GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ TƯ 26/4/2006

 TUẦN II PHỤC SINH

 

?  Linh Đạo Thánh Mẫu của Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort) theo Đức Gioan Phaolô II: ‘Ad Jesum per Mariam’ nhờ Mẹ Maria đến với Chúa Giêsu

?  Tác Phẩm LUẬN VỀ LÒNG THÀNH THỰC SÙNG KÍNH MẸ MARIA: Với Đức Gioan Phaolô II

?  “PHÚC ÂM GIUĐA”: Đâu là những vấn đề rắc rối gây ra bởi nội dung của cuốn sách này - Về số phận đời đời của Giuđa

 

 

?  Linh Đạo Thánh Mẫu của Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort) theo Đức Gioan Phaolô II: ‘Ad Jesum per Mariam’ nhờ Mẹ Maria đến với Chúa Giêsu

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch mừng Lễ Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort) Thứ Sáu 28/4

 

2.         Thánh Louis Marie đã đề ra một việc ưu ái chiêm ngắm mầu nhiệm Nhập Thể một cách hiệu nghiệm ngoại thường. Việc tôn sùng Thánh Mẫu chân thực là việc tôn sùng lấy Chúa Kitô là tâm điểm. Thật thế, như Công Đồng Chung Vaticanô II đã nhắc nhở, ‘khi thiết tha suy niệm về Người (Mẹ Maria) và chiêm ngắm Người theo chiều hướng Lời nhập thể là Giáo Hội cung kính tiến vào sâu hơn mầu nhiệm Nhập Thể trọng đại’ (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Ánh Sáng Muôn Dân, đoạn 65).

 

Lòng mến yêu Thiên Chúa bằng việc hiệp nhất nên một với Chúa Giêsu Kitô là mục đích của hết mọi việc tôn sùng, vì Chúa Kitô, như Thánh Louis Marie viết: ‘là Vị Sư Phụ duy nhất của chúng ta, Đấng dạy dỗ chúng ta; là Vị Chúa duy nhất của chúng ta, Đấng chúng ta phải lệ thuộc; là Thủ Lãnh duy nhất của chúng ta, Đấng chúng ta phải liên kết; là Mô Phạm duy nhất của chúng ta, Đấng chúng ta phải nên giống; là Y Sĩ duy nhất của chúng ta, Đấng có thể chữa lành chúng ta; là Mục Tử duy nhất của chúng ta, Đấng có thể dưỡng nuôi chúng ta; và là Tất Cả duy nhất của chúng ta trong mọi sự, Đấng có thể làm chúng ta mãn nguyện’ (Treatise on True Devotion, n. 61). (Biệt chú của người dịch: đoạn trích dẫn này cũng đã được Đức Thánh Cha dùng để kết thúc bài giáo lý về việc ‘Chúa Giêsu hiến mình làm giá chuộc cho nhiều người’, trong buổi triều kiến chung hằng tuần Thứ Tư 4/2/1998).

 

3.         Việc tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria là một phương tiện đặc biệt ‘để tìm gặp Chúa Giêsu Kitô một cách trọn vẹn, để yêu mến Người một cách thiết tha, để phục vụ Người một cách trung thành’ (Treatise on True Devotion, n. 62). Thánh Louis liền nới rộng ước muốn ‘yêu mến cách thiết tha’ chính yếu này thành một lời nguyện cầu tha thiết cùng Chúa Giêsu, van xin Người ban cho ân huệ được tham dự vào mối hiệp thông yêu thương khôn tả giữa Người và Mẹ của Người. 

 

