GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ TƯ 1/3/2006 LỄ TRO MÙA CHAY |
? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI - Sứ Điệp Mùa Chay 2006: “Chúa Giêsu trông thấy đoàn lũ dân chúng thì động lòng thương” (Mt 9:36)
? “Nhân Bào Phôi Thai Trước Khi Được Cấy: Các Khía Cạnh Khoa Học và Những Quan Tâm Về Đạo Lý Sinh Học”
? VĂN MINH MỲ GÓI Và ảnh hưởng cuộc sống tâm linh
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI - Sứ Điệp Mùa Chay 2006: “Chúa Giêsu trông thấy đoàn lũ dân chúng thì động lòng thương” (Mt 9:36)
Anh Chị Em thân mến!
Mùa Chay là thời điểm đặc biệt cho cuộc hành trình nội tâm tiến đến với Đấng là nguồn tình thương. Nó là một cuộc hành trình được chính Người đồng hành với chúng ta qua sa mạc nghèo hèn của chúng ta, nâng đỡ chúng ta trên con đường tiến đến niềm vui tràn đầy của Lễ Phục Sinh. Cho dù ở trong “thung lũng tối” được Thánh Vịnh Gia nói tới (Ps 23:4), trong lúc tên cám dỗ xui khiến chúng ta hãy thất vọng hay chẳng còn hy vọng gì nơi công việc do tay chúng ta làm ra nữa, thì Thiên Chúa vẫn có đó để canh chừng chúng ta và nâng đỡ chúng ta. Phải, cho đến hôm nay đây Chúa vẫn nghe tiếng kêu của đoàn lũ dân chúng mong ngóng thấy niềm vui, an bình và yêu thương. Giống như ở mọi thời đại, họ cảm thấy bị bỏ rơi. Thế nhưng, cho dù trong cảnh tan hoang của tình trạng khốn cùng, lẻ loi cô độc, bạo lực và đói khổ đổ xuống bất kể trên trẻ em, kẻ thành niên và người già lão, Thiên Chúa vẫn không để cho tối tăm thắng thế. Thật vậy, theo lời của vị Tiền Nhiệm yêu dấu của tôi là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thì có một “giới hạn thần linh áp đặt trên sự dữ”, đó là tình thương vậy (“Hồi Niệm và Căn Tính”, trang 19 và sau đó). Với tâm tưởng này tôi đã chọn đề tài cho Sứ Điệp này câu Phúc Âm: “Chúa Giêsu thấy đoàn lũ dân chúng thì động lòng thương” (Mt 9:36).
Theo ý hướng ấy, tôi muốn dừng lại ở đây để suy tư về một vấn đề ngày nay được tranh cãi rất nhiều, đó là vấn đề phát triển. Ngay cả cho đến nay, “ánh mắt” cảm thương của Chúa Kitô vẫn tiếp tục trìu mến nhìn thành phần cá nhân và các dân tộc. Người nhìn họ, biết rằng “dự án” thần linh bao gồm cả tiếng kêu gọi họ đến với ơn cứu độ. Chúa Giêsu biết những gì hiểm nguy gây ra cho dự án này, và Người cảm thấy động lòng thương đoàn lũ dân chúng. Người muốn bênh vực họ khỏi những con sói, cho dù có phải thí mạng sống của Người. Ánh mắt của Chúa Giêsu ôm ấp cá nhân và đoàn lũ, và Người mang tất cả họ đến trước Chúa Cha, hiến dâng bản thân mình làm vật hy sinh đền bồi cho họ.
Được soi chiếu bởi sự thật Vượt Qua, Giáo Hội biết rằng nếu chúng ta cổ võ một cuộc phát triển hoàn toàn, thì “ánh mắt” của chúng ta nhìn đến nhân loại cần phải được đối chiếu với ánh mắt của Chúa Kitô. Thật vậy, thật sự không thể nào tách biệt được việc đáp ứng các nhu cầu về vật chất và xã hội với việc làm thỏa mãn những ước vọng sâu xa của lòng họ. Điều này lại càng phải được chú trọng hơn nữa trong thế giới thay đổi mau chóng ngày nay, một thế giới khiến cho trách nhiệm của chúng ta đối với thành phần nghèo khổ lại càng trở nên rõ ràng và khẩn trương hơn bao giờ hết. Vị Tiền Nhiệm đáng kính của tôi là Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã chính xác diễn tả tình trạng tàn tệ của việc kém phát triển như là một cái gì gây tổn thương tới nhân loại. Theo ý nghĩa đó, trong Thông Điệp “Vấn Đề Phát Triển Các Dân Tộc – Populorum Progressio”, ngài đã vạch trần “tình trạng hụt hẫng các nhu yếu vật chất đối với những ai không có những gì thiết yếu tối thiểu cho đời sống, tình trạng băng hoại về luân lý của những ai bị què cụt bởi lòng vị kỷ”, và “những cơ cấu xã hội đàn áp, dù bởi những thứ lạm dụng về quyền sở hữu hay những lạm dụng về quyền lực, muốn khai thác lao nhân hay kinh doanh bất chính” (cùng nguồn, đoạn 21).
Để giải độc cho sự dữ ấy, Đức Phaolô VI đã đề nghị chẳng những “gia tăng việc quí trọng phẩm giá của người khác, việc trở về với tinh thần nghèo khó, việc hợp tác cho công ích, ý muốn và ước mong hòa bình”, mà còn “nhìn nhận những giá trị thượng đỉnh, nhìn nhận Thiên Chúa là nguồn mạch và là cùng đích của những giá trị ấy” (cùng nguồn vừa dẫn). Căn cứ vào đó, vị Giáo Hoàng này tiếp tục gợi ý rằng, sau hết và trên hết, cần phải có “đức tin là tặng ân của Thiên Chúa được thiện chí con người chấp nhận, cũng như mối hiệp nhất trong đức ái của Chúa Kitô” (cùng nguồn vừa dẫn). Bởi thế, “ánh mắt” của Chúa Kitô nhìn đám đông là những gì thúc đẩy chúng ta xác quyết cái nội dung chân thực của “chiều hướng nhân bản trọn vẹn” này, một thứ nhân bản, theo Đức Phaolô VI, bao gồm việc “phát triển trọn vẹn toàn thể con người và tất cả mọi người” (cùng nguồn, khoản 42). Đó là lý do, việc đóng góp chính yếu Giáo Hội cống hiến cho việc phát triển con người và các dân tộc không phải chỉ ở nơi những phương tiện vật chất hay những giải quyết về kỹ thuật. Trái lại, nó bao gồm việc loan báo sự thật về Chúa Kitô, Đấng giáo dục lương tâm và dạy về phẩm vị đích thực của con người và của việc làm; nó nhắm tới việc phát động một nền văn hóa thực sự đáp ứng với tất cả mọi vấn đề của con người.
Trước cuộc thách đố kinh khủng về tình trạng nghèo khổ đang hành hạ quá nhiều người trên thế giới, thì thái độ dửng dưng và chỉ biết có bản thân mình là những gì hoàn toàn phản lại “ánh mắt” của Chúa Kitô. Việc chay tịnh và làm phúc bố thí, những gì cùng với việc cầu nguyện, được Giáo Hội đề ra một cách đặc biệt trong Mùa Chay, là phương tiện thuận lợi xứng hợp cho chúng ta trở nên phù hợp với “ánh mắt” của Chúa Giêsu ấy. Gương của các vị thánh và lịch sử lâu dài của việc Giáo Hội hoạt động truyền giáo cho thấy những chứng cớ vô giá về những cách thức hiệu nghiệm nhất trong việc hỗ trợ vấn đề phát triển. Thậm chí trong kỷ nguyên liên thuộc toàn cầu này, rõ ràng là vẫn không có một dự án nào về kinh tế, xã hội hay chính trị có thể thay thế được việc trao tặng bản thân mình cho người khác để thể hiện đức bác ái. Những ai tác hành theo lý lẽ của Phúc Âm là thành phần sống đức tin một cách thân tình với Vị Thiên Chúa Nhập Thể, và như Ngài, họ mang lấy gánh nặng các nhu cầu vật chất và tinh thần của tha nhân. Họ thấy việc sống đức tin này như là một mầu nhiệm vô tận, đáng được mãi mãi chăm sóc và chú trọng. Họ biết rằng ai không sống thân mật với Thiên Chúa thì đó là kẻ rất ít dấn thân; Chân Phước Têrêsa thường nhận định là tình trạng nghèo khổ nhất đó là không nhận biết Chúa Kitô. Bởi thế, chúng ta cần phải giúp nhau tìm gặp Thiên Chúa nơi dung nhan nhân hậu của Chúa Kitô. Thiếu nhãn quan này thì văn minh không có nền tảng vững chắc.
Nhờ những con người nam nữ nghe theo Thánh Linh, mà nhiều hình thức hoạt động bác ái nhắm đến việc cổ võ vấn đề phát triển đã được xuất phát trong Giáo Hội: như các bệnh viện, đại học, các trường huấn luyện chuyên nghiệp, và những doanh nghiệp nhỏ. Những khởi động này cho thấy mối quan tâm nhân đạo thực sự của những ai được sứ điệp Phúc Âm tác động, những khởi động lâu đời trước những hình thức khác về vấn đề an sinh xã hội. Những hoạt động bác ái ấy cho thấy cách thức để đạt tới một thứ toàn cầu hóa chú trọng tới sự thiện thật sự của nhân loại, nhờ đó, cũng là con đường dẫn đến tình trạng hòa bình đích thực. Như Chúa Giêsu, được tác động bởi lòng cảm thương đối với đoàn lũ dân chúng, Giáo Hội ngày nay cảm thấy có phận sự xin các vị lãnh đạo chính trị, và những ai có quyền thế về kinh tế và tài chính hãy cổ võ vấn đề phát triển, theo chiều hướng tôn trọng phẩm vị của hết mọi con người nam nữ. Một thử nghiệm quan trọng cho việc thành công nơi các nỗ lực của thành phần này đó là quyền tự do tôn giáo, một quyền tự do không phải chỉ được hiểu là quyền tự do loan truyền và cử hành Chúa Kitô, mà còn cả cơ hội góp phần vào việc xây dựng một thế giới được dậy men đức bác ái nữa. Những nỗ lực này cần phải bao gồm cả việc nhìn nhận vai trò chính yếu của các thứ giá trị đích thực về tôn giáo có thể đáp ứng những quan tâm sâu xa nhất của con người, cũng như có thể tạo nên nơi họ một động lực về đạo lý đối với các trách nhiệm theo cá nhân và xã hội của họ. Đó là những qui chuẩn cần Kitô hữu căn cứ để thẩm định các chương trình chính trị của thành phần lãnh đạo họ.
Chúng ta cũng không thể nào bỏ qua sự kiện là trong giòng lịch sử đã xẩy ra nhiều lầm lỗi gây ra bởi những ai cho mình là thành phần môn đệ của Chúa Giêsu. Rất thường xẩy ra là khi phải giải quyết những vần đề hệ trọng, họ nghĩ rằng trước hết họ phải cải tiến thế giới này đã rồi sau đó mới nghĩ tới vấn đề khác. Khuynh hướng ở đây là tin rằng, trước những nhu cầu khẩn trương, điều buộc phải làm trước hết đó là thay đổi các cơ cấu bề ngoài. Hậu quả đối với một số người đó là Kitô Giáo trở thành một thứ duy luân lý, “việc tin tưởng” cần phải được thay thế bằng “việc thực hiện”.
Bởi thế, thật là xác đáng, vị Tiền Nhiệm của tôi là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đáng kính nhớ, đã nhận định là: “Khuynh hướng ngày nay đó là biến Kitô Giáo thành một thứ thuần khôn ngoan loài người, một thứ khoa học ngụy tạo về phúc lợi. Trong một thế giới bị tục hóa nặng nề của chúng ta đây vẫn đang diễn ra một ‘cuộc tục hóa từ từ ơn cứu độ’, để rồi người ta cố gắng thực hiện sự thiện hảo cho con người nhưng là một con người bị què cụt… Tuy nhiên, chúng ta biết rằng Chúa Giêsu là Đấng đã đến để mang lại ơn cứu độ trọn vẹn vậy” (Thông Điệp “Redemptoris Missio”, đoạn 11).
Chính ơn cứu độ trọn vẹn này mà Mùa Chay đề ra cho chúng ta thấy, hướng tới cuộc chiến thắng của Chúa Kitô trên mọi sự dữ đang áp chế chúng ta. Bằng việc hướng về Vị Thần Sư, bằng việc trở về với Người, bằng việc cảm nghiệm tình thương của Người qua Bí Tích Hòa Giải, chúng ta mới nhận ra được “ánh mắt” xuyến thấu chúng ta và ban sự sống mới cho đoàn lũ dân chúng cũng như cho mỗi người chúng ta. Ánh mắt này phục hồi lòng tin tưởng cho những ai không đầu hàng trước mối ngờ vực, mở ra cho họ thấy chân trời của phúc đức trường cửu. Khắp giòng lịch sử, ngay cả khi lòng thù ghét dường như thắng thế thì cũng chẳng bao giờ thiếu chứng từ ngời sáng của tình Người yêu thương. Chúng ta ký thác cuộc hành trình Mùa Chay của cúng ta cho Mẹ Maria, “nguồn hy vọng sống động” (Dante Alighieri, "Paradiso," XXXIII, 12), để Mẹ có thể dẫn chúng ta đến với Con Mẹ. Tôi phó dâng cho Mẹ đặc biệt đoàn lũ dân chúng đang sống trong cảnh nghèo khổ và đang kêu than mong được trợ giúp, nâng đỡ, và cảm thông. Với những cảm thức ấy, tôi thân ái ban Phép Lành Tòa Thánh đặc biệt cho tất cả anh chị em.
Tại Vatican ngày 29/9/2005
Giáo Hoàng Biển Đức XVI
(Sứ điệp này được chính thức phổ biến ngày 31/1/2006)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo
http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/messages/lent/documents/hf_ben-xvi_mes_20050929_lent-2006_en.html
“Nhân Bào Phôi Thai Trước Khi Được Cấy: Các Khía Cạnh Khoa Học và Những Quan Tâm Về Đạo Lý Sinh Học”
Ở văn phòng báo chí của Tòa Thánh hôm Thứ Sáu 24/2/2006, đã có một cuộc họp báo để trình bày về hội nghị quốc tế liên quan tới chủ đề “Nhân bào phôi thai Trước Khi Được Cấy: Các Khía Cạnh Khoa Học và Những Quan Tâm Về Đạo Lý Sinh Học”. Hội nghị này được tổ chức ở Sảnh Đường New Synod Vatican, vào thời khoảng 27-28/2/2006, Thứ Hai và Thứ Ba, ngay trước Thứ Tư Lễ Tro, và là tổng hội nghị lần thứ 12 của Học Viện Tòa Thánh Về Sự Sống.
Tham dự buổi họp báo hôm nay gồm có Đức Giám Mục Elio Sgreccia, chủ tịch Học Viện Tòa Thánh Về Sự Sống; Ông Adriano Bompiani, Chuyên Viên Sản Phụ Khoa và là giám đốc Viện Khoa Học Quốc Tế của Đại Học Thánh Tâm Công Giáo ở Rôma; Cha Kevin T. Fitzgerald, giáo sư phụ khảo về khoa di truyền học ở phân bộ ung thư học của Đại Học Georgetown, Washington, Hoa Kỳ; và Đức Giám Mục Willem Jabobus Eijk ở Groningen, Hòa Lan, một thần học gia về luân lý và là chuyên viên về khoa đạo lý sinh học kiêm bác sĩ.
Ông Adriano Bompiani phát biểu như thế này: “Để gán cho nhân bào phôi thai một ‘vị thế pháp lý’, cần phải ‘hiểu được’ bản chất của nó”, một sự hiểu biết ông muốn nói tới là những gì được căn cứ vào việc nghiên cứu về bản thể học.
“Ngày nay, việc xem xét nhân bào phôi thai qua kính hiển vi vẫn chưa đủ”, mà cần phải “sử dụng tất cả mọi phương tiện sẵn có” từ các ngành di truyền học, hình thái học, sinh hóa học và phân tử sinh học nữa.
Để “công nhận” cái nhân bào phôi thai này, “chúng ta dựa vào những quan niệm về sự sống con người, về hữu thể con người, về cá thể con người, và về ngôi vị con người. Hiển nhiên là việc suy tư về những quan niệm ấy là mục tiêu của việc nghiên cứu về bản thể học vậy. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, điều này cần phải được thực hiện chỉ sau khi diễn đạt và hiểu được những gì xẩy ra trong vài tiếng đồng hồ sau cuộc gặp gỡ giữa một nhân trứng sống động và một tinh trùng”. Và ông kết luận là theo quan điểm lý lẽ thì nguồn gốc của một con người mới là ở “cuộc gặp gỡ giữa một tinh trùng và một noãn sào thuộc cùng một giống loài”.
(còn tiếp)
VĂN MINH MỲ GÓI Và ảnh hưởng cuộc sống tâm linh
Trần Mỹ Duyệt
Trong loạt bài “Văn Minh Mỳ Gói”, kỳ trước người viết đã đề cập đến ảnh hưởng của nó liên quan đến đời sống hôn nhân gia đình. Lần này xin được đề cập đến ảnh hưởng của văn minh này trong đời sống tâm linh.
Dĩ nhiên, đời sống thể lý gắn liền với loại văn minh mỳ gói, mỳ ăn liền hơn, bởi vì những thứ ấy đi liền và gắn bó hơn với thể lý và những nhu cầu tự nhiên của con người. Nhưng vì con người gồm đời sống tự nhiên (thể lý), tâm lý, và tâm linh, nên những gì ảnh hưởng đến đời sống này đều liên quan đến đời sống kia. Bởi vì con người là một sự kết hợp khăng khít bất khả phân ly giữa ba đời sống thể lý, tâm lý và tâm linh.
Khi đề cập đến những ảnh hưởng của nền văn minh mỳ gói, điều trước hết phải kể đến, đó là ảnh hưởng của sự dồn nén, vội vàng, hấp tấp, và hưởng thụ trên đời sống tâm linh của con người. Thí dụ, trong việc cử hành các bí tích, trong đời sống cầu nguyện, và trong nếp sống đạo thường ngày.
1. ĐỜI SỐNG BÍ TÍCH:
Khi đề cập đến đời sống nội tâm, điều quan trọng nhất chính là sức sống và năng lực của các Bí Tích; đặc biệt là Thánh Lễ. Nhưng đời sống bí tích hiện nay đang bị ảnh hưởng của văn minh mỳ gói chi phối. Sự chi phối này không những xâm chiếm và tác dụng đối với các tín hữu, mà còn ảnh hưởng một cách mạnh mẽ nơi thành phần giáo sỹ và tu sỹ nữa.
Thật vậy, suốt một tuần lễ, người tín hữu bận bựu với công việc sinh nhai, việc gia đình và việc xã hội đến nỗi phần đông như “quên” Chúa. Cũng may, còn có ngày Chúa Nhật – ngày của Chúa - để mọi người quây quần bên bàn thánh dâng lời chúc tụng, tạ ơn, và cầu xin. Xin ơn tha thứ lỗi lầm, tội khiên, và xin mọi ơn cần thiết cho cuộc sống tâm linh và vật chất. Cốt lõi của ngày họp mặt gia đình này là việc học hỏi, lắng nghe và suy tôn Lời Chúa và việc Bẻ Bánh. Nói một cách gọn gàng là tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật.
Nhưng than ôi! Trong nhiều thánh lễ linh mục giảng giải cho có lệ. Nói rông rài, đôi khi còn văn chương, thơ phú bóng bẩy, và ca hát theo kiểu tài tử. Trong những thánh lễ như vậy, giáo dân cứ thế mà chịu trận, cho đến một lúc, nhìn đồng hồ quá 30 phút. Và thế là phần còn lại, trong tất cả các lễ qui, lời nguyện, và kể cả lời Truyền Phép, linh mục đọc như một cái máy, đọc nhanh và đọc lướt qua, liến thoắng đến nỗi những giáo dân lớn tuổi và già cả không nghe kịp và cũng chả hiểu “cha” đọc và làm gì nữa.
Cũng một cách thức tương tự, nhiều linh mục ngồi tòa, ban các Bí Tích như thói quen máy móc. Và đó là lý do tại sao khi được hỏi về sức thu hút và hấp dẫn của đời sống tôn giáo, của Giáo Hội, phần lớn giới trẻ Công Giáo đã cho là không thuyết phục và hấp dẫn. Thống kê dưới đây cho biết:
-
39% đối
với thành phần không hoặc hiếm hoi đến thánh đường cho rằng sinh hoạt của Giáo
Hội quá buồn tẻ.
-
41% bạn
trẻ lâu lâu mới đến với thánh đường một lần cũng cho rằng Giáo Hội và sinh hoạt
Giáo Hội buồn nản.
- 29% bạn trẻ thường xuyên đến thánh đường cũng đã cho rằng Giáo Hội và sinh hoạt Giáo Hội thiếu hấp dẫn và buồn chán.
Đó là chưa kể đến những giáo lý và luật lệ mà tuổi trẻ cũng như phần lớn Kitô
hữu ngày nay đều cho rằng khó khăn, không hợp thời, hoặc cần phải đặt lại vấn đề.
Thí dụ, luật cấm ngừa thai. Luật cấm phá thai. Luật cấm ly dị. Luật đối với
thành phần đồng tính và hôn nhân đồng tính. Luật độc thân của linh mục...
Ảnh hưởng của văn minh mỳ gói, văn minh vật chất, văn minh sự chết thật sự đã tác dụng và chi phối đời sống tâm linh của những người nhẽ ra qua họ, người ta nhìn thấy Chúa Kitô như các linh mục, tu sĩ nam nữ, và giáo dân.
2. ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN:
“Không cầu nguyện thì không cần phải ma quỷ cám dỗ. Tự mình ta, ta sẽ gieo mình xuống hỏa ngục” (Thánh Têrêsa D’avila). Chúa Giêsu cũng bảo Kitô hữu phải cầu nguyện không ngừng: “Hãy cầu nguyện luôn để khỏi sa chước cám dỗ”.
Trong thế giới chạy đua với tốc lực, với sức mạnh của tiền bạc, câu “thời giờ là vàng bạc” quả rất đúng. Nó đúng đến độ người ta không còn giờ để đọc kinh, không còn giờ để cầu nguyện. Nhất là không còn giờ để cùng cầu nguyện với nhau trong gia đình. Cầu nguyện giữa vợ chồng. Cầu nguyện giữa cha mẹ và con cái. Tại các nước văn minh nhất thế giới như Hoa Kỳ, con số những gia đình còn giữ được tập quán cầu nguyện có thể nói là một con số ít ỏi và hiếm hoi.
Nhưng nếu thời giờ cùng nhau cầu nguyện không có, thì ngược lại, thời giờ gia đình quây quần bên chiếc TV, xem truyền hình, nghe tin tức, xem thể thao, hát karaoke hoặc xem phim chưởng lại luôn luôn có và có rất dồi dào. Nhiều người còn có thời giờ cho những buổi hò hẹ, xem xinê, tham dự các cuộc vui văn nghệ, và đi vào các sòng bài. Đó là những lý do người ta thiếu giờ cầu nguyện. Thiếu giờ dành cho đời sống tâm linh.
Một trong những lý do là Chúa “chậm chạp” quá. Cầu nguyện sốt ruột lên mà Chúa vẫn chưa trả lời. Cầu một ngày, cầu một tuần, cầu một năm. Có khi cầu đến chục năm mà Chúa vẫn chưa nghe. Sốt ruột quá! Mất thời gian tính quá! Và có lẽ vì Chúa chậm nghe, chậm trả lời, nên con người phải tự tìm cách giải quyết những vấn nạn của đời mình, nếu không thời giờ qua đi mà không làm gì được.
Do ảnh hưởng của mỳ ăn liền, càphê uống liền, fast food ăn liền đã tạo nên một tâm thức rất nóng nẩy, rất bất an và bất nhẫn, và rất dễ sốt ruột. Mà vì Chúa không biết sốt ruột, nên khi thấy mình sốt ruột, con người đã tìm cách tự giải quyết lấy. Chúa không cho tiền để sinh sống. Được! Phá thai. Vì sinh con nhiều mà không có tiền để nuôi nấng, dậy dỗ thì thà đừng sinh ra còn hơn. Chúa không cho tiền. Được! Con tìm vào casino, ở đây dễ kiếm tiền và mau làm giầu hơn. Chúa không cho ly dị. Được! Không lấy vợ, không lấy chồng nữa. Lấy rồi thì khó bỏ. Ở vậy có nhiều bồ hơn mà muốn bỏ lúc nào cũng được.
Trong cái lẫn lộn và hoang mang giữa thiện và ác. Giữa đời và đạo. Giữa vật chất và tinh thần ấy, phần đông con người nghiêng về những gì là vật chất, là thực tế, và dễ dãi để rồi bỏ cầu nguyện. Bỏ kết hợp với Chúa.
3. SỐNG ĐẠO THƯỜNG NGÀY:
Cũng như con số thống kê mà chúng ta vừa tìm thấy nơi các bạn trẻ. Phần đông người Kitô hữu lúc này xem ra cũng không muốn sống đạo với lời giảng dậy, mặc dù Chúa Giêsu đã nói cách rõ ràng: “Ai bền đỗ đến cùng mới được cứu rỗi” (Mt 10:22). Và câu hỏi là đến cùng là bao lâu?
Một vị linh mục thân từ Pháp qua chơi thăm Hoa Kỳ, đã tâm sự rằng tại Pháp lúc này các linh mục được cho đi “vacation” dài dài. Lý do vì chẳng ai tham dự thánh lễ, xưng tội, và họa may có đôi trường hợp xin rửa tội, rước lễ lần đầu, và làm phép xác. Điều này đã được Đức Gioan Phaolô II hết sức hô hào để Giáo Hội Pháp lấy lại vị thế Trưởng Nữ của Giáo Hội. Một Giáo Hội mà từ đó Kitô Giáo được mang đi truyền thụ hầu khắp thế giới, nhưng nay lại nghèo nàn, co cụm, và già nua. Nếp sống đạo này chắc chắn có chịu phần ảnh hưởng của văn minh mỳ gói. Người trẻ không tham dự đứng đắn đời sống hôn nhân gia đình. Không có con, đến tuổi già sức yếu, cảm thấy cô đơn và buông xuôi. Lòng đạo đức không được hun đúc và tập luyện ngay trong bầu khí gia đình, lớn lên vào đời bị lôi cuốn và chi phối bởi những lý thuyết và triết lý sống ngoại lai lấy văn minh sự chết, lấy cá nhân, lấy những hào nhoáng và sự thoả mãn vật chất làm nền tảng, tự nhiên đời sống tâm linh bị đẩy lùi, và bị xóa nhòa.
Ai cũng biết, dù hô hào, dù cố tình phủ nhận, thì tâm thức đạo đức và ý thức về Thiên Chúa vẫn có đó trong lương tâm con người. Nếu không vậy, Thiên Chúa sẽ không có cơ sở và căn bản để thưởng phạt. Nhưng vì lương tâm ấy không được tinh luyện và làm cho sống động bằng những việc làm tôn giáo, do đó, sẽ dần dà bị lu mờ. Và đó là ảnh hưởng tai hại của thứ văn minh mỳ gói. Thứ văn minh mà dù những căn bản đời đời, dù những vấn đề thuộc lãnh vực tâm linh cũng muốn mang ra để giải quyết cấp thời, nhanh và gọn. Một lối sống và suy tư như không còn tin vào ngày mai, phủ nhận quyền vạn năng của Thiên Chúa.
Nhân loại ngày nay đang đi về đâu trong niềm tin của mình? Câu trả lời thật khó khăn nhưng cũng rất dễ. Tuy nó bị gằng co bởi rất nhiều những yếu tố phần lớn là do trí khôn con người, do ham muốn, và do những đam mê thôi thúc. Dĩ nhiên, Satan và bọn quỷ thần chúng đang cố tình gieo vào lòng trí con người những triết lý và suy tư ấy, mà một trong những triết lý sống đang làm đảo lộn niềm tin của nhiều người là triết lý và lối sống mỳ gói, mỳ ăn liền.
Con người ngày nay thật ra không có giờ cho nhau trong một bữa ăn gia đình đầm ấm. Không có giờ cho nhau trong một buổi trà đàm thân mật. Không có giờ cho nhau bằng những buổi thăm viếng, an ủi, và gần gũi nhau. Không có giờ cầu nguyện. Không có giờ sống niềm tin của mình. Nhưng ngược lại, họ có tất cả mọi giờ giấc cho những đòi hỏi quay cuồng đến chóng mặt. Họ muốn loay hoay tự mình giải quyết mọi chuyện để rồi nóng lòng muốn có ngay kết quả. Họ đã quên hay không muốn dành cho mình ít phút để đọc và niệm lời Chúa Giêsu đã nói với Martha: “Martha, con lo lắng, bối rối nhiều chuyện quá” (Luca 10:41).