GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ NĂM 13/4/2006 TUẦN THÁNH |
? ĐTC Biển Đức XVI: Bài Giáo Lý cho Buổi Triều Kiến Chung Thứ Tư 12/4/2006 về Tam Nhật Thánh
? Một Vị Chủ Nhiệm Đài Truyền Hình Hồi Giáo Al Jazeera ca tụng Đức Gioan Phaolô II trong Hội Nghị “Gioan Phaolô II: Biến Cố Tôn Giáo, Biến Cố Truyền Hình”
? Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Năm Giáo Triều Thứ Nhất cảm nhận về Vị Tiền Nhiệm Gioan Phaolô II
ĐTC Biển Đức XVI: Bài Giáo Lý cho Buổi Triều Kiến Chung Thứ Tư 12/4/2006 về Tam Nhật Thánh
Anh Chị Em thân mến:
Ngày mai Tam Nhật Phục Sinh bắt đầu, một thời điểm chi phối toàn cả phụng niên. Được phụ giúp bởi các nghi thức thánh của Thứ Năm Tuần Thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh và Lễ Trọng Vọng Phục Sinh, chúng ta sẽ sống lại cuộc thương khó, tử nạn và phục sinh của Chúa.
Chúng là những ngày thích thuận để tái khơi lên trong chúng ta một ước muốn thiết tha hơn được liên kết với Chúa Kitô và quảng đại theo Người, ý thức rằng Người đã yêu thương chúng ta đến nỗi hiến sự sống mình cho chúng ta. Những biến cố được tam nhật thánh tỏ bày lại cho chúng ta thấy cái biểu lộ cao cả của mối tình yêu này của Thiên Chúa đối với con người.
Bởi thế, chúng ta hãy dọn mình để cử hành tam nhật Phục Sinh theo lời huấn dụ của Thánh Âu Quốc Tinh là ‘Giờ đây hãy chuyên chú tới ba ngày thánh của việc đóng đanh, việc táng xác và việc phục sinh của Chúa. Từ ba mầu nhiệm này chúng ta thấy được rằng thập giá biểu hiệu cho những gì nơi cuộc sống hiện nay, trong khi đó, nhờ đức tin và đức cậy, chúng ta nhận thấy việc chôn táng và phục sinh biểu hiệu cho những gì” (Letter 55,14,24).
Tam Nhật Phục Sinh bắt đầu ngày mai, Thứ Năm Tuần Thánh, với Thánh Lễ tối ‘in Cena Domini’, mặc dù vào buổi sáng thường đã cử hành một phụng vụ quan trọng khác đó là Lễ Dầu, một lễ toàn thể giáo sĩ của mỗi giáo phận qui tụ lại quanh vị giám mục để lập lại những lời thề hứa linh mục, và tham dự vào việc làm phép các loại dầu cho thành phần tân tòng, cho bệnh nhân và cho dầu thánh. Đó là những gì chúng ta cũng sẽ làm vào ngày mai ở nơi đây, nơi Quảng Trường Thánh Phêrô này.
Ngoài việc thiết lập thiên chức linh mục, ngày Thứ Năm Tuần Thánh này còn tưởng niệm đến việc Chúa Kitô hiến trọn bản thân mình cho nhân loại nơi bí tích Thánh Thể. Vào chính đêm Người bị phản nộp, Người đã để lại cho chúng ta, như Thánh Kinh thuật lại, ‘giới răn mới’ – ‘mandatum novum’ – của tình yêu huynh đệ, bằng việc thực thi một cử chỉ ngỡ ngàng là rửa chân, một cử chỉ nhắc nhở chúng ta về việc phục vụ hèn hạ của thành phần nô lệ. Ngày đặc biệt này, ngày gợi lên những mầu nhiệm cao cả, được kết thúc bằng việc tôn thờ Thánh Thể, để nhờ đến cơn thống khổ của Chúa trong Vườn Nhiệt. Phúc Âm thuật lại là khi cảm thầy hết sức buồn sầu, Chúa Giêsu đã xin thành phần của Người hãy canh thức với Người, trong tư thế nguyện cầu. ‘Các con hãy ở đây canh thức với Thày’ Và chúng ta cũng thấy ngày nay ra sao, chúng ta, thành phần môn đệ ngày nay, thường cứ thiếp ngủ. Đối với Chúa Giêsu thì đó là giờ bị bỏ rơi và cô độc, giờ vào nửa đêm, được diễn tiến với cuộc bắt giam và bắt đầu con đường khổ đau lên Canvê.
Thứ Sáu Tuần Thánh, tập trung vào Cuộc Khổ Nạn, là ngày chay tịnh và kiêng cữ, ngày hướng về việc chiêm ngưỡng cây thập tự giá. Trình thuật về Cuộc Khổ Nạn được cống bố trong các thánh đường, và những lời của tiên tri Zechariah lại vang lên: ‘Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đâm thâu’ (John 19:37).
Và vào Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh này, chúng ta cũng muốn hướng ánh mắt của mình vào con tim bị đâm thâu của Đấng Cứu Chuộc, nơi Người, như Thánh Phaolô viết, ‘chất giấu tất cả mọi kho tàng của khôn ngoan và kiến thức’ (Col 2:3), hơn thế nữa, ‘nơi Người toàn thể trọn vẹn thần tính ngự trị một cách thể lý’ (Col 2:9), vì thế, vị Tông Đồ này mới có thể khẳng định quyết tâm của ngài là ngài ‘không biết gì… ngoài Chúa Giêsu Kitô và Đấng tử giá’ (1Cor 2:2). Thật vậy: Cây Thập Giá cho thấy ‘chiều rộng, dài, cao, sâu’ – những chiều kích của vũ trụ, đây là ý nghĩa của một tình yêu vượt trên tất cả mọi kiến thức – mà tình yêu vượt lên trên những gì được biết đến và làm cho chúng ta tràn đầy ‘tất cả sự viên trọn của Thiên Chúa’ (x Eph 3:18-19).
Nơi mầu nhiệm của Đấng Tử Giá đã hiện thực những gì về ‘việc Thiên Chúa phản nghịch lãi với chính mình để nâng con người lên và để cứu độ họ. Đó là tình yêu ở hình thức cực đoan nhất của mình’ (Thông Điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, đoạn 12). Thập giá Chúa Kitô, Giáo Hoàng Lêô Cả ở thế kỷ thứ 5 đã viết, ‘là nguồn mạch mọi ân phúc, và là căn nguyên của mọi phúc ân’ (Discourse 8 on the Passion of the Lord, 6-8; PL 54, 340-342).
Vào Thứ Bảy Tuần Thánh, liên kết cách thiêng liêng với Mẹ Maria, hãy nguyện cầu trước mồ đá là nơi thân thể của Con Thiên Chúa được an táng sau công cuộc cứu chuộc tác tạo, một công cuộc được hiện thực bằng cái chết của Người (cf Heb 4:1-13). Lễ Vọng Phục Sinh trọng thể được bắt đầu vào ban đêm, một Thánh Lễ vang lên niềm vui Phục Sinh ‘Vinh Danh - Gloria’ và ‘Hãy Vui Lên – Alleluia’ từ tâm can của thành phần mới lãnh nhận Phép Rửa cũng như từ toàn thể cộng đồng Kitô Giáo, hân hoan vì Chúa Kitô đã sống lại và chiến thắng sự chết.
Anh chị em thân mến, để có thể làm sống động việc cử hành Phục Sinh một cách phúc lợi, Giáo Hội xin thành phần tín hữu trong những ngày này hãy đến với bí tích thống hối, một bí tích như là một thứ chết đi và sống lại đối với mỗi người chúng ta. Nơi cộng đồng Kitô hữu sơ khai, vào Thứ Năm Tuần Thánh, lễ nghi Hòa Giải Hối Nhân được cử hành do vị giám mục chủ sự.
Dĩ nhiên là những điều kiện về lịch sử đã đổi thay, song để sửa soạn cho Phục Sinh bằng việc xưng tội tốt đẹp tiếp tục vẫn là một nhiệm vụ cần phải được cảm nhận, vì nó cống hiến cho chúng ta cơ hội để bắt đầu lại cuộc đời của chúng ta, và khởi điểm mới này được hiện thực nơi niềm vui về Đấng Phục Sinh và nơi mối hiệp thông của sự thứ tha từ việc xưng tội mà có. Ý thức rằng chúng ta là những tội nhân, song tin tưởng vào lòng thương xót Chúa, chúng ta hãy để Chúa Kitô hòa giải hầu cảm nghiệm được thấm thía hơn nữa niềm vui được Người thông đạt cho chúng ta nơi cuộc phục sinh của Người.
Ơn thứ tha Chúa Kitô ban cho chúng ta trong bí tích thống hối là nguồn an bình cả bề trong lẫn bề ngoài, cùng làm cho chúng ta thành các tông đồ hòa bình trong một thế giới bất hạnh thay vẫn tiếp tục chia rẽ, khổ đau và các thảm trạng hận thù cùng bạo lực, những thảm trạng của những gì bất khả trong việc hòa giải để bắt đầu lại bằng việc chân thành tha thứ.
Tuy nhiên, chúng ta biết rằng sự dữ không phải là phán quyết cuối cùng, vì vị chiến thắng là Chúa Kitô tử giá và phục sinh, và cuộc vinh thắng của Người được biểu lộ nơi mãnh lực của tình yêu nhân hậu. Việc Người phục sinh làm cho chúng ta tin tưởng rằng: Bất chấp tất cả mọi tối tăm trên thế giới này, sự dữ vẫn không phải là phán quyết cuối cùng. Được nâng đỡ bởi sự thật này, chúng ta mới có thể dấn thân một cách can đảm hơn và nhiệt tình hơn trong việc xây dựng một thế giới công chính hơn.
Đó là những gì tận đáy lòng tôi chúc cho tất cả anh chị em, anh chị em thân mến, hy vọng rằng anh chị em sẽ sửa soạn mừng Phục Sinh sắp tới bằng đức tin và lòng sốt mến. Chớ gì anh chị em được Mẹ Maria Rất Thánh hỗ trợ, Vị đã chia sẻ niềm vui của việc Người phục sinh sau khi đã theo Người Con Thần Linh của Mẹ qua giờ khắc khổ nạn và thập giá.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến
ngày 12/4/2006
Một Vị Chủ Nhiệm Đài Truyền Hình Hồi Giáo Al Jazeera ca tụng Đức Gioan Phaolô II trong Hội Nghị “Gioan Phaolô II: Biến Cố Tôn Giáo, Biến Cố Truyền Hình”.
Vị chủ nhiệm này là Imad El Atrache, làm việc ở văn phòng Bỉ quốc cho đài truyền hình ở Trung Đông ấy đã bày tỏ cảm nhận của mình về Đức Gioan Phaolô II trong một hội nghị mang tên: “Gioan Phaolô II: Biến Cố Tôn Giáo, Biến Cố Truyền Hình”. Hội nghị này được kết thúc vào Thứ Sáu 7/4/2006, do cơ quan Truyền Hình và Truyền Thanh Công Chúng Ý Quốc ở Đại Học Gregorian.
Vị chủ nhiệm này, nhân vật trước kia đã là một ký giả hoạt động cho các mối liên hệ ngoại giao của đài truyền hình Ả Rập, đã ngỏ lời nhận định và ca ngợi Đức Gioan Phaolô II bằng những lời lẽ chính yếu tiêu biểu sau đây.
“Việc ngài ôm ấp lấy tất cả mọi dân tộc, bất kể niềm tin của họ, đã là những gì làm cho hình ảnh của ngài vượt ra ngoài biên giới của Giáo Hội ngài, khiến cho Gioan Phaolô II, theo ngôn từ ký sự của người Hồi Giáo chúng tôi, không còn là Vị Giáo Hoàng của người Công Giáo mà chỉ là ‘Vị Giáo Hoàng’ mà thôi.
“Ngài đã bắt đầu giáo triều của ngài khi nói bằng tiếng Ý là ‘Nếu tôi có nói sai thì xin anh chị em sửa chữa cho tôi’. Nói như thế là ngài tỏ ra rất con người trước con mắt của tôi.
“Chính câu nói chân thành và khôn khéo ấy đã làm đảo ngược hết mọi sự: ở chỗ vị Giáo Hoàng hướng dẫn dân chúng để cho mình được họ hướng dẫn, hoàn toàn chỉ để hướng dẫn họ một cách tốt đẹp hơn.
“Tôi, một con người trước tiên là tín đồ Hồi Giáo rồi là một ký giả, đã bị thu phục bởi vị Giáo Hoàng này thu phục, tức bởi một vị Giáo Hoàng sâu xa tôn trọng sự thật về con người, một sự thật được trình bày theo ý nghĩa tôn giáo.
“Tất cả mọi người chấp nhận hay có một cái gì đó liên quan tới siêu việt tính nơi niềm tin của mình…. Đều tôn trọng sự thật về con người, nhờ đó, theo Đức Gioan Phaolô II, cũng tôn kính Đức Giêsu Kitô, Đấng là sự thật về con người.
“Ở Morocco (năm 1995), trong một Thao Trường với 45 ngàn giới trẻ, vị Giáo Hoàng này đã nói rằng những người Hồi Giáo và Kitô Giáo có thể hợp tác bởi có cùng một Thiên Chúa của tình yêu thương. Thế nhưng, ngài cũng không giấu diếm cái khác nhau lớn lao và sâu xa giữa họ, liên quan tới con người Đức Giêsu cùng vai trò của Người trong lịch sử cứu độ”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến
ngày 9/4/2006
Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Năm Giáo Triều Thứ Nhất cảm nhận về Vị Tiền Nhiệm Gioan Phaolô II
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và tuyển dịch
Liên Hệ Với Vị Tiền Nhiệm Gioan Phaolô II
Được vững tâm dấn thân làm Giáo Hoàng
Sứ Điệp đầu tiên ngỏ cùng Hồng Y Đoàn 20/4/2005
“Quí Huynh thân mến, việc nhận thức sâu xa về tặng ân của tình thương Chúa đã chiếm đoạt tâm hồn tôi bất chấp tất cả mọi sự. Tôi coi đây là ân huệ mà vị tiền nhiệm đáng kính của tôi là Đức Gioan Phaolô II đã chiếm được cho tôi. Tôi dường như có thể cảm thấy là bàn tay mạnh mẻ của ngài đang xoắn chặt lấy tay tôi; tôi dường như thấy được ánh mắt tươi vui và nghe được tiếng của ngài ngỏ cùng tôi nhất là vào lúc này rằng: ‘Đừng sợ!’”
Cũng tiếp tục kêu gọi “Đừng Sợ”
Bài Giảng Lễ Đăng Quang 24/4/2005
“Tới đây, tôi nghĩ về ngày 22/10/1978, ngày mà Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bắt đầu thừa tác vụ của mình tại Quảng Trường Thánh Phêrô đây. Những lời của ngài vào dịp ấy vẫn liên tục vang vọng trong tai tôi: ‘Đứng sợ! Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô!’ Vị Giáo Hoàng này đã ngỏ cùng thành phần thế lực, thành phần quyền lực của thế giới này, những thành phần sợ rằng Chúa Kitô có thể lấy đi một cái gì đó khỏi quyền lực của họ nếu họ để cho Người vào, nếu họ để cho đức tin được tự do. Phải, Người chắc chắn sẽ lấy đi một cái gì đó khỏi họ: đó là cái thế lực hư hoại, cái mạo dụng luật lệ và tự do để làm những gì họ thích. Thế nhưng, Người sẽ không lấy đi bất cứ điều gì liên quan đến tự do và phẩm vị của con người, hay liên quan đến việc dựng xây một xã hội chân chính.
“Vị Giáo Hoàng này cũng nói điều đó với hết mọi người, nhất là giới trẻ. Không phải tất cả chúng ta đều hãi sợ một cách nào đó hay chăng? Nếu chúng ta để cho Chúa Kitô hoàn toàn đi vào cuộc đời của mình, nếu chúng ta trọn vẹn cởi mở bản thân mình cho Người, chúng ta có sợ rằng Người có thể sẽ lấy đi khỏi chúng ta một cái gì đó hay chăng? Chẳng lẽ chúng ta không sợ phải từ bỏ một cái gì đó quan trọng, một cái gì đó chuyên biệt, một cái gì đó làm cho đời sống hết sức tuyệt vời hay sao? Như thế chẳng lẽ chúng ta lại không liều mình đi đến chỗ làm suy giảm đi hay làm hụt hẫng mất cái tự do của chúng ta hay sao?
“Một lần nữa, vị Giáo Hoàng này đã nói: Không đâu! Nếu chúng ta để cho Chúa Kitô đi vào cuộc sống của chúng ta thì chúng ta chẳng những không bị mất đi một sự gì cả, không một sự gì, tuyệt đối là không có một sự gì, trái lại, nhờ đó còn làm cho cuộc của chúng ta được thanh thoát, tuyệt vời và cao cả. Không đâu! Chỉ có ở nơi mối thân tình này các cửa sự sống mới có thể rộng mở mà thôi. Chỉ có ở nơi tình nghĩa ấy khả năng cao cả của sự sống con người mới thực sự thể hiện mà thôi. Chỉ có ở trong tình nghĩa này chúng ta mới cảm thấy được vẻ đẹp và tự do mà thôi.
“Bởi thế, hôm nay đây, bằng quyền năng mãnh liệt và bằng niềm xác tín vững chắc, căn cứ vào kinh nghiệm bản thân lâu đời của mình, hỡi giới trẻ thân mến, tôi muốn nói cùng quí bạn rằng: Xin đừng sợ Chúa Kitô! Ngài không lấy đi một điều gì đâu, mà Người lại ban cho các bạn hết mọi sự. Khi chúng ta hiến mình cho Người, chúng ta nhận lại được gấp trăm. Phải, hãy mở cửa, mở rộng cửa cho Chúa Kitô – và các bạn sẽ tìm thấy sự sống đích thực”.
Tiếp Tục chiều hướng “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần – Redemptor Hominis”
Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật VII Thường Niên 19/2/2006
“Ngày nay nhân loại cũng mang những dấu hiệu tội lỗi là những gì ngăn trở họ nhanh chóng tiến bộ nơi những giá trị về huynh đệ, công lý và hòa bình , những giá trị cũng đã được ấn định nơi những bản tuyên ngôn trang trọng. Tại sao? Cái gì ngăn cản đường lối của họ? Cái gì làm tê liệt đi việc phát triển trọn vẹn này?
“Chúng ta quá rõ là, trên bình diện lịch sử, những nguyên nhân thì nhiều và vấn đề lại phức tạp. Thế nhưng, Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy nhìn bằng đức tin và hãy tin tưởng, như thành phần khiêng người bị bất toại, con người chỉ có thể được chữa lành bởi một mình Chúa Giêsu mà thôi. Ước muốn căn bản nơi các vị tiền nhiệm của tôi, nhất là của Đức Gioan Phaolô II yêu dấu của chúng ta, đó là dẫn con người của thời đại chúng ta đến với Chúa Kitô là Đấng Cứu Chuộc, nhờ đó, qua việc chuyển cầu của Mẹ Maria Vô Nhiễm, Người có thể chữa lành cho họ.
“Tôi cũng muốn tiến theo con đường này nữa. Nhất là, bằng bức thông điệp đầu tiên ‘Thiên Chúa là Tình Yêu’, tôi muốn nói với tín hữu và toàn thế giới rằng Thiên Chúa là nguồn tình yêu chân thực. Chỉ có tình yêu Thiên Chúa mới có thể canh tân lòng người, và chỉ khi nào con tim của nhân loại bị bất toại được chữa lành thì họ mới có thể đứng lên bước đi mà thôi. Tình yêu của Thiên Chúa thực sự là một quyền lực canh tân thế giới vậy”.
Tiếp Tục Loạt Bài Giáo Lý Thánh Vịnh theo chiều hướng “Duc in altum”
Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần lần đầu tiên Thứ Tư 27/4/2005
“Tôi cảm mến nghĩ lại vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II của mình, vị chúng ta đã mắc nợ một di sản thiêng liêng đặc biệt. Ngài đã viết trong tông thư Vào Lúc Mở Màn Cho Một Thiên Niên Kỷ rằng ‘Các cộng đồng Kitô hữu chúng ta cần phải trở thành một học đường cầu nguyện, nơi cuộc gặp gỡ Chúa Kitô được thể hiện chẳng những ở chỗ nài xin ơn giúp đỡ mà còn ở chỗ tạ ơn, chúc tụng, tôn thờ, chiêm ngưỡng, lắng nghe và sùng mộ, cho đến khi tâm hồn thực sự say yêu’ (số 33).
“Chính ngài đã tìm cách thực hiện những ý định đó này bằng cách cống hiến các buổi giáo lý Thứ Tư vào thời gian cuối cùng để dẫn giải về các bài Thánh Vịnh cho giờ kinh phụng vụ ban mai và chiều tối. Như ngài đã làm khi mở màn cho giáo triều của ngài, lúc ngài muốn tiếp tục những bài chia sẻ được khởi xướng bởi vị Tiền Nhiệm của ngài về các nhân đức Kitô giáo (x “Insegnamenti di Giovanni Paolo II”, I [1978], tr. 60-63), tôi cũng có ý thực hiện vào các buổi triều kiến hằng tuần tới đây việc dẫn giải đã được Đức Gioan Phaolô II dọn cho phần thứ hai của các Bài Thánh Vịnh và Ca Vịnh thuộc Giờ Kinh Phụng Vụ Chiều Tối. Từ Thứ Tư tuần tới, tôi sẽ bắt đầu vào chính bài giáo lý của ngài đã bị gián đoạn sau buổi triều kiến chung 26/1/2005”.
Cùng từ Thời Thế Chiến II
Bài Nói về Cuốn Phim “Karol, Một Con Người đã Trở Thành Giáo Hoàng” 19/5/2005
”Chúng
ta lại không thấy được hay sao dự án thần linh nơi sự kiện là trên Ngài Tòa
Thánh Phêrô vị Giáo Hoàng Balan được kế vị bởi một người công dân Đức Quốc, nơi
chế độ Nazi đã củng cố mình bằng tính chất cực kỳ độc hại, trước khi tấn công
láng giềng của mình, nhất là Balan?
”Cả hai vị Giáo Hoàng này, trong thời còn trẻ, mặc dù ở hai bên khác nhau và ở
hai trường hợp khác nhau, đều bị buộc phải trải qua cái dã man mọi rợ của Thế
Chiến Thứ Hai cũng như tình trạng bạo lực vô nghĩa được con người và các dân tộc
sử dụng để phạm đến nhau”.
Diễn Giải Giáo Huấn của Vị Tiền Nhiệm
Cuộc Phỏng Vấn Truyền Hình Balan về Vị Tiền Nhiệm Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhân ngày kỷ niệm 16/10/2005
“Vị Giáo Hoàng này… để lại cho chúng ta – 14 bức thông điệp, nhiều Thư Mục Vụ, và những thứ khác. Tất cả những văn kiện này là một gia sản phong phú vẫn chưa được Giáo Hội hấp thụ hết. Sứ vụ của riêng tôi không phải là ban hành nhiều văn kiện mới mà là để bảo đảm cho việc thấm nhuần các văn kiện của ngài, vì chúng là một kho tàng dồi dào, chúng là một thứ đích thực dẫn giải cho Công Đồng Chung Vaticanô II”.
(còn tiếp)