Tính cách hoàn toàn tương đối của Mẹ Maria đối với Chúa Kitô, và qua Người, với Thiên Chúa Ba Ngôi, là những gì được cảm nghiệm đầu tiên qua nhận định: ‘Bạn không bao giờ nghĩ về Mẹ Maria mà Mẹ Maria lại không chuyển cầu cùng Thiên Chúa cho bạn. Bạn không bao giờ ca ngợi hay tôn vinh Mẹ Maria mà Mẹ Maria không ca ngợi và tôn vinh Thiên Chúa với bạn. Mẹ Maria hoàn toàn tương đối với Thiên Chúa; thật vậy, tôi có thể thực sự gọi Mẹ là mối liên hệ với Thiên Chúa. Mẹ chỉ hiện hữu trong tương quan với Thiên Chúa. Mẹ là âm vang của Thiên Chúa, Mẹ không nói gì, lập lại gì, ngoài Thiên Chúa. Nếu bạn nói ‘Maria’ thì Mẹ nói ‘Thiên Chúa’. Thánh Isave ca ngợi Mẹ Maria và khen Mẹ diễm phúc vì Mẹ đã tin. Mẹ Maria, tiếng âm vang trung thực của Thiên Chúa, liền cất tiếng: ‘Magnificat anima mea Dominum’, ‘Linh hồn tôi chúc tụng Chúa’ (Lk 1:46). Mẹ Maria đã làm những gì hồi ấy thì giờ đây Mẹ vẫn làm hằng ngày. Khi chúc ta ca ngợi Mẹ, mến yêu Mẹ, tôn vinh Mẹ hay dâng bất cứ sự gì cho Mẹ, thì chính Thiên Chúa là Đấng được ngợi khen, chính Thiên Chúa được yêu mến, chính Thiên Chúa được tôn vinh, và chính Thiên Chúa là Đấng chúng ta hiến dâng nhờ Mẹ Maria và trong Mẹ Maria’ (cf. Treatise on True Devotion, n. 225).

 

Cũng thế, trong việc nguyện cầu cùng Mẹ Chúa Kitô, Thánh Louis Montfort đã cho thấy chiều kích Ba Ngôi Thiên Chúa nơi mối liên hệ của ngài với Thiên Chúa như sau: ‘Kính mừng Maria, Nữ Tử yêu dấu của Chúa Cha Hằng Hữu! Kính mừng Maria, Người Mẹ đáng ca ngợi của Chúa Con! Kính mừng Maria, Bạn Tình trung thành của Thánh Thần!’ (The Secret of Mary, p. 71). Mặc dù lời chào truyền thống này trước đây đã được Thánh Phanxicô Assisi sử dụng (cf. Fonti Francescane, 281) chất chứa những mức độ khác nhau về tính cách tương tự, vẫn không sợ sai lầm khi cho rằng nó thực sự diễn tả việc Đức Mẹ đặc biệt tham dự vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh.

 

4.         Thánh Louis Montfort chiêm ngưỡng tất cả mọi mầu nhiệm, bắt đầu từ mầu nhiệm Nhập Thể được diễn ra vào giây phút Truyền Tin. Bởi thế, trong cuốn Luận Về Lòng Thành Thực Sùng Kính Đức Trinh Nữ, Mẹ Maria xuất hiện như là ‘một địa đường trần thế thực sự của Tân Adong’, và như là ‘trái đất trinh nguyên và vô nhiễm’ Người được hình thành (số 261). Mẹ cũng là Tân Evà, liên kết với Tân Adong trong việc tuân phục dể đền bù việc bất tuân phục ban đầu của người nam và người nữ (cf. ibid., n. 53; St Irenaeus, Adversus Haereses, III, 21, 10-22, 4). Bằng việc tuân phục này, Con Thiên Chúa đã vào trần gian. Chính Thập Giá đã nhiệm mầu hiện diện ở giây phút Nhập Thể, ở chính giây phút Chúa Giêsu được thụ thai trong cung lòng Mẹ Maria. Thật thế, câu ecce venio - này Con xin đến trong Thư gửi Giáo Đoàn Do Thái (x 10:5-9) là tác động nguyên khởi của việc Con tuân phục Cha, việc Người chấp nhận hy hiến cứu chuộc đã có ngay từ lúc ‘Chúa Kitô vào trần gian’.

 

