_______
CHÚA NHẬT
23/4/2006
TUẦN
II PHỤC SINH
|
? Chúa
Nhật trong Phụng Niên (ĐTC GPII: Tông Thư Ngày Của Chúa
- DIES DOMINI)
?
Đức Tân Giáo Hoàng Biển Đức
XVI: Bài Giảng Lễ Đăng Quang 24/4/2005 – “Cả hình ảnh về người mục tử và hình
ảnh về người đánh cá đều làm phát ra một tiếng mời gọi hiệp nhất tỏ tường”
?
“PHÚC ÂM GIUĐA”:
Có thực sự là một cuốn sách cổ xưa hay chăng? Nội dung của nó như thế nào?
?
Chúa
Nhật trong Phụng Niên (ĐTC GPII: Tông Thư Ngày Của Chúa
- DIES DOMINI)
76. Qua việc tái diễn hằng tuần, Ngày của Chúa được bắt nguồn từ truyền
thống cổ kính nhất của Giáo Hội và là những gì hết sức quan trọng đối với Kitô
hữu. Thế nhưng, cũng có một tiến trình nữađã sớm tự hình thành đó là chu kỳ
phụng vụ hằng năm. Thật vậy, tâm lý con người muốn cử hành những dịp kỷ niệm,
liên quan đến việc trở về của những ngày tháng thuộc các biến cố quá khứ đáng
tưởng nhớ. Khi những biến cố ấy là những gì quan trọng nơi đời sống của một
người thì chúng thường tạo nên bầu khí vui mừng, khác với tính cách đơn thuần tẻ
nhạt của thói quen hằng ngày.
Vậy,
theo ý định của Thiên Chúa, các đại biến cố cứu độ mà nhờ đó Giáo Hội được hình
thành đều có liên quan chặt chẽ với các lễ hằng năm của dân Do Thái là Lễ Vượt
Qua và Lễ Ngũ Tuần, và được tiên báo trước nơi những lễ ấy. Từ thế kỷ thứ hai,
việc cử hành Lễ Phục Sinh hằng năm của Kitô hữu – khi việc cử hành Phục Sinh
hằng tuần được thêm vào – đã giúp làm tăng thêm hơn nữa việc suy tưởng mầu nhiệm
Chúa Kitô tử giá và phục sinh. Được mở đầu bằng việc chay tịnh dọn lòng, được cử
hành bằng một lễ vọng dài, được kéo dài thành 50 ngày cho tới lễ Hiện Xuống, lễ
Phục Sinh – ‘lễ trọng nhất trong các lễ trọng’ – trở thành một ngày tuyệt hảo
cho việc thành phần dự tòng gia nhập đạo. Nhờ phép rửa, họ chết đi cho tội và
phục hồi một sự sống mới vì Chúa Giêsu ‘đã chết đi cho tội lỗi của chúng ta và
đã sống lại cho chúng ta được công chính hóa’ (Rm 4:25, 6:3-11). Liên kết chặt
chẽ với Mầu Nhiệm Vượt Qua, Lễ Trọng Hiện Xuống mang một tầm vóc đặc biệt quan
trọng, cử hành việc Thánh Linh hiện xuống trên các Thánh Tông Đồ bấy giờ đang
qui tụ bên Mẹ Maria, và mở màn cho sứ vụ truyền giáo cho tất cả mọi dân nước
(120).
77. Lý lẽ về việc tưởng nhớ tương tự đã hướng dẫn việc sắp xếp cả Năm
Phụng Vụ. Như Công Đồng Chung Vaticanô II đã nhắc nhở là Giáo Hội muốn cho cả
một năm tràn đầy ‘trọn vẹn mầu nhiệm Chúa Kitô, từ biến cố Nhập Thể và Giáng
Sinh đến Thăng Thiên, đến ngày Hiện Xuống và đến cuộc hy vọng đợi trông việc
Chúa trở lại. Nhờ việc tưởng nhớ các mầu nhiệm cứu chuộc như thế, Giáo Hội mở ra
cho tín hữu kho tàng quyền năng và công nghiệp của Chúa, làm cho những sự này
hiện diện một cáchnào đó qua mọi thời đại, để tín hữu có thể tiến tới với những
sự này và được những sự ấy làm tràn đầy ơn cứu độ’ (121).
Sau
Phục Sinh và Hiện Xuống, cuộc cử hành long trọng nhất chắc chắn là Lễ Chúa Giáng
Sinh, thời điểm Kitô hữu suy niệm về mầu nhiệm Nhập Thể và chiêm ngưỡng Lời
Thiên Chúa, Đấng đã đoái thương mặc lấy nhân tính của chúng ta để chúng ta được
thông phần vào thần tính của Người.
