GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BA 24/1/2006

Tuần 3 Thường Niên

 

?   Đức Thánh Cha Biển Đức XVI với Hội Nghị của Hội Đồng Tòa Thánh Đồng Tâm về Thông Điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu” sắp ban hành của Ngài

?  Từ Thánh Địa, Các Vị Giám Mục Công Giáo Âu Châu và Bắc Mỹ kêu gọi Hòa Bình cho Thánh Địa

?  Bản Tuyên Cáo ngày 12/1/2006 của Các Vị Giám Mục Hoa Kỳ về Vấn Đề Chuyển Giao Hữu Trách ở Iraq: Những Thách Đố Đặc Biệt Cho Việc Chuyển Giao Hữu Trách

 

 

 

?   Đức Thánh Cha Biển Đức XVI với Hội Nghị của Hội Đồng Tòa Thánh Đồng Tâm về Thông Điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu” sắp ban hành của Ngài

 

Sáng Thứ Hai 23/1/2005, Hội Đồng Tòa Thánh Đồng Tâm Cor Unum tổ chức hai ngày hội nghị 23-24/1/2005, để sửa soạn cho và theo chiều hướng của Bức Thông Điệp “Thiên Chúa Là Tình Yêu” của tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI sẽ được ban hành chính thức vào Thứ Tư 25/1/2005, Lễ Thánh Phaolô Tông Đồ Trở Lại, kết Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Hiệp Nhất Kitô Giáo. Chủ đề của hội nghị dọn đường này cũng theo chiều hướng đức ái, đó là một câu được trích từ Thư Thứ Nhất Thánh Phaolô gửi Giáo Đoàn Côrintô: “… Thế nhưng, trọng nhất trong ba nhân đức này là đức ái”. Trong bài huấn từ của mình ngỏ cùng hội nghị này hôm nay, Đức Thánh Cha đã tiếp tục nóivề bức thông điệp của ngài như sau:

 

Cuộc hành trình vũ trụ được thi hào Dante, trong vở ‘Hài Kịch Thần Linh’, muốn độc giả theo dõi kết thúc trước ánh sáng vĩnh hằng là chính Thiên Chúa, trước thứ ánh sáng đồng thời cũng là ‘tình yêu tác động mặt trời cùng với các tinh tú khác’ ("Paradise" XXXIII, verse 145). Ánh sáng và yêu thương chỉ là một điều duy nhất. Chúng là quyền năng sáng tạo khởi nguyên tác động vũ trụ này.

 

Nếu những lời ấy của nhà thi sĩ đây tỏ lộ tư tưởng của Aristote, nhân vật đã thấy “cái tình ái” này là thứ quyền năng tác động thế giới, tuy nhiên, cái nhìn của thi sĩ Dante còn nhận thấy một cái gì đó hoàn toàn mới mẻ và không thể ngờ được đối với vị triết gia Hy Lạp này.

 

Ánh Sáng Vĩnh Hằng này chẳng những được hiện lên với ba vòng tròn được nhà thơ này nói đến bằng những câu nói sâu xa như chúng ta biết, đó là “Hỡi Ánh Sáng Vĩnh Hằng, Ngài chỉ ở trong Chính Mình Ngài, và chỉ có Ngài mới biết Ngài mà thôi; Ngài tự biết Mình, Ngài biết được Mình, Ngài yêu Mình và mỉm cười về Mình!” ("Paradise," XXXIII, verses 124-126). Thật vậy, nhận thức về một bộ mặt con người – bộ mặt của Chúa Giêsu Kitô – bộ mặt mà thi sĩ Dante thấy trong cái vòng tròn ánh sáng trọng tâm thậm chí còn trổi vượt hơn cả mạc khải về Thiên Chúa như cái vòng nhận thức và yêu thương Tam Vị nữa.

