GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
CHÚA NHẬT 12/3/2006 TUẦN II MÙA CHAY |
? Giáo Hoàng Biển Đức XVI với Nhóm Linh Mục và Chủng Sinh Chính Thống Hy Lạp
? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Các Huấn Dụ Sống Mùa Chay (tiếp)
Giáo Hoàng Biển Đức XVI với Nhóm Linh Mục và Chủng Sinh Chính Thống Hy Lạp
Sau đây là bài diễn từ của Giáo Hoàng Biển Đức XVI ngỏ cùng nhóm linh mục và chủng sinh thuộc viện thần học ‘Apostoliki Diakonia’ của Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp tại Sảnh Đường Consistory ngày Thứ Hai 27/2/2006.
Quí Vị Tu Viện Trưởng,
Quí Linh Mục, Chủng Sinh và
Tất cả những ai tham dự việc đến Rôma ‘viếng thăm học hỏi’
Nhân dịp tôi hân hoan và cảm tạ tiếp đón dịp quí vị lần đầu tiên viếng thăm Rôma đây, tôi muốn nhắc lại một lời khuyến dụ của Thánh Ignatio, vị đại Giám Mục ở Antioch ngỏ cùng giáo đoàn Êphêsô: ‘Hãy chịu khó gặp gỡ thường xuyên hơn để dâng lời tạ ơn Thiên Chúa và chúc tụng Ngài. Vì nếu anh em thường xuyên gặp gỡ thì các quyền lực của sự dữ sẽ bị khống chế và công việc của tử thần sẽ bị hủy hoại bởi tình trạng hòa hợp niềm tin của anh em”.
Ở vào lúc mở màn cho đệ nhị thiên kỷ đây, đối với Kitô hữu Đông phương và Tây phương, các quyền lực sự dữ vẫn hoạt động nơi những cuộc tranh luận còn kéo dài giữa chúng ta.
Tuy nhiên, trong 40 năm qua, nhiều dấu hiệu khả quan đầy hy vọng đã khiến chúng ta thoáng thấy được một rạng đông mới, rạng đông của một ngày mà chúng ta sẽ hoàn toàn hiểu được rằng việc gắn bó chặt chẽ với tình yêu Chúa Kitô thực sự là việc tìm một cách thực tế nào đó để thắng vượt những thứ chia rẽ của chúng ta bằng việc hoán cải tư riêng cũng như cộng đồng, bằng việc thực hành lắng nghe nhau và cầu nguyện chung cho mối hiệp nhất của chúng ta.
Trong số những dấu hiệu phấn khởi của cuộc hành trình này, một cuộc hành trình gay go nhưng bất khả châm chước, tôi xin nhắc lại việc phát triển tích cực mới đây về mối liên hệ giữa Giáo Hội Rôma và Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp. Các hình thức khác nhau của việc hợp tác và những dự phóng, những gì giúp cho việc hiểu biết nhau sâu xa hơn, cũng như giúp vào việc nuôi dưỡng vấn đề hình thành những thế hệ trẻ trung nhất, đã được diễn tiến sau cuộc gặp gỡ đáng nhớ ở Areopagus Nhã Điển giữa Vị Tiền Nhiệm yêu dấu của tôi là Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và Đức Christodoulos, Tổng Giám Mục Nhã Điển và Toàn Quốc Hy Lạp.
Việc trao đổi về những chuyến viếng thăm, về kiến thức uyên thâm và về việc hợp tác nơi lãnh vực biên tập đã cho thấy là một phương tiện hữu hiệu cho vấn đề gia tăng đối thoại và kiên cường đức ái, một đức ái làm trọn lành cuộc sống, và, như Thánh Ignatio còn nói, và cùng với nguyên tắc, với đức tin, nó sẽ có thể thắng vượt tình trạng bất đồng trên thế giới này.
Tôi ân cần cám ơn Apostoliki Diakonia về chuyến viếng thăm Rôma này cũng như về những sáng kiến liên quan tới việc đào luyện đang phát triển qua Tiểu Ban Công Giáo Về Việc Hợp Tác Văn Hóa với Chư Giáo Hội Chính Thống theo chiều hướng của Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo. Tôi tin rằng đức bác ái hỗ tương là những gì có thể duy trì được tính cách sáng tạo của chúng ta và dẫn chúng ta bước vào những con đường mới mẻ.
Chúng ta cần phải đương đầu với những thứ thách đố đang đe dọa tới đức tin, phải vun trồng thứ đất mùn đã làm phì nhiêu Âu Châu qua nhiều thế kỷ, phải tái xác nhận các thứ giá trị Kitô Giáo, phải cổ võ hòa bình và gặp gỡ, ngay cả trong những điều kiện khó khăn nhất, và phải củng cố những yếu tố đức tin và đời sống giáo hội có thể dẫn chúng ta tới mục đích trọn vẹn hiệp thông trong chân lý và đức ái, nhất là hiện nay là lúc toàn thể cuộc đối thoại chính thức giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Chính Thống đang tái diễn hành trình của mình với một nghị lực mới.
Trong đời sống Kitô Giáo thì đức tin, đức cậy và đức mến là những gì sát cánh với nhau. Chứng từ của chúng ta trong thế giới ngày nay sẽ trở thành chân thực hơn và hiệu nghiệm hơn, nếu chúng ta nhận thức rằng con đường dẫn đến hiệp nhất đòi tất cả chúng ta phải có một đức tin sống động hơn, một đức cậy mạnh mẽ hơn, và một đức mến thực sự trở thành niềm hứng khởi sâu xa nhất muôi dưỡng mối liên hệ hỗ tương của chúng ta! Tuy nhiên, đức cậy cần phải được thực hành một cách nhẫn nại và khiêm tốn, cũng như cần phải tin tưởng vào Đấng hướng dẫn chúng ta.
Cho dù nó dường như không ở vào ngay tầm tay với của chúng ta, mục đích của mối hiệp nhất giữa thành phần môn đệ Chúa Kitô không ngăn cản chúng ta việc chúng ta sống với nhau trong đức ái ở tất cả mọi cấp độ, từ giây phút này đây. Không có nơi nào hay lúc nào tình yêu được mô phạm theo tình yêu của Vị Sư Phụ chúng ta là Chúa Giêsu lại trở thành thừa thãi cả; tình yêu không thể nào lại bất khả trở thành một ngõ tắt tiến tới mối trọn vẹn hiệp thông.
Tôi xin quí vị giúp chuyển đạt những niềm cảm mến của tình yêu thương huynh đệ chân thành của tôi tới Đức Christodoulos. Ngài đã ở với tôi ở Rôma đây để chào vĩnh biệt Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Chúa sẽ cho chúng ta thấy những cách thức và những thời điểm canh tân việc gặp gỡ của chúng ta trong bầu khí vui mừng của một cuộc gặp gỡ ah em với nhau.
Chớ gì việc viếng thăm của quí vị đạt được mọi sự như ý. Chớ gì Phép Lành của tôi ở cùng quí vị.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo
http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2006/february/documents/hf_ben-xvi_spe_20060227_apostoliki-diakonia_en.html
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Các Huấn Dụ Sống Mùa Chay
.- (tiếp ngày 9 Thứ Năm, 10 Thứ Sáu, 11 Thứ Bảy)
9 Thứ Bài Giảng Thứ Tư Lễ Tro 1/3/2006 tại Đền Thờ Santa Sabina ở Aventine Hill
Quí Hồng Y,
Quí Huynh trong Hàng Giáo Phẩm và hàng Linh Mục,
Anh Chị Em thân mến,
Cuộc diễn hành thống hối được chúng ta lợi dụng để bắt đầu việc cử hành hôm nay đã giúp chúng ta tiến vào một bầu khí chính yếu của Mùa Chay, đó là một cuộc hành trình hoán cải chung cũng như riêng và canh tân tâm hồn.
Theo truyền thống Rôma rất cổ xưa về các chặng – stationes Mùa Chay thì trong mùa này, tín hữu cùng với thành phần hành hương hằng ngày tập trung lại và dừng lại – station – ở một trong nhiều ‘nơi tưởng niệm’ của các vị Tử Đạo được Giáo Hội Rôma thiết lập.
Ở những Đền Thờ là nơi có các hài tích của các vị có cử hành Thánh Lễ, trước đó có cuộc diễn hành hát kinh cầu Các Thánh. Nhờ đó, tất cả những ai làm chứng cho Chúa Kitô bằng máu của mình đều được tưởng niệm, và như thế trở thành một yếu tố phấn khích cho mỗi người Kitô hữu trong việc phục hồi lòng gắn bó của họ với Phúc Âm.
Những nghi thức này vẫn còn giá trị của mình, cho dù thời gian có qua đi nhiều thế kỷ, vì chúng nhắc nhở tính cách quan trọng trong việc chúng ta chấp nhận những lời của Chúa Giêsu ở thời đại của chúng ta đây một cách dứt khoát, đó là ‘Nếu ai muốn theo Thày thì hãy bỏ bản thân mình đi, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Thày’ (Lk 9:23).
Một nghi thức khác nữa, một cử chỉ chuyên biệt thích hợp với ngày đầu tiên của Mùa Chay, đó là việc bỏ tro. Ý nghĩa sâu xa nhất của cử chỉ bỏ tro này là gì?
Thật sự thì đây không phải là những gì thuần nghi thức, mà là một cái gì đó rất sâu xa chạm tới tâm hồn của chúng ta. Nó làm cho chúng ta hiểu được tính cách hợp thời của lời Tiên Tri Joel khuyên nhủ được vang vọng trong Bài Đọc Thứ Nhất, lời khuyên nhủ vẫn còn giá trị đáng kể của nó đối với chúng ta, đó là những cử chỉ bề ngoài bao giờ cũng cần phải được ăn khớp với tấm lòng chân thành và cử chỉ nhất trí.
Thật thế, vị tác giả được linh ứng này nghĩ rằng có ích lợi gì khi chúng ta xé áo mà lòng chúng ta vẫn còn cách xa Chúa chứ, tức là còn xa sự thiện hảo và công lý? Những gì thực sự đáng kể đó là việc trở về với Thiên Chúa bằng tấm lòng chân thành thống hối ăn năn để được Ngài xót thương (x Jl 2:12-18).
Một tấm lòng mới và một thần trí mới là những gì chúng ta xin qua Bài Thánh Vịnh thống hối tuyệt vời, bài thánh vịnh Thương Xót – Miserere, bài thánh vịnh xót thương chúng ta hôm nay xướng lên với lời đáp ca: ‘Ôi Chúa, xin xót thương vì chúng con đã phạm tội’ (Sách Lễ Chúa Nhật).
Người tín hữu đích thực, nhận biết mình là một tội nhân, với tất cả con người của mình – thần trí, tâm hồn và thân xác – mong được Thiên Chúa thứ tha, như mong được tân tạo là những gì có thể mang lại niềm vui và hy vọng cho mình (x Ps 51[50]:3,5,12,14).
Một khía cạnh khác của linh đạo Mùa Chay đó là những gì chúng ta có thể diễn tả như ‘chiến đấu tính’, một tính chất xuất hiện trong ‘Lời Nguyện’ hôm nay, lời nguyện đề cập tới cả ‘các thứ vũ khí’ thống hối và ‘trận chiến đấu’ chống lại sự dữ.
Hằng ngày, nhất là trong Mùa Chay, Kitô hữu cần phải đương đầu với một cuộc chiến đấu, như cuộc chiến đấu Chúa Kitô đã trải qua trong hoang địa xứ Giuđêa, nơi Người đã bị ma quỉ cám dỗ 40 ngày, và rồi trong Vườn Nhiệt, lúc Người chế ngự chước cám dỗ trầm trọng nhất để chấp nhận ý muốn của Cha cho đến tận cùng.
Nó là một cuộc chiến đấu thiêng liêng chống lại tội lỗi và cuối cùng là chống lại Satan. Nó là một cuộc chiến đấu bao gồm toàn thể con người và đòi phải chuyên tâm và liên lỉ tỉnh thức.
Thánh Âu Quốc Tinh đã nhận định là những ai muốn tiến bước trong tình yêu mến Thiên Chúa và trong tình thương của Ngài không thể nào mãn nguyện với việc dứt bỏ mình khỏi các trọng tội và tử tội, mà còn ‘phải thực hiện sự thật nữa, ở chỗ cũng nhận ra cả những tội lỗi được cho là ít trầm trọng…, và tiến đến với ánh sáng bằng việc thực hiện các hành động xứng đáng. Cho dù là những tội lỗi ít trầm trọng, song nếu coi thường chúng, chúng cũng nẩy sinh và sán xuất ra sự chết’ (In Io. evang. 12, 13, 35).
(còn tiếp)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo
http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/homilies/2006/documents/hf_ben-xvi_hom_20060301_ash-wednesday_en.html
? Tội và Xưng Tội
Mùa Chay là thời thích hợp để nói về tội và xưng tội.
Hiện nay ở Việt Nam chính quyền đang tập trung lập lại trật tự giao thông trên đường. Khác với những chiến dịch lửa rơm quen thuộc, lần này xem ra cảnh sát giao thông rất quyết tâm làm đến nơi đến chốn với những biện pháp xử phạt thật gắt gao. Giáo dục ý thức tôn trọng luật pháp với những chiến dịch ra quân rầm rộ hay với những chương trình về an toàn giao thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng và ở nhà trường xem ra ít có hiệu quả, nhưng kể từ khi người lái xe vi phạm luật, dù nặng dù nhẹ, đều bị phạt và thường phạt nặng bằng tiền, bằng giam xe hoặc tịch thu xe và tịch thu bằng lái, thì người ta mới biết sợ và bắt đầu tôn trọng luật lệ giao thông.
Tôi nghĩ tới câu giáo lý đã học thời còn nhỏ về hai cách ăn năn tội: ăn năn tội cách trọn là vì lòng yêu mến Chúa mà lo buồn chê ghét tội lỗi đã phạm tới Người, còn ăn năn tội cách chẳng trọn là lo buồn chê ghét tội vì tội làm cho mình đáng bị hình phạt hỏa ngục. Một đàng vì Chúa, một đàng vì mình. Tuy chưa hoàn hảo, nhưng sợ tội, ghét tội vì sợ hình phạt cũng là một điều tốt, có giá trị giáo dục. Cũng như sợ bị phạt mà tuân hành luật giao thông đã là bước đầu có thể đưa tới việc hình thành một ý thức tôn trọng luật lệ vì công ích (mà chính mình cũng được hưởng). Ðây mới là mục tiêu phải nhắm tới, còn nếu chỉ vì sợ phạt thì nay mai một khi không còn cảnh sát kiểm tra gắt gao nữa, tình hình vô trật tự lại tái diễn mà thôi! Ngày xưa, người công giáo chúng ta thường được nghe đọc cuốn sách Gương Tội kể lại những hình phạt khủng khiếp mà người có tội phải chịu. Mục đích cuốn sách là để giúp ta thêm lòng sợ tội và tránh phạm tội. Thời đó, các linh mục giảng dạy, nhất là trong các tuần đại phúc Mùa Chay, thường tận dụng những câu chuyện như thế để đánh động giáo dân. Một việc làm hữu ích dựa vào thực tế nhưng nếu dừng lại ở đó, người ta sẽ tạo ra một loại Kitô hữu non nớt, chỉ "giữ đạo" vì sợ hãi. Một con vật bị đánh nhiều lần vì làm một điều bị chủ cấm, sẽ biết sợ và tránh tái phạm nhưng nó không bao giờ vươn tới một ý thức về tội lỗi. Trong giáo lý công giáo, tội không phải chỉ là vi phạm một mệnh lệnh, (tự nó vốn là một điều vô tri vô giác), nhưng tội là phạm tới chính Thiên Chúa là Ðấng ra lệnh, và Người ban hành mệnh lệnh vì lợi ích của chính con người.
Trong ý thức đó, thánh Lu-y vua nước Pháp đã dạy con: "Con ơi, con phải giữ mình, tránh xa mọi điều con biết là mất lòng Thiên Chúa, nghĩa là tránh xa mọi tội trọng. Thà cam lòng chịu mọi loại khổ hình còn hơn là phạm một tội trọng". Sợ tội như thế mới là chính đáng.
Tội là Một Thứ Bệnh
Trong Tân Ước, tội thường được ví như một căn bệnh. Bệnh tật tượng trưng cho tình trạng mà con người tội lỗi đã rơi vào: họ mù loà, bị câm, bị điếc, bị bại liệt .. về mặt tinh thần. Bệnh làm hại sức khỏe thể xác thế nào thì tội cũng đi ngược với sức khỏe tâm hồn như vậy. Vì thế, việc chữa bệnh mà Chúa Giêsu thực hiện cũng là một dấu chỉ về hành động cứu độ của Người: Người phục hồi sức khoẻ tinh thần cho con người, tái lập tình trạng nguyên tuyền "thiêng liêng" cho họ như Thiên Chúa đã muốn từ thuở đầu. Chúa Giêsu đến trần gian như vị lương y của tội nhân (x. Mc 2, 17)
Tự nhiên ai cũng sợ bệnh tật vì ai cũng muốn sống khỏe mạnh cả. Hiện nay đang có một bệnh dịch viêm phổi do vi-rut lạ xuất hiện tại một số nước, khiến cho cả thế giới quan tâm. Ở Hà Nội, bệnh này đã được khống chế và không lây lan ra cộng đồng. Khi bệnh mới được phát hiện, quần chúng lo sợ, tranh nhau đi mua khẩu trang. Tôi nghĩ, (theo logic Kitô giáo) đáng lý chúng ta phải sợ tội hơn sợ bệnh, dù là bệnh nan y vì linh hồn cao quý hơn thể xác, sự sống vĩnh cữu cao quý hơn sự sống tạm thời. Nhưng thực tế thường không đi theo logic.
Cũng giống như bệnh tật, tội có thứ quen thứ lạ, thứ cũ thứ mới. Sở dĩ có tội mới là vì hoàn cảnh sống thay đổi hoặc vì ý thức đạo đức con người trở nên tinh tế hơn. Công Ðồng Vatican II trong Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng nêu lên một thí dụ rất hợp thời: "... Có người lại coi nhẹ một số luật lệ trong đời sống xã hội, chẳng hạn những luật lệ liên quan tới việc bảo vệ sức khỏe, hoặc việc lưu thông xe cộ, bởi vì họ không nhận thức rằng do bất cẩn như thế sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng của họ và của những người khác" (số 30). Thế nhưng chắc các linh mục ngồi toà giải tội chưa hề nghe ai xưng tội lái xe ẩu gây tai nạn cho kẻ khác (?). Cũng chắc chưa có giáo dân nào xưng tội phá hoại môi trường chẳng hạn. Như Công Ðồng nhận định, bản xét mình của nhiều người công giáo vẫn loay hoay trong phạm vi của một nền "luân lý cá nhân chủ nghĩa", ít quan tâm tới phạm vi luân lý xã hội.
Sợ Đi Khám Bệnh
Không ít người sợ bệnh nhưng cũng rất sợ đi khám bệnh. Họ nói khám bệnh sẽ "lòi" ra "đủ thứ". Nghĩa là họ sợ bệnh nhưng không muốn nghe nói tới bệnh, không muốn đương đầu với thực tế đáng lo ấy, trừ ra khi bệnh tật đã phát ra hiển nhiên, không thể tránh được nữa. Có khi họ nghi mình đã mắc bệnh nhưng chẳng thà "ém nhẹm" nó trong mình, nửa tối nửa sáng còn hơn là công khai nhìn nhận mình có bệnh, nhất là bệnh nan y!
Cũng thế, nhiều người rất sợ "xét mình", nghĩa là hồi tâm nhìn vào đời sống mình cách nghiêm túc, lấy Lời Chúa soi rọi vào tâm hồn mình vì sợ Lời Chúa cật vấn mình, phê phán mình, đòi mình phải hoán cải … Họ nghĩ bụng: Chưa chết đâu, đợi đến lúc ngay ngập rồi sẽ hay! Họ càng sợ xưng tội hơn. Ðôi khi không hẳn vì họ thiếu đức tin hay vì bê bối, nhưng chỉ vì một vấn đề tâm lý khó vượt qua, nhất là đối với người đàn ông. Mùa Chay thay vì mang lại cho họ niềm vui được đổi mới thì lại làm cho họ thêm khổ tâm. Trong mục vụ, thiết tưởng các linh mục nên giúp những người như thế dễ đến với Bí tích Hòa giải hơn nhờ thái độ cởi mở, hòa nhã, tế nhị, hiểu biết tâm lý, thế nào cho họ cảm thấy được lòng thương xót của Chúa đối với tội nhân. Linh mục phải là lương y hơn là quan tòa. Tại sao ngày xưa người tội lỗi thích đến với Chúa Giêsu còn tội nhân ngày nay nhiều lúc lại sợ Giáo Hội, sợ linh mục đến thế? Không nên trả lời quá mau, quá dễ dàng. Mùa Chay không phải chỉ được lập ra cho giáo dân mà thôi nhưng cho tất cả mọi người môn đệ Chúa Giêsu.
Lm Nguyễn Hồng Giáo, dòng Phanxicô