GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
CHÚA NHẬT 26/2/2006 Tuần VIII Thường Niên |
? ĐTC Biển Đức XVI: Bài Giảng ở Giáo Xứ “Santa Maria Consolatrice” Giáo Phận Rôma về Ý Nghĩa của Bài Phúc Âm Chúa Nhật liên quan tới Mẹ Maria
? Vấn Đề Phá Thai vào thời kỳ cuối đang được Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ xét lại
? MỤC VỤ HÔN NHÂN GIA ĐÌNH - ĐTC BĐXVI: “đức ái về khía cạnh mục vụ … có vẻ như là mục vụ song thực tế…”
ĐTC Biển Đức XVI: Bài Giảng ở Giáo Xứ “Santa Maria Consolatrice” Giáo Phận Rôma về Ý Nghĩa của Bài Phúc Âm Chúa Nhật liên quan tới Mẹ Maria
Anh Chị Em thân mến,
Tôi thật sự hết sức vui mừng được ở với anh chị em sáng hôm nay để cử hành Thánh Lễ với anh chị em và cho anh chị em. Thật vậy, việc tôi Viếng Thăm Santa Maria Consolatrice, giáo xứ Rôma đầu tiên tôi đến từ khi Chúa muốn kêu gọi tôi làm giám mục Rôma, đối với tôi là một cuộc hồi cư ở một ý nghĩa rất thực và cụ thể.
Tôi nhớ rất rõ là vào ngày 15/10/1977 là ngày tôi đã nhận danh hiệu ngôi thánh đường này. Cha Ennio appignanesi bấy giờ là Cha sở, và Cha Enrico Pomili và Cha Franco Camaldo là những vị đại diện giáo xứ. Vị chủ sự lễ nghi cho tôi là Đức Ông Piero Marini. Bởi vậy, giờ đây tất cả chúng ta lại được qui tụ lại với nhau! Điều này thật sự là một niềm vui lớn lao cho tôi.
Từ đó, mối tương quan của chúng ta dần dần phát triển mạnh mẽ hơn và sâu xa hơn. Nó là mối liên hệ trong Chúa Giêsu Kitô, Đấng mà Hy Tế Thánh Thể của Người đã được tôi thường cử hành và Đấng mà các Bí Tích của Người thường được tôi ban phát tại thánh đường đây. Nó là một liên hệ của lòng cảm mến và của tình thân hữu thật sự đã sưởi ấm lòng tôi và đang sưởi ấm nó hôm nay đây. Nó là mối liên hệ thắt kết tôi lại với tất cả anh chị em, nhất là với vị linh mục coi xứ cùng với các vị linh mục phục vụ giáo xứ này. Nó là mối liên hệ không suy yếu đi khi tôi trở thành Hồng Y với danh hiệu của Giáo Phận Velletri-Segni; một mối liên hệ mang chiều kích mới và sâu xa hơn khi tôi giờ đây là Giám Mục Rôma và là Giám Mục của anh chị em.
Hơn thế nữa, tôi đặc biệt vui mừng vì cuộc viếng thăm của tôi hôm nay đây, như Cha Enrico đã nói, xẩy ra vào năm anh chị em đang mừng kỷ niệm 60 năm thành lập giáo xứ của anh chị em, 50 năm kỷ niệm thu phong linh mục của vị linh mục coi xứ thân yêu của chúng ta là Đức Ông Enrico Pomili, và sau hết là 25 năm được tấn phong giám mục của Đức Tổng Giám Mục Ennio Appignanesi. Bởi thế, đây là một năm chúng ta có những lý do đặc biệt để tri ân cảm tạ Chúa.
Giờ đây tôi thân ái chào Đức Ông Enrico và cám ơn ngài về những lời lẽ nống hậu ngỏ cùng tôi. Tôi chào Đức Hồng Y Camillo Ruini, Đại Diện Giáo Phận Rôma, Đức Hồng Y Ricardo María Carles Gordò, hiệu danh nhà thờ này nên là vị thừa kè của tôi mang Tước Hiệu ấy, Đức Hồng Y Giovanni Canestri, nguyên linh mục coi xứ rất yêu dấu của anh chị em, Đức Tổng Giám Mục Luigi Moretti, Giám Mục Khu Đồng Phương ở Rôma; chúng ta đã chào Đức Tổng Giám Mục Ennio Appignanesi, vị linh mục coi xứ trước đây của anh chị em, và Giám Mục Massimo Giustetti, nguyên đại diện giáo xứ của anh chị em.
Tôi gửi lời chào thân ái tới các vị đương kim đại diện giáo xứ của anh chị em cũng như tới thành phần nữ tu của giáo xứ Santa Maria Consolatrice. Họ đã từng ở Casalbertone từ năm 1932 như những cộng tác viên qúi báu của giáo xứ và như những sứ giả thực sự của tình thương và nguồn ủi an nơi vùng lân cận này, nhất là cho người nghèo và cho trẻ em. Cũng với những cảm mến ấy tôi chào mỗi người trong anh chị em, chào tất cả mọi gia đình trong giáo xứ và tất cả những ai hoạt động phục vụ trong giáo xứ này theo các khả năng khác nhau của mình.
Giờ đây chúng ta hãy suy niệm một cách ngắn gọn bài Phúc Âm tuyệt vời nhất của Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Vọng, bài Phúc Âm đối với tôi là một trong những đoạn Thánh Kinh thú vị nhất. Vậy để khỏi quá dài dòng, tôi chỉ muốn chia sẻ về 3 lời của bài Phúc Âm sâu xa này.
Chữ đầu tiên tôi muốn suy niệm với anh chị em đó là lời Thiên Thần chào Mẹ Maria. Theo bản Ý ngữ thì Thiên Thần nói là “Kính Chào Maria”. Thế nhưng tiếng Hy Lạp “Kaire” tự nó có nghĩa là “hãy mừng vui” hay “hãy hân hoan”.
Và đây là điều lạ lùng thứ nhất, đó là lời chào này nơi người Do Thái là “Shalom”, là “bình an”, trong khi lời chào ở thế giới Hy Lạp là “Kaire”, “hãy hân hoan”. Thật là lạ lùng khi Thiên Thần tiến vào nhà của Mẹ Maria lại chào Mẹ bằng lời chào kiểu người Hy lạp: “Kaire”, “hãy vui mừng, hãy hân hoan”. Và 40 năm sau đó, những người Hy lạp đọc Phúc Âm này mới thấy được một sứ điệp quan trọng nơi ấy, ở chỗ, họ nhận thấy rằng việc mở màn cho Tân Ước, một việc mở màn có liên hệ với đoạn Phúc Âm của Thánh Luca này, đã có tính cách cởi mở với thế giới các dân tộc và có tính cách đại đồng của Dân Chúa, là tính cách vào thời ấy chẳng những bao gồm dân Do Thái mà còn tất cả thế giới nữa, tất cả mọi dân tộc nữa. Tính cách đại đồng mới mẻ nơi Vương Quốc của thành phần con cái thực sự của Vua Đavít hiện lên nơi lời chào Hy Lạp này của Thiên Thần.
Tuy nhiên, cũng thích đáng để nói thẳng là những lời của Thiên Thần đã tiếp tục lời hứa hẹn được tiên báo trong Sách Tiên Tri Zephaniah. Chúng ta thấy được lời chào giống nhau hầu như từng chữ. Được Thiên Chúa linh ứng, Tiên Tri Zephaniah nói cùng dân Yến Duyên rằng: “Hãy hân hoan hô lên, Ôi nữ tử Sion!... Chúa đang ở giữa các người”. Chúng ta biết rằng Mẹ maria rất quen thuộc với Sách Thánh. Ca vịnh Magnificat của Mẹ là những gì thấm nhuần Cựu Ước. Bởi thế chúng ta tin rằng Đức Trinh Nữ này đã hiểu ngay đó là những lời Tiên Tri Zephaniah ngỏ cùng dân Yến Duyên, ngỏ cùng “Nữ tử Sion”, một Sion được coi như nơi cư ngụ của Thiên Chúa. Giờ đây vấn đề lạ lùng này, vấn đề đã làm cho Mẹ Maria phải suy nghĩ, đó là những lời ấy, những lời được ngỏ cùng toàn dân Yến Duyên, lại đặc biệt ngỏ riêng cùng Mẹ Maria. Như thế, rõ ràng là đối với Mẹ thì chính Mẹ là “Nữ tử Sion” được vị Tiên Tri này nói tới, và bởi thế, Chúa đã có ý định đặc biệt về Mẹ, đó là Mẹ được kêu gọi để trở thành nơi cư trú thực sự của Thiên Chúa, một nơi cư trú không được xây bằng đá mà bằng xác thịt sống động, bằng một con tim sống động, vì Thiên Chúa thực sự có ý định chọn Mẹ, một Trinh Nữ, làm đền thờ thực sự riêng của Ngài. Tuyệt vời thay ý định này! Đó là lý do chúng ta có thể hiểu được rằng Mẹ Maria bắt đầu hết sức suy nghĩ về ý nghĩa của lời chào này.
Tuy nhiên, giờ đây chúng ta hãy suy niệm đặc biệt về chữ thứ nhất: “Hãy vui lên, hãy vui mừng”. Đây là lời đầu tiên được vang lên như thế ở Tân Ước, vì lời loan báo của Thiên Thần cho ông Zacaria về việc hạ sinh của Gioan Tẩy Giả vẫn còn là lời vang lên ở ngưỡng cửa giữa hai Giao Ước này. Chỉ khi xẩy ra cuộc trao đổi giữa Thiên Thần Ga-Biên với Mẹ Maria Tân Ước mới thực sự mở màn. Bởi thế, chúng ta có thể nói rằng lời đầu tiên của Tân Ước là lời mời gọi hân hoan: “Hãy hoan lạc, hãy mừng vui!”. Tân Ước thực sự là “Phúc Âm”, là “Tin Mừng” mang đến cho chúng ta niềm vui. Thiên Chúa không xa cách chúng ta, không phải là những gì vô thức, bí ẩn hay có thể hiểm nguy. Thiên Chúa gần với chúng ta, gần tới độ Ngài đã trở thành một con trẻ và chúng ta gián tiếp thân thưa cùng vị Thiên Chúa này.
Chính thế giới Hy Lạp là thế giới trước hết đã nắm bắt được cái mới mẻ này, đã cảm thấy được niềm vui này cách sâu xa, vì đối với người Hy Lạp, họ vẫn không rõ là có một vị Thiên Chúa tốt lành, một vị Thiên Chúa dữ tợn hay hoàn toàn chẳng có Thiên Chúa nào hết. Tôn giáo vào lúc ấy đã nói cho họ biết rất nhiều thứ thần linh, bởi thế họ cảm thấy họ bị bủa vây bởi rất nhiều thứ thần linh khác nhau phản chống nhau, làm cho họ sợ rằng nếu họ làm cho một trong những vị thần linh này thì vị thần linh khác bị xúc phạm và tìm cách trả đũa.
Bởi thế bấy giờ họ sống trong một thế giới sợ hãi, bị bủa vây bởi những thứ quỉ ma ghê rợn, không thể nào biết cách cứu mình khỏi những quyền lực ấy khỏi phản khắc nhau. Đó là một thế giới sợ hãi, một thế giới tối tăm. Thế rồi họ nghe thấy rằng: “Hãy hân hoan, những thứ ma qủi này chẳng là gì cả; Vị Thiên Chúa thực sự là Đấng hiện hữu và vị Thiên Chúa chân thực này là vị Thiên Chúa tốt lành, Ngài yêu thương chúng ta, Ngài biết chúng ta, Ngài ở với chúng ta, ở với chúng ta cho đến độ Ngài mặc lấy xác thịt!”.
Đó là niềm vui lớn lao được Kitô Giáo loan báo. Việc nhận biết vị Thiên Chúa này thực sự là “Tin Mừng”, một từ ngữ của việc cứu chuộc.
Có lẽ người Công Giáo chúng ta là thành phần luôn biết đến điều ấy nên không còn cảm thấy lạ lùng bỡ ngỡ hay không còn cảm thấy niềm vui giải thoát này một cách thấm thía. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn vào thế giới ngày nay là nơi Thiên Chúa đang vắng bóng, chúng ta không thể nào không nhận thấy rằng thế giới này cũng bị các nỗi hãi sợ và bất định chi phối làm chủ: trở thành một con người có phải là điều tốt hay chăng? Sống còn có phải là điều tốt hay chăng? Hiện hữu có thực sự là một điều tốt hay chăng? Hay tất cả mọi sự đều là những gì tiêu cực? Và họ thực sự sống trong một thế giới tốt tăm, họ cần được gây mê để có thể sống. Bởi thế, những lời “Hãy hân hoan, vì Thiên Chúa đang ở với anh chị em, Ngài đang ở với chúng ta”, là những lời thực sự mở ra một kỷ nguyên mới. Quí bạn thân mến, bằng tác động đức tin, một lần nữa chúng ta cần phải chấp nhận và ý thức sâu xa trong tâm hồn mình lời giải thoát này: “Hãy Hân Hoan!”
Chúng ta không thể chỉ giữ cho mình niềm vui chúng ta đã lãnh nhận được ấy; niềm vui bao giờ cũng cần phải được chia sẻ. Niềm vui cần phải được thông đạt. Mẹ Maria đã không chần chờ lên đường để thông đạt niềm vui của mình cho bài chị họ Isave của Mẹ. Và kể từ khi Mẹ Mông Triệu về Trời Mẹ đã tuôn đổ niềm vui xuống trên toàn thế giới, Mẹ đã trở thành một Vị Đại An Ủi, ở chỗ, Người Mẹ của chúng ta là vị thông đạt niềm vui, niềm tin tưởng và nhân ái, và cũng mời gọi chúng ta hãy truyền bá niềm vui. Đây là việc dấn thân thực sự của Mùa Vọng, đó là mang niềm vui đến cho người khác. Niềm vui thực sự là quà tặng của Giáng Sinh, không phải là những món quà đắt đỏ đòi phải có thời gian và tiền bạc.
Chúng ta có thể truyền đạt niềm vui này một cách dễ dàng: bằng một nụ cười, bằng một cử chỉ tử tế, bằng một việc giúp đỡ nho nhoi nào đó, bằng việc thứ tha. Chúng ta hãy cống hiến niềm vui này và niềm vui được trao ban ấy sẽ trở về với chúng ta. Chúng ta hãy đặc biệt tìm cách trong đạt niềm vui sâu xa nhất này, niềm vui nhận biết Thiên Chúa nơi Đức Kitô. Chúng ta hãy cầu xin để sự hiện diện niềm vui giải phóng của Thiên Chúa này chiếu sáng nơi đời sống của chúng ta.
Chữ thứ hai tôi muốn suy niệm là một lời khác của Thiên Thần nói: “Hỡi Maria, đừng sợ”. Thật vậy, Mẹ có lý để mà sợ, vì đó là một gánh rất nặng phải mang vác thế giới trên mình, là làm Mẹ của Vị Vua hoàn cầu, là làm Mẹ của Con Thiên Chúa: thật là một gánh nặng biết bao! Đó là một gánh quá nặng đối với sức chịu đựng của loài người! Thế nhưng Thiên Thần nói: “Đừng sợ! Phải, cô là người gánh vác Thiên Chúa song Thiên Chúa lại là Đấng gánh vác cô. Chớ có lo âu sợ hãi!”.
Những lời “Đừng sợ” phải là những lời sâu xa thấu nhập vào lòng Mẹ Maria. Chúng ta có thể mường tượng thấy Mẹ đã phải nghe lại những lời ấy ra sao nơi các trường hợp khác nhau bắt Mẹ phải suy nghĩ về những lời này.
Vào lúc ông Simêon nói cùng Mẹ rằng: “Con trẻ này là mục tiêu cho nhiều người trong dân Yến Duyên sa ngã và chỗi dậy, là một dấu hiệu chống đối – và chính cô sẽ bị một lưỡi gưỡm đâm thâu”, là chính lúc Mẹ không thể nào không sợ hãi này, Mẹ Maria đã nhớ lại những lời của Thiên Thần và cảm thấy những lời ấy âm vang trong lòng Mẹ: “Đừng sợ, Thiên Chúa là Đấng gánh vác cô”. Thế rồi, khi xẩy ra những phản khắc chống lại Chúa Giêsu trong cuộc đời công khai của Người và khi nhiều người nói “Hắn là một thằng khùng”, thì một lần nữa lòng Mẹ lại nghĩ tới những lời của Thiên Thần “Đừng sợ” để tiến bước. Sau hết, trong cuộc gặp gỡ trên đường lên đồi Canvê và sau đó ở dưới chân cậy Thập Giá, khi mà tất cả dường như bị hủy hoại, thì một lần nữa Mẹ lại nghe thấy những lời của Thiên Thần vang lên trong lòng Mẹ “Đừng sợ”. Bởi thế Mẹ đã can đảm đứng bên Người Con đang hấp hối của mình, và được đức tin nâng đỡ, Mẹ đã hướng tới Phục Sinh, tới Hiện Xuống, tới việc thành lập tân gia Giáo Hội.
“Đừng sợ”: Mẹ Maria cũng nói những lời này cùng chúng ta. Tôi đã vạch ra rằng thế giới của chúng ta đây là một thế giới sợ hãi: một mối sợ hãi khốn khổ và bần cùng, một nỗi sợ hãi bệnh hoạn và khổ đau, một nỗi sợ hãi lẻ loi cô độc, một nỗi sợ hãi chết chóc. Chúng ta một hệ thống bảo hiệm phát triển rộng rãi trên thế giới này; thật là tốt đẹp khi có được một hệ thống như vậy. Thế nhưng, chúng ta biết rằng ở vào lúc thấm thía khổ đau, vào lúc hết sức lẻ loi của chết chóc, thì không có một thứ bảo hiểm nào có thể bảo vệ chúng ta được cả. Thứ bảo hiểm chắc ăn duy nhất vào những lúc bấy giờ đó là loại bảo hiểm xuất phát từ Chúa, Đấng cũng bảo đảm với chúng ta rằng: “Đừng sợ, Ta hằng ở với con”. Chúng ta có thể sa ngã, nhưng cuối cùng chúng ta ngã vào tay của Thiên Chúa, và bàn tay của Thiên Chúa là đôi bàn tay nhân ái.
Chữ thứ ba: ở vào cuối cuộc hội thoại, Mẹ Maria đã thưa cùng Thiên Thần: “Này tôi là tôi tớ Chúa. Tôi xin vâng như lời ngài truyền”. Như thế là Mẹ Maria đã hướng về lời nguyện cầu thứ ba của “Kinh Lạy Cha”: “Ý Cha thể hiện”. Mẹ đã thưa “vâng” với ý muốn cao cả của Thiên Chúa, một ý muốn rõ ràng là quá vĩ đại đối với một con người; Mẹ Maria thưa “vâng” cho ý muốn thần linh này, Mẹ đặt mình trong ý muốn ấy, trao phó tất cả cuộc đời Mẹ bằng tiếng “vâng” quảng đại cho ý muốn của Thiên Chúa, nhờ đó đã mở cửa thế giới ra cho Thiên Chúa.
Adong và Evà, bằng thái độ “không” đối với ý muốn của Thiên Chúa, đã đóng cửa ấy lại. “Xin cho ý muốn của Thiên Chúa được thực hiện”: Mẹ Maria cũng kêu gọi chúng ta nữa hãy thưa tiếng “xin vâng” đôi khi có vẻ rất khó ấy. Chúng ta có khuynh hướng yêu thích ý muốn riêng của mình, thế nhưng Mẹ nói với chúng ta rằng: “Hãy can đảm, cả con nữa hãy thưa: ‘Xin ý Chúa được nên trọn’, vì ý muốn này là ý muốn thiện hảo”. Mới đầu ý muốn ấy dường như là một gánh nặng bất khả chịu đựng, một cái ách bất khả gánh vác; thế nhưng, trên thực tế, ý muốn của Thiên Chúa không phải là một gánh nặng, ý muốn của Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta đôi cánh để bay cao, nhờ đó chúng ta cũng có thể cùng với Mẹ Maria dám mở cửa đời chúng ta cho Thiên Chúa, mở ra những cánh cửa của thế giới này, bằng lời “xin vâng” cho ý muốn của Ngài, với ý thức là ý muốn ấy là một sự thiện thực sự và là ý muốn dẫn chúng ta tới hạnh phúc đích thực. Chúng ta hãy nguyện cầu cùng Mẹ Maria, Đấng Ủi An Kẻ Sầu Đau, Người Mẹ của chúng ta, Mẹ của Giáo Hội, giúp chúng ta can đảm để thưa lời “xin vâng” này và cũng chia sẻ cho chúng ta niềm vui được ở cùng Thiên Chúa cũng như dẫn chúng ta tới với Con Mẹ là sự sống đích thực. Amen.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo
http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/homilies/2005/index_en.htm
Vấn Đề Phá Thai vào thời kỳ cuối đang được Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ xét lại
Hôm Thứ Ba 21/2/2006, mạng điện toán toàn cầu CNN đã phổ biến bài viết “Justices tackle late-term abortion issue”, với những hàng chữ in đậm tiêu biểu như sau: “Tối Cao Pháp Viện đã mất chút thời gian để nhẩy lại vấn đề phá thai tranh tụng, đồng ý là vào Thứ Ba kiểm xét tính cách hiến định của luật liên bang cấm thực hiện phương thức phá thai vào giai đoạn cuối được các phê bình gia gọi là phá thai ‘sinh bán phần’”.
Vụ này có thể sẽ đưa đến việc thay đổi lớn với vị tân Thẩm Phán Samuel Alito, một nhân vật thiên về truyền thống vừa được bổ nhiệm vào tòa án tối cao này hôm 31/1/2006, thay thế cho bà Sandra Day O’Connor, người phụ nữ đầu tiên ở tòa án tối cao này, và đã có lá phiếu quyết định về việc chấp nhận quyền phá thai cho cả một phần tư thế kỷ qua.
Tòa kháng án liên bang đã phán quyết chống lại chính quyền, cho rằng Đạo Luật Phá Thai Bán Sinh Phần của tiểu bang năm 2003 là những gì trái hiến pháp, vì nó không cung cấp một sự ngoại lệ về sức khỏe cho phụ nữ mang thai phải đối diện với tình trạng cấp cứu về y khoa.
Theo mạng điện toán toàn cầu Zenit hôm Thứ Ba 21/2/2006, thì Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ nói rằng họ có thể cứu xét tới việc phục hồi vấn đề liên bang cấm phá thai bán sinh phần.
Vào năm 2000, các vị thẩm phán của Tối Cao Pháp Viện Liên Bang đã bỏ phiếu với kết quả là 5-4 trong việc bác bỏ một luật tiểu bang ngăn chặn phương thức này vì nó thiếu mất việc ngoại lệ để bảo vệ sức khỏe của người mẹ.
Sau khi nghe thấy quyết định hôm nay, Cha Frank Pavone, giám đốc toàn quốc tổ chức Linh Mục Cho Sự Sống đã phổ biến một bản văn như sau:
“Chúng tôi mong là Tối Cao Pháp Viện sẽ tái cứu xét vấn đề các tiểu bang có thể bảo vệ hay chăng mạng sống của trẻ em gần được mẹ sinh ra nhưng vẫn còn có nguy cơ bị sát hại bởi một phương thức đâm chọc kéo vào đầu đức bé. Chúng tôi cũng mong rằng tòa án này sẽ tôn trọng quyền của tiểu bang trong việc ngăn chặn phương thức ấy, như hầu hết các tiểu bang đã cố gắng làm, và quyền của thành phần dân chúng trong việc tự hành sử về vấn đề này qua các viên chức được họ tuyển chọn”.
Các vị thẩm phán sẽ nghe các thứ lập luận vào mùa thu năm nay. Phán quyết có thể năm tới mới có.
Theo mạng điện toán toàn cầu Zenit ngày 22/2/2006 thì nữ phát ngôn viên Văn Phòng Hoạt Đồng Phò Sự Sống của hội đồng giám mục Hoa Kỳ hoan hô quyết định của Tối Cao Pháp Viện về vấn đề tái xét việc phá thai bán sinh phần
Thật thế, hôm Thứ Ba, 21/2/2006, Tối Cao Pháp Viện Liên Bang Hoa Kỳ đã thông báo là sẽ xét lại vụ Gonzales v. Carhart, một pháp quyết phá thái bán sinh phần của Tòa Kháng Án Hoa Kỳ Khu Vực 8. nữ phát ngôn viên của Văn Phòng Hoạt Động Phò Sự Sống của hội đồng giám mục Hoa Kỳ là Deirdre McQuade đã hoan hô quyết định này:
“Chúng tôi hoan hô tin cho biết Tối Cao Pháp Viện sẽ tái xét việc phá thai bán sinh phần. Thành phần biện hộ cho việc phá thai đã từng nói rằng phương thức phá thai bán sinh phần này hiếm thấy, và chỉ được sử dụng cho những người phụ nữ bị nguy hiểm đến mạng sống hay thai nhi của họ đã chết hoặc bị tàn tật trầm trọng mà thôi.
“Thế nhưng, vị giám đốc điều hành của Liên Minh Tòa Quốc Các Cung Cấp Viên Phá Thai, đã thừa nhận là vào năm 1997 các cuộc phá thai bán sinh phần này ‘được thực hiện chính yếu cho các người đàn bà khỏe mạnh và các bào thai khỏe mạnh’. Viện Alan Guttmacher ước lượng là có 2.200 vụ phá thai trong năm 2000 bằng cách sử dụng phương pháp lố bịch kệch cỡm này.
“Việc phá thai bán sinh phần không cần thiết cho sức khỏe về thể lý hay tâm lý của người phụ nữ. Chúng tôi hy vọng rằng việc liên báng cấm việc phá thai bán sinh phần sẽ được tán thành chấp thuận”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
MỤC VỤ HÔN NHÂN GIA ĐÌNH - ĐTC BĐXVI: “đức ái về khía cạnh mục vụ … có vẻ như là mục vụ song thực tế…”
(Tiếp 23 Thứ Năm, 24 Thứ Sáu, 25 Thứ Bảy)
Sáng Thứ Bảy 28/1/2005, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã tiếp phái đoàn phục vụ pháp đình Rota của Tòa Thánh ở Rôma nhân dịp khai mạc năm pháp lý hằng năm của Pháp Đình tối cao của Tòa Thánh này. Trong bài huấn từ của mình, ngài đã nhắc lại di sản giáo huấn phong phú của Đức Gioan Phaolô II về vấn đề giáo luật được chất chứa trong Bản Hướng Dẫn “Dignitas connubii” liên quan tới các phương thức cần phải được tuân theo trong những việc điều tra để tiêu hôn.
Kể từ ngày 31/12/2005 có 1.054 vụ cần được tòa Rota cứu xét. Năm 2005 có tất cả 264 vụ về hôn nhân được trình lên tòa Rota (163 ở Âu Châu, 73 ở Mỹ Châu và 10 ở Á Châu). Trong 140 án quyết năm 2005 về hôn nhân, có 69 án quyết được Tòa Án tối cao này công nhận là hôn nhân không thành, và 71 án quyết công nhận hôn nhân thật sự là hiệu thành, không hủy hôn được, tức tỉ lệ tiêu hôn chỉ mấp mé gần 50% trong năm 2005.
Trong bài huấn từ của mình, Đức Thánh Cha Biển Đức có đề cập tới hai khía cạnh nơi vấn đề cứu xét các vụ hôn nhân có vẻ như đối nghịch nhau là luật lệ và mục vụ, và ngài đưa ra một nguyên tắc dung hòa, được ngài gọi là “lòng yêu chuộng chân lý”. Thế nhưng, ngài đã khuyên áp dụng nguyên tắc “lòng yêu chuộng chân lý” dung hòa giữa luật lệ và mục vụ này như thế nào?
Thật vậy, thực tế cho thấy, thần học và mục vụ có những lúc dường như tương phản với nhau. Một đàng thì thiên về những gì phải tin tưởng được gọi là tín lý thần học, và những gì cần phải tuân giữ được gọi là luân lý thần học, trong khi đó mục vụ lại thiên về tâm lý và tông đồ, có tính cách thông cảm và nâng đỡ. Chính trong Thượng Nghị Giám Mục Thường Lệ lần thứ XI vào tháng 10/2005 về Thánh Thể vừa rồi cũng thế, hai khía cạnh thần học và mục vụ này đã tỏ ra bất đồng với nhau nơi trường hợp của thành phần ly dị tái hôn hiệp lễ.
Đó là lý do, trong bài huấn từ của mình với Pháp Đình Rota của Tòa Thánh dịp khai mạc tân pháp niên hôm 28/1/2006 vừa rồi, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói tới hiện trạng này, theo nguyên văn lời ngài là “một thứ xung khắc được cho là xẩy ra giữa luật lệ và việc chăm sóc mục vụ nói chung”.
Chính vì thế, ngài đã cố gắng hóa giải mối xung khắc này bằng đường lối được ngài gọi là “lòng yêu chuộng sự thật”. Ngài nói:
“Trong cuộc gặp gỡ của tôi với quí vị lần đầu tiên đây, tôi muốn chú ý tới một khía cạnh tiêu biểu cho vấn đề gặp gỡ chính yếu giữa luật lệ và việc chăm sóc mục vụ, đó là việc yêu chuộng chân lý”.
Chúng ta biết, vị tân Giáo Hoàng Biển Đức của chúng ta là một thần học gia truyền thống, nên ngài rất chú trọng đến sự thật. Trong sứ điệp gửi thế giới nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới 1/1/2006, ngài đã lấy chủ đề cũng là nhan đề cho sứ điệp hòa bình đầu tiên của ngài là “Chỉ trong chân lý mới có hòa bình”. Đó là lý do, ngài đã cảnh giác những đường lối mục vụ có vẻ thiết thực song phản sự thật như sau:
“Giá trị mục vụ của vấn đề pháp lý, một giá trị không thể được tách khỏi lòng mến yêu chân lý. Thật thế, có thể xẩy ra trường hợp là đức ái về khía cạnh mục vụ đôi khi bị ô nhiễm bởi những thái độ ve vuốt chiều chuộng nhau. Những thái độ này có vẻ như là mục vụ song thực tế chúng không đáp ứng với sự thiện của cá nhân, hay với sự thiện của cộng đồng Giáo Hội”.
Khi đọc đến nhận định rất thực tế của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI trên đây, tôi nhớ đến một trường hợp xẩy ra rất khít khao với lời cảnh giác của ngài. Số là gia đình một người bạn thân của tôi có một người con trai lỡ có liên hệ xác thịt với người bạn gái của cháu cùng sinh hoạt trong cùng một trường đại học với cháu. Hai cháu vẫn giữ cái thai và muốn tiến tới vấn đề lập gia đình với nhau. Tuy nhiên, theo cha mẹ cháu kể lại thì không cha nào chịu làm phép cưới trong hoàn cảnh như thế. Và cha nào cũng cho đó là tội lỗi, không được rước lễ nếu không xưng tội.
Tuy nhiên, theo mẹ của cháu thì có một cha nói là ở tòa trong, tức tòa giải tội hay linh hướng, thì mỗi trường hợp lại khác, không giống nhau. Riêng trường hợp của cháu này thì, cũng theo bà mẹ cho biết, vị linh mục ấy khuyên cha mẹ cháu ba điều sau đây: thứ nhất, phải nâng đỡ cháu, chứ đừng lấy luật Chúa mà đập lên cháu, trái lại, phải làm sao để cháu nhận biết tình thương của Chúa mà trở về với Ngài; thứ hai, cháu phải săn sóc cho người bạn gái của cháu đang có bầu, rất cần đến cháu; và thứ ba, thời gian cháu săn sóc cho người bạn gái này cũng chẳng lâu la gì, tức là cháu có sống với người bạn gái của cháu để săn sóc cho cô ta trong thời gian có bầu thì cũng chỉ ngắn hạn thôi.
