GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ BẢY 15/4/2006 TUẦN THÁNH |
? Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Bài Giảng cho Thánh Lễ Truyền Dầu Sáng Thứ Năm Tuần Thánh 13/4/2006 tại Đền Thờ Thánh Phêrô
? Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Nguyên Văn bài Chia Sẻ sau khi xem cuốn phim về về Đức Gioan Phaolô II ngày 30/3/2006 ở Sảnh Đường Phaolô VI
? Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Năm Giáo Triều Thứ Nhất cảm nhận về Vị Tiền Nhiệm Gioan Phaolô II (tiếp)
Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Bài Giảng cho Thánh Lễ Truyền Dầu Sáng Thứ Năm Tuần Thánh 13/4/2006 tại Đền Thờ Thánh Phêrô
Quí Huynh thân mến trong hàng giáo phẩm và linh mục,
Anh Chị Em thân mến,
Thứ Năm Tuần Thánh là ngày Chúa Kitô trao cho 12 Tông Đồ nhiệm vụ tư tế để cử hành bằng bánh và rượu bí tích Mình và Máu của Người cho tới khi Người trở lại, thay thế cho con chiên vượt qua và tất cả mọi hy tế Cựu Ước bằng tặng ân Mình Máu của Người, tặng ân chính bản thân Người.
Như thế, việc thờ phượng mới là ở sự kiện, trước hết, Thiên Chúa ban cho chúng ta một tặng ân, và chúng ta, tràn đầy tặng ân này, trở nên tặng ân của Ngài: Tạo vật về với Tạo Hóa. Bởi vậy mà chức linh mục cũng trở thành một điều mới mẻ: Chức này không còn là một vấn đề hạ giáng nữa mà là một cuộc hội ngộ của bản thân nơi mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô. Người bao giờ cũng là Đấng ban phát và lôi kéo chúng ta lại với Người. Chỉ có một mình Người mới có thể nói: ‘Này là Mình Thày – này là Máu Thày’.
Mầu nhiệm chức linh mục của Giáo Hội là ở chỗ chúng ta, những con người khốn nạn, nhờ bí tích này, có thể nói với cái tôi của Người: ‘vơi tư cách của Chúa Kitô – in persona Christi’. Người muốn thi hành chức linh mục của Người qua chúng ta. Chúng ta nhớ lại mầu nhiệm cảm kích này, một mầu nhiệm tác động chúng ta một lần nữa mỗi lần chúng ta cử hành bí tích, nhất là vào Thứ Năm Tuần Thánh. Để cái thường nhật không làm hư hại tới những gì là cao cả và nhiệm mầu, chúng ta cần phải đặc biệt tưởng nhớ như thế, chúng ta cần phải trở về với giây phút Người đặt tay Người trên chúng ta để chúng ta được tham dự vào mầu nhiệm này.
Bởi vậy, một lần nữa, chúng ta hãy suy niệm về những dấu hiệu được bí tích này cho chúng ta thấy. Tâm điểm là chính cử chỉ cổ kính của việc đặt tay, nhờ đó, Người chiếm hữu tôi khi nói: ‘Con thuộc về Cha’. Cùng với những lời này Người còn nói: ‘Con được bàn tay Cha bảo vệ. Con được trái tim Cha bao che. Con ở trong lòng bàn tay của Cha, bởi thế, con cảm thấy mình ở trong cái bao la của tình yêu Cha. Con hãy ở trong bàn tay Cha và hiến cho Cha bàn tay của con’.
Nên chúng ta hãy nhớ rằng, bàn tay của chúng ta đã được xức bằng dầu biểu hiệu cho Thánh Linh và quyền năng của Ngài. Tại sao lại phải là bàn tay? Bàn tay của con người là phương tiện cho con người hành động, nó là biểu hiệu cho khả năng của họ trong việc đối diện với thế giới, cho đến độ ‘nắm lấy nó trong tay’. Chúa đã đặt tay của Người trên chúng ta, và giờ đây Người muốn có bàn tay của chúng ta để chúng trở thành bàn tay của Người trên thế giới. Người muốn bàn tay này không còn là dụng cụ để vơ lấy sự vật, con người, thế giới về cho bản thân chúng ta, biến thế giới này thành sở hữu của chúng ta, trái lại, những bàn tay ấy là những gì truyền đạt cái giao chạm thần linh của Người, trở thành những gì phục vụ cho tình yêu thương của Người.
Người muốn những bàn tay ấy trở thành dụng cụ phục vụ, nhờ đó, chúng trở thành biểu hiện cho sứ vụ của trọn vẹn con người, một con người làm cho họ nên bảo quản viên của Người và mang Người đến cho con người. Nếu bàn tay của con người tiêu biểu một cách tượng trưng cho các tài năng của họ, nói chung là cho kỹ thuật như khả năng làm chủ thế giới, thì bàn tay được xức dầu phải là dấu hiệu của khá năng con người ban phát, của việc kiến tạo nên một thế giới yêu thương – và đó là lý do chúng ta chắc chắn cần đến Thánh Thần.
Trong Cựu Ước, việc xức dầu là dấu hiệu của vấn đề chấp nhận việc làm: Vua chúa, tiên tri, linh mục là thành phần thực hiện và ban phát ngoài những gì được xuất phát từ chính bản thân họ. Ở một nghĩa nào đó, họ tước đoạt bản thân mình để thi hành một việc phục vụ được trao hiến bản thân cho quyền sử dụng của người cao cả hơn chính họ.
Nếu ngày nay Chúa Giêsu xuất hiện trong Phúc Âm như Đấng Được Thiên Chúa Xức Dầu,
như Đức Kitô Thiên Sai, thì chính là vì Người liên kết với Thánh Thần tác hành
sứ vụ được Cha trao phó, nhờ đó, Người cống hiến cho thế giới một vương quyền
mới, một chức tư tế mới, một đường lối mới làm ngôn sứ, một ngôn sứ không tìm
mình mà là sống cho Người theo chiều hướng thế giới được tạo thành. Hôm nay, một
lần nữa, chúng ta hãy trao bàn tay của chúng ta cho Người tùy nghi sử dụng, và
chúng ta hãy xin Người hãy luôn nắm lấy chúng ta trong tay và dẫn dắt chúng ta
một lần nữa.
Nơi cử chỉ đặt tay của vị giám mục theo bí tích này, chính Chúa Kitô đã đặt tay mình trên chúng ta. Dấu hiệu bí tích này tái diễn lại cả một hành trình cuộc sống. Có lúc, như các vị môn đệ tiên khởi, chúng ta đã gặp gỡ Chúa Kitô và nghe Người kêu gọi rằng ‘Hãy theo Thày!’ Có lẽ ban đầu chúng ta đã theo Người một cách lưỡng lự, lùi bước và nghĩ rằng không biết đó có phải thực sự là đường chúng ta đi hay chăng.
Thế rồi, vào một lúc nào đó trong cuộc hành trình này, có lẽ chúng ta đã có được cảm nghiệm của tông đồ Phêrô sau mẻ cá lạ, tức là chúng ta cảm thấy ngỡ ngàng bàng hoàng trước sự cao cả của Người, trước sự vĩ đại của việc làm ấy và trước cảnh thiếu kém của con người nghèo hèn của chúng ta, cho đến độ muốn thoái lui: ‘Ôi Chúa, xin hãy tránh xa con, vì con là một kẻ tội lỗi’ (Lk 5:8). Thế nhưng, bấy giờ, với tấm lòng hết sức nhân ái, Người đã nắm lấy tay chúng ta, kéo chúng ta đến với Người mà nói: ‘Đừng sợ! Có Thày ở với con. Thày không bỏ con đâu, nếu con không bỏ Thày!’
Và đã hơn một lần, một điều xẩy ra cho chúng ta như đã xẩy ra cho tông đồ Phêrô, khi ngài bước đi trên mặt nước để gặp gỡ Chúa thì đùng một cái ngài không cảm thấy nước dưới chân nữa nên sắp bị chìm xuống. Như tông đồ Phêrô, chúng ta cũng đã kêu lên: ‘Chúa ơi xin cứu con với!’ (Mt 14:30). Trước tất cả những gì là dữ dội của các yếu tố, làm thế nào chúng ta có thể thoát qua được những giòng nước ầm ầm tung tóe của thế kỷ và thiên kỷ vừa qua? Thế nhưng, bấy giờ chúng ta đã nhìn vào Người… và Người đã nắm lấy tay của chúng ta và ban cho chúng ta một ‘sức nặng đặc biệt’ mới, đó là cái nhẹ nhàng của một thứ đức tin cuốn hút chúng ta lên cao.
Để rồi Người giơ tay ra nâng đỡ chúng ta và mang chúng ta đi. Người giữ chúng ta đứng vững. Chúng ta hãy luôn gắn mắt vào Người và hãy giơ tay ra cho Người. Chúng ta hãy để Người nắm lấy tay chúng ta thì chúng ta sẽ không bị chìm name, song sẽ phục vụ một sự sống mạnh hơn sự chết và phục vụ một tình yêu mạnh hơn hận thù. Niềm tin tưởng vào Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa hằng sống, là phương tiện nhờ đó Người nắm lấy tay chúng ta và dẫn dắt chúng ta. Một trong những lời nguyện cầu tôi yêu thích là lời nguyện cầu được phụng vụ đặt vào môi miệng chúng ta trước khi Hiệp Lễ, đó là ‘Xin đừng bao giờ bỏ con lìa xa Chúa’. Chúng ta hãy nguyện xin để chúng ta không bao giờ xa lìa mối hiệp thông với Thân Thể của Người, với chính Chúa Kitô, để chúng ta không bao giờ lìa xa mầu nhiệm Thánh Thể. Chúng ta hãy Người đừng bao giờ buông tay chúng ta ra…
(còn tiếp)
Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Nguyên Văn bài Chia Sẻ sau khi xem cuốn phim về về Đức Gioan Phaolô II ngày 30/3/2006 ở Sảnh Đường Phaolô VI
Quí Hồng Y
Quí Huynh thân mến trong Hàng Giáo Phẩm và Linh Mục,
Quí Tôn Vị Nữ Nam,
Trong lúc những hình ảnh được trình bày một cách mới mẻ hay ho về giáo triều Đức Gioan Phaolô II vẫn còn sống động trong tâm trí của mình, tôi muốn bày tỏ tâm tưởng chân tình của tôi với những ai góp phần vào việc thực hiện cuốn phim mang tựa đề ‘Karol: Một Vị Giáo Hoàng vẫn Là Một Con Người’. Buổi tối hôm nay chúng ta đã sống lại những cảm xúc chúng ta đã cảm thấy vào Tháng Năm năm trước, khi chúng ta xem phần đầu của bộ phim này cũng ở tại sảnh đường đây sau khi Vị Giáo Hoàng thân yêu này qua đời ít lâu.
Tôi tri ân vị giám đốc kiêm soạn giả Giacomo Battiato, cũng như thành phần hợp tác viên tài khéo của ông trong việc trình bày cho chúng ta thấy một cách mới mẻ những biến cố quan trọng nhất nơi sứ vụ giáo tông được vị Tiền Nhiệm khả kính của tôi thực hiện; tôi chân thành ‘cảm tạ’ Piotr Adamczyk, diễn viên đóng vai chính trong việc tái diễn gương mặt của ngài, và cám ơn cả các diễn viên khác; tôi chân thành cám ơn nhà xuất bản Pietro Valsecchi và những vị giám đốc của các hãng xuất bản phim Taodue và Mediaset đang hiện diện nơi đây.
Câu truyện về cuộc sống trần gian của vị Giáo Tông thân yêu này được chấm dứt ở phần thứ hai thuộc bộ phim này. Chúng ta đã được nghe lại lời kêu gọi tiên khởi của giáo triều ngài, một lời lêu gọi thường được tái vang vọng qua năm tháng là ‘Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô! Đừng sợ!’. Những hình ảnh trình chiếu cho chúng ta thấy một Vị Giáo Hoàng trầm ngâm trong việc giao tiếp với Thiên Chúa, và chính vì lý do này mà ngài luôn nhậy cảm với những trông đợi của người khác.
Cuốn phim đã làm cho chúng ta nghĩ lại một cách tuyệt vời những cuộc tông du khắp thế giới của ngài; nó cống hiến cho chúng ta cơ hội để sống lại những cuộc ngài gặp gỡ rất ư là nhiều người, với những kẻ cả trên trái đất này cũng như với thành phần công dân bình thường, với những nhân vật nổi tiếng cũng như với các cá nhân vô danh tiểu tốt. Trong số những con người ấy, đặc biệt phải kể đến việc ngài tha thiết với Mẹ Têrêsa Calcutta. Mẹ đã liên kết với Đức Gioan Phaolô II bằng một mối hòa hợp thiêng liêng sâu xa.
Ở ngay địa điểm như thể chúng ta đã hiện diện vào lúc bấy giờ, chúng ta một lần nữa đã nghe thấy những phát súng muốn lấy mạng của ngài một cách thảm thương ở Quảng Trường Thánh Phêrô ngày 13/5/1981. Từ đó tất cả mới hiện lên cho thấy hình ảnh về một vị ngôn sứ của niềm hy vọng và an bình, vị đã không biết mệt mỏi đi khắp các nẻo đường trái đất để thông đạt Phúc Âm cho hết mọi người. Những lời lẽ vang động của ngài trở về với tâm trí của chúng ta, khi ngài lên án các chế độ độc tài, tình trạng bạo động và chiến tranh sát hại; những lời đầy ủi an và hy vọng bày tỏ việc ngài gần gũi với thành phần thân thuộc của các nạn nhân gây ra bởi các cuộc khủng bố tấn công xung đột và thảm thương, chẳng hạn như cuộc khủng bố tấn công tháp đôi ở Nữu Ước; những lời can đảm bài bác một xã hội hưởng thụ và thứ văn hóa khoái lạc nhắm đến việc tạo nên một thứ phúc lợi thuần vật chất không thể thỏa đáng những nhu cầu sâu xa của cõi lòng con người.
Anh chị em thân mến, đó là những cảm thức tự nhiên xuất phát từ tâm can của tôi tối hôm nay và là những gì tôi muốn chia sẻ với anh chị em, bằng việc kiểm điểm lại qua những hình ảnh của cuốn phim đây các giai đoạn của giáo triều bất khả lãng quên của Đức Gioan Phaolô II. Xin vị Giáo Hoàng thân yêu của chúng ta từ trời cao hỗ trợ chúng ta và xin Chúa ban cho chúng ta ơn luôn như ngài trung thành với sứ vụ của chúng ta. Tôi ban phép lành cho tất cả mọi người đang hiện diện nơi đây cũng như cho những người thân yêu của anh chị em.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 11/4/2006
Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Năm Giáo Triều Thứ Nhất cảm nhận về Vị Tiền Nhiệm Gioan Phaolô II
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và tuyển dịch
(tiếp 13 Thứ Năm, 14 Thứ Sáu)
Nhận Định về Vị Tiền Nhiệm
Về gương theo Chúa của Vị Tiền Nhiệm
Bài Giảng của ĐHY Joseph Ratzinger chủ tế Lễ An Táng ĐTC GPII 8/4/2005
“Hãy theo Thày! Là một sinh viên trẻ, Karol Wojtyla say sưa với văn chương, kịch nghệ và thi ca. Làm việc ở một xưởng hóa chất, bị vây bủa và đe dọa bởi việc khủng bố của Nazi, ngài đã nghe thấy tiếng gọi của Chúa: Hãy theo Thày! Trong hoàn cảnh ngoại thường ấy, ngài đã bắt đầu đọc các sách về triết lý và thần học, rồi nhập chủng viện chui do ĐHY Sapieha thiết lập. Sau chuộc chiến, ngài đã hoàn tất việc học hành của mình theo phân khoa thần học ở Đại Học Jagiellonian ở Krakow. Nhiều lần, trong thư gửi cho các linh mục hằng năm cũng như trong các tác phẩm tự truyện của mình, ngài đã nói cho chúng ta biết về thiên chức linh mục của ngài, một thiên chức ngài đã được thụ phong ngày 1 tháng 11 năm 1946. Trong các bản văn này, ngài đã cắt nghĩa thiên chức linh mục của mình đặc biệt liên quan tới 3 câu nói của Chúa: ‘Không phải các con đã chọn Thày, song Thày đã chọn các con. Và Thày đã sai các con đi để sinh hoa kết trái, những hoa trái lâu bền’ (Jn 15:16). Câu thứ hai là ‘Vị mục tử nhân lành bỏ sự sống mình cho chiên’ (Jn 10:11). Rồi câu: ‘Như Cha đã yêu thương Thày thế nào Thày cũng yêu thương các con như vậy; hãy ở lại trong tình yêu của Thày’ (Jn 15:9). Nơi 3 câu nói này chúng ta thấy được tâm can và linh hồn Đức Thánh Cha của chúng ta. Ngài đã thực sự đi khắp nơi, không ngừng nghỉ, để sinh hoa trái, một thứ hoa trái lâu bền. ‘Hãy chỗi dậy, Nào chúng ta lên Đường!’ là nhan đề của cuốn sách áp cuối của ngài. ‘Hãy đứng dậy, nào chúng ta lên Đường!’ – với những lời này, ngài đã thức tỉnh chúng ta khỏi một thứ đức tin lim dim, khỏi một giấc ngủ của thành phần môn đệ hôm qua và hôm nay. ‘Hãy đứng dậy, nào chúng ta lên đường!’ ngài tiếp tục nói với chúng ta cho đến cả hôm nay đây. Đức Thánh Cha là một vị linh mục cho tới cùng, vì ngài đã hiến dâng sự sống của mình cho Thiên Chúa vì đàn chiên của mình cũng như vì toàn thể nhân loại, bằng một cuộc tự hiến hằng ngày để phục vụ Giáo Hội, nhất là giữa những đớn đau của các tháng cuối đời. Nhờ đó, ngài được nên một với Chúa Kitô, Vị Mục Tử Nhân Lành đã yêu thương chiên của Người. Sau hết, ‘hãy ở lại trong tình yêu của Thày’: Vị Giáo Hoàng này đã cố gắng gặp gỡ hết mọi người, vị đã có khả năng tha thứ và cởi mở tâm hồn với tất cả mọi người, bằng những lời của Chúa ấy, nói với chúng ta hôm nay đây một lần nữa rằng, nhờ việc ở lại trong tình yêu của Chúa Kitô chúng ta học được, nơi học đường của Chúa Kitô, nghệ thuật yêu thương chân thật.
”Hãy theo Thày! Vào tháng 7 năm 1958, vị linh mục trẻ Karol Wajtyla đã bắt đầu
một giai đoạn mới trong cuộc hành trình của ngài với Chúa và bước theo vết chân
của Chúa. Karol đã đi đến hồ Masuri để nghỉ hè như thường lệ, cùng với một nhóm
giới trẻ yêu thích chèo thuyền. Thế nhưng, ngài đã mang theo bên mình một bức
thư mời ngài gặp vị Giáo Chủ Balan là ĐHY Wyszynski. Ngài có thể đoán được mục
đích của cuộc gặp gỡ này: đó là ngài được bổ nhiệm làm Giám Mục phụ tá ở Krakow.
Rời bỏ thế giới văn học, rời bỏ việc dấn thân thách đố với giới trẻ này, rời bỏ
nỗ lực về tri thức trong việc cố gắng hiểu biết và giải thích mầu nhiệm về tạo
vật là con người cũng như về việc truyền đạt cho thế giới ngày nay vấn đề dẫn
giải của Kitô giáo đối với con người của chúng ta – tất cả những điều ấy đối với
ngài, phải nói rằng, như mất đi chính bản thân ngài vậy, mất đi những gì đã trở
thành chính căn tính con người của vị linh mục trẻ này. Hãy theo Thày – Karol
Wojtyla đã chấp nhận việc bổ nhiệm ấy, vì ngài đã nghe thấy nơi tiếng Giáo Hội
mời gọi tiếng của Chúa Kitô. Và rồi ngài đã nhận thức những lời của Chúa chân
thực biết bao: ‘Những ai cố giữ sự sống mình sẽ mất nó, còn những ai mất sự sống
mình sẽ giữ được nó’ (Lk 17:33). Vị Giáo Hoàng của chúng ta – như tất cả chúng
ta đều biết điều này là – không bao giờ muốn giữ lấy sự sống của ngài, giữ lấy
nó cho bản thân của ngài; ngài muốn hoàn toàn trao tặng bản thân mình, cho đến
giây phút cuối cùng, vì Chúa Kitô và do đó cũng vì chúng ta nữa. Nhờ đó, ngài đã
cảm thấy được rằng hết những gì ngài đã hiến dâng vào bàn tay Chúa đã trở về với
ngài như thế nào một cách mới mẻ. Lòng ngài mộ mến ngôn từ, thi ca, văn chương,
đã trở nên một phần chính yếu của sứ vụ mục vụ của ngài và cống hiến cho việc
giảng dạy Phúc Âm tính cách sinh động mới, thôi thúc mới, thu hút mới, cho dù có
là một dấu hiệu phản khắc chăng nữa.
”Hãy theo Thày! Vào tháng 10/1978, ĐHY Wojtyla, một lần nữa, đã nghe thấy tiếng
Chúa gọi. Một lần nữa, lại xẩy ra cuộc đối thoại với Thánh Phêrô được trình
thuật trong bài Phúc Âm Thánh Lễ hôm nay: ‘Simon, con Jonah, con có yêu mến Thày
hay chăng?’ Hãy chăn các chiên mẹ của Thày!’ Trước câu hỏi Chúa hỏi ‘Karol, con
có yêu mến Thày hay chăng?’, ĐTGM Krakow đã đáp lại tận đáy lòng mình rằng:
‘Chúa biết hết mọi sự; Chúa biết rằng con yêu mến Chúa’. Tình yêu Chúa Kitôđã
động lực chính yếu nơi đời sống Đức Thánh Cha thân yêu của chúng ta. Bất cứ ai
đã từng thấy ngài cầu nguyện, những ai đã từng nghe ngài giảng, đều biết được
điều ấy. Nhờ việc ngài sống sâu xa thân mật với Chúa Kitô như thế, ngài đã có
thể mang vác một gánh nặng vượt trên khả năng thuần túy của phàm nhân: gánh nặng
làm mục tử của đàn chiên Chúa Kitô, của Giáo Hội hoàn vũ của mình. Đây không
phải là lúc nói về những gì đặc biệt của giáo triều phong phú này. Tôi chỉ xin
đọc hai đoạn phụng vụ hôm nay nói lên những yếu tố chính yếu nơi sứ điệp của
ngài. Trong bài đọc thứ nhất, Thánh Phêrô – và cùng với Thánh Phêrô cả vị Giáo
Hoàng này nữa – nói rằng ‘Tôi thực sự hiểu được rằng Thiên Chúa đã không tỏ ra
thiên vị, thế nhưng, nơi hết mọi dân nước, ai kính sợ Ngài và làm những gì chân
thực đều đáng được Ngài chấp nhận. Anh em biết rằng sứ điệp Ngài đã gửi đến cho
dân Do Thái, đó là việc rao giảng hòa bình của Chúa Giêsu Kitô – Người là Chúa
của tất cả mọi người’ (Acts 10:34-36). Và trong bài đọc thứ hai, Thánh Phaolô –
và cùng với Thánh Phaolô, vị cố Giáo Hoàng của chúng ta, đã kêu gọi chúng ta khi
kêu lên rằng: ‘Anh chị em thân mến, những người tôi yêu thương và mong đợi, là
niềm vui và là vinh dự của tôi, anh chị em hãy đứng vững như thế trong Chúa, hỡi
những người tôi quí mến’ (Phil 4:1).
”Hãy theo Thày! Kèm theo lệnh truyền chăm sóc cho đàn chiên của Người, Chúa Kitô
còn báo cho Phêrô rằng thánh nhân sẽ phải chịu một cái chết tử đạo. Bằng những
lời này, những lời kết thúc và tóm tắt cuộc đối thoại về lòng mến yêu cũng như
về lệnh truyền làm chủ chiên hoàn vũ, Chúa Kitô đã nhắc lại một cuộc đối thoại
khác đã diễn ra trong Bữa Tiệc Ly. Bấy giờ Chúa Giêsu đã phán: ‘Nơi Thày đi các
con không thể nào tới được’ Thánh Phêrô thưa Người rằng: ‘Lạy Thày, Thày đi đâu
thế?’ Chúa Giêsu đáp: ‘Nơi Thày đi hiện nay con không thể nào theo Thày nổi đâu;
nhưng sau này con sẽ theo Thày’ (Jn 13:33,36). Từ Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã
tiến tới Thập Giá, tiến tới cuộc phục sinh của Người – Người đã đi vào cuộc vượt
qua của Người; và Thánh Phêrô chưa thể nào theo được Người. Giờ đây, sau cuộc
phục sinh, thời giờ ấy đã đến, thời điểm ‘sau này’ đã đến. Bằng việc chăn dắt
đàn chiên của Chúa Kitô, Thánh Phêrô đã đi vào mầu nhiệm vượt qua, thánh nhân đã
tiến về phía thập tự giá và về cuộc phục sinh. Chúa Kitô đã nói về điều này bằng
những lời: ‘… khi con còn trẻ, con thường tự mình thắt lưng lấy và đi đâu tùy ý
con muốn’ (Jn 21:18). Trong những năm đầu của giáo triều mình, những năm còn trẻ
trung và đầy nhiệt huyết, Đức Thánh Cha đã đi đến tận cùng trái đất theo sự dẫn
dắt của Chúa Kitô. Thế nhưng sau đó, ngài càng ngày càng đi sâu vào cuộc hiệp
thông khổ đau với Chúa Kitô; càng hiểu được sự thật của những lời này: ‘Người ta
sẽ thắt lưng cho con’. Và trong chính cuộc hiệp thông đau khổ này với Chúa Kitô
một cách liên tục và càng gia tăng hơn, ngài đã loan báo Phúc Âm, loan báo mầu
nhiệm về một tình yêu thương cho đến cùng tận (x Jn 13:1)”.
(còn tiếp)