 

Thiên Chúa, Ánh Sáng vĩnh hằng, Đấng mà mầu nhiệm khôn lường về Ngài đã được vị triết gia Hy Lạp này trực giác thấy, Vị Thiên Chúa này có một dung nhan con người, và chúng ta có thể nói, có một trái tim nhân loại. Nhãn quan của Dante cho thấy cái liên tục giữa niềm tin tưởng của Kitô Giáo vào Thiên Chúa và việc tìm kiếm theo lý trí cũng như theo lãnh vực các tôn giáo; tuy nhiên, đồng thời cũng xuất hiện cả một cái gì mới mẻ vượt ra ngoài tất cả những gì con người tìm kiếm nữa, cái mới mẻ mà chỉ chính Thiên Chúa mới có thể tỏ ra cho chúng ta biết mà thôi, đó là cái mới mẻ của một tình yêu thúc đẩy Thiên Chúa mang lấy bộ mặt con người, còn hơn thế nữa, mặc lấy huyết nhục, lấy toàn thể con người.

 

“Cái tình ái” này của Thiên Chúa không phải chỉ là một thứ quyền lực khởi nguyên của vũ trụ, mà là tình yêu đã tác tạo nên con người và cúi xuống với họ, như người Samaritanô Nhân Lành cúi xuống với con người bị thương tích, nạn nhân của các tay trộm cướp, con người đang nằm bên lề đường dẫn từ Giêrusalem tới Giêricô

 

Tiếng ‘yêu thương’ ngày nay bị lu mờ, bại hoại và lạm dụng tới độ người ta hầu như sợ nói đến nó trên môi miệng. Tuy nhiên, nó lại là một lời nống cốt, một diễn đạt về một thực tại nguyên khởi; chúng ta không thể ngang nhiên loại bỏ nó đi, chúng ta cần phải lấy nó lại, thanh tẩy nó và trả lại cho nó thứ ánh quang rạng ngời nguyên thủy, để nó có thể soi chiếu đời sống của chúng ta và áp dụng nó một cách đúng đắn. Nhận thức này là những gì đã thúc đẩy tôi chọn yêu thương làm đề tài cho bức thông điệp đầu tay của tôi.

 

Tôi muốn cố gắng và trình bày, cho thời đại của chúng ta đây và cho cuộc sống của chúng ta đây, một điều gì đó được đại thi hào Dante gói ghém trong nhãn quan của ông. Ông nói về “nhận thức” của mình là những gì “được nẩy nở” khi nhìn vào nó, những gì làm ông thay đổi sâu xa (lời trích dẫn theo Anh ngữ là ‘Thế nhưng nhờ nhận thức này, một nhận thức trở thành vững mạnh nơi tôi khi nhìn ngắm, một dáng vẻ duy nhất từng làm thay đổi tôi như tôi đã đổi thay’ [cf. "Paradise," XXXIII, verses 112-114]). Chính vì thế mà đức tin có thể trở thành một nhãn kiến biến đổi chúng ta.

 

Tôi muốn nhấn mạnh tới trọng tâm của niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa, nơi Vị Thiên Chúa đã mang một dung nhan con người và có một trái tim nhân loại. Đức tin không phải là một lý thuyết con người có thể nhận lấy hay bỏ qua. Nó là một cái gì đó rất cụ thể: Nó là tiêu chuẩn để quyết định lối sống của chúng ta. Trong một thời đại mà thù nghịch và tham lam đã trở thành những thứ siêu quyền lực, một thời đại chúng ta đang chứng kiến thấy cảnh lạm dụng tôn giáo tới độ lên tới tột đỉnh hận thù, thì thứ lập luận  trung dung tự mình không thể nào bảo vệ được chúng ta. Chúng ta cần đến Vị Thiên Chúa hằng sống đã yêu thương chúng ta cho tới chết.

 

Bởi thế mà trong bức Thông Điệp này, các đề tài về “Thiên Chúa”, về “Đức Kitô” và về “Tình Yêu” quyện lẫn với nhau, như những gì hướng dẫn chính yếu cho đức tin Kitô Giáo. Tôi muốn tỏ cho nhân lại thấy về đức tin, về những gì làm nên “tình ái”, về việc con người “chấp nhận” cái bản chất thể lý được Thiên Chúa dựng nên, một “chấp nhận” cái nguồn gốc ở việc tạo thành thứ hôn nhân bất khả phân ly giữa nam nữ. Để rồi nơi đức tin ấy, “tình ái” được biến thành “thiện ái”, thành tình yêu nhau không còn tìm mình nữa mà là quan tâm tới nhau, sẵn sàng hy sinh bản thân mình cho nhau và hướng tới tặng ân của một sự sống mới.

