GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
CHÚA NHẬT 19/3/2006 TUẦN III MÙA CHAY |
? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Nguyên Văn Huấn Từ cho Đại Hội Thường Niên của Hội Đồng Tòa Thánh Về Truyền Thông Xã Hội
? ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II - VỊ GIÁO HOÀNG CỦA “VUI MỪNG VÀ HY VỌNG”: “ĐỪNG SỢ” (tiếp)
? Đáp Ứng của các ngành truyền thông đối với cuốn tiểu thuyết và cuốn phim ‘Da Vinci Code’.
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Nguyên Văn Huấn Từ cho Đại Hội Thường Niên của Hội Đồng Tòa Thánh Về Truyền Thông Xã Hội
Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI ngỏ cùng thành phần tham dự viên Đại Hội của Hội Đồng Tòa Thánh Về Truyền Thông Xã Hội, khi họ đến triều kiến ngài ngày 17/3/2006 tại Sảnh Đường Clementine trong Tông Dinh Vatican.
Quí Hồng Y,
Quí Giám Mục,
Anh Chị Em thân mến trong Chúa Kitô,
Thật là vui mừng được đón tiếp anh chị em ở Vatican hôm nay nhân dịp đại hội thường niên của Hội Đồng Giáo Hoàng Về Truyền Thông Xã Hội. Trước hết tôi xin cám ơn Đức Tổng Giám Mục Foley, chủ tịch của hội đồng này, về những lời lẽ mở đầu tốt đẹp của ngài, và thực sự là cám ơn tất cả anh chị em về việc anh chị em dấn thân cho hoạt động tông đồ truyền thông xã hội quan trọng, như là một hình thức trực tiếp từ truyền bá phúc âm hóa cũng là việc góp phần vào vấn đề cổ võ tất cả những gì là thiện hảo cùng chân thực cho hết mọi xã hội loài người.
Sứ điệp đầu tiên của tôi cho Ngày Thế Giới Truyền Thông đã nói đến vấn đề truyền thông đại chúng như là một cơ cấu trong việc làm dễ dàng hóa vấn đề truyền đạt, hiệp thông và hợp tác. Tôi nói như vậy khi nhắc lại rằng sắc lệnh của Công Đồng Chung Vaticanô II, “Inter Mirifica”, đã công nhận cái năng lực lớn lao của việc truyền thông đại chúng trong vấn đề làm cho tâm trí con người hiểu biết và khuôn đúc tâm tưởng của họ. Bốn mươi năm sau, chúng ta nhận thấy, hơn bao giờ hết, nhu cầu khẩn trương trong việc củng cố quyền lực này cho thiện ích của toàn thể nhân loại.
Thánh Phaolô đã nhắc nhở chúng ta rằng nhờ Chúa Kitô chúng ta không còn là những kẻ xa lạ và ngoại cuộc mà là thành phần công dân với các thánh và phần tử của gia đình Thiên Chúa, phát triển thành một đền thờ thánh hảo, một nơi Thiên Chúa ngự (x Eph 2:19-22). Hình ảnh cao đẹp về một đời sống hiệp thông bao gồm tất cả mọi khía cạnh của đời sống Kitô hữu chúng ta, nhất là đối với anh chị em, là những gì thách đố trong việc phấn khích các thứ truyền thông xã hội và các kỹ nghệ về giải trí trở thành những kẻ bênh vực chân lý và là những cổ động viên một thứ hòa bình xuất phát từ những cuộc sống theo sự thật giải phóng.
Như anh chị em quá rõ, việc dấn thân này đòi hỏi một lòng can đảm và dứt khoát về nguyên tắc nơi những ai sở hữu và hoạt động trong kỹ nghệ truyền thông có một tầm ảnh hưởng vĩ đại ấy, hầu bảo đảm rằng việc cổ võ công ích không bao giờ được trở thành giá hy sinh cho việc tìm cầu mưu lợi cá nhân hay cho những hoạt động ý hệ thiếu trách nhiệm chung. Khi suy nghĩ tới các mối quan tâm ấy, tôi tin tưởng rằng việc nghiên cứu của anh chị em về bức tông thư ‘The Rapid Development – Việc Phát Triển Nhanh’ của vị Tiền Nhiệm yêu dấu của tôi sẽ là những gì hết sức ích lợi.
Qua sứ điệp của tôi năm nay,tôi cũng muốn kéo chú ý đặc biệt tới nhu cầu khẩn trương trong việc bênh đỡ và ủng hộ đời sống hôn nhân và gia đình là nền tảng của hết mọi văn hóa và xã hội. Bằng cách cộng tác với thành phần phụ huynh, các ngành truyền thông và kỹ nghệ giải trí có thể hỗ trợ ơn gọi dưỡng dục con cái tuy khó khăn nhưng cũng hết sức an ủi này, qua việc trình bày những mô phạm có tính cách xây dựng về cuộc sống và tình yêu thương nhân loại. Thật là buồn nản và thiệt hại biết bao cho tất cả chúng ta khi xẩy ra những gì ngược lại như thế! Lòng chúng ta đã chẳng kêu lân hay sao, nhất là khi giới trẻ của chúng ta chiều theo những thể hiện yêu thương đê hèn hay sai lầm là những gì tỏ ra nhạo báng diễu cợt phẩm vị thiên phú của con người và gây tác hại cho lợi ích gia đình?
Tóm lại, tôi xin anh chị em hãy lập lại những nỗ lực của mình trong việc hỗ trợ những ai hoạt động trong thế giới truyền thông đại chúng để cổ võ những gì là thiện hảo và chân thực, nhất là những gì liên quan tới ý nghĩa của cuộc sống con người và xã hội, cũng như để bài bác những gì là sai lầm, nhất là các chiều hướng độc hại đang tác hại tới cơ cấu của một xã hội dân sự xứng với con người. Chớ gì những lời của Thánh Phaolô làm cho chúng ta phấn khởi, đó là: Chúa Kitô là hòa bình của chúng ta: Nơi Người chúng ta là một (x Eph 2:14)! Và chớ gì chúng ta cùng nhau xây dựng mối hiệp thông yêu thương theo ý định của Đấng Hóa Công được tỏ ra qua Con của Ngài! Tôi thân ái ban phép lành tòa thánh cho tất cả mọi anh chị em, đồng nghiệp của anh chị em và phần tử thuộc gia đình của anh chị em ở nhà.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 17/3/2006
ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II - VỊ GIÁO HOÀNG CỦA “VUI MỪNG VÀ HY VỌNG”: “ĐỪNG SỢ”
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,
Tưởng niệm đầy năm băng hà của Vị Giáo Hoàng Triết Gia Nhân bản
(tiếp 14 Thứ Ba, 15 Thứ Tư, 16 Thứ Năm, 17 Thứ Sáu, 18 Thứ Bảy)
3) Con Người Hiện Đại - làm sao có thể được cứu khỏi sự dữ???
(tiếp)
Vào thời điểm vị Giáo Hoàng không phải người Ý sau 455 năm xuất hiện “từ một xứ sở xa xăm” này về thăm quê hương lần cuối cùng vào mùa hè năm 2002, loài người bấy giờ đã ở vào một tình trạng nguy vong đến độ ngài đã phải chính thức và long trọng hiến dâng thế giới, một thế giới khốn khổ thảm thương về mọi lãnh vực, cho Lòng Thương Xót Chúa tại ngôi Đền Thờ Chúa Tình Thương vào ngày Thứ Bảy 17/8/2002:
“Hôm nay Tôi muốn lập lại những lời đơn sơ và chân thành này của Thánh Nữ Faustina để hợp với thánh nhân cũng như với tất cả anh chị em tôn thờ mầu nhiệm khôn thấu và khôn lường của tình thương Thiên Chúa. Như Thánh Faustina, chúng ta muốn loan báo rằng, ngoại trừ tình thương của Thiên Chúa, không còn một nguồn hy vọng nào khác cho loài người nữa. Chúng ta cần tin tưởng lập lại rằng: Lạy Chúa Giêsu, con tin tưởng nơi Chúa!
“Việc loan báo này, việc tuyên xưng lòng tin tưởng vào tình yêu toàn năng của Thiên Chúa là việc đặc biệt cần thiết ở thời đại chúng ta đây, khi mà nhân loại đang trải qua một tình trạng biến loạn trước những xuất hiện của sự dữ. Việc kêu cầu lòng thương xót Chúa cần phải được vang lên từ thẳm cung của các cõi lòng đầy những khổ đau, băn khoăn về tương lai và sống trong bất ổn, đồng thời lại trông mong một nguồn hy vọng vững chắc. Đó là lý do tại sao chúng ta đến đây hôm nay, đến Ngôi Đền Thờ Lagiewniki này, để một lần nữa thoáng thấy nơi Chúa Kitô dung nhan của Thiên Chúa Cha: ‘Người Cha của tình thương và là Thiên Chúa của tất cả mọi niềm ủi an’ (2Cor 1:3). Bằng con mắt linh hồn của mình, chúng ta mong nhìn vào đôi mắt của Chúa Giêsu nhân hậu, để thấy được sâu xa trong ánh mắt của Người những gì phản ảnh nội tâm của Người, cũng như thấy được ánh sáng ân sủng là những gì chúng ta đã thường xuyên lãnh nhận, và là những gì Thiên Chúa ban lại cho chúng ta mỗi ngày cũng như vào ngày cuối cùng của cuộc đời chúng ta” (đoạn 1).