Hai vợ chồng người bạn tôi hoàn toàn bất đồng với nhau về những lời linh hướng của vị linh mục này. Người vợ thì hướng chiều về lời khuyên của ngài, ở chỗ, chị nói rằng, nếu cần, chị có thể sẽ đem người bạn gái của cháu về chung sống với cháu ở nhà chị, nhất là vào thời gian người bạn gái của cháu sắp sinh nở. Tất nhiên người chồng hoàn toàn không đồng ý, vì cho đó là việc đồng lõa với tội lỗi. Được hỏi ý kiến, tôi đã bày tỏ cảm nghĩ thô thiển của tôi với người vợ mấy điều thiết yếu sau đây:
Thứ nhất, về khuynh hướng duy thực dụng thời đại, một khuynh hướng chủ trương bất cứ cái gì có lợi ngay trước mắt, như ly dị, phá thai, ngừa thai nhân tạo, triệt sinh an tử v.v. là được làm, bất kể cái lợi ấy có trái với nguyên tắc luân thường đạo lý chăng nữa. Lời khuyên của vị linh mục ấy là những gì theo chiều hướng duy thực dụng này vậy. Cần phải nhớ rằng, tất cả những “huấn dụ” nào nghịch lại với luật Chúa, với giáo huấn của Giáo Hội, thì dù là linh mục hay thậm chí giám mục khuyên làm đi nữa, chúng ta cũng không được nghe theo, như Thánh Phaolô đã mạnh mẽ khẳng định trong Thư gửi Giáo Đoàn Galata, đoạn 1 câu 8, rằng: “Cho dù thần trời có xuống dạy cho anh chị em một Phúc Âm nào khác với Phúc Âm chúng tôi đã truyền cho anh chị em, thì khốn cho hắn”. Luật Chúa tất nhiên là khó, chính vì thế mới cần phải có ơn Thánh Hóa của Bí Tích Hôn Phối và mới cần phải lãnh nhận Bí Tích Hôn Phối, để nhớ đó Hôn Nhân Gia Đình mới thực sự phản ảnh Mầu Nhiệm Cao Cả của Tình Yêu Thiên Chúa.
Thứ hai, về bản chất của đức ái, không phải chỉ thương người mà còn mến Chúa nữa. Bởi thế, không ai ngăn cản việc chị là mẹ thương con chị, và không ai phủ nhận cháu cần phải săn sóc cho người bạn gái của cháu đang có bầu. Thế nhưng tình thương của chị phải làm sao cho cháu thấy được Thiên Chúa là Chân Lý, thì cháu mới được Chân Lý giải phòng, bằng không cháu chẳng những chẳng thấy Chúa đâu mà còn lún sâu xuống bùn lầy tội lỗi nữa; còn phần cháu, cháu cứ việc chăm sóc cho bạn gái của cháu, nhưng phải săn sóc trong sự thật, tức là, chưa là vợ chồng với nhau, chưa chịu phép hôn phối, dù hợp thức hóa về phần đời, nhất định chưa được ăn nằm với nhau. Chúng ta là người Công Giáo chứ không phải dân ngoại, nên phải theo Chúa chứ không theo lối sống thế gian. Thời gian phải kiêng lánh xác thịt này là thời gian hai cháu chứng tỏ tình yêu chân chính của mình đối với nhau, để thật tình dọn mình lấy nhau.
Thứ ba, về mục đích của việc mục vụ, đó là đem linh hồn tín hữu về với Chúa, chứ không phải đẩy xa Chúa hơn. Theo lời khuyên ở tòa trong của vị linh mục này thì cháu của gia đình người bạn tôi được phép sống gần gũi chăm sóc cho người bạn gái, vì thời gian hai cháu gần nhau trong tội lỗi như thế không kéo dài bao lâu. Thế nhưng, ngài có biết được lúc nào các cháu chết hay chăng? Ngài có bảo đảm được phần rỗi cho hai cháu nếu hai cháu nghe lời ngài sống trong tội lỗi như thế hay chăng? Tôi đã nói với người chồng của chị vợ này rằng: Không ai thương người bằng Chúa Giêsu, Vị Mục Tử đi tìm từng con chiên lạc và hiến mạng sống mình vì chiên, thế mà, ở trường hợp người phụ nữ bị bắt quả tang khi phạm tội ngoại tình, được Phúc Âm Thánh Gioan thuật lại ở đoạn 8 từ câu 1 đến 11, chúng ta thấy, ở tòa trong, tức là ở vào lúc không còn thành phần tố cáo chị nữa, chỉ còn mình Người với chị, ngài vẫn dứt khoát và mạnh mẽ khuyên chị rằng: “Hãy về đừng phạm tội nữa”, chứ Người không nói: “Nếu chị có bầu thì hãy xin người đàn ông ngoại tình với chị đến ăn ở với chị để săn sóc cho chị”.
Bởi thế, tóm lại, những lời khuyên mục vụ nào dù đầy tình người nhưng phạm đến luật Chúa đều là những gì không phải từ Thiên Chúa, hãy coi chừng, đúng như Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nhận định trên đây: “có thể xẩy ra trường hợp là đức ái về khía cạnh mục vụ đôi khi bị ô nhiễm bởi những thái độ ve vuốt chiều chuộng nhau. Những thái độ này có vẻ như là mục vụ song thực tế chúng không đáp ứng với sự thiện của cá nhân, hay với sự thiện của cộng đồng Giáo Hội”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL