GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ HAI 13/3/2006

 TUẦN II MÙA CHAY

 

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật II Mùa Chay 12/3/2006 về Biến Cố Chúa Giêsu Biến Hình

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Các Huấn Dụ Sống Mùa Chay (tiếp)

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI Cầu Kinh Mân Côi với Giới Trẻ qua Vệ Tinh Viễn Liên Truyền Hình

 

 

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật II Mùa Chay 12/3/2006 về Biến Cố Chúa Giêsu Biến Hình

 

Anh Chị Em thân mến!

 

Sáng hôm qua tuần phòng đã chấm dứt, một tuần phòng được giảng ở đây, trong Tông Điện, bởi một vị giáo chủ hưu trí ở Venice, đó là Đức Hồng Y Marco Cé. Đó là những ngày hoàn toàn giành để lắng nghe Chúa là Đấng luôn nói với chúng ta, nhưng cũng là Đấng mong chúng ta chuyên tâm hơn, nhất là trong Mùa Chay này.

 

Đoạn Phúc Âm hôm nay cũng nhắc nhở chúng ta về điều này, khi trình thuật biến cố Chúa Kitô biến hình trên Núi Tabor. Bàng hoàng trước Vị Chúa biến hình, Đấng đã nói chuyện với Moisen và Elia, Phêrô, Giacôbê và Gioan bỗng nhiên được một đám mây vây phủ và từ đám mây có tiếng phán ra rằng: ‘Này là Người Con yêu dấu của Ta, hãy lắng nghe Người’ (Mk 9:7).

 

Khi con người được ơn cảm nghiệm mãnh liệt về Thiên Chúa thì họ như thể thấy một điều gì đó giống như những gì các môn đệ cảm nghiệm được trong biến cố Biến Hình: Vì trong chốc lát họ cảm thấy trước một cái gì đó sẽ làm nên hạnh phúc thiên đàng. Nói chung thì nó là những cảm nghiệm ngắn ngủi được Chúa ban cho vào những dịp nào đó, nhất là trước khi xẩy ra những cơn thử thách dữ dội. Tuy nhiên, không ai sống ‘trên núi Tabor’ khi còn ở trên đời này cả. 

 

Cuộc sống của con người là một cuộc hành trình đức tin, và bởi đó tiến bước trong tăm tối hơn là trong ánh sáng rạng ngời, với những lúc mù mịt và thậm chí có những lúc rất ư là tăm tối. Trong khi chúng ta còn sống trên trần gian này thì mối liên hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa được phát triển nhờ ở việc lắng nghe hơn là trông thấy; và ngay cả trong trường hợp chiêm niệm, có thể nói, bằng đôi mắt nhắm lại, xẩy ra là nhờ ánh sáng nội tâm thắp lên trong chúng ta do lời Chúa.

 

Chính Trinh Nữ Maria, cho dù Mẹ có là một tạo vật gần gũi Thiên Chúa nhất, cũng đã bước đi từ ngày này qua ngày khác như một cuộc hành trình đức tin vậy (x Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, số 58), bằng việc liên lỉ gìn giữ và suy niệm trong lòng mình lời Chúa nói với Mẹ, hoặc qua Sách Thánh hay qua các biến cố nơi đời sống Con của Mẹ, là tất cả những gì nhờ đó Mẹ nhận biết và chấp nhận tiếng nói nhiệm mầu của Chúa.

 

Bởi thế, tặng ân và việc dấn thân cho mỗi một người chúng ta trong Mùa Chay đó là như Mẹ Maria lắng nghe Chúa Kitô. Hãy lắng nghe Người nơi ngôn từ được trình bày trong Sách Thánh. Hãy lắng nghe Người ở ngay chính các biến cố đời sống của chúng ta, cố gắng đọc thấy nơi chúng những sứ điệp quan phòng. Hãy lắng nghe Người, sau hết, nơi anh chị em của chúng ta, nhất là nơi thành phần bè mọn và nghèo khổ, thành phần được chính Chúa Giêsu xin chúng ta hãy thực hiện tình yêu thương một cách cụ thể. Hãy lắng nghe Chúa Kitô và hãy vâng theo tiếng nói của Người. Đó là đường lối duy nhất dẫn tới niềm vui và yêu thương.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 12/3/2006

 

TOP

 

 ?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Các Huấn Dụ Sống Mùa Chay

 

 .-        (tiếp ngày 9 Thứ Năm, 10 Thứ Sáu, 11 Thứ Bảy, 12 Chúa Nhật)

 

9 Thứ     Bài Giảng Thứ Tư Lễ Tro 1/3/2006 tại Đền Thờ Santa Sabina ở Aventine Hill

 

(tiếp)

 

Mùa Chay bởi thế nhắc nhở chúng ta rằng đời sống Kitô Giáo là một cuộc chiến đấu không ngừng mà khí giới được sử dụng để chiến đấu đó là việc nguyện cầu, chay tịnh và thống hối. Việc chiến đấu chống lại sự dữ, chống lại hết mọi hình thức vị kỷ và thù ghét, và việc chết đi cho chính mình để sống trong Thiên Chúa là cuộc hành trình khổ chế mà hết mọi người môn đệ của Chúa Giêsu được kêu gọi thực hiện bằng lòng khiêm tốn và nhẫn nại, với lòng quảng đại và kiên trì.

 

Việc đơn sơ dễ dạy theo Vị Sư Phụ thần linh này làm cho Kitô hữu trở thành những chứng nhân và tông đồ của bình an. Chúng ta có thể nói rằng thái độ nội tại này cũng giúp chúng ta làm sáng tỏ hơn nữa những gì Kitô hữu cần phải đáp ứng trước tình trạng bạo động đang đe dọa hòa bình trên thế giới này.

 

Việc đáp ứng này chắc chắn không phải là việc trả đũa, hay việc hận thù hoặc thậm chí việc chiến đấu theo chủ nghĩa duy linh sai lạc. Việc đáp ứng của những ai theo Chúa Kitô, trái lại, là việc theo đường lối được chấp nhận bởi Đấng, khi đương đầu với các sự dữ trong thời đại của mình cũng như trong tất cả mọi thời đại, đó là cương quyết ôm lấy Thánh Giá, đi theo con đường dài hơn nhưng lại là con đường hiệu nghiệm hơn của yêu thương.

 

(Biệt chú của người dịch bản Việt ngữ đây là phải chăng Đức Thánh Cha có ý nói tới trường hợp đặc biệt ở Nigeria tháng trước liên quan tới vụ Kitô hữu ở miền nam nước này đã phản ứng bạo động phạm đến anh chị em Hồi giáo ở miền bắc vào ngày Thứ Ba 26/2/2006, bằng việc sát hại và hủy hoại giống như họ đã gây ra cho anh chị em đồng đạo của mình ở miền bắc nước này?)

 

Theo bước chân của Người và liên kết với Người, chúng ta tất cả cần phải nỗ lực chống lại sự dữ bằng sự lành, chống lại lầm lạc bằng chân lý và chống lại hận thù bằng yêu thương.

 

Trong Thông Điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu, tôi đã muốn trình bày tình yêu này như bí quyết của việc chúng ta hoán cải cả về phương diện cá nhân cũng như giáo hội. Đề cập tới những lời Thánh Phaolô ngỏ cùng Giáo Đoàn Corinto là ‘tình yêu Chúa Kitô thúc đẩy chúng ta’ (2Cor 5:14), tôi đã nhấn mạnh là ‘cái ý thức là trong Chúa Kitô Thiên Chúa đã ban mình cho chúng ta cho đến chết phải là những gì tác động chúng ta không còn sống cho chính mình nữa mà là cho Ngài và với Ngài cho người khác’ (số 33).

 

Hơn nữa, như Chúa Giêsu nói trong Phúc Âm hôm nay, tình yêu cần phải thể hiện bằng những tác động cụ thể cho tha nhân của chúng ta, nhất là cho thành phần nghèo khổ và thiếu thốn, luôn tùy thuộc giá trị của các ‘việc lành’ vào lòng thành của mối liên hệ với ‘Cha ở trên trời’ của chúng ta, Đấng ‘thấy trong thầm kín’ và ‘sẽ tưởng thưởng’ cho tất cả những ai thực hiện những hành động tốt lành một cách khiêm nhu và vô tư (x Mt 6:1,4,6,18).

 

Việc biểu lộ yêu thương là một trong những yếu tố thiết yếu nơi đời sống Kitô hữu là thành phần được Chúa Giêsu kêu gọi hãy trở nên ánh sáng thế gian, để rồi, nhờ thấy ‘các việc lành của họ’, người ta tôn vinh Thiên Chúa (x Mt 5:16).

 

Lời khuyến dụ này đặc biệt thích hợp với chúng ta vào lúc bắt đầu Mùa Chay, nhờ đó chúng ta có thể càng hiểu hơn nữa là ‘đối với Giáo Hội, đức ái không phải là một loại hoạt động an sinh phúc lợi… mà là những gì thuộc về bản chất của Giáo Hội, một thể hiện bất khả thiếu của chính việc Giáo Hội hiện hữu’ (Thông Điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu, đoạn 25).

 

Tình yêu thương chân thực được thể hiện nơi những hành động không loại trừ một ai, theo gương của người Samaritanô Nhân Lành, người có một tấm lòng rộng mở đã rat ay cứu trợ một kẻ xa lạ trong cơn khốn khó ‘tình cờ’ gặp trên đường đi (x Lk 10:31).

 

Quí Hồng Y, Quí Huynh khả kính trong hàng Giáo Phẩm và trong hàng Linh Mục, quí tu sĩ nam nữ và giáo dân, tôi ân cần ưu ái gửi lời chào đến tất cả mọi người, chớ gì chúng ta tiến vào bầu khí tiêu biểu của giai đoạn phụng vụ này bằng những cảm thức ấy, khi để cho Lời Chúa sáng soi và dẫn dắt chúng ta.

 

Trong Mùa Chay, chúng ta thường nghe vang vọng lời mời gọi hãy hoán cải và tin vào Phúc Âm, và chúng ta sẽ được liên lỉ thôi thúc hãy mở tâm linh của chúng tar a cho quyền năng của ân sủng thần linh. Chúng ta hãy yêu chuộng những giáo huấn dồi dào được Giáo Hội cống hiến cho chúng ta trong những tuần lễ này.

 

Được phấn chấn bởi việc mạnh mẽ dấn thân nguyện cầu, nhất quyết cố gắng hơn nữa trong việc thống hối, chay tịnh và yêu thương chuyên chú tới anh chị em của chúng ta, chúng ta hãy khởi hành tiến về Lễ Phục Sinh với sự đồng hành của Trinh Nữ Maria, Mẹ Giáo Hội và là mẫu gương của hết mọi người môn đệ đích thực của Chúa Kitô.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/homilies/2006/documents/hf_ben-xvi_hom_20060301_ash-wednesday_en.html

 

   

TOP

 

? Giáo Hoàng Biển Đức XVI Cầu Kinh Mân Côi với Giới Trẻ qua Vệ Tinh Viễn Liên Truyền Hình

Thật vậy, hôm Thứ Bảy 11/3/2006, các sinh viên đại học thuộc 12 thành phố ở Âu Châu và Phi Châu đã liên kết với nhau qua hệ thống vệ tinh viễn liên truyền hình để cùng cầu Kinh Mân Côi với Đức Thánh Cha Biển Đức XVI.

 

Ngài đã trao cho một số giới trẻ đại diện bản thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu của ngài và nói:

 

“Qua cách thức tiêu biểu này, tôi muốn trao nó cho tất cả mọi sinh viên đại học ở Âu Châu và Phi Châu, với niềm hy vọng là sự thật cốt yếu của đức tin Kitô Giáo – Thiên Chúa là tình yêu – sẽ chiếu soi đường đi nước bước của mỗi người trong quí bạn, và qua chứng từ của quí bạn, chiếu soi cả những sinh viên đồng liêu của quí bạn nữa’.

 

“Sự thật về tình yêu Thiên Chúa này, về nguồn gốc, ý nghĩa và cùng đích của vũ trụ cùng lịch sử đã được Chúa Giêsu Kitô mạc khải cho biết, bằng lời nói và đời sống của Người, đặc biệt là bằng cuộc khổ nạn, tử giá và phục sinh của Người”.

 

“Nó là nền tảng của cảm nghiệm Kitô Giáo, một cảm nghiệm có thể như men làm cho cả văn hóa loài người dạy lên, nhờ đó, nó nỗ lực hết sức mình trong việc cộng tác vào vấn đề phát triển của một thế giới công chính và an bình hơn”.

 

Nhng gì ngài huấn dụ đã được theo dõi bởi hằng ngàn ngàn giới trẻ, trực tiếp ở Rôma trong Sảnh Đường Phaolô VI, cũng như gián tiếp ở các nơi khác như Bonn Đức quốc, Dublin Ái Nhĩ Lan, Maní Tây Ban Nha, Munich Đức Quốc, Salamanaca Tây Ban Nha, Saint Petersburg Nga Sô, Sofia nước Bulgaria, Abidjan nước Ivory Coast, Antonanarivo nước Madagascar, Owerri nước Nigeria, và Nairobi nước Kenya.

 

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Đêm canh thức Thánh Mẫu rất được Giáo Hoàng Gioan Phaolô II yêu chuộng này, xây dựng những chiếc cầu nối kết tình huynh đệ giữa các sinh viên đại học ở Âu Châu, và chiều nay đã nới rộng con số tới tận Phi Châu, nhờ đó mối hiệp thong giữa các tân thế hệ được phát triển và văn minh yêu thương được tràn lan.

 

“Đó là lý do tôi muốn gửi cho các bạn ở Phi Châu đang liên kết với chúng tôi tấm thịnh tình đặc biệt, một tấm thịnh tình tôi muốn gửi đến tất cả nhân dân Phi Châu yếu dấu”.

 

Ngài cũng mời gọi các sinh viên hãy tham dự các sinh hoạt của Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm nay sẽ được tổ chức tại cấp độ giáo phận địa phương. Ngài mời gọi giới trẻ Rôma hãy tham dự cuộc gặp gỡ giới trẻ sẽ được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phêrô ngày Thứ Năm 6/4/2006.

 

“Chúng ta sẽ lãnh nhận Cây Thánh Giá hành hương, đến từ Cologne, và hết lòng tri ân tưởng niệm vị đại tiền nhiệm của tôi là Đức Gioan Phaolô II một năm sau ngày qua đời của ngài”.

 

Ngài cũng mời gọi họ hãy đọc sứ điệp ngài ngỏ cùng họ cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới Chúa Nhật Lễ Lá 9/4/2006 tới đây, với đề tài “Lời Chúa là Đèn Soi Bước Con Đi và là Ánh Sáng Cho Đường Con Bước”. Ở phần cuối của sứ điệp 2006 cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần XXI này, ngài có đề cập tới chủ đề cho cả 2 năm sau, 2007 và 2008, hoàn toàn hướng về Chúa Thánh Thần.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 12/3/2006

 

TOP

 

 

     

GIÁO HỘI HIỆN THẾ