GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ SÁU 27/1/2006 Tuần 3 Thường Niên |
? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI - Bài giảng trong Buổi Kinh Tối 25/1/2006 Bế Mạc Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Mối Hiệp Nhất Kitô Giáo
? Thông Điệp DEUS CARITAS EST – THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI gửi Các Vị Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế, Tu Sĩ Nam Nữ cùng Tất Cả Mọi Tín Hữu về Tình Yêu Kitô Giáo: Nhập Đề (1-2)
? Dấu Chỉ Thời Đại mới: Mây mù bắt đầu bao phủ chân trời Thánh Địa
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI - Bài giảng trong Buổi Kinh Tối 25/1/2006 Bế Mạc Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Mối Hiệp Nhất Kitô Giáo
Sau đây là những ý tưởng tiêu biểu cho bài diễn từ của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI ngỏ cùng phái đoàn 150 vị đại biểu các Giáo Hội và cộng đồng giáo hội Kitô Giáo tại Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành. Đức Thánh Cha liên kết mối hiệp nhất Kitô Giáo với Tình Yêu Thiên Chúa, nội dung bức thông điệp đầu tiên của ngài, một văn kiện vừa được ban hành trước đó mấy tiếng đồng hồ. Ngài đã mời gọi mọi tham dự viên bấy giờ hãy nhìn “tất cả con đường đại kết theo chiều hướng của tình yêu Thiên Chúa, của thứ Tình Yêu là Thiên Chúa”:
“Thiên Chúa là tình yêu. Tất cả đức tin của Giáo Hội được xây dựng trên tảng đá này. Đặc biệt là việc nhẫn nại tìm kiếm mối hiệp thông trọn vẹn nơi tất cả mọi thành phần Kitô hữu được xây dựng trên tảng đá ấy.
“Gắn mắt vào chân lý này, tột đỉnh của mạc khải thần linh, cho dù sự kiện chia sẽ vẫn còn chồng chất đau thương, tình trạng chia rẽ này dường như có thể vượt qua và không làm cho chúng ta nản chí.
“Ngay cả theo quan điểm nhân loại đi nữa, tình yêu cũng tỏ ra như là một mãnh lực bất khả thắng, thì chúng ta phải nói sao về ‘người nhận biết và tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa đã giành cho chúng ta’ (1Jn 4:16)? Đây.
“Tình yêu chân chính không loại trừ đi những khác biệt hợp lý, nhưng hòa hợp chúng lại thành một mối hiệp nhất ở mức độ cao hơn, một mối hiệp nhất được áp đặt lên chúng ta từ bên ngoài, đúng hơn, nói cách khác, một mối hiệp nhất của toàn thể được hình thành từ bên trong.
“Nó là mầu nhiệm hiệp thông, như nó liên kết con người nam nữ lại thành một cộng đồng yêu thương và sự sống là hôn nhân thế nào, nó cũng làm cho Giáo Hội thành một cộng đồng yêu thương, cống hiến mối hiệp nhất cho một kho tàng đa dạng về các tặng ân và các truyền thống.
“Trong việc phục vụ cho mối hiệp nhất yêu thương này, Giáo Hội Rôma, theo Thánh Ignatiô Antiôkia diễn tả, ‘chủ sự trong đức ái’.
“(Vị Giám Mục Rôma một lần nữa đặt trong tay Thiên Chúa) thừa tác vụ kế vị Thánh Phêrô của mình, xin Thánh Linh soi sáng và tăng sức cho thừa tác vụ này, nhờ đó ngài luôn nuôi dưỡng mối hiệp nhất huynh đệ nơi tất cả mọi Kitô hữu”.
Theo tinh thần ấy, ngài mời gọi tất cả mọi tham dự viên bấy giờ hãy cùng nhau nguyện cầu cho mối hiệp nhất, vì “việc cùng nhau van nài đã là một bước hướng tới mối hiệp nhất nơi những ai nguyện cầu cho mối hiệp nhất này rồi vậy.
“Điều này dĩ nhiên không có nghĩa là việc Thiên Chúa đáp ứng là do chúng ta yêu cầu, ở một nghĩa nào đó. Chúng ta quá biết điều này: đó là mối hiệp nhất theo lòng thỏa nguyện trước hết lệ thuộc vào ý muốn của Thiên Chúa, Đấng quan phòng và quảng đại vượt trên sự hiểu biết của con người cùng những điều yêu cầu và mong mỏi của họ”.
Đức Gioan Phaolô II thường kết thúc Tuần Lễ Nguyện Cầu Cho Mối Hiệp Nhất Kitô Giáo ở Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành, như vị đương kim Giáo Hoàng tiếp tục, vì ở ngôi đền thờ này, vào năm 1959, Đức Gioan XXIII đã triệu tập Công Đồng Chung Vaticanô II.
Trong bài giảng của mình, Đức Biển Đức XVI cũng nhìn nhận rằng trong đền thờ này, vào ngày 5/12/1965, Đức Phaolô VI “đã tổ chức cuộc cầu nguyện chung đầu tiên vào lúc kết thúc Công Đồng này”.
Đaminh
Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày
26/1/2006
Thông Điệp DEUS CARITAS EST – THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI gửi Các Vị Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế, Tu Sĩ Nam Nữ cùng Tất Cả Mọi Tín Hữu về Tình Yêu Kitô Giáo
NHẬP ĐỀ
1. “Thiên Chúa là tình yêu, nên ai ở trong tình yêu là ở trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong họ” (1Jn 4:16). Những lời được trích từ Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan là những gì diễn tả hết sức rõ ràng tâm điểm của đức tin Kitô giáo, đó là hình ảnh của Kitô giáo về Thiên Chúa cùng với hình ảnh kèm theo về nhân loại và định mệnh của họ. Trong cùng một câu trên đây, Thánh Gioan cũng cho thấy một thứ tóm tắt về đời sống Kitô hữu, đó là “chúng ta đã tiến đến chỗ nhận biết và tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa giành cho chúng ta”.
Chúng tôi đã tiến đến chỗ tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa: qua những lời này, Kitô hữu có thể bày tỏ cho thấy cái quyết định nồng cốt về cuộc sống của họ. Là Kitô hữu không phải là thành quả của một thứ chọn lựa về đạo lý hay về một ý tưởng cao cả, mà là cuộc gặp gỡ một biến cố, một con người, Đấng ban cho đời sống một chân trời mới và một hướng đi dứt khoát. Phúc Âm Thánh Gioan diễn tả biến cố này bằng những lời là: “Thiên Chúa đã quá yêu thế gian đến ban Người Con duy nhất của Ngài, để ai tin vào Ngài thì được… sự sống đời đời” (3:16). Khi ý thức được cái tâm điểm của yêu thương, đức tin Kitô Giáo đã bảo trì được cái cốt lõi nơi niềm tin của dân Do Thái, đồng thời làm cho niềm tin này sâu rộng hơn. Người Do Thái sùng đạo hằng ngày tụng niệm những lời của Sách Nhị Luật, những lời nói lên cái tâm điểm cho việc họ hiện hữu, đó là “Ôi Yến Duyên, hãy nghe đây: Chúa là Thiên Chúa của chúng ta là vị Chúa duy nhất, nên các người phải kính mến Chúa là Thiên Chúa của các người hết lòng, hết linh hồn và hết sức mình” (6:4-5). Chúa Giêsu đã liên kết thành một chỉ thị duy nhất giới luật kính mến Thiên Chúa và giới luật yêu thương tha nhân trong Sách Lêvi, đó là “Các người phải yêu thương tha nhân như bản thân mình” (19:18; x Mk 12:29-31). Vì Thiên Chúa là Đấng đã yêu thương chúng ta trước (x 1Jn 4:10), mà tình yêu giờ đây không còn chỉ thuần là một “mênh lệnh”; nó là một đáp ứng tặng ân yêu thương được Thiên Chúa dùng để đến gần với chúng ta.
Trong một thế giới mà danh của Thiên Chúa đôi khi bị dính dáng tới việc báo oán,hay thậm chí tới nhiệm vụ cần phải hận thù và bạo động, thì sứ điệp này là những gì vừa hợp thời lẫn quan trọng. Đó là lý do, tôi muốn trong bức Thông Điệp đầu tiên của tôi đây nói về tình yêu được Thiên Chúa đổ trên chúng ta và là tình yêu tới phiên chúng ta cần phải chia sẻ cho người khác. Thật vậy, đó là những gì về hai phần chính của bức Thông Điệp này, và chúng hết sức liên hệ với nhau. Phần thứ nhất có tính cách suy diễn hơn, vì ở phần này tôi muốn – vào lúc mở màn cho giáo triều của tôi – làm sáng tỏ một số sự kiện thiết yếu liên quan tới tình yêu được Thiên Chúa nhiệm mầu và nhưng không hiến ban cho con người, cũng như liên quan tới mối liên hệ tự bản chất giữa Tình Yêu ấy với thực tại của tình yêu con người. Phần thứ hai thì cụ thể hơn, vì nó bàn tới việc Giáo Hội thực hiện giới luật yêu thương tha nhân. Vấn đề được bàn luận mang những ý nghĩa sâu rộng, thế nhưng nếu bàn đến dài giòng sẽ vượt ra ngoài giới hạn của bức Thông Điệp này nữa. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến một số những yếu tố căn bản mà thôi, để kêu gọi thế giới hãy lấy lại nghị lực và việc dấn thân nơi vấn đề con người đáp ứng tình yêu của Thiên Chúa.
(còn tiếp)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ
http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/encyclicals/documents/hf_ben-xvi_enc_20051225_deus-caritas-est_en.html
Dấu Chỉ Thời Đại mới: Mây mù bắt đầu bao phủ chân trời Thánh Địa
Thật vậy, đầu năm trước, 2005, hy vọng thật rạng ngời đã hiện lên ở chân trời Thánh Địa với cuộc thắng cử của tân Tổng Thống Thẩm Quyền Palestine là Mahmoud Abbas, vị sau đó đã gặp hỡ và ký kết với Thủ Tướng Sharon của bên Do Thái những quyết tâm thực hiện lộ trình hòa bình. Thế nhưng, đầu năm nay, thế giới lại thấy một đám mây mù đang xuất hiện che phủ bầu trời Thánh Địa, qua vụ thắng cử của nhóm Hamas là thành phần nổi tiếng là khủng bố ở Thánh Địa và đã từng bị bên Do Thái theo dõi sát nút, tới độ đã ra tay hạ sát vị thủ lãnh của nhóm này vào cuối năm 2004.
Một sự kiện trùng hợp nữa là, chính vào thời điểm Giáo Hội Công Giáo, Thứ Tư 25/1/2006, qua vị đương kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI, ban hành Thông Điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu”, một thông điệp được chính vị tác giả Giáo Hoàng, trong bài huấn từ ngỏ cùng hội nghị của Hội Đồng Tòa Thánh Đồng Tâm ngày 23/1/2005, nói là “trong một thời đại mà thù nghịch và tham lam đã trở thành những thứ siêu quyền lực, một thời đại chúng ta đang chứng kiến thấy cảnh lạm dụng tôn giáo tới độ lên tới tột đỉnh hận thù, thì…”, cũng vào ngày này, tại Trung Đông đã diễn ra một cuộc tuyển cử quốc hội, và vào ngày Thứ Năm, 26/1/2006, bầu trời Trung Đông chấn động vì kết quả cho thấy xuất hiện một đảng phát chủ trương bạo động giành được trong tay quyền lực chính trị ở ngay vùng đất vốn đã nóng bỏng suốt cả nửa thế kỷ 20 vừa qua, nhất là từ đầu thiên kỷ thứ ba Kitô giáo.
Thật vậy, Đảng Fatah, một đảng nắm quyền hạn từ khi thành lập Thẩm Quyền Palestine là năm 1965, đảng được nhà lãnh đạo Palestine đầu tiên là Arafat sáng lập cho tới khi ông qua đời vào tháng 11/2004, giờ đây đã hết thời. Một nhà lập pháp Palestine là Saeb Erakat thuộc đảng này đã tuyên bố: “Chúng tôi đã thua cử; Hamas đã thắng cử”. Bộ nội các đương nhiệm, từ thủ tướng Ahmed Qorei trở xuống, đã xin từ chức, và đã được đương nhiệm tổng thống Mahmoud Abbas chấp thuận và chắc chắn sẽ yêu cầu đảng Hamas thành lập chính phủ càng sớm càng tốt.
Ở vùng Tây Ngạn, thành phần ủng hộ hai đảng phái đã ẩu đả nhau hôm Thứ Năm ở bên ngoài tòa nhà quốc hội khi nhóm ủng hộ đảng Hamas cố gắng dương lá cờ xanh của đảng Hamas lên.
Các viên chức đặc trách cuộc tuyển cử đã ước lượng chừng 77.7% trong tổng số 1.3 triệu cử tri đi bầu ở trên 1000 trạm phiếu. Tổng thống Abbas và thủ lãnh đảng Hamas là Mahmoud Zahar cũng đi bầu. Các nhóm dân quân Palestine đồng ý đình chiến trong thời gian đi bầu, nên không có gì xẩy ra đáng tiếc trong thời gian bầu cử này.
|
Đảng Hamas là đảng đã tẩy chay cuộc bầu cử năm 1996, trong lần bầu cử đầu năm 2006 này, đã lợi dụng tâm trạng bất mãn đang lan tràn trong dân chúng về những gì bị coi là băng hoại của Thẩm Quyền Palestine và nội bộ đảng Fatah, cùng với tình trạng bất lực của chính quyền trong việc giải quyết vấn đề cho dân chúng Palestine. Họ đã đáng trúng tim đen dân chúng, thành phần muốn thử thay đổi xem tình hình có sáng sửa hơn không.
Hamas là một nhóm bảo thủ Hồi Giáo muốn thành lập một quốc gia Palestine. Ngành quân sự của nhóm này là Izzedine al Qassam đã từng tuyên bố thực hiện nhiều cuộc khủng bố tấn công, kể cả những vụ tự sát khủng bố vào cả quân đội lẫn dân sự Do Thái ở giải Gaza và vùng Tây Ngạn.
Nhóm này đã kêu gọi hủy diệt Do Thái. Tuy ước muốn này không phải là chủ trương chính yếu của nhóm trong cuộc bầu cử đây, nhưng nhóm vẫn không chịu nhìn nhận quyền hiện hữu của quốc gia Do Thái. Trong cuộc vận động tuyển cử, nhóm này đã cho mình là giải pháp thay thế cho chính quyền của đang Fatah đang bị khủng hoảng về mọi mặt như hiện thấy. Ngoài ra, nhóm này còn được một lợi điểm là có những trường học và bệnh viện cùng với những dự án xã hội ở vùng Tây Ngạn và giải Gaza.
Các vị lãnh đạo trước đây của nhóm này là Sheikh Ahmed Yassin và Abdel Aziz Rantisi đều đã bị Do Thái sát hại trong hai vụ ám sát bằng các cuộc oanh tạc khác nhau trong năm 2004.
Theo tiếng Ả Rập thì tiếng “hamas” có nghĩa là nhiệt tình, nhưng nó cũng là tổng hợp từ những chữ như sau “Harakat al-Muqawama al-Islamiya” hay là Phong Trào Hồi Giáo Kháng Chiến.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, hình ảnh và một số tín liệu theo CNN ngày 26/1/2006