Thánh Louis Marie Grignion de Montfort viết ‘Tất cả sự trọn lành của chúng ta đều ở tại việc nên giống, liên kết và tận hiến cho Chúa Giêsu Kitô; và vì thế, việc tôn sùng trọn hảo nhất trong tất cả mọi việc tôn sùng chắc chắn phải là việc tôn sùng làm cho chúng ta được nên giống, liên kết và tận hiến cho Chúa Giêsu Kitô nhất. Bởi vậy, nếu Mẹ Maria giống Chúa Giêsu Kitô nhất trong tất cả mọi tạo vật thì, trong tất cả mọi việc tôn sùng, việc tôn sùng làm cho linh hồn chúng ta tận hiến và nên giống Chúa chúng ta nhất đó là việc tôn sùng Mẹ thánh của Người, và một linh hồn càng tận hiến cho Mẹ Maria họ càng tận hiến cho Chúa Giêsu’ (Treatise on True Devotion, n. 120). Nói với Chúa Giêsu, Thánh Louis Marie bày tỏ cái kỳ diệu của mối hiệp nhất giữa Người Con và Người Mẹ như sau: ‘Nhờ ân sủng Mẹ được biến đổi thành Chúa đến nỗi Mẹ không còn sống nữa, như thể Mẹ không còn là Mẹ nữa. Chính một mình Chúa, ôi Chúa Giêsu, là Đấng sống trong Mẹ và ngự trị trong Mẹ… A! Giá chúng con biết được vinh hiển và tình yêu Chúa nhận được từ tạo vật đáng ca ngợi này… Mẹ rất hiệp nhất thân mật với Chúa… Mẹ yêu mến Chúa một cách tha thiết hơn và tôn vinh Chúa trọn hảo hơn tất cả mọi tạo vật khác hợp lại’ (ibid, đoạn 63).

 

(còn tiếp)

 

 

TOP

 

 

 ?  Tác Phẩm LUẬN VỀ LÒNG THÀNH THỰC SÙNG KÍNH MẸ MARIA: Với Đức Gioan Phaolô II

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, viết mừng Lễ Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort) Thứ Sáu 28/4

Tác phẩm Thành Thật Sùng Kính Mẹ Maria của Thánh Long Mộng Phố về Linh Đạo Thánh Mẫu chuyên biệt chẳng những là một tác phẩm được linh ứng, qua 5 lời tiên đoán đã và đang được ứng nghiệm trong lịch sử (xem bài 1), mà còn là một tác phẩm Thánh Mẫu đã ảnh hưởng sâu đậm tới một vị Giáo Hoàng thời danh là Đức Gioan Phaolô II, vị Giáo Hoàng đã sống Tâm Niệm Thánh Mẫu “totus tuus” của mình theo Giáo Thuyết Thánh Mẫu của Thánh Long Mộng Phố.

Trong cuốn “Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng- Crossing the Threshold of Hope (1994, trang 212-215), ngài cho biết: “Totus Tuus. Câu này chẳng những là một lời diễn đạt của lòng thảo hiếu, hay đơn giản hơn là một lời diễn đạt của lòng tôn sùng. Mà còn hơn thế nữa kìa. Trong thời Thế Chiến Thứ Hai, vào lúc tôi đang làm công cho một xí nghiệp thì tôi đã được lòng tôn sùng Thánh Mẫu thu hút. Thoạt tiên, dường như tôi cảm thấy cần phải lơ là một chút với lòng tôn sùng Thánh Mẫu ở thuở niên thiếu, hầu chuyên chú tới Chúa Kitô hơn. Nhờ Thánh Long Mộng Phố, tôi đã hiểu được rằng lòng thành thực sùng kính Người Mẹ của Thiên Chúa là việc thực sự qui về Chúa Kitô, thật sự nó được bắt nguồn sâu xa nơi Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, cũng như nơi những mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc.

Trong cuốn “Tặng Ân Và Mầu Nhiệm – Gift and Mystery (1996, trang 28-30), ngài tự thuật rằng: “Khi tôi còn ở Cracow, Debniki, tôi đã gia nhập nhóm ‘Kinh Mân Côi Sống’ thuộc giáo xứ Thánh Salesiô. Tại đây, đặc biệt là lòng tôn sùng Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu. Ở Debrini, ở vào lúc ơn gọi linh mục đang triển nở trong tôi, thì như tôi đã đề cập tới, chịu ảnh hưởng của Jan Tyranowski, tôi đã đổi thay việc hiểu biết của mình về lòng tôn sùng Người Mẹ của Thiên Chúa. Tôi vốn đã thâm tín rằng Mẹ Maria là vị dẫn chúng ta đến với Chúa Kitô, thế nhưng, vào lúc ấy, tôi cũng bắt đầu nhận thấy rằng Chúa Kitô dẫn chúng ta tới với Mẹ của Người nữa. Có dạo tôi đã bắt đầu đặt vấn đề về lòng tôn sùng Mẹ Maria, với ý nghĩ rằng, nếu lòng tôn sùng này trở nên quá trớn thì có thể dẫn tới chỗ làm loãng đi tính cách thượng tôn của việc tôn thờ giành cho Chúa Kitô. Bấy giờ, tôi đã được trợ giúp rất nhiều bởi một tác phẩm của Thánh Louis Marie Grignion de Montfort mang tên Luận về Lòng Thành Thực Sùng Kính Đức Trinh Nữ. Ở đó, tôi đã tìm thấy những giải đáp cho các vấn nạn của tôi. Phải, Mẹ Maria thực sự mang chúng ta lại gần hơn với Chúa Kitô; Mẹ thực sự dẫn chúng ta tới với Người, nếu chúng ta sống mầu nhiệm của Mẹ trong Chúa Kitô. Luận phẩm này của Thánh Louis Marie Grignion de Montfort có thể là một cái gì hơi chướng, vì kiểu cách đánh bóng và kỳ dị của nó, thế nhưng, không thể chối cãi được rằng nó chất chứa những chân lý thần học thiết yếu. Tác giả là một thần học gia nổi tiếng. Tư tưởng về khoa Thánh Mẫu Học của ngài được bắt nguồn từ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cũng như mầu nhiệm Nhập Thể của Lời Thiên Chúa…Đây là nguồn gốc của khẩu hiệu Totus Tuus. Câu này xuất phát từ Thánh Louis Marie Grignion de Montfort. Nó là hai chữ viết tắt của toàn thể mẫu tận hiến cho Mẹ Thiên Chúa như thế này: Totus Tuus ego sum et omnia mea Tua sunt. Accipio Te in mea omnia. Praebe mihi Tuum, Maria. Bởi thế, nhờ Thánh Louis, tôi đã bắt đầu khám phá ra những kho tàng dồi dào của lòng tôn sùng Thánh Mẫu theo các quan điểm mới…”

                Trong Thư ngày 8/12/2003 gửi Gia Đình Dòng Montfort do Thánh Long Mộng Phố sáng lập nhân dịp kỷ niệm 160 năm (1843-2003) xuất bản tác phẩm Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria đặc biệt này, ngài đã nhận định về tác phẩm và về tác dụng của tác phẩm này đối với cuộc đời của ngài như sau: “Như đã quá biết, huy hiệu giáo phẩm của tôi là những gì tiêu biểu cho câu Phúc Âm được trích trên đây (Jn 19:25-27 – về việc Mẹ Maria đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu); khẩu hiệu Totus tuus là khẩu hiệu được khơi động từ giáo huấn của Thánh Louis Marie Grignion de Montfort (xem cuốn Tặng Ân và Mầu Nhiệm, trang 42-43; Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria, đoạn 15). Hai chữ này diễn tả việc hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu qua Mẹ Maria: ‘Tuus totus ego sum, et omnia mea tua sunt’, Thánh Louis Marie đã viết như thế, và ngài đã chuyển dịch câu này theo ngôn từ của ngài như sau: ‘Ôi Chúa Giêsu chí ái, qua Mẹ Maria là Người Mẹ rất thánh của Chúa, toàn thân con thuộc về Chúa, và tất cả những gì con có đều là của Chúa” (Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria, đoạn 233). Giáo huấn của vị Thánh này đã có một tầm ảnh hưởng sâu xa về việc sùng kính Thánh Mẫu nơi nhiều tín hữu cũng như nơi cuộc đời của tôi. Nó là một giáo huấn đã được áp dụng thực hành có một chiều sâu trổi vượt về khổ hạnh và thần bí, được thể hiện bằng một cung cách sống động và thiết tha thường sử dụng tới các hình ảnh và biểu tượng. Tuy nhiên, việc phát triển khả quan về khoa thần học Thánh Mẫu kể từ thời Thánh Louis Marie phần lớn là do việc đóng góp quan trọng của Công Đồng Chung Vaticanô II. Bởi thế, giáo huấn của Thánh Montfort, một giáo huấn vẫn giữ được tính cách hiệu năng thiết yếu của nó, ngày nay cần phải được đọc lại và tái dẫn giải theo chiều hướng của Công Đồng này. Trong Bức Thư này, tôi muốn chia sẻ với anh chị em, Tu Sĩ Nam Nữ thuộc Gia Đình Montfort, suy tư về một số đoạn trong bản văn của Thánh Luois Marie, những đoạn có thể giúp chúng ta, trong những lúc khó khