GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ BA 18/4/2006 BÁT NHẬT PHỤC SINH |
? Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ kết thúc Đường Thánh Giá ở Hí Trường Colosseum Rôma Thứ Sáu 14/4/2006
? Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Bài Giảng Thánh Lễ Khai Mạc Mật Nghị Hồng Y Bầu Tân Giáo Hoàng 18/4/2005 một năm trước
? Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Năm Giáo Triều Thứ Nhất cảm nhận về Vị Tiền Nhiệm Gioan Phaolô II (tiếp)
Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ kết thúc Đường Thánh Giá ở Hí Trường Colosseum Rôma Thứ Sáu 14/4/2006
Anh Chị Em thân mến:
Chúng ta đã theo Chúa Giêsu trên Đường Thánh Giá. Chúng ta đã theo Người nơi đây, trên con đường của các vị tử đạo, ở Hí Trường Colosseum, nơi nhiều vị đã bị khổ đau vì Chúa Kitô, nơi các vị đã hiến mạng sống mình vì Người, bởi đó, Chúa Kitô đã tái chịu khổ đau nơi rất nhiều con người.
Bởi thế chúng ta đã hiểu rằng Đường Thánh Giá không phải là một cái gì đó của quá khứ và ở một nơi đặc biệt nào đó trên trái đất này. Thập giá của Chúa Kitô ôm lấy thế giới, Đường Thập Giá của Người băng qua các lục địa và thời gian. Chúng ta không thể chỉ đóng vai khách bàng quan trên Con Đường Thánh Giá. Chúng ta cần phải tham gia và cần phải tìm thấy vị trí của mình: Chúng ta đang ở đây đây?
Trên Đường Thánh Giá, không có vấn đề trung lập. Philatô, một trí thức gia ngờ vực, đã cố gắng tỏ ra trung lập, muốn đứng ra ngoài cuộc, thế nhưng, chính vì làm như thế mà ông đã chủ trương chống lại công lý chỉ vì nghề nghiệp của mình. Chúng ta cần phải tìm thấy chỗ đứng của chúng ta.
Qua tấm gương soi của cây thập tự giá, chúng ta đã thấy được tất cả mọi khổ đau của nhân loại ngày nay. Trên cây thập giá của Chúa Kitô, chúng ta đã thấy được ngày nay nỗi khổ đau của thành phần trẻ em bị bỏ rơi và lạm dụng, thấy được những đe dọa tấn công gia đình, thấy được tình trạng chia rẽ của thế giới giữa thái độ cao ngạo của thành phần giầu có, thành phần không nhìn đến Lazarô ở trước cửa nhà mình, với tình trạng nghèo khổ của rất nhiều người khổ đau bởi đói khát.
Thế nhưng chúng ta cũng thấy những chặng đường an ủi. Chúng ta thấy Người Mẹ nhân hậu tỏ ra trung thành cho tới chết và sau cái chết. Chúng ta đã thấy người phụ nữ can trường tiến đến với Chúa Kitô và là người không sợ hãi tỏ ra gắn bó với con người khổ đau ấy. Chúng ta đã thấy Simon Cyrene, một người Phi Châu, vác thập giá với Chúa Giêsu. Và cuối cùng chúng ta đã thấy nơi những chặng đường an ủi ấy là như đau khổ không cùng thế nào thì an ủi cũng không cùng như thế.
Chúng ta đã thấy làm thế nào trên đường thánh giá, Thánh Phaolô đã tìm được nhiệt tình cho đức tin của ngài và thắp sáng yêu thương; chúng ta đã thấy làm thế nào Thánh Âu Quốc Tinh tìm thấy đường lối của ngài, Thánh Phanxicô Assisi, Thánh Vincent de Paul, Thánh Maximilian Kolbe, Mẹ Têrêsa Calcutta, và bởi vậy chúng ta cũng được kêu mời tìm thấy chỗ của mình, và cùng những nhân vật can trường cao cả này tìm thấy con đường ấy với Chúa Giêsu và vì Chúa Giêsu, con đường thiện hảo, chân lý, can đảm và yêu thương.
Như thế chúng ta đã hiểu rằng Đường Thánh Giá không phải chỉ là một bản liệt kê những gì tối tăm và buồn thảm trên thế giới, hay một thứ răn dạy đưa đến chỗ vô hiệu năng; nó không ohải là một tiếng kêu chống đối mà chẳng làm thay đổi được chi.
Trái lại, Đường Thánh Giá là con đường của tình thương, một tình thương ngăn chặn sự dữ, như chúng ta học được điều này từ Đức Gioan Phaolô II. Nó là con đường của tình thương nên cũng là con đường cứu độ. Nó mời gọi chúng ta hãy thực hiện đường lối xót thương, và với Chúa Giêsu hãy ngăn chặn sự dữ lại.
Chúng ta hãy cầu xin cùng Chúa để Người giúp chúng ta được thấm nhiễm tình thương của Người. Chúng ta hãy cầu xin cùng Người Mẹ thánh của Chúa Giêsu, Người Mẹ của tình thương, để chúng ta nữa cũng trở thành những con người nam nữ của tình thương, hầu đóng góp vào phần tỗi của thế giới, vào phần rỗi của con người tạo sinh của Thiên Chúa. Amen.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 15/4/2006
Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Bài Giảng Thánh Lễ Khai Mạc Mật Nghị Hồng Y Bầu Tân Giáo Hoàng 18/4/2005 một năm trước
Theo chương
trình đã được phác họa, sáng nay, tại Đền Thờ Thánh Phêrô, ĐHY trưởng hồng y
đoàn là Joseph Ratzinger đã dâng Thánh Lễ khai mạc cho mật Nghị Hồng Y bầu tân
Giáo Hoàng, với sự đồng tế của tất cả mọi hồng y tuyển bầu, và sự tham dự của
các vị hồng y quá tuổi tuyển bầu, các vị giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và
giáo dân. Trong bài giảng của mình, vị hồng y chủ tế, trước hết, đã dẫn giải bài
đọc thứ nhất liên quan đến lời Chúa Giêsu nói qua miệng tiên tri Isaia là Người
được sai đi “loan báo năm hồng ân của Chúa và ngày báo oán của Thiên Chúa chúng
ta”.
Isaiah 61:1-3a. 6a. 8b-9
Ephesians 4:11-16
John 15:9-17
”Vào giờ khắc nặng trọng trách đây, chúng ta hãy đặc biệt lằng nghe những gì
Chúa muốn nói với chúng ta qua những lời lẽ của Người. Tôi chỉ xin chọn mỗi đoạn
của ba bài đọc liên quan trực tiếp tới chúng ta vào một thời điểm như thế này.
“Bài đọc thứ nhất cho chúng ta thấy hình ảnh được tiên báo về nhân vật Thiên Sai,
một hình ảnh đạt được trọn vẹn ý nghĩa của nó vào chính lúc Chúa Giêsu đọc đoạn
văn này ở hội đường Nazarét, khi Người nói rằng: ‘Hôm nay quí vị đã nghe thấy
đọan kinh thánh này đã được ứng nghiệm’ (Lk 4:21). Ở tâm điểm của bài sách tiên
tri này, chúng ta thấy có một câu mà thoáng nhìn như mâu thuẫn. Khi nói về mình,
Đấng Thiên Sai nói rằng Người được sai đến để ‘loan báo năm hồng ân của Chúa,
vào ngày báo oán của Thiên Chúa chúng ta’ (Is 61:2).
