GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ BA 25/4/2006 TUẦN II PHỤC SINH |
? Linh Đạo Thánh Mẫu của Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort) theo Đức Gioan Phaolô II: Một Tác Phẩm Cổ Điển Về Linh Đạo Thánh Mẫu
? Tác Phẩm LUẬN VỀ LÒNG THÀNH THỰC SÙNG KÍNH MẸ MARIA: 5 Lời Tiên Đoán đã và đang ứng nghiệm
? “PHÚC ÂM GIUĐA”: Đâu là những vấn đề rắc rối gây ra bởi nội dung của cuốn sách này - về sổ bộ Thánh Kinh Kitô Giáo
Linh Đạo Thánh Mẫu của Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort) theo Đức Gioan Phaolô II
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch mừng Lễ Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort) Thứ Sáu 28/4
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: Thư Gửi Chư Gia Đình Hội Dòng Montfort Nhân Dịp Kỷ Niệm 160 Năm (1843-2003) Xuất Bản Tác Phẩm “Luận Về Lòng Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria”
Gửi Tu Sĩ Nam Nữ Chư Gia Đình Montfort
Một Tác Phẩm Cổ Điển Về Linh Đạo Thánh Mẫu
1. Một tác phẩm được viết để làm tác phẩm cổ điển về linh đạo Thánh Mẫu đã được xuất bản cách đây 160 năm trước. Thánh Louis Marie Grignion de Montfort đã viết cuốn Luận Về Lòng Thành Thực Sùng Kính Đức Trinh Nữ vào đầu thế kỷ 18, thế nhưng, trên thực tế, bản thảo đã không được biết đến trên một thế kỷ. Cuối cùng, hầu như là tình cờ, nó đã được tìm thấy vào năm 1842 và xuất bản vào năm 1843, tác phẩm này đạt được thành quả ngay, cho thấy hiệu năng phi thường của việc truyền bá ‘lòng thành thực sùng kính’ đối với Vị Trinh Nữ Rất Thánh này. Chính tôi, trong những năm còn trẻ, đã tìm được hỗ trợ rất nhiều khi đọc tác phẩm này. ‘Tôi đã thấy ở đó những giải đáp cho các vấn nạn của mình’, vì có lúc tôi sợ rằng nếu việc tôi tôn sùng Mẹ Maria ‘trở thành quá đà thì sẽ đi đến chỗ làm tổn thương tới tính cách tối thượng của việc tôn thờ giành cho Chúa Kitô’ (Dono e Mistero, Libreria Editrice Vaticana, 1996; English edition: Gift and Mystery, Paulines Publications Africa, p. 42). Với sự hướng dẫn khôn ngoan của Thánh Louis Marie, tôi đã nhận ra rằng nếu ai sống mầu nhiệm Mẹ Maria trong Chúa Kitô thì không có vấn đề nguy cơ này. Thật thế, tư tưởng Thánh Mẫu của vị Thánh này ‘đã bắt nguồn từ mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi và từ sự thật Nhập Thể của Lời Thiên Chúa’ (ibid.).
Từ khi được hạ sinh, nhất là vào những lúc khó khăn nhất của mình, Giáo Hội đã thiết tha chiêm ngưỡng biến cố Khổ Nạn của Chúa Giêsu Kitô được Thánh Gioan đề cập tới, đó là: ‘Đứng kề Thánh Giá Chúa Giêsu có Mẹ của Người, và chị của Mẹ Người là Maria, vợ ông Clopas, cùng với Maria Mai Đệ Liên. Khi Chúa Giêsu thấy Mẹ của mình và môn đệ Người yêu đứng gần thì Người nói với Mẹ mình rằng: Hỡi Bà, này là con của bà! Đoạn Người nói với người môn đệ rằng: Này là người mẹ của con! Và từ lúc đó người môn đệ ấy mang Người về nhà mình’ (Jn 19:25-27). Qua giòng lịch sử của mình, Dân Chúa đã cảm nghiệm được tặng ân này của Chúa Giêsu tử giá, đó là tặng ân Mẹ Người. Mẹ Maria Rất Thánh thực sự là Mẹ của chúng ta, vị đồng hành với chúng ta trong cuộc hành trình đức tin, đức cậy và đức mến, tiến tới chỗ càng được hiệp nhất nên một hơn với Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ và là Trung Gian cứu độ duy nhất (x Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, các số 60, 62).
Như đã quá rõ, huy hiệu giáo phẩm của tôi cho thấy một cách tượng trưng câu Phúc Âm được trích dẫn trên đây; câu khẩu hiệu Totus tuus là câu được gợi hứng bởi giáo huấn của Thánh Louis Marie Grignion de Montfort (cf. Gift and Mystery, pp. 42-43; Rosarium Virginis Mariae, n. 15). Hai chữ này diễn tả việc hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu qua Mẹ Maria: ‘Tuus totus ego sum, et omnia mea tua sunt’, Thánh Montfort đã viết như thế và ngài chuyển dịch sang ngôn từ của mình như sau: ‘Tất cả con là của Chúa, và tất cả những gì con có là của Chúa, Ôi Chúa Giêsu rất dấu yêu, nhờ Mẹ Maria, Người Mẹ rất thánh của Chúa’ (Treatise on True Devotion, n. 233). Giáo huấn của vị Thánh này đã gây được một ảnh hưởng sâu xa nơi lòng tôn sùng của nhiều tín hữu và nơi cuộc sống của tôi. Nó là một giáo huấn được sống bởi một tầm mức sâu xa trổi vượt về khổ hạnh và thần bí, một tầm mức được thể hiện nơi một kiểu cách sống động và hăng say thường sử dụng đến các thứ hình ảnh và biểu hiệu. Tuy nhiên, việc phát triển đáng kể thần học về Thánh Mẫu từ thời Thánh Louis Marie phần lớn là do việc đóng góp quan trọng của Công Đồng Chung Vaticanô II. Bởi thế, giáo huấn của Thánh Montfort, một giáo huấn vẫn giữ được tính cách hiệu lực thiết yếu của nó, cần phải được đọc lại và tái dẫn giải ngày nay theo chiều hướng của Công Đồng này.
Trong bức thư đây, tôi muốn chia sẻ với anh chị em, hỡi Tu Sĩ Nam Nữ Thuộc Chư Gia Đình Montfort, việc suy niệm về một số đoạn trong bản văn của Thánh Luois Marie để giúp chúng ta trong những lúc khó khăn này biết nuôi dưỡng đức tin của chúng ta nơi việc môi giới từ mẫu của Người Mẹ Chúa Kitô.
(còn tiếp)
? Tác Phẩm LUẬN VỀ LÒNG
THÀNH THỰC SÙNG KÍNH MẸ MARIA: 5 Lời Tiên Đoán đã và đang ứng nghiệmĐaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, viết mừng Lễ Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort) Thứ Sáu 28/4
Thành Thật Sùng Kính Mẹ Maria của Thánh Long Mộng Phố là một tác phẩm nổi tiếng. Chẳng những vì nó trình bày cho chúng ta một Linh Đạo Thánh Mẫu đặc biệt, và vì nó đã ảnh hưởng tới 1 vị Giáo Hoàng thời danh hiện đại là Đức Gioan Phaolô II, với khẩu hiệu về Thánh Mẫu “totus tuus” của ngài, mà còn vì nó có tính cách tiên tri nữa. Sau đây là 5 điều có thể nói là được vị Thánh tác giả tiên báo từ đầu thế kỷ 18 và đã xẩy ra thực sự như thế.
Lời tiên báo 1 và 2 ở đoạn 114: “Tôi rõ ràng thấy thấy trước là những con mãnh thú hung ác sẽ xuất hiện một cách giận dữ để lấy nanh vuốt quỉ quyệt của chúng xâu xé bản viết nhỏ này và người được Thánh Linh dùng để viết ra nó – hay ít là giấu nó đi trong tăm tối và kín đáo trong một cái két đựng để nó đừng xuất hiện. Họ sẽ thậm chí tấn công và bách hại những ai sẽ đọc nó và thi hành nó”.
Thật vậy, lời tiên báo này đã xẩy ra đúng y như thế, ở chỗ: thứ nhất, cuốn sách đã bị biến khuất, không ai biết đến hơn 100 năm, cho đến mãi năm 1842 mới được một vị linh mục Dòng Montfort tìm thấy trong một hòm sách cũ. Thứ hai, thành phần phổ biến lòng tôn sùng như cuốn sách dạy thật sự đã bị bách hại, như trường hợp của tu sĩ Dòng Montfort đã bị thành phần bè rối Jansenist thời bấy giờ, một bè rối với chủ trương ban đầu là chỉ có những ai được tiền định mới được rỗi bằng không bị hư mất, vì, theo chủ trương sau đó của họ, Thiên Chúa chỉ thương yêu và cứu độ một số được ưu tuyển mà thôi. Thứ ba, Đức Gioan Phaolô II đã đọc và thi hành đường lối Tu Đức Thánh Mẫu của cuốn sách này và cũng là vị bị ám sát ngày 13/5/1981.
