GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
CHÚA NHẬT 22/1/2006 TUẦN III THƯỜNG NIÊN |
? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Bài Giảng về Phép Rửa cho Chúa Nhật 8/1/2006 Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa ở Nguyện Đường Sistine – 10 Bé được Ngài rửa tội
? Tay Sát Thủ Ám Sát Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II lại bị vào tù sau khi được thả ra 8 ngày
? Bản Tuyên Cáo ngày 12/1/2006 của Các Vị Giám Mục Hoa Kỳ về Vấn Đề Chuyển Giao Hữu Trách ở Iraq: Thánh Đố của một Cuộc Chuyển Giao Hữu Trách
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Bài Giảng về Phép Rửa cho Chúa Nhật 8/1/2006 Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa ở Nguyện Đường Sistine – 10 Bé được Ngài rửa tội
Quí Phụ Huynh và Cha Mẹ Đỡ Đầu
Anh Chị Em thân mến,
Những gì xẩy ra nơi phép rửa? Những gì chúng ta hy vọng từ phép rửa? Anh chị em đã đáp ở ngưỡng cửa của nguyện đường này rằng chúng con mong con cái chúng con được sự sống trường sinh. Đó là mục đích của phép rửa. Thế nhưng làm sao có thể chiếm được sự sống trường sinh ấy? Làm sao phép rửa hiến ban cho sự sống trường sinh? Sự sống trường sinh là gì?
Bằng những lời lẽ đơn giản hơn, chúng ta có thể nói rằng: Chúng ta mong muốn một đời sống tốt lành, một đời sống thực sự, cho con cái của chúng ta; cũng như mong muốn hạnh phúc cho một tương lai bất khả tri. Chúng ta không thể bảo đảm tặng ân này cho tất cả quãng đời tương lai chưa biết ra sao đó, bởi thế mà chúng ta hướng về Chúa để xin Ngài ban cho tặng ân này.
Chúng ta có thể đưa ra hai câu trả lời cho vấn đề “Điều này sẽ xẩy ra thế nào?” Đây là câu trả lời thứ nhất, đó là, nhờ phép rửa, mỗi một em nhỏ được tháp nhập vào một cộng đồng thân hữu là những người không bao giờ bỏ họ cả khi sống lẫn khi chết, vì những người bạn này là gia đình của Thiên Chúa là gia đình tự mình chất chứa lời hứa trường sinh.
Nhóm bạn hữu này, gia đình Thiên Chúa này, một cộng đồng giờ đây con trẻ này được gia nhập, sẽ mãi mãi đồng hành với em, ngay cả vào những ngày khổ đau và trong những đêm tăm tối của cuộc đời; cộng đồng này cống hiến cho em niềm an ủi, nỗi êm ái và ánh sáng soi.
Mối thân hữu này, gia đình này, sẽ hiến cho em những lời sự sống đời đời, những lời soi sáng để đáp ứng những thách đố lớn lao của cuộc đời, và sẽ vạch cho em thấy đường ngay nẻo chính em phải đi qua. Nhóm này cũng sẽ cống hiến cho con trẻ đây niềm an ủi và nỗi êm ái, và tình yêu Thiên Chúa trong giờ lâm chung, trong thung lũng tối tăm của chết chóc. Cộng động ấy sẽ cống hiến cho em tình thân hữu, sẽ hiến tặng em sự sống đời đời. Và những người bạn hoàn toàn đáng tin cậy này sẽ không bao giờ biến mất.
Không ai trong chúng ta biết được những gì sẽ xẩy ra trên trái đất này, trên đại lục Châu Âu của chúng ta đây, trong 50, 60 hay 70 năm nữa. Thế nhưng, chúng ta có thể nắm chắc một điều là gia đình của Thiên Chúa sẽ mãi mãi hiện hữu và những ai thuộc về gia đình này sẽ không bao giờ bị lẻ loi cộ độc cả. Họ sẽ mãi mãi có thể trở về với tình thân hữu bền vững của Đấng là sự sống.
Bởi vậy chúng ta mới tiến tới câu trả lời thứ hai. Gia đình này của Thiên Chúa, cộng đồng thân hữu này là những gì vĩnh viễn, vì nó là mối hiệp thông với Đấng đã chiến thắng sự chết và đang nắm trong tay chìa khóa sự sống. Thuộc về cộng đồng này, về gia đình của Thiên Chúa, tức là thuộc về mối hiệp thông với Chúa Kitô, Đấng là sự sống và hiến ban tình yêu vĩnh hằng vượt trên sự chết.
Và nếu chúng ta có thể nói rằng tình yêu và sự thật là mạch nguồn của sự sống, là chính sự sống – và một sự sống không có yêu thương không phải là sự sống – thì chúng ta có thể nói rằng mối thân hữu này với Đấng là sự sống thực sự, với Đấng là Bí Tích sự sống, sẽ là những gì đáp ứng những gì anh chị em mong đợi, những gì anh chị em hy vọng vậy.
Phải, phép rửa là bí tích tháp nhập chúng ta vào mối hiệp thông với Chúa Kitô và bởi thế là bí tích hiến ban sự sống, hiến ban chính sự sống. Bởi thế chúng ta đã làm sáng tỏ cuộc đối thoại ban đầu của chúng ta với Người ở nơi đây, tại lối vào Nguyện Đường Sistine này.
Giờ đây, sau khi làm phép nước là một cuộc đối thoại rất quan trọng thứ hai. Nội dung của cuộc đối thoại thứ hai này đó là Phép Rửa, như chúng ta thấy, là một tặng ân; tặng ân của sự sống. Thế nhưng là một tặng ân cần phải được chấp nhận, cần phải được sống với.
Tặng ân tình thân hữu bao hàm “việc chấp nhận” bạn bè và “việc phủ nhận” tất cả những gì bất hợp với tình bạn này, với tất cả những gì bất xứng với sự sống của gia đình Thiên Chúa, với sự sống thật trong Chúa Kitô.
Như thế,
cuộc đối thoại thứ hai này mới bao gồm 3 “không” và 3 “có”. Chúng ta nói “không”
và từ bỏ chước cám dỗ, tội lỗi và ma qủi. Chúng ta biết những cái ấy rõ ràng,
nhưng có lẽ vì chúng ta đã nghe thấy chúng quá thường, những lời có thể không có
nghĩa lắm với chúng ta.
Nếu thế thì chúng ta cần phải nghĩ sâu xa hơn một chút nữa về nội dung của những “cái không” này. Chúng ta nói “không” với những gì đây? Đó là cách duy nhất để chúng ta hiểu được những gì chúng ta muốn nói “có” vậy.
Thời Giáo Hội cổ xưa những “cái không” này được tóm gọn trong một câu dễ hiểu cho người thời ấy, ở chỗ, họ nói rằng họ từ bỏ “pompa diabuli”, tức là từ bỏ những hứa hẹn cho một cuộc sống sung mãn, một cuộc sống hiển nhiên xuất phát từ thế giới dân ngoại, từ tình trạng buông thả của thế giới này, từ cách sống theo ý thích của mình.
Bởi thế đó là “cái không” đối với một thứ văn hóa bề ngoài là cuộc sống sung mãn, đối với những gì thật ra là một thứ “phản văn hóa” của sự chết. Đó là “cái không” cho những cảnh sống lấy làm vui thích với những gì là chết chóc, dã man tàn bạo và bạo lực.
Chúng ta hãy nhớ những gì được tổ chức ở Hí Trường Colosseum hay ở đây, nơi những vườn thượng uyển của Nero, nơi người ta được đặt trên lửa như những cây đuốc sống. Dã man và bạo lực đã trở thành trò tiêu khiển, một thứ vui thú thật là trụy lạc, một thứ ý nghĩa thực sự của đời sống.
“Cái pompa diabuli” này, “cái phản văn hóa” này của sự chết là một thứ vui thú băng hoại, nó là thứ yêu thích gian manh và lường gạt, và lạm dụng thân xác như là một thứ hàng hóa và một thứ trao đổi buôn bán.
Và nếu giờ đây chúng ta nghĩ về nó chúng ta có thể nói rằng, trong cả thời đại của chúng ta nữa, chúng ta cũng cần phải nói “không” với thứ văn hóa sự chết đang quá ư là thịnh hành.
Nó là một thứ “phản văn hóa”, chẳng hạn, được biểu lộ nơi thuốc phiện, nơi cuộc thoát ly thực tại để lọt vào những gì là ảo ảnh, những gì là hạnh phúc giả tạo được thể hiện nơi gian trá, lọc lừa, bất công và khinh miệt kẻ khác, khinh khi tình đoàn kết, và khinh thường trách nhiệm đối với người nghèo và thành phần khổ đau; nó được thể hiện nơi một thứ tình dục trở thành thứ hoan hưởng hoàn toàn vô trách nhiệm, thứ tình dục làm cho con người thành một ‘vật’, có thể nói, không còn coi con người xứng đáng với một tình yêu thương cá vị cần phải thủy chung, mà là con người nên như một thứ hàng hóa, một vật thuần túy.
