GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ HAI 23/1/2006

Tuần 3 Thường Niên

 

?   Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật III Thường Niên 22/1/2006 về Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Mối Hiệp Nhất Kitô Giáo

?  Hai Nhà Thần Học Giáo Hoàng Gia: Nghinh Tân (Lý Lịch Bổ Nhiệm) và Tống Cựu (Quá Trình Kinh Nghiệm)

?  Bản Tuyên Cáo ngày 12/1/2006 của Các Vị Giám Mục Hoa Kỳ về Vấn Đề Chuyển Giao Hữu Trách ở Iraq: Những Thách Đố Đặc Biệt Cho Việc Chuyển Giao Hữu Trách

 

 

 

?   Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật III Thường Niên 22/1/2006 về Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Mối Hiệp Nhất Kitô Giáo

 

Anh Chị Em thân mến!

 

Chúa Nhật này được cử hành vào giữa Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Mối Hiệp Nhất Kitô Giáo, một tuần lễ được cử hành hằng năm từ ngày 18 đến 25 tháng Giêng. Đây là một sáng kiến xuất phát từ đầu thế kỷ vừa qua, một sáng kiến đã diễn tiến tốt đẹp, càng ngày càng trở thành một cứ điểm của vấn đề đại kết giúp cho Kitô hữu thuộc các chủ trương khác nhau cùng nguyện cầu và suy tư về cùng một bài Thánh Kinh.

 

Câu được chọn cho năm nay được trích từ Đoạn 18 theo Phúc Âm Thánh Mathêu, một Phúc Âm đề cập tới một số những giáo huấn của Chúa Giêsu liên quan đến cộng đồng môn đệ của Người. Trong số những giáo huấn này, Phúc Âm ấy xác nhận là “Nếu hai người trong các con trên trần gian này hợp nhau xin bất cứ điều gì thì sẽ được Cha Thày ở trên trời ban cho. Vì đâu có hai hay ba người qui tụ lại vì danh Thày thì Thày ở đó giữa họ” (Mt 18:19-20).

 

Những lời này của Chúa Giêsu là những gì mang lại đầy tin tưởng và hy vọng! Đặc biệt những lời ấy mời gọi Kitô hữu hãy cùng nhau xin Chúa ban cho họ mối hiệp nhất trọn vẹn ấy, một mối hiệp nhất đã được chính Chúa Kitô thiết tha nguyện cầu cùng Cha trong Bữa Tiệc Ly (x Jn 17:11,21,23). Bởi thế chúng ta hiểu được lý do tại sao Kitô hữu chúng ta rất cần phải kêu xin tặng ân hiệp nhất này một cách kiên trì. Nếu chúng ta tin tưởng làm như thế chúng ta mới có thể nắm chắc là lời cầu nguyện của chúng ta sẽ được đáp ứng. Chúng ta không biết khi nào hay cách nào, vì nó không phải là điều chúng ta cần biết, nhưng chúng ta không được ngờ vực là một ngày kia chúng ta sẽ là “một”, như Chúa Giêsu và Chúa Cha hiệp nhất trong Thánh Thần vậy.

 

Việc cầu nguyện cho hiệp nhất là linh hồn của phong trào đại kết, một phong trào, nhờ Chúa, phát triển khắp thế giới. Dĩ nhiên là không thiếu những khó khăn và thử thách, thế nhưng những điều này có tính cách hữu dụng thiêng liêng của chúng, khi chúng thúc đẩy chúng ta đến chỗ nhẫn nại và kiên trì cũng như gia tăng đức bác ái huynh đệ. Thiên Chúa là tình yêu và chỉ khi nào chúng ta trở về với Ngài và chấp nhận Lời của Ngài chúng ta tất cả mới có thể hiệp nhất trong một Nhiệm Thể duy nhất của Chúa Kitô.

 

Lời diễn tả “Thiên Chúa là tình yêu”, theo tiếng Latinh “Deus Caritas Est”, là đầu đề của bức thông điệp tiên khởi của tôi, một thông điệp sẽ được ban hành vào ngày Thứ Tư tới đây, 25/1/2006, Lễ Thánh Phaolô Trở Lại. Tôi lấy làm vui mừng khi thấy nó trùng vào ngày kết thúc Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Mối Hiệp Nhất Kitô Giáo. Vào hôm ấy, tôi sẽ đến Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành để chủ sự Giờ Kinh Tối có sự tham dự của thành phần đại diện các giáo hội và các cộng đồng giáo hội. Xin Trinh Nữ Maria, Mẹ của Giáo Hội, chuyển cầu cho chúng ta.

 

(Sau khi Nguyện Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói tiếp:)

 

Năm trăm năm trước đây, vào ngày 22/1/1506, Giáo Hoàng Julius đã đón nhận và chúc lành cho đạo quân đầu tiên của Thành Phần Hộ Vệ Thụy Sĩ đến Rôma để bảo đảm việc bênh vực bản thân ngài cũng như Tông Dinh của Tòa Thánh. Nhờ đó đã phát xuất ra Vệ Binh Thụy Sĩ Giáo Hoàng. Khi nhắc lại biến cố lịch sử này, tôi hân hoan chào tất cả những ai làm nên đạo quân nổi bật ấy, như dấu hiệu cảm nhận và nhìn nhận, tôi đặc biệt ban phép lành tòa thánh.

 

Trong số nhiều quan tâm về tình hình quốc tế, giờ đây tôi lại nghĩ tới Phi Châu, đặc biệt đến Ivory Coast là nơi những căng thẳng trầm trọng nơi những yếu tố xã hội và chính trị khác nhau. Tôi kêu mời tất cả mọi người hãy tiếp tục cuộc đối thoại xây dựng này để đạt tới chỗ hòa giải và an bình. Tôi ký thác những ý hướng này cho việc chuyển cầu của Trinh Nữ Thánh là vị được nhân dân  Ivory thân mến.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 22/1/2006

 

 

TOP

 

 

?  Hai Nhà Thần Học Giáo Hoàng Gia: Nghinh Tân (Lý Lịch Bổ Nhiệm) và Tống Cựu (Quá Trình Kinh Nghiệm) 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI hôm 1/12/2005 đã chọn một linh mục Dòng Đaminh 54 tuổi người Hiệp Vương Quốc gốc Balan để làm vị thần học gia cố vấn cho giáo hoàng. Đó là Cha Wojciech Giertych, vị thay thế cho Đức Hồng Y người Thụy Sĩ Georgers Cottier, linh mục Dòng Đaminh 83 tuổi, đã giữ chức vụ này từ năm 1989 dưới thời Đức Gioan Phaolô II. 

 

Nhà Thần Học Giáo Hoàng Gia này phục vụ như cố vấn viên riêng tư về thần học cho giáo hoàng, sống ở một phòng trong Tông Dinh Tòa Thánh. Vị này cũng đóng vai trò cố vấn cho các thánh bộ Tín Lý Đức Tin và Thánh Bộ Phong Thánh cũng như cho Ủy Ban Thần Học Quốc Tế.

 

Vào lúc được bổ nhiệm vào vai trò mới này, Cha Giertych là phụ tá tổng quyền Dòng Đaminh, đặc trách các học đường, đại học và đời sống tri thức của phần tử hội dòng.

 

Ngài là một phần tử của tổng hội đồng Dòng Đaminh ở Rôma và là giáo sư luân lý thần học ở Đại Học Angelicum của Dòng Đaminh ở Rôma.

 

Nhà thần học giáo hoàng gia vừa về hưu là Đức Hồng Y Cottier, trong một cuộc phỏng vấn vào cuối Tháng 12, ngay trước khi mãn nhiệm, đã cho biết là vai trò làm cố vấn cho Đức Giáo Hoàng không phải là cứ ngồi đó đợi Đức Giáo Hoàng đến bàn hỏi, mà việc chính của vị này là hiệu đính cả ngàn từ ngữ và câu văn do thành phần trợ tá ở Tòa Thánh soạn dọn cho Đức Giáo Hoàng phát biểu công khai hay phổ biến công khai.

 

Vì hồng y thần học gia cố vấn cho Đức Giáo Hoàng lão thành này cho biết là: “Người ta cần phải hiểu rằng ngày nay đức giáo hoàng buộc phải thực hiện nhiều những bài diễn văn và gửi rất nhiều sứ điệp đến nỗi ngài cần nhiều cộng sự viên soạn dọn chúng. Nhà thần học giáo hoàng gia có trách nhiệm đọc tất cả những bản văn này và cho biết ý kiến về thần học của mình đối với những bản văn ấy”.

 

Theo vị hồng y thần học gia cố vấn cho đức giáo hoàng này thì với con số những bài diễn văn, bài giảng, sứ điệp, lời nguyện, điện tín và các văn kiện khác thì không thể nào một mình ngài có thể viết hết nổi. Vị này cho biết ngài làm việc hằng ngày với văn phòng Quốc Vụ Khanh, kiểm điểm các bản văn của đức thánh cha do họ soạn thảo. Vị hồng y nói:

 

“Điều đầu tiên chúng tôi để ý là tính cách hòa hợp về ngôn ngữ, vì nếu các nguồn khác nhau, thì chẳng những cung cách mà còn cả tư tưởng cũng có thể khác nhau nữa”.

 

Nhà thần học giáo hoàng gia cũng kiểm cả việc dùng chữ hay câu văn có thể bị giới truyền thông hiểu lầm hay lệch lạc.  

 

Điều quan tâm thứ ba là việc cẩn thận đừng để đức giáo hoàng nói quá nhiều về một số đề tài. Vị hồng y diễn giải như sau:

 

“Nói như thế tôi có ý nói rằng khi chúng ta có một vấn đề về thần học vẫn còn được bàn luận và nghiên cứu thì không nên để cho đức giáo hoàng công bố về nó quá sớm. Vì một khi giáo hoàng đã lấy quyền mà nói thì vấn đề bàn luận kể như xong”.

 

Trường hợp điển hình được vị hồng y này nêu lên đó là Ủy Ban Thần Học Quốc Tế mới đây bàn về giáo huấn của Giáo Hội liên quan tới vấn đề lâm bô và những thơ nhi chết chưa được rửa tội. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã ngỏ lời cùng các phần tử của ủy ban này, nhưng không đả động tới bản chất của việc bàn luận về thần học ấy.

 

(Biệt chú của người chuyển dịch sang Việt ngữ của bản tin này là, trong tác phẩm “The Ratzinger Report” do Ignatius xuất bản năm 1985, ở trang 147, với tư cách là một thần học gia, chứ không phải là tổng trưởng thánh bộ tín lý đức tin bấy giờ, Hồng Y Ratzinger đã phủ nhận thực tại lâm bô này).

 

Theo truyền thống, vai trò của nhà thần học giáo hoàng gia này được bắt đầu từ Thánh Đaminh, vị sáng lập Dòng Giảng Thuyết, vị đã được cho rằng đóng vai trò cố vấn thần học cho Đức Giáo Hoàng Honorius III ở thế kỷ thứ 13.

 

Các tu sĩ Dòng Đaminh luôn nắm giữ vai trò này, một vai trò cho tới năm 1968 được gọi là “vị chủ của dinh thự thánh”. Trong quá khứ, công việc của họ bao gồm trình bày các bài thần học cho các vị hồng y và các phần tử khác thuộc Giáo Triều Rôma và kiểm duyệt các bài giảng của những thuyết trình viên được mời đến Vatican.

 

Có lúc nhà thần học giáo hoàng gia cũng được quyền cho phép in ấn các sách vở được xuất bản ở Rôma – một công việc, theo vị hồng y thần học gia của cuộc phỏng vấn này, rất may đã không còn nữa.

 

Nhà thần học giáo hoàng gia thường không được kêu gọi để kiểm xét các bản văn do chính đức giáo hoàng viết, thế nhưng vị này thường thuộc nhóm chuyên viên nghiên cứu các bản thảo thông điệp của đức giáo hoàng, đôi khi nêu lên những đề nghị về cấu trúc hay văn vẻ.

 

Vị hồng y cho biết, chẳng hạn như ngài đã được xem trước 5 hay 6 bản thảo của bức thông điệp năm 1993 của Đức Gioan Phaolô II là “Rạng Ngời Chân Lý – Veritatis Splendor”.

 

Vị hồng y này cho biết cái khác nhau lớn nhất giữa Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và vị thừa nhiệm của ngài là Giáo Hoàng Biển Đức XVI đích thân viết “những bản văn quan trọng” – các bài giảng và diễn văn chính, như bài nói tất niên dài của ngài với Giáo Triều Rôma (Thứ Năm 22/12/2005) mà, theo vị hồng y, “hầu như là một thông điệp” về giáo hội hậu Công Đồng Chung Vaticanô II.

 

Vị hồng y này cho biết tiếp, trong số nhiều điều tưởng nhớ của mình từ những năm làm việc ở Vatican, có một điều đặc biệt nhất. Đó là, trước Đại Năm Thánh 2000, ngài làm đầu ủy ban thần học quốc tế trong việc kiểm xét những giai đoạn tối tăm của Giáo Hội trong quá khứ, bao gồm cả Tòa Xử Lạc Giáo và việc đối xử với người Do Thái.

 

Công việc của ủy ban này đã mở đường cho “ngày xin tha thứ” của Năm Thánh ấy, một ngày có một lễ nghi cảm kích ở Đền Thờ Thánh Phêrô và việc xin lỗi chưa từng có về tội lỗi của Kitô hữu qua các thế kỷ, một lễ nghi chẳng những là một giây phút tuyệt vời nhất của Năm Thánh mà còn đánh dấu “một giây phút quyết liệt trong lịch sử của Giáo Hội nữa”.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo CNS ngày 30/12/2005 và 12/1/2006

TOP

 

 

? Bản Tuyên Cáo ngày 12/1/2006 của Các Vị Giám Mục Hoa Kỳ về Vấn Đề Chuyển Giao Hữu Trách ở Iraq: Những Thách Đố Đặc Biệt Cho Việc Chuyển Giao Hữu Trách

 

Về Việc Chuyển Giao Hữu Trách ở Iraq

Bản Tuyên Cáo của Giám Mục Thomas G. Wenski

Giám Mục Orlando

Chủ Tịch Tiểu Ban của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về Chính Sách Quốc Tế

 

(tiếp 20 Thứ Sáu, 21 Thứ Bảy 22 Chúa Nhật)

 

Những Thách Đố Đặc Biệt Cho Việc Chuyển Giao Hữu Trách

 

Hội Đồng giám mục chúng tôi tin rằng quốc gia của chúng ta và nhân dân Iraq đang phải đương đầu đối diện với một số những thách đố đặc biệt xuất phát từ tình hình phức tạp, bất ổn và nguy hiểm ở Iraq. Những thách đố này bao gồm:

 

-                        Nạn khủng bố và việc chúng ta chống khủng bố;

-                        Việc vi phạm nhân quyền của những người bị các lực lượng Hoa Kỳ và Iraq giam giữ;

-                        Những mối đe dọa về quyền tự do tôn giáo và về thành phần thiểu số tôn giáo ở Iraq;

-                        Cảnh khốn cực của thành phần tị nạn; và

-                        Việc đáp ứng các trách nhiệm khác của quốc gia chúng ta.

 

Bạo động và khủng bố: Hội Đồng chúng tôi đồng lòng lên án tất cả mọi cuộc khủng bố tấn công, nhất là những cuộc khủng bố tấn công thành phần dân sự. Chúng tôi xin lập lại giáo huấn của Đức Thánh Cha chúng tôi là Giáo Hoàng Biển Đức XVI: “Ngày nay, hòa bình chân chính tiếp tục bị tổn thương và loại trừ một cách thảm thương bởi nạn khủng bố, một nạn khủng bố thực hiện những mối đe dọa và các cuộc tấn công gây tội ác làm cho thế giới ở trong một tình trạng sợ hãi và mất an ninh” (Pope Benedict XVI, World Day of Peace Message [January 1, 2006], no. 9). Việc sử dụng võ lực không bao giờ chính đáng khi nó không biết phân biệt giữa thành phần chiến đấu và thành phần không chiến đấu trong cuộc xung đột.

 

Hội Đồng chúng tôi đồng thời cũng xin lập lại là không thể nào chiến đấu với nạn khủng bố chỉ bằng phương pháp quân sự mà thôi, thậm chí cho dù theo nguyên tắc đi nữa. Tiểu Ban Điều Hành Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã cảnh giác vào năm 2002 như sau:

 

Cuộc “chiến về khủng bố” này cần phải được chiến đấu với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế và chính yếu bằng phương tiện phi quân sự, như ngăn chặn các nguồn lợi cho việc khủng bố, ngăn chặn việc tuyển mộ khủng bố, và ngăn chặn các cơ hội thực hiện các hành động ác độc của họ… Vì chúng ta đương đầu với các hành động ác độc bất khả biện minh mà “cuộc chiến về khủng bố” này không được làm cho chúng ta bị lạc hướng trong việc dấn thân khả thủ để chế ngự tình trạng bần cùng, xung đột và bất công, nhất là ở Trung Đông và thế giới đang phát triển, nơi có thể trở thành mảnh đất phì nhiêu cho nỗi thất vọng và nạn khủng bố hoành hành. (Administrative Committee, United States Conference of Catholic Bishops, Statement on the Anniversary of September 11th, September 10, 2002).

 

Trong công việc đương đầu một cách chới với và nguy hiểm với những kẻ khủng bố, thành phần khủng bố giờ đây đã lọt vào và đang hoạt động ở Iraq, đất nước của chúng ta cần phải coi chừng những phản ứng quá hung hăng và quân sự bất khôn gây nguy hại cho thường dân, vì thế làm suy yếu đi việc chinh phục các tâm trí đang chỉ trích cuộc chiến đấu dài hạn với thành phần khủng bố và nổi loạn. Truyền thống luân lý của chúng tôi nhấn mạnh rằng việc sử dụng lực lượng quân sự cần phải là những gì tương xứng và biệt phân. Khi cần phải có những phản ứng về quân sự theo sách lược, chúng ta không bao giờ được quên rằng cuộc chiến đấu càng rộng lớn với nạn khủng bố, cùng với những đòi hỏi căn bản về luân lý của chúng ta và những trách nhiệm về pháp lý của chúng ta, là những gì đòi phải tôn trọng nhân quyền.

 

Chúng ta cần phải nghe lời cảnh giác của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Sứ Điệp Cho Ngày Hòa Bình Thế Giới Năm 2002 sau đây:

 

“Việc hợp tác quốc tế trong cuộc chiến đấu chống các hoạt động khủng bố cũng cần phải bao gồm cả việc dấn thân can đảm và dứt khoát về chính trị, ngoại giao và kinh tế để làm giảm thiểu các trường hợp áp bức và loại trừ nhau là những gì dể đưa đến những mưu đồ khủng bố. Việc tuyển mộ thành phần khủng bố thật sự trở nên dễ dàng ở những nơi nhân quyền bị chà đạp và bất công được dung túng trong một thời gian lâu dài” (John Paul II, 2002 World Day of Peace Message [January 1, 2002], no. 5).

 

Cần phải phân biệt giữa sách lược của các cuộc khủng bố tấn công là những gì không bao giờ được gọi chính đáng với những mối quan tâm về chính trị gây ra tình trạng nổi loạn. Để giảm bớt việc hỗ trợ thông dụng cho tình trạng nổi loạn, rất cần phải giúp kiến tạo nên một chỗ đứng chính trị quan trọng cho phái Sunni và việc tham phần vào Iraq của thành phần thiểu số.

 

 

(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 12/1/2006



TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