 

“Thiện ái” Kitô Giáo, tức tình yêu thương tha nhân theo gương Chúa Kitô, không phải là một điều gì đó xa lạ, thiên lệch hay một điều gì đó thậm chí phản lại với “tình ái”; trái lại, bằng việc tự hiến mình cho con người, Người đã cho thấy một chiều kích mới, một chiều kích Người đã phát triển hơn nữa theo giòng lịch sử nơi việc dấn thân bác ái của thành phần Kitô hữu cho người nghèo khổ cũng như cho thành phần khổ đau.

 

Thoạt tiên đọc bức Thông Điệp này có lẽ nẩy lên cảm tưởng là nó được chia làm hai phần không mấy liên hệ với nhau là bao: phần thứ nhất về lý thuyết bàn đến yếu tính của tình yêu, và phần thứ hai bao gồm đức bác ái của giáo hội cùng với những cơ cấu tổ chức bác ái của giáo hội. Tuy nhiên, tôi lại thực sự chú trọng tới mối liên kết giữa hai đề tài ấy, những đề tài chỉ có thể được hiểu một cách thích đáng nếu chúng được thấy như là một điều duy nhất.

 

Nhất là, cần phải tỏ cho thấy rằng con người được dựng nên để yêu thương, và tình yêu thương này, một tình yêu mới đầu trước hết được tỏ ra như là “những thứ tình ái – eros” giữa nam nữ, cần phải được biến đổi hoàn toàn thành “thiện ái  - agape”, qua việc hiến mình cho nhau để đáp ứng chính đáng bản chất chân thực của “tình ái”.  Theo đó, cần phải làm sáng tỏ là yếu tính của tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân được diễn tả trong Thánh Kinh là cốt lõi của đời sống Kitô Giáo, nó là hoa trái của đức tin.

 

Bởi thế, ở phần hai, cần phải nhấn mạnh rằng tác động hoàn toàn cá biệt của “thiện ái” không bao giờ lại chỉ một vấn đề thuần cá nhân, trái lại, nó còn cần phải trở thành một tác động thiết yếu của Giáo Hội như là một cộng đồng nữa, tức là, nó cũng cần đến một thứ hình thức cơ cấu được thể hiện nơi hoạt động cộng đồng của Giáo Hội. Cơ cấu tổ chức bác ái của Giáo Hội không phải là một hình thức trợ giúp xã hội, một thứ thêm thắt thường tình vào thực tại Giáo Hội, một sáng kiến mà người khác cũng có thể thực hiện.

 

Trái lại, nó thuộc về bản chất của Giáo Hội. Như việc loan báo của nhân loại, của lời đức tin cần phải tương ứng với “Lời” thần linh thế nào, thì “thiện ái” của Giáo Hội, hoạt động bác ái của Giáo Hội, cũng phải tương ứng với “Thiện Ái” là Thiên Chúa như vậy. Hoạt động này, ngoài ý nghĩa rất cụ thể trước hết của nó trong việc giúp đỡ tha nhân, cũng thông đạt cho người khác tình yêu Thiên Chúa là tình yêu chính chúng ta đã lãnh nhận. Nó cần phải làm cho Thiên Chúa hằng sống trở thành hiển hiện một cách nào đó. Trong một tổ chức bác ái thì Thiên Chúa và Đức Kitô không được trở thành những lời xa lạ; thật vậy, những lời này cho thấy nguồn gốc nguyên thủy của đức ái giáo hội. Sức mạnh của “Đức Ái” lệ thuộc vào sức mạnh đức tin của tất cả mọi phần tử và cộng sự viên của mình.

 

Cảnh tượng về con người khổ đau là những gì làm cho tâm can của chúng ta rung động. Thế nhưng, việc dấn thân làm việc bác ái có một ý nghĩa hoàn toàn vượt lên trên thứ thương tâm tầm thường này. Nó chính là Thiên Chúa, Đấng thôi thúc chúng ta ở trong tận thâm cung bản thân mình thực hiện việc xoa dịu cảnh khốn cùng. Nhờ thế chúng ta mang Ngài đến với thế giới khổ đau. Một khi càng ý thức và rõ ràng về việc chúng ta được diễm phúc mang Ngài thì tình yêu của chúng ta mới càng hiệu nghiệm hơn trong việc biến đổi thế giới này và trong việc làm bừng lên niềm hy vọng, một niềm hy vọng vượt qua sự chết.

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit và VIS phổ biến ngày 23/1/2006

 

 

TOP

 

 

?  Từ Thánh Địa, Các Vị Giám Mục Công Giáo Âu Châu và Bắc Mỹ kêu gọi Hòa Bình cho Thánh Địa

 

Sau đây là nguyên văn lời kêu gọi của các vị giám mục được phổ biến Ngày Thứ Năm 19/1/2006 khi bế mạc hội nghị giữa tổ chức Điều Hợp Chư Hội Đồng Giám Mục Trong Việc Nâng Đỡ Giáo Hội Ở Thánh Địa với Hội Đồng Bản Quyền Công Giáo Ở Thánh Địa.

 

Lời kêu gọi hòa bình trong công lý cho tất cả mọi dân tộc và cho 3 niềm tin ở Thánh Địa được các vị Công Giáo phổ biến hôm nay đây. Các Vị Giám Mục thuộc Ban Điều Hợp Chư Hội Đồng Giám Mục Trong Việc Nâng Đỡ Giáo Hội Ở Thánh Địa đã thực hiện lời kêu gọi này vào lúc kết thúc cuộc viếng thăm mục vụ được điều hành bởi Hội Đồng Bản Quyền Công Giáo Ở Thánh Địa. Ban Điềp Hợp này là việc thể hiện sự nâng đỡ của Giáo Hội Hoàn Vũ cho Giáo Hội địa phương đây.

 

Là các giám mục Công Giáo, chúng tôi đến Thánh Địa để được hiệp thông và liên kết với nhân dân cũng như các vị giám mục của Giáo Hội Mẹ khi chúng tôi bước đi với họ trên con đường dẫn đến hòa bình, công lý và hòa giải.

 

Chúng tôi hết sức biết ơn Hội Đồng Bản Quyền Công Giáo Ở Thánh Địa đã điều hành việc viếng thăm này của chúng tôi. Chúng tôi đến như thành phần hành hương trong nguyện cầu, nguyện cầu cho tình trạng phúc hạnh của Giáo Hội và của tất cả mọi dân tộc ở Thánh Địa.

 

Cuộc viếng thăm này là lần thứ sáu của Ban Điều Hợp Chư Hội Đồng Giám Mục Trong Việc Nâng Đỡ Giáo Hội Ở Thánh Địa. Cơ Quan Điều Hợp này đại diện cho Chư Hội Đồng Giám Mục Âu Châu, Ủy Ban Chư Hội Đồng Giám Mục Khối Hiệp Nhất Âu Châu, và Chư Hội Đồng Giám Mục Áo, Gia Nã Đại, Anh và Wales, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

 

Một lần nữa, chúng tôi lại chứng kiến thấy đức tin năng động của Giáo Hội trong việc thờ phượng cũng như qua việc phục vụ dân chúng qua nhiều tổ chức của Giáo Hội. Chúng tôi tham dự vào việc diễn hành của trẻ em và việc cử hành Giáng Sinh. Nhiều trẻ em học sinh đã di chuyển nhiều giờ qua các trạm kiểm soát để đến Bêlem lần đầu tiên.

 

Chúng tôi đã gặp gỡ giới trẻ ở Ramallah và đã biết được hoạt động của họ. Chúng tôi cũng cử hành Thánh Lễ và đã viếng thăm những người Công Giáo nói tiếng Do Thái và các giáo xứ ở Aboud, Nablus, Ramallah, Taybeh, Bethlehem và Jerusalem. Chúng tôi đã cùng nhau cầu nguyện và đã lắng nghe những chứng từ của dân chúng và giám mục địa phương chia sẻ những cuộc đấu tranh của Giáo Hội nơi một thự ctại khó khăn về xã hội và chính trị.

 

Là những mục tử, chúng tôi một lần nữa kêu gọi tín hữu ở chư quốc của chúng tôi hãy nhớ tới Giáo Hội ở Thánh Địa trong nguyện cầu, hãy đến hành hương nơi đây, hãy quảng đại nâng đỡ các cơ quan tổ chức ở đây, và hãy cổ võ những sáng kiến mang lại hòa bình và công lý cho tất cả mọi dân tộc ở Mảnh Đất này. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã nói về sứ vụ hòa bình của Giáo Hội trong bài diễn từ của ngài ngỏ cùng ngoại giao đoàn chư quốc vào đầu tháng này.

 

Chúng tôi xin âm vang lời khuyên của Đức Thánh Cha về Thánh Địa như sau: “Ở đó quốc gia Do Thái phải có thể hiện hữu một cách an bình hợp với tiêu chuẩn quốc tế; ở đó, cũng thế, nhân dân Palestine phải phát triển cách yên hàn các cơ cấu dân chủ của mình cho một tương lai tự do và thịnh vượng.

 

“Các mối quan tâm mục vụ của chúng tôi về Giáo Hội địa phương này khiến chúng tôi chia sẻ những nỗi sợ hãi và khổ đau cũng như các niềm vui và hy vọng của nhân dân đây. Chúng tôi nhìn nhận quyền hợp lệ của Do Thái trong việc thực hiện những biện pháp an ninh thích đáng, thế nhưng, tất cả mọi biện pháp ấy cần phải là những gì bảo vệ nhân phẩm, nhân quyền, đất đai và nước nôi của nhân dân Palestine. Chúng tôi đã chứng kiến thấy những người Palestine gặp khó khăn và nghèo khổ gây ra trực tiếp bởi các trạm kiểm soát và bức tường làm cản trở việc phát triển về kinh tế cùng sự tự do đi lại. Vấn đề an ninh cho người Do Thái lại là những gì liên hệ với công lý cho người Palestine. 

 

Chúng tôi không thi hành quyền lực chính trị, nhưng chúng tôi phổ biến lời kêu gọi luân lý để thực hiện cho một nền hòa bình chân chính. Xin mượn hình ảnh được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sử dụng, chúng ta hãy cùng nhau cất những chiếc cầu nối chứ đừng thiết lập những bức tường rào cản. Chúng ta cần phải hoạt động cho một nền hòa bình chân chính nhìn nhận nhân quyền cho tất cả mọi người: an ninh cho người Do Thái; tự do cho người Palestine; hai quốc gia sống động và ba niềm tin sát cánh sống trong hòa bình.

 

Chúng tôi sẽ khuyến khích các cộng đồng và chính quyền đương nhiệm của chúng tôi trong việc kiến tạo một giải pháp chân chính cho cuộc xung đột này, nhờ đó mỗi cá nhân ở khắp Thánh Địa có thể sống cách xứng đáng và làm trọn khả năng con người của mình. Lần đầu tiên Ban Điều Hợp chúng tôi đến viếng thăm Vương Quốc Hashemite nước Jordan. Chúng tôi đã gặp Vua Abdullah II nước Jordan. Chúng tôi đã bàn đến tầm quan trọng của việc Kitô hữu hiện diện ở Thánh Địa, đến niềm hy vọng về một nền hòa bình chân chính và đến việc vua mời gọi hãy cùng nhau hoạt động. Chúng tôi đã cử hành Thánh Thể với giáo xứ Madaba, viếng thăm các nơi thánh ở Jordan, và biết được nhiều cách thức Giáo Hội Công Giáo phục vụ cả người Hồi Giáo và Kitô Giáo ở Jordan, nhất là về vấn đề giáo dục và việc chăm sóc sức khỏe.

 

Tính cách sinh động của Giáo Hội Công Giáo địa phương này ở Jordan chứng thực tầm quan trọng của tình trạng an ninh, ổn định và tôn trọng nhân quyền và quyền tự do tôn giáo. Cuộc hành hương của chúng tôi mang chúng tôi lên tới đỉnh Núi Nebo, nơi Moisen đã thấy Mảnh Đất Hứa, một mảnh đất chúng tôi nguyện cầu cho một hứa hẹn hòa bình. Từ đó, chúng tôi đã đến viếng thăm địa điểm Chúa Giêsu lãnh nhận phép rửa ở Bêthania bên kia sông Dược Đăng, nơi chúng tôi ngỡ ngàng trước sự hiện diện của cả hằng ngàn người hành hương thuộc Giáo Hội Chính Thống.

 

Chúng tôi nguyện xin để các giòng nước công lý sẽ chảy khắp Mảnh Đất này. Tình hình khó khăn ở Thánh Địa không làm cho chúng tôi lạc quan, nhưng niềm tin tưởng của chúng tôi và việc chúng tôi gặp gỡ giới trẻ khiến chúng tôi hy vọng vào một khởi điểm mới. Chúng tôi nguyện cầu cho việc triển nở Giáo Hội Mẹ ở đây cũng như cho việc phát triển hòa bình trong công lý cho tất cả mọi dân tộc cũng như cho 3 niềm tin ở Mảnh Đấy chúng ta gọi là Thánh này.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày
20/1/2006

TOP

 

 

? Bản Tuyên Cáo ngày 12/1/2006 của Các Vị Giám Mục Hoa Kỳ về Vấn Đề Chuyển Giao Hữu Trách ở Iraq: Những Thách Đố Đặc Biệt Cho Việc Chuyển Giao Hữu Trách

 

Về Việc Chuyển Giao Hữu Trách ở Iraq

Bản Tuyên Cáo của Giám Mục Thomas G. Wenski

Giám Mục Orlando

Chủ Tịch Tiểu Ban của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về Chính Sách Quốc Tế

 

(tiếp 20 Thứ Sáu, 21 Thứ Bảy, 22 Chúa Nhật 23 Thứ Hai)

 

Nhân Quyền: Theo chiều hướng của những bản tường trình quan ngại và liên tục về các việc liên miên vi phạm các thứ nhân quyền của những người đang bị giam giữ bởi quân đội Hoa Kỳ, và những bản tường trình mới nhất về những lạm dụng tương tự bởi các lực lượng Iraq mới tái thiết, Hội Đồng giám mục chúng tôi, một lần nữa, hết sức xin ra tay ngay việc chấm dứt các thứ vi phạm ấy, ngăn ngừa những tái diễn trong tương lai và điều tra xem nguyên do của nội vụ. Việc lạm dụng và hành hạ thành phần bị giam nhốt là những gì vi phạm tới nhân quyền. Những hành động này đồng thời cũng làm suy yếu đi cuộc chiến đấu chống khủng bố và những quan điểm về một cuộc chuyển giao hữu trách ở Iraq. Việc lạm dụng này gây tai tiếng cho uy tín luân lý của đất nước chúng ta và tác hại tới khả năng đất nước chúng ta chiếm được sự hỗ trợ của dân chúng ở các quốc gia khác, những nơi cần ủng hộ cho những cuộc chiến đấu ở Iraq và chống lại nạn khủng bố toàn cầu. Việc bênh vực các thứ nhân quyền căn bản của thành phần bị giam nhốt cũng là những gì có thể củng cố cho việc chúng ta muốn nhân viên quân sự của chúng ta bị bắt được đối xử một cách nhân đạo nữa.

 

Quốc gia của chúng ta cần phải sống trọn việc Hiến Pháp của chúng ta cấm thực hiện việc trừng phạt dã man và dị thường, và gắn bó với Những Công Ước Geveva năm 1949 và Công Ước Chống Hành Hạ Và Những Hành Động Tàn Ác Khác, Việc Đối Xử Hoặc Trừng Phạt Phi Nhân Hay Hạ Nhục năm 1984. Là một nước lãnh đạo thế giới, quốc gia của chúng ta cần phải làm gương trong việc gắn bó với những chuẩn tắc quốc tế. Đó là những lý do Hội Đồng chúng tôi đã ủng hộ những nỗ lực của Quốc Hội trong việc cấm đoán việc đối xử hay trừng phạt dã man, phi nhân và hạ nhục con người cũng như trong việc đưa ra những tiêu chuẩn đồng loạt về việc chất vấn những ai bị Bộ Phòng Vệ giam giữ. Hội Đồng của chúng tôi cũng ủng hộ dự thảo chỉ định một viên chức đặc biệt về nhân quyền cho Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Baghdad.

 

Mới đây Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã khẳng định tầm quan trọng của luật nhân đạo quốc tế và kêu gọi tất cả mọi quốc gia hãy tuân giữ những đòi hỏi của nó. Trong Sứ Điệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 2006, Đức Thánh Cha đã tuyên bố rằng:

 

“Hòa bình đích thực cũng cần phải chiếu giãi ánh sáng thiện hảo của mình ra thậm chí ngay giữa thảm trạng chiến tranh. Các vị Nghị Phụ của Công Đồng Chung Vaticanô II, trong Hiến Chế Mục Vụ ‘Vui Mừng và Hy Vọng’, đã vạch ra rằng ‘không phải là mọi sự đều tự động được phép hành động giữa đôi bên hận thù nhau một khi chiến tranh bùng nổ một cách đáng tiếc’ (khoản 79). Là phương tiện giới hạn bao nhiêu có thể những hậu quả tàn hại của chiến tranh gây ra, nhất là cho thành phần dân sự, cộng đồng thế giới đã thiết lập một khoản luật nhân đạo quốc tế. Ở các trường hợp khác nhau cũng như nơi các môi trường khác nhau, Tòa Thánh đã bày tỏ việc ủng hộ của mình về khoản luật nhân đạo này, và đã yêu cầu tôn trọng nó và mau mắn áp dụng nó, vì Tòa Thánh xác tín rằng sự thật của hòa bình hiện hữu thậm chí ngay cả giữa chiến tranh nữa” (khoản 7).

 

Tự Do Tôn Giáo: Hội Đồng của chúng tôi thường kêu gọi việc bảo vệ quyền tự do tôn giáo ở Iraq và xin lập lại một lần nữa lời kêu gọi này. Chư vị Giám Mục Công Giáo ở Iraq đã bày tỏ những mối quan tâm nghiêm trọng về những khoản tương khắc trong bản hiến pháp dự thảo của Iraq và đang đề phòng việc áp dụng bản hiến pháp này. Theo chiều hướng của những mối quan tâm này, Hội Đồng chúng tôi thiết tha kêu gọi việc Hoa Kỳ hãy chủ động giúp vào việc đẩy mạnh vấn đề bảo vệ rõ ràng hơn nữa đối với quyền tự do tôn giáo ở cả luật pháp lẫn thực hành.
 

Quyền tự do tôn giáo bao gồm nhiều quyền lợi; nó không thể bị giới hạn vào quyền tự do cử hành các lễ nghi về tôn giáo hay tự do thờ phượng mà thôi. Quyền tự do tôn giáo cần phải bao gồm cả quyền thực hành đức tin tôn giáo riêng tư hay với nhau, nơi riêng tư cũng như công khai; cả quyền được chiếm hữu và có tài sản; quyền được giáo dục con cái theo niềm tin tưởng của mình; và quyền được thiết lập các tổ chức tôn giáo, như học đường, bệnh viện cùng các cơ quan bác ái. Quyền tự do tôn giáo cũng là quyền liên hệ trực tiếp tới các quyền khác nữa, như quyền tự do nói năng và quyền tự do hiệp hội, nhờ đó thành phần tín ngưỡng có thể tự do chia sẻ tư tưởng cùng hành động nơi quần chúng. Một Iraq thực sự dân chủ cần phải tiếp tục thích ứng với các thành phần thiểu số tôn giáo, nhất là Kitô Giáo của mình.

 

(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 12/1/2006



TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