GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 21/1/2006

 

?   Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Bài Giảng Lễ Mẹ Thiên Chúa cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 1/1/2006

?  Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống: Cuộc Đối Thoại Đại Kết tái diễn... lạc quan

?  Bản Tuyên Cáo ngày 12/1/2006 của Các Vị Giám Mục Hoa Kỳ về Vấn Đề Chuyển Giao Hữu Trách ở Iraq: Cuộc Thánh Đố Về Luân Lý

 

 

 

?   Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Bài Giảng Lễ Mẹ Thiên Chúa cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 1/1/2006

 

Lễ Trọng Kính Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa

Và Ngày Hòa Bình Thế Giới Thứ 39

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Trong phụng vụ hôm nay, ánh mắt của chúng ta tiếp tục hướng về mầu nhiệm cao cả của việc Nhập Thể của Con Thiên Chúa, đồng thời chúng ta cũng chiêm ngưỡng Vai Trò Thiên Mẫu của Trinh Nữ Maria.

 

Theo sứ điệp của Thánh Phaolô chúng ta vừa nghe (x Gal 4:4), vị Tông Đồ này rất thận trọng nói đến Đấng mà nhờ vị này Con Thiên Chúa đã đến thế gian, đó là Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, “Theotokos”.

 

Vào lúc mở màn cho một tân niên đây, chúng ta thực sự được mời gọi đến học nơi trường của Mẹ, một học đường của thành phần môn đệ trung thành của Chúa Kitô, để học từ Mẹ việc chấp nhận trong tin tưởng và nguyện cầu ơn cứu độ Thiên Chúa đã muốn đổ xuống trên những ai tin tưởng vào tình yêu nhân hậu của Ngài.

 

Ơn cứu độ là một tặng ân của Thiên Chúa; trong bài đọc thứ nhất, nó được cho thấy như là một phúc lành: “Chúa chúc phúc cho anh em và gìn giữ anh em!... Chúa nhân ái nhìn xuống anh em và ban cho anh em bình an!” (Num 6:24,26).

 

Đây là phúc lành được các vị tư tế kêu cầu cho dân chúng vào cuối các cuộc phụng lễ trọng thể, đặc biệt là lễ Tân Niên. Chúng ta đang có một bài đọc đầy ý nghĩa, được nhấn mạnh với Danh Chúa là những gì được lập đi lập lại ở đầu mỗi câu. Bài đọc này không thu gọn vào việc nói đến những gì thuần nguyên tắc mà cố gắng hiện thực những gì nó nói tới.

 

Thật vậy, như được biết đến khá nhiều, theo ý nghĩ của dân Semit thì phúc lành của Chúa mang lại phúc hạnh và ơn cứu độ qua quyền năng của mình, như việc nguyền rủa gây ra bất hạnh và hủy hoại vậy. Tính cách hiệu hiệu của việc chúc phúc đặc biệt hơn nữa là những gì được thực hiện bởi Thiên Chúa là Đấng bảo vệ chúng ta (câu 24), ưu ái chúng ta (câu 25) và ban bình an cho chúng ta, tức là Ngài ban cho chúng ta dồi dào hạnh phúc.

 

Khi cho chúng ta nghe lại phú clành cổ kính này vào lúc mở màn cho tân niên dương lịch đây, phụng vụ thực sự muốn khuyến khích chúng ta hãy kêu xin Chúa chúc phúc cho Tân Niên vừa được mở màn, để nó trở thành một năm thịnh vượng và an bình cho tất cả mọi người chúng ta. Tôi xin gửi ước muốn này tới các tôn vị lãnh sự thuộc ngoại giao đoàn làm việc với Tòa Thánh đang tham dự việc cử hành phụng vụ hôm nay đây.

 

Tôi chào Đức Hồng Y Angelo Sodano, vị quốc vụ khanh của tôi. Cùng với ngài, tôi chào Đức Hồng Y Renato Raffaele Martino và tất cả mọi phần tử thuộc Hội Đồng Tòa Thánh Về Công Lý Và Hòa Bình. Tôi đặc biệt cám ơn các vị về việc dấn thân của các vị để truyền bá Sứ Điệp hằng năm cho Ngày Hòa Bình Thế Giới, được ngỏ cùng Kitô hữu cũng như cho tất cả mọi con người nam nữ thiện tâm.

 

Tôi cũng thân ái chào nhiều ca viên góp lời ca tiếng hát cho thêm phần long trọng cho Thánh Lễ này, Thánh Lễ để chúng ta xin Chúa ban tặng ân hòa bình cho toàn thế giới.

 

Bằng việc chọn đề tài “Hòa Bình trong Chân Lý” làm Sứ Điệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới, tôi muốn bày tỏ niềm xác tín là “bất cứ khi nào con người nam nữ được soi động bởi ánh quang chân lý, thì họ mới tự nhiên bắt đầu con đường hòa bình” (đoạn 3). Làm sao chúng ta có thể không thấy nơi điều này một hiện thức hóa hiệu nghiệm và thích đáng của bài Phúc Âm vừa được công bố, trong đó, chúng ta chiêm ngưỡng cảnh các mục đồng trên đường đến Bêlem để tôn thờ Con Trẻ? (x Lk 2:16).

 

Không phải hay sao những mục đồng này, thành phần được Thánh Ký Luca diễn tả cho chúng ta thấy cái nghèo khó và đơn thành của họ, qua việc nghe theo lệnh của Thiên Thần và dễ dạy trước ý muốn của Thiên Chúa, có lẽ là hình ảnh dễ cảm nhận nhất đối với mỗi một người trong chúng ta về con người để cho mình được soi động bởi sự thật nên nhờ đó có thể xây dựng một thế giới hòa bình?

 

Hòa bình! Ước vọng cao cả chân thành này của mọi người nam nữ được xây dựng từng ngày bởi việc đóng góp của tất cả mọi người cũng như bằng việc trân quí gia sản tuyệt vời được truyền lại cho chúng ta từ Công Đồng Chung Vaticanô II qua hiến chế mục vụ “Vui Mừng và Hy Vọng”, bản hiến chế nói, trong số những điều khác, là nhân loại sẽ không thành đạt trong “việc thiết lập một thế giới thực sự nhân bản cho tất cả mọi người trên khắp trái đất này, trừ phi mọi người dấn thân bằng nhiệt tình mới mẻ cho hòa bình đích thực” (đoạn 77).

 

Thời điểm hiến chế “Vui Mừng và Hy Vọng” này được ban hành, ngày 7/12/1965, không khác lắm với thời điểm của chúng ta đây. Bấy giờ, tiếc thay cũng cả ở trong thời điểm của chúng ta đây, những căng thẳng đủ loại đã bao phủ ở chân trời thế giới. Trước những tình hình dai dẳng về bất công và bạo loạn đang tiếp tục áp đảo các phần đất khác nhau trên trái đất này, trước những tình hình đang nổi lên những thứ đe dọa quái gở hơn nữa đối với hòa bình, như nạn khủng bố, chủ nghĩa tuyệt mạng và chủ nghĩa bảo thủ cuồng tín, lại càng cần hơn bao giờ hết trong việc cùng nhau hoạt động cho hòa bình!

 

Cần phải “bắt đầu” can đảm và tin tưởng vào Thiên Chúa và con người nếu chúng ta muốn chọn con đường hòa bình. Và mọi người đều phải làm như thế, cá nhân và dân chúng, các tổ chức quốc tế và các quyền lực thế giới.

 

Trong Sứ Điệp cho biến cố của ngày hôm nay, tôi đặc biệt muốn kêu gọi tổ chức Liên Hiệp Quốc hãy tái nhận thức các trách nhiệm của mình trong việc phấn khích các giá trị về công lý, đoàn kết và hòa bình trong một thế giới hơn bao giờ hết bị đanh dấu bằng hiện tượng toàn cầu hóa rộng lớn.

 

Nếu hòa bình là ước vọng của hết mọi người thiện chí, thì đối với thành phần môn đệ của Chúa Kitô, nó là một sứ vụ thường xuyên bao gồm tất cả mọi người; nó là một sứ vụ gay go thôi thúc họ loan báo và làm chứng cho “Phúc Âm Hòa Bình”, khi công bố rằng việc nhìn nhận tất cả sự thật của Thiên Chúa là một điều kiện tiên quyết bất khả châm chước cho việc củng cố hòa bình đích thực. 

 

Chớ gì nhận thức này tiếp tục tăng tiến để mọi cộng đồng Kitô hữu trở thành “men” của một nhân loại được canh tân bởi yêu thương.

 

“Và Maria giữ tất cả những sự ấy mà suy niệm trong lòng” (Lk 2:19).

Ngày đầu tiên trong năm này được đặt dưới dấu hiệu của một người nữ là Đức Maria. Thánh Ký Luca diễn tả Người như là vị Trinh Nữ thầm lặng, vị liên lỉ lắng nghe Lời hằng hữu, vị sống trong Lời Thiên Chúa. Maria trân quí trong lòng mình những lời xuất phát từ Thiên Chúa, và khi nối kết những lời ấy lại với nhau thành nên như một tấm vi thạch ghép, Mẹ học hiểu những lời của Ngài.

 

Chúng ta cũng hãy, nơi học đường của Mẹ, học biết trở thành những người môn đệ của Chúa Kitô chuyên chú và dễ dạy. Với sự hỗ trợ từ mẫu của Mẹ, chúng ta hãy dấn thân để hoạt động một cách nhiệt tình trong “công xưởng” của hòa bình, theo gương Chúa Kitô là Hoàng Tử Hòa Bình.

 

Theo gương của Đức Trinh Nữ, chớ gì chúng ta biết để mình luôn được hướng dẫn bởi Chúa Giêsu Kitô, Đấng vẫn nguyên vẹn hôm qua, hôm nay và mãi mãi! (Heb 13:8). Amen.


 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 20/1/2006

 

 

TOP

 

 

?  Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống: Cuộc Đối Thoại Đại Kết tái diễn ... lạc quan

 

Theo bản tường trình của Đức Ông Eleuterio Fortino, phó bí thư Hội Đồng Tòa Thánh Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo, được phổ biến trên tờ nhật báo ấn bản Ý ngữ L’Osservatore Romano hôm Thứ Năm 19/1/2006, thì vào thời khoảng 18-25/9/2006, Giáo Hội Chính Thống Serbian sẽ đứng ra tổ chức một đại hội ủy ban hỗn hợp đại diện thuộc Giáo Hội Công Giáo và Chư Giáo Hội Chính Thống, vì những cuộc gặp gỡ đối thoại như thế này đã bị trục trặc và đình trệ từ cuộc họp năm 2000. 

 

Cuộc họp năm 2000 này diễn ra ở Baltimore, Maryland Hoa Kỳ, đã kết thúc mà không có một thỏa hiệp nào, vì những trái nghịch nhau “về quan niệm thần học liên quan tới vấn đề Uniatism”, tức liên quan tới nguyên tắc Chư Giáo Hội Đông Phương theo lễ nghi của Các Giáo Hội Chính Thống đã trở về hiệp nhất với Giáo Hội Công Giáo. Tuy nhiên, cuộc họp năm 2000 này bổ ích, như Đức Ông tác giả bản tường trình nhận định:

 

“Nó đã cụ thể hóa bản chất đích thực của vấn đề được bàn luận. Cuộc hạ sinh của các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương hết sức gắn liền với việc công nhận quyền tối thượng của Giám Mục Rôma trong Giáo Hội của Chúa Kitô”.

 

Bởi thế, “quyền bính của Giáo Hội” sẽ là một trong những đề tài chính cho việc đối thoại sau này giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo vậy.

 

Cuộc họp ở Belgrade sẽ diễn ra nhờ quyết tâm của Đức Thượng Phụ Toàn Cầu Bartholomew I Giáo Chủ Constantinople. Tháng 9/2005, vị Thượng Phụ này đã qui tụ các vị đại diện được chỉ định thuộc Chư Giáo Hội Chính Thống đặc trách việc đối thoại với Giáo Hội Công Giáo.

 

Bản thông báo đúc kết của cuộc họp này đã giải thích rằng “đối với những đề tài liên quan tới đức tin thì không thể nào châm chước cho vấn đề cần phải tìm kiếm hiệp nhất trong phạm vi trước cuộc ly giáo” năm 1054.

 

Trong thời khoảng 13-15/12/2005, ủy ban hỗn hợp này đã gặp nhau ở Rôma để sửa soạn cho cuộc họp ở Belgrade tới đây. Cuộc cuộc họp sửa soạn ấy, các vị đại diện đôi bên đã được triều kiến Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, vị đã nói với họ rằng trong giai đoạn đối thoại mới này cần phải lưu ý tới hai khía cạnh như sau:

 

“Một mặt thì loại trừ đi những khác biệt còn tồn tại, mặt khác thì chấp nhận ước muốn cốt yếu mong thực hiện mọi sự có thể để tái thiết mối hiệp nhất trọn vẹn là những gì rất thiết yếu cho cộng đồng môn đệ Chúa Kitô, như bản văn kiện sửa soạn cho hoạt động của anh em đã nói rõ”.

 

Đức Thượng Phụ Bartholomew I đã mời Đức Thánh Cha Biển Đức XVI viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ, một cuộc viếng thăm có thể đẩy mạnh cuộc đối thoại giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo trong năm 2006.

 

Bài tường trình của Đức Ông tác giả trên đây là bài đầu tiên trong loạt bài thẩm định về vấn đề hiệp nhất Kitô Giáo trong Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Hiệp Nhất Kitô Giáo (18-25/1/2006).

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 20/1/2006

 

TOP

 

 

? Bản Tuyên Cáo ngày 12/1/2006 của Các Vị Giám Mục Hoa Kỳ về Vấn Đề Chuyển Giao Hữu Trách ở Iraq: Cuộc Thánh Đố Về Luân Lý

 

Về Việc Chuyển Giao Hữu Trách ở Iraq

Bản Tuyên Cáo của Giám Mục Thomas G. Wenski

Giám Mục Orlando

Chủ Tịch Tiểu Ban của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về Chính Sách Quốc Tế

 

(tiếp 20 Thứ Sáu)

 

Cuộc Thánh Đố Về Luân Lý

Vấn đề đã quá rõ là Hội Đồng giám mục chúng tôi nhiều lần từng bày tỏ những mối quan tâm hệ trọng về luân lý đối với việc can thiệp bằng quân sự ở Iraq cùng với các hậu quả khôn lường bất khả chế ngự có tính cách tiêu cực của một cuộc xâm chiếm và chiếm đóng. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Tòa Thánh Vatican cũng đã mạnh mẽ bày tỏ những mối quan tâm như vậy. Những biến cố trong 3 năm qua, việc thiếu vắng chứng cớ về các thứ vũ khí đại công phá cùng với tình trạng liên tục bạo loạn và bất ổn ở Iraq đã tái khẳng định những mối quan tâm đạo lý này. Theo chiều hướng của những qui chuẩn luân lý về truyền thống chiến tranh chính đáng, Hội Đồng chúng tôi vẫn hết sức ngờ vực về quan điểm của một “thứ chiến tranh phòng bệnh”. Vì Cuốn Tổng Luận Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội đã viết: “Việc dấn thân vào một thứ chiến tranh phòng bệnh mà không có chứng cớ rõ ràng cho thấy cần phải thực hiện một cuộc tấn công cấp thời thì không khỏi gây ra những vấn đề nghiêm trọng về luân lý và pháp lý” (Pontifical Council for Justice and Peace, Compendium of the Social Doctrine of the Church [2004], no. 501).

 

Đồng thời quốc gia của chúng ta cũng không thể nào chỉ nhìn lại mà thôi. Giờ đây chúng ta cần phải nhìn chung quanh và nhìn về phía trước nữa. Việc nhúng tay vào Iraq đã mang đến một loạt trách nhiệm mới về luân lý trong việc giúp nhân dân Iraq sống an ninh và tái thiết quê hương của họ, cũng như trong việc giải quyết các hậu quả của cuộc chiến này gây ra cho miền đất ấy cũng như cho thế giới. Vấn đề luân lý chính yếu ở đây không phải chỉ là vấn đề thời điểm triệt thoái, mà là vấn đề bản chất cũng như mức độ của việc Hoa Kỳ và quốc tế tham phần vào việc chuyển giao một cách hữu trách hầu mang lại an ninh và vững chắc cho nhân dân Iraq.

 

Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói sau khi xẩy ra chiến tranh Iraq như sau:

 

“Việc Tòa Thánh đã thực hiện nhiều nỗ lực để tránh xẩy ra cuộc chiến tranh nghiêm trọng ở Iraq là những gì đã quá rõ ràng. Ngày nay, vấn đề là ở chỗ cộng đồng quốc tế giúp cho nhân dân Iraq, sau khi được thoát khỏi chế độ đàn áp, được sống trong một điều kiện có thể tái quản trị lấy xứ sở của mình, củng cố chủ quyền của mình và quyết định thể chế chính trị và kinh tế một cách dân chủ theo lòng mong ước của họ, nhờ đó, Iraq một lần nữa trở thành một đồng bạn uy tín trong Cộng Đồng quốc tế” (Pope John Paul II, Address to the Diplomatic Corps, January 12, 2004).

 

(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 12/1/2006



TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