78. Cũng thế, ‘trong việc cử hành chu kỳ hằng năm các mầu nhiệm Chúa
Kitô, Hội Thánh đặc biệt mến yêu tôn kính Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Vị
muôn đời được liên kết với công cuộc cứu độ của Con Mẹ’ (122). Tương tự như vậy,
bằng việc đưa vào chu kỳ hằng năm việc tưởng nhớ các thánh tử đạo và các thánh
khác nhân dịp kỷ niệm của các vị, ‘Giáo Hội loan báo mầu nhiệm Phục Sinh của các
thánh, những vị đã chịu khổ với Chúa Kitô và giờ đây cùng Người đang được vinh
quang’ (123) Khi cử hành theo tinh thần thực sự của phụng vụ, thì việc tưởng
niệm các thánh không làm lu mờ đi tính cách trọng yếu của Chúa Kitô, mà trái lại,
còn đề cao tính cách này nữa, khi thực sự cho thấy quyền năng cứu chuộc do Người
mang lại. Thánh Paulinus Nola xướng lên rằng: ‘Tất cả mọi sự qua đi, thế nhưng
vinh quang của các thánh tồn tại trong Chúa Kitô, Đấng canh tân tất cả mọi sự,
trong khi chính Người tồn tại không đổi thay’ (124). Mối liên hệ nội tại giữa
vinh quang của các thánh với vinh quang của Chúa Kitô làm thành diễn tiến của
Năm Phụng Vụ, và được thể hiện sống động nhất nơi tính chất sâu xa chủ yếu của
Chúa Nhật là Ngày của Chúa. Việc theo dõi các mùa của Phụng Niên từ đầu đến cuối
nơi vấn đề giữ Ngày Chúa Nhật, việc dấn thân về giáo hội và thiêng liêng của
người Kitô hữu tiến đến chỗ sâu xa gắn liền với Chúa Kitô, với Đấng tín hữu thấy
được lý do để sống và là Đấng nhờ Người họ được đỡ nâng và hứng khởi.
79. Bởi thế, Chúa Nhật hiện lên như là một mẫu mực tự nhiên cho việc
hiểu biết và cử hành những ngày lễ ấy của Phụng Niên, những ngày lễ có một giá
trị đối với đời sống Kitô hữu ở chỗ Giáo Hội đã muốn nhấn mạnh đến tầm quan
trọng của chúng khi làm cho chúng trở thành những gì buộc tín hữu phải tham dự
Thánh Lễ và giữ giờ giấc nghỉ ngơi, cho dù những ngày lễ ấy có rơi vào các ngày
khác trong tuần (125). Số những ngày lễ ấy đã được đổi thay tùy thời, vì những
điều kiện về xã hội và kinh tế, và chúng đã được truyền thống thiết lập một cách
vững chắc cùng được luật lệ dân sự hỗ trợ rất nhiều (126).
Các
khoản giáo luật và phụng vụ hiện nay cho phép mỗi một Hội Đồng Giám Mục, vì hoàn
cảnh riêng biệt nơi xứ sở của mình, có thể giảm bớt danh sách Các Lễ buộc. Bất
cứ quyết định nào về vấn đề này cũng cần phải được Tòa Thánh đặc biệt phê chuẩn
(127), và trong những trường hợp như thế, việc cử hành mầu nhiệm Chúa Kitô, như
Lễ Hiển Linh, Thăng Thiên hay Mình Máu Thánh Chúa, cần phải dời vào Chúa Nhật,
theo các qui tắc phụng vụ, nhờ đó tín hữu không mất cơ hội suy niệm về mầu nhiệm
ấy (128). Các vị Chủ Chiên cũng cần phải để ý khuyến khích tín hữu tham dự Thánh
Lễ vào các ngày lễ khác được cử hành trong tuần (129).
80. Cần phải đặc biệt quan tâm về mục vụ tới nhiều trường hợp có nguy
cơ là các truyền thống dân gian và văn hóa của một miền nào đó len lỏi vào việc
cử hành các Ngày Chúa Nhật và các ngày lễ phụng vụ khác, pha trộn tinh thần của
đức tin chân thực Kitô giáo với những yếu tố xa lạ với tinh thần này và có thể
làm méo mó tinh thần ấy. Trong những trường hợp như vậy, giáo lý và những sáng
kiến khôn ngoan về mục vụ cần phải làm sáng tỏ những trường hợp ấy, loại trừ đi
tất cả những gì bất xứng hợp với Phúc Âm của Chúa Kitô. Đồng thời cũng không
được quên rằng những truyền thống này – và, tương tự như thế, có cả một số những
sáng kiến về văn hóa mới đây trong xã hội dân sự – thường hiện thực các thứ giá
trị không khó khăn trong việc hội nhập với các đòi hỏi của đức tin. Các Vị Mục
Tử cần phải khôn ngoan sáng suốt trong việc bảo trì những thứ giá trị chân thực
nơi văn hóa của một môi trường xã hội riêng biệt nào đó, nhất là nơi lòng đạo
đức phổ thông, nhờ đó, việc cử hành phụng vụ – nhất là vào Ngày Chúa Nhật và các
ngày lễ trọng – không bị thiệt thòi mà thực sự mang lại lợi ích (130).
(còn tiếp vào mỗi Chúa Nhật)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ văn khố điện toán toàn
cầu của Tòa Thánh:
http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/apost_letters/documents/hf_jp-ii_apl_05071998_dies-domini_en.html
TOP
?
Đức
Tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Bài Giảng Lễ Đăng Quang 24/4/2005 – “Cả hình ảnh về
người mục tử và hình ảnh về người đánh cá đều làm phát ra một tiếng mời gọi hiệp
nhất tỏ tường”
Trọng kính Chư Huynh Hồng Y,
Chư huynh giám mục và linh mục,
Chư tôn vị thẩm quyền cùng chư vị thuộc ngoại giao đoàn,
Anh chị em thân mến.
Trong những ngày đầy căng thẳng này đây, chúng ta đã hát kinh cầu các thánh vào
3 dịp khác nhau: vào dịp lễ an táng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II; vào dịp
các vị hồng y nhập mật viện bầu giáo hoàng; và một lần nữa vào ngày hôm nay khi
chúng ta hát lên với câu đáp ‘Tu illum adiuva’ – xin nâng đỡ phù trì vị tân Thừa
Kế Thánh Phêrô. Vào mỗi dịp, tôi đều cảm thấy hết sức ủi an một cách đặc biệt
khi nghe đến bài hát nguyện cầu này. Tất cả chúng ta đều cảm thấy lẻ loi cô
quạnh làm sao ấy sau cuộc ra đi của Đức Gioan Phaolô II, vị Giáo Hoàng trên 26
năm trường đã là mục tử của chúng ta và dẫn dắt chúng ta tiến bước trong cuộc
đời! Ngài đã vượt qua ngưỡng cửa của sự sống mai hậu, tiến vào mầu nhiệm Thiên
Chúa. Thế nhưng ngài đã không bước đi một mình. Những ai tin tưởng thì chẳng bao
giờ lẻ loi một mình cả, cả khi còn sống lẫn khi qua đời. Vào lúc ấy, chúng ta có
thể kêu cầu Chư Thánh thuộc mọi thời đại, bạn bè mình, anh chị em mình trong đức
tin, biết rằng các vị sẽ theo nhau hộ tống mình về thế giới bên kia, tiến vào
vinh quang của Thiên Chúa. Chúng ta biết rằng việc ngài trở về là những gì đã
được đợi chờ. Giờ đây, chúng ta cũng biết rằng ngài đang ở nơi của ngài và thực
sự là nhà của ngài.
Chúng tôi còn được ủi an khi chúng tôi long trọng tiến vào cuộc mật nghị, để
chọn bầu người được Chúa chọn. Làm sao chúng ta có thể biết được tên tuổi của
con người này? Làm sao 115 vị giám mục, đến từ mọi nền văn hóa và mọi quốc gia,
có thể nhận ra người Chúa muốn trao phó sứ vụ tháo cởi đây? Một lần nữa, chúng
ta biết rằng chúng ta không lẻ loi một mình, chúng ta biết rằng chúng ta được
bao vây, dẫn dắt và hướng đạo bởi thành phần bạn hữu của Thiên Chúa. Và rồi giờ
đây, trong lúc này đây, một người tôi tớ của Thiên Chúa như tôi đây lại phải
gánh vác cả một công việc khổng lồ, một công việc thực sự vượt quá tất cả khả
năng của loài người. Làm sao tôi có thể làm nổi việc này chứ? Làm sao tôi sẽ có
thể làm được việc ấy chứ? Các bạn thân mến của tôi ơi, tất cả các bạn vừa kêu
cầu cùng toàn thể chư thánh, được tiêu biểu bởi một số tên tuổi cao cả trong
lịch sử của những gì Thiên Chúa tiếp xúc với loài người. Như thế, tôi cũng có
thể nói bằng một niềm xác tín tái lập là: Tôi không lẻ loi một mình. Tôi không
mang vác một mình những gì thực sự là tôi không bao giờ có thể một mình mang vác.
Tất cả Chư Thánh của Thiên Chúa đều hiện diện ở đó để bảo vệ tôi, để hỗ trợ tôi
và để nâng đỡ tôi. Rồi các lời nguyện cầu của anh chị em, anh chị em thân mến,
việc ưu ái của anh chị em, lòng yêu thương của anh chị em, đức tin của anh chị
em và niềm hy vọng của anh chị em là những gì hộ tống tôi. Thật vậy, việc các
thánh cùng thông công không phải chỉ là việc hiệp thông của thành phần nam nữ
cao cả đã ra đi trước chúng ta và là thành phần chúng ta biết đến tiếng tăm. Tất
cả chúng ta đều thuộc về mối hiệp thông các thánh này, chúng ta là thành phần
được lãnh nhận phép rửa nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, chúng ta là thành
phần kín múc sự sống tự tặng ân Mình Máu Chúa Kitô là phương tiện Người biến đổi
chúng ta và làm cho chúng ta nên giống như Người.
Phải, Giáo Hội là những gì sống động – đó là một cảm nghiệm tuyệt vời trong
những ngày này. Trong những ngày buồn thương trước tình trạng yếu liệt và qua
đời của vị Giáo Hoàng, Giáo Hội đã trở thành hiển nhiên một cách tuyệt vời cho
chúng ta thấy rằng Giáo Hội là những gì sống động. Và Giáo Hội thì trẻ trung.
Giáo Hội mang trong mình tương lai của thế giới, và bởi đó, cho mỗi một người
chúng ta thấy con đường dẫn đến tương lai. Giáo Hội sống động – Giáo Hội sống
động vì Chúa Kitô sống động, vì Người thực sự đã sống lại. Nơi nỗi khổ đau chúng
ta thấy trên gương mặt của Đức Thánh Cha vào những ngày Phục Sinh, chúng ta
chiêm ngưỡng thấy mầu nhiệm của Cuộc Chúa Kitô Khổ Nạn và chúng ta đã chạm tới
các thương tích của Người. Thế nhưng, qua những ngày ấy, chúng ta còn có thể, ở
một ý nghĩa sâu xa, chạm đến được cả Đấng Phục Sinh nữa. Chúng ta đã có thể cảm
nghiệm được niềm vui Người đã hứa hẹn như hoa trái của việc Người Phục Sinh sau
một thời gian ngắn ngủi tối tăm.
Giáo Hội sống động, với những lời này, tôi hết sức vui mừng và tri ân cảm tạ gửi
lời chào đến tất cả mọi anh chị em tụ họp ở nơi đây, chư huynh hồng y và giám
mục khả kính của tôi, chư linh mục, phó tế, phục vụ viên Giáo Hội, giáo lý viên
thân mến của tôi. Tôi xin gửi đến anh chị em tu sĩ nam nữ, thành phần nhân chứng
cho việc hiện diện rạng ngời của Thiên Chúa. Tôi xin gửi lời chào đến anh chị em,
thành phần tín hữu giáo dân, trầm mình nơi việc làm cao cả ở mọi lãnh vực của
cuộc sống để dựng xây Vương Quốc của Thiên Chúa đang lan rộng khắp nơi trên thế
giới. Với lòng cảm mến sâu xa tôi cũng gửi lời chào đến tất cả những ai được tái
sinh trong Bí Tích Rửa Tội nhưng chưa hoàn toàn hiệp thông với chúng tôi; cả quí
vị nữa, hỡi anh chị em nhân dân Do Thái, thành phần chúng tôi được chia sẻ cả
một di sản thiêng liêng cao cả, một di sản được bắt nguồn từ những lời hứa bất
khả vãn hồi của Thiên Chúa. Sau hết, như một làm sóng góp lực, tôi nghĩ đến tất
cả mọi con người nam nữ ngày nay, đến những anh chị em tín ngưỡng cũng như vô
tín ngưỡng.
Quí bạn thân mến! Vào lúc này đây tôi không cần phải trình bày chương trình hành
vụ của tôi. Tôi đã nêu lên những gì tôi cảm thấy là công việc tôi phải làm ở Sứ
Điệp hôm Thứ Tư 20/4, và sẽ còn có những dịp khác để nói lên điều này. Chương
trình hành vụ thực sự của tôi đó là không phải làm theo ý của tôi, không phải là
theo đuổi những ý tưởng riêng của tôi, mà là lắng nghe, cùng với toàn thể Giáo
Hội, lời Chúa và ý Chúa, để được Người hướng dẫn, nhờ đó, Chính Người Đích Thân
dẫn dắt Giáo Hội ở vào thời điểm lịch sử này của chúng ta. Thay vì nói về một
chương trình hành vụ, tôi chỉ muốn nhận định về hai biểu hiệu phụng vụ tiêu biểu
cho lễ đăng quang của Thừa Tác Vụ Thừa Kế Thánh Phêrô; ngoài ra, cả hai biểu
hiệu này phản ảnh rõ ràng những gì chúng ta đã nghe công bố trong các bài đọc
hôm nay.
Biểu hiệu thứ nhất đó là giây choàng tông phẩm (petrine pallium), được thêu bằng
lông thuần túy, một sợi giây được quàng lên đôi vai của tôi. Dấu hiệu cổ kính
này, một dấu hiệu được các vị giám mục Rôma đeo từ thế kỷ thứ 4, có thể được coi
là hình ảnh cái ách của Chúa Kitô, một cái ách mà vị giám mục của thành này, Tôi
Tớ của mọi Tôi Tớ Chúa, gánh trên đôi vai của mình. Ách của Thiên Chúa là ý muốn
của Thiên Chúa, một ý muốn chúng ta chấp nhận. Và ý muốn này không đè nặng trên
chúng ta, áp đảo chúng ta và làm cho chúng ta mất tự do. Biết được những gì
Thiên Chúa muốn, biết được đâu là con đường sự sống, đó là niềm vui của dân Do
Thái, đó là đại diễm phúc cho dân này. Đó cũng là niềm vui của chúng ta nữa: Ý
muốn của Thiên Chúa không loại trừ chúng ta mà là thanh tẩy chúng ta, cho dù có
đớn đau, nhờ đó ý muốn ấy dẫn chúng ta đến với bản thân mình. Nhờ đó, chúng ta
chẳng những phụng sự một mình Người, mà còn phần rỗi của cả thế giới, của tất cả
lịch sử nữa.
Biểu hiệu của giây choàng tông phẩm thậm chí còn có một ý nghĩa cụ thể hơn nữa,
ở chỗ, lông của con cừu có mục đích tiểu biểu cho con chiên thất lạc, con chiên
bệnh hoạn, hay con chiên yếu kém được vị mục tử vác trên vai mang đến giòng nước
sự sống. Đối với các Vị Giáo Phụ của Giáo Hội, dụ ngôn con chiên lạc, con chiên
được người mục tử tìm kiếm trong sa mạc, là hình ảnh của mầu nhiệm Chúa Kitô và
Giáo Hội. Nhân loại, tức mọi người trong chúng ta đây, là con chiên lạc mất
trong sa mạc không còn biết đâu là phương hướng nữa. Con Thiên Chúa sẽ không để
cho điều này xẩy ra; Người không thể bỏ rơi nhân loại ở trong một tình trạng quá
ư là khốn nạn như thế. Người đã vội vã từ bỏ vinh quang trên trời để ra đi tìm
kiếm con chiên này và theo đuổi nó cho tới Thập Tự Giá. Người đã vác nó trên hai
vai của Người và ẵm bồng nhân loại của chúng ta; Người ẳm bế tất cả chúng ta –
Người là vị mục tử nhân lành đã bỏ mạng sống mình vì chiên. Điều giây choàng
tông phẩm trước hết và trên hết muốn nói tới đó là tất cả chúng ta đều được Chúa
Kitô bồng bế. Thế nhưng, đồng thời nó cũng mời gọi chúng ta hãy bao bọc lẫn nhau.
Thế nên giây choàng tông phẩm này trở thành một biểu hiệu cho sứ vụ của vị chủ
chăn, một sứ vụ đã được bài đọc thứ hai và bài Phúc Âm nói đến. Vị mục tử cần
phải được nhiệt huyết thánh hảo của Chúa Kitô tác động, ở chỗ, đối với vị mục tử
này không có vấn đề dửng dưng trước rất nhiều người đang sống trong sa mạc. Có
nhiều thứ sa mạc. Có thứ sa mạc bần cùng, sa mạc đói khát, sa mạc hoang vắng, sa
mạc cô đơn, sa mạc trụy ái. Có thứ sa mạc tăm tối về Thiên Chúa, trống rỗng tâm
hồn không còn biết phẩm giá của mình hay mục đích của đời sống làm người nữa.
Những thứ sa mạc bên ngoài trên thế giới này đang gia tăng, vì những sa mạc nội
tâm đã trở nên quá rộng lớn. Bởi thế mà những kho tàng của trái đất này không
còn được dùng để giúp vào việc kiến tạo một khui vườn của Thiên Chúa cho tất cả
mọi người sống nữa, trái lại, chúng đã được sử dụng để phục vụ cho các thứ quyền
lực khai thác và hủy hoại. Giáo Hội nói chung và tất cả mọi vị mục tử của Giáo
Hội, như Chúa Kitô, cần phải lên đường dẫn dắt con người ra khỏi sa mạc ấy,
hướng đến nơi có sự sống, hướng đến tình nghĩa với Con Thiên Chúa, đến Đấng ban
sự sống cho chúng ta, một sự sống sung mãn.
Biểu hiệu con cừu còn có một ý nghĩa sâu xa hơn nữa. Ở Cận Đông ngày xưa, thành
phần vua chúa vốn có thói quen tỏ ra là những người mục tử chăn dắt nhân dân của
họ. Đó là hình ảnh cho thấy quyền lực của họ, một hình ảnh khinh miệt, ở chỗ,
đối với họ, hạ thần của họ như thể chiên cừu, một thứ chiên cừu mà người mục tử
có thể sử dụng tùy ý. Khi vị mục tử của toàn thể nhân loại là Thiên Chúa hằng
sống, Đích Thân trở thành một con cừu, Người đã đứng về phía các con cừu, với
thành phần bị chà đạp và sát hại. Đó là cách Người tỏ Mình ra là người mục tử
đích thực: ‘Tôi là Mục Tử Nhân Lành. Tôi bỏ mạng sống mình vì chiên’, Chúa Giêsu
nói về Bản Thân mình như thế (Jn 10:14ff). Chính yêu thương, chứ không phải là
quyền lực, đã cứu chuộc chúng ta! Đó là dấu hiệu của Thiên Chúa: Chính Ngài là
tình yêu. Đã bao nhiêu lần chúng ta muốn rằng giá mà Thiên Chúatỏ mình ra mạnh
mẽ hơn nữa, rằng giá mà Người ra tay một cách cương quyết hơn, khống chế sự dữ
và tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn. Tất cả mọi thứ ý hệ về quyền lực đều biện
minh mình y hệt theo chiều hướng ấy, chúng biện minh cho việc hủy hoại bất cứ
những gì chặn đường tiến bộ và giải phóng con người. Chúng ta cảm thấy khổ đau
trước thái độ nhẫn nại của Thiên Chúa. Thế mà, chúng ta cần đến sự nhẫn nại của
Người. Thiên Chúa, Đấng đã trở nên một con chiên con, nói với chúng ta rằng thế
giới này được cứu độ bởi Đấng Chịu Đóng Đanh, chứ không phải bởi những ai đóng
đanh Người. Thế giới này được cứu chuộc bởi sự nhẫn nại của Thiên Chúa. Nó bị
tiêu diệt bởi sự bất nhẫn của con người.
Một trong những đặc tính căn bản của một người mục tử đó là phải yêu thương
thành phần được trao phó cho họ, thậm chí như họ yêu mến Chúa Kitô là Đấng họ
phụng sự. ‘Hãy chăn chiên của Thày’, Chúa Giêsu đã nói với Thánh Phêrô như thế,
và giờ đây, vào lúc này đây, Người nói câu đó với cả tôi nữa. Chăn nuôi nghĩa là
yêu thương, và yêu thương cũng có nghĩa là sẵn sàng chịu đau khổ. Yêu thương
nghĩa là cống hiến cho chiên những gì thực sự là thiện hảo, đó là thứ dưỡng chất
chân lý của Thiên Chúa, dưỡng chất lời Chúa, dưỡng chất hiện diện của Người, một
hiện diện Người tỏ ra cho chúng ta nơi Bí Tích thánh. Các bạn thân mến, vào lúc
này đây tôi chỉ có thể nói rằng xin hãy nguyện cầu cho tôi, để tôi biết yêu mến
Chúa mỗi ngày một hơn. Xin hãy cầu nguyện cho tôi, để tôi biết yêu thương đàn
chiên của Người mỗi ngày một hơn, nói cách khác, yêu thương anh chị em, Hội
Thánh, mỗi một người trong anh chị em và tất cả mọi người trong anh chị em. Xin
hãy nguyện cầu cho tôi, để tôi không tẩu thoát vì sợ hãi khi thấy sói dữ. Chúng
ta hãy cầu nguyện lẫn cho nhau, để Chúa bồng bế chúng ta và để chúng ta cũng
biết bao bọc lẫn nhau.
Biểu hiệu thứ hai được phụng vụ hôm nay sử dụng để diễn tả việc bắt đầu thừa tác
vụ thừa kế Thánh Phêrô là việc trao chiếc nhẫn của người đánh cá. Lời kêu gọi
Thánh Phêrô trở thành một vị mục tử, như chúng ta đã nghe trong Phúc Âm, xẩy ra
sau trình thuật về mẻ cá lạ, khi mà, sau cả một đêm các môn đệ thả lưới bị thất
bại, họ thấy Chúa Kitô Phục Sinh ở trên bờ. Người bảo họ hãy thả lưới một lần
nữa, và lưới đã đầy cá đến nỗi họ khó lòng kéo nó lên; 153 con cá lớn: ‘mà mặc
dù quá nhiều cá mà lưới vẫn không bị rách’ (Jn 21:11). Trình thuật này, kể lại
vào cuối cuộc hành trình của Chúa Giêsu với các môn đệ của Người, tương quan với
trình thuật vào thuở ban đầu, cả vào lúc ấy nữa, các môn đệ thâu đêm không bắt
được gì; cũng lúc ấy, Chúa Giêsu đã mời gọi Simon hãy thả lưới một lần nữa ở chỗ
nước sâu. Và Simon, nhân vật bấy giờ chưa được gọi là Phêrô, đã đáp lại một cách
tuyệt vời là ‘Thưa Thày, vâng lời Thày con xin thả lưới’. Thế rồi ngài đã được
trao cho sứ vụ: ‘Đừng sợ. Từ nay con sẽ trở thành tay chài lưới người ta’ (Lk
5:1-11). Cả ngày nay nữa, Giáo Hội và thành phần kế thừa các Tông Đồ được kêu
gọi hãy tiến vào biển sâu lịch sử mà thả lưới để chinh phục con người nam nữ về
cho Phúc Âm – cho Thiên Chúa, cho Chúa Kitô, cho sự sống đích thực. Các Vị Giáo
Phụ đã dẫn giải rất khéo về công việc đặc biệt này. Đây là những gì các ngài nói:
đối với cá, loài được dựng nên vì nước, nó sẽ chết nếu bị lấy ra khỏi biển khơi,
bị đem ra khỏi yếu tố sống còn của nó để làm đồ ăn cho con người. Thế nhưng, nơi
sứ vụ của một kẻ đánh cá người thì ngược lại mới đúng. Chúng ta đang sống trong
cảnh xa lìa, trong những giòng nước mặn chết chóc và khổ đau; trong một biển cả
tối tăm không ánh sáng. Lưới Phúc Âm đã kéo chúng ta đã kéo chúng ta ra khỏi
những thứ nước chết chóc và mang chúng ta vào cảnh rạng ngời của ánh sáng thần
linh, vào sự sống đích thực. Thật sự là như thế: khi chúng ta theo Chúa Kitô
thực hiện sứ vụ này để trở thành những kẻ đánh cá người, chúng ta cần phải mang
con người nam nữ ra khỏi biển khơi mặn mà đủ thứ hình thức xa lìa và mang họ vào
mảnh đất sự sống, vào ánh sáng của Thiên Chúa.
Thật sự là thế: mục đích đời chúng ta sống là để tỏ Thiên Chúa cho con người. Và
chỉ có nơi nào thấy được Thiên Chúa mới bắt đầu có sự sống mà thôi. Chỉ khi nào
chúng ta gặp được Thiên Chúa hằng sống nơi Chúa Kitô chúng ta mới biết sự sống
là gì. Chúng ta không phải là một thứ sản phẩm ngẩu nhiên và vô nghĩa của tiến
hóa. Mỗi một người trong chúng ta là thành quả của tư tưởng Thiên Chúa. Mỗi một
người trong chúng ta đều được ước định, mỗi một người trong chúng ta đều được
yêu thương, mỗi một người trong chúng ta đều cần thiết. Không có gì tuyệt vời
hơn là cảm thấy bàng hoàng trước Phúc Âm, trước việc được hội ngộ Chúa Kitô.
Không có gì tuyệt vời hơn là nhận biết Người và nói với kẻ khác về tình nghĩa
của chúng ta đối với Người. Công việc của vị mục tử, công việc của vị đánh cá
người, thường có thể là những gì mỏi mệt. Thế nhưng, nó là những gì đẹp đẽ và
tuyệt vời, vì nó thực sự là thứ việc phục vụ cho niềm vui, niềm vui của Thiên
Chúa, một niềm vui cần được vang lên trong thế giới.
Đến đây tôi muốn thêm điều này nữa, đó là cả hình ảnh về người mục tử và hình
ảnh về người đánh cá đều làm phát ra một tiếng mời gọi hiệp nhất tỏ tường. ‘Tôi
còn có chiên khác chưa thuộc về đàn này; Tôi cần phải dẫn chúng nữa, và chúng sẽ
lắng nghe tiếng Tôi. Rồi sẽ có một đàn chiên và một chủ chiên’ (Jn 10:16); những
lời này của Chúa Kitô ở cuối bài giảng của Người về vị Chủ Chiên Nhân Lành. Và
trình thuật về 153 con cá lớn được kết thúc bằng câu nói hân hoan: ‘mặc dù quá
nhiều cá mà lưới vẫn không bị rách’ (Jn 21:11). Than ôi, Chúa yêu ơi, giờ đây
chúng con cảm thấy buồn lòng mà nhìn nhận rằng nó đã bị rách rồi! Nhưng không –
chúng con không được buồn! Chúng con hãy vui lên vì Chúa đã hứa hẹn, một lời hứa
không làm thất vọng, và chúng con hãy làm tất cả những gì chúng con có thể để
theo đuổi con đường hướng đến hiệp nhất Chúa đã hứa. Chúng con hãy nhớ đến nó
khi chúng con nguyện cầu cùng Chúa, khi chúng con nài xin Người: vâng, lạy Chúa,
xin Chúa hãy nhớ lại lời Chúa hứa. Xin Chúa ban cho chúng con được trở thành một
đàn chiên và một chủ chiên! Xin Chúa đừng để cho lưới của Chúa bị rách, xin hãy
giúp chúng con trở thành những người tôi tớ của hiệp nhất!
Tới đây, tôi nghĩ về ngày 22/10/1978, ngày mà Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bắt đầu
thừa tác vụ của mình tại Quảng Trường Thánh Phêrô đây. Những lời của ngài vào
dịp ấy vẫn liên tục vang vọng trong tai tôi: ‘Đứng sợ! Hãy mở rộng cửa cho Chúa
Kitô!’ Vị Giáo Hoàng này đã ngỏ cùng thành phần thế lực, thành phần quyền lực
của thế giới này, những thành phần sợ rằng Chúa Kitô có thể lấy đi một cái gì đó
khỏi quyền lực của họ nếu họ để cho Người vào, nếu họ để cho đức tin được tự do.
Phải, Người chắc chắn sẽ lấy đi một cái gì đó khỏi họ: đó là cái thế lực hư hoại,
cái mạo dụng luật lệ và tự do để làm những gì họ thích. Thế nhưng, Người sẽ
không lấy đi bất cứ điều gì liên quan đến tự do và phẩm vị của con người, hay
liên quan đến việc dựng xây một xã hội chân chính. Vị Giáo Hoàng này cũng nói
điều đó với hết mọi người, nhất là giới trẻ. Không phải tất cả chúng ta đều hãi
sợ một cách nào đó hay chăng? Nếu chúng ta để cho Chúa Kitô hoàn toàn đi vào
cuộc đời của mình, nếu chúng ta trọn vẹn cởi mở bản thân mình cho Người, chúng
ta có sợ rằng Người có thể sẽ lấy đi khỏi chúng ta một cái gì đó hay chăng?
Chẳng lẽ chúng ta không sợ phải từ bỏ một cái gì đó quan trọng, một cái gì đó
chuyên biệt, một cái gì đó làm cho đời sống hết sức tuyệt vời hay sao? Như thế
chẳng lẽ chúng ta lại không liều mình đi đến chỗ làm suy giảm đi hay làm hụt
hẫng mất cái tự do của chúng ta hay sao? Một lần nữa, vị Giáo Hoàng này đã nói:
Không đâu! Nếu chúng ta để cho Chúa Kitô đi vào cuộc sống của chúng ta thì chúng
ta chẳng những không bị mất đi một sự gì cả, không một sự gì, tuyệt đối là không
có một sự gì, trái lại, nhờ đó còn làm cho cuộc của chúng ta được thanh thoát,
tuyệt vời và cao cả. Không đâu! Chỉ có ở nơi mối thân tình này các cửa sự sống
mới có thể rộng mở mà thôi. Chỉ có ở nơi tình nghĩa ấy khả năng cao cả của sự
sống con người mới thực sự thể hiện mà thôi. Chỉ có ở trong tình nghĩa này chúng
ta mới cảm thấy được vẻ đẹp và tự do mà thôi. Bởi thế, hôm nay đây, bằng quyền
năng mãnh liệt và bằng niềm xác tín vững chắc, căn cứ vào kinh nghiệm bản thân
lâu đời của mình, hỡi giới trẻ thân mến, tôi muốn nói cùng quí bạn rằng: Xin
đừng sợ Chúa Kitô! Ngài không lấy đi một điều gì đâu, mà Người lại ban cho các
bạn hết mọi sự. Khi chúng ta hiến mình cho Người, chúng ta nhận lại được gấp
trăm. Phải, hãy mở cửa, mở rộng cửa cho Chúa Kitô – và các bạn sẽ tìm thấy sự
sống đích thực. Amen.
Đaminh Maria Cao Tấn
Tĩnh, BVL, dịch theo điện thư của VIS ngày 24/4/2005
TOP
?
“PHÚC
ÂM GIUĐA”
Viết cho Lễ Kính
Lòng Thương Xót Chúa Chúa Nhật II Phục Sinh 23/4/2006
Đaminh Maria
Cao Tấn Tĩnh, BVL
Theo dự tính, vào
ngày 19/5/2006, hãng Sony Pictures ở Mỹ sẽ tung ra cuốn phim rất nguy hại tới
đức tin Kitô giáo, một cuốn phim được trình chiếu theo cốt truyện của cuốn tiểu
thuyết được viết bởi tác giả Dan Brown 41 tuổi, người Hiệp Vương Quốc. Đó là
cuốn tiểu thuyết The Da Vinci Code, (có thể dịch là “Cái Mật Mã của Họa Sĩ Da
Vinci”). Đây là cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất từ trước đến này, với trên 40
triệu cuốn, nếu không muốn nói là 48 triệu cuốn.
Theo các chuyên
gia phân tích hiện tượng cuốn tiểu thuyết này, tác giả của nó là Dan Brown, căn
cứ vào mật mã nơi bức tranh của người họa sĩ mang tên Leonardo Da Vinci, bức
tranh có 13 chén, cho rằng Mai Đệ Liên chính là cái chén thứ 13 chứa đựng máu
Chúa Giêsu, tức có con với Người, là vợ của Người v.v. Không biết trong cuốn
phim này có cảnh ăn nằm giữa … với Mai Đệ Liên hay chăng? Có thể, trong tương
lai, khó mà tránh được việc nền văn hóa đầy trần tục hôi tanh mùi sự chết này sẽ
đi đến chỗ cho trình chiếu một cuốn phim khác, trong đó, Chúa Giêsu và tông đồ
Gioan được Người yêu đóng vai hai người đồng tính luyến ái ăn ở với nhau.
Trước hết, về cuốn
The Da Vinci Code – Cái Mật Mã của Họa Sĩ Da Vinci, tại sao gần 50 triệu
độc giả, hầu hết là Kitô hữu Tây Phương, lại có thể tin được vào một cuốn tiểu
thuyết hơn là bộ Thánh Kinh Tân Ước Kitô Giáo nói chung và Phúc Âm nói riêng chứ.
Tác giả Dan Brown là ai mà họ hào hứng tin tưởng đến thế, rồi họa sĩ Leonardi Da
Vinci là ai và bức họa của ông là cái thứ gì mà trên 40 triệu độc giả ấy lại có
thể dễ dàng chấp nhận theo những gì được tác giả Dan Brown suy diễn thành một
cuốn tiểu thuyết như thế? Vậy thì thành phần chứng nhân tiên khởi là các vị tông
đồ nói chung và các Thánh Ký Phúc Âm nói riêng không đáng tin bằng nhân vật họa
sĩ và tiểu thuyết gia này hay sao?
Thế rồi, theo một
số người cảm nhận thì theo chiều hướng phá đạo này, chiều hướng phản đức tin
Kitô Giáo ấy, hôm Thứ Năm 6/4/2006, ngay trong thời điểm cuốn tiểu thuyết The
Da Vinci Code đang ‘hot’, đang ‘nóng bỏng’, đến nỗi sắp sửa thành phim,
người ta lại tung ra một cuốn sách ‘bật ngửa’ nữa, đó là cuốn “Phúc Aâm Giuđa”.
Vậy cuốn sách này có thật là một cuốn sách cổ xưa hay chăng? Nội dung của nó như
thế nào? Nội dung của nó có hợp với đức tin Kitô Giáo hay chăng? Đâu là những
vấn đề rắc rối gây ra bởi nội dung của cuốn sách này?
“Phúc Âm Giuđa”:
Có thực sự là một cuốn sách cổ xưa hay chăng?
Cuốn “Phúc Âm
Giuđa” này được một nông gia đào thấy trong một ‘cái hộp giống nấm mộ’ vào
năm 1978 ở một cái động gần El Minya, Ai Cập. Cái hộp được đào quật thấy này
đựng một bộ tài liệu về đạo, trong đó có cuốn “Phúc Aâm Giuđa”.
Người nông gia vớ
được cái hộp ấy đã bán nó cho một người mua đồ cổ ở Cairô chứ không thông báo
cho các viên chức chuyên về đồ cổ của Ai Cập. Thế rồi vào năm 1983, người mua đồ
cổ từ người nông dân ấy, không hề biết gì về nội dung của hộp đồ cổ này, muốn
bán lại cho Emmel và một học giả khác tại một phòng khách sạn ở Geneva, Thụy Sĩ,
khi cho họ thấy hộp đồ cổ này. Trong vòng nửa tiếng để xem xét món đồ cổ ấy,
Emmel ngờ ngợ là những giấy tờ ấy viết về Giuđa, căn cứ vào những chi tiết liên
quan tới người môn đệ ở Coptic. Thế nhưng, giá bán hộp đồ cổ này quá oun, lên
tới 3 triệu Mỹ kim.
Trải qua 16 năm
sau đó, bộ tài liệu cổ này được cất giữ ở một hộp ngân hàng bảo toàn ở
Hicksville Nữu Ước, mỗi ngày một tàn tệ hơn, cho tới năm 2000 được chuyên viên
mua đồ cổ ở Zurich là Frieda Nussberger-Tchocos mua. Vào năm 2001, bộ tài liệu
cổ này ở trong tay Maecenas Foundation for Ancient Art, Thụy Sĩ. Vào năm 2004,
Tổ chức này đã mời National Geographic Society giúp vào việc phục hồi bộ tài
liệu cổ đã bị hư hao ấy, đồng thời cũng đồng ý với chính phủ Ai Cập là sẽ hoàn
nó lại cho chính phủ này sau khi hoàn tất việc phục hồi nó, để được cất giữ ở
Coptic Museum ở Cairo.
Hội này đã qui tụ
được một nhóm chuyên viên thực hiện việc phục hồi này, với số tiền tài trợ là 1
triệu Mỹ kim từ Waitt Foundation for Historical Studies ở Hoa Kỳ. Hơn 1000 mảnh
vụn đã được sắp xếp lại với nhau, giúp cho cuốn “Phúc Âm Giuđa” trở thành
rõ nét được tới 80%. Căn cứ vào những yếu tố khảo cổ như chất than phóng xạ, mực
viết, quang phổ hình ảnh, cách hành văn và kiểu chữ viết thì bộ tài liệu này
đúng là ở vào khoảng năm 300.
Cuốn “Phúc Âm
Giuđa”, dài 26 trang, được viết cả mặt trước lẫn mặt sau, là một trong tập
tài liệu cổ dài 66 trang ở trong hộp được đào quật tài liệu, trong đó, ngoài “Phúc
Âm Giuđa” còn có một bản văn tựa đề Giacôbê, một bức thư của Phêrô và một
văn kiện được các học giả tạm gọi là Book of Allogenes. Cuốn “Phúc Âm Giuđa”
được viết bằng tiếng Coptic, và có thể là bản thảo của nguyên bản bằng tiếng Hy
Lạp trước đó cả một thế kỷ.
Đây là một trong
những văn kiện được khám phá thấy trong vòng 65 năm năm qua ở Ai Cập, trong số
những khám phá thuộc thời gian này, người ta còn thấy được cả những văn liệu như
Phúc Âm Tôma, Phúc Âm Mai Đệ Liên và Phúc Âm Philiphê là những gì được cho rằng
được viết bởi thành phần Gnostics thuộc thế kỷ thứ hai sau Chúa Kitô Giáng Sinh.
(còn tiếp)
TOP
GIÁO HỘI HIỆN THẾ