Lời tiên báo 3 ở đoạn 49 và 50: “Vào lần đến thứ hai của Chúa Giêsu Kitô, Mẹ Maria được Chúa Thánh Thần làm cho nhận biết và tỏ hiện, để qua Mẹ, Chúa Giêsu Kitô được nhận biết, mến yêu và phụng sự”; “Thiên Chúa muốn làm cho Mẹ Maria, tuyệt phẩm của bàn tay Ngài, được tỏ hiện và nhận biết vào những thời buổi sau này”.
Không phải hay sao, trước hết Thiên Chúa đã làm cho Mẹ được tỏ hiện và nhận biết trong chính Giáo Hội, khi Giáo Hội chính thức công bố Tín Điều Mẹ Vô Nhiễm ngày 8/12/1854 bởi Giáo Hoàng Chân Phước Piô IX, và Tín Điều Mẹ Mông Triệu ngày 1/11/1950 bởi Đức Thánh Cha Piô XII, bởi Đức Thánh Cha Piô XII. Sau nữa, Thiên Chúa đã không tỏ ý muốn làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến hay sao, ở chỗ, vào lần hiện ra thứ ba ở Fatima, ngày 13/7/1917, khi tiết lộ phần thứ hai cũng là phần cốt lõi của Bí Mật Fatima, Mẹ Maria đã tuyên bố: “Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới”, và vào lần hiện ra thứ hai 13/6/1917, Mẹ Maria đã nói riêng với thiếu nhi Lucia và cho em biết lý do tại sao hai em họ của em là Phanxicô và Giaxinta “được đưa về trời sớm, còn con còn phải ở lại thế gian lâu hơn”, là vì: “Chúa Giêsu muốn dùng con để làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến”.
Lời tiên báo 4 ở đoạn 1, 49 và 50.4: “Qua rất thánh Trinh Nữ Maria Chúa Giêsu đã đến thế gian thế nào thì cũng qua Mẹ Người phải cai trị thế giới như thế”; “Qua Mẹ Maria ơn cứu độ thế giới đã được khởi sự thì cũng qua Mẹ Maria việc cứu độ được hoàn tất”; “Là đường lối để Chúa Giêsu đến với chúng ta lần thứ nhất, Mẹ cũng sẽ là đường Người đến lần thứ hai, cho dù không cùng một kiểu cách”.
Nếu “vào lần đến thứ hai của Chúa Giêsu Kitô, Mẹ Maria được Chúa Thánh Thần làm cho nhận biết và tỏ hiện”, đúng như như lời tiên báo 3 trên đây, thì quả thực Thời Điểm Maria chính là Mùa Vọng Cánh Chung rồi vậy.
Lời tiên báo 5 ở đoạn 59: “Mẹ Maria, theo lệnh của Đấng Tối Cao, chính là vị sẽ trang bị cho họ, để vương quốc của Ngài bao trùm trên vương quốc của người vô đạo, vương quốc của kẻ tôn thờ ngẫu tượng và vương quốc của Tín Đồ Hồi Giáo”.
Ở đây Thánh Long Mộng Phố nói tới 3 vương quốc bị vương quốc của Thiên Chúa triệt hạ bởi Mẹ Maria. Trước hết, nếu “vương quốc của người vô đạo” đây là khối Cộng Sản, thì “vương quốc của kẻ tôn thờ ngẫu tượng” đây là khối tư bản và “vương quốc của Tín Đồ Mahomét” đây là lực lượng Hồi Giáo. Theo lời tiên đoán của Thánh Long Mộng Phố trên đây, thì thứ tự 3 vương quốc này bị vưông quốc của Thiên Chúa bao trùm là Cộng Sản, rồi tới Tư Bản và cuối cùng mới tới Hồi Giáo. Mà “vương quốc của Đấng Tối Cao” đây là gì, nếu không phải là một “vương quốc” được hiện thân nơi Giáo Hội Chúa Kitô trên trần gian, một Giáo Hội đã thực sự, qua ảnh hưởng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, ‘bao trùm’ trên cuộc sụp đổ tan tành của chế độ Cộng Sản thuộc “vương quốc của người vô đạo” ở Đông Âu cuối năm 1989 và Liên Sô cuối năm 1991, và việc này chỉ xẩy ra sau khi Nước Nga được hàng giáo phẩm của Giáo Hội Công Giáo hiệp dâng cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ 25/3/1984.
Thế nhưng, “vương quốc của kẻ tôn thờ ngẫu tượng” bị vương quốc của Đấng Tối Cao là Giáo Hội bao trùm ra sao? Nếu xuất thân từ Balan, từ Đông Âu, Đức Gioan Phaolô II đã làm cho Cộng Sản Đông Âu Sụp Đổ, kéo theo cả sự sụp đổ của Bức Tường Bá Linh (Berlin Wall) là biểu hiệu cho tình trạng phân cách Châu Âu, một Đông Âu và một Tây Âu, thì Giáo Hoàng Biển Đức XVI, xuất thân từ Tây Âu, từ Đức Quốc, từ một quốc gia gây ra hai Thế Chiến trong thế kỷ 20, và cũng chính là nơi xuất phát ra phong trào Thệ Phản Cải Cách từ đầu thế kỷ 16, cũng sẽ được Thiên Chúa quan phòng sử dụng để thực hiện cho một Âu Châu Hiệp Nhất như vậy. Bởi vì, chỉ khi nào Tây Phương, tiêu biểu là Âu Châu (chưa kể Bắc Mỹ), trở về với căn tính của mình, qua việc Hiệp Nhất Kitô Giáo, bấy giờ họ mới có thể làm cho “vương quốc của Đấng Tối Cao bao trùm vương quốc của tín đồ Hồi Giáo”.
(xin xem tiếp ngày mai: Tác Phẩm LUẬN VỀ LÒNG THÀNH THỰC SÙNG KÍNH MẸ MARIA với Đức Gioan Phaolô II)
“PHÚC ÂM GIUĐA”: Đâu là những vấn đề rắc rối gây ra bởi nội dung của cuốn sách này - về sổ bộ Thánh Kinh Kitô Giáo
(tiếp
23 Chúa Nhật - “Phúc Âm Giuđa” có thực sự là một cuốn sách cổ xưa hay chăng? Nội dung của nó như thế nào? 24 Thứ Hai - Có hợp với đức tin Kitô Giáo hay chăng?)
Sự kiện cuốn “Phúc Âm Giuđa” được tung ra còn liên quan cả đến những vấn đề đang được các ‘thần học gia’ thời đại đặt ra, đó là vấn đề Giáo Hội thành lập sổ bộ Thánh Kinh, nhất là Tân Ước, ở chỗ, tại sao Giáo Hội chọn cuốn này mà không chọn cuốn kia; và vấn đề phần rỗi của tông đồ Giuđa Íchca, nếu Giuđa làm theo lệnh Chúa, và nếu không có Giuđa thì không Chúa Giêsu không thực hiện được công cuộc cứu chuộc của Người.
Trước hết, về sổ bộ Thánh Kinh Kitô Giáo. Theo lịch sử của mình, trong những thế kỷ được gọi là thời các Thánh Giáo Phụ (cho tới thế kỷ thứ VIII), Giáo Hội do Chúa Kitô thành lập đã phải trải qua biết bao nhiêu là khó khăn, chẳng những bị bách hại đẫm máu, mà còn bị tấn công bởi đủ mọi thứ lạc thuyết. Bảy Công Đồng Chung đầu tiên trong thời ký Giáo Phụ này, chưa kể Công Đồng Giêrusalem ngay thời Các Tông Đồ được Sách Tông Vụ thuật lại ở đoạn 15, đã là giai đoạn cũng cố đức tin hay xác tín đức tin trước các lạc thuyết liên quan đến Chúa Kitô. Đó là lý do, tuy có nhiều cuốn sách được gọi là ‘Phúc Âm’ nhưng Giáo Hội, được Thần Chân Lý dẫn vào tất cả sự thật (x Jn 16:13) chỉ chọn 4 cuốn duy nhất như được sử dụng tới ngày nay.
Những cuốn ‘phúc âm’ không được thẩm quyền Giáo Hội tuyên nhận trong sổ bộ Tân Ước của mình có thể liệt kê là: Phúc Âm theo Người Do Thái, Phúc Âm của Người Ai Cập, Phúc Âm Ebionite, Phúc Âm theo Phêrô, Phúc Âm Nicôđêmô, Phúc Âm Tôma, Phúc Âm Ả Rập Về Thời Thiếu Nhi của Giêsu, Phúc Âm Philiphê, Phúc Âm Mathias, Phúc Âm Theo Barnabê, Phúc Âm Batôlômêô v.v. Ngoài ra, còn có các cuốn Tông Vụ khác ngoài cuốn duy nhất trong sổ bộ Tân Ước hiện nay, chẳng hạn như các cuốn sáu đây: Tông Vụ Phaolô, Tông Vụ Phêrô, Tông Vụ Phêrô và Phaolô, Tông Vụ Gioan, Tông Vụ Anrê, Tông Vụ Tôma, Tông Vụ Thađêô v.v. Chưa hết, còn có các cuốn Khải Huyền khác ngoài cuốn Khải Huyền của Thánh Gioan, chẳng hạn như các cuốn sau đây: Khải Huyền Phêrô, Khải Huyền Phaolô, Khải Huyền Stêphanô, Khải Huyền Tôma, Khải Huyền Gioan (2 cuốn khác với cuốn trong sổ bộ Tân Ước), Khải Huyền Đức Trinh Nữ v.v.
Sổ bộ Thánh Kinh chính thức hiện nay được hình thành dứt khoát từ Công Đồng Chung Triđentinô (12/1545-1563), với những sắc lệnh được ban hành bởi Giáo Hoàng Piô IV ngày 26/1/1564, trong đó có sắc lệnh về sổ bộ Thánh Kinh là De Cononicis Scripturis được phê chuẩn ngày 8/4/1546. Trước đó có các công đồng địa phương ở Bắc Phi, như công đồng ở Hippo năm 393, công đồng III Carthage năm 397 và công đồng Cathage lần 2 năm 419, cũng đã công nhận sổ bộ Thánh Kinh. Công Đồng Chung Florence trong Sắc Lệnh Cho Jacobites ngày 4/2/1441 cũng liệt kê sổ bộ Thánh Kinh. Sổ bộ Thánh Kinh Cựu Ước lẫn Tân Ước của 3 công đồng miền và 1 công đồng chung trên đây đều trùng với sổ bộ cuối cùng của Giáo Hội Công Giáo được Công Đồng Chung Triđentinô chính thức chuẩn nhận tới nay.
Việc Giáo Hội chuẩn nhận sổ bộ Thánh Kinh này làm cho người ta, điển hình là Zwingli (1484-1531), một lãnh đạo gia cải cách ở Thụy Sĩ, có cảm tưởng là Giáo Hội có quyền trên Mạc Khải hay Mạc Khải bị lệ thuộc vào Giáo Hội. Trái lại, Thánh Âu Quốc Tinh, một đại giáo phụ của Giáo Hội, đã tuyên bố: “Tôi sẽ không tin tưởng cuốn Sách Phúc Aâm không làm cho thẩm quyền của Giáo Hội Công Giáo đưa tôi tới với cuốn sách đó” (Contra epistolam Manichaei, 5.6; PL 42.176).
Trong việc chuẩn nhận sổ bộ Thánh Kinh, Giáo Hội chỉ thực hiện một việc duy nhất, đó là nhận thức và tuyên nhận tác động linh ứng của Thiên Chúa qua các tác giả viết lên những cuốn sách bày tỏ một cách nhất quán những gì liên quan đến Ngài, đến dự án cùng công cuộc cứu độ của Ngài nơi lịch sử nhân loại, tức là, nói chung, Giáo Hội nhận thức và công nhận những cuốn sách chứa đựng một cách trung thực không sai lầm các chân lý được Thiên Chúa mạc khải vì phần rỗi nhân loại và được ghi chép lại theo ơn linh ứng của Thánh Thần (Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Mạc Khải, đoạn 9,11).
Như vậy, trong việc tuyên nhận sổ bộ Thánh Kinh là Giáo Hội phục vụ Mạc Khải Thần Linh, Kho Tàng được ủy thác cho Giáo Hội là nơi giữ chìa khóa nước trời (x Mt 16:19) và có quyền tháo buộc (x Mt 18:18), vì Giáo Hội được Chúa Kitô ở cùng cho đến tận thế (x Mt 28:20).
(còn tiếp: “Phúc Âm Giuđa” - Đâu là những vấn đề rắc rối gây ra bởi nội dung của cuốn sách này? - Phần rỗi của Giuđa?)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL