GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 2/3/2006

 sau LỄ TRO MÙA CHAY

 

?   ĐTC Biển Đức XVI: Huấn Từ Buổi Triều Kiến Chung Thứ Tư Hằng Tuần 1/3/2006 tại Quảng Trường Thánh Phêrô về Việc Sống Mùa Chay

?  “Nhân Bào Phôi Thai Trước Khi Được Cấy: Các Khía Cạnh Khoa Học và Những Quan Tâm Về Đạo Lý Sinh Học”(tiếp)

?   VĂN MINH MỲ GÓI Và ảnh hưởng tâm lý

 

 

?  ĐTC Biển Đức XVI: Huấn Từ Buổi Triều Kiến Chung Thứ Tư Hằng Tuần 1/3/2006 tại Quảng Trường Thánh Phêrô về Việc Sống Mùa Chay

 

Anh Chị Em thân mến:

 

Hôm nay, với phụng vụ Thứ Tư Lễ Tro,chúng ta bắt đầu cuộc hành trình Mua Chay 40 ngày dẫn chúng ta tới tam nhật thánh, một cuộc tưởng niệm đến việc khổ nạn, tử giá và phục sinh của Chúa Kitô, tâm điểm mầu nhiệm cứu độ của chúng ta.

 

Thật là một thời gian thích thuận, một thời gian Giáo Hội mời gọi Kitô hữu hãy ý thức hơn nữa về công cuộc cứu chuộc của Chúa Kitô và hãy sống phép rửa của chúng ta một cách sâu xa hơn. Thật vậy, trong giai đoạn phụng vụ này, từ những thời sơ khai Dân Chúa đã nuôi dưỡng mình một cách dồi dào bằng Lời Chúa được đức tin đào sâu, duyệt qua tất cả lịch sử tạo dựng và cứu chuộc.

 

Bằng một thời gian dài 40 ngày, Mùa Chay có một mãnh lực rõ ràng về vấn đề gợi ý. Nó cố gắng để nhắc lại các biến cố đánh dấu đời sống và lịch sử của dân Yến Duyên xưa, đồng thời cho chúng ta thấy cái giá trị kiểu mẫu của nó: Chẳng hạn, chúng ta hãy nghĩ tới 40 ngày của trận lụt toàn cầu, trận lụt được chấm dứt bằng việc Thiên Chúa giao ước với Noe cũng là với nhân loại, và tới 40 ngày Moisen ở trên Núi Sinai, sau đó là tặng ân các tấm bia đá Lệ Luật.

 

Nhất là Mùa Chay là lời mời gọi hãy sống lại cùng với Chúa Giêsu 40 ngày Người sống trong hoang địa, nguyện cầu và chay tịnh, trước khi thực hiện sứ vụ công khai của mình.

 

Hôm nay chúng ta cũng thực hiện một cuộc hành trình suy tư và nguyện cầu cùng với tất cả mọi Kitô hữu trên thế giới để tới Đồi Canvê một cách thiêng liêng, suy niệm về các mầu nhiệm chính yếu của đức tin. Có thế, chúng ta mới dọn mình cảm nghiệm được niềm vui Sống Lại của Lễ Phục Sinh, sau mầu nhiệm Thập Giá.

 

Trong tất cả mọi cộng đồng giáo xứ  hôm nay đều thực hiện một cử chỉ khổ chế tiêu biểu, đó là việc xức tro. Đây là một nghi thức được kèm theo bởi hai công thức đầy ý nghĩa tạo nên một lời kêu gọi là hãy nhìn nhận mình là những tội nhân mà hãy trở về cùng Thiên Chúa. Công thức thứ nhất là: “Hãy nhờ rằng mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro” (Gen 3:19). Những lời này được trích từ Sách Khởi Nguyên, nhắc lại thân phận của con người bị lệ thuộc vào dấu hiệu của tình trạng băng hoại và giới hạn, khiến chúng ta tin tưởng hy vọng vào một mình Thiên Chúa mà thôi.

 

Công thức thứ hai đề cập tới những lời được Chúa Giêsu nói để mở màn cho sứ vụ công khai của Người: “Hãy hối cải và tin vào Phúc Âm” (Mk 1:15). Đó là một lời mời gọi hãy đặt nền tảng việc canh tân cá nhân và cộng đồng một cách gắn bó mạnh mẽ và tin tưởng vào Phúc Âm.

 

Đời sống của Kitô hữu là một đời sống đức tin, được đặt nền tảng trên Lời Chúa và được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa. Trong các cơn thử thách của cuộc đời và ở mỗi một chước cám dỗ, cái bí mật chiến thắng là ở chỗ lắng nghe Lời chân lý và cương quyết loại trừ cái gian dối của sự dữ.

 

Đây là chương trình chân thực và chính yếu của Mùa Chay: đó là lắng nghe Lời chân lý, sống động, nói năng và thực hiện chân lý, loại trừ những thứ dối trá đầu độc nhân loại và mở cờ cho tất cả mọi thứ sự dữ. Bởi thế, trong 40 ngày này, cần  phải lằng nghe một lần nữa Phúc Âm, Lời Chúa, Lời chân lý, nhờ đó, nơi hết mọi Kitô hữu, nơi mỗi một người trong chúng ta, cái ý thức ấy đươc củng cố về sự thật được ban bố, về sự thật Người đã ban cho chúng ta, để sống sự thật ấy và trở thành chứng nhân của Người.

 

Mùa Chay là mùa phấn khích chúng ta hãy để cho Lời Chúa thấu nhập đời sống của chúng ta, nhờ dó chúng ta biết được sự thật nền tảng này, đó là sự thật chúng ta là ai, chúng ta từ đâu đến, chúng ta sẽ đi đâu, chúng ta cần phải đi theo con đường nào trong cuộc đời của chúng ta. Như thế Mùa Chay cống hiến cho chúng ta một cuộc hành trình khổ hạnh và phụng vụ, một cuộc hành trình, khi giúp chúng ta mở mắt mình ra trước những yếu hèn của mình, giúp chúng ta mở lòng mình ra cho tình yêu nhân hậu của Chúa Kitô.

 

Troing việc đem chúng ta đến gần hơn với Thiên Chúa, cuộc hành trình Mùa Chay còn giúp cho chúng ta thấy anh chị em mình cùng với các nhu cầu của họ bằng đôi mắt mới mẻ. Ai bắt đầu thấy được Thiên Chúa, chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô, thì thấy được anh chị em mình bằng đôi mắt khác, khám phá ra anh chị em mình, sự thiện của mình, sự dữ của mình, nhu cầu của mình.

 

Đó là lý do, Mùa Chay, vì là thời gian lắng nghe sự thật mà nó là một thời điểm thuận lợi để trở về với tình yêu, vì sự thật sâu xa này – sự thật về Thiên Chúa – đồng thời cũng là tình yêu. Một tình yêu có thể mặc lấy thái độ thương cảm và xót thương của Chúa, như tôi muốn nhắc nhở trong Sứ Điệp Mùa Chay năm nay, một sứ điệp có chủ đề là những lời Phúc Âm: “Khi Chúa Giêsu thấy đoàn lũ dân chúng thì Người động lòng thương hại họ” (Mt 9:36).

 

Ý thức được sứ vụ của mình trên thế giới, Giáo Hội không ngừng loan truyền tình yêu thương nhân hậu này của Chúa Kitô, Đấng tiếp tục hướng ánh mắt cảm thương của mình về con người và các dân tộc thuộc mọi thời đại: “Trước cuộc thách đố khủng khiếp của tình trạng nghèo khổ đang hành hạ rất nhiều dân số trên thế giới, thì việc dửng dưng và thái độ thu mình lại là những gì hoàn toàn tương phản với ‘ánh mắt’ của Chúa Kitô. Việc chay tịnh và bố thí, những việc cùng với việc nguyện cầu, được Giáo Hội đặc biệt phác họa trong Mùa Chay, là phương tiện thích hợp để chúng ta tuân hợp với ‘ánh mắt’ này” (đoạn 3 Sứ Điệp Mùa Chay), ánh mắt của Chúa Kitô, và để thấy được chính chúng ta, thấy nhân loại, thấy người khác, bằng ánh mắt của Người. Với tinh thần ấy, chúng ta hãy tiến vào bầu khí khổ hạnh và nguyện cầu của Mùa Chay, một mùa thực sự có bầu khí yêu thương anh chị em mình.

 

Chớ gì chúng là những ngày của suy tư và thiết tha nguyện cầu, những ngày chúng ta để cho Lời Chúa hướng dẫn, lời được phụng vụ đề ra cho chúng ta hết sức dồi dào phong phú. Ngoài ra, chớ gì Mùa Chay là một thời điểm chay tịnh, thống hối và tỉnh thức đối với bản thân mình, biết rằng cuộc đối chọi với sự dữ là cuộc đối chọi không bao giờ chấm dứt, vì chước cám dỗ là một thực tại thường nhật và ai cũng cảm thấy mình yếu mềm và hão huyền mơ tưởng. 

      

Sau hết, chớ gì Mùa Chay, qua việc bố thí, là thời điểm làm lành cho người khác; chớ gì nó là một cơ hội để chia sẻ các tặng ân được lãnh nhận cho anh chị em của chúng ta, chú trọng tới nhu cầu của thành phần nghèo khổ nhất và bị bỏ rơi.  

 

Xin Mẹ Maria, Mẹ của Đấng Cứu Chuộc, vị là thày dạy viếc gắn bó lắng nghe và trung thành với Thiên Chúa, hãy đồng hành với chúng ta trong cuộc hành trình thống hối này. Với tâm trì và tinh thần được tinh tuyền và canh tân, xin Trinh Nữ Maria giúp chúng ta cử hành đại mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô. Với những cảm thức ấy tôi chúc tất cả anh chị em một Mùa Chay tốt lành và sinh hoa kết trái.

 

(cuối buổi triều kiến chung, Đức Thánh Cha đã tóm tắt bài huấn từ bằng Ý ngữ của mình bằng tiếng Anh như sau:)

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Hôm nay chúng ta bắt đầu cuộc hành trình Mùa Chay, thời điểm Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy suy nghĩ về công cuộc cứu độ của Chúa Kitô, hãy sống sâu xa hơn thực tại Phép Rửa của chúng ta, và hãyrút tỉa dưỡng chất dồi dào từ Thánh Kinh. Nhất là chúng ta hãy sống lại cùng với Chúa Giêsu 40 ngày Người ở trong hoang địa, nguyện cầu và chay tịnh, để sửa soạn cho sứ vụ công khai của Người. Chúng ta liên kết với Người trong cuộc hành trình thiêng liêng, chúng ta theo Người trên con đường lên Đồi Canvê, và sau mầu nhiệm Thập Giá, chúng ta cảm nghiệm thấy niềm vui của việc Người Phục Sinh.

 

Ngày hôm nay được đánh dấu bằng việc long trọng phân phát tro. Có hai đoạn Thánh Kinh được sử dụng kèm theo nghi thức xức tro này. Câu thứ nhất là “Hãy nhớ rằng mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro” (Gen 3:19), câu thúc giục chúng ta hãy đặt niềm hy vọng của mình nơi một mình Thiên Chúa mà thôi. Câu thứ hai đó là “hãy từ bỏ tội lỗi và trung thành với Phúc Âm” (Mk 1:15), hướng chúng ta trong việc bắt đầu con đường canh tân tâm linh, loại trừ sự dữ và kín múc sự thật từ chân lý cứu độ của Chúa Kitô.

 

Đề tài Sứ Điệp Mùa Chay của tôi cho năm nay là câu Phúc Âm: “Chúa Giêsu thấy đoàn lũ dân chúng thì động lòng thương”. Chúng ta cũng được kêu gọi chú trọng tới các nhu cầu của anh chị em đau thương của chúng ta, như một phần của việc tuân giữ Mùa Chay của chúng ta. Qua việc nguyện cầu, chay tịnh và bố thí, chớ gì chúng ta được thanh tẩy và canh tân, khi chúng ta sửa soạn để cử hành đại lễ Phục Sinh.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 1/3/2006

 

TOP

 

 ?  “Nhân Bào Phôi Thai Trước Khi Được Cấy: Các Khía Cạnh Khoa Học và Những Quan Tâm Về Đạo Lý Sinh Học”

 

(tiếp 1 Thứ Tư)

 

Về phần mình, Đức Giám Mục Willem Jacobus Eijk đã nói tới những qui chuẩn cả nội lẫn ngoại trong việc gán cho cái nhân bào phôi thai một vị thế về luân lý, khi nhắc lại là trong hạ bán thập niên 1960 làm thế nào “đã có ý nghĩ là vị thế của hữu thể con người và nhân cách của một cá nhân đã có ngày vào lúc nidation, vì nó hàm chứa việc bắt đầu liên hệ chắt chẽ với người mẹ”.

 

Tuy nhiên, vị giám mục này tiếp, “mối liên hệ như thế đã xẩy ra vào lúc kết hợp của tinh trùng và noãn sào nhờ việc giao hợp giữa cha mẹ. Hơn nữa, cho dù trước cả việc cấy đi nữa thì nhân bào phôi thai này đã nhận được những dưỡng chất và dưỡng khí cần thiết để tăng trưởng từ người mẹ rồi”.

 

Qui chuẩn ngoại tại chủ trương rằng “nhân bào phôi thai trở thành một cá thể con người khi được luật pháp công nhận như thế. Trong xã hội đa nguyên của chúng ta đây thì giải pháp khả dĩ duy nhất cho vấn đề tranh luận này về vị thế của nhân bào phôi thai đó là, theo nhiều người, vị thế ấy được xác định bởi việc ưng thuận theo kiểu dân chủ. Tuy nhiên, sự thật này, cho dù có liên quan tới vị thế của nhân bào phôi thai, cũng không thể được ấn định bởi vấn đề thăm dò theo thống kê”.

 

Vị giám mục này tiếp: “Qui chuẩn ngoại tại thứ ba là qui chuẩn làm cho nhân bào phôi thai này lệ thuộc vào việc chọn lựa của người khác trong việc cống hiến cho nhân bào phôi thai được thụ thai ‘trong ống nghiệm’ cơ hội được phát triển hơn nữa”, bằng việc chuyển nó sang tử cung. “Vấn đề ở đây là vị thế của nhân bào phôi thai này, được hiểu như thế, … lệ thuộc vào việc chọn lựa của người khác, nhất là của thành phần nghiên cứu và cha mẹ”.

 

Với qui chuẩn ấy, “không đủ để ấn định vị thế về luân lý của nhân bào phôi thai này, cần phải sử dụng những qui chuẩn nội tại để đạt tới phán đoán khách quan đối với việc tôn trọng hợp với nhân bào phôi thai này”. Trước hết, cần phải nhìn nhận rằng “nhân bào phôi thai, cho dù ở trong giai đoạn tiền nidation đi nữa, đã là một hữu thể có sự sống riêng biệt khác hẳn với sự sống của người mẹ, một hữu thể con người theo quan điểm sinh học, là một cá nhân, và là một hữu thể có mục đích nội tại là trở thành một ngôi vị con người”.

 

Đoạn vị giám mục này đã nhắc lại là làm thế nào trong Thông Điệp Phúc Âm Sự Sống của mình, Đức Gioan Phaolô II xác định là khoa học tân tiến có thể cống hiến “việc ấn định đáng giá cho vấn đề nhận thức bằng lý trí sự hiện diện của con người nơi lúc xuất hiện đầu tiên của sự sống con người”.

 

Lý thuyết về việc sinh động của Aristote “được căn cứ vào việc hiểu biết sai lầm của ông về nhân bào phôi thai”, trong khi “các lý thuyết về nhân loại học tân tiến lại gán ghép vị thế làm người cho một nhân bào phôi thai chỉ vào lúc tự ý thức (vào cuối thai lỳ), hay thậm chí vào lúc ý thức tỏ ra hợp lý (đôi khi sau khi sinh nữa), là những gì cho thấy tính cách nhị nguyên sâu xa bất khả giải thích về hữu thể con người như là một bản thể duy nhất”.

 

Vị giám mục kết luận như sau: “Kiến thức hiện tại về phôi bào học và di truyền học cung cấp những dấu hiệu quí báu cho thấy là nhân bào phôi thai đã có một căn tính chuyên biệt là một ngôi vị con người”. Căn tính này “được ấn định chính yếu, mặc dù không phải là những gì duy nhất, bởi nhân giống là những gì hiện diện và sống động vào lúc thụ thai. Mặc dù nó là những gì bất khả chứng tỏ theo kinh nghiệm về sự hiện diện của con người từ khi thụ thai, việc suy tư triết lý về vị thế theo khoa nhân loại sinh học về nhân bào phôi thai cũng cho thấy cái phi lý giữa tư tưởng của việc nhân loại hóa một cách gián tiếp hay từ từ với nhãn quan về một cá thể con người như là một bản thể duy nhất bao gồm cả tinh thần lẫn xác thể”.

 

Riêng vị Giám Mục chủ tịch Viện Tòa Thánh Về Sự Sống cho biết là thậm chí ngay cả việc không được nuôi dưỡng trong tử cung của người mẹ, thì nhân bào phôi thai vẫn là một đứa nhỏ: “Ở bất cứ trường hợp nào thì dầu sao nhân bào phôi thai cũng là một đứa nhỏ: một nam hay nữ, có một mối liên hệ đặc biệt với cha mẹ của mình, và đối với thành phần tín hữu thì cũng liên hệ với cả Thiên Chúa nữa”.

 

Hội nghị quốc tế lần này qui tụ 350 chuyên viên, bao gồm các khoa học gia, bác sĩ, nghiên cứu gia, thần học gia và đạo lý sinh học gia.

 

Nhân bào phôi thai vẫn ở vị thế là một đứa nhỏ, thậm khi đứa nhỏ này có bị mạo dụng hay hủy hoại chăng nữa, bởi thế nó mới trở thành một vấn đề “quan trọng cả về nhân loại học lẫn đạo đức học”. Vị giám mục chủ tịch cho biết rằng hội nghị lần này cũng sẽ đặt vấn đề là “Phải chăng chủ trương của Giáo Hội Công Giáo căn cứ vào lập luận khoa học, mà bởi thế, theo quan điểm đạo đức học, ngày nay nó mới được bênh vực? Chúng tôi tin rằng chúng tôi có những lý lẽ đầy đủ và vững chắc và chúng tôi muốn nêu chúng lên”.

 

Giáo sư Kevin Fitzgerald thêm là, mặc nhiên hội nghị này cũng đặt ra một vấn đề khác, đó là vấn đề “Chúng ta có thể ngăn ngừa được một cách hợp lý hay chăng một thứ bệnh tật bằng việc chọn lựa trong các cá nhân có gốc di truyền về bệnh này?”

 

Chính ông trả lời rằng: “vấn đề này là vấn đề phản ảnh các phong trào cải giống một thế kỷ trước đây, lúc chúng ta đã phải đương đầu với ý tưởng tổng quát tương tự này. Việc thử thai là việc cống hiến cho cha mẹ nguyên tắc có thể chọn lựa những tính chất của con cái mình, và chọn lựa chúng căn cứ vào sự hiểu biết về di giống. Nguyên tắc mới này, liên hợp với qui tắc về văn hóa mới được đề cập tới, có thể đã xoay những thái độ của cha mẹ lẫn xã hội về những đưa con tương lai: từ chỗ chỉ biết chấp thuận đến chỗ phán quyết và kiểm soát, từ việc vô tư đón nhận một tặng ân đến việc thấy em như là một sản phẩm khả chấp tùy thuộc điều kiện”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo VIS và Zenit ngày 24/2/2006

   

TOP

 

 

? VĂN MINH MỲ GÓI Và ảnh hưởng tâm lý

 

Trần Mỹ Duyệt

 

 

TRIỆU CHỨNG BẤT ỔN TÂM LÝ

 

- “Tôi dạo này tự nhiên cảm thấy nóng nẩy và hay bực tức. Nhiều khi tôi thấy mình như bị tù túng, mất tin tưởng, và ngay cả trong giấc ngủ, nhiều đêm tôi cũng thấy mình tự nhiên thức giấc, hốt hoảng, sợ sệt”.

 

- “Tôi lúc này hay hồi hộp, nhiều lúc tim như bị ngừng đập, hơi thở yếu ớt, và mệt mã không muốn làm gì cả. Tôi thấy chán đời, và không muốn sống nữa.”

 

- “Tôi thời gian gần đây trí nhớ tự nhiên kém hẳn đi. Tôi hay quên sót và không nhớ nổi cái số điện thoại cầm tay của chính mình nữa.”

 

- “Tôi ít tháng nay tự nhiên mất ngủ triền miên. Aên không thấy ngon miệng. Đã vậy, tôi hay nhức đầu, đau bụng, và hơi thở nặng nề.”

 

- “Da dẻ tôi độ này thấy ngứa ngáy, và lở loét. Tôi ăn bao nhiêu cũng không no, và người tôi lúc này phì nộn trông không giống ai. Nhưng khổ nỗi là tôi không thể nào nhịn ăn được”.

 

 

ẢNH HƯỞNG TÂM LÝ SỐNG

 

Nếu bạn vướng vào một trong những lời than thở trên đây là bạn đang bị triệu chứng trầm cảm (stress) tấn công bạn rồi đó. Nếu không tự mình ra khỏi những cái làm cho bạn đi tới sự căng thẳng và dồn nén, thì không lâu bạn có thể phải vào nhà thương tâm thần để “giải lao” vài tuần, vài tháng, có khi vài năm để lấy lại miếng ăn ngon, giấc ngủ yên, hơi thở mạnh, hết nhức đầu, đỡ ngứa ngáy, và không còn bị hồi hộp làm bạn giật mình trong giấc ngủ.

 

Nhưng để nhận diện được những yếu tố và những lý do đang và sẽ dẫn bạn tới các văn phòng tâm lý, hoặc vào nhà thương, thì bạn cũng cần phải biết rằng ngày hôm nay, số thuốc an thần, thuốc ngủ là những thứ thuốc được kê toa nhiều nhất. Còn nếu như bạn không đến các phòng mạch bác sĩ. Không đi thăm các bác sĩ tâm lý, hoặc tâm thần, thì rượu, bia, thuốc lá, và các loại bạch phiến, nha phiến... là những thứ đang thu hút những khách hàng chán đời, không muốn sống,  hoặc thao thức, mất ăn, và mất ngủ.

 

Gần đây, một hiện tượng lạ đang thu hút lớp tuổi trẻ chán đời, nhưng lại làm cho phụ huynh sợ toát mồ hôi hột, đólà hiện tượng tuổi trẻ dùng để “đánh thức” mình dậy, và giúp “ra khỏi” cái chán đời bằng cách tự treo cổ để cảm thấy cái cảm giác lâng lâng, kích thích đến nghẹt thở. Không biết ông bà mình ngày xưa có biết đến trò chơi bạo tợn này hay không, nhưng tuổi trẻ ngày nay là thế đó. Kẹt một cái, đây lại là một trò chơi chết người. Đã có một số em không bao giờ tỉnh dậy và ra khỏi cái cảm giác ấy nữa vì đã chết thật.

 

NGUYÊN NHÂN GÂY BẤT ỔN

 

Vậy đâu là cái đang làm cho con người ngày nay chán sống, không muốn sống, hay sống mà sợ hãi, hốt hoảng, quên đầu, quên đuôi? Bạn muốn biết điều đó, thì mời bạn lái xe ra ngoài siêu xa lộ một vòng. Hoặc mời bạn đi vào những hộp đêm, những sòng bài, những phòng tắm hơn, dĩ chí vào nhà thờ thì sẽ thấy.

 

Người ta đua nhau lái xe như bay ngoài xa lộ. Hễ vượt được ai là vượt bất kể nguy hiểm đến tính mạng mình hay người khác. Người ta đua nhau nhẩy. Nhẩy kiểu này, kiểu nọ. Nhẩy thâu đêm. Nhẩy quay cuồng và không muốn về nhà nữa. Người ta đua nhau làm giầu. Làm giầu bằng cách sát phạt nhau. Gian lận, và lường gạt. Người ta đua nhau tìm kiếm những cảm giác lạ. Và người ta chen chúc nhau đến trước toà Chúa như chen nhau lên tầu vượt biên sau tháng 4 năm 1975 vậy. Người ta làm những việc ấy vì sợ không có giờ, sợ bị trễ giờ. Sợ rằng nếu mình không hưởng, đứa khác sẽ hưởng mất. Sợ rằng nếu mình không làm giầu, sẽ bị kẻ khác làm giầu trước mình. Sợ nếu không đến trước toà Chúa trước, đến lúc mình đến Chúa hết ơn rồi không còn để cho nữa. Và đó là một hình thức sống và ảnh hưởng cái triết lý mỳ gói, mỳ ăn liền. Cái gì hễ muốn là phải được. Không được thì bứt rứt, khó chịu, bồn chồn, và lo lắng.

 

Và cũng vì con người hay sốt ruột, nên ruột con người bị sốt, bị đứt, bị lở loét, và bị viêm. Cũng vì thế, mà con người ngày nay mới ba, bốn, hoặc năm chục là đã hói đầu, bạc tóc. Tâm lý sống ấy khởi đi từ nhận thức về quá khứ, hiện tại và tương lại, nên khi con người đặt mình vào cái hiện tại ngắn ngủi của mình liền nẩy sinh sự nuối tiếc và hận thù quá khứ. Cũng vì giây phút hiện tại quá ngắn ngủi và mong manh, nên con người mới mơ màng, và ảo tưởng, ảo giác về tương lai, khiến cuộc sống trở nên lẫn lộn, giăng mắc và khó giải quyết. Rồi trong cái khó khăn của chính nó, con người lại làm cho trở nên càng khó khăn hơn bằng sự nóng nẩy, bất nhất và muốn được như mình muốn. Muốn ngay điều mình muốn.

 

TÂM LÝ THỰC HÀNH

 

Trong lãnh vực đạo đức, ta gọi đây là người không có nội tâm, thiếu lòng đạo đức, và thiếu đức tin để thực hành và đi vào niềm tin của mình. Không tin vào mình, mà cũng không tin vào Chúa, nên cuộc sống càng trở nên vô vọng, chán chường. Đến đây thì không phải là thuốc an thần, xì ke hay rượu mạnh giải quyết những khó khăn chồng chất của cuộc đời, mà là mấy ông, mấy bà tướng số, thầy bói. Bói hươu, bói vượn. Cứ nhìn vào cặp mắt ngây dại của những thân chủ mà tán cho ra tiền, còn đúng hay sai là hạ hồi phân giải. Vì thế, nhiều người không hề muốn sửa đổi cá tính và những khuyết điểm, mà chỉ muốn kê lại cái gường, kê lại cái tủ cho hôn nhân hạnh phúc theo lời thầy bảo. Họ tin rằng cái tủ, cái gường kia làm nên cuộc tình đổ vỡ của mình, còn mình thì không hề có một lỗi lầm, nguyên nhân nào dù là rất nhỏ mọn.

 

Với cái nhìn tâm lý, thì đây là loại người sống thiếu tự tin và thiếu nghị lực. Cái hình ảnh mỳ ăn liền hay triết lý sống muốn dùng ảo tưởng, dùng những bất ngờ giải quyết khó khăn, chứ không hề đối diện với khó khăn để giải quyết. Với những người này, cách giải quyết khó khăn, cái làm nên hạnh phúc là những giây phút sống bằng ảo tưởng, ảo giác hay cảm giác mạnh: rượu mạnh, thuốc xái, hay ngay cả những “phép lạ” là những thứ mà lớp người này vẫn mong mỏi hoặc dùng như một thứ “thần dược” giải tỏa những khó khăn của cuộc đời.

 

Muốn gì được nấy. Muốn là được liền. Hễ không được là khó chịu, bực tức, và mất ăn, mất ngủ. Đó là ảnh hưởng của triết lý sống mỳ ăn liền, hay triết lý sống của lớp người ngày nay đang vội vàng chạy theo những trào lưu tiến hóa, và vong thân dựa vào những kết quả của khoa học, của thế giới quay cuồng và mất hút đến chóng mặt.

 

Tóm lại, cuộc đời của con người không phải là một gói mỳ ăn liền. Và chúng ta cũng không thể sống và giải quyết những vấn nạn cuộc đời với quan niệm và lối sống ấy. Cuộc đời, thật ra là một chuỗi ngày được đan kết bởi niềm vui và nỗi buồn. Bởi hạnh phúc và đôi điều bất hạnh. Bởi may mắn và rủi ro. Bởi khoẻ và yếu. Bởi bình an và bất an. Tóm lại, một cuộc đời, một cuộc sống có giá trị phải được pha chế và gồm tóm tất cả những thứ đó. Nhưng điều làm nên giá trị cuộc đời, là chính ta phải bình tĩnh, lợi dụng và xử dụng tất cả để đem lại cho cuộc đời mình cái giá trị thật của nó, đó là sự bình an, là niềm tin tưởng vào Thiên Chúa và sự can đảm tin vào chính mình để không bị những sợ hãi, lo lắng và thất vọng chi phối. Bạn hãy so sánh giữa một bữa cơm gia đình, thân mật, và hạnh phúc sau một ngày làm việc vất vả, và với một ly mỳ vừa húp xì xụp, vừa hấp tấp vội vàng và xong rồi thì vất cái ly vào thùng rác! Qua hình ảnh so sánh này, chắc bạn cũng đồng ý với tôi là: Đời sống con người không phải chỉ là một gói mỳ ăn liền.

 

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