GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 16/2/2006

Tuần VI Thường Niên

 

?   Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Sứ Điệp gửi Hội Nghị của Hội Đồng Thế Giới Chư Giáo Hội  

?  Các Bảo Tàng Viện của Tòa Thánh Vatican: 500 Năm Thành Lập – Mừng Suốt Năm 2006

?   Thế Giới Hồi Giáo - Vận Động Thẩm Quyền Thế Giới và Tiếp Tục Xuống Đường Nổi Loạn

 

 

?  ĐTC Biển Đức XVI: Sứ Điệp gửi Hội Nghị của Hội Đồng Thế Giới Chư Giáo Hội

 

Sau đây là nguyên văn sứ điệp Đức Thánh Cha Biển Đức XVI gửi Đức Hồng Y Walter Kasper, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Về Việc Cổ Võ Mối Hiệp Nhất Kitô Giáo, nhân dịp Tổng Nghị Lần Thứ IX của Hội Đồng Thế Giới Chư Giáo Hội, một biến cố được tổ chức ở Porto Alegre, Ba Tây, đến hết ngày 23/2/2006.

 

Gửi Huynh Đáng Kính

Hồng Y Walter Kasper

Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh Về Việc Cổ Võ Mối Hiệp Nhất Kitô Giáo

 

Tôi hân hoan chào tất cả anh chị em đang họp nhau tham dự Tổng Nghị Lần Thứ Chín của Hội Đồng Thế Giới Chư Giáo Hội được tổ chức ở Porto Alegre để suy nghĩ về đề tài: Lạy Thiên Chúa xin hãy biến đổi thế giới trong ân sủng của Ngài. Tôi đặc biệt chào Vị Tổng Thư Ký Tiến Sĩ Samuel Kobia, TGM Dadeus Grings, Chư Vị Công Giáo ở Ba Tây và tất cả những ai đã hoạt động để thực hiện biến cố quan trọng này. Tôi xin gửi đến tất cả anh chị em những lời chúc tốt đẹp chân thành của tôi, dựa vào lời của Thánh Phaolô gửi Giáo Đoàn Rôma: “Chúc anh em ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha của chúng ta và của Chúa Giêsu Kitô” (Rm 1:7).

 

Quan tâm tới chúng ta chia sẻ cùng một niềm tin vào Chúa Ba Ngôi nơi phép rửa, Giáo Hội Công Giáo và Hội Đồng Thế Giới Chư Giáo Hội tìm cách cộng tác với nhau một cách hiệu nghiệm hơn bao giờ hết trong việc làm chứng cho tình yêu thần linh xủa Thiên Chúa. Sau 40 năm hợp tác tốt đẹp, chúng ta hướng tới việc tiếp tục cuộc hành trình hy vọng đầy hứa hẹn này, khi chúng ta gia tăng nỗ lực của mình hướng đến ngày Kitô hữu liên kết loan truyền sứ điệp cứu rỗi của Phúc Âm cho tất cả mọi người.  Vì chúng ta cùng nhau thực hiện cuộc hành trình này, chúng ta cần phải mở lòng ra trước những dấu chỉ của Đấng Quan Phòng Thần Linh cũng như trước tác động của Thánh Thần, vì chúng ta biết rằng “mục tiêu thánh hảo là việc hòa giải tất cả mọi Kitô hữu nơi mối hiệp nhất nên một Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô là những gì vượt quá năng lực và tài năng của con người” ("Unitatis Redintegratio," 24). Bởi thế niềm tin tưởng duy nhất của chúng ta đó là lời nguyện cầu của chính Chúa Kitô: “Lạy Cha Thánh, xin hãy vì danh Cha mà gìn giữ họ, những người Cha đã ban cho Con, để họ được hiệp nhất, như chúng ta là một” (Jn 17:11).

 

Trong cuộc Tổng Nghị này, hằng ngàn Kitô hữu cũng liên kết vào lời nguyện hiệp nhất ấy. Khi xin Thiên Chúa biến  đổi thế giới bằng ân sủng của Ngài, chúng ta hãy nguyện cầu xin Ngài chúc lành cho cuộc đối thoại liên tôn của chúng ta được tiến bộ như lòng chúng ta rất ước mong.

 

Xin anh chị em hãy tin tưởng vào việc tôi gần gũi cách thiêng liêng, và tôi xin tái khẳng định ý hướng của Giáo Hội Công Giáo trong việc tiếp tục một cuộc hợp tác vững chắc với Hội Đồng Thế Giới Chư Giáo Hội, nơi việc Giáo Hội này góp phần quan trọng vào phong trào đại kết, tôi xin Thiên Chúa ban muôn vàn phúc lành và an bình cho tất cả anh chị em.

 

Tại Vatican ngày 25/1/2006, Lễ Thánh Phaolô Trở Lại

Giáo Hoàng Biển Đức XVI

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 14/2/2006

 

 

 

TOP

 

 

?  Các Bảo Tàng Viện của Tòa Thánh Vatican: 500 Năm Thành Lập – Mừng Suốt Năm 2006

 

Các Bảo Tàng Viện Vatican được thành lập 500 năm trước đây trong khu Vườn Vatican. Đó là nơi Đức Julius II đã đặt một nhóm cẩm thạch Laocoon, một thứ công trình nghệ thuật cổ được tìm thấy vào ngày 14/1/1506 ở một khu vườn gần Colosseum.

 

Để mừng kỷ niệm 500 năm thành lập này, vị giám đốc Bảo Tàng Viện Vatican này là Francesco Buranelli đã phác họa những phát động cho cả năm 2006, với Thánh Lễ vào Thứ Sáu 17/2/2006, do Đức Hồng Y Edmund Szoka, chủ tịch Văn Phòng Thống Đốc Quốc Đô Vatican, chủ tế cùng với sự tham dự của các nhân viên phục vụ tại những bảo tàng viện này.

 

Nửa phần đầu trong năm 2006, hai bảo tàng viện quan trọng vừa được phục hồi sẽ được tái mở cho công chúng vào viếng thăm: “Chúng tiêu biểu cho việc các vị Giáo Hoàng Rôma dấn thân cổ võ việc truyền bá phúc âm hóa bằng ngôn ngữ của nghệ thuật”, vị giám đốc trên đây nói như thế.

 

Một trong 2 bảo tàng viện mới được phục hồi và sẽ tái mở này là Bảo Tàng Pio Christian, do Giáo Hoàng Biển Đức XIV thành lập trong thời khoảng 1756 và 1757, để cất chứa những vật khác nhau được Tòa Thánh kiếm được vào tiền bán thế kỷ 18, và “để phát động ánh quang rạng ngời của Rôma và củng cố chân lý của Kitô Giáo”. Bảo tàng này sẽ được mở ra vào ngày 16/3 với những thứ trưng bày được tìm thấy trong các hang toại đạo ở Rôma trong thế kỷ 18.

 

Bảo tàng viện thứ hai được tái phục hồi và mở ra trong năm kỷ niệm 500 năm này là Bảo Tàng Missionary Ethnological, do Đức Piô XI thành lập năm 1926, một bảo tàng được đặt ở Dinh Lateran cho đến năm 1963 là năm được Đức Gioan XXIII quyết định dời về Vatican. Bảo tàng này đã được tái mở 10 năm sau đó dưới thời giáo triều Đức Phaolô VI, cho thấy các nền văn hóa và những việc thực hành đạo giáo của các quốc gia ngoài Âu Châu, và những giao tiếp của những nền văn hóa cùng thực hành đạo giáo này với Kitô Giáo.

 

Những khu vực giành cho Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Tibet và Mông Cổ sẽ được mở ra vào ngày 20/6.

 

Khách hành hương có thể viếng thăm khoảng 30 lăng tẩm và 70 mộ riêng được đề ngày tháng từ thế kỷ thứ nhất BC đến thế kỷ thứ ba AD.

 

Cuộc mừng kỷ niệm sẽ được chấm dứt vào tháng 11 với cuộc triển lãm “Laocoon, với Nguồn Gốc của Các Bảo Tàng Viện Vatican”. Biến cố này sẽ được kèm theo bằng một hội nghị quốc tế về đề tài liên quan tới căn tính, yếu tính và vai trò của các bảo tàng viện trong xã hội tân tiến ngày nay.

 

Xin xem mạng điện toán toàn cầu mv.vatican.va/StartNew_EN.html.

                                                                                                                                                                             

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 14/2/2006

  

TOP

 

 

? Thế Giới Hồi Giáo - Vận Động Thẩm Quyền Thế Giới và Tiếp Tục Xuống Đường Nổi Loạn

Tứ Thủ Đô Beirut Lebanon, cơ quan Tín Vụ Á Châu cho biết, Khối Liên Hiệp Hồi Giáo gồm 57 quốc gia phần tử đang vận động và làm áp lực để Liên Hiệp Quốc  ra nghị quyết cấm những hành động phỉ báng tôn giáo và giới hạn quyền tự do ngôn luận.

Theo bản văn dự thảo của khối này thì bản quyết nghị mới của Liên Hiệp Quốc phải cố gắng “ngăn ngừa những trường hợp bất nhượng, kỳ thị, khiêu khích và bạo động xuất phát từ bất cứ hành động nào phạm đến các tôn giáo, các vị ngôn sứ và các niềm tin, những hành động đe dọa tới việc hoan hưởng nhân quyền và tự do căn bản”.

Riêng về chi tiết liên quan tới vụ bộ biếm họa phỉ báng vị giáo tổ Hồi Giáo, văn bản dự thảo của Khối Liên Hiệp Hồi Giáo này viết là: “việc phỉ báng các tôn giáo và các vị ngôn sứ là những gì không hợp với quyền tự do ngôn luận”.

Để đạt được mục đích vận động này, Ai Cập đang cố gắng thuyết phục Khối Hiệp Nhất Âu Châu hãy ủng hộ việc cấm đoán này. Vị đang nắm thẩm quyền tối thượng của phái Hồi Giáo Sunni là Al-
Azhar Sheikh Mohammed Sayed Tantawi còn nhấn mạnh với Bộ Trưởng Ngoại Vụ Ai Cập Ahmad Aboul Gheit là nghị quyết của Liên Hiệp Quốc ấy cần phải có cả các trừng phạt kèm theo các hành động phỉ báng tôn giáo nữa.

Trong khi thành phần lãnh đạo đang thực hiện đường lối chính thức và ôn hòa như thế thì ở Pakistan, cho tới ngày Thứ Tư 15/2/2006 vẫn tiếp tục xẩy ra 7 nơi xuống đường biểu tình đầy bạo động, nhất là ở Peshawar và Lahore, khiến 3 người thiệt mạng, 1 ở Lahore và 2 ở Peshawar.

Những cuộc xuống đường đầy bạo động này phần nhiều là thành phần sinh viên. Họ phóng hỏa đốt tiệm gà chiên KFC, một rạp hát và một số dinh thự khác, kể cả bến xe buýt đậu 16 chiếc xe buýt, chưa kể các xe hơi và xe gắn máy cũng bị đốt phá nữa.

Ở Lahore, thành phần xuống đường đốt phá trên một chục dinh thự, kể cả ngôi nhà của hội đồng quận hạt, hai nhà băng, các văn phòng của hãng điện thoại lưu động Telenor Na Uy, và 1 tiệm gà chiên KFC.

Ở Islamabad, thành phần biểu tình tấn công dinh thự của Bộ Ngoại Giao cũng như các văn phòng của hãng điện thoại lưu động Telenor Na Uy.

Lực lượng cảnh sát đã phải sử dụng cả đến hơi cay và lực lượng bán quân sự để dẹp loạn.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo CNN và Zenit ngày 15/2/2006

                                              

 

 TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