GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ HAI 6/2/2006 Tuần V Thường Niên |
? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật V Thường Niên 5/2/2006 về Việc Bênh Vực và Cổ Võ Sự Sống
? ĐTC Biển Đức XVI: Thông Điệp "THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU" (tiếp) - Phần II: VIỆC GIÁO HỘI THỰC THI YÊU THƯƠNG NHƯ LÀ MỘT ‘CỘNG ĐỒNG YÊU THƯƠNG’ (28)
? Tự Do Tây Phương Đổ Thêm Dầu Vào Lửa Hận Thù Hồi Giáo
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật V Thường Niên 5/2/2006 về Việc Bênh Vực và Cổ Võ Sự Sống
Anh Chị Em thân mến:
Hôm nay, ở Ý cử hành Ngày Phò Sự Sống, một ngày tạo nên một cơ hội quí báu cho việc cầu nguyện và suy tư về những vấn đề bênh vực và cổ võ sự sống con người, nhất là khi nó rơi vào tình trạng khó khăn. Hiện diện ở Quảng Trường Thánh Phêrô này đây có nhiều tín hữu giáo dân đang hoạt động trong lãnh vực này, một số dấn thân vào Phong Trào Phò Sự Sống.
Tôi gửi lời chào tới họ, nhất là Đức Hồng Y Camillo Ruini, vị đang ở bên họ, và tôi, một lần nữa, biết ơn hoạt động họ đang thực hiện để sự sống luôn được đón nhận như quà tặng và được nâng đỡ trong yêu thương.
Trong khi tôi mời gọi anh chị em hãy suy nghĩ về sứ điệp của các vị giám mục ý về chủ đề “Tôn Trọng Sự Sống”, tôi nhớ đến Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thân yêu của chúng ta, vị đã liên lỉ chú trọng tới những vấn đề này.
Tôi đặc biệt muốn nhắc lại thông điệp “Phúc Âm Sự Sống”, một thông điệp được ngài ban hành vào năm 1995, và là một thông điệp tiêu biểu cho nền tảng đích thực của giáo huấn Giáo Hội về một vấn đề hiện đại quyết liệt này.
Trong việc trình bày các khía cạnh về luân lý ở một môi trường bao rộng về tinh thần và văn hóa, vị tiền nhiệm đáng kính của tôi, trong một số dịp, đã khẳng định rằng sự sống con người là giá trị chính yếu cần phải được nhìn nhận, và Phúc Âm kêu gọi luôn luôn tôn trọng nó.
Theo chiều hướng của bức thông điệp mới đây của tôi về tình yêu Kitô Giáo, tôi muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng nơi “việc phục vụ của đức bác ái” để ủng hộ việc cổ võ sự sống con người. Về khía cạnh này, ngay cả trước khi thực hiện những sáng kiến hoạt động, cần phải cổ võ một “thái độ đối với nhau” một cách thích đáng: thật vậy, nền văn hóa sự sống được căn cứ vào việc chú trọng tới nhau, không loại trừ hay kỳ thị.
Có thế, “tất cả” sự sống con người đều đáng được và luôn cần được bênh vực và cổ võ. Chúng ta quá biết rằng sự thật này đang có cơ nguy bị phản khắc thường bởi chủ nghĩa khoái lạc đang lan tràn ở những xã hội được gọi là phúc hạnh: Sự sống được tôn vinh khi nó là những gì có thể hoan hưởng, thế nhưng có có khuynh hướng không còn tôn trọng nó nữa, khi nó yếu bệnh hay bị một thứ tật nguyền nào đó.
Trái lại, có được bắt đầu từ tình yêu thương sâu xa đối với mọi người, mới có thể áp dụng những hình thức hiệu nghiệm của việc phục vụ sự sống: cả sự sống mới phát sinh cũng như sự sống mang dấu vết dị thường hay đau khổ, nhất là trong giai đoạn tận cùng của nó.
Đức Trinh Nữ Maria đã lãnh nhận bằng một tình yêu trọn hảo lời sự sống là Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã đến thế gian để con người “được sự sống và là sự sống viên mãn” (Jn 10:10). Chúng ta phó dâng cho Mẹ những người nữ đang có thai, các gia đình, những tác nhân lo chăm sóc sức khỏe và thành phần tình nguyện viên dấn thân phục vụ sự sống bằng những cách thức khác nhau.
Chúng ta đặc biệt nguyện cầu cho những người đang ở trong những trường hợp khốn khó trầm trọng.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 5/2/2006
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Thông Điệp DEUS CARITAS EST – THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU
(tiếp)
PHẦN HAI
VIỆC GIÁO HỘI THỰC THI YÊU THƯƠNG NHƯ LÀ MỘT ‘CỘNG ĐỒNG YÊU THƯƠNG’
28. Để xác định rõ hơn nữa mối liên hệ giữa việc dấn thân cần thiết cho công bằng và thừa tác vụ bác ái, cần phải xét tới hai trường hợp cốt yếu sau đây:
a) Trách nhiệm chính yếu của hoạt động chính trị đó là việc thực hiện cơ cấu chính đáng cho xã hội và Quốc Gia. Đã có lần Thánh Âu Quốc Tinh nói rằng Quốc Gia nào không được cai trị theo công lý thì chỉ là một mớ trộm cướp: “Remota itaque iustitia quid sunt regna nisi magna latrocinia?” (De Civitate Dei, IV, 4: CCL 47, 102). Đối với Kitô Giáo cái phân biệt chính yếu ở đây đó là những gì thuộc về Caesar và những gì thuộc về Thiên Chúa (x Mt 22:21), nói cách khác, đó là cái phân biệt giữa Giáo Hội và Quốc Gia, hay, như Công Đồng Chung Vaticanô II diễn tả, cái quyền biệt lập của lãnh vực trần thế (Cf. Pastoral Constitution on the Church in the Modern World Gaudium et Spes, 36). Quốc Gia không được áp đặt tôn giáo, tuy nhiên, nó phải bảo đảm quyền tự do tôn giáo và tình trạng hòa hợp giữa môn đồ thuộc các đạo khác. Về phần mình, Giáo Hội, khi bày tỏ đức Tin Kitô Giáo của mình về phương diện xã hội, được quyền độc lập một cách thích đáng, và được cấu trúc theo niềm tin của Giáo Hội là một cộng đồng cần phải được Quốc Gia công nhận. Hai lãnh vực hoàn toàn biệt phân song bao giờ cũng tương liên.
Công lý vừa là mục đích vừa là qui chuẩn nội tại của tất cả mọi hoạt động chính trị. Chính trị không phải chỉ là một cơ cấu thuần túy để ấn định các thứ luật lệ cho đời sống công cộng, vì nguồn gốc và đích điểm của nó được bắt nguồn từ công lý, một thứ công lý tự bản chất của nó liên quan tới đạo lý. Quốc Gia không thể nào không đối diện với vấn đề làm thế nào để đạt được công lý ngay lúc này đây. Thế nhưng, vấn đề này còn liên quan tới một vấn đề còn sâu xa hơn nữa, đó là vấn đề công lý là gì? Vấn đề này là một vấn đề của lý trí thực tiễn; thế nhưng nếu muốn lý trí tác hành một cách thích đáng thì nó cần phải trải qua một cuộc thanh tẩy liên lỉ, vì nó không bao giờ có thể hoàn toàn thoát khỏi nguy cơ bị mù quáng về đạo lý gây ra bởi ảnh hưởng chói ngời của quyền lực và những lợi lộc đặc biệt.
Đó là chỗ chính trị và niềm tin gặp gỡ nhau. Bởi bản chất riêng biệt của mình, đức tin là việc gặp gỡ Vị Thiên Chúa hằng sống – một cuộc gặp gỡ hướng về những chân trời mới vượt ra ngoài lãnh giới của lý trí. Thế nhưng, nó cũng là một năng lực thanh tẩy cho chính lý trí nữa. Theo quan điểm của Thiên Chúa thì đức tin là những gì giải thoát lý trí khỏi những thứ đốm tối tăm mù quáng, nhờ đó giúp cho lý trí càng trở xứng đáng với chính mình hơn. Đức tin giúp cho lý trí có thể thực hiện công việc của mình một cách hiệu nghiệm hơn và thấy được đối tượng xứng hợp của nó một cách rõ ràng hơn. Đó là chỗ đứng của giáo huấn về xã hội của Công Giáo, vì giáo huấn này không có mục đích cống hiến cho Giáo Hội quyền hành trên Quốc Gia. Giáo huấn ấy lại càng không phải là một nỗ lực để áp đặt lên những ai không có cùng một niềm tin các cách thức suy nghĩ và những cung cách tác hành hợp với đức tin. Mục đích của nó chỉ là để giúp vào việc thanh tẩy lý trí cùng góp phần vào việc nhìn nhận và đạt tới những gì là chính đáng vào lúc này đây.
Giáo huấn của Giáo Hội về xã hội lập luận dựa trên lý trí và lề luật tự nhiên, tức là căn cứ vào những gì hợp với bản tính của hết mọi người. Cần phải nhìn nhận rằng trách nhiệm của Giáo Hội không phải là làm cho giáo huấn ấy chiếm được ưu thế trong sinh hoạt chính trị. Trái lại, Giáo Hội muốn giúp vào việc hình thành lương tâm trong sinh hoạt chính trị, cũng như vào việc gia tăng ý thức khôn ngoan hơn nữa nơi những đòi hỏi đích thực của công lý và vào việc sẵn sàng hơn nữa để theo đó mà hoạt động, cho dù việc sẵn sàng đáp ứng ấy có xung khắc với những trường hợp liên quan tới lợi lộc cá nhân chăng nữa. Việc xây dựng một trật tự xã hội và dân sự công bằng, trong đó mỗi người nhận được những gì xứng hợp với mình, là một công việc thiết yếu mà hết mọi thế hệ cần phải tiếp tục một cách mới mẻ. Là một công việc về chính trị, công việc này không thể là trách nhiệm trực tiếp của Giáo Hội. Tuy nhiên, vì nó cũng là một trách nhiệm nhân bản quan trọng nhất mà Giáo Hội cảm thấy có trách nhiệm buộc phải cống hiến, qua việc thanh tẩy lý trí cũng như qua việc đào luyện lương tâm, việc đóng góp đặc biệt của mình vào vấn để ý thức những đòi hỏi của công lý và chiếm đạt những đòi hỏi này về phương diện chính trị.
Giáo Hội không thể nào và không được khoác vào mình trận chiến chính trị để thực hiện một xã hội chân chính bao nhiêu có thể. Giáo Hội không thể và không được chiếm chỗ của Quốc Gia. Tuy nhiên, đồng thời Giáo Hội cũng không thể và không được đứng ngoài cuộc trong trận chiến đấu cho công lý. Giáo Hội phải đóng góp phần của mình bằng giáo huấn hợp lý, và Giáo Hội cần phải tái khơi lên nghị lực thiêng liêng là những gì nếu bị thiếu hụt thì công lý là những gì bao giờ cũng đòi phải hy sinh không thể nào nắm phần ưu thế và phát triển được. Việc chính trị, chứ không phải Giáo Hội, cần phải chiếm đạt, đó là một xã hội chân chính. Tuy nhiên, việc cổ võ công lý bằng các nỗ lực mang lại việc tâm trí cởi mở trước những đòi hỏi của công ích là những gì hết sức liên quan tới Giáo Hội.
b) Yêu thương, caritas – bác ái, bao giờ cũng cho thấy là cần thiết, cho dù trong một xã hội chính trực nhất. Không có một Quốc Gia nào có thể sắp xếp mọi sự một cách công bằng đến độ loại trừ đi được nhu cầu cần đến bất cứ một dịch vụ yêu thương. Luôn có những đau thương hằng kêu van muốn được ủi an và cứu giúp. Luôn có những cảnh đơn thân cô độc. Luôn xẩy ra những trường hợp cần đến vật chất không thể nào thiếu được việc trợ giúp cụ thể nào đó của tình yêu thương (Cf. Congregation for Bishops, Directory for the Pastoral Ministry of Bishops Apostolorum Successores (22 February 2004), 197, Vatican City 2004, p. 217). Quốc Gia là nơi cung cấp hết mọi sự, gánh vác tất cả mọi sự, cuối cùng sẽ trở thành một thứ quan liêu thuần túy không thể bảo đảm chính những gì thành phần khổ đau – hết mọi người – cần đến, tức là mối quan tâm yêu thương cá vị. Chúng ta không cần một Quốc Gia điều hành và kiểm soát hết mọi sự, mà là một Quốc Gia, theo nguyên tắc phụ trợ, rộng lượng nhìn nhận và nâng đỡ những sáng kiến bắt nguồn từ những lực lượng xã hội khác nhau, và nối kết tính cách tự phát với sự thân cận gần gũi những ai đang cần được giúp đỡ. Giáo Hội là một trong những lực lượng sống động này: Giáo Hội sống với một tình yêu thương được Thần Linh của Đức Kitô nung nấu. Tình yêu thương này không chỉ cống hiến cho dân chúng sự giúp đỡ về vật chất, mà còn bồi dưỡng và chăm sóc cho linh hồn của họ nữa, một điều gì đó thường thậm chí cần hơn là việc nâng đỡ về vật chất. Tóm lại, chủ trương rằng cấu trúc xã hội công bằng là những gì làm cho các hoạt động bác ái trở thành dư thừa là chủ trương che đậy thứ quan niệm của chủ nghĩa duy vật về con người, một thứ ý niệm sai lầm cho rằng con người có thể “sống nguyên bởi bánh” (Mt 4:4; x Deut 8:3) – một xác tín làm hạ giá con người và cuối cùng đi đến chỗ coi nhẹ tất cả những gì riêng biệt của con người.
(còn tiếp)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ
http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/encyclicals/documents/hf_ben-xvi_enc_20051225_deus-caritas-est_en.html
Văn Hóa Tây Phương Âu Châu Đổ Thêm Dầu Vào Lửa Hận Thù Hồi Giáo
Thứ Sáu, 3/2/2006, là ngày lễ chính hằng tuần của người Hồi Giáo, (như Chúa Nhật đối với Kitô Giáo và Thứ Bảy đối với Do Thái Giáo), thế giới Hồi Giáo càng tỏ ra hận dữ trước tình trạng Đạo Giáo của mình nói chung và vị Giáo Tổ Mohammed của mình nói riêng bị một số báo chí Âu Châu đưa ra diễu cợt có tính cách phỉ báng.
Ở Thánh Địa, cả hằng chục ngàn người đã diễn hành khắp các thành phố Palestine, đốt cờ Đan Mạch và kêu gọi trả thù.
Ở Iraq, khoảng 4.500 người đã xuống đường biểu tình ở thành phố Basra, đốt cờ Đan Mạch.
|
Ở Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Nam Dương và Mã Lai cũng xuống đường phản đối các quốc gia Âu Châu (Na-Uy, Pháp, Đức, Bỉ, Hòa Lan và Ý) đã để cho báo chí phổ biến những tấm biếm họa của Đan Mạch. Các tờ nhật báo ở Bỉ theo ngôn ngữ Hòa Lan và 2 tờ báo cáng hữu ở Ý đã phổ biến những bức biếm họa ấy vào chính hôm Thứ Sáu. Những tờ báo ở Ý còn có những bài xã luận phê bình truyền thông Âu Châu về việc đầu hàng trước áp lực đối với những tấm biếm họa ấy.
Luật Hồi Giáo, được hàng giáo sĩ Hồi giải thích theo Sách Quran và những lời nói của vị Tiên Tri Giáo Tổ, cấm vẽ vời vị tiên tri này và các hình ảnh tôn giáo chính yếu khác – cho dù là những tấm hình tích cực – để tránh tình trạng ngẫu tượng. Thành phần giáo sĩ Hồi thuộc phái Shiite thì hơi khác ở chỗ họ cho phép có những tấm hình về vị đại thánh của họ là Ali, người con rể của vị tiên tri giáo tổ, cho dù họ không có những tấm hình về chính vị giáo tổ.
Một vị giáo trưởng ở Đền Omari thuộc Thành Phố Gaza đã nói với 9 ngàn tín đồ của mình rằng phải lấy đầu những ai thực hiện những tấm biếm họa ấy. Vị giáo trưởng ở Nablus là Hassan Sharaf đã nói trong bài giảng của mình rằng: “Nếu họ muốn khiêu chiến tôn giáo, chúng ta rat ay liền”.
Khoảng 10 ngàn người biểu tình, trong đó có cả thành phần võ trang súng ống thuộc nhóm Hamas bắn chỉ thiên, diễn hành qua Thành Phố Gaza đến quốc hội Palestine, nơi họ trèo lên mái, vẫy lá cờ xanh của Đảng hamas và hô hoán “Hạ Thủ, Hạ Thủ Đan Mạch!”
Sợ gây ra bạo động, Do Thái đã không cho tất cả những người Palestine dưới 45 tuổi đến cầu nguyện ở khu Đền Al Aqsa Giêrusalem, nơi thánh thứ ba của thế giới Hồi Giáo. Tuy nhiên cũng có khoảng 100 nam nhân hô hoán những câu khẩu hiệu Hồi Giáo và cầm cờ xanh của Đảng hamas xuống đường bên ngoài Cổ Thành Giêrusalem.
Ở Iraq, cả hai phái Hồi Giáo là Sunni và Shiite đều lên tiếng chống lại những tấm hí họa phỉ giáo ấy trong buổi nguyện cầu Thứ Sáu, 3/2/2006, kêu gọi tẩy chay hàng hóa của Đan Mạch. Vị giáo sĩ hàng đầu phái Shiite là Grand Ayatollah Ali al-Sistani, đã lên tiếng trên mạng điện toán toàn cầu của mình hôm Thứ Ba 31/1/2006, chỉ trích những bức biếm họa song không kêu gọi chống đối:
“Chúng tôi mạnh mẽ phản đối và lên án hành động ghê tởm này”.
Vị giáo sĩ đang có uy thế lớn lao đối với đa số phái Shiite Hồi Giáo này cũng qui trách một phần lỗi cho thành phần Hồi Giáo hiếu chiến. Vị này có ý nói tới những thành phần thuộc cộng đồng Hồi Giáo “bị đánh lừa và bức bách”, và cho biết các hành động của họ “đã tung ra một hình ảnh méo mó và đen tối về một niềm tin của công lý, yêu thương và huynh đệ”.
Thủ Tướng Thổ Nhĩ Kỳ là Recep Tayyip Erdogan đã được tường trình nói rằng những bức hí họa ấy là những gì tấn công đến “những giá trị thiêng liêng của chúng tôi”, và là những gì làm hư hại những nỗ lực trong việc thiết lập mối liên minh giữa thế giới Hồi Giáo và Âu Châu. Hằng trăm người Hồi Giáo hôm Thứ Sáu, sau buổi cầu nguyện hằng tuần ở các đền thờ, đã kéo nhau xuống đường biểu tình phản đối, kể cả cuộc biểu tình trước tòa lãnh sự Đan Mạch ở thủ đô Istanbul.
Thành phần bảo thủ Hồi Giáo xuống đường bên ngoài tòa lãnh sự Đan mạch ở Mã Lai, hô hoán những câu như “Muôn năm Hồi Giáo, tiêu diệt những kẻ thù của chúng ta”.
Ở Âu Châu, các viên chức cao cấp của Hiệp Vương Quốc, Pháp và Ý chỉ trích những bức biếm họa này. Nước Áo là nước đang giữ vai chủ tịch luân phiên của Khối Hiệp Nhất Âu Châu đã bày tỏ mối quan tâm về cuộc khủng hoảng leo thang ấy.
Ở Luân Đôn, hằng trăm người xuống đường qui tụ lại ở Tòa Lãnh Sự Đan Mạch và đốt cờ nước này. Có những người phụ nữ đeo băng đầu và cầm những biển ngữ như: “Hãy giết chết kẻ nào dám xỉ nhục Vị Tiên Tri”.
Thứ Bảy 4/2/2006, ở Syria, hằng trăm người xuống đường, từng tụ họp từ ngày xẩy ra những bức biếm họa trong tuần này, cuối cùng đã vưột hàng rào cảnh sát, nhào tới tòa lãnh sự Đan Mạch ở thủ đô Damascô và nổi lửa bằng những cây đuốc đốt dinh thự này. Ở Chí Lợi và Thụy Điển các tòa lãnh sự Đan Mạch cũng bị đốt phá nữa.
Tòa Thánh Vatican, trong khi phàn nàn về những cuộc xuống đường đầy bạo động, đã cho biết nhận định của mình về việc phổ biến các bức biếm họa xuất phát từ Đan Mạch như sau: “Quyền tự do tư tưởng và phát biểu… không thể bao gồm cả quyền vi phạm tới cảm thức đạo giáo của thành phần tín hữu”.
Thành phần Hồi Giáo ở Âu Châu không dữ dội như các nơi khác thuộc nội giới Hồi Giáo như ở Trung Đông và Đông Nam Á, thế nhưng, hôm Thứ Bảy, 4/2/2006, cơn hận dữ giây chuyền đã làm cho họ không thể không bừng lên lòng nhiệt thành bênh vực đạo giáo, đã có những cuộc xuống đường thậm chí đụng độ cả với cảnh sát ở thủ đô Đan Mạch là Copenhagen, và tập trung bên ngoài tòa lãnh sự Đan Mạch ở Luân Đôn.
Bà Thủ Tướng Đức Angela Markel phát biểu ở cuộc họp an ninh quốc tế là bà hiểu được cảm xúc của người Hồi Giáo nhưng bà không chấp nhận thái độ phản ứng quá khích của họ: “Tôi có thể hiểu được những cảm thức về tôn giáo của các người Hồi Giáo bị tổn thương và vi phạm, thế nhưng tôi cũng cần phải làm sáng tỏ vấn đề là tôi cảm thấy không thể nào chấp nhận được khi thấy cái cảm thức ấy như là những gì hợp thức hóa cho việc sử dụng bạo lực”.
Vị lãnh đạo Đảng Hamas ở Palestine là Mahmoud Zahar đã nói với tờ nhật báo Ý ll Giornale là những bức biếm họa ấy là một việc “sỉ nhục không thể tha thứ” và cần phải giết chết những kẻ trong cuộc: “Chúng tôi cần phải giết chết tất cả những ai phạm đến vị Tiên Tri, nhưng thay vào đó ở đây chúng tôi phản đối một cách ôn hòa. Chúng tôi cần phải giết chết họ, chúng tôi yêu cầu một cuộc trừng phạt công minh đối với những ai không tôn trọng tôn giáo cũng như không tôn trọng những biểu hiệu linh thiêng nhất của tôn giáo”.
|
Hằng trăm người Palestine đã xuống đường hôm Thứ Bảy. Ở Thành Phố Gaza, họ đã ném đá vào tòa nhà Ủy Ban Âu Châu và nhào vô trung tâm văn hóa Đức, đập phá cửa sổ và cửa ra vào, đốt cờ Đức và Đan Mạch, và kêu gọi tẩy chay hàng hóa của Đan Mạch. Có tiếng hô qua máy phóng thanh là: “Xỉ nhục Vị Tiên Tri và xỉ nhục hết mọi người Hồi Giáo”.
Ở tỉnh Hebron thuộc vùng Tây Ngạn, khoảng 50 người Palestine đã diễn hành đến tổng hành dinh của cơ quan sứ vụ quan sát quốc tế, đốt cờ Đan Mạch, và kêu gọi tẩy chay hàng hóa Đan Mạch: “Chúng tôi sẽ chuộc lấy Vị Tiên Tri của chúng tôi là Mohammed bằng máu của chúng tôi”.
Khoảng 500 người Ả Rập Do Thái qui tụ lại một cách ôn hòa ở Nazarét, và diễn hành từ Đền As-Salam đến Đền Thờ Truyền Tin, và khi bắt đầu cuộc diễn hành thì tiếng loa phát thanh vang lên rằng: “Allah là Thiên Chúa duy nhất, và Mohammed là Vị Tiên Tri của Ngài”.
Thủ Tướng Mã Lai là Abdullah Ahmad Badawi đã nói rằng việc in ấn những bức hí họa này chứng tỏ thái độ “hiển nhiên coi thường cảm quan của Hồi Giáo về việc sử dụng những hình ảnh như thế, những hình ảnh đặc biệt là phỉ báng và bị Hồi Giáo cấm đoán”. Thế nhưng vị thủ tướng này khuyên dân chúng hãy bình tĩnh: “Hãy để cho những tay thủ phạm phỉ báng này bị trầm trọng bởi những sai lầm của họ là những gì chỉ có chính họ mới có thể và cần phải sửa sai mà thôi”.
Ở Nam Dương, Tổng Thống Susib Bambang Yudhoyono đã phản đối những bức biếm họa là những gì thiếu tế nhị, thế nhưng, “là dân có đạo, chúng ta cần phải chấp nhận lời xin lỗi của chính phủ Đan Mạch”.
Khoảng 500 người xuống đường ở thủ đô Baghdad, một số trong họ cầm biểu ngữ kêu gọi “người chân thành trên khắp thế giới đều lên án hành động này”, và đòi Khối Hiệp Nhất Âu Châu xin lỗi. Cuộc xuống đường này do thành phần theo giáo sĩ cực đoan Muqtada al-Sadr tổ chức.
Ở chính Đan Mạch, nơi có khoảng 200 ngàn người Hồi Giáo, thành phần cảm thấy rất bị xúc phạm bởi những tấm biếm họa ấy, song chưa có những cuộc xuống đường ồ ạt xẩy ra.
Chúa Nhật 5/2/2006, ở Lebanon, tại thủ đô Beirut, thành phần xuống đường đã nhào vô đốt tòa lãnh sự Đan Mạch, như hai tòa lãnh sự Na Uy và Đan Mạch đã bị đốt cháy ở thủ đô Damasco nước Syria hôm Thứ Bảy trước đó. Bộ Ngoại Giáo Đan Mạch khuyên dân Đan Mạch hãy rời khỏi Lebanon.
|
Hằng chục ngàn người Hồi Giáo phẫn uất cũng xuống đường phản đối ở các thành phố khác trên thế giới, bao gồm cả Islamabad nước Pakistan, Baghdad nước Iraq, Khartoum nước Sudan, Jakarta nước Indonesia, và các phần đất Palestine.
Những chính trị gia Labanon đã kêu gọi giữ trật tự sau khi xẩy ra những cuộc xuống đường, như sau:
“Chúng tôi không chấp nhận bất cứ hành động nào gây ảnh hưởng tới tình trạng an ninh của người khác. Những nhóm người này bao gồm những người có ý định phá hoại các sản vật, gây gương xấu cho Hồi Giáo. Hồi Giáo không có liên quan gì tới bất cứ một hành động nào như thế, bất kể người khác bất kính các vị tiên tri ra sao, những vị được Thiên Chúa nói rằng chúng ta đã bảo vệ ngươi khỏi những kẻ nhạo báng”.
Ở A Phú Hãn, thành phần xuống đường hô hoán những câu chống Đan Mạch và đốt cờ Đan Mạch ở tỉnh Mihtarlam, khoảng 100 cây số (hay 60 dặm) về phía đông thủ đô Kabul. Họ yêu cầu truy tố các tay chủ bút của tờ nhật báo Đan Mạch.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo CNN ngày 3-5/2/2006