“Chúng ta hân hoan nghe thấy nói đến việc loan truyền năm tình thương: Tình
thương Chúa đặt giới hạn cho sự dữ, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói với
chúng ta như thế. Tự bản thân mình Chúa Giêsu Kitô là tình thương Chúa: Thấy
Chúa Kitô nghĩa là thấy được tình thương của Thiên Chúa. Lệnh truyền của Chúa
Kitô đã trở nên sứ vụ của chúng ta qua việc xức dầu tư tế; chúng ta được kêu gọi
để loan báo, chẳng những bằng lời nói mà còn bằng đời sống cũng như bằng những
hoa trái hiệu nghiệm của các Bí Tích, ‘năm hồng ân của Chúa’
“Thế nhưng, tiên tri Isaia muốn nói gì khi ngài loan báo về ‘ngày báo oán của
Thiên Chúa chúng ta?’ Khi đọc bản văn tiên tri này ở Nazarét, Chúa Giêsu không
nói đến những lời ấy; Người đã kết thúc bằng việc công bố năm hồng ân. Phải
chăng đó là lý do xẩy ra việc xúc phạm sau bài giảng của Người? Chúng ta không
ai biết. Dầu sao Chúa Giêsu cũng cống hiến việc dẫn giải chính thức về những lời
ấy bằng cái chết của Người trên thập tự giá. ‘Chính Người đã mang lấy tội lỗi
của chúng ta nơi thân thể của Người bị treo trên cây’, Thánh Phêrô đã nói như
thế (1Pt 2:24). Và Thánh Phaolô viết cho tín hữu Galata rằng: ‘Chúa Kitô đã cứu
chuộc chúng ta khỏi cái tai họa của lề luật, khi trở nên một thứ đồ bị nguyền
rủa vì chúng ta – vì có lời chép: Khốn thay cho kẻ bị treo lên cây’, để, nơi
Chúa Giêsu Kitô, nhờ đó các thứ phúc lành của Abraham được đổ xuống cho các dân
ngoại, nhờ đó chúng ta được lãnh nhận lời hứa Thần Linh nơi đức tin’ (Gal 3:13).
“Tình thương của Chúa Kitô không phải là một thứ ân sủng rẻ tiền; tình thương
của Người không phải là những gì cho rằng sự dữ là đồ vô vị. Chúa Giêsu mang lấy
tất cả gánh nặng của sự dữ, tất cả quyền lực hủy diệt của sự dữ, nơi thân thể
của Người và trong linh hồn của Người. Ngày báo oán và năm hồng ân của Chúa cùng
hiện thực nơi mầu nhiệm Vượt Qua, nơi Chúa Kitô là Đấng đã chết và sống lại. Đó
là việc báo oán của Thiên Chúa, ở chỗ, Chính Bản Thân Ngài, nơi con người của
Con Ngài, chịu khổ vì chúng ta. Chúng ta càng được tình thương của Chúa chạm tới,
chúng ta càng liên kết với khổ đau của Người, và chúng ta càng sẵn sàng làm trọn
nơi xác thịt của chúng ta ‘những gì còn thiếu nơi những khốn khổ của Chúa Kitô’
(Col 1:24).
“Chúng ta hãy sang bài đọc thứ hai là thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô.
Bài đóc này chính yếu có 3 vấn đề: trước hết là các thừa tác vụ và đặc sủng của
Giáo Hội như những tặng ân của Chúa phục sinh đã về trời; rồi tới việc trưởng
thành trong đức tin và trong nhận thức về Con Thiên Chúa như điều kiện và nội
dung cho mối hiệp nhất của thân thể Chúa Kitô; và sau hết, việc tham dự chung
vào việc tăng trưởng của Thân Thể Chúa Kitô, tức là việc biến đổi thế giới bằng
mối hiệp thông với Thiên Chúa.
“Chúng ta hãy suy niệm về hai điểm. Điểm thứ nhất đó là con đường dẫn đến, như
bản tiếng Ý dịch cách giản dị là ‘sự trưởng thành Chúa Kitô’. Cụ thể hơn, theo
bản Hy ngữ, chúng ta cần phải nói về ‘tầm mức viên trọn của Chúa Kitô’ là tầm
mức chúng ta được kêu gọi để thực sự trưởng thành trong đức tin. Chúng ta không
được là trẻ con trong đức tin, trong tình trang non dại. Mà sống đức tin trẻ con
nghĩa là gì? Thánh Phaolô trả lời rằng đó là ‘bị nghiêng ngả theo chiều gió chủ
nghĩa’ Thật là một lời diễn tả rất ư là hợp thời!
“Biết bao nhiêu là chiều gió chủ nghĩa chúng ta đã từng biết đến trong mấy thập
niên qua! Biết bao nhiêu là trào lưu ý hệ! Biết bao nhiêu là trường phái tư
tưởng! Con tầu tư tưởng nhỏ bé của nhiều Kitô hữu thường bị xô lấn bởi những cơn
sóng này, tung họ từ cực đoan này sang cực đoan kia: từ chủ nghĩa Marxít đến chủ
nghĩa tự do (liberalism), thậm chí đến chủ nghĩa duy tự do (libertarianism); từ
chủ nghĩa tập thể (collectivism) đến chủ nghĩa cá nhân cực đoan (radical
individualism); từ chủ nghĩa vô thần đến chủ nghĩa tôn giáo mập mờ bí hiểm
(vague religious mysticism); từ chủ nghĩa ngộ thức (agnosticism) đến chủ nghĩa
hòa đồng (syncretism) v.v.
“Ngày nào cũng có những thứ giáo phái mới, khiến cho những lời của Thánh Phaolô
nói trở thành sự thật về việc con người bị lừa đảo, về cái tinh quái làm cho con
người bị lầm lạc (x Eph 4:14). Có một đức tin minh tường, theo Kinh Tin Kính của
Giáo Hội, thường được gán cho là chủ nghĩa thủ cựu / bảo thủ (fundamentalism).
Một khi chủ nghĩa tương đối (relativism), nói cách khác, một khi để cho mình ‘bị
xô đẩy theo chiều gió chủ nghĩa’, thái độ duy nhất được cho là thích hợp với
thời đại tân tiến, thì đó là lúc chủ nghĩa tương đối độc đoán được hình thành,
một chủ nghĩa tương đối độc đoán cho rằng không có gì là tuyệt đối cả, và là một
chủ nghĩa chỉ biết căn cứ vào cái tôi cùng với những ước muốn của cái tôi mà
thôi.
“Chúng ta có một chuẩn mức khác, đó là Con Thiên Chúa, một con người thật sự.
Người là chuẩn mức của nhân bản chủ nghĩa đích thực. Một đức tin ‘trưởng thành’
là đức tin không chiều theo làn sóng thời trang cũng như những gì là tân hiện
đại nhất; một đức tin trưởng thành và chín chắn là một đức tin được cắm rễ sâu
xa trong mối thân tình với Chúa Kitô. Mối thân hữu này hướng chúng ta về tất cả
những gì là thiện hảo và cống hiến cho chúng ta chuẩn mức để nhận thức được đâu
là phải và đâu là trái, đâu là gian dối và đâu là chân thật.
“Chúng ta cần phải làm cho đức tin trưởng thành này chín mùi; chúng ta cần phải
dẫn đàn chiên của Chúa Kitô đến đức tin này. Và chính đức tin này, chỉ duy có
đức tin này mà thôi, mới là những gì kiến tạo hiệp nhất và được hiện thực nơi
đức ái. Thánh Phaolô đã cống hiến cho chúng ta một câu nói tuyệt vời, ngược lại
với tình trạng trôi nổi của những ai giống như trẻ con bị bập bềnh theo triều
sóng, đó là hãy sống sự thật bằng đức ái như là một mẫu thức cốt yếu cho việc
hiện hữu của Kitô giáo. Sự thật và đức ái đồng qui nơi Chúa Kitô. Chúng đến với
Chúa Kitô theo chuẩn mức nào, thì sự thật và đức ái cũng nên một với nhau trong
đời sống của chúng ta như vậy. Đức ái không có đức tin là một đức ái mù quáng;
chân lý không có đức ái sẽ chỉ là ‘phèng la inh ỏi’ (1Cor 13:1).
Giờ đây chúng ta sang bài Phúc Âm, một bài Phúc Âm phong phú song tôi chỉ xin
rút ra hai nhận định nhỏ thôi. Chúa Kitô đã noí với chúng ta những lời tuyệt vời
này là ‘Thày không còn gọi các con là tôi tớ nữa,… mà gọi các con là bạn hữu’ (Jn
15:5). Nhiều lần chúng ta chỉ cảm thấy rằng mình giống như những tên đầy tớ vô
dụng, mà thực sự là thế (x Lk 17:10). Mặc dù là thế, Chúa Kitô vẫn gọi chúng ta
là bạn hữu của Người; Người làm cho chúng ta thành bạn hữu của Người; Người ban
cho chúng ta tình bằng hữu của Người. Chúa Kitô đã xác định tình bằng hữu bằng
hai cách. Không có gì là bí mật giữa bạn bè với nhau: Chúa Kitô nói với chúng ta
hết những gì Người nghe từ Cha; Người hoàn toàn đặt niềm tin tưởng của Người nơi
chúng ta, và cùng với lòng tin tưởng ấy là kiến thức của Người. Người tỏ cho
chúng ta thấy dung nhan của Người, tấm lòng của Người. Người tỏ cho chúng ta
thấy niềm âu yếm của Người, tình yêu say mê cho đến điên cuồng tử giá.
“Người đặt tin tưởng nơi chúng ta; Người ban cho chúng ta quyền năng để cùng với
bản thân của Người phán rằng: ‘Này là mình Thày’, và ‘Thày tha tội cho con’.
Người trao phó thân thể của Người là Giáo Hội cho chúng ta. Người ký thác sự
thật của Người cho tâm trí yếu đuối và bàn tay yếu hèn của chúng ta, đó là mầu
nhiệm Thiên CHúa là Ch, và Con và Thánh Thần; mầu nhiệm của vị Thiên Chúa là
Đấng ‘đã quá yêu thương thế gian đến hiến ban Con duy nhất của mình’ (Jn 3:16).
Người đã làm cho chúng ta nên bạn hữu của Người. Chúng ta cần phải đáp lại như
thế nào đây?
“Yếu tố thứ hai được Chúa Giêsu sử dụng để định nghĩa tình bằng hữu đó là mối
hiệp thông của ý muốn. ‘Idem velle – idem nolle’ là câu định nghĩa của người
Rôma. ‘Các con là bạn hữu của Thày nếu các con làm theo những gì Thày truyền cho
các con’ (Jn 15:14). Tình bằng hữu với Chúa Kitô đồng nghĩa với những gì được
ước nguyện thứ ba trong Kinh Lạy Cha: ‘Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên
trời’.
“Vào giờ khắc ở Vườn Diệt-Si-Ma-Ni, Chúa Giêsu đã biến đổi ý muốn loài người
phản loạn của chúng ta thành một ý muốn tuân hợp và kết hợp với ý muốn thần linh.
Người đã chịu đựng tất cả cuộc thảm kịch về cái tự lập của chúng ta, và bằng
việc trao phó ý muốn của chúng ta vào bàn tay Thiên Chúa, Người đã làm cho chúng
ta được thực sự tự do: ‘Thế nhưng, không phải theo ý Con mà là ý Cha’ (Mt
26:39). Việc cứu chuộc của chúng ta đã được thực hiện nơi mối hiệp thông ý muốn
này: ở chỗ được trở thành bạn hữu của Chúa Giêsu, trở nên bạn hữu của Thiên Chúa.
Chúng ta càng yêu mến Chúa Giêsu, chúng ta càng biết Người, tự do đích thật của
chúng ta càng tăng trưởng, cùng với niềm vui được cứu chuộc. Xin tri ân cảm tạ
Chúa Giêsu về tình bằng hữu của Chúa!
“Một yếu tố khác của Phúc Âm tôi cũng muốn được đề cập tới đó là bài nói của
Chúa Giêsu về việc sinh hoa kết trái: ‘Thày đã chọn các con và chỉ định để các
con đi sinh hoa kết trái để hoa trái của các con được tồn tại’. Cái động lực
hiện hữu của Kitô giáo hiện lên ở nơi đây, cái động lực của thành phần tông đồ:
‘Thày đã sai các con đi’. Chúng ta cần phải cảm thấy được sinh động bởi cái day
dứt khôn nguôi; cái day dứt khôn nguôi muốn mang đến cho hết mọi người tặng ân
đức tin, tặng ân được làm bạn hữu với Chúa Kitô. Thật vậy, tình yêu, tức tình
bằng hữu với Thiên Chúa, đã được ban cho chúng ta là để nhờ đó tình yêu này,
tình bằng hữu này vươn tới người khác nữa.
“Chúng ta đã lãnh nhận đức tin là để trao tặng đức tin cho kẻ khác; chúng ta là
những vị linh mục phục vụ kẻ khác, và chúng ta cần phải sinh hoa kết trái vững
bền. Thế nhưng, làm sao có thể bền vững được đây? Tiền bạc không lâu bền. Nhà
cửa không bền lâu, cả sách vở nữa. Vào một lúc nào đó, không nhanh thì chậm, tất
cả đều sẽ biến mất. Chỉ có một điều duy nhất còn tồn tại đến muôn đời đó là linh
hồn của con người, một con người được Thiên Chúa dựng nên để sống vĩnh hằng.
“Hoa trái tồn tại đây, bởi thế, là những gì chúng ta đã gieo vào linh hồn con
người ta, đó là yêu thương và nhận thức; là cử chỉ có thể chạm tới tâm can; là
lời nói hướng linh hồn hướng về niềm vui của Chúa. Vậy chúng ta hãy đi và nguyện
cầu cùng Chúa để Ngài giúp cho chúng ta sinh hoa kết trái, một thứ hoa trái vững
bền. Chỉ có thế trái đất này mới có thể được biến đổi từ thung lũng châu lệ
thành vườn địa đường của Thiên Chúa.
“Sau hết, chúng ta hãy trở lại với Thư gửi giáo đoàn Êphêsô một lần nữa. Bức thư
viết, theo những lời Thánh Vịnh 68, rằng Chúa Kitô, khi ‘Người lên trời… đã ban
các tặng ân cho con người’ (Eph 4:8). Ôi những tặng ân phân phối hiển vinh. Và
những tặng ân này là các vị tông đồ, tiên tri, các vị truyền bá phúc âm, các vị
mục tử và thày dạy. Thừa tác vụ của chúng ta là tặng ân của Chúa Kitô ban cho
con người để xây dựng thân thể của Người, xây dựng một tân thế giới. Chúng ta
hãy sống thừa tác vụ của chúng ta như tặng ân Chúa Kitô ban cho con người! Thế
nhưng, trong lúc này đây, chúng ta hãy thiết tha nguyện cầu cùng Chúa rằng, sau
đại tặng ân Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Ngài lại ban cho chúng ta một vị mục tử
theo ý định của tâm can Ngài, một vị mục tử dẫn chúng ta đến chỗ nhận biết Chúa
Kitô, đến với tình yêu của Người, đến với niềm vui chân thực.
“Amen”.
Đaminh Maria Cao Tấn
Tĩnh, BVL, dịch từ điện thư của VIS ngày 18/4 và Zenit ngày 19/4
Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Năm Giáo Triều Thứ Nhất cảm nhận về Vị Tiền Nhiệm Gioan Phaolô II
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và tuyển dịch
(tiếp 13 Thứ Năm, 14 Thứ Sáu, 15 Thứ Bảy, 16 Chúa Nhật, 17 Thứ Hai)
Nhận Định về Vị Tiền Nhiệm
Về tác dụng từ cái chết của vị tiền nhiệm
Sứ Điệp đầu tiên ngỏ cùng Hồng Y Đoàn 20/4/2005
“Quí Huynh thân mến, việc nhận thức sâu xa về tặng ân của tình thương Chúa đã chiếm đoạt tâm hồn tôi bất chấp tất cả mọi sự. Tôi coi đây là ân huệ mà vị tiền nhiệm đáng kính của tôi là Đức Gioan Phaolô II đã chiếm được cho tôi. Tôi dường như có thể cảm thấy là bàn tay mạnh mẻ của ngài đang xoắn chặt lấy tay tôi; tôi dường như thấy được ánh mắt tươi vui và nghe được tiếng của ngài ngỏ cùng tôi nhất là vào lúc này rằng: ‘Đừng sợ!’
“Cái chết của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và những ngày sau đó, đối với Giáo
Hội cũng như toàn thế giới là một thời điểm đặc biệt ân sủng. Nỗi đớn đau cả thể
về cái chết của ngài cùng cái trống không lưu lại nơi tất cả chúng ta đã được
tôi luyện bởi tác động của Chúa Kitô Phục Sinh, một tác động, trong những ngày
dài này, được tỏ hiện nơi một triều sóng tin tưởng, yêu thương và đoàn kết
thiêng liêng, những gì đã lên đến tuyệt đỉnh vào lễ an táng trọng thể của ngài.
“Chúng ta có thể nói rằng, lễ an táng của Đức Gioan Phaolô II thực sự là một cảm
nghiệm phi thường về những gì tỏ ra cho thấy một cách nào đó quyền năng của
Thiên Chúa là Đấng, qua Giáo Hội của Ngài, muốn hình thành một đại gia đình bao
gồm tất cả mọi dân tộc, bằng quyền lực liên kết của Sự Thật và Yêu Thương. Trong
giờ lâm chung, giống như Sư Phụ và Chúa của mình, Đức Gioan Phaolô II đã tôn
vinh giáo triều lâu dài và thành công của mình, bằng việc củng cố dân Kitô giáo
trong đức tin, qui tụ họ lại bên ngài và làm cho cả nhân loại cảm thấy liên kết
với nhau hơn.
“Làm sao người ta không cảm thấy được vững mạnh trước chứng từ ấy? Làm sao người
ta không cảm thấy phấn khởi bắt nguồn từ biến cố ân sủng này?........
“Đặc biệt trước mặt của tôi là chứng từ của Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngài để
lại cho chúng ta một Giáo Hội cường tráng hơn, tư do hơn và trẻ trung hơn. Một
Giáo Hội mà, theo giáo huấn và gương mẫu của ngài, bình tâm nhìn lại quá khứ và
không sợ hướng đến tương lai. Qua Đại Năm Thánh 2000, Giáo Hội đã được dẫn vào
ngàn năm mới, nắm trong tay Phúc Âm, Phúc Âm được áp dụng cho thế giới qua việc
đọc lại một cách tường tận Công Đồng Chung Vaticanô II. Đức Giáo Hoàng Gioan
Phaolô II có lý để nhấn mạnh rằng Công Đồng này như là một ‘la bàn’ được sử dụng
để chúng ta lèo lái trên đại dương bao la của ngàn năm thứ ba. Trong di chúc thư
thiêng liêng của mình, ngài còn nhận định là: ‘Tôi tin rằng, cho đến một thời
gian rất dài, các thế hệ mới sẽ kín múc lấy từ kho tàng được công đồng của thế
kỷ 20 ấy để cống hiến cho chúng ta’………
“Vào lúc này đây, ký ức của tôi nhớ lại cảm nghiệm không thể nào quên được tất cả chúng ta đã trải qua với cái chết và lễ an táng cho Đức Gioan Phaolô II tiếc thương. Quanh thi thể của ngài, nằm trên mặt đất trống, các vị lãnh đạo chư quốc đã qui tụ lại, cùng với dân chúng thuộc tất cả mọi giai cấp xã hội, nhất là giới trẻ, để tỏ lòng mãi mãi gắn bó quí mến và ca ngợi ngài. Toàn thể thế giới đã tin tưởng nhìn vào ngài. Đối với nhiều người thì việc tham dự đông đảo này, một cuộc tham dự được các phương tiện truyền thông phóng đại đến cả những nơi xa xôi của hành tinh này, như thể là việc nhân loại văn minh tân tiến, một nhân loại bị hoang mang sợ hãi và bất ổn, đang tự hỏi mình về tương lai, muốn đồng thanh yêu cầu vị Giáo Hoàng này giúp đỡ”.
Diễn Từ Tất Niên với Giáo Triều Rôma ngày Thứ Năm 22/12/2005
“Việc đáp ứng xẩy ra khắp thế giới trước cái chết của vị Giáo Hoàng này là việc hết lòng bày tỏ lòng tri ân về sự kiện là ngài đã hoàn toàn hiến thân cho Thiên Chúa vì thế giới khi thi hành thừa tác vụ của ngài; một lời tạ ơn cho sự kiện là trong một thế giới đầy hận thù và bạo lực này, ngài đã dạy một cách mới mẻ tình yêu thương và khổ đau trong việc phục vụ tha nhân; có thể nói ngài đã tỏ cho chúng ta thấy trong xác thịt Đấng Cứu Chuộc, việc cứu chuộc, và đã cống hiến cho chúng ta niềm tin tưởng rằng, thật ra sự dữ không phải là phán quyết tối hậu trên thế gian này”.
(còn tiếp)