GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ SÁU 10/3/2006 TUẦN I MÙA CHAY |
? ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II, VỊ GIÁO HOÀNG CỦA “ĐẤNG CỨU CHUỘC NHÂN TRẦN” (tiếp)
? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Các Huấn Dụ Sống Mùa Chay (tiếp)
? Tòa Thánh Rôma tại Liên Hiệp Quốc về Tình Trạng Bạo Hành Phạm Đến Nữ Giới
ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II, VỊ GIÁO HOÀNG CỦA “ĐẤNG CỨU CHUỘC NHÂN TRẦN” (tiếp ngày 7 Thứ Ba, 8 Thứ Tư, 9 Thứ Năm)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Viết để Tưởng Kính đầy năm khổ nạn cuối đời của
Người Tôi Tớ Chúa Gioan Phaolô II
Mầu Nhiệm Cứu Độ nơi
Đức Gioan Phaolô II: Sống là Chúa Kitô – Chết là Vinh Thắng (x Phil 1:21)
Nếu Mầu Nhiệm Cứu Chuộc, theo cảm nhận và chia sẻ của Đức Gioan Phaolô II được
trích dẫn và chứng thực trong bài viết này, là mầu nhiệm liên quan đến Mầu Nhiệm
Vượt Qua, tức chẳng những liên quan đến tội lỗi và sự chết, mà còn liên quan đến
cả sự sống và vinh quang nữa, thì chính bản thân và cuộc đời Giáo Hoàng của Đức
Gioan Phaolô II đã chứng thực như thế, và do đó, lại càng là một chứng cớ hùng
hồn cho khẳng định: Mầu Nhiệm Cứu Chuộc là Cốt Lõi của Giáo Triều Đức Gioan
Phaolô II.
Trước hết, về khía cạnh đau khổ và sự chết liên quan tới Mầu Nhiệm Cứu Chuộc,
mầu nhiệm mà chính Con Thiên Chúa đã phải trải qua cuộc Khổ Nạn và Tử Giá vô
cùng tang thương, nơi cuộc đời làm Giáo Hoàng của ngài, không phải hay sao,
chính bản thân của ngài đã bị ám sát, gây ra bởi một tội ác, có thể nói, mở màn
cho nạn khủng bố sau này, và cho dù có thoát chết, từ đó, bị ảnh hưởng bởi cuộc
ám sát này, sức khỏe của một con người yêu thích thể thao như ngài đã bị sa sút,
đến nỗi, nhiều lần dư luận đã cho rằng ngài sắp chết, vì ngài đã được mang vào
bệnh viện đến 10 lần, thứ tự như sau: ngày 13/5/1981 ở bệnh viện Gemelli sau khi
bị ám sát chết hụt ở Quảng Trường Thánh Phêrô; ngày 20/6/1981, tái nhập bệnh
viện này và chịu một cuộc giải phẫu thứ hai vào ngày 5/8, Lễ Đức Mẹ Xuống Tuyết;
ngày 15/7/1992, nhập cùng bệnh viện để được mổ vì cục bưới lành ở ruột; ngày
2/7/1993, được chụp CAT scan xem tình hình ra sao sau cuộc giải phẫu năm 1992;
ngày 11/11/1993, cũng tại cùng bệnh viện sau khi bị gãy xương vai bên phải; ngày
29/4/1994, lại nhập bệnh viện này vì bị ngã gay xương đùi tối hôm trước; ngày
14/8/1996, nhập bệnh viện Regina Apostolorum Clinic ở Albano để được chụp CAT
scan; ngày 8/10/1996, nhập bệnh viện Gemelli để cắt ruột dư; ngày 1/2/2005, nhập
bệnh viện Gemelli vì bộ phận hô hấp bị nhiễm trùng cấp tính, cho đến ngày 10/2;
và lần cuối cùng cấp tốc trở lại bệnh viện này vào ngày 24/2, vì cúm tái phát
gây khó thở, và ở đó cho tới ngày 13/3. Để rồi, vào ngày 31/3, bị nhiễm trùng
đường tiểu, và cuối cùng đã qua đời sau đó mấy ngày tại tông phòng của ngài ở
Vatican.
Vị tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI, trước khi được trúng tuyển làm giáo hoàng 13
ngày, tức vào hôm 8/4/2005, ở phần cuối bài giảng của mình, đã nhận định về
chung con người và về riêng cuộc khổ nạn cuối đời của Đức Gioan Phaolô II như
sau:
“Bằng việc chăn dắt đàn chiên của Chúa Kitô, Thánh Phêrô đã đi vào mầu nhiệm
vượt qua, thánh nhân đã tiến về phía thập tự giá và về cuộc phục sinh. Chúa Kitô
đã nói về điều này bằng những lời: ‘… khi con còn trẻ, con thường tự mình thắt
lưng lấy và đi đâu tùy ý con muốn’ (Jn 21:18). Trong những năm đầu của giáo
triều mình, những năm còn trẻ trung và đầy nhiệt huyết, Đức Thánh Cha đã đi đến
tận cùng trái đất theo sự dẫn dắt của Chúa Kitô. Thế nhưng sau đó, ngài càng
ngày càng đi sâu vào cuộc hiệp thông khổ đau với Chúa Kitô; càng hiểu được sự
thật của những lời này: ‘Người ta sẽ thắt lưng cho con’. Và trong chính cuộc
hiệp thông đau khổ này với Chúa Kitô một cách liên tục và càng gia tăng hơn,
ngài đã loan báo Phúc Âm, loan báo mầu nhiệm về một tình yêu thương cho đến cùng
tận (x Jn 13:1).
“Ngài đã giải thích cho chúng ta mầu nhiệm vượt qua như là một mầu nhiệm của
lòng thương xót Chúa. Trong tác phẩm cuối cùng của mình, ngài đã viết: Cái giới
hạn áp đặt trên sự dữ ‘tối hậu là Lòng Thương Xót Chúa’ (Hồi Niệm và Căn Tính,
trang 60-61). Và khi suy nghĩ về biến cố mạng sống ngài bị cố sát, ngài đã nói:
‘Trong việc hy hiến mình cho tất cả chúng ta, Chúa Kitô đã cống hiến cho đau khổ
một ý nghĩa mới, mở ra một chiều kích mới, một trật tự mới, đó là trật tự của
yêu thương… Chính cái đau khổ này đốt cháy và thiêu rụi đi sự dữ bằng ngọn lửa
yêu thương và rút ran gay từ tội lỗi cả một cuộc bừng nở đầy những thiện hảo’ (cùng
nguồn, trang 189-190). Được thôi thúc bởi nhãn quan ấy, vị Giáo Hoàng này đã
chịu đựng khổ đau và đã yêu qúi việc hiệp thông với Chúa Kitô, nên đó là lý do
tại sao sứ điệp về khổ đau của ngài cùng việc thinh lặng của ngài là những gì
thất là sống động và hiệu năng.
Không ai trong chúng ta có thể quên được cảnh tượng diễn ra hôm Chúa Nhật Phục
Sinh vừa rồi trong cuộc đời của ngài, Đức Thánh Cha, đầy những đớn đau, lại tiến
đến cửa sổ Tông Dinh của mình để ban phép lành ‘urbi et orbi – cho thành Rôma và
cho thế giới’ một lần cuối cùng”.
Tưởng cũng nên nhắc đến ở đây một chi tiết liên quan đến khổ đau và sự dữ trong
Mầu Nhiệm Cứu Chuộc là Cốt Lõi của Giáo Triều Đức Gioan Phaolô II, đó là, ngoài
khổ đau và sự dữ mà chính bản thân ngài phải chịu trong cuộc đời làm Giáo Hoàng
của mình, như giá trả thiết yếu trong việc đồng công với Đấng Cứu Chuộc Nhân
Trần để giải thoát con người hiện đại nói chung và Khối Đông Âu nói riêng khỏi
sự dữ Cộng Sản vô thần duy vật, ngài còn thiết lập Ngày Bệnh Nhân Thế Giới nữa,
từ ngày 13/5/1992, và Ngày Bệnh Nhân Thế Giới đầu tiên được tổ chức tại chính
Linh Địa Thánh Mẫu Lộ Đức vào chính Lễ Mẹ Lộ Đức 11/2/1993, và sau đó, hằng năm,
cũng vào chính ngày Lễ Mẹ Lộ Đức 11/2 này, Giáo Hội cử hành Ngày Thế Giới Bệnh
Nhân tại các Đền Thánh Mẫu khắp các châu lục, chẳng hạn như năm 2005 được tổ
chức tại Đền Thánh Mẫu ở Yaounde Cameroon, Phi Châu.
Ngoài ra, ngài còn ban hành bức Tông Thư “Khổ Đau Cứu Độ - Salvifici Doloris”
ngày Lễ Mẹ Lộ Đức 11/2/1984 trong chính Năm Thánh Cứu Chuộc., vì đau khổ của
loài người có liên hệ mật thiết với Mầu Nhiệm Cứu Chuộc của “Đấng Cứu Chuộc Nhân
Trần”. Sau đây là những lời mở đầu cho bức Tông Thư chất chứa phần nào nội dung
của nó:
“Khi loan báo về quyền năng của khổ đau cứu độ, Vị Tông Đồ Phaolô viết: ‘Tôi
hoàn tất nơi xác thịt của tôi những gì còn thiếu nơi những cuộc khổ nạn của Chúa
Kitô phải chịu vì thân thể của Người là Giáo Hội’ (Col 1:24)
“…Vị Tông Đồ này chia sẻ việc khám phá của mình và hân hoan với việc khám phá đó
vì tất cả những ai việc khám phá này có thể giúp hiểu được – như nó đã giúp cho
ngài – ý nghĩa cứu độ của khổ đau”. (đoạn 1)
“Đề tài đau khổ là những gì cần phải đặc biệt đối diện trong bối cảnh của Năm
Thánh Cứu Chuộc, và sở dĩ như thế, trước hết là vì Việc Cứu Chuộc được hoàn tất
nhờ Thập Giá của Chúa Kitô, tức là, nhờ khổ đau của Người. Đồng thời, trong Năm
Cứu Chuộc, chúng ta cũng nhắc lại sự thật được diễn tả trong bức Thông Điệp Đấng
Cứu Chuộc Nhân Trần, đó là, nơi Chúa Kitô, ‘hết mọi người trở thành đường lối
cho Giáo Hội’ (khoản 14,18,21,22). Có thể nói rằng, con người đặc biệt trở thành
đường lối cho Giáo Hội khi khổ đau xẩy ra cho cuộc sống của họ”. (đoạn 3)
(còn tiếp)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Các Huấn Dụ Sống Mùa Chay
.- (tiếp ngày 9 Thứ Năm)
9 Thứ Mùa Chay là một thời gian thích thuận ý thức hơn nữa về công cuộc cứu chuộc của Chúa Kitô và sống phép rửa một cách sâu xa hơn
(Huấn Từ cho buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư Lễ Tro 1/3/2006)
Chúng ta bắt đầu cuộc hành trình Mùa Chay 40 ngày dẫn chúng ta tới tam nhật thánh, một cuộc tưởng niệm đến việc khổ nạn, tử giá và phục sinh của Chúa Kitô, tâm điểm mầu nhiệm cứu độ của chúng ta.
Thật là một thời gian thích thuận, một thời gian Giáo Hội mời gọi Kitô hữu hãy ý thức hơn nữa về công cuộc cứu chuộc của Chúa Kitô và hãy sống phép rửa của chúng ta một cách sâu xa hơn. Thật vậy, trong giai đoạn phụng vụ này, từ những thời sơ khai Dân Chúa đã nuôi dưỡng mình một cách dồi dào bằng Lời Chúa được đức tin đào sâu, duyệt qua tất cả lịch sử tạo dựng và cứu chuộc.
Bằng một thời gian dài 40 ngày, Mùa Chay có một mãnh lực rõ ràng về vấn đề gợi ý. Nó cố gắng để nhắc lại các biến cố đánh dấu đời sống và lịch sử của dân Yến Duyên xưa, đồng thời cho chúng ta thấy cái giá trị kiểu mẫu của nó: Chẳng hạn, chúng ta hãy nghĩ tới 40 ngày của trận lụt toàn cầu, trận lụt được chấm dứt bằng việc Thiên Chúa giao ước với Noe cũng là với nhân loại, và tới 40 ngày Moisen ở trên Núi Sinai, sau đó là tặng ân các tấm bia đá Lệ Luật.
Nhất là Mùa Chay là lời mời gọi hãy sống lại cùng với Chúa Giêsu 40 ngày Người sống trong hoang địa, nguyện cầu và chay tịnh, trước khi thực hiện sứ vụ công khai của mình.
Hôm nay chúng ta cũng thực hiện một cuộc hành trình suy tư và nguyện cầu cùng với tất cả mọi Kitô hữu trên thế giới để tới Đồi Canvê một cách thiêng liêng, suy niệm về các mầu nhiệm chính yếu của đức tin. Có thế, chúng ta mới dọn mình cảm nghiệm được niềm vui Sống Lại của Lễ Phục Sinh, sau mầu nhiệm Thập Giá.
Trong tất cả mọi cộng đồng giáo xứ hôm nay đều thực hiện một cử chỉ khổ chế tiêu biểu, đó là việc xức tro. Đây là một nghi thức được kèm theo bởi hai công thức đầy ý nghĩa tạo nên một lời kêu gọi là hãy nhìn nhận mình là những tội nhân mà hãy trở về cùng Thiên Chúa. Công thức thứ nhất là: “Hãy nhờ rằng mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro” (Gen 3:19). Những lời này được trích từ Sách Khởi Nguyên, nhắc lại thân phận của con người bị lệ thuộc vào dấu hiệu của tình trạng băng hoại và giới hạn, khiến chúng ta tin tưởng hy vọng vào một mình Thiên Chúa mà thôi.
Công thức thứ hai đề cập tới những lời được Chúa Giêsu nói để mở màn cho sứ vụ công khai của Người: “Hãy hối cải và tin vào Phúc Âm” (Mk 1:15). Đó là một lời mời gọi hãy đặt nền tảng việc canh tân cá nhân và cộng đồng một cách gắn bó mạnh mẽ và tin tưởng vào Phúc Âm.
Đời sống của Kitô hữu là một đời sống đức tin, được đặt nền tảng trên Lời Chúa và được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa. Trong các cơn thử thách của cuộc đời và ở mỗi một chước cám dỗ, cái bí mật chiến thắng là ở chỗ lắng nghe Lời chân lý và cương quyết loại trừ cái gian dối của sự dữ.
Đây là chương trình chân thực và chính yếu của Mùa Chay: đó là lắng nghe Lời chân lý, sống động, nói năng và thực hiện chân lý, loại trừ những thứ dối trá đầu độc nhân loại và mở cờ cho tất cả mọi thứ sự dữ. Bởi thế, trong 40 ngày này, cần phải lằng nghe một lần nữa Phúc Âm, Lời Chúa, Lời chân lý, nhờ đó, nơi hết mọi Kitô hữu, nơi mỗi một người trong chúng ta, cái ý thức ấy đươc củng cố về sự thật được ban bố, về sự thật Người đã ban cho chúng ta, để sống sự thật ấy và trở thành chứng nhân của Người.
Mùa Chay là mùa phấn khích chúng ta hãy để cho Lời Chúa thấu nhập đời sống của chúng ta, nhờ dó chúng ta biết được sự thật nền tảng này, đó là sự thật chúng ta là ai, chúng ta từ đâu đến, chúng ta sẽ đi đâu, chúng ta cần phải đi theo con đường nào trong cuộc đời của chúng ta. Như thế Mùa Chay cống hiến cho chúng ta một cuộc hành trình khổ hạnh và phụng vụ, một cuộc hành trình, khi giúp chúng ta mở mắt mình ra trước những yếu hèn của mình, giúp chúng ta mở lòng mình ra cho tình yêu nhân hậu của Chúa Kitô.
Troing việc đem chúng ta đến gần hơn với Thiên Chúa, cuộc hành trình Mùa Chay còn giúp cho chúng ta thấy anh chị em mình cùng với các nhu cầu của họ bằng đôi mắt mới mẻ. Ai bắt đầu thấy được Thiên Chúa, chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô, thì thấy được anh chị em mình bằng đôi mắt khác, khám phá ra anh chị em mình, sự thiện của mình, sự dữ của mình, nhu cầu của mình.
Đó là lý do, Mùa Chay, vì là thời gian lắng nghe sự thật mà nó là một thời điểm thuận lợi để trở về với tình yêu, vì sự thật sâu xa này – sự thật về Thiên Chúa – đồng thời cũng là tình yêu. Một tình yêu có thể mặc lấy thái độ thương cảm và xót thương của Chúa, như tôi muốn nhắc nhở trong Sứ Điệp Mùa Chay năm nay, một sứ điệp có chủ đề là những lời Phúc Âm: “Khi Chúa Giêsu thấy đoàn lũ dân chúng thì Người động lòng thương hại họ” (Mt 9:36).
Ý thức được sứ vụ của mình trên thế giới, Giáo Hội không ngừng loan truyền tình yêu thương nhân hậu này của Chúa Kitô, Đấng tiếp tục hướng ánh mắt cảm thương của mình về con người và các dân tộc thuộc mọi thời đại: “Trước cuộc thách đố khủng khiếp của tình trạng nghèo khổ đang hành hạ rất nhiều dân số trên thế giới, thì việc dửng dưng và thái độ thu mình lại là những gì hoàn toàn tương phản với ‘ánh mắt’ của Chúa Kitô. Việc chay tịnh và bố thí, những việc cùng với việc nguyện cầu, được Giáo Hội đặc biệt phác họa trong Mùa Chay, là phương tiện thích hợp để chúng ta tuân hợp với ‘ánh mắt’ này” (đoạn 3 Sứ Điệp Mùa Chay), ánh mắt của Chúa Kitô, và để thấy được chính chúng ta, thấy nhân loại, thấy người khác, bằng ánh mắt của Người. Với tinh thần ấy, chúng ta hãy tiến vào bầu khí khổ hạnh và nguyện cầu của Mùa Chay, một mùa thực sự có bầu khí yêu thương anh chị em mình.
Chớ gì chúng là những ngày của suy tư và thiết tha nguyện cầu, những ngày chúng ta để cho Lời Chúa hướng dẫn, lời được phụng vụ đề ra cho chúng ta hết sức dồi dào phong phú. Ngoài ra, chớ gì Mùa Chay là một thời điểm chay tịnh, thống hối và tỉnh thức đối với bản thân mình, biết rằng cuộc đối chọi với sự dữ là cuộc đối chọi không bao giờ chấm dứt, vì chước cám dỗ là một thực tại thường nhật và ai cũng cảm thấy mình yếu mềm và hão huyền mơ tưởng.
Sau hết, chớ gì Mùa Chay, qua việc bố thí, là thời điểm làm lành cho người khác; chớ gì nó là một cơ hội để chia sẻ các tặng ân được lãnh nhận cho anh chị em của chúng ta, chú trọng tới nhu cầu của thành phần nghèo khổ nhất và bị bỏ rơi.
(còn tiếp)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, Tổng Hợp và Tuyển Dịch
Tòa Thánh Rôma tại Liên Hiệp Quốc về Tình Trạng Bạo Hành Phạm Đến Nữ Giới
Hôm Thứ Năm mùng 2/3/2006, vị đại diện của Tòa Thánh là bà Marilyn Ann Martone đã lên tiếng ở khóa họp của Ủy Ban Thuộc Hội Đồng Kinh Tế Và Xã Hội Của Liên Hiệp Quốc Về Vị Thế Của Nữ Giới, một khóa họp để cứu xét các đề tài của Hội Nghị Thế Giới Lần Thứ Bốn Về Nữ Giới cũng như của khóa họp đặc biệt của Tổng Công Nghị về “Nữ Giới 2000: Vấn Đề Bình Đẳng Giống Tính, Phát Triển và Bình An Cho Thế Kỷ 21”. Sau đây là nguyên văn bài diễn từ của vị nữ đại diện.
Thưa Bà Trưởng Ủy Ban,
Nhân dịp khóa họp thứ 50 của Ủy Ban Về Vị Thế Của Nữ Giới, đại biểu tôi đây xin bày tỏ việc ghi nhận về vấn đề tiến bộ đã đạt được thuận lợi cho nữ giới trong những cuộc tranh luận và bàn cãi quan trọng này, cùng với những thoái bộ ở một số lãnh vực.
