GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BA 7/3/2006

 TUẦN I MÙA CHAY

 

?  ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II, VỊ GIÁO HOÀNG CỦA “ĐẤNG CỨU CHUỘC NHÂN TRẦN”

?  Hitler và Giáo Hoàng Piô XII

?   Những Bí Mật về Các Thứ Vũ Khí Đại Công Phá ở Iraq với cựu lãnh tụ Iraq Saddam Hussein

 

 

?  ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II, VỊ GIÁO HOÀNG CỦA “ĐẤNG CỨU CHUỘC NHÂN TRẦN”

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

Viết để Tưởng Kính đầy năm khổ nạn cuối đời của

Người Tôi Tớ Chúa Gioan Phaolô II

 

 

“Sự thật về Mầu Nhiệm Cứu Chuộc và Đấng Cứu Chuộc” nơi Đức Gioan Phaolô II

 

Có thể nói mà không sợ sai lầm rằng, căn cứ vào những chủ hướng minh nhiên và hoạt động hiển nhiên trong một thời gian dài 26 năm rưỡi của mình, một thời gian kéo dài đứng vào hàng thứ 3 của lịch sử Giáo Hội Công Giáo, thì cốt lõi của giáo triều Đức Gioan Phaolô II chính là Mầu Nhiệm Cứu Chuộc.

 

Phải chăng chính Đức Gioan Phaolô II đã chính thức xác nhận điều này khi ngài tự thú trong tác phẩm “Tặng Ân và Mầu NhiệmGift and Mystery” (ấn bản Anh Ngữ 1996), một tác phẩm được xuất bản để mừng kỷ niệm 50 năm thụ phong linh mục của ngài, (ở trang 82) như sau:

 

Chúa Kitô là một vị linh mục vì Người là Đấng Cứu Chuộc của thế giới. Chức linh mục của tất cả thành phần giáo sĩ thuộc về mầu nhiệm Cứu Chuộc. Sự thật này về Mầu Nhiệm Cứu Chuộc và Đấng Cứu Chuộc đã từng là những gì trọng yếu đối với tôi; sự thật ấy đã luôn tồn tại trong tôi qua tất cả những năm tháng ấy, nó đã thấm nhập vào tất cả mọi kinh nghiệm mục vụ của tôi, và nó đã tiếp tục cho tôi thấy những điều phong phú mới mẻ.

 

“Trong 50 năm làm linh mục này, tôi đã nhận thức được rằng, Việc Cứu Chuộc, cái giá phải trả cho tội lỗi, bao gồm cả một thứ phục hồi mới, một loại ‘tân tạo’ nơi toàn thể lãnh vực tạo sinh, ở chỗ, nó là những gì tái phục hồi con người là một ngôi vị, phục hồi con người được Thiên Chúa dựng nên có nam có nữ, một phục hồi của chân lý sâu xa nhất về tất cả mọi hoạt động của con người, về văn hóa và văn minh của con người, về tất cả những gì họ chiếm đạt cùng với các khả năng sáng tạo của họ.

 

“Sau khi tôi được bầu làm Giáo Hoàng, cái động lực thiêng liêng đầu tiên tôi cảm thấy đó là hướng về Chúa Kitô Đấng Cứu Chuộc. Đó là nguồn gốc của bức Thông Điệp ‘Redemptor Hominis – Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần’”. Như tôi đã chia sẻ về tất cả những biến cố này, tôi thấy rõ hơn bao giờ hết cái liên hệ chặt chẽ giữa sứ điệp của bức Thông Điệp này với hết mọi sự ở trong tâm can của con người qua việc họ được thông dự vào chức linh mục của Chúa Kitô”.

 

Thật vậy, nếu Mầu Nhiệm Cứu Chuộc là những gì trực tiếp liên quan đến Tác Nhân Cứu Chuộc là chính Đấng Cứu Chuộc, đến đối tượng được cứu chuộc cho khỏi tội lỗi và sự dữ nhất là trong thời điểm văn hóa sự chết ngày nay là con người hiện đại, và đến đường lối cứu chuộc hiện đại là Người Mẹ của Đấng Cứu Chuộc, thì quả nhiên “Mầu Nhiệm Cứu Chuộc là Cốt Lõi của Giáo Triều Đức Gioan Phaolô II”.

 

Đúng thế, Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần chính là Đấng đã chi phối cả giáo triều của Đức Gioan Phaolô II, từ đầu cho đến cuối, cả về lãnh vực hoạt động lẫn tâm tưởng của ngài.

 

1)         Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần chi phối Hoạt Động cả giáo triều của Đức Gioan Phaolô II

 

Trước hết, để mở màn, cho giáo triều của mình, Đức Gioan Phaolô II đã chính thức ban hành bức thông điệp gói ghém tất cả chủ hướng của giáo triều mình vào ngày Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay 4/3/1979, với tựa đề “Redemptor Hominis - Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần”.

 

Sau hết, để kết thúc cho giáo triều của mình, ngài đã mở Năm Thánh Thể, năm hướng về, nhận biết và cử hành Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần, Đấng vẫn còn hiện diện trên trần gian qua Bí Tích Thánh Thể và vẫn tiếp tục công cuộc cứu chuộc nhân trần qua Phụng Vụ Thánh Thể.

 

Trong giáo triều của mình, Đức Gioan Phaolô II còn mở Năm Cứu Chuộc 1983-1984, mừng 1950 năm Ơn Cứu Chuộc, một năm được kết thúc vào ngày Lễ Mẹ Thai Lời 25/3/1984, với việc Ngài hiến dâng chung thế giới và riêng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Đấng Cứu Chuộc.

 

Nhưng biến cố quan trọng nhất đó là ngài đã mở Đại Năm Thánh 2000 để toàn thể Giáo Hội hoàn vũ long trọng mừng Mầu Nhiệm Giáng Sinh của Lời Nhập Thể là Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần, một Đại Năm Thánh đã được ngài hướng về ngay từ đầu giáo triều của ngài, như chính ngài đã đề cập tới ở đoạn đầu bức Thông Điệp “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần” của ngài, một thời điểm kéo dài cả 21 năm nữa trời (1979-2000), không biết ngài có còn sống tới đó hay chăng.

 

Để sửa soạn cho Đại Năm Thánh 2000 được tổ chức một cách trọng thể vô tiền (có thể nói cả khoáng hậu) này, ngài đã chẳng những ban hành vào ngày 10/11/1994 bức Tông Thư “Tiến Đến Ngàn Năm Thứ Ba – Tertio Millennio Adveniente” để phác họa chương trình sửa soạn xa (1994-1996) và gần (1997-1999), mà còn triệu tập các cuộc Thượng Nghị Châu Lục về những chủ đề liên quan đến Chúa Kitô là Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần:

 

Thượng Nghị Giám Mục Phi Châu, với 242 vị nghị phu, nhóm họp tại Rôma trong thời khoảngï 10/4-8/5/1994, về chủ đề "Giáo Hội ở Phi Châu với sứ mệnh truyền bá Phúc Âm hướng về năm 2000: 'Các con sẽ là nhân chứng của Thày'", một chủ đề đã được ngài đúc kết trong tông huấn “Ecclesia in AfricaGiáo Hội ở Phi Châu” ban hành ngày 14-9-1995, tại Yaoundé nước Cameroon

 

Thượng Nghị Giám Mục Mỹ Châu, với 233 vị nghị phụ, nhóm họp tại Rôma trong thời khoảng 16/11-12/12/1997, với chủ đề "Gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô hằng sống: Con đường dẫn đến Hối Cải, Hiệp Thông và Đoàn Kết", một chủ đề đã được ngài đúc kết trong tông huấn “Giáo Hội ở Mỹ Châu - Ecclesia in America” ban hành dịp ngài thăm Mỹ Châu, tại Mexicô City ngày 22-1-1999;       

 

Thượng Nghị Giám Mục Á Châu, với 191 vị nghị phụ, nhóm họp tại Rôma trong thời khoảng 19/4-14/5/1998, với chủ đề "Chúa Giêsu Kitô Cứu Thế với Sứ Mệnh Yêu Thương và Phục Vụ của Người ở Á Châu", một chủ đề được ngài đúc kết trong tông huấn “Giáo Hội ở Á Châu - Ecclesia in Asia” ban hành ngày 6/11/1999, dịp ngài thăm Á Châu ở Tân Đề Li Ấn Độ;       

 

Thượng Nghị Giám Mục Đại Dương Châu, với 117 vị nghị phụ, nhóm họp tại Rôma trong thời khoảng 23/11-12/12/1998, với chủ đề "Chúa Giêsu Kitô và nhân dân Đại Dương Châu - 'Đi Con Đường của Người, nói Sự Thật của Người và sống Sự Sống của Người'", một chủ đề được ngài đúc kết trong tông huấn “Giáo Hội tại Đại Dương Châu - Ecclesia in Oceania” ban hành ngày 22/11/2001, và được ngài, lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội, ban hành và gửi đi bằng hệ thống điện toán toàn cầu cho tất cả mọi giáo phận địa phương thuộc châu lục này.           

 

Thượng Nghị Giám Mục Âu Châu, với 117 vị nghị phụ, nhóm họp lần thứ hai, (lần nhất với 137 vị, vào thời điểm sau Biến Cố Đông Âu 1989, trong thời khoảng 28/11-14/12/1991, ngay trước Biến Cố Nước Nga từ bỏ chủ nghĩa và chế độ Cộng Sản 25/12/1991), vào thời khoảng 1-23/10/1999 tại Rôma, với chủ đề "Chúa Giêsu Kitô vẫn sống nơi Giáo Hội, Nguồn Mạch Hy Vọng cho Châu Âu", một chủ đề được ngài đúc kết trong tông huấn “Giáo Hội tại Âu Châu - Ecclesia in Europe” ban hành ngày 28/6/2003.

 

Để kết thúc Đại Năm Thánh 2000 cũng là để mở màn cho một tân thiên kỷ thứ ba Kitô Giáo, Đức Gioan Phaolô II đã ban hành bức Tông Thư “Mở Màn Cho Một Tân Thiên Kỷ – Novo Millennio Ineunte” vào chính ngày Lễ Hiển Linh 6/1/2001, trong đó, ngài nhấn mạnh đến chủ đề “Duc in altum – Hãy ra chỗ nước sâu thả lưới đánh cá”, ở chỗ, (phần 1) gặp gỡ Chúa Kitô (trong năm Thánh 2000); (phần 2) chiêm ngưỡng Dung Nhan Chúa Kitô; (phần 3) bắt đầu lại từ Chúa Kitô; (phần 4) Chứng nhân tình yêu.

 

Sau hết, để kết thúc giáo triều của mình, (một kết thúc chính ngài cũng không biết sẽ xẩy ra thế nào và bao giờ), ngài đã mở Năm Thánh Thể và ban hành bức Thông Điệp thứ 14, bức thông điệp cuối cùng về Chúa Kitô. Cái trùng hợp ở đây là, trong 14 bức Thông Điệp là các văn kiện có tầm vóc quan trọng vào bậc nhất của thẩm quyền Giáo Hoàng, hai văn kiện đầu và cuối của ngài đều về Chúa Kitô: Nếu bức Thông Điệp thứ nhất về Chúa Kitô, “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần – Redemptor Hominis”, có liên quan tới toàn thể nhân loại, thì bức Thông Điệp thứ 14 về Chúa Kitô có liên quan tới Giáo Hội, tới việc nội bộ Giáo Hội cần phải “duc in altum” để có thể truyền bá phúc âm hóa thế giới tân tiến. Đó là lý do bức Thông Điệp cuối cùng về Chúa Kitô này mới mang tựa đề “Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể – Ecclesia de Eucharistia”.

Trên đây là những chứng cớ hiển nhiên cho thấy Mầu Nhiệm Cứu Chuộc là Cốt Lõi của Giáo Triều Đức Gioan Phaolô II, một mầu nhiệm, trước hết, liên quan trực tiếp tới tác nhân cứu chuộc là Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần, Đấng đã chi phối toàn thể hoạt động của giáo triều của vị giáo hoàng thứ 264 này. Sau đây là những tâm tưởng và thâm tín của vị giáo hoàng này về Chúa Giêsu Kitô, những gì được ngài bày tỏ trong 2 văn kiện tiêu biểu Người nói rõ ràng đến chủ đề Mầu Nhiệm Cứu Chuộc của ngài, đó là Thông Điệp Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần và Tông Thư Tiến Đến Ngàn Năm Thứ Ba.

 

(Những chỗ in nghiêng và đậm trong phần trích dịch và trích dẫn ở toàn bài viết này là do người dịch muốn nhấn mạnh đến chủ trương cứu chuộc và ý nghĩa cứu chuộc của vị Giáo Hoàng luôn qui hướng về Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần).

 

(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

TOP

 

 ?  Hitler và Giáo Hoàng Piô XII

 

Vào trung tuần tháng 12, 2005, Thủ Tướng Iran, Mahmoud Ahmadinejad, đã làm phẩn nộ nhiều Quốc Gia, kể cả Đức Quốc, khi phát biểu rằng câu chuyện về Cuộc Tàn Sát Người Do Thái ở Âu Châu, dưới thời Adolf Hitler (1889-1945), chỉ là chuyện hoang dường…

 

Thực Sự, truyền thuyết “về tàn sát người Do Thái dưới thời Hitler chỉ là chuyện hoang đường…” đã có từ lâu trong thế giới Ả-rập.

 

 Ngược lại, tại Phương Tây, đã từ nhiều năm, có những phong trào lên án ĐGH Piô XII là người đã không làm gì để cứu vãn người Do Thái trong cuộc tàn sát người Do Thái của Hitler.

 

Một học giả và cũng là Thầy Tế Lễ người Do Thái, Rabbi David G. DALIN, đã xuất bản cuốn sách: “THE MYTH OF HITLER’ S POPE: How Pope Pius XII Rescued Jews from the Nazis” để nói lên sự thật ngược hẳn lại với những quan niện sai lầm trên đây về cuộc Tàn Sát  (The Holocaust) người Do Thái của Hitler và về Đức Piô XII. Cuốn“The Myth of Hitler’s Pope…”(Bìa Cứng) xuất bản vào tháng 7, năm 2005, Publisher Regnery Publishing, Inc.

 

Rabbi David G. Dalin là tác giả và Đồng Tác Giả của nhiều cuốn sách, trong số đó có những cuốn như: The Presidents of The United States and the Jews (viết chung với Jonathan D. Sarna), Religion and State in the American Jewish Experience. Rabbi David đã tốt nghiệp Trường Đại Học UC Berkley với bằng Cử Nhân, và trường Đại Học Brandeis với bằng Cao Học và Tiến Sĩ; chịu chứcTư Tế tại Jewish Theological Seminary of America.

 

Báo “Columbia” (của Hiệp Hội Knights of Columbus), tháng 11, 2005, đã giới thiệu cuốn sách trên đây bằng cách trích đăng một đọan trong cuốn sách (với sự chấp thuận của Tác Giả và Nhà Xuất Bản) với Tiêu đề : “Setting The Record Straight”. Bản lược dịch ra tiếng Việt Nam dưới đây căn cứ vào đọan trích này.

(Lm. Anphong Trần Đức Phương)

 

Thật là một điều khôi hài, khi mà đã 60 năm sau cuộc “Tàn Sát” (Holocaust), cùng với phong trào chống Do Thái (anti-Semitism) sôi động của những người Hồi Giáo cực đoan hiện đang phát triển mạnh mẽ giữa dân chúng ở Âu Châu, những phương tiện truyền thông vô lối ở Phương Tây vẫn đang cố gắng kết án ĐGH Piô XII (và kết án ngay cả Giáo Hội Công Giáo nói chung) là chống Do Thái.

 

Trước đây chẳng ai tin được điều đó. Từ sau Thế Chiến II chấm dứt cho đến ít nhất là năm năm sau khi băng hà vào năm 1958, Đức Piô XII luôn được tôn sùng giữa những người theo Kitô giáo cũng như Do Thái giáo. Ngài đã được ca ngợi như là “nhà Tiên Tri tinh thần cương nghị và gây hứng khởi cho nhiều người” và “hầu như được cả thế giới hoan nghênh vì đã cứu những người Do Thái ở Âu Châu”. Đúng như một sứ giả đã nói: “Đức Piô XII đã được những người Công Giáo hay ngòai Công Giáo ca tụng ở khắp nơi như một vị lãnh đạo tinh thần không những của thế giới Công Giáo mà cho cả chính nền văn minh Âu Châu.”

 

Vậy tại sao có huyền thọai là Giáo Hội đã không để ý đến những khốn khổ của người Do Thái trong Thế Chiến II? Và tại sao điều đó lại đáng quan tâm?

 

Điều đó đáng quan tâm, trước hết, vì bổn phận phải tôn trọng sự thật. Điều đó cũng đáng quan tâm vì công cuộc bảo vệ danh tiếng của Đức Piô XII là một trong những công cuộc quan trọng nhất trong lịch sử của mặt trận văn hóa. Giới trí thức tả khuynh càng ngày càng “tả khuynh” hơn, muốn dèm pha chẳng những truyền thống  Công Giáo mà cả truyền thống Kitô Giáo và ngay cả Do Thái Giáo. Không phải ngẩu nhiên mà những người đả kích Đức Piô XII mạnh mẽ nhất lại cũng là những người phê bình lớn tiếng Đức Giáo Hòang Gioan Phaolô II.

 

Sự phủ nhận cuộc “Tàn Sát người Do Thái” phải bị bác bỏ. Sự thật về Đức Piô XII phải được phục hồi. Sư thật mà những phương tiện truyền thông đã ra sức chối bỏ chỉ giúp cho nhưng cuốn sách viết sai về lịch sử được bán chạy. Cuộc chiến của trào lưu ‘văn hóa vô lối’ chống lại nền văn hóa truyền thống, trong đó điển hình là cuộc chiến chống Đức Piô XII, phải được nhận diện rõ ràng; đó là cuộc tấn công ồ ạt vào nền tảng của Giáo Hội Công Giáo và nền tảng của tôn giáo truyền thống.

 

Một trong những hậu quả tai hại nhất gây ra do huyền thọai về Đức Piô XII, mà một cuốn sách mới xuất bản gọi Ngài là Giáo Hòang của Hitler, là nó làm lưu truyền cái huyền thọai rằng: chính Giáo Hội Công Giáo, chứ không phải người Hồi Giáo cực đoan, đã là và vẫn còn là nguồn gốc nổi bật nhất gây ra phong trào chống Do Thái trong thế giới hiện đại.

 

Tuy nhiên, theo nhận định của Gabriel Schoenfeld trong cuốn sách của ông “The Return of Anti-Semitism” (San Francisco: Encounter Books), một sự kiện không thể chối cải được, đó là chính trong thế giới Hồi Giáo, chứ không phải Kitô giáo, “mà truyền thống chống Do Thái thời xưa cũng như thời nay vẫn hợp nhất lại để phát sinh ra lòng thù hận người Do Thái”. Rất nhiều học giả và các nhà trí thức, các nhà lãnh đạo Cộng đồng của người Do Thái đồng ý điều đó. Abraham H. Foxman thuộc ‘Hiệp Hội Chống Phỉ Báng’ đã xác quyết: “Sự việc là phong trào chống Do Thái cuồng nhiệt đang lan tràn khắp nơi trong khối Ả-rập Trung Đông… Phong Trào Chống Do Thái được cả nhà cầm quyền Ả-rập bao dung hoặc công khai yểm trợ, được các phương tiện truyền thông Ả-rập loan truyền, được dạy tại các Trường Trung Học, Đại Học Hồi Giáo, và được rao giảng tại các Hội Đường Hồi Giáo (Mosques). Không một thành phần nào trong xã hội Hồi Giáo không bị tiêm nhiễm tư tưởng chống Do Thái.

 

Phong trào chống Do Thái đã ăn rễ sâu xa và trở nên mạnh mẽ hơn do sự cộng tác của những người Hồi Giáo cự đoan với Đức Quốc Xã….

 

Sự liên kết giữa những người Hồi Giáo cực đoan với Hitler trong thời chiến đã đem lại những hậu quả kéo dài trong thế giới Ả-rập. Những hậu quả đó đã đảo ngược lại những gì Giáo Hội Công Giáo đã làm trong Thế chiến II. Nói một cách thẳng thắn ra là: trong khi Đức Piô XII cố gắng cứu vớt những người Do Thái, thì Hajj Amin an-Husseini , viên Đại Phán Quan Hồi Giáo lúc đó ở Giêrusalem, lại ủng hộ ‘Giải Pháp cuối cùng’ của Hitler.

 

Ngày nay, sau hơn 60 năm cuộc Tàn Sát, người chuyên gây hấn và là kẻ biện hộ cho Hitler, Hajj Amin an-Husseini, phải được nhớ lại và nhận diện ra rõ ràng hơn. Chính ông, chứ không phải ĐGH Piô XII, là một Giáo Sĩ nguy hiểm nhất trong lịch sử cận đại (theo nhận định của John Carwell). Chủ trương chống Do Thái cực đoan của Ông nguy hiểm trong Thế chiến II cũng như cho ngày nay. Trong thời gian ở Berlin, Ông đã gặp riêng Hitler nhiều lần khác nhau và đã công khai và nhắc đi nhắc lại nhiều lần lời kêu gọi hãy hủy diệt người Do Thái tại Âu Châu. Ông là kẻ hợp tác đắc lực nhất với chế độ Đức Quốc Xã. Nói Ông ta là người của Hitler thì đúng lắm rồi; còn nói ĐGH Piô XII là Giáo Hòang của Hitler thì chỉ là câu chuyện ngụy tạo!

 

Thuộc dòng dõi một gia đình Palestine giàu có và nhiều quyền lực, Hajj Amin an-Husseini sinh ra tại Jerusalem năm 1893. Ông trở nên kẻ sôi nổi chuyên nghiệp chống Do Thái kể từ ngày 04-04-1920. Hồi đó, Ông và những kẻ tùy tùng đã bị khích động bởi những lời tuyên truyền khích động chống Do Thái, nên đã tìm cách tàn sát người Do Thái và cướp các tiệm buôn bán của người Do Thái. Ngày 28-3-1929, Ông chỉ huy cuộc tàn sát 60 người Do Thái ở Hebron; rồi ít ngày sau tiến hành cuộc tàn sát ờ Safad gây cho 45 người Do Thái bị giết.

 

Suốt thập niên 1930, Ông tiếp tục gây nên phong trào bài Do Thái ở Palestine, và tìm cách làm quen với phong trào Đức Quốc Xã của Hitler. Cuối tháng 3 năm 1933, ít lâu sau khi Hitler lên cầm quyền, Ông đến gặp ông Đại Sứ Tòan Quyền của Đức Quốc Xã ở Giêrusalem, tiến sĩ Heinrich Wolff, và xin cộng tác. Mục đích của Ông, như Ông đã nhiều lần cắt nghĩa cho các sĩ quan Đức, là nhằm thật xa và thật rộng rãi. Nhưng mục đích gần là chống lại và chấm dứt phong trào lập cư của người Do Thái tại Palestine. Rồi xa hơn nữa là hình thành trong thế giới Ả-rập cũng như trong thế giới Hồi Giáo, một cuộc thánh chiến của Hồi Giáo liên kết với Đức Quốc Xã để tận diệt người Do Thái và giải quyết dứt khóat vấn đề Do Thái ở khắp nơi trên thế giới.

 

Vào ngày 28-11-1941, Ông đã gặp Hitler lần đầu, rồi tiếp theo nhiều lần khác. Lúc đó những kẻ tuyên truyền cho chế độ Đức Quốc Xã miêu tả Ông như một nhà lãnh đạo tinh thần của cả Hồi Giáo. Theo sứ giả Kenneth R. Timmerman, liên minh vừa phát sinh giữa Hồi Giáo và Đức Quốc Xã do Ông dựng nên cùng với Hitler, đã đánh dấu cuộc khởi đầu làm cho phong trào Đức Quốc Xã chống Do Thái thành một phong trào quần chúng tràn vào thế giới Ả-rập; rồi dưới sự lãnh đạo của Ông và môn đệ của Ông là Yasser Arafat, phong trào đó đã tiếp nối cho đến ngày nay. Cũng theo sứ giả Kenneth R. Timmerman, mối liên hệ mật thiết của Ông với Hitler và việc Ông nhiệt thành ủng hộ “giải pháp cuối cùng” của Hitler, đã dệt nên mạng lưới chống Do Thái kéo dài từ quá khứ cho đến ngày nay. Nếu ngày nay phong trào Hồi Giáo chống Do Thái đã phát triển thành một cây cành lá xum xoe, thì rễ của nó đã được nuôi dưỡng trong chế độ Đệ Tam Đức Quốc Xã của Hitler.

 

Trong suốt Thế chiến II, al-Husseini đã xuất hiện đều đều trên làn sóng phát thanh của Đức hướng về Trung Đông. Hơn nữa, trong suốt thời gian Đức Quốc Xã chiếm đóng Rôma, ĐGH Piô XII đã cứu thóat nhiều ngàn người Do Thái khỏi phải đưa đi trại Auschwitz và che dấu họ trong các Nhà Dòng ở Rôma, thì al-Husseni đã dùng làn sóng phát thanh của Đức Quốc Xã để kêu gọi hãy tận diệt người Do Thái ở Âu Châu: “Hãy giết bọn Do Thái bất cứ ở đâu bạn gặp được; điều đó làm đẹp lòng Allah, lịch sử và tôn giáo”.

 

(còn tiếp)

 

(Trích điện thư từ TGP Seattle ngày 5/3/2006)

 

   

TOP

 

 

? Những Bí Mật về Các Thứ Vũ Khí Đại Công Phá ở Iraq với cựu lãnh tụ Iraq Saddam Hussein

 

Trong bài “On tape, Hussein talks of WMDs” được phổ biến ngày Chúa Nhật 19/2/2006, mạng điện toán toàn cầu CNN cho biết nguyên lãnh tự Iraq Saddam Hussein đã cảnh báo cho Hoa Kỳ biết về việc Hoa Kỳ có thể bị khủng bố tấn công, khi ông nói với nội các của ông từ giữa thập niên 1990 rằng Hoa Kỳ có thể sẽ trở thành nạn nhân khủng bố bằng các thứ vũ khí đại công phá, thế nhưng Iraq sẽ không can dự gì. Những băng âm thanh này đã được phổ biến hôm Thứ Bảy 18/2/2006 ở một cuộc họp thượng đỉnh của cơ quan tình báo Hoa Kỳ tại Washington, và đã được cơ quan này công nhận tính chất xác thực của chúng.

 

Ở những cuốn băng âm thanh không rõ ngày tháng này, ngoài những chi tiết liên quan tới vấn đề các loại vũ khí đại công phá ở Iraq mà vị lãnh tụ Iraq bấy giờ cấm không tiết lộ cho thành phần thanh tra Liên Hiệp Quốc bấy giờ biết, còn có những chi tiết về vấn đề Hoa Kỳ có thể bị khủng bố tấn công, khi nhà lãnh tự này nói với Thủ Tướng Tariq Aziz bấy giờ rằng:

 

“Khủng bố sắp xẩy ra. Tôi đã nói với những người Hoa Kỳ lâu lắm rồi, trước cả ngày 2/8, và tôi với cả Hiệp Vương Quốc nữa, tôi nghĩ thế. Tôi nói với họ rằng trong tương lai sẽ có một cuộc khủng bố bằng các thứ vũ khí đại công phá. Điều này đang xẩy ra. Câu truyện đang diễn tiến, nhưng không phải từ Iraq”.

 

Ngày 2/8 được hiểu là ngày Iraq tấn công Kuwaitt năm 1990, biến cố đã gây ra trận chiến vùng vịnh vào năm 1991 sau đó dưới thời tổng thống Bush cha.

 

Riêng về vấn đề các loại vũ khí đại công phá ở Iraq là những gì đã là nguyên cớ chính cho việc chính phủ Bush tự động đem quân tấn công Iraq để gọi là giải giới và cứu nguy Iraq, miền vùng cận và Hoa Kỳ cũng như thế giới khỏi bị nhà độc tài Saddam Hussein sử dụng để tấn công, theo bản tường trình của Nhóm Truy Cứu, được viết bởi Charles Duelfer và phổ biến vào tháng 10/2004, thì Iraq không hề có các thứ vũ khí bị Hoa Kỳ hồ nghi ấy. Theo tác giả viết bản tường trình này thì “Các cuộn băng âm thanh này là những gì củng cố, xác nhận, và ở một mức độ nào đó, cung cấp thêm một ít chi tiết nữa, cho những kết luận được chúng ta đúc kết trong bản tường trình này”.

 

Theo vị chủ tịch Tiểu Ban Tình báo Hạ Viện là Pete Hoekstra thì những cuộn băng âm thanh này do chính phủ Hoa Kỳ có được sau một thời gian xâm chiếm Iraq, và là một phần trong số 35 ngàn những thùng văn liệu về các chương trình và nỗ lực của Iraq liên quan tới các thứ vũ khí đại công phá. Vị này cũng cho biết những tài liệu ấy đang chờ được chuyển dịch và chính phủ Bush đang nghĩ đến việc tung ra các tài liệu này cho phóng viên báo chí và thành phần thức giả để chuyển dịch và xem xét.

 

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL

 

 

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