GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ TƯ 22/3/2006

 TUẦN III MÙA CHAY

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI về Sự Sống Con Người khi mới được thụ thai

?  ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II - VỊ GIÁO HOÀNG CỦA “VUI MỪNG VÀ HY VỌNG”: “ĐỪNG SỢ” (tiếp)

?  Do Thái và Giáo Hội Công Giáo Tuyên Ngôn Về Việc Tôn Trọng Và Bảo Vệ Sự Sống Con Người

 

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI về Sự Sống Con Người khi mới được thụ thai

 

Nếu Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã huấn dụ thành phần chuyên gia y khoa và khoa học gia hôm Thứ Bảy 20/3/2004, tại Sảnh Đường Clementine, ngỏ cùng 400 tham dự viên của Hội Nghị Thế Giới về chủ đề “Những Trị Liệu Bảo Trì Sự Sống và Trạng Thái Thực Vật: Các Tiến Bộ Về Khoa Học và Những Nan Giải Về Đạo Lý”, tức về sự sống của con người trước khi lìa đời thế nào, Đức Tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI của chúng ta cũng huấn dụ tại Sảnh Đường Clementine hôm Thứ Hai 27/2/2006 cùng Tham Dự Viên của Tổng Nghị Lần 12 của Học Viện Tòa Thánh Về Sự Sống về vấn đề “Nhân Bào Phôi Thai Ở Giai Đoạn Tiền Cấy”, tức về giá trị của sự sống con người ngay từ khi vào đời như vậy.

 

Giáo huấn của Giáo Hoàng Biển Đức XVI về giá trị và thực tại của sự sống con người khi vừa được thụ thai ra sao?

 

Chúng ta có thể tóm tắt những ý tưởng chính yếu từ bài huấn từ của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI về vấn đề sự sống khi mới được thụ thai như sau:

 

Thứ nhất, ‘sự sống của con người là những gì linh thánh và bất khả vi phạm ở bất cứ giây phút nào trong cuộc sống, bao gồm cả giai đoạn khởi sự trước khi nó được hạ sinh’.

 

Thứ hai, sở dĩ ‘sự sống của con người là những gì linh thánh và bất khả vi phạm ở bất cứ giây phút nào trong cuộc sống’, bởi vì nó ‘là một biểu hiện của Thiên Chúa trên thế giới, là dấu hiệu cho thấy việc hiện diện của Ngài, là dấu vết phản chiếu vinh hiển của Ngài’

 

Thứ ba, sự sống ‘là một biểu hiện của Thiên Chúa trên thế giới, là dấu hiệu cho thấy việc hiện diện của Ngài, là dấu vết phản chiếu vinh hiển của Ngài’, bởi vì Thiên Chúa yêu thương hết mọi con người ngay cả trước khi họ được hình thành trong lòng mẹ nữa.

 

Thứ bốn, Thiên Chúa yêu thương hết mọi con người ngay cả trước khi họ được hình thành trong lòng mẹ nữa, ở chỗ, như Ngài phán với Tiên Tri Giêrêmia: ‘trước khi Ta hình thành ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi, và trước khi người được sinh ra Ta đã thánh hiến ngươi’ (Jer 1:5).

 

Trên đây là những dẫn chứng Thánh Kinh và giáo huấn của Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Thông Điệp Phúc Âm Sự Sống được Đức Thánh Cha Biển Đức XVI trích lại để khuyên dạy về việc tôn trọng và bảo vệ sứ sống con người ngay từ khi sự sống được thụ thai trong lòng mẹ.

 

Thật vậy, theo kẻ phân tích bài huấn từ của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI trên đây thì những lý lẽ của Thánh Kinh và Huấn Quyền của Giáo Hội trên đây cũng rất thích hợp với triết lý. Ở chỗ, cái nhân bào phôi thai ngay từ khi được thụ thai đã là người về bản chất, dù chưa thành người về hình dạng, nói cách khác, nếu cái mầm phôi thai bào ấy không phải là người thì sẽ không bao giờ thành người. Vậy sát hại cái mầm phôi thai chưa thành người song đã là người ấy chính là giết người rồi vậy.

 

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL

 

 

 

TOP

 

 ?  ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II - VỊ GIÁO HOÀNG CỦA “VUI MỪNG VÀ HY VỌNG”: “ĐỪNG SỢ”

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,

Tưởng niệm đầy năm băng hà của Vị Giáo Hoàng Triết Gia Nhân bản

(tiếp 14 Thứ Ba, 15 Thứ Tư, 16 Thứ Năm, 17 Thứ Sáu, 18 Thứ Bảy, 19 Chúa Nhật, 20 Thứ Hai, 21 Thứ Ba)

4)         Triết Lý Nhân Sinh: Thuyết Ngôi Vị Cách của Triết Gia Nhân Bản Wojtyla

Tóm lại, Thụ Nhân Cứu Chuộc, trong Giáo Triều có Cốt Lõi là Mầu Nhiệm Cứu Chuộc này, là yếu tố thiết yếu bất khả châm chước và là mối quan tâm chủ yếu của Đức Gioan Phaolô II. Tuy nhiên, những giáo huấn về nhân bản của giáo triều này là những gì đã được mọc mầm và nẩy nở từ triết lý nhân sinh của vị Giáo Hoàng trước đó đã là Triết Gia Wojtyla, một trong những đại tư tưởng gia của riêng Balan và của chung thế giới, đã dung hợp và hoàn thiện hóa khoa đạo đức học về trách nhiệm của triết gia Đức quốc Immanuel Kant (1724-1804) với khoa hiện tượng học về giá trị của triết gia Đức quốc Max Scheler (1874-1928) thành khoa triết học về ngôi vị cách.

 

Thật thế, trước khi làm Giáo Hoàng, hay trong thời gian đang còn là giáo sư triết học ở Balan và đang sinh hoạt mục vụ với giới trẻ, ngài đã suy tư, sau đó đã viết thành sách, thành 2 tác phẩm nổi tiếng về nhân bản theo chiều kích ngôi vị thuyết, đó là cuốn “Yêu Thương và Trách Nhiệm” (Love and Responsibility) và “Con Người Sinh Động” (Acting Person). Những tác phẩm này đã được ngài nhắc đến nguồn gốc và nội dung của chúng trong cuốn “Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng”, ở chương mang tựa đề “Nhân Quyền”. Như ngài cho biết, tác phẩm đầu tiên “Con Người Sinh Động” được ngài viết ra để chống lại chủ nghĩa Cộng Sản, chống lại những “dẫn giải vô thần” về con người của các khoa học gia, vật lý gia “từ sau Einstein”. Nếu cuốn “Con Người Sinh Động” liên quan tới thời Balan Cộng Sản sau Thế Chiến Thứ Hai, thì cuốn “Yêu Thương và Trách Nhiệm” được nẩy mầm trước đó, “sau thời Đức quốc xâm chiếm” Balan, liên quan tới vấn đề “về cách thức sống” được giới trẻ đặt ra cho một vị linh mục trẻ như ngài bấy giờ. Ngài đã cho biết đại quan về hai tác phẩm triết lý nhân sinh này “bàn đến các vấn đề liên quan tới cuộc sống của nhân loại” của mình, những tác phẩm ảnh hưởng tới chiều kích nhân bản, chiều kích của thành phần Thụ Nhân Cứu Chuộc, đối tượng của “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần”, như sau:

 

“Bởi vậy, có thể nói cho ngay rằng chính vì mối quan tâm mục vụ mà tôi đã khai triển các vấn đề nghiên cứu tập trung vào con người – vào con người ngôi vị. Cũng chính theo quan điểm mục vụ mà tôi đã hình thành quan niệm nguyên tắc về ngôi vị cách  nơi cuốn Yêu Thương và Trách Nhiệm. Nguyên tắc này là một nỗ lực chuyển dịch giới luật yêu thương thành thứ ngôn ngữ đạo lý triết học. Con người là một hữu thể chỉ xứng hợp với duy chiều kích yêu thương mà thôi. Chúng ta sống cách chân chính với một người nào đó nếu chúng ta yêu thương họ. Điều này đúng thực đối với Thiên Chúa cũng như đối với con người. Yêu thương một con người thì không tìm cách đối sử với họ như là một thứ đối tượng để thỏa mãn. Đây là một nguyên tắc nơi đạo đức học của Kant và tạo nên cái được ông gọi là trách nhiệm thứ hai. Tuy nhiên, trách nhiệm này có tính cách tiêu cực và không diễn tả được tất cả nội dung của giới luật yêu thương. Nếu Kant quá nhấn mạnh rằng con người không thể bị đối sử như là một đối tượng để thỏa mãn, thì ông đã làm như thế là để chống lại chủ nghĩa duy thực dụng của trường phái Anglo-Saxon, và theo quan điểm ấy thì ông đã đạt được mục đích của mình. Tuy nhiên, Kant không trọn vẹn dẫn giải hết giới luật yêu thương. Thật thế, giới luật yêu thương không bị giới hạn vào việc loại trừ đi tất cả mọi hành vi cử chỉ biến con người thành một đối tượng thuần túy để thỏa mãn. Giới luật này còn đòi hỏi hơn thế nữa; nó đòi phải chấp nhận con người như là một ngôi vị”.

 

Những tư tưởng triết lý nhân sinh trên đây của ngài, theo Vị Giáo Hoàng đã góp phần (có thể nói chính yếu) trong việc soạn thảo bản Hiến Chế “Vui Mừng Và Hy Vọng”, một văn kiện tiêu biểu cho Công Đồng có tính cách canh tân hướng ngoại theo chủ trương Giáo Hội Trong Thế Giới Tân Tiến, đã chính thức trở thành chất liệu thiết yếu của và cho Công Đồng Chung Vaticanô II, trở thành giáo huấn chính thức của Giáo Hội, như ngài đã so sánh và trích dẫn trong cùng tác phẩm, tiếp theo sau ngay đoạn vừa trích dẫn trên đây (trang 201), như thế này:

 

Việc diễn giải thực sự về ngôi vị cách của giới luật yêu thương được chất chứa nơi những lời của Công Đồng: ‘Khi Chúa Giêsu cầu nguyện cùng Cha xin cho ‘họ được nên một’ (Jn 17:22), là Người đặt trước mắt chúng ta một chân trời mới bất khả thấu đối với lý trí loài người, và bao hàm một thứ tương tự giống nhau giữa cuộc hiệp nhất nơi các ngôi vị thần linh với việc hiệp nhất của con cái Chúa trong chân lý và yêu thương. Cái tương tự giống nhau này cho thấy làm thế nào mà con người, một tạo vật duy nhất trên trần gian này lại được Thiên Chúa dựng nên cho chính họ, có thể hoàn toàn khám phá ra chính mình duy chỉ bằng việc trao ban bản thân mình’ (đoạn 24). Ở đây chúng ta có một dẫn giải thích đáng đầy đủ về giới luật yêu thương. Trước hết, nguyên tắc con người có giá trị nhờ duy sự kiện họ là một ngôi vị được hoàn toàn sáng tỏ ở chỗ: con người, như đã viết, ‘là tạo vật duy nhất trên trần gian được Thiên Chúa dựng nên cho chính họ’. Đồng thời Công Đồng cũng nhấn mạnh rằng, điều quan trọng nhất về yêu thương đó là việc chân thành ban tặng bản thân mình. Theo ý nghĩa này thì con người đây được hiện thực bởi yêu thương

 

“Bởi thế, hai khía cạnh này – khía cạnh công nhận con người là một ngôi vị và khía cạnh chân thành ban tặng bản thân mình – chẳng những không loại trừ nhau, mà còn xác định nhau và hoàn trọn nhau. Con người nhận biết mình nhất bằng việc hoàn toàn hiến tặng bản thân mình. Đó là những gì làm trọn giới luật yêu thương. Đó cũng là sự thật trọn vẹn về con người, một sự thật được Chúa Kitô dạy cho chúng ta biết bằng đời sống của Người, cũng là một sự thật được truyền thống thánh nhân và nhiều vị anh hùng của lòng yêu thương tha nhân đã tiếp nối và sống trọn vẹn trong giòng lịch sử.

 

“Nếu chúng ta lấy đi cái khả thể này khỏi tự do của con người, nếu con người không dấn thân trở thành một quà tặng cho người khác, thì cái tự do ấy có thể trở thành nguy hiểm. Nó sẽ trở thành thứ tự do được sử dụng để làm bất cứ những gì chính tôi cho là tốt lành, những gì mang lại cho tôi lợi lộc và thỏa mãn, cho dù là một thỏa mãn thanh cao. Nếu chúng ta không thể chấp nhận quan điểm ban tặng bản thân mình thì bao giờ chúng ta cũng thấy xuất hiện cái nguy hiểm của thứ tự do vị kỷ. Kant đã chống lại thứ nguy hiểm này, và theo cùng đường hướng ấy còn có cả Max Scheler cùng với rất nhiều người sau ông để tham phần vào khoa đạo lý về các giá trị của ông. Thế nhưng, mọi sáng tỏ về tất cả những sự này đều đã được chất chứa trong Phúc Âm. Chính vì thế mà chúng ta có thể tìm thấy nơi Phúc Âm một bản tuyên ngôn nhất quán về tất cả mọi thứ nhân quyền, cho dù những nhân quyền ấy, vì những lý do khác nhau, có thể làm cho chúng ta cảm thấy bức rức”.

 

(Nếu cần xin xem lại toàn bài Vị Giáo Hoàng Vui Mừng và Hy Vọng: 'Đừng Sợ'

 

 

TOP

 

 

?   Do Thái và Giáo Hội Công Giáo Tuyên Ngôn Về Việc Tôn Trọng Và Bảo Vệ Sự Sống Con Người

Sau đây là nguyên vănbản tuyên ngôn của Do Thái và Công Giáo đúc kết Cuộc Họp của Ủy Ban Song Phương ở Rôma (26-28/2/2006 theo niên lịch Kitô Giáo hay 28-30 Tháng Shevat năm 5766 niên lịch Do Thái Giáo), giữa phái đoàn Đại Biểu của Ủy Ban Tòa Thánh Về Liên Hệ Tôn Giáo Với Người Do Thái và Đại Biểu của Do Thái Về Liên Hệ Với Giáo Hội Công Giáo.

1.     Trong cuộc họp lần thứ sáu của ủy ban song phương được tổ chức ở Rôma này, chúng tôi đã nói tới vấn đề liên hệ giữa sự sống con người và kỹ thuật – suy tư về những tiến bộ vượt bực nơi khoa y học cùng với những thách đố cũng như những cơ hội bao gồm nơi những thứ tiến bộ này.

2.     Chúng tôi xin khẳng định những nguyên tắc theo các Truyền Thống tương xứng của chúng tôi như sau: Thiên Chúa là Đấng Hóa Công và là Chúa của tất cả mọi sự sống, và sự sống của con người là những gì linh thánh chính vì, như Thánh Kinh dạy, con người được dựng nên theo Hình Ảnh Thần Linh (x Gen 1:26-27). Vì sự sống là một tặng ân Thần Linh cần phải được tôn trọng và bảo trì, mà chúng tôi buộc phải bác bỏ những ý nghĩ  cho rằng con người làm chủ sự sống và bất cứ đảng phái con người nào có quyền định đoạt về giá trị hay giới hạn của nó. Do đó chúng tôi phản đối chủ trương chủ động triệt sinh an tử (được gọi là thương hại sát sinh) như là một việc con người lộng quyền trái phép đối với việc độc quyến của Thần Linh trong vấn đề định đoạt thời gian qua đời của con người.

3.     Chúng tôi dâng lời tạ ơn Đấng Hóa Công về những khả năng Ngài đã ban cho nhân loại để chữa lành và bảo trì sự sống, cũng như về những thánh đạt đáng kể trong việc dễ dàng hóa được khoa học, y học và kỹ thuật hiện đại thực hiện về khía cạnh này. Tuy nhiên, chúng tôi công nhận rằng những thành đạt phúc lợi này cũng bao gồm cả nhiều trách nhiệm hơn nữa, bao gồm cả những thách đố sâ xa về đạo lý cùng với những nguy hiểm khả dĩ.

4.     Về vấn đề này, chúng tôi xin lập lại các giáo huấn của di sản chúng tôi là tất cả mọi kiến thức và khả năng của con người cần phải phục vụ và cổ võ sự sống con người cùng phẩm vị con người, nên chúng phải hòa hợp ăn khớp với các thứ giá trị về luân lý được bắt nguồn từ các nguyên tắc được nói đến trên đây. Bởi vậy cần phải hạn chế việc áp dụng khoa học và kỹ thuật với nhận thức về sự kiện là không phải mọi sự khả dĩ về kỹ thuật đều hợp đạo lý.

5.     Việc tôn trọng và chăm sóc cho sự sống của con người cần phải là mệnh lệnh luân lý phổ quát được hết mọi xã hội dân sự cùng với luật lệ của họ bảo đảm, hầu phát động một nền văn hóa sự sống.

6.     Vì bác bỏ chủ trương của con người trong việc cướp quyền Thần Linh trong việc định đoạt thời gian chết chóc, chúng tôi khẳng định trách nhiệm phải làm hết sức để giảm bout tình trạng khổ đau của con người.

7.     Chúng tôi kêu gọi những người hoạt động về y khoa và các khoa học gia hãy gắn bó với và tuân theo sự khôn ngoan chỉ dẫn của tôn giáo trong tất cả mọi vấn đề về sự sống và sự chết. Bởi đó, chúng tôi khuyến dụ là trong những vấn đề như thế, ngoài việc tham vấn cần phải có đối với những gia đình trong cuộc, vấn đề bao giờ cũng cần phải được tham vấn với các vị thẩm quyền tôn giáo đương nhiệm.

8.     Niềm xác tín chúng tôi chia sẻ, niềm xác tín rằng sự sống trên trần gian này chỉ là một giai đoạn duy nhất cho cuộc hiện hữu của linh hồn, chẳng những cần phải dẫn chúng ta tới chỗ tôn trọng hơn đối với cái bình – là hình thể con người – chất chứa linh hồn ở trên đời này. Bởi đó, chúng tôi hoàn toàn bác bỏ quan điểm cho rằng bản chất tạm bợ của việc con người hiện hữu trên trái đất này cho phép chúng ta được dụng cụ hóa nó. Về vấn đề này, chúng tôi mạnh mẽ lên án bất cứ loại đổ máu nào để phát động bất cứ ý hệ nào – nhất là nếu điều này lại được thực hiện nhân danh Tôn Giáo. Hành động như thế chính là tục hóa Danh Thánh Thần Linh vậy.

9.     Bởi thế, chúng tôi tìm cách thăng tiến công ích của nhân loại bằng việc cổ võ lòng trọng kính đối với Thiên Chúa, đối với tôn giáo, đối với những biểu hiệu của tôn giáo, đối với những Nơi Thánh và những Nhà Thờ Phượng. Cần phải loại trừ và lên án việc lạm dụng bất cứ sự gì trong những điều này.

10.    Những việc lạm dụng như thế cùng với những căng thẳng hiện nay giữa các nền văn minh cũng đồng thời đòi chúng ta phải vượt ra ngoài cuộc đối thoại song phương của chúng ta là cuộc đối thoại có tính chất thúc bách đặc thù của nó. Bởi thế chúng tôi tin rằng chúng tôi có nhiệm vụ bao gồm cả thế giới Hồi Giáo cùng thành phần lãnh đạo của thế giới này trong việc tham gia vào cuộc trân trọng đối thoại và hợp tác. Ngoài ra chúng tôi kêu gọi các vị lãnh đạo thế giới hãy cảm nhận khả năng thiết yếu của chiều kích tôn giáo trong việc giúp giải quyết các vấn đề xung khắc và xung đột, và kêu gọi họ hãy ủng hộ việc đối thoại liên tôn cho mục đích ấy.

Rôma ngày 28 Tháng Hai năm 2006 –  ngày 30 Tháng Shevat năm 5766

Tôn Sư Trưởng Shear Yashuv Cohen, (Chủ Tịch Phái Đoàn Đại Biểu Do Thái)

Tôn Sư Trưởng Ratson Arussi

Tôn Sư Trưởng Yossef Azran

Tôn Sư Trưởng David Brodman

Tôn Sư Trưởng David Rosen

Ông Oded Wiener

Vị Lãnh Sự Shmuel Hadas

 

Đức Hồng Y Jorge Mejía, (Chủ Tịch Phái Đoàn Đại Biểu Công Giáo)

Đức Hồng Y Georges Cottier, O.P.

Đức Giám Mục Giacinto-Boulos Marcuzzo

Đức Ông Pier Francesco Fumagalli

Cha Norbert Hofmann, S.D.B.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 2/3/2006

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