GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
CHÚA NHẬT 5/2/2006 Tuần V Thường Niên |
? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI Giảng Bế Mạc Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Mối Hiệp Nhất Kitô Giáo vào Giờ Kinh Tối Lễ Thánh Phaolô Trở Lại 25/1/2006 ở Đền Thờ Thánh Phêrô Ngoài Thành (tiếp)
? ĐTC Biển Đức XVI: Thông Điệp "THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU" (tiếp) - Phần II: VIỆC GIÁO HỘI THỰC THI YÊU THƯƠNG NHƯ LÀ MỘT ‘CỘNG ĐỒNG YÊU THƯƠNG’ (25-27)
? Những Bức Biếm Họa: Cuộc Xung Đột giữa Văn Minh Hồi Giáo sùng đạo nghĩa và Văn Minh Tây Phương duy trần thế
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI Giảng Bế Mạc Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Mối Hiệp Nhất Kitô Giáo vào Giờ Kinh Tối Lễ Thánh Phaolô Trở Lại 25/1/2006 ở Đền Thờ Thánh Phêrô Ngoài Thành
(tiếp 4 Thứ Bảy)
Ở sứ điệp của Phúc Âm Thánh Mathêu chúng ta mới nghe trước đây ít lâu, tình yêu tác hành như nguyên tắc hiệp nhất Kitô hữu và bảo đảm là việc họ đồng tâm nhất trí nguyện cầu được Cha Trên Trời lắng nghe. Chúa Giêsu nói: “Nếu hai người trong các con ở dưới thế hợp nhau xin bất cứ sự gì thì Cha Thày trên trời sẽ ban cho họ” (Mt 18:19).
Chữ được Vị Thánh Ký này sử dụng cho chữ “hợp nhau” là “synphonesosin”: chữ này làm cho chúng ta liên tưởng tới một thứ “hợp tấu” về tâm can. Thánh Ký đã sử dụng chữ này căn cứ vào tâm can của Thiên Chúa. Hợp nhau nguyện cầu, bởi thế, là những gì quan trọng vì nó được Cha Trên Trời tiếp nhận.
Cùng nhau cầu xin đã là những gì đánh dấu bước tiến tới mối hiệp nhất giữa những ai kêu xin rồi. Điều này dĩ nhiên không có nghĩa là việc Thiên Chúa đáp ứng là do chúng ta yêu cầu, ở một nghĩa nào đó. Chúng ta quá biết điều này: đó là mối hiệp nhất theo lòng thỏa nguyện trước hết lệ thuộc vào ý muốn của Thiên Chúa, Đấng quan phòng và quảng đại vượt trên sự hiểu biết của con người cùng những điều yêu cầu và mong mỏi của họ.
Chính vì cậy dựa vào dự thiện hảo thần linh mà chúng ta hãy gia tăng việc nguyện cầu chung cho mối hiệp nhất là những gì hơn bao giờ hết là một phương tiện cần thiết và rất hiệu nghiệm, như Đức Gioan Phaolô II đã nhắc nhở chúng ta trong thông điệp “Để Họ Được Hiệp Nhất Nên Một”: “Theo con đường đại kết dẫn đến hiệp nhất, thì việc cầu nguyện chung chắc chắn chiếm một vị thế quan trọng, việc hiệp nguyện của những ai qui tụ lại với nhau chung quanh chính Chúa Kitô” (đoạn 22).
Khi phân tích những đoạn văn này một cách sâu xa hơn, chúng mới mới hiểu rõ hơn lý do tại sao Chúa Cha đáp ứng trực tiếp cho điều yêu cầu của Cộng Đồng Kitô Hữu: Chúa Giêsu nói “Vì ở đâu có hai hay ba người qui tụ lại vì danh Thày thì Thày ở giữa họ”.
Chính sự hiện diện của Chúa Kitô làm cho việc cầu nguyện chung này của những ai qui tụ lại vì danh Người được công hiệu. Khi Kitô hữu qui tụ lại để cùng nhau cầu nguyện thì chính Chúa Giêsu ngự giữa họ. Họ là một với Chúa Kitô, Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người.
Hiến Chế của Công Đồng Chung Vaticanô II về phụng vụ thánh đề cập ngay tới câu Phúc Âm này để nói tới một trong những cách hiện diện của Chúa Kitô: “Người hiện diện khi Giáo Hội nguyện cầu và ca hát, vì Người đã hứa ‘ở đâu có hai hay ba người qui tụ lại vì danh Thày thì Thày ở giữa họ’ (Mt 18:20)” (“Sacrosanctum Concilium”, đoạn 7).
Dẫn giải về đoạn này của Thánh Ký Mathêu, Thánh Gioan Chrysostom hỏi: “Vậy thì phải chăng không có hai hay ba người hợp lại vì danh Người? Có chứ nhưng hiếm lắm”, ngài trả lời (Homily on the Gospel of St Matthew, 60,3).
Tối nay, tôi cảm thấy được một niềm vui bao la khi thấy một hội đồng đông đảo nguyện cầu van nài ơn hiệp nhất trong hòa hợp. Tôi xin gửi lời chào tới từng người và tất cả mọi người. Tôi đặc biệt chào các chư huynh thuộc những giáo hội và cộng đồng giáo hội khác thuộc thành phố này, những người anh em liên kết với nhau trong cùng một phép rửa là phép làm cho chúng ta trở thành phần tử của một Nhiệm Thế Chúa Kitô duy nhất.
40 năm qua đi từ ngày tại chính thành phố này, hôm 5/12/1965, Người Tôi Tớ Chúa Phaolô VI đáng nhớ đã cử hành buổi cầu nguyện chung đầu tiên vào lúc kết thúc Công Đồng Chung Vaticanô II với sự hiện diện trọng thể của các Giáo Phụ Công Đồng và việc chủ động tham dự của thành phần quan sát viên thuộc các giáo hội và cộng đồng giáo hội khác.
Theo đó, Đức Gioan Phaolô II dấu yêu đã bảo trì truyền thống bế mạc Tuần Lễ Cầu Nguyện đây. Tôi tin rằng tối nay cả hai vị đều đang từ Trời nhìn xuống và hợp với lời nguyện cầu của chúng ta.
Trong số những vị tham dự vào buổi họp mặt này, tôi đặc biệt chào và cám ơn nhóm các vị đại biểu thuộc các giáo hội, các hội đồng giám mục, các cộng đồng Kitô hữu và các tổ chức đại kết đang bắt đầu sửa soạn cho Hội Nghị Đại Kết Âu Châu lần thứ 3 sẽ được tổ chức ở Sibiu, Romania, vào tháng 9/2007 về đề tài: “Ánh Sáng của Chúa Kitô chiếu soi trên tất cả mọi người. Niềm hy vọng canh tân và hiệp nhất ở Âu Châu”.
Phải, anh chị em thân mến, Kitô hữu chúng ta có nhiệm vụ, ở Âu Châu cũng như giữa tất cả mọi dân nước, trở thành “ánh sáng thế gian” (Mt 5:14). Xin Thiên Chúa ban cho chúng tam au chóng tiến tới mối hiệp thông trọn vẹn hằng mong ước.
Việc tái thể hiện mối hiệp nhất của chúng ta sẽ làm cho việc truyền bá phúc âm hóa càng trở thành hiệu nghiệm hơn. Hiệp nhất là sứ vụ của chúng ta; nó là điều kiện khiến ánh sáng của Chúa Kitô có thể lan rộng hơn nữa ở khắp nơi trên thế giới, nhờ đó con người nam nữ trở về mà được cứu độ.
Con đường đang trải dài trước mắt chúng ta! Thế nhưng, chúng ta không được mất lòng tin tưởng; trái lại, bằng một nghị lực mạnh mẽ hơn, một lần nữa chúng ta cần phải cùng nhau tiếp tục cuộc hành trình. Chúa Kitô bước đi trước chúng ta và bên cạnh chúng ta. Chúng ta nương tựa vào việc luôn hiện diện của Người và khiêm tốn cùng liên lỉ van xin Người ban tặng ân hiệp nhất và bình an quí báu này.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/homilies/2006/documents/hf_ben-xvi_hom_20060125_conversion-st-paul_en.html
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Thông Điệp DEUS CARITAS EST – THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU
(tiếp)
PHẦN HAI
VIỆC GIÁO HỘI THỰC THI YÊU THƯƠNG NHƯ LÀ MỘT ‘CỘNG ĐỒNG YÊU THƯƠNG’
25. Đến đây chúng ta thấy có hai sự kiện chính yếu đã xuất phát từ việc suy niệm của chúng ta:
a) Bản chất sâu xa nhất của Giáo Hội được thể hiện nơi trách nhiệm tam diện của Giáo Hội, đó là trách nhiệm loan truyền Lời Chúa (kerygma-martyria), trách nhiệm cử hành các bí tích (leitourgia), và trách nhiệm thi hành thừa tác vụ bác ái (diakonia). Những trách vụ này bao hàm lẫn nhau và bất khả tách biệt. Đối với Giáo Hội thì đức ái không phải là một thứ hoạt động an sinh xã hội cũng có thể để cho người khác làm, mà là những gì thuộc về bản chất của Giáo Hội, một biểu hiện bất khả thiếu nơi chính việc hiện hữu của Giáo Hội (Cf. Congregation for Bishops, Directory for the Pastoral Ministry of Bishops Apostolorum Successores [22 February 2004], 194, Vatican City 2004, p. 213).
b) Giáo Hội là gia đình của Thiên Chúa trên thế gian. Trong gia đình này, không ai bị bỏ mặc trong cảnh thiếu hụt các nhu cầu sống cả. Tuy nhiên, đức ái/caritas – từ ái/agape vượt ra ngoài biên cương bờ cõi của Giáo Hội nữa. Dụ ngôn người Samaritanô Nhân Lành vẫn là tiêu chuẩn áp đặt tình yêu thương đại đồng đối với thành phần thiếu thốn chúng ta gặp gỡ “tình cờ” (x Lk 10:31), bất kể họ là ai chăng nữa. Không hề suy giảm giới huấn về tình yêu thương đại đồng này, Giáo Hội cũng có một trách nhiệm đặc biệt nữa, đó là, ở bên trong gia đình Giáo Hội, không một phần tử nào phải chịu đựng vì cảnh sống thiếu thốn. Giáo huấn của bức Thư gửi Tín Hữu Galata đã nhấn mạnh rằng: “Bởi thế, nếu chúng ta có cơ hội, chúng ta hãy làm lành cho tất cả mọi người, nhất là những ai thuộc về gia đình đức tin này” (6:10).
Công Bằng và Bác Ái
26. Từ thế kỷ 19, hoạt động bác ái của Giáo Hội đã bị chống đối, sau đó việc chống đối này được đặc biệt khai triển mãnh liệt bởi chủ nghĩa Maxít, ở chỗ, như chủ nghĩa này cho rằng người nghèo không cần bác ái mà là công bằng. Những công việc của đức bác ái – làm phúc bố thí chẳng hạn – thực sự là một đường lối giành cho thành phần giầu có trong việc giúp họ khỏa lấp đi trách nhiệm họ cần phải hoạt động cho công bằng, và là phương thế xoa dịu lương tâm của họ, trong khi đó họ vẫn giữ được vị thế của họ và vẫn bóc lột người nghèo bằng quyền lợi của họ. Thay vì đóng góp bằng những việc bác ái cá nhân để bảo trì nguyên trạng của mình, chúng ta cần xây dựng một trật tự xã hội công bình, trong đó, tất cả mọi người được nhận lãnh phần sản vật của mình trên thế giới, không còn lệ thuộc vào đức bác ái nữa. Cần phải công nhận là lập luận này chất chứa một sự thật nào đó, thế nhưng nó cũng có nhiều lầm lẫn. Quả thực thì việc thực hiện đức công bằng cần phải là qui chuẩn nền tảng của Quốc Gia, và mục đích của một trật tự xã hội công bằng là để bảo đảm cho từng người, theo nguyên tắc phụ trợ, nhận được phần sản vật của cộng đồng. Giáo huấn Kitô Giáo về Quốc Gia và giáo huấn của Giáo Hội về xã hội đã luôn nhấn mạnh về vấn đề này. Về phương diện lịch sử, thì vấn đề xếp đặt một cách công bằng của việc tổng hợp này đã mặc một chiều kích mới mẻ cho tình trạng kỹ nghệ hóa của xã hội trong thế kỷ thứ 19. Việc xuất phát nền kỹ nghệ tân tiến đã khiến cho những cấu trúc về xã hội bị sụp đổ, trong lúc tình trạng gia tăng của một tầng lớp công nhân làm công lĩnh lương đã đưa đến những đổi thay sâu xa nơi cơ cấu xã hội. Mối liên hệ giữa tư bản và lao nhân bấy giờ trở thành vấn đề quyết liệt – một vấn đề chưa hề xẩy ra với hình thức như thế. Tư bản và phương tiện sản xuất lúc ấy trở thành một nguồn quyền lực mới, một thứ quyền lực được, tập trung vào trong tay một thiểu số, đã dẫn tới việc đàn áp quyền lợi của giới lao nhân, một quyền lực bị họ đã phải nổi lên chống lại.
27. Cần phải công nhận là vai trò lãnh đạo của Giáo Hội đã chậm chạp trong việc nhận thức rằng vấn đề của việc kiến tạo xã hội một cách công bằng là những gì cần phải được đương đầu một cách mới mẻ. Đã có một số vị đi mở đường, như Đức Giám Mục Ketteler ở Mainz (năm 1877), những nhu cầu cụ thể đã được đáp ứng bởi con số gia tăng các nhóm hội, các hiệp hội, các liên hội, các liên hiệp, nhất là bởi các dòng tu mới được thành lập trong thế kỷ 19 để chiến đấu với nghèo khổ, bệnh nạn và nhu cầu giáo dục tốt hơn. Vào năm 1891, huấn quyền của Đức Giáo Hoàng đã can thiệp bằng bức Thông Điệp “Tân Sự – Rerum Novarum” của Đức Lêô XIII. Thông điệp này được tiếp nối bởi Thông Điệp Quadragesimo Anno – 40 Năm vào năm 1931. Vào năm 1961, Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII đã phổ biến bức Thông Điệp “Mẹ và Thày – Mater et Magistra”, trong khi đó Đức Phaolô VI, trong bức Thông Điệp Populorum Progressio – Tiến Bộ Các Dân Tộc (1967), cũng như trong Tông Thư Octogesima Adveniens – Kỷ Niệm 80 Năm (1971), đặc biệt nói đến vấn đề xã hội, một vấn đề lúc ấy đã đặc biệt trở nên kịch liệt ở Mỹ Châu Latinh. Vị đại tiền nhiệm của tôi đã để lại cho chúng ta bộ ba Thông Điệp về xã hội, đó là Laborem Exercens – Qua Việc Làm (1981), Sollicitudo Rei Socialis – Mối Quan Tâm về Xã Hội (1987), và sau cùng là Centesimus Annus – Bách Niên (1991). Đối diện chạm trán với những tình hình mới và vấn đề mới, giáo huấn về xã hội của Công Giáo nhờ đó dần dần phát triển, và giờ đây đã có được một cuốn Tổng Luận Về Giáo Huấn Về Xã Hội Của Giáo Hội, được Hội Đồng Công Lý và Hòa Bình của Tòa Thánh phát hành trong năm 2004. Chủ nghĩa Maxít đã thấy cuộc tiến hóa của thế giới cùng với những bước đầu của nó như là một thứ phương dược chữa trị vấn đề về xã hội: cuộc tiến hóa, và sau đó là việc tổng hợp hóa phương tiện sản xuất, như được cho là, làm thay đổi ngay những vấn đề trở thành khá hơn. Cái ảo ảnh này đã biến mất rồi. Trong tình hình phức tạp ngày nay, không phải vì tình trạng gia tăng của một nền kinh tế được toàn cầu hóa, giáo huấn về xã hội của Giáo Hội đã trở thành một bộ hướng dẫn căn bản cho thấy những đường lối hiệu lực thậm chí còn vượt ngoài cả giới hạn của Giáo Hội: trước tình trạng liên tục phát triển thì cần phải nói về những nguyên tắc này, trong mối tương quan tới việc đối thoại với tất cả những ai thiết tha quan tâm đến nhân loại và thế giới chúng ta đang sống.