Chúng ta hãy nói “không’ với thứ hứa hẹn hạnh phúc bề ngoài này, với “cái pompa” của những gì có vẻ là sự sống nhưng thật ra chỉ là khí cụ của sự chết, và với cái “thứ phản văn hóa” này, để vun trồng thứ văn hóa sự sống thay vào đó. Đó là lý do, tiếng “có” của Kitô Giáo, ngay từ thời xưa tới thời của chúng ta đây, là một tiếng “có” mạnh mẽ đối với sự sống. Nó là tiếng “có” của chúng ta đối với Chúa Kitô, “tiếng có” của chúng ta với Cuộc Chiến Thắng sự chết và là tiếng “có” đối với sự sống trong thời gian cũng như trong vĩnh hằng.
Như trong cuộc đối thoại của phép rửa, tiếng “không” được diễn tả ba điều chối bỏ, thì tiếng “có’ cũng diễn tả ba điều bày tỏ trung thành: “có” đối với Thiên Chúa hằng sống, tức là với một Vị Thiên Chúa Hóa Công và là thượng trí sáng tạo, Đấng ban cho vũ trụ và cuộc sống của chúng ta có được một ý nghĩa; “có” đối với Chúa Kitô, tức là với một Vị Thiên Chúa không ẩn danh mà là có danh xưng, có ngôn từ, có thân thể và máu huyết; với một Vị Thiên Chúa cụ thể, Đấng ban cho chúng ta sự sống và cho chúng ta thấy con đường sự sống; “có” đối với mối hiệp thông của Giáo Hội, trong đó, Chúa Kitô là Vị Thiên Chúa hằng sống đang đi vào thời đại của chúng ta, đi vào nghề nghiệp của chúng ta, đi vào cuộc sống hằng ngày của chúng ta.
Chúng ta cũng có thể nói rằng Dung Nhan của Thiên Chúa, nội dung của thứ văn hóa sự sống này, nội dung của tiếng “vâng” mạnh mẽ của chúng ta, được thể hiện nơi Bản Thập Giới, một bản thập giới không phải là một thứ tóm gọn những điều cấm cản, những “cái không”, mà thực sự là những gì cho thấy một nhãn quan cao cả về đời sống.
Bản thập giới này là tiếng “vâng” với một Vị Thiên Chúa hiến ban ý nghĩa cho sự sống (ba Giới Luật đầu); một tiếng “vâng” với gia đình (Giới Luật Thứ Tư); một tiếng “vâng” cho sự sống (Giới Luật Thứ Năm); một tiếng “vâng” với tinh yêu hữu trách (Giới Luật Thứ Sáu); một tiếng “vâng” với tình đoàn kết, với trách nhiệm xã hội, với công lý (Giới Luật Thứ Bảy); với tiếng “vâng” với sự thật (Giới Luật Thứ Tám); một tiếng “vâng” với sự tôn trọng nhau cũng như với sản vật của nhau (Giới Luật Thứ Chín và Thứ Mười).
Đó là thứ triết lý sự sống, thứ văn hóa sự sống, những gì trở thành cụ thể, thực tiễn và tốt đẹp trong mối hiệp thông với Chúa Kitô, với Thiên Chúa hằng sống, Đấng bước đi với chúng ta trong mối thân hữu của thành phần bạn bè với Ngài, trong đại gia đình của Giáo Hội. Phép rửa là một tặng ân sự sống.
Nó là tiếng “vâng” với cuộc thách đố của cuộc đời thực sự sống, của tiếng “không” với cuộc tấn công của tử thần đang mạo dạng sự sống; và nó là một tiếng “vâng” với tặng ân cao cả của sự sống đích thực hiện lên trên Dung Nhan của Chúa Kitô, Đấng đã hiến thân cho chúng ta nơi phép rửa và sau đó nơi Thánh Thể.
Tôi nói điều này như là một nhận định ngắn gọn về những lời lẽ trong cuộc đối thoại nơi phép rửa cho thấy những gì xẩy ra ở bí tích ấy. Ngoài những lời lẽ, chúng ta cũng có cả các cử chỉ và các biểu hiệu, song tôi sẽ chỉ nói tới những thứ này rất ngắn gọn thôi.
Chúng ta đã thực hiện cử chỉ thứ nhất, đó là Dấu Thánh Giá, một Thánh Giá được cống hiến cho chúng ta như một cái thuẫn để bảo vệ em bé này trong cuộc sống của em; và như một “dấu chỉ” cho thấy con đường sự sống, vì Thập Giá là những gì tóm hết cuộc sống của Chúa Giêsu.
Thế rồi có những yếu tố như nước, việc xức dầu, tấm áo trắng và cây nến sáng. Nước là biểu hiệu cho sự sống: Phép Rửa là sự sống mới trong Chúa Kitô. Dầu là biểu hiệu cho sức mạnh, cho sức khỏe và vẻ đẹp, vì nó thực sự là những gì đẹp đẽ để sống hiệp thông với Chúa Kitô. Rồi tới tấm áo trắng là biểu hiện cho nền văn hóa mỹ lệ, nền văn hóa sự sống. Sau hết, cây nến sáng là biểu hiệu cho sự thật chiếu sáng trong tăm tối lịch sử và cho chúng ta thấy chúng ta là ai, từ đâu tới và phải đi đâu.
Quí cha mẹ đỡ đầu, quí phụ huynh, quí anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta hãy cám ơn Chúa, vì Chúa không ẩn mình sau những đám mây của một thứ mầu nhiệm bất khả thấu, mà, như bài Phúc Âm hôm nay viết, là vị Thiên Chúa đã mở ra các tầng trời, Đấng đã tỏ mình ra, Đấng đã nói với chúng ta và ở với chúng ta; Đấng sống với chúng ta và hướng dẫn chúng ta trong cuộc đời của chúng ta.
Chúng ta hãy cám Chúa về tặng ân này và hãy nguyện cầu cho con cái của chúng ta, để các em thực sự được sự sống, một sự sống đích thật, sự sống đời đời. Amen.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 17/1/2006
Tay Sát Thủ Ám Sát Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II lại bị vào tù sau khi được thả ra 8 ngày
Hôm Thứ Sáu 20/1/2006, Mehmet Ali Agca lại bị bắt nhốt vào tù sau 8 ngày được thả ra. Theo đài truyền hình NTV thì tay sát thủ này không hề chống cự việc bị bắt khi cảnh sát mang trát tòa tới gõ cửa căn chung cư của anh ta ở Istanbul. Anh ta đã nói với các nhân viên cảnh sát rằng: “Tôi đang chờ đợi quí vị đây”. Sau đó anh ta được giải trở lại nhà tù Kartal là nơi anh ta đã được thả ra cách đó 8 ngày.
Sở dĩ anh ta bị bắt nhốt vào tù lại là vì hội đồng tòa kháng án phủ quyết pháp định của tòa án thả can phạm này ra hôm 12/1/2006. Anh ta đã bị tù 19 năm ở Ý vị tội ám sát Đức Gioan Phaolô II, rồi được vị giáo hoàng này xin Tổng Thống Ý ân xá cho anh ta nhân dịp Đại Năm Thánh 2000 và anh ta đã được thả ra ngày 14/6/2000, nhưng đã bị giam nhốt vào tù tiếp ở Thổ Nhĩ Kỳ từ đó cho tới khi được thả ra là 5 năm rưỡi, thời hạn già một nửa số thời gian 10 năm tù đáng lẽ anh ta phải tiếp tục chịu trừng phạt về tội ám sát phóng viên Abdi Ipekci năm 1979.
Việc tòa án thả anh ta ra đã làm cho dân chúng Thổ phẩn nộ. Nhất là trong giai đoạn Thổ Nhĩ Kỳ đang được cứu xét để gia nhập Khối Hiệp Nhất Âu Châu, và tuần tới khối này sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ để xem xét hệ thống pháp luật của nước này ra sao.
Bộ Trưởng Tư Pháp Cemil Cicek đã yêu cầu tòa án xét lại vụ này, và các vị thẩm phán đã đồng loạt phán quyết hôm Thứ Sáu 20/1/2006 rằng anh ta phải bị giam tù tiếp tục trong một thời hạn lâu dài hơn nữa. Tòa án tái phán quyết này đã cho biết rằng “không có cơ sở pháp lý nào trong việc trừ đi thời gian Agca bị tù ở Ý với thời hạn anh ta bị tù ở Thổ Nhĩ Kỳ hết”. Vì tòa án trước đây đã thực hiện việc trừ thời gian bị tù như vậy cho anh ta.
Anh ta đã bị còng tay dẫn đến tổng hành dinh của cảnh sát ở Istabul, nơi truyền hình đã quay anh ta đã la lối bằng Anh ngữ, Thổ ngữ và Ý ngữ như sau:
“Tôi tự xưng là Đấng Thiên Sai! Tôi không phải là con Thiên Chúa, tôi là Đấng Thiên Sai!”. Chính anh ta trước đây cũng đã hô lên những lời tương tự: “Tôi công bố ngày cùng tận!”.
Luật sư của anh ta là Mustafa Demirbag đã lên tiếng là “Truyền thông đã thắng và luật pháp đã thua”.
Thủ Tướng Recep Tayyip Erdogan nói rằng anh ta sẽ được mang đến trước cống tố viện Thứ Bảy 21/1/2006 để “lúc ấy họ sẽ làm bất cứ những gì cần phải làm”.
Công tố viện sẽ quyết định bao nhiêu năm nữa anh ta sẽ bị tù. Tin tức cho biết có thể anh ta sẽ ở tù cho tới năm 2014.
Tổng Trưởng Tư Pháp là Cicek cho rằng anh ta phải ở trong tù trọn 10 năm vì tội giết phóng viên Ipekci. Ông đề nghị là bản án tù này phải được tính từ ngày 14/6/2000 là ngày anh ta được thả từ Ý về. Anh ta cũng bị cáo buộc là cướp phá một hãng xưởng và đánh cắp xe hơi năm 1979, nên anh ta có thể bị thêm 4 năm tù nữa cho các tội phạm này, và đó là lý do người ta nghĩ đến năm 2014 anh ta mới ra khỏi tù.
Thoạt tiên anh ta bị án tử vì tội giết phóng viên Ipekci, nhưng luật ân xá năm 1991 đã giảm án đó thành 10 năm. Vào năm 2000, một tòa án kết tội anh ta về những phạm pháp khác và đã kết án anh ta 36 năm tù. Nhưng một tòa án khác phán quyết rằng anh ta không thể bị tù trên 36 năm về tất cả các tội ác của anh ta.
Một luật ân xá vào năm 2000 đã giảm 10 năm trong thời gian tù này của anh ta, song tòa kháng án hôm Thứ Sáu 20/1/2006 đã phủ quyết quyết định đó.
Vào năm 1979, anh ta đã trốn khỏi một nhà tù quân đội ở Thổ Nhĩ Kỳ sau thời gian bì tù mới có 5 tháng. Sau đó anh ta đã đến Vatican ám sát Đức Gioan Phaolô II. Trước khi bắn vị giáo hoàng này, anh ta đã có dính dáng với nhóm Gray Wolves Sói Xám là một nhóm quân đội cánh hữu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo CNN ngày 20/1/2006
? Bản Tuyên Cáo ngày 12/1/2006 của Các Vị Giám Mục Hoa Kỳ về Vấn Đề Chuyển Giao Hữu Trách ở Iraq: Thánh Đố của một Cuộc Chuyển Giao Hữu Trách
Về Việc Chuyển Giao Hữu Trách ở Iraq
Bản Tuyên Cáo của Giám Mục Thomas G. Wenski
Giám Mục Orlando
Chủ Tịch Tiểu Ban của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về Chính Sách Quốc Tế
(tiếp 20 Thứ Sáu và 21 Thứ Bảy)
Thánh Đố của một Cuộc Chuyển Giao Hữu Trách
Các lực lượng quân sự của chúng ta chỉ lưu lại ở Iraq bao lâu việc chuyển giao hữu trách này cần thiết, triệt thoái sớm hơn là muộn. Chúng tôi hoan nghênh những tin tức mới đây tường trình rằng mức độ quân nhân sẽ được giảm bớt khi người Iraq đảm nhiệm hơn nữa trách nhiệm cho nền an ninh của họ. Thế nhưng, Hiệp Chủng Quốc thậm chí cũng cần phải tỏ ra minh bạch hơn cho thấy rằng mục đích của chính sách Hoa Kỳ là để giúp nhân dân Iraq nắm trọn quyền kiểm soát chính quyền của họ, chứ không phải chiếm đóng quốc gia này trong một thời gian vô hạn định. Chẳng hạn như chính quyền của chúng ta tuyên bố rằng việc hiện diện của nhân viên quân sự và của các khu quân sự Hiệp Chủng Quốc cần phải là những gì do người Iraq quyết định liên quan tới nhu cầu và chủ quyền của nhân dân Iraq.
Bất chấp những lỡ làng trong quá khứ và những khó khăn trong hiện tại, quốc gia của chúng ta rất cần phải tìm kiếm việc hỗ trợ và tham dự rộng rãi của quốc tế trong việc ổn định hóa và tái thiết Iraq. Công việc này là một việc làm khó khăn, thế như nó vẫn là việc cần thiết. Việc bảo đảm được quốc tế hỗ trợ một cách rộng rãi và sâu đậm là những gì sẽ củng cố tính cách hợp pháp và hiệu năng cho các nỗ lực của quốc gia chúng ta, thế nhưng nó cũng đòi phải cống hiến cho các đồng bạn và đồng minh quốc tế một tiếng nói thực sự cùng với những trách nhiệm thực sự. Việc chuyển giao một số trách nhiệm và quyền kiểm soát hoạt động của tiến trình ổn định và tái thiết cho một thực thể quốc tế khả dĩ hơn, hoạt động sát cánh với nhân dân Iraq, đòi hỏi Hiệp Chủng Quốc vừa phải cung cấp việc hỗ trợ về tài chính và quân sự vừa phải nhượng một số quyền kiểm soát cho người khác.
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói với Tổng Thống Bush năm 2004 như sau:
“Mọi người đều rõ ràng mong muốn là giờ đây tình hình này được bình thường hóa sớm bao nhiêu có thể với sự tham dự chủ động của cộng đồng quốc tế, và nhất là Tổ Chức Liên Hiệp Quốc, để bảo đảm việc mau chóng trả về cho Iraq chủ quyền của họ, trong những điều kiện an ninh cho toàn dân nước này” (Pope John Paul II, Address to President Bush, June 4, 2004).
Việc chuyển giao một cách hữu trách ở Iraq có nghĩa là thiết lập một loạt những chuẩn mức căn bản, bao gồm những điều sau đây:
- Đạt được mức độ an ninh thích hợp;
- Thiết lập qui tắc luật lệ;
- Phát động việc tái thiết kinh tế để giúp tạo lập được mức độ hữu lý về công ăn việc làm và cơ hội kinh tế; và
- Nâng đỡ việc phát triển các cấu trúc chính trị trong vấn đề gia tăng tính cách bền vững, việc tham gia chính trị và tôn trọng quyền tự do tôn giáo cùng các thứ nhân quyền.
Theo giáo huấn Công Giáo về xã hội thì hòa bình không phải chỉ là vắng bóng chiến tranh; nó được xây dựng trên nền tảng công lý. Hòa bình bao gồm việc bênh vực nhân quyền, theo đuổi việc phát triển toàn diện con người và việc phát động công ích (See the Compendium of the Social Doctrine of the Church, nos. 494-495). Đức Thánh Cha của chúng tôi là Giáo Hoàng Biển Đức XVI mới đây đã viết như sau:
“Hòa bình như thế được thấy theo chiều hướng mới: không phải như là tình trạng không xẩy ra chiến tranh, là là một cuộc chung sống hài hòa giữa người công dân trong một xã hội được công lý ngự trị, một xã hội mà trong đó sự thiện cũng được chiếm hữu bao nhiêu có thể cho mỗi người công dân” (Pope Benedict XVI, World Day of Peace Message (January 1, 2006), no. 6).
Giáo Hội Công Giáo có một kinh nghiệm đáng kể và gia tăng trong việc nuôi dưỡng việc xây dựng hòa bình hậu chiến và việc hòa giải ở các miền đất khác nhau trên thế giới, bao gồm cả ở Phi Luật Tân, Nam Phi, Burundi, Mazambique, Guatemala, the Balkans và các nơi khác. Các vị lãnh đạo Giáo Hội và những tổ chức của Giáo Hội đã hỗ trợ nhiều người tiến bước trên con đường khổ đau nhưng cần thiết cho nền hòa bình hậu chiến và bạo lực. Kinh nghiệm này của Giáo Hội và của những người khác có thể giúp hiểu biết về công cuộc khó khăn để xây dựng hòa bình sau chiến tranh ở Iraq.
(còn tiếp)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 12/1/2006