“‘Lạy Cha hằng hữu, vì tội lỗi của chúng con và của toàn thế giới, con xin dâng lên Cha Mình Máu, Linh Hồn và Thiên Tính của Con Cha yêu dấu là Chúa Giêsu Kitô; vì những sự khốn khó của Cuộc Người Khổ Nạn, xin Cha thương đến chúng con và toàn thế giới’ (Nhật Ký, 476). Thương đến chúng con và toàn thế giới… Thế giới ngày nay cần đến tình thương của Thiên Chúa biết bao! Nơi hết mọi lục địa, từ vực sâu khốn khổ của loài người, tiếng kêu cầu xót thương dường như đang vang dậy. Nơi nào thù hằn và đòi rửa hận thống trị, nơi nào chiến tranh mang lại đau thương và chết chóc cho thành phần vô tội, thì ở đó cần đến ân sủng tình thương để ổn định lòng trí con người và tạo lập hòa bình. Nơi nào thiếu hụt lòng trọng kính sự sống và phẩm vị con người thì ở đó cần đến tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa, Đấng mà trong ánh sáng của Ngài, chúng ta thấy được giá trị khôn tả của hữu thể con người. Cần phải có tình thương để bảo đảm rằng hết mọi bất công trên thế giới này sẽ được kết thúc trong chân lý rạng ngời.
“Thế nên, hôm nay đây, tại Đền Thánh này, Tôi xin long trọng ký thác thế giới cho Lòng Thương Xót Chúa. Tôi làm như vậy với một lòng thiết tha mong ước thấy sứ điệp của tình yêu nhân hậu Thiên Chúa, được loan báo nơi đây qua Thánh Faustina, cũng được tất cả mọi dân tộc trên thế giới biết đến và làm cho lòng họ tràn đầy niềm hy vọng. Chớ gì sứ điệp này, từ nơi đây, chiếu tỏa ra cho quê hương thân yêu của chúng ta cũng cho khắp thế giới. Chớ gì lời hứa quyết của Chúa Giêsu được nên trọn, ở chỗ, từ nơi đây phải chiếu giãi ra ‘tia sáng sửa soạn thế giới cho lần đến cuối cùng của Cha’ (x Nhật Ký, 1732)” (đoạn 5).
Chưa hết, trong bài giảng phong chân phước cho 4 vị đồng hương của ngài vào Chúa Nhật 18/8/2002 trong chuyến thăm quê hương lần thứ 8 này, vị Giáo Hoàng đã ban hành Thông Điệp thứ hai về Chúa Cha “Giầu Lòng Thương Xót – Dives in Misericordia” ngày 30/11/1980, còn thấy hiện trạng vô cùng đáng thương của con người tân tiến, một hiện trạng rất cần đến vai trò của Giáo Hội trong việc mang tình thương của Chúa đến cho nhân loại, cho một thế giới ở vào thời điểm thế kỷ 20 càng ngày càng đi đến chỗ tự diệt vong nên lại càng đúng lúc cần đến Lòng Thương Xót Chúa, như ngài đã bày tỏ:
“Từ khi bắt đầu hiện hữu, Giáo Hội, qua việc bày tỏ mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh, đã rao giảng tình thương Chúa, một bảo chứng hy vọng và là nguồn mạch cứu độ con người. Tuy nhiên, hôm nay đây chúng ta dường như được kêu gọi đặc biệt để loan báo sứ điệp này trước thế giới. Chúng ta không thể lơ là với sứ vụ này, nếu chính Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta thực hiện sứ vụ này qua chứng từ của Thánh Nữ Faustina.
“Thiên Chúa đã chọn thời đại của chúng ta cho mục đích này. Có lẽ vì thế kỷ 20, mặc dù có những thành đạt không thể chối cãi về nhiều lãnh vực, cũng đã bị ghi dấu một cách đặc biệt bởi ‘mầu nhiệm lỗi lầm - mystery of iniquity’. … ‘Mầu nhiệm lầm lỗi’ tiếp tục đánh dấu cái thực tại của thế giới này.
“Cảm nghiệm được mầu nhiệm ấy, con người mới sống trong nơm nớp lo sợ về tương lai, lo sợ về tình trạng trống rỗng, lo sợ phải khổ đau, lo sợ bị hủy diệt. Có lẽ chính vì lý do này mà Chúa Kitô, qua việc sử dụng chứng từ của một Nữ Tu thấp hèn, đã đến với thời đại của chúng ta để tỏ cho chúng ta thấy một cách rõ ràng nguồn mạch sống khuây khỏa và hy vọng ở nơi tình thương đời đời của Thiên Chúa.
“Sứ điệp tình yêu nhân hậu cần được vang vọng một cách mạnh mẽ một lần nữa. Thế giới cần đến thứ tình yêu này. Đã đến thời giờ cần phải mang sứ điệp của Chúa Kitô đến cho mọi người: cho các kẻ trị vì và thành phần bị áp bức, cho những ai có bản tính và phẩm vị bị tiêu ma trong mầu nhiệm lỗi lầm. Đã đến thời giờ sứ điệp Lòng Thương Xót Chúa có thể làm cho các tâm hồn tràn đầy hy vọng và trở nên tia sáng cho một nền văn minh mới, một nền văn minh yêu thương” (đoạn 3).
(còn tiếp)
Đáp Ứng của các ngành truyền thông đối với cuốn tiểu thuyết và cuốn phim ‘Da Vinci Code’.
Cuộc Vận Động Truyền Thông Công Giáo của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ sẽ cống hiến những nguồn liệu chính yếu để cung cấp tín liệu chính xác về đời sống của Chúa Giêsu, trước khi cuốn phim ‘The Da Vinci Code’ được trình chiếu.
Những nguồn liệu này bao gồm một mạng điện toán toàn cầu và cuốn phim tài liệu được dự định tung ra trên các đài truyền hình NBC. Một tập sách nhỏ 16 trang cũng được phổ biến về ‘Đức Giêsu Chân Thực’.
Hôm Thứ Năm 2/3/2006, Cuộc Vận Động Truyền Thông Công Giáo đã cho ra mắt mạng điện toán toàn cầu www.jesusdecoded.com để cung cấp tín liệu chính xác v6è Chúa Giêsu, về giáo huấn Công Giáo, và về các đề tài khác được khai thác trong cuốn tiểu thuyết của Dan Brown.
Mạng điện toán toàn cầu này sẽ giải thích những gì Công Giáo tin tưởng và bao gồm cả các bài viết của các thần học gia, các bình luận gia truyền thông, các chuyên gia về nghệ thuật và những người khác cung cấp kiến thức căn bản cũng như bài bác việc suy đoán cùng với những cái thiếu chính xác về Chúa Kitô và về nguồn gốc Kitô Giáo.
Cũng trong Tháng 3 này, một tập sách ‘Đức Giêsu Đích Thực’ được tung ra để giải quyết những vấn đề được cuốn tiểu thuyết ‘The Da Vinci Code’ đề cập tới cùng với những thứ miêu tả phổ thông khác về Chúa Giêsu.
Tập sách này, được phổ biến bởi Tiểu Ban về Truyền Thông của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, trình bày giáo huấn chân thực của Công Giáo về Chúa Giêsu và thần tính của Người, về Tân Ước, về Chủ Thuyết Bất Khả Thần Tri, về nữ giới và về Giáo Hội, cũng như những đề tài quan trọng khác theo hình thức vấn đáp.
Còn cuốn phim tài liệu tựa đề ‘Jesus Decoded’ với nội dung về giáo huấn Công Giáo thực sự về Chúa Giêsu Kitô sẽ được trình chiếu trên các đài truyền hình NBC bắt đầu vào cuối tuần lễ thứ ba của Tháng Năm.
Cuốn phim tài liệu này sẽ cho thấy những chi tiết chính xác về bản thân Chúa Giêsu, về môn đệ của Người và việc hình thành các cuốn sách thành sổ bộ Tân Ước, cùng với ba thế kỷ đầu liên quan tới việc phát triển của lịch sử Giáo Hội. Cuốn phim này còn có cả những cuộc phỏng vấn các học giả về nghệ thuật, lịch sử và Thánh Kinh để phân biệt chân lý Công Giáo với tiểu thuyết trần tục.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 8/3/2006