GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ SÁU 17/3/2006

 TUẦN II MÙA CHAY

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ ngỏ cùng Tham Dự Viên Tổng Nghị Lần 12 của Học Viện Tòa Thánh Về Sự Sống và cùng Hội Nghị về “Nhân Bào Phôi Thai Ở Giai Đoạn Tiền Cấy” (tiếp)

?  ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II - VỊ GIÁO HOÀNG CỦA “VUI MỪNG VÀ HY VỌNG”: “ĐỪNG SỢ” (tiếp)

?  Thánh Mai Đệ Liên Thực Sự Là Ai nơi Cuốn Tiểu Thuyết Bán Chạy Nhất The Da Vinci Code: “Maria Mai Đệ Liên bên ngoài cuốn ‘The Da Vinci Code’”

 

 

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ ngỏ cùng Tham Dự Viên Tổng Nghị Lần 12 của Học Viện Tòa Thánh Về Sự Sống và cùng Hội Nghị về “Nhân Bào Phôi Thai Ở Giai Đoạn Tiền Cấy”

 

(tiếp 14 Thứ Ba, 15 Thứ Tư)

 

Vào đầu thế kỷ thứ ba những can nhắc này vẫn còn hiệu lực. Chúng được nói lên không phải vì hiện tượng thể lý hay vật lý học mà là vì tầm quan trọng về nhân loại học và siêu hình học của nó. Chúng ta đã cải tiến kiến thức của chúng ta rất nhiều và khá hơn, một kiến thức đồng hóa với những hạn chế của việc vô tri của chúng ta, thế nhưng, đối với trí thông minh của con người, nó dường như trở thành quá khó khăn trong việc nhận thức rằng khi chiêm ngưỡng thiên nhiên tạo vật con người thấy được dấu chỉ của Đấng Hóa Công.

Thật thế, ai mến yêu sự thật, như quí vị, hỡi các học giả thân yêu, đều phải nhận thấy rằng việc nghiên cứu những đề tài sâu xa như thế làm cho chúng ta có thể thấy được và hầu như chạm tới bàn tay của Thiên Chúa. Ở bên ngoài những giới hạn của các phương pháp về thử nghiệm, ở những hạn chế của lãnh vực được một số người gọi là phân tích siêu hình, nơi nhận thức của cảm quan và các thử nghiệm của khoa học chẳng những không xứng hợp mà còn thậm chí bất khả, thì ở đó chính là khởi điểm của cuộc thám hiểm về siêu việt thể, cuộc dấn thân ‘vượt thoát’.

Quí nghiên cứu gia và chuyên gia thân mến, tôi hy vọng quí vị sẽ thành công mỗi ngày một hơn, chẳng những trong việc khảo sát thực tại là chủ đề thuộc nỗ lực của quí vị, mà còn trong việc chiêm ngắm nó ở chỗ, cùng với những khám phá của quí vị, nêu lên những vấn nạn dẫn tới việc khám phá ra nơi vẻ đẹp của các tạo vật hình ảnh của Đấng Hóa Công.

Theo chiều hướng ấy, tôi thiết tha bày tỏ việc cảm nhận và tri ân của tôi đối với Học Viện Tòa Thánh Về Sự Sống liên quan tới công việc ‘học hỏi, huấn luyện và thông tin’ đáng giá của nó là những gì mang lại lợi ích cho các phân bộ của Tòa Thánh, cho các Giáo Hội địa phương, cũng như cho các học giả chú trọng tới những gì Giáo Hội phác ra về lãnh vực nghiên cứu khoa học của họ cũng như về sự sống con người liên quan tới vấn đề đạo lý và luật lệ.

Vì tính cách khẩn trương và quan trọng của những vấn đề này mà tôi coi việc vị tiền nhiệm khả kính Gioan Phaolô II của tôi thành lập Cơ Cấu này là việc quan phòng. Bởi thế tôi muốn bày tỏ việc gần gũi và hỗ trợ của tôi với niềm thân ái chân thành với tất cả quí vị, thành phần nhân viên và phần tử thuộc Học Viện Tòa Thánh Về Sự Sống.

Với những niềm cảm mến ấy, bằng việc trao phó công việc của quí vị cho sự bảo vệ của Mẹ Maria, tôi ban Phép Lành Tòa Thánh cho tất cả quí vị.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo
http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2006/february/documents/hf_ben-xvi_spe_20060227_embrione-umano_en.html
 

 

TOP

 

 ?  ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II - VỊ GIÁO HOÀNG CỦA “VUI MỪNG VÀ HY VỌNG”: “ĐỪNG SỢ”

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,

Tưởng niệm đầy năm băng hà của Vị Giáo Hoàng Triết Gia Nhân bản

(tiếp 14 Thứ Ba, 15 Thứ Tư, 16 Thứ Năm)

2)         Con Người Hiện Đại - lo âu sợ hãi những gì và ra sao?? (tiếp)

Tại sao chúng ta đừng sợ? Vì con người đã được Thiên Chúa cứu chuộc. Khi nói lên những lời này ở Quảng Trường Thánh Phêrô, tôi đã biết được bức thông điệp đầu tiên của tôi và tất cả vai trò làm giáo hoàng của tôi sẽ gắn liền với sự thật Cứu Chuộc. Nơi Ơn Cứu Chuộc chúng ta thấy được nền tảng sâu xa nhất của những lời ‘Đừng sợ!’: ‘Vì Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến ban Con Một của Ngài’ (x Jn 3:16). Người Con này luôn hiện diện như Đấng Cứu Chuộc nơi lịch sử của loài người. Ơn Cứu Chuộc thấm nhập tất cả lịch sử của con người, ngay cả trước khi Đức Kitô sinh ra, và sửa soạn cho tương lai cánh chung của mình. Ơn Cứu Chuộc như là một thứ ánh sáng ‘chiếu trong tăm tối nhưng tăm tối không át được ánh sáng’ (x Jn 1:5). Quyền năng nơi Thập Giá và Phục Sinh của Chúa Kitô là những gì mãnh liệt hơn bất cứ sự dữ nào khiến con người có thể sợ hãi hay cần phải sợ hãi”. (trang 219)

 

Ở vào cuối thiên kỷ thứ hai đây, có lẽ chúng ta cần hơn bao giờ hết những lời của Chúa Kitô Phục Sinh: ‘Đừng sợ!’. Con người, thành phần mà ngay cả sau cuộc sụp đổ của chủ nghĩa Cộng sản, vẫn không thôi sợ hãi và thực sự có nhiều lý do để cảm thấy như vậy, cần phải nghe thấy những lời ấy. Các quốc gia cần nghe thấy những lời ấy, nhất là những quốc gia được tái sinh sau cuộc sụp đổ của đế quốc Cộng sản, cũng như những quốc gia chứng kiến thấy biến cố này từ bên ngoài. Các dân tộc và các quốc gia trên toàn thế giới cần nghe những lời ấy. Lương tâm của họ cần phải tin tưởng hơn nữa là Đấng hiện hữu, Vị nắm trong tay vận mệnh của thế giới đang qua đi này; Đấng giữ chìa khóa tử thần và âm phủ (x Rev 1:18); Đấng là Nguyên Thủy và là Cùng Đích của lịch sử loài người (x Rev 22:13) – một lịch sử chung cũng như riêng. Và Đấng ấy là Tình Yêu (x 1Jn 4:8,16) – một Tình Yêu làm người, một Tình Yêu tử giá và phục sinh, một Tình Yêu không thôi hiện diện nơi loài người. Đó là Tình Yêu Thánh Thể. Tình Yêu Thánh Thể này là nguồn mạch vô tận của hiệp thông. Chỉ có một mình Người mới có thể tuyệt đối bảo đảm bằng lời tuyên phán: ‘Đừng sợ!’ mà thôi (trang 222)

 

Con người hiện đại khó lòng mà trở về với đức tin được lắm, bởi vì họ sợ những đòi hỏi về luân lý như đức tin buộc họ phải thi hành. Ở một mức độ nào đó thì đây là một thực tại. Phúc Âm thực sự là những gì đòi hỏi. Chúng ta biết rằng Chúa Kitô không bao giờ cho phép thành phần môn đệ của Người cũng như những ai nghe Người bị ảo tưởng về vấn đề này. Trái lại, Người hết sức sửa soạn cho họ trong việc họ cần phải đương đầu với hết mọi thứ khó khăn nội ngoại, luôn ý thức rằng họ có thể quyết định bỏ Người. Bởi thế, khi nói ‘Đừng sợ’ là Người, một cách nào đó, không có ý muốn xí xóa đi tất cả những gì Người đòi hỏi. Trái lại, với những lời ấy, Người muốn khẳng định tất cả sự thật của Phúc Âm cùng với tất cả mọi đòi hỏi được chất chứa nơi sự thật này. Tuy nhiên, đồng thời Người cũng cho thấy rằng những gì Người đòi hỏi không bao giờ vượt quá khả năng của con người hết. Nếu con người chấp nhận những đòi hỏi này bằng một thái độ tin tưởng, họ sẽ thấy, nhờ ân sủng, Thiên Chúa không bao giờ thôi ban cho họ sức mạnh cần thiết để đáp ứng những đòi hỏi ấy. Thế giới này đầy những dấu chứng cho thấy rằng quyền năng cứu độ và cứu chuộc được các Phúc Âm loan báo thường xuyên hơn là những đòi hỏi về luân lý được các Phúc Âm này nhắc nhở. Có biết bao nhiêu là người ở trên thế giới này sống cuộc sống thường nhật đã chứng thực rằng họ có thể sống trọn luân lý của Phúc Âm! Kinh nghiệm cho thấy rằng cuộc sống của nhân loại thành đạt không thể nào khác hơn cuộc sống giống như những người ấy”. (trang 222-223).

 

Việc chấp nhận những đòi hỏi của Phúc Âm nghĩa là chấp nhận tất cả nhân tính của chúng ta, là thấy nơi nhân tính này vẻ đẹp theo như Thiên Chúa muốn, đồng thời, trong ánh sáng quyền năng của chính Thiên Chúa, nhìn nhận nỗi yếu hèn của mình: ‘Những gì con người bất khả thì đều khả thi đối với Thiên Chúa’ (Lk 18:27).

 

Hai chiều kích này bất khả tách biệt: một đàng, Thiên Chúa muốn con người phải đáp ứng các đòi hỏi về luân lý của Người; đàng khác, Thiên Chúa, ở một nghĩa nào đó, bị ràng buộc với những đòi hỏi yêu thương cứu độ của Người – với tặng ân Người ban phát. Ơn Cứu Chuộc được hoàn thành nơi Chúa Kitô còn là gì khác nữa, nếu không phải chính là điều này hay sao? Thiên Chúa muốn con người được cứu độ, Người muốn rằng nhân loại tìm thấy tầm vóc viên trọn của họ như chính Người mong muốn nơi họ, và Đức Kitô có quyền để nói rằng ách của Người thì êm ái và gánh của Người thực thì nhẹ nhàng (x Mt 11:30)”. (trang 223)

 

Rất cần phải vượt qua ngưỡng cửa hy vọng, chứ không phải dừng lại trước ngưỡng cửa này, thế nhưng, hãy để mình được dẫn qua. Tôi tin rằng đại thi hào Balan là Cyprian Norwid đã nghĩ đến điều ấy khi diễn tả ý nghĩa tối hậu của đời sống Kitô hữu qua những lời là ‘Đừng kéo lê Thập Giá của Đức Kitô, nhưng hãy vác thập giá của mình theo Chúa Cứu Thế’

 

Người ta có đủ lý do để gọi sự thật về Thập Giá là Tin Mừng” (trang 223-224).

 

Tóm lại, để con người văn minh tân tiến có thể từ cuối thiên kỷ thừ hai tiến vào thiên kỷ thứ ba Kitô Giáo, từ thế kỷ 20 đầy chết chóc hận thù sang thế kỷ 21 một cách “mở rộng cửa cho Chúa Kitô”, theo vị Giáo Hoàng triết gia nhân bản Gioan Phaolô II thì con người tự mình phải biết kính sợ Thiên Chúa, một chủ trương đã được ngài khẳng định và tuyên bố, bằng những lời lẽ chẳng những để kết thúc hoàn toàn cho tác phẩm “Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng” (ấn bản Anh Ngữ trang 228-229), mà, qua đoạn cuối cùng này, ngài còn cho thấy rõ chủ hướng của giáo triều ngài là để phục vụ thành phần Thụ Nhân Cứu Chuộc là một thế giới tân tiến với đầy những lo âu tàn phá được gặp gỡ “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần”. Những lời lẽ ấy như sau:

 

Để giải thoát con người hiện đại khỏi nỗi hãi sợ chính bản thân mình, hãi sợ thế giới, hãi sợ các thứ quyền lực trần thế, hãi sợ những thể chế đàn áp, để giải thoát họ khỏi mọi hình thức của một thứ sợ hãi nô lệ trước ‘quyền lực thắng thế’ được tín hữu gọi là Thiên Chúa, thì cần phải thiết tha nguyện cầu để họ nung nấu và vun trồng trong tâm can họ một niềm kính sợ Thiên Chúa là khởi điểm của đức khôn ngoan.

 

“Niềm kính sợ Thiên Chúa này là quyền lực cứu độ của Phúc Âm. Nó là một nỗi sợ hãi xây dựng chứ không bao giờ hủy hoại. Nó kiến tạo nên những con người có thể tuân theo trách nhiệm, có thể chiều theo một tình yêu thương hữu trách. Nó kiến tạo nên những con người nam nữ thánh thiện – thành phần Kitô hữu đích thực – thành phần trên hết định đoạt tương lai thế giới. André Malraux thực sự là xác đáng khi ông nói rằng thế kỷ 21 sẽ là một thế kỷ của đạo giáo hay sẽ chẳng là gì cả.

 

Vị Giáo Hoàng mở màn cho vai trò làm giáo hoàng của mình bằng những lờiĐừng sợ!’ cố gắng trung thành hoàn trọn lời huấn dụ này, và bao giờ cũng sẵn sàng phục vụ con người, phục vụ các quốc gia, và phục vụ nhân loại theo tinh thần của sự thật Phúc Âm ấy”.

 

(còn tiếp) 

 

TOP

 

 

?   Thánh Mai Đệ Liên Thực Sự Là Ai nơi Cuốn Tiểu Thuyết Bán Chạy Nhất The Da Vinci Code: “Maria Mai Đệ Liên bên ngoài cuốn ‘The Da Vinci Code’”

 

Một nhóm nữ thần học gia và một nữ ký giả đạ gặp nhau để cố gắng vẽ lên một bức chân dung của vị thánh nữ được nhái lại một cách khôi hài trong cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất từ trước đến nay, đó là cuốn The Da Vinci Code.

 

Cuộc họp bàn tròn này lấy chủ đề là: “Maria Mai Đệ Liên bên ngoài cuốn ‘The Da Vinci Code’” đã diễn tiến vào hôm Thứ Sáu 3/3/2006, một trong những vấn đề được bàn đến trong các cuộc trao đổi của thành phần Giáo Sư “Nữ Giới và Kitô Giáo” ở phân khoa giáo hoàng Marianum, do các nữ tu dòng Tôi Tớ Mẹ Maria thực hiện.

 

Marinella Perroni, một giáo sư Tân Ước ở Đại Học Athenaeum Thánh Anselm và là chủ tịch của văn phòng Điều Hợp Các Nữ Thần Học Gia Ý Quốc, đã khai mở cuộc bàn luận này bằng việc thú nhận rằng bà chưa hề đọc cuốn tiểu thuyết của Dan Brown, vì “nó không đáng cho tôi chú ý tới”.

 

Bà đã đặc biệt cảnh giác về khuynh hướng muốn “lấy Maria Mai Đệ Liên một cách gượng ép không đúng với Phúc Âm”: “Vì tôn trọng những gì đã được viết trong các bản văn và những gì được Phúc Âm cho chúng ta biết mà không được đem vị thánh nữ này ra khỏi Phúc Âm”.

 

Maria Luisa Rigato, một giáo sư Tân Ước ở Đại Học Gregorian nói rằng bà đã đọc ‘rất cẩn thận câu truyện thật giật gân này của Dan Brown’ trước khi bà tiến đến chỗ điểm mặt những cái mâu thuẫn của câu truyện tiểu thuyết ấy.

 

Bà Rigato giải thích là ‘theo các Phúc Âm được công nhận thì rõ ràng là Chúa Giêsu độc thân và có khả năng làm bạn với cả nữ giới và nam giới. Theo các Phúc Âm được công nhận thì Maria Mai Đệ Liên không phải là vợ hay là người tình của Chúa Giêsu. Maria Mai Đệ Liên không phải là Maria ở Bêthania, hay Maria em của Matta’.

 

Bà cho biết tiếp Chúa Giêsu là một nhà cải cách Bộ Ngũ Kinh và ‘Phúc Âm là những gì tích cực giảng dạy về nữ giới’.

 

Miriam Diezi Bosch, một giảng viên ở Trung Tâm Liên Ngành Về Truyền Thông Xã Hội ở Đại Học Gregorian cho biết ‘Maria Mai Đệ Liên là một phụ nữ hấp dẫn và yêu kiều không ai có thể dửng dưng và hiển nhiên là thế giới truyền thông chung quanh chúng ta lại càng không thể lạnh lùng’.

 

Diezi Bosch cũng là phóng viên của mạng điện toán toàn cầu Zenit, đã giải thích cách thức Maria Mai Đệ Liên ngày nay được thấy nơi truyền thông và đã nhấn mạnh rằng ‘những động lực truyền thông làm cho người nữ này trở thành một nhân vật truyền thông nhưng lại bị méo mó’.

 

‘Magdalenemania hay Maria Mai Đệ Liên theo Brown chỉ là những hoa trái nho nhỏ của một hoạt động toàn cầu trong việc thách đố tín hữu mà thôi, những thách đố mà Giáo Hội không thể nhắm mắt làm ngơ’.

 

Đó là lý do bà cho biết đã có một số đáp ứng xuất hiện ở lãnh vực truyền thông quốc tế, và đề nghị dạy cách phân biệt hơn nữa giữa thực tại và tiểu thuyết, và cải tiến vấn đề giáo lý. Bà khuyên là các thần học gia hãy ‘giải thích rõ ràng về nhân vật Maria Mai Đệ Liên, vượt ra ngoài hình ảnh thê thảm của một cô gái điếm thống hối và nhấn mạnh hơn đến vai trò ‘apostala apostolorum’ (tông đồ của các tông đồ) của cô, bằng một nỗ lực truyền đạt liên ngành giúp thành quả của việc nghiên cứu về thần học có thể vươn tới quảng đại quần chúng hơn nữa’.

 

Nữ ký giả này kêu gọi hãy nỗ lực phục hồi vai trò đích thực của Maria Mai Đệ Liên trong việc làm chứng cho Cuộc Phục Sinh, và nói rằng ‘truyền thông – và Don Brown – đã có một hình ảnh giả tạo về Mai Đệ Liên’.

(tiếp bài "Tại sao tác phẩm “The Da Vinci Code” là cuốn tiểu thuyết rất nguy hại cho đức tin Công Giáo lại bán được tới 30 triệu cuốn? 14 Thứ Ba, 15 Thứ Tư 16 Thứ Năm)

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 8/3/2006

 

TOP

 

 

     

GIÁO HỘI HIỆN THẾ