GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ TƯ 22/2/2006 Tuần VII Thường Niên |
? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI với Tân Lãnh Sự nước Morocco về Vấn Đề Tôn Trọng Biểu Hiệu Tôn Giáo
? Tiếp Tục Nổi Loạn Tôn Giáo Ở Nigeria: Hồi Hữu tấn công - Kitô Hữu trả đũa – 1 linh mục hy sinh
? Nỗ Lực Cứu Trợ Bùn Lụt ở Phi Luật Tân giờ đây tập trung vào thành phần còn sống sót
? "Hồi Niệm và Căn Tính": Kỷ Niệm Đầy Năm Tác Phẩm Luân Lý Thời Đại của Đức Gioan Phaolô II
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI với Tân Lãnh Sự nước Morocco về Vấn Đề Tôn Trọng Biểu Hiệu Tôn Giáo
Ngày Thứ Hai 20/2/2006, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã tiếp vị tân lãnh sự nước Morocco là Ali Achour khi vị này trình ủy nhiệm thư để bắt đầu đại diện quốc gia của ông làm việc với Tòa Thánh về lãnh vực ngoại giao, một quốc gia cũng thịnh hành đạo Hồi như ở một số quốc gia khác ở Phi Châu.
Trong lời diễn từ ngỏ cùng ông, vị Giáo Hoàng của Giáo Hội Công Giáo cũng là vị Lãnh Đạo của Quốc Đô Vatican đã chính thức lên tiếng nhận định về những gì liên quan tới bộ biếm họa được báo chí Âu Châu nhân danh quyền tự do ngôn luận phổ biến đang gây uất hận cho thế giới Hồi Giáo suốt mấy tuần lễ qua vì bộ biếm họa này đã mang tính cách phỉ báng Vị Tiên Tri Mohammed Giáo Tổ của Hồi Giáo.
Trước hết Đức Thánh Cha phản đối những gì phạm đến tôn giáo: “Trong bối cảnh thế giới chúng ta đang sống hiện nay, Giáo Hội Công Giáo tiếp tục tin tưởng rằng, để nuôi dưỡng hòa bình và mối cảm thông giữa các dân tộc và con người, rất cần phải tỏ ra tôn trọng các tôn giáo cùng với những biểu hiệu của họ… Thành phần tín hữu không được trở thành đối tượng khiêu khích làm tổn thương tới đời sống của họ cũng như những cảm quan tôn giáo của họ… ”.
Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng cũng phản đối thái độ phản ứng đầy bạo động: “Thái độ bất nhẫn và bạo động không bao giờ có thể được sử dụng để biện minh cho các sự xúc phạm, vì chúng không phải là những đáp ứng tương xứng với các nguyên tắc linh thánh của tôn giáo… ”. Ngài nói là người ta cần phải “tỏ ra tiếc xót về những hành động của những ai cố ý lợi dụng việc xúc phạm gây ra cho cảm quan tôn giáo này để làm bừng lên những hành vi bạo động, nhất là khi những hành vi bạo động ấy xẩy ra nhắm những mục đích khác với các mục đích của tôn giáo”.
Cuối cùng ngài đã đề ra một giải pháp ôn hòa để giải quyết vấn đề là hãy tôn trọng niềm tin của nhau: “Đối với thành phần tín hữu, cũng như với tất cả mọi người thiện tâm, thì chỉ có một con đường duy nhất dẫn đến hòa bình và huynh đệ là tôn trọng các niềm tin và các việc thực hành tôn giáo của người khác”.
Ngài mong muốn thấy việc tôn trọng ấy được bảo đảm “một cách hỗ tương ở tất cả mọi xã hội”, để bảo đảm cho tất cả quyền được “thi hành đạo giáo được tự do chọn theo”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 20/2/2006
Tiếp Tục Nổi Loạn Tôn Giáo Ở Nigeria: Hồi Hữu tấn công - Kitô Hữu trả đũa – 1 linh mục hy sinh
Hôm Thứ Ba 21/2/2006, qua bài tựa đề “24 killed in Nigeria religious violence”, mạng điện toán toàn cầu CNN đã cho biết là “các nhóm loạn dân Kitô Hữu và Hồi Giáo đã nổi loạn ở hai thành phố hôm Thứ Ba 21/2/2006, sát hại ít là 24 người trong cuộc bạo động xẩy ra sau những cuộc xuống đường tử vong chống lại những bức biếm họa Tiên Tri Mahammed trong cuối tuần vừa rồi”.
Hội Hồng Thập Tự Nigeria cho biết thành phố Bauchi hầu hết là Hồi Giáo ở phía bắc nước này, những người Hồi Giáo xuống đường biểu tình bạo động nhắm vào thành phần Kitô hữu, sát hại 18 người. Trong khi đó, ở thành phố Onitsha hầu hết Kitô Giáo ở miền nam loạn dân Kitô Giáo cũng đập chết 6 người Hồi Giáo (gốc gác ở các tỉnh miền bắc là nơi đã sát hại Kitô giáo cuối tuần trước) và đốt hai đền thờ ở đó.
Số tử vong của ngày Thứ Ba 21/2/2006 này đã nâng con số tử vong lên 49 người kể từ hôm Thứ Bảy 18/2/2006 ở nước này, cuộc nổi loạn đầu tiên phản đối bộ biếm họa phỉ báng tiên tri Mohammed, tại thành phố Maiduguri ở phía bắc, sát hại ít là 18 người trong lần đầu tiên này.
Những cuộc nổi loạn tương tự cũng bùng lên ở thành phố Bauchi sau đó không bao lâu, đã gây tử vong cho 7 người hôm Thứ Hai và 18 người hôm Thứ Ba, như vị thư ký của Hội Hồng Thập Tự ở Bauchi là Adamu Abubakar cho biết. Trong số những người bị chết hôm Thứ Ba gồm có một người đàn ông cùng với vợ và đứa con gái tại đường Gombe và 6 thi thể khác bị đốt cháy không còn nhận ra diện mạo nữa.
Cuộc bạo động ở thành phố Onitsha ở phía nam dường như bùng lên bởi những cuộc sát hại hôm Thứ Bảy xẩy ra ở các thành phố Maiduguri hầu hết là Hồi Giáo ở phía bắc, nơi người Hồi Giáo tấn công Kitô Giáo và đốt các nhà thờ ở đó.
Nigeria là một quốc gia có đông dân nhất ở Phi Châu, với trên 130 triệu người, vẫn phân chia một cách dữ dội giữa Hồi Giáo ở miền bắc và Kitô Giáo ở miền nam. Hằng ngàn người đã chết trong cuộc bạo loạn tôn giáo ở nước này từ năm 2000 đến nay.
Cuộc nổi loạn hôm Thứ Bảy 18/2/2006 về bộ biếm họa được báo chí Âu Châu phổ biến là cuộc xuống đường đầu tiên ở Nigeria để phản đối hành động phỉ báng đạo giáo này. Cảnh sát cho biết có ít là 18 người bị chết, hầu hết là Kitô hữu và 30 nhà thờ bị thiêu rụi. Hiệp Hội Kitô Giáo của Nigeria cho biết có ít là 50 người bị chết trong cuộc bạo loạn này.
Đức Tổng Giám Mục có thế lực là Peter Akinola đã phổ biến một văn thư vào sáng Thứ Ba 21/2/2006 cho biết thật là phiền phức vì những bức biếm họa được phổ biến ở Đan Mạch “có thể gây ra một phản ứng bất hạnh như thế ở Nigeria”, và ngài đã tố cáo cuộc phản ứng này là một phần trong mưu đồ của thành phần giật giây muốn Hồi Giáo hóa Nigeria.
“Không còn dấu giếm được nữa mưu đồ lâu năm muốn biến nước Nigeria đây thành một quốc gia Hồi Giáo là những gì đang được theo đuổi thực hiện một cách lén lút”.
Vị TGM này cảnh giác là các vị lãnh đạo Hồi Giáo không phải là thành phần độc quyền bạo động, và có thể sẽ không còn ngăn cản được thành phần giới trẻ Kitô Giáo ngang bướng.
Cũng vào ngày Thứ Ba 21/2/2006, mạng điện toán toàn cầu Zenit cũng cho biết là tờ nhật báo bán chính thức của Tòa Thánh ấn bản Ý ngữ là L’Osservatore Romano đã viết về vị linh mục nạn nhân trong cuộc nổi loạn tôn giáo ở Nigeria hôm Thứ bảy 18/2/2006, đó là Cha Michael Gajere “là nạn nhân mới của bầu khí bạo động và bất nhẫn dường như đang lan tràn khắp thế giới. Ngài đã làm chứng cho Phúc Âm bằng chính việc cao cả hy hiến mạng sống của mình. Vị linh mục này đã bị sát hại một cách dã man bởi một nhóm nam nhân vũ trang, sau khi ngài anh hùng cứu mạng của các em giúp lễ trong giáo xứ”.
Cơ quan Fides đã trích lại tin tức từ Giáo Hội địa phương cho biết đây là “cuộc bạo động được khuấy lên bởi một nỗ lực khác trong việc khai thác tôn giáo cho các mục đích chính trị”.
Một tháng trước đó, vị linh mục nạn nhân này đến Giáo Xứ Thánh Rita ở Bulundutu, một thành phố lân cận của Maiduguri, nước Nigeria.
Ngoài việc lấy mạng của vị linh mục, thành phần tấn công còn giết khoảng 15 Kitô hữu. Tờ báo trên còn cho biết thêm là “các cửa tiệm và các dinh thự công cộng đều bị tấn công và tàn phá, một số tín hữu bị giết đang khi cầu nguyện, những Kitô hữu khác bị hành hình ngay trên đường phố”.
Cơ quan Fides còn cho biết là nhóm loạn dân Hồi Giáo ấy cũng dùng đuốc đốt tòa giám mục địa phương nữa. Cơ quan này nói rằng cuộc bạo loạn ấy bị lên án bởi vị tổng thư ký Tối Cao Pháp Viện Nigeria Về Hồi Giáo Vụ là Lateef Adegbite, người đã lên tiếng rằng:
“Người Hồi Giáo không được lấy mạng sống của thành phần vô tội và tiến đến chỗ hủy hoại vật chất. Những người không theo Hồi Giáo ở Nigeria chẳng có can dự gì với việc phổ biến các tấm biếm họa này. Chúng tôi kêu gọi những người Kitô hữu hãy bình tĩnh và tránh việc trả thù về biến cố bất hạnh này. Chúng tôi coi nó là một khởi động hoang dại của những người Hồi Giáo hành động phạm tới những nguyên tắc của Hồi Giáo”.
Tờ L’Osservatore Romano viết tiếp: “Cuộc bạo loạn dữ dội ở Nigeria đã được kích động lên bởi môi trường xã hội chất chứa những động lực chính trị địa phương – nhất là cuộc căng thẳng giữa dân chúng đa số Hồi Giáo ở miền bắc nước này và vị tổng thống của Cộng Hòa Liên Bang, xuất thân từ miền nam và là Công Giáo – pha lộn với những phản ứng tôn giáo liên quan tới những bức biếm họa phạm tới Hồi Giáo”.
Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL
Nỗ Lực Cứu Trợ Bùn Lụt ở Phi Luật Tân giờ đây tập trung vào thành phần còn sống sót
|
Trong bài mang tựa đề “Slide focus now on relief efforts” ngày Thứ Ba 21/2/2006, mạng điện toán toàn cầu CNN đã cho biết là “bốn ngày sau biến cố nùi sập vùi dập tới 1800 người ở một làng phíc nam Phi Luật Tân, vấn đề quan tâm được chuyển sang việc chăm sóc cho những người còn sống”.
Vị lãnh đạo Hồng Thập Tự Phi Luật Tân là Richard Gordon đã cho CNN biết hôm Thứ Ba rằng “Hồng Thập Tự giờ đây đang từ từ chuyển hướng sang … việc cứu trợ, giải quyết những người đã được di tản khỏi vùng này, cung cấp cho họ vấn đề ăn uống”.
Ít là có 16 khu làng trong vùng này đã được di tản vì các viên chức sợ rằng ở các sườn núi khác có thể sập như đã xẩy ra cho khu làng bị nạn vừa rồi. Có trên 2.700 người đang ở các trung tâm di tản của Hồng Thập Tự, thế nhưng có ít là 4 ngàn người được cho rằng đã di tản khỏi vùng ấy.
Có 1.037 người được xác nhận là mất tích ở khu làng Guinsaugon sau trận bùn lụt hôm Thứ Sáu 17/2/2006 tuần rồi, thế nhưng vị giám đốc Hồng Thập Tự này cho rằng con số sẽ lên cao hơn thế nữa. Theo ông, mới có 85 xác chết được tìm thấy mà thôi.
Tại khu vực của ngôi trường tiểu học, các toàn cấp cứu, như Đài Loan, Mã Lai, Tây Ban Nha, Phi Luật Tân, nhất là toán Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, đã cố gắng cứ một phiên 40 người, đào bới bằng những phương tiện có thể, nhưng đành phải bỏ cuộc vì độ dầy của bùn lấp chừng 30 mét, nên các lỗ bới đều sụp xuống vì bùn vừa sâu lại vừa nhũn. Không có một xe ủi đất hay xe kéo đất nào có thể làm việc được ở đây.
Thiếu tá Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ là Jack Farley, đã nói với hãng thông tấn AP rằng: “Chúng tôi cố gắng đào sâu hơn, chúng tôi cố gắng đào rộng hơn, thế nhưng trận mưa đêm hôm qua… đã xẩy ra một trận bùn lụt nhỏ ở quanh chỗ chúng tôi. Đất ở đây quá ư là nhũn đi… Có đôi lần chúng tôi đã nghe thấy một tiếng gì đo91, chúng tôi nghĩ là chúng tôi đã nghe thấy một cái gì đó, vì chúng tôi thực sự muốn nghe thấy một cái gì đó. Nếu thực sự có bất cứ điều gì đó thì chúng tôi sẽ đi đến chỗ đó”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
? "Hồi Niệm và Căn Tính": Kỷ Niệm Đầy Năm Tác Phẩm Luân Lý Thời Đại của Đức Gioan Phaolô II
Đúng vào ngày Lễ Ngai Tòa Thánh Phêrô 22/2/2005, tác phẩm cuối cùng, tác phẩm thứ năm của ĐTC GPII ra mắt. Trong ngày kỷ niệm bế mạc Công Đồng Chung Vaticanô II 40 năm, ngày 8/12/2005, khi nói về biến cố đầu tiên trong năm mở đầu giáo triều của mình với giáo triều Rôma dịp tất niên Thứ Năm 22/12/2005, Vị Giáo Hoàng đương kim Biển Đức XVI của chúng ta đã nói đến chi tiết chính yếu liên quan tới sự dữ và lòng thương xót Chúa của tác phẩm này như sau:
"Trong cuốn sách cuối cùng của ngài là 'Hồi Niệm và Căn Tính' (Weidenfeld and Nicolson, 2005), ngài đã để lại cho chúng ta một dẫn giải về khổ đau không phải là một thuyết về thần học hay triết lý mà là một hoa trái chín mùi qua cuộc hành trình khổ đau của bản thân ngài, một cuộc hành trình khổ đau ngài đã quyết chịu bằng niềm tin tưởng vào Vị Chúa tử giá. Lời dẫn giải này, một việc dẫn giải được ngài khai triển bởi đức tin và là việc dẫn giải mang lại ý nghĩa cho khổ đau của ngài, một khổ đau được ngài chấp nhận trong mối hiệp thông với nỗi khổ đau của Chúa, là việc dẫn giải đã được vang lên qua thái độ âm thầm chịu đựng của ngài, khi ngài biến việc chịu đựng này thành một sứ điệp quan trọng”.
"Cả ở phần mở đầu và lập lại một lần nữa ở cuối cuốn sách được đề cập tới trên đây, vị Giáo Hoàng này đã cho thấy rằng ngài cảm thấy rất thấm thía trước cảnh tượng diễn ra của quyền lực sự dữ, một quyền lực sự dữ chúng ta đã trải qua một cách thê thảm trong thế kỷ vừa chấm dứt. Ngài nói trong cuốn sách này rằng: 'Sự dữ… không phải là một thứ sự dữ có tầm mức nhỏ hẹp… Nó là một sự dữ có những tầm vóc khổng lồ, một sự dữ được tổ chức đáng hoàng để thực hiện hoạt động gian ác của nó, một sự dữ trở thành một cơ cấu' (trang 189).
“'Phải chăng sự dữ là những gì bất khả thắng? Phải chăng nó là một quyền năng tối hậu của lịch sử?' Vì kinh nghiệm về sự dữ, mà đối với Giáo Hoàng Wojtyla, vấn đề cứu chuộc đã trở thành thiết yếu và là vấn đề trọng yếu trong đời sống của ngài và được suy tưởng như là một Kitô hữu. Có một giới hạn nào đó chống lại những gì bị quyền lực sự dữ này hủy hoại hay chăng? 'Có đấy', vị Giáo Hoàng này đã trả lời trong cuốn sách này của ngài cũng như trong Thông Điệp về việc cứu chuộc của ngài.
"Quyền năng hạn chế sự dữ này là Lòng Thương Xót Chúa. Bạo lực, hình thức thể hiện của sự dữ, bị Lòng Thương Xót Chúa chống lại trong giòng lịch sử. Chúng ta có thể nói theo Sách Khải Huyền là Con Chiên mạnh hơn con rồng.
"Ở cuối cuốn sách, bằng việc ôn lại quá khứ về cuộc tấn công vào ngày 13/5/1981, và dựa vào căn bản của kinh nghiệm nơi cuộc hành trình của ngài với Thiên Chúa cũng như với thế giới, Đức Gioan Phaolô II còn giải đáp vấn đề này một cách sâu xa hơn nữa.
"Cái hạn chế quyền lực sự dữ, cái quyền lực chế ngự no, theo cách ngài nói, đó là nỗi khổ đau của Thiên Chúa, nỗi khổ đau của Người Con Thiên Chúa trên Thập Tự Giá: 'Nỗi khổ đau của Vị Thiên Chúa Tử Giá không phải chỉ là một hình thức khổ đau duy nhất trong số những hình thức khổ đau khác…. Bằng việc hy sinh bản thân mình vì tất cả chúng ta, Chúa Kitô đã cống hiến cho đau khổ một ý nghĩa mới, mở ra một chiều kích mới, một tầm vóc mới, đó là tầm vóc yêu thương…. Cuộc khổ nạn của Chúa Kitô trên Thập Giá là những gì cống hiến cho đau khổ một ý nghĩa hoàn toàn mới mẻ, biến đổi nó tự bản chất… Chính cái đau khổ này thiêu đốt và làm tiêu hao đi sự dữ, bằng ngọn lửa yêu thương…. Tất cả khổ đau của loài người, tất cả mọi đớn đau, tất cả mọi yếu đuối bạc nhược đều chất chứa nơi mình một hứa hẹn cứu độ; …. Sự dữ hiện diện trên thế giới một phần là để khơi động lên lòng yêu thương trong chúng ta, một tình yêu trao hiến bản thân mình trong việc phục vụ cách quảng đại và vô tư những ai bị khổ đau dằn vặt… Chúa Kitô đã cứu thế giới: “Chúng ta đã được chữa lành nhờ những vết thương của Người’ (Is 53:5)' (trang 189 và sau đó).
"Tất cả những điều này không phải chỉ là một thứ thuần kiến thức về thần học, mà là một bày tỏ của một đức tin sống động và trưởng thành qua đau khổ. Chắc chắn là chúng ta cần phải làm mọi sự có thể để giảm bớt khổ đau và ngăn ngừa tình trạng bất công là những gì gây cho thành phần vô tội khổ đau. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải làm mọi sự trong tầm tay để con người có thể khám phá ra ý nghĩa của khổ đau, nhờ đó, họ biết chấp nhận khổ đau của họ và liên kết nó với khổ đau của Chúa Kitô.
"Có thế, nó mới hòa nhập với tình yêu thương cứu chuộc và nhờ vậy trở thành một quyền năng chống lại sự dữ trên thế giới này.
"Việc đáp ứng xẩy ra khắp thế giới trước cái chết của vị Giáo Hoàng này là việc hết lòng bày tỏ loòg tri ân về sự kiện là ngài đã hoàn toàn hiến thân cho Thiên Chúa vì thế giới khi thi hành thừa tác vụ của ngài; một lời tạ ơn cho sự kiện là trong một thế giới đầy hận thù và bạo lực này, ngài đã dạy một cách mới mẻ tình yêu thương và khổ đau trong việc phục vụ tha nhân; có thể nói ngài đã tỏ cho chúng ta thấy trong xác thịt Đấng Cứu Chuộc, việc cứu chuộc, và đã cống hiến cho chúng ta niềm tin tưởng rằng, thật ra sự dữ không phải là phán quyết tối hậu trên thế gian này”.
Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL