GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ TƯ 25/1/2006 Tuần 3 Thường Niên |
? Dẫn Nhập cho Thông Điệp “Thiên Chúa Là Tình Yêu” của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI ban hành ngày 25/1/2006
? Đức Piô II Xứng Đáng với Tước Hiệu “Công Chính Giữa Chư Quốc” của Dân Do Thái
? Bản Tuyên Cáo ngày 12/1/2006 của Các Vị Giám Mục Hoa Kỳ về Vấn Đề Chuyển Giao Hữu Trách ở Iraq: Những Thách Đố Đặc Biệt Cho Việc Chuyển Giao Hữu Trách
Dẫn Nhập cho Thông Điệp “Thiên Chúa Là Tình Yêu” của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI ban hành ngày 25/1/2006
Nói đến Tết người ta thường đệm thêm chữ “nhất” nữa, gọi là “Tết Nhất”, nghĩa là vào dịp Tết hay trong ngày Tết thì cái gì cũng nhất hết. Bởi thế mới có thành ngữ “vui như tết”, hay mọi người từ già đến trẻ từ lớn đến bé mới mặc những bộ quần áo đẹp nhất trong năm, theo tục lệ ở Việt Nam. Tuy nhiên, Tết Nhất sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa, dù có đầy những cây nêu cùng với dưa hành câu đối đỏ và pháo nổ bánh chưng xanh chăng nữa, nếu vắng bóng một yếu tố bất khả thiếu, một yếu tố nếu thiếu thì dù vợ chồng có nằm chung một giường cũng vẫn “ngàn trùng xa cách”, một yếu tố làm cho thời gian và cuộc đời ngắn ngủi con người buồn nhiều hơn vui trong cõi trần gian “đời là bể khổ” này lúc nào cũng “vui như tết”, đó là tình yêu.
Phải, tình yêu chính là chủ đề của bức thông điệp đầu tay của vị giáo hoàng thứ 265 của Giáo Hội Công Giáo, vị Giáo Hoàng đến từ một quốc gia đã gây ra hai thế chiến trong thế kỷ 20, một quốc gia cũng phát xuất ra phong trào Thệ Phản Tin Lành chia rẽ Giáo Hội Chúa Kitô từ đầu thế kỷ 16. Đúng vậy, “Thiên Chúa Là Tình Yêu - Deus Caritas Est” chính là nhan đề của bức thông điệp này. Thế nhưng, ở đây có ba vấn đề được đặt ra: vấn đề thứ nhất đó là tại sao vị đương kim Giáo Hoàng lại nói về Tình Yêu, một đề tài có vẻ như lạc đề trong một thế giới đầy những vấn đề sôi bỏng về kinh tế, chính trị, văn hóa và luân lý ngày nay, lạc đề như việc ngài chọn danh hiệu Giáo Hoàng Biển Đức của ngài, và ngài huấn dụ về đề tài này để làm gì? Vấn đề thứ hai, đó là nội dung và kết cấu của bức thông điệp có vẻ lạ lùng này ra sao? Và vấn đề thứ ba, ý nghĩa liên hệ giữa bức thông điệp và thời điểm ban hành của nó là gì?
Trước hết, lý do và mục đích Vị Giáo Hoàng Biển Đức XVI ban hành bức Thông Điệp tựa đề “Thiên Chúa là Tình Yêu” có vẻ không hợp thời này, chúng ta hãy nghe chính ngài nói trong bài huấn từ ngài ngỏ cùng Hội Nghị của Hội Đồng Tòa Thánh Đồng Tâm Cor Unum hôm Thứ Hai 23/12/2006 như sau:
“Tiếng ‘yêu thương’ ngày nay bị lu mờ, bại hoại và lạm dụng tới độ người ta hầu như sợ nói đến nó trên môi miệng. Tuy nhiên, nó lại là một lời nống cốt, một diễn đạt về một thực tại nguyên khởi; chúng ta không thể ngang nhiên loại bỏ nó đi, chúng ta cần phải lấy nó lại, thanh tẩy nó và trả lại cho nó thứ ánh quang rạng ngời nguyên thủy, để nó có thể soi chiếu đời sống của chúng ta và áp dụng nó một cách đúng đắn. Nhận thức này là những gì đã thúc đẩy tôi chọn yêu thương làm đề tài cho bức thông điệp đầu tay của tôi.
“Tôi muốn nhấn mạnh tới trọng tâm của niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa, nơi Vị Thiên Chúa đã mang một dung nhan con người và có một trái tim nhân loại. Đức tin không phải là một lý thuyết con người có thể nhận lấy hay bỏ qua. Nó là một cái gì đó rất cụ thể: Nó là tiêu chuẩn để quyết định lối sống của chúng ta. Trong một thời đại mà thù nghịch và tham lam đã trở thành những thứ siêu quyền lực, một thời đại chúng ta đang chứng kiến thấy cảnh lạm dụng tôn giáo tới độ lên tới tột đỉnh hận thù, thì thứ lập luận trung dung tự mình không thể nào bảo vệ được chúng ta. Chúng ta cần đến Vị Thiên Chúa hằng sống đã yêu thương chúng ta cho tới chết.
“Bởi thế mà trong bức Thông Điệp này, các đề tài về ‘Thiên Chúa’, về ‘Đức Kitô’ và về ‘Tình Yêu’ quyện lẫn với nhau, như những gì hướng dẫn chính yếu cho đức tin Kitô Giáo. Tôi muốn tỏ cho nhân lại thấy về đức tin, về những gì làm nên ‘tình ái’, về việc con người “chấp nhận” cái bản chất thể lý được Thiên Chúa dựng nên, một ‘chấp nhận’ cái nguồn gốc ở việc tạo thành thứ hôn nhân bất khả phân ly giữa nam nữ. Để rồi nơi đức tin ấy, ‘tình ái’ được biến thành ’thiện ái’, thành tình yêu nhau không còn tìm mình nữa mà là quan tâm tới nhau, sẵn sàng hy sinh bản thân mình cho nhau và hướng tới tặng ân của một sự sống mới.
“’Thiện ái’ Kitô Giáo, tức tình yêu thương tha nhân theo gương Chúa Kitô, không phải là một điều gì đó xa lạ, thiên lệch hay một điều gì đó thậm chí phản lại với ‘tình ái’; trái lại, bằng việc tự hiến mình cho con người, Người đã cho thấy một chiều kích mới, một chiều kích Người đã phát triển hơn nữa theo giòng lịch sử nơi việc dấn thân bác ái của thành phần Kitô hữu cho người nghèo khổ cũng như cho thành phần khổ đau”.
Ngoài ra, cuối bài huấn từ cho buổi triều kiến chung hằng tuần Thứ Tư 18/1/2005, ngày mở màn cho Tuần Lễ Cầu Cho Mối Hiệp Nhất Kitô Giáo, Đức Thánh Cha đã nói qua về những gì ngài đã nói trên đây như sau:
“Với bức thông điệp này, tôi muốn trình bày quan niệm về tình yêu theo các chiều kích khác nhau của nó. Ngày nay, theo ngôn ngữ học quen biết thì ‘yêu thương’ dường như vẫn thường là những gì rất xa vời với ý nghĩ của Kitô hữu khi họ nói về bác ái. Tôi muốn chứng tỏ cho thấy nó là một hướng động duy nhất theo các chiều kích khác nhau.
“’Tình ái – eros’, tặng ân yêu thương giữa con người nam nữ, xuất phát từ cùng một nguồn thiện hảo của Đấng Hóa Công, cũng như từ tiềm năng của một tình yêu bỏ mình vì nhau. ‘Tình ái’ được biến đổi thành ‘thiện ái – agape’ theo chiều kích hai người thực sự yêu nhau, không còn tìm mình, không còn tìm hưởng thụ, không còn tìm hạnh phúc bản thân, mà trên hết tìm thiện ích của nhau. Nhờ thế, ‘tình ái’ được biến đổi thành bác ái, bằng đường lối thanh tẩy, sâu đậm. Từ gia đình của mình, người ta mở rộng hơn tới gia đình xã hội, tới gia đình Giáo Hội, tới gia đình thế giới.
Điểm thứ hai chúng ta cần biết đến về bức thông điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu”, một bức thông điệp, như chúng ta vừa biết đến nguyên nhân và mục đích được vị Tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI của chúng ta biên soạn và ban hành, chẳng những hợp thời và còn khẩn trương cho chung thế giới và cho riêng Kitô hữu hiện đại nữa, đó là vần đề nội dung và kết cấu của bức thông điệp có vẻ lạ lùng này ra sao? Cũng trong cùng bài huấn từ trên đây, ngài đã cho biết có hai phần, phần đầu về lý thuyết yêu thương của Kitô Giáo và phần hai là hoạt động yêu thương của Giáo Hội. Sau đây là nguyên văn lời của Đức Thánh Cha:
“Thoạt tiên đọc bức Thông Điệp này có lẽ nẩy lên cảm tưởng là nó được chia làm hai phần không mấy liên hệ với nhau là bao: phần thứ nhất về lý thuyết bàn đến yếu tính của tình yêu, và phần thứ hai bao gồm đức bác ái của giáo hội cùng với những cơ cấu tổ chức bác ái của giáo hội. Tuy nhiên, tôi lại thực sự chú trọng tới mối liên kết giữa hai đề tài ấy, những đề tài chỉ có thể được hiểu một cách thích đáng nếu chúng được thấy như là một điều duy nhất.
“Nhất là, cần phải tỏ cho thấy rằng con người được dựng nên để yêu thương, và tình yêu thương này, một tình yêu mới đầu trước hết được tỏ ra như là ‘những thứ tình ái – eros’ giữa nam nữ, cần phải được biến đổi hoàn toàn thành ‘thiện ái - agape’, qua việc hiến mình cho nhau để đáp ứng chính đáng bản chất chân thực của ‘tình ái’. Theo đó, cần phải làm sáng tỏ là yếu tính của tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân được diễn tả trong Thánh Kinh là cốt lõi của đời sống Kitô Giáo, nó là hoa trái của đức tin.
“Bởi thế, ở phần hai, cần phải nhấn mạnh rằng tác động hoàn toàn cá biệt của ‘thiện ái’ không bao giờ lại chỉ một vấn đề thuần cá nhân, trái lại, nó còn cần phải trở thành một tác động thiết yếu của Giáo Hội như là một cộng đồng nữa, tức là, nó cũng cần đến một thứ hình thức cơ cấu được thể hiện nơi hoạt động cộng đồng của Giáo Hội. Cơ cấu tổ chức bác ái của Giáo Hội không phải là một hình thức trợ giúp xã hội, một thứ thêm thắt thường tình vào thực tại Giáo Hội, một sáng kiến mà người khác cũng có thể thực hiện.
“Trái lại, nó thuộc về bản chất của Giáo Hội. Như việc loan báo của nhân loại, của lời đức tin cần phải tương ứng với ‘Lời’ thần linh thế nào, thì ‘thiện ái’ của Giáo Hội, hoạt động bác ái của Giáo Hội, cũng phải tương ứng với ‘Thiện Ái’ là Thiên Chúa như vậy. Hoạt động này, ngoài ý nghĩa rất cụ thể trước hết của nó trong việc giúp đỡ tha nhân, cũng thông đạt cho người khác tình yêu Thiên Chúa là tình yêu chính chúng ta đã lãnh nhận. Nó cần phải làm cho Thiên Chúa hằng sống trở thành hiển hiện một cách nào đó. Trong một tổ chức bác ái thì Thiên Chúa và Đức Kitô không được trở thành những lời xa lạ; thật vậy, những lời này cho thấy nguồn gốc nguyên thủy của đức ái giáo hội. Sức mạnh của ‘Đức Ái’ lệ thuộc vào sức mạnh đức tin của tất cả mọi phần tử và cộng sự viên của mình.
“Cảnh tượng về con người khổ đau là những gì làm cho tâm can của chúng ta rung động. Thế nhưng, việc dấn thân làm việc bác ái có một ý nghĩa hoàn toàn vượt lên trên thứ thương tâm tầm thường này. Nó chính là Thiên Chúa, Đấng thôi thúc chúng ta ở trong tận thâm cung bản thân mình thực hiện việc xoa dịu cảnh khốn cùng. Nhờ thế chúng ta mang Ngài đến với thế giới khổ đau. Một khi càng ý thức và rõ ràng về việc chúng ta được diễm phúc mang Ngài thì tình yêu của chúng ta mới càng hiệu nghiệm hơn trong việc biến đổi thế giới này và trong việc làm bừng lên niềm hy vọng, một niềm hy vọng vượt qua sự chết”.
Ngoài ra, cũng ở cuối bài huấn từ cho buổi triều kiến chung hằng tuần Thứ Tư 18/1/2005, ngày mở màn cho Tuần Lễ Cầu Cho Mối Hiệp Nhất Kitô Giáo, Đức Thánh Cha đã nói qua về những gì ngài đã nói liên quan đến phần thứ hai của bức Thông Điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu” trên đây như sau:
“Tôi cũng cố gắng chứng tỏ cho thấy rằng tác động hoàn toàn cá biệt từ Thiên Chúa đến tới chúng ta là một tác động yêu thương đặc thù. Nó cũng cần phải được thể hiện như là một tác động của Giáo Hội, của cơ cấu tổ chức. Nếu thực sự Giáo Hội là biểu hiện của tình yêu Thiên Chúa, của tình yêu Thiên Chúa đối với loài người tạo sinh, thì thực sự tác động căn bản của đức tin, một tác động tạo nên và hiệp nhất Giáo Hội cùng ban cho chúng ta niềm hy vọng về sự sống trường sinh và về việc hiện diện của Thiên Chúa trên trần gian, cũng làm phát sinh tác động của Giáo Hội. Nói cách khác, Giáo Hội, bao gồm việc là Giáo Hội, là cộng đồng, cần phải yêu thương theo cơ cấu.
“Và ‘Đức Ái’ này không phải chỉ là một tổ chức thuần túy, như các tổ chức từ thiện khác, mà là một thể hiện cần thiết của một tác động sâu xa của tình yêu cá nhân với vị Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên chúng ta, khơi lên nơi tâm hồn chúng ta tác động yêu thương, phản ảnh Thiên Chúa Tình Yêu, Đấng đã dựng chúng ta giống hình ảnh Ngài”.
Và vấn đề thứ ba, ý nghĩa liên hệ giữa bức thông điệp và thời điểm ban hành của nó là gì?
Nếu Công Đồng Chung Vaticanô II, trong 16 văn kiện, có 4 văn kiện có một giá trị giáo huấn cao nhất là 4 Hiến Chế: Hiến Chế về Phụng Vụ “Thánh Công Đồng - Sacrosanctum Concilium” ban hành ngày 4/12/1963, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội “Ánh Sáng Muôn Dân – Lumen Gentium” ban hành ngày 21/11/1964, Hiến Chế về Mạc Khải “Lời Chúa - Dei Verbum” ban hành ngày 18/11/1965, và Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội “Vui Mừng Và Hy Vọng – Gaudium Et Spes” ban hành ngày 7/12/1965, thì Đức Phaolô VI liên quan tới Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội “Ánh Sáng Muôn Dân”, Đức Gioan Phaolô II liên quan tới Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội “Vui Mừng Và Hy Vọng”, và Vị Giáo Hoàng Biển Đức liên quan tới hai Hiến Chế còn lại là Hiến Chế về Phụng Vụ và Hiến Chế về Lời Chúa.
Sở dĩ Vị Giáo Hoàng Biển Đức XVI có liên quan tới hai Hiến Chế này là vì chủ trương ưu tiên hàng đầu của giáo triều ngài là vấn đề đại kết Kitô giáo, một vấn đề lại có liên quan đến cả hai Hiến Chế Phụng Vụ lẫn Lời Chúa này: Phụng Vụ thì liên quan tới các Giáo Hội Chính Thống là những Giáo Hội Đông Phương đã tách rời Giáo Hội Công Giáo Rôma từ thế kỷ 11, năm 1054, những Giáo Hội theo những truyền thống lễ nghi phụng vụ khác nhau; Lời Chúa thì liên quan tới các cộng đồng giáo hội thuộc Phong Trào Cải Cách được Việt Nam gọi là anh chị em Tin Lành, một phong trào bắt đầu từ đầu thế kỷ 16, năm 1517, một phong trào chủ trương sola scriptura – chỉ duy có Thánh Kinh, chỉ có Lời Chúa mà thôi, ngoài ra không có Thánh Truyền hay Huấn Quyền Giáo Hội gì hết.
Sự kiện ngài ban hành bức Thông Điệp “Thiên Chúa Là Tình Yêu” của mình vào Ngày Kết Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Mối Hiệp Nhất Kitô Giáo không phải là một dấu chỉ thời đại cho thấy Kitô hữu cần phải trở về với căn tính đức ái trọn hảo, với “Thiên Chúa Là Tình Yêu” của mình mới có thể hiệp nhất nên một hay sao? Đúng thế, ở những lời kết buổi triều kiến chung hằng tuần Thứ Tư 18/1/2006, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã xác nhận về mối liên hệ giữa bức thông điện và thời điệp ban hành này như sau:
“Cũng vào ngày kết Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Mối Hiệp Nhất Kitô Giáo này, bức thông điệp đầu tiên của tôi cuối cùng sẽ được ban hành, nhan đề như đã được biết đến, đó là ‘Deus Caritas Est - Thiên Chúa Là Tình Yêu. Đề tài này không trực tiếp liên quan tới vấn đề đại kết, thế nhưng bố cục và bối cảnh lại là vấn đề đại kết, vì Thiên Chúa và tình yêu thương của chúng ta là điều kiện cho mối hiệp nhất của Kitô hữu. Cả hai là điều kiện cho hòa bình trên thế giới”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Đức Piô II Xứng Đáng với Tước Hiệu “Công Chính Giữa Chư Quốc” của Dân Do Thái
Vị Tôn Sư David Dalin người Hoa Kỳ, giáo sư sử học và khoa chính trị học ở Đại Học Ave Maria Florida, trong tác phẩm “Huyền Thaọi về Vị Giáo Hoàng của Hít Le” do Regnery xuất bản, đã chủ trương rằng Đức Piô XII xứng đáng được trao tặng tước hiệu “Công Chính Giữa Chư Quốc”, vì ngài đã nỗ lực bênh vực người Do Thái trong Thế Chiến Thứ Hai.
Tác phẩm này chứng minh cho thấy trong giòng lịch sử, nhiều vị giáo hoàng đã bênh vực và bảo vệ những người Do Thái khỏi những cuộc tố cáo và bách hại. Tác phẩm cũng kể lại nhiều trường hợp bất ngờ cho thấy Đức Piô XII đã cứu người Do Thái khỏi bị Nazi bắt bớ.
Tôn Sư Dalin đã trích dẫn những nghiên cứu có thế giá của các tác giả Do Thái, như tác phẩm “Rôma và Người Do Thái” của Pinchas Lapide, và cuốn “Piô XII và Người Do Thái” được Joseph Lichten, một phần tử của Hội Chống Phỉ Báng, viết trong năm 1963.
Vị tôn sư này cũng trích lại lời của sử gia người Hung Gia Lợi là Jeno Levai, vị, trước những lời tố giáo về sự im lặng của Đức Piô XII, đã viết cuốn “Người Do Thái Hung Gia Lợi và Vai Trò Giáo Hoàng: Giáo Hoàng Piô XII Không Giữ Thinh Lặng. Những Tường Trình, Văn Kiện và Ghi Nhận Từ Giáo Hội và Văn Khố Quốc Gia”, được phát hành bằng Anh Ngữ năm 1968. Robert M. W. Kempner, phó cố vấn Hoa Kỳ trong những cuộc thử thách Nuremberg, đã viết lời giới thiệu cho cuốn sách này.
Trong những cuốn sách mơớ đây, vị tôn sư Hoa Kỳ này đặc biệt nhấn mạnh tới những tác phẩm của Martin Gilbert, một trong những sử gia Do Thái có thế giá còn sống. Gilbert là tieêu sử gia chính thức của Winston Churchill và là tác giả của trên 70 cuốn sách về Thế Chiến Thứ II và biến cố Shoah.
Gilbert đã thuật lại tất cả những gì Giáo Hội Công Giáo đã làm để bênh vực những người Do Thái, chống lại chủ nghĩa chủng tộc và Nazi, và xác nhận rằng “Đức Piô XII phải được ca ngợi chứ không được phê bình chỉ trích”.
Tôn sư Dalin cho rằng Đức Piô XII, vì những hành động của ngài thiên về người Do Thái như thế, cần phải được nhìn nhận với tước hiệu cao cả nhất của người Do Thái giành cho dân ngoại, đó là tước hiệu “Công Chính Giữa Chư Dân”. Ngày 3/11/2005, ấn bản Điện Toán Toàn Cầu của tờ Giêrusalem Post đã phổ biến mục điểm sách mang tích cách tích cực đối với tác phẩm này.
Đaminh
Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dựa theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 17/1/2006
? Bản Tuyên Cáo ngày 12/1/2006 của Các Vị Giám Mục Hoa Kỳ về Vấn Đề Chuyển Giao Hữu Trách ở Iraq: Những Thách Đố Đặc Biệt Cho Việc Chuyển Giao Hữu Trách
Về Việc Chuyển Giao Hữu Trách ở Iraq
Bản Tuyên Cáo của Giám Mục Thomas G. Wenski
Giám Mục Orlando
Chủ Tịch Tiểu Ban của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về Chính Sách Quốc Tế
(tiếp 20 Thứ Sáu, 21 Thứ Bảy, 22 Chúa Nhật, 23 Thứ Hai và 24 Thứ Ba)
Tị Nạn: Cuộc chiến tranh này cùng với tình trạng bất ổn ở Iraq đã gây ra một làn sóng đáng kể thành phần di cư từ Iraq, nhất là trong số Kitô hữu và các thành phần thiếu số tôn giáo khác là những người đang bị tấn công và kỳ thị. Đức Thượng Phụ Lễ Nghi Chaldean là Emmanuel-Karim Delly ở Baghdad đã van xin các chính quyền Tây Phương hãy bảo vệ những người tị nạn Iraq. Ngài nhận thấy rằng cho dù ngài có hy vọng dân chúng ở lại Iraq, ngài cũng phải thông cảm vì trường hợp dân chúng phải ra đi khi “con cái bị bắt cóc hay sát hại, khi không còn an ninh, không có hòa bình” (Catholic News Service, "Chaldean patriarch says nations should not turn away fleeing Iraqis," October 17, 2005x). Hội Đồng chúng tôi tha thiết xin Hiệp Chủng Quốc và cộng đồng quốc tế hãy nâng đỡ và chú trọng hơn nữa tới tình trạng khốn khổ của thành phần dân chúng Iraq tị nạn và tìm nơi an trú. Chúng tôi vẫn cho rằng chính sách của Hiệp Chủng Quốc đối với thánh phần dân chúng Iraq tị nạn và tìm nơi an trú rất ư là hạn hẹp.
Hội Đồng chúng tôi kêu gọi Hiệp Chủng Quốc hãy bảo vệ thành phần dân chúng Iraq tị nạn và tìm nơi an trú, bao gồm cả Kitô hữu và các người thiểu số tôn giáo khác đang trốn chạy khỏi Iraq. Đặc biệt chúng tôi kêu gọi chính quyền này hãy (1) chú trọng tới thành phần dân chúng Iraq thiểu số về tôn giáo như là một nhóm đáng được quan tâm cách riêng trong vấn đề quyết định cho họ được hưởng quyền tái định cư của người tị nạn, (2) loại trừ những hạn chế hiện thời về vấn đề hợp lệ cho việc đoàn tụ gia đình nơi chương trình thu nhập người tị nạn, (3) cung cấp tiến trình tị nạn khẩn trương mau chóng trực tiếp từ Iraq đối với những trường hợp đặc biệt nguy hiểm, và (4) cẩn thận cứu xét những yêu cầu của thành phần dân chúng Iraq muốn tìm nơi an trú, nhất là những thành phần thiểu số về tôn giáo cũng như các cá nhân khả nguy khác, và không loại trừ những yêu cầu muốn tìm nơi an trú của họ vì cho rằng có những điều kiện cho phép an toàn trở về Iraq.
Những Trách Nhiệm Khác của Hiệp Chủng Quốc: Cuộc xung đột quá đắt giá ở Iraq đòi phải thực hiện một cuộc dấn thân chính yếu về các nguồn nhân lực và tài chính, thế nhưng Iraq không thể nào trở thành cái cớ để bỏ qua những nhu cầu khẩn trương khác ở nhà và hải ngoại, nhất là các thứ trách nhiệm về luân lý của chúng ta đối với thành phần nghèo nơi xứ sở của chúng ta cũng như ở các quốc gia đang phát triển. Hội Đồng của chúng tôi lập lại rằng nhu cầu cần bảo vệ thành phần nghèo ở nhà cũng như ở hải ngoại cần phải là những ưu tiên của đất nước chúng ta. Chúng tôi đã nhận định trong bức thư Hội Đồng chúng tôi gửi Quốc Hội vào Tháng Hai 2005:
Là những mục tử, chúng tôi tin rằng mức độ căn bản về luân lý nơi chính sách tài trợ của quốc gia chúng ta một là nâng cao hai là hạ cấp đời sống và phẩm vị của những người thiếu thốn nhất. Tiếc thay, áp lực chính trị thường lãng quên những trẻ em và các gia đình nghèo trong cuộc bàn cãi về đất nước và không có chỗ đứng nơi bàn họp. Quốc gia của chúng ta cần thực hiện một cuộc dấn thân lưỡng đảng thực sự trong việc chú trọng tới công ích của tất cả mọi người, cũng như tới các nhu cầu đặc biệt của thành phần nghèo và yếu thế nói riêng. Đây là những lúc khó khăn. Có ít chọn lựa dễ dàng. Thế nhưng có một số chọn lựa “đúng đắn”. Trong thời chiến, thời chồng chất bội chi và gia tăng các thứ nhu cầu, thành phần lãnh đạo quốc gia của chúng ta cần phải bảo đảm có đầy đủ nguồn lợi thích đáng để bảo vệ những ai nghèo khổ và yếu thế cả ở quốc nội lẫn khắp nơi trên thế giới (Bishop William S. Skylstad, Letter to Congress on FY 2006 Budget Priorities, February 15, 2005).
(còn tiếp)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 12/1/2006