Thoáng nhìn lại , ủy ban này có thể cảm thấy mãn nguyện trước sự kiện gia tăng là các vấn đề về phụ nữ đã xuất hiện trên khấu trường chính trị thế giới. Điều này được thể hiện hùng hồn nhất nơi bản Văn Kiện Đúc Kết Thượng Nghị Thế Giới vừa rồi, một thượng nghị được các nhà lãnh đạo bày tỏ niềm xác tín của họ rằng ‘việc tiến bộ đối với nữ giới là việc phát triển đối với tất cả mọi người’.
Trong các vấn đề, Thượng Nghị Thế Giới này đã có lý để đề cao đến vấn đề liên thuộc của việc phát triển, bình an và an ninh cũng như nhân quyền. Ngoài ra, nó nhấn mạnh rằng, đối với thành phần lãnh đạo thì để có được một ảnh hưởng tích cực nơi đặc biệt thành phần nữ giới nghèo hơn và yếu kém hơn, họ còn cần phải xích lại với nhau bằng hoạt động chính trị khôn ngoan, cho lợi ích của tất cả mọi dân tộc trên thế giới.
Chúng ta không được lạc mất cái mục đích của ủy ban này, một ủy ban cần phải soạn dọn những khuyến dụ và các bản tường trình cho Ủy Ban Thuộc Hội Đồng Kinh Tế Và Xã Hội Của Liên Hiệp Quốc Về Vị Thế Của Nữ Giới để cổ võ quyền lợi của nữ gới nơi các lãnh vực về chính trị, kinh tế, dân sự, xã hội và giáo dục, hầu đạt được những quyền lợi bình đẳng của con người nam nữ, và đẩy mạnh tiến bộ về xã hội cùng với những tiêu chuẩn sống tốt đẹp tự do thoải mái hơn. Bản Hiến Chương của Liên Hiệp Quốc có lý để bảo đảm việc phát động vấn đề tôn trọng phổ quát đối với nhân quyền và việc tuân thủ các thứ nhân quyền cùng với các quyền tự do căn bản, cũng như việc sử dụng guồng máy quốc tế cho vấn đề gia tăng tiến bộ về kinh tế và xã hội của tất cả mọi dân tộc.
Bởi thế, những nỗ lực để thay thế những cái bất quân bình hiện hữu cần phải được thực hiện đúng lúc, một cách cương quyết và hết sức cẩn thận. Lý tưởng nhất đó là phác họa những chính sách để phục hồi mức thăng bằng và tính cách công bình cho các cơ cấu xã hội và chính trị làm sao để chính cái thành công của những cơ cấu này thuyết phục tất cả mọi người cùng nhau hoạt động hướng tới việc thực sự tiến triển của nữ giới. Tất cả những ai muốn ủng hộ việc tiến bộ của nữ giới cần phải theo đuổi sự tiến bộ này bằng lập luận có mãnh lực về luân lý của họ. Họ sẽ không bao giờ làm được như thế nếu họ cứ muốn liên kết quyền tự do, phẩm vị và tính cách bình đẳng của nữ giới với các chính sách thiếu lành mạnh làm què quặt sự tiến bộ thực sự của nữ giới trong những thời gian gần đây.
Về các đề tài phát triển và hòa bình, theo cuộc tranh luận của vấn đề kiểm điểm này thì những thách đố hiển nhiên đối với nữ giới và những em gái, nhất là ở các xứ sở bị chi phối bởi cuộc xung đột võ khí, bởi nghèo khổ hay bởi cả hai.
Trong bối cảnh ấy, đại biểu tôi đây ghi nhận là Năm Tiểu Tín Dụng mới kết thúc đã kéo chú ý tới việc thành công đáng kể của vấn đề tiểu tài chính, một cái gì đó đã gây ảnh hưởng đặc biệt tích cực cho phần lớn các hãng xưởng của nữ giới ở các nước đang phát triển. Đây là một hiện tượng đã được các Giáo Hội Công Giáo địa phương ủng hộ rất nhiều năm, qua những hoạch định song song cũng như qua những số nợ nhỏ bất chính thức cho thành phần nghèo có nhu cầu không đạt tiêu chuẩn của các cơ cấu về tài chính. Thật là phấn khởi khi thấy tính cách nhẫn nại của thành phần nữ giới nghèo, tính cách chân tình và việc chuyên cần của họ đã được tưởng thưởng như thế ở nhiều nơi, và thật là phấn khởi trước sự chú trọng tới việc cải tiến các cơ cấu là những gì sẽ trợ giúp vào việc thành đạt rộng rãi và liên tục của các sáng kiến mới về lãnh vực này.
Vấn đề không còn nghi hoặc mấy nữa đối với việc vào năm 2050 chúng ta sẽ bất ngờ chứng kiến thấy cái mầu xám của dân số thế giới trong lịch sử được ghi nhận của nhân loại cho đến nay. Nữ giới nói chung vẫn sống lâu hơn nam giới, thế nhưng những người phụ nữ lão thành đôi khi cảm thấy tủi nhục vì bị coi thường bởi thành phần lập pháp và các cơ quan được lập nên để chăm sóc cho các mối quan tâm của nữ giới. Bởi thế, cần phải tái cứu xét những chính sách nhắm tới phụ nữ lão thành, những người thường đã chăm sóc cho kẻ khác trong thời thành nhân của mình, và là những người theo đức công bình phải nhận được việc trợ giúp xứng hợp theo công khó của họ.
Đối với thành phần di dân, nói chung, họ là thành phần tiêu biểu cho 2.9% dân số thế giới, tức khoảng 185-192 triệu người, gần nửa là phụ nữ. Thường xẩy ra là thành phần di dân nữ giới đã trở thành nguồn lợi tức chính yếu cho gia đình của họ. Các cơ hội cho công ăn việc làm thông thường nhất đối với nữ giới, ngoài công việc nội trợ, là ở chỗ giúp người già, chăm sóc bệnh nhân và làm việc ở các khách sạn. Cả ở những lãnh vực này nữa cần phải bảo đảm việc đối xử công bình đối với thành phần nữ giới di dân, vì tôn trọng nữ tính của họ, tỏ ra công nhận quyền bình đẳng của họ.
Về một vấn đề liên hệ, đó là việc buôn bán con người đã đặc biệt có một ảnh hưởng tiêu cực đối với nữ giới. Trong một số trường hợp, có những phụ nữ và em gái bị khai thác hầu như là thành phần nô lệ cho việc làm của họ, và thường cả trong kỹ nghệ tình dục nữa. Thứ văn hóa phấn khích việc khai thác tình dục có tổ chức lan tràn thiếu lành mạnh cho xã hội và cần phải giải quyết không phải chỉ bằng lời nói xuông.
Có lẽ chúng ta cần phải thêm ở đây là, trong các cuộc xung đột vũ khí, nữ giới và các em gái là thành phần nạn nhân của việc hiếp dâm có tổ chức cho các mục đích chính trị. Những ai cho phép, khuyến khích hay ra lệnh những hành động như thế đáng bị trừng phạt cùng với những thủ phạm trực tiếp gây ra các tội ác ấy, ngoài ra cần phải tôn trọng việc bảo vệ nữ giới theo Khoản 27 của Công Ước Geneva Thứ 4, cũng như các Nghị Định Thư Phụ Thêm I và II.
Một lần nữa Tòa Thánh mạnh mẽ lên án việc bạo hành tình dục thường nhắm vào nữ giới và nữ nhi, cùng khuyến khích việc ban hành các luật lệ để bênh vực họ cách hiệu lực cho khỏi những hành động bạo lực ấy. Nhân danh việc tôn trọng cần phải đó đối với con người, chúng ta cũng không quên lên án thứ văn hóa đang lan tràn khuyến khích việc khai thác tình dục có tổ chức và làm băng hoại ngay cả các em nữ nhi rất trẻ trong việc sử dụng thân xác của các em cho lợi lộc của một thứ kỹ nghệ 3 tỉ Mỹ kim trên khắp thế giới.
Phong trào nữ giới đã được diễn tả như là ‘một đại tiến trình giải phóng nữ giới’. Cuộc hành trình này là một cuộ chành trình khó khăn và phức tạp, có những lúc, không thế tránh được lầm lỗi. Thế nhưng nó chính yếu là một phong trào có tính cách tích cực, cho dù nó vẫn chưa được hoàn thành, vì tất cả mọi con người thành tâm thiện chí sẽ nỗ lực làm cho nữ giới được công nhận, tôn trọng và tri ân theo phẩm vị riêng biệt của họ.
Xin cám ơn Bà Trưởng Ủy Ban
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 3/3/2006