệp Nhất Kitô Giáo
? Đức Thánh Cha Biển Đức Thông Báo về Bức Thông Điệp Đầu Tay của Ngài
? Đức Gioan Phaolô II: Hội Nghị Học Hỏi về Tư Tưởng Triết Lý của Ngài
“Đức Gioan Phaolô II: Người Bạn Của Toàn Thể Nhân Loại”: Một Phim Hoạt Họa về Ngài
Đức Thánh Cha Biển Đức với Buổi Triều Kiến Chung hằng Tuần Thứ Tư 18/1/2006 về Việc Nguyện Cầu Cho Mối Hiệp Nhất Kitô Giáo
“Thày lập lại cùng các con rằng nếu có hai người trong các con trên trái đất hợp ý xin điều gì thì Cha Thày ở trên trời sẽ ban cho họ” (Mt 18:19). Lời trịnh trọng cam kết này của Chúa Giêsu nói cùng các môn đệ của Người là những gì nâng đỡ việc chúng ta nguyện cầu. Hôm nay là ngày bắt đầu Tuần Lễ truyền thống Cầu Nguyện cho Mối Hiệp Nhất Kitô Giáo, một cơ hội quan trọng để suy nghĩ về thảm trạng chia rẽ của cộng đồng Kitô Giáo và để cùng với chính Chúa Giêsu cầu nguyện “xin cho họ tất cả được nên một hầu thế gian nhận biết” (Jn 17:21). Chúng ta cũng muốn làm điều này ở đây, hợp cùng với đại quần chúng trên thế giới. Việc cầu nguyện “cho mối hiệp nhất của tất cả” bao gồm, qua những cách thức và thời điểm khác nhau, Công Giáo, Chính Thống và Thệ Phản, là thành phần liên kết trong niềm tin tưởng vào Chúa Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Thế duy nhất.
Việc cầu nguyện cho hiệp nhất là yếu tố trọng tâm được Công Đồng Chung Vaticanô II gọi là “linh hồn của tất cả phong trào đại kết” ("Unitatis Redintegratio," No. 8), một trọng tâm chính yếu bao gồm việc nguyện cầu chung riêng, việc hoán cải tâm hồn và cuộc sống thánh đức. Quan điểm này cho chúng ta thấy cái cốt lõi của vấn đề đại kết, cái cốt lõi hợp với Phúc Âm trong việc thực hiện ý muốn của Thiên Chúa, với ơn trợ giúp cần thiết và hiệu năng của Ngài. Công Đồng đã minh nhiên cắt nghĩa cho tín hữu thấy được cái cốt lõi này khi dạy: “Vì họ càng hiệp nhất với Chúa Cha, với Lời và với Thần Linh, họ sẽ càng có thể sâu xa và dễ dàng tăng triển trong tình yêu hỗ tương huynh đệ” (cùng nguồn, đoạn 7).
Bất chấp tình trạng chia rẽ lâu dài, những yếu tố này, những yếu tố tiếp tục hiệp nhất Kitô hữu, là những gì bảo trì khả năng dâng lời cầu nguyện chung lên Thiên Chúa. Mối hiệp thông này trong Chúa Kitô là những gì duy trì tất cả phong trào đại kết và cho thấy mục tiêu của việc tìm kiếm mối hiệp nhất cho tất cả mọi Kitô hữu trong Giáo Hội của Thiên Chúa. Điều này làm cho phong trào đại kết khác biệt hẳn bất cứ hoạt động về đối thoại hay liên hệ với các tôn giáo và ý hệ khác.
Về điều này, giáo huấn của Công Đồng Chung Vaticanô II nơi sắc lệnh về vấn đề đại kết cũng rất đúng: “Phong trào hướng về hiệp nhất này được gọi là ‘đại kết’. Những ai thuộc về phong trào này là thành phần kêu cầu Thiên Chúa Ba Ngôi và tuyên xưng Chúa Giêsu là Chúa và là Đấng Cứu Thế” (cùng nguồn, đoạn 1). Những lời cầu nguyện chung vang lên khắp thế giới đặc biệt trong giai đoạn này, hay vào dịp Lễ Hiện Xuống, lại càng bày tỏ ý muốn của một nỗ lực chung trong việc tái thiết mối trọn vẹn hiệp thông của tất cả mọi Kitô hữu. “Những lời nguyện cầu chung như thế chắc chắn là phương tiện hiệu nghiệm trong việc chiếm được ơn hiệp nhất” (cùng nguồn, đoạn 8).
Bằng lời khẳng định này, Công Đồng Chung Vaticanô II giải thích một cách dứt khóat những gì Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Người, thành phần Người bảo đảm là ở đâu có hai người qui tụ lại trên mặt đất này xin bất cứ điều gì cùng Cha ở trên trời thì Ngài sẽ ban cho điều đó “vì” ở đâu có hai ba người hợp lại vì danh Người thì Người ở giữa họ. Sauk hi phục sinh, Người bảo đảm với các vị rằng Người sẽ ở với các vị “mãi mãi cho tới tận thế” (Mt 28:20). Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cộng đồng các môn đệ cũng như nơi việc nguyện cầu của chúng ta là những gì bảo đảo tính cách hiệu nghiệm. Cho đến nỗi Người đã hứa quyết rằng “bất cứ điều gì các con cầm buộc dưới thế thì trên trời cũng cầm buộc, và bất cứ những gì các con tháo cởi dưới thế thì trên trời cũng tháo cởi” (Mt 18:18).
Thế nhưng, chúng ta không chỉ thực hiện việc van xin mà thôi. Chúng ta cũng có thể dâng lời tạ ơn Chúa về tình hình mới, một tình hình, nhờ nỗ lực, đã tạo được những liên hệ đại kết nơi Kitô hữu trong tình huynh đệ, những gì đã tái diễn nhờ những thắt kết mạnh mẽ của tình đoàn kết được thiết lập, của mối hiệp thông gia tăng và của những qui điểm được thực hiện – chắc chắn là một cách không đồng đều – giữa các cuộc đối thoại khác nhau. Có nhiều lý do để tạ ơn Chúa. Và nếu vẫn còn nhiều điều cần phải làm và hy vọng, thì chúng ta đừng quên rằng Thiên Chúa đã ban cho chúng ta nhiều điều trên con đường hiệp nhất rồi. Bởi thế, chúng ta hãy biết ơn Ngài về những tặng ân ấy. Tương lai ở trước mắt chúng ta.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đáng kính nhớ, vị đã làm rất nhiều và vất vả về vấn đề đại kết, đã dạy chúng ta rằng “niềm cảm nhận việc Thiên Chúa đã ban phát biết là chừng nào là điều kiện dọn lòng chúng ta đón nhận những tặng ân vẫn bất khả thiếu trong việc hoàn tất công cuộc hiệp nhất đại kết” ("Ut Unum Sint," No. 41). Bởi thế, anh chị em thân mến, chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện để nhận thức rằng lý do thánh hảo của việc tái thiết lập mối hiệp nhất Kitô Giáo là những gì vượt quá các nỗ lực nghèo nàn của nhân loại chúng ta và hiệp nhật trên hết là tặng ân của Thiên Chúa.
Anh Chị Em thân mến,
Hôm nay bắt đầu Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Mối Hiệp Nhất Kitô Giáo, một thời điểm tất cả mọi người môn đệ Chúa Kitô được kêu gọi để suy nghĩ về thảm trạng chia rẽ của mình và cầu cúng Chúa “để tất cả được nên một… cho thế gian nhận biết” (x Jn 17:21).
Việc cầu nguyện cho mối hiệp nhất Kitô Giáo là “tâm điểm của phong trào đại kết” ("Unitatis Redintegratio," No. 8), và gắn liền với việc hoán cải tâm hồn và theo đuổi việc nên thánh theo ý muốn của Thiên Chúa. Vì tín hữu sống gần với Thiên Chúa Ba Ngôi thì họ sẽ gần gũi với nhau hơn và sẵn sàng hoạt động sốt sắng hơn cho việc phục hồi mối hiệp thông trọn vẹn.
Việc cầu nguyện chung của Kitô hữu là một phương tiện mãnh liệt để nài xin ơn hiệp nhất, vì chính Chúa của chúng ta đã hứa rằng “nếu có hai người trong các con hợp ý trên thế gian này xin điều gì thì Cha trên trời sẽ ban cho. Vì đâu có hai ba người hợp lại vì danh Thày thì Thày ở giữa họ” (Mt 18:19-20).
Với lòng biết ơn Thiên Chúa về việc tiến bộ đáng kể về đại kết có được, chúng ta hãy hy vọng nhìn về tương lai, và hãy tiếp tục cầu nguyện cho mối hiệp nhất của tất cả mọi Kitô hữu, bằng cách nhìn nhận rằng trên hết nó là tặng ân ưu ái của Thiên Chúa ban vậy.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến
ngày 18/1/2006
? Đức Thánh Cha Biển Đức Thông Báo về Bức Thông Điệp Đầu Tay của Ngài
Vào lúc kết thúc buổi triều kiến chung hằng tuần Thứ Tư 18/1/2005, ngày đầu Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Mối Hiệp Nhất Kitô Giáo, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI chính thức thông báo việc ngài sẽ ban hành bức thông điệp đầu tay mang tựa đề “Thiên Chúa là Tình yêu” của ngài vào ngày 25/1/2006, Lễ Thánh Phaolô Trở Lại. Sau đây là nguyên văn lời của ngài.
Theo chiều hướng này và với những cảm thức ấy, Thứ Tư tuần tới, 25/1, Lễ Trở Lại của Vị Tông Đồ Dân Ngoại, tôi sẽ theo chân Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành để cùng với anh em Chính Thống và Thệ Phản cầu nguyện: cầu nguyện để tạ ơn về những gì Chúa đã ban cho chúng ta; cầu nguyện để Chúa hướng dẫn chúng ta trên những nẻo đường hiệp nhất.
Ngoài ra, cũng vào ngày này, bức thông điệp đầu tiên của tôi cuối cùng sẽ được ban hành, nhan đề đã được biết đến, đó là “Deus Caritas Est”, “Thiên Chúa Là Tình Yêu”. Đề tài này không trực tiếp liên quan tới vấn đề đại kết, thế nhưng bố cục và bối cảnh lại là vấn đề đại kết, vì Thiên Chúa và tình yêu thương của chúng ta là điều kiện cho mối hiệp nhất của Kitô hữu. Cả hai là điều kiện cho hòa bình trên thế giới.
Với bức thông điệp này, tôi muốn trình bày quan niệm về tình yêu theo các chiều kích khác nhau của nó. Ngày nay, theo ngôn ngữ học quen biết thì “yêu thương” dường như vẫn thường là những gì rất xa vời với ý nghĩ của Kitô hữu khi họ nói về bác ái. Tôi muốn chứng tỏ cho thấy nó là một hướng động duy nhất theo các chiều kích khác nhau.
“Tình ái - eros”, tặng ân yêu thương giữa con người nam nữ, xuất phát từ cùng một nguồn thiện hảo của Đấng Hóa Công, cũng như từ tiềm năng của một tình yêu bỏ mình vì nhau. “Tình ái” được biến đổi thành “nhân ái – agape” theo chiều kích hai người thực sự yêu nhau, không còn tìm mình, không còn tìm hưởng thụ, không còn tìm hạnh phúc bản thân, mà trên hết tìm thiện ích của nhau. Nhờ thế, “tình ái” được biến đổi thành bác ái, bằng đường lối thanh tẩy, sâu đậm. Từ gia đình của mình, người ta mở rộng hơn tới gia đình xã hội, tới gia đình Giáo Hội, tới gia đình thế giới.
Tôi cũng cố gắng chứng tỏ cho thấy rằng tác động hoàn toàn cá biệt từ Thiên Chúa đến tới chúng ta là một tác động yêu thương đặc thù. Nó cũng cần phải được thể hiện như là một tác động của Giáo Hội, của cơ cấu tổ chức. Nếu thực sự Giáo Hội là biểu hiện của tình yêu Thiên Chúa, của tình yêu Thiên Chúa đối với loài người tạo sinh, thì thực sự tác động căn bản của đức tin, một tác động tạo nên và hiệp nhất Giáo Hội cùng ban cho chúng ta niềm hy vọng về sự sống trường sinh và về việc hiện diện của Thiên Chúa trên trần gian, cũng làm phát sinh tác động của Giáo Hội. Nói cách khác, Giáo Hội, bao gồm việc là Giáo Hội, là cộng đồng, cần phải yêu thương theo cơ cấu.
Và “Đức Ái” này không phải chỉ là một tổ chức thuần túy, như các tổ chức từ thiện khác, mà là một thể hiện cần thiết của một tác động sâu xa của tình yêu cá nhân với vị Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên chúng ta, khơi lên nơi tâm hồn chúng ta tác động yêu thương, phản ảnh Thiên Chúa Tình Yêu, Đấng đã dựng chúng ta giống hình ảnh Ngài.
Thời gian cần để soạn thảo và chuyển dịch bản văn đã đủ. Giờ đây sự kiện nó sẽ được ban hành vào chính ngày chúng ta cầu nguyện cho mối hiệp nhất của Kitô hữu dường như là một tặng ân của Đấng Quan Phòng. Tôi hy vọng bức thông điệp này sẽ soi động và giúp cho cuộc sống Kitô hữu của chúng ta.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 18/1/2006
Đức Gioan Phaolô II: Hội Nghị Học Hỏi về Tư Tưởng Triết Lý của Ngài
Một hội nghị quốc tế được tổ chức để mong lấp đầy khoảng trống về tâm thức nơi việc nghiên cứu về tư tưởng triết lý của triết gia nhân bản người Balan Wojtyla. Sáng kiến này bắt nguồn từ Hiệp Hội Tây Ban Nha Về Chủ Nghĩa Ngôi Vị, và sẽ được tổ chức tại Phân Khoa Triết Học Đại Học Complytense ở Thủ Đô Ma-Ní Nước Tây Ban Nha vào thời khoảng 16-18/2/2006.
Vị chủ tịch kiêm sáng lập viên của hiệp hội trên đây là Juan Manuel Burgos cho biết lý do tổ chức hội nghị quốc tế này như sau:
“Đức Gioan Phaolô II là một nhân vật quan trọng của thế kỷ 20 và chúng ta khó khăn lắm mới bắt đầu nhận định nổi tầm quan trọng của ngài nơi nhiều lãnh vực. Bất chấp sự kiện là công cuộc của ngài bị đứt đoạn bởi việc ngài được chọn bầu làm Giáo Hoàng, ngài vẫn có giờ để đặt nền móng cho một dự án thiết tha và kiên trì trong việc hòa trộn triết lý về hữu thể – của Aristote và Thánh Tôma – theo quan niệm về con người với triết lý về lương tâm – một triết lý tân tiến”.
Hội nghị này sẽ tập trung vào 4 lãnh vực theo chiều hướng tư tưởng mới mẻ nhất của triết gia kiêm giáo sư triết lý Wojtyla, đó là nhân loại học, đạo đức học, liên hệ nam nữ và gia đình.
Trong số những diễn giả có Cha Krzysztof Guzowski, giáo sư về ngôi vị thuyết Kitô Giáo ở Đại Học Lublin, và Cha Jaroslaw Merecki, giáo sư ở Học Viện Gioan Phaolô II thuộc Đại Học Lateran.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến
ngày 17/1/2006
? “Đức Gioan Phaolô II: Người Bạn Của Toàn Thể Nhân Loại”: Một Phim Hoạt Họa về Ngài
Đúng là một vị Giáo Hoàng đã đi vào lòng người. Thật thế, sau khi qua đời, ngài vẫn còn được trình chiếu trong hai cuốn phim, cuốn thứ nhất là “Karol, Một Con Người đã Trở Thành Giáo Hoàng”, được trình chiếu tại Vatican với sự hiện diện của tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI ngày 19/5/2005, dịp kỷ niệm sinh nhật 85 tuổi của ngài, và cuốn thứ hai là “Giáo Hoàng Gioan Phaolô II”, cũng được trình chiếu ở Vatican, cũng có Giáo Hoàng Biển Đức XVI coi, vào ngày 17/11/2005.
Nay, vào dịp kỷ niệm đầy năm qua đời của ngài, cuốn phim thứ ba, một cuốn phim hoạt họa dài 30 phút mang tựa đề “Đức Gioan Phaolô II: Người Bạn Của Toàn Thể Nhân Loại”. Cuốn phim này được thực hiện bởi Cavin Cooper Productions ở Barcelona Tây Ban Nha và sẽ trình chiếu vào đúng ngày kỷ niệm một năm ngài băng hà 2/4/2006.
Cuốn phim này diễn tả khía cạnh nhân bản của Đức Karol Wojtyla, từ khi ngài còn nhỏ cho tới khi trở thành Giáo Hoàng. Cuốn phim được tung ra bằng 7 thứ tiếng vốn được cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô sử dụng là Anh, Ý, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ba Lan.
Cuốn phim này được thực hiện nhờ Trung Tâm Truyền Hình Vatican là nơi đồng ý cung cấp nguồn tài liệu về vị cố giáo hoàng này cho nhà sản xuất.
José Luis López Guardia, biệt hiệu là Cavin Cooper, nhà sản xuất, người đã hợp tác với Disney từ năm 1977, đã nói với mạng điện toán toàn cầu Zenit rằng cuốn phim này “tiêu biểu cho đặc sủng về nhân bản của nhân cách Đức Gioan Phaolô II”, một nhân cách lôi cuốn chú ý “của con người thuộc hết mọi niềm tin khác nhau.
“Việc hỗ trợ của hai kỹ thuật được sử dụng là hoạt họa với văn kiện là những gì làm cho việc sản phẩm này chuyên biệt đặc thù. Không phải là chúng tôi nói về Đức Gioan Phaolô II. Chúng tôi để cho các việc làm của ngài, những lời nói và tư tưởng của ngài nói về ngài”.
Đaminh
Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dựa theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 17/1/2006