(còn tiếp)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ
http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/encyclicals/documents/hf_ben-xvi_enc_20051225_deus-caritas-est_en.html
Những Bức Biếm Họa: Cuộc Xung Đột giữa Văn Minh Hồi Giáo sùng đạo nghĩa và Văn Minh Tây Phương duy trần thế
Trong khi thế giới Hồi Giáo dữ dội phản ứng về những bức biếm họa được đăng trên tờ nhật báo Đan Mạch Jyllands-Posten từ ngày 30/9/2005 và được tái đăng trên tờ nhật báo Pháp ngày 1/2/2006 vừa rồi, thì vào Thứ Sáu, 3/2/2006, lại càng có nhiều tờ nhật báo Âu Châu phổ biến những bức hí họa bị thế giới Hồi giáo cho là phỉ báng tôn giáo của họ này, trong khi thành phần truyền thông báo chí Âu Châu lại cho rằng họ có quyền tự do ngôn luận và quyền này cũng linh thánh đáng tôn trọng nữa.
Thủ Tướng Đan Mạch là Anders Fogh Rasmussen, sau khi gặp gỡ phái đoàn đại diện Hồi Giáo ở thủ đô Copenhagen, đã cho biết như sau:
“Cả chính phủ Đan Mạch lẫn quốc gia Đan Mạch đều không chịu trách nhiệm gì về những tấm vẽ được phổ biến trên một tờ nhật báo Đan Mạch. Một chính quyền Đan Mạch không bao giờ lại có thể đi xin lỗi thay cho một tờ nhật báo tự do và độc lập cả”.
Ở Nam Dương là nước có đông Hồi Giáo nhất thế giới, có khoảng gần 300 người Hồi Giáo cực đoan đã đến đập phá ở hành lang của tòa lãnh sự Đan Mạch tại thủ đô Jakarta. Trong khi hô hoán “Allahu Akbar – Thiến Chúa là Đấng Cao Cả Nhất”, họ đập vỡ các bóng đèn bằng những chiếc gập tre, quẳng ghế ngồi, ném trứng thối và cà chua rồi xé cờ Đan Mạch, nhưng không ai bị thương.
Ở thành phố Ramallah vùng Tây Ngạn, hằng trăm người đã xuống đường được đảng Hamas tổ chức, xé lá cờ Pháp và cầm những biển ngữ với câu như: “Tấn công Vị Tiên Tri là tấn công Hồi Giáo”.
Bà Lãnh Sự Ai Cập ở Đan Mạch là Mona Omar Attia, sau khi gặp Thủ Tướng Đan Mạch Rasmussen, đã cho biết là bà bằng lòng với chủ trương của chính phủ Đan Mạch, thế nhưng bà còn cho biết rằng vị thủ tướng này đã nói là ông không thể nhúng tay vào vấn đề báo chí. Bởi vậy bà đã nói:
“Như thế có nghĩa là tất cả câu truyện sẽ được tiếp tục và chúng ta trở lại với cuộc đụng độ một lần nữa. Chính phủ Đan Mạch phải làm một điều gì đó để làm khuây khỏa thế giới Hồi Giáo”.
Vị phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Nam Dương là Yuri Thamrin đã cho biết là cuộc tranh cãi không phải chỉ xẩy ra giữa Jakarta và Copenhagen: “Nó bao gồm toàn thể thế giới Hồi Giáo liên quan tới Đan Mạch cũng như liên quan tới chiều hướng vấn đề ám ảnh Hồi Giáo”.
Quốc hội Pakistan, hôm Thứ Sáu, 3/2/2006, đã thông qua một quyết nghị lên án các bức biếm họa ấy là “lộng ngôn và xúc phạm đến uy tín”. Theo văn bản quyết nghị này thì “chiến dịch xấu xa, lăng nhục và khiêu khích này không thể nào có thể biện minh nhân danh quyền tự do phát biểu hay báo chí”.
Các hãng xưởng Đan Mạch cho biết là vấn đề buôn bán của họ đã thụt xuống ở Trung Đông sau những cuộc chống đối ở thế giới Ả Rập và những cuộc kêu gọi tẩy chay họ.
|
Các tay võ trang súng ống đã bắt và sau đó thả ra một người Đức hôm Thứ Năm, và đã ném một quả lựu đạn vào khu vực Trung Tâm Văn Hóa Pháp ở Giải Gaza. Bộ Trưởng Ngoại Giao Pháp là Philippe Souste-Blazy trong một cuộc phỏng vấn truyền hình đã lên án những cuộc phản đối này.
“Tôi hết sức phẫn nộ và không thể nào chấp nhận được là chỉ vì có những bức biếm họa ở Tây Phương mà thành phần cực đoan có thể đốt những lá cờ hay có những chủ trương bảo thủ hoặc cực đoan chứng minh thành phần biếm họa sĩ là đúng”.
Thủ Tướng Đan Mạch là Rasmussen cho biết rằng ông hy vọng tình hình sẽ sớm được cải tiến: “Nếu những cuộc xuống đường chống đối gia tăng thì có thể xẩy ra những âm hưởng không thể nào lường được nơi tất cả mọi quốc gia liên hệ và rồi vấn đề có thể gia tăng thành một vấn đề toàn cầu nữa, nên tôi nghĩ rằng vì lợi ích của nhau mà cần phải tìm một giải pháp cho vấn đề này”.
Vị chủ bút tờ nguyệt san Na Uy, tờ cũng cho in lại những tấm biếm họa Đan Mạch, đã nói rằng ông đã nhận được 25 lời đe dọa tính mạng và hằng ngàn những tín liệu hận thù.
Một vị chủ bút Jordan vì cho in lại những bức hí họa ấy, cho dù có ý cho dân Hồi Giáo của ông thấy được tầm mức phỉ báng của người Đan Mạch đối với đạo Hồi, ông cũng đã bị sa thải, đến nỗi ông đã phải viết một bức thư công khai xin lỗi: “Ôi tôi xin Thiên Chúa thứ tha cho tôi”.
Tờ nhật báo Bỉ là De Standaard đã cho in lại những bức biếm họa ấy cùng với những lá thư của các độc giả ủng hộ việc in ấn này. Chủ nhiệm của tờ này là Peter Vandermeersch đã nói với Reuter rằng: “Ở đây xẩy ra một cuộc xung khắc giữa hai thứ giá trị. Một thứ thì tôn trọng đạo giáo còn thứ kia thì tôn trọng quyền tự do ngôn ngữ”.
Những tờ nhật báo của Hiệp Vương Quốc không phổ biến những bức hí họa này, và đã được Bộ Trưởng Ngoại Giao Jack Straw ca ngợi:
“Tôi tin rằng việc tái phổ biến những bức hí họa ấy là việc không cần thiết, việc này đã từng là những gì thiếu tế nhị, đã từng là những gì bất kính và đã từng là những gì sai lầm. Tôi ca ngợi truyền thông Hiệp Vương Quốc đã chứng tỏ cho thấy tính cách hữu trách và tế nhị đáng chú ý”.
Kitô hữu ở Iraq vẫn sợ rằng họ sẽ bị tái tấn công một lần nữa, sau cuộc tấn công vào chiều tối Chúa Nhật 29/1/2006 vừa rồi.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo CNN ngày 3/2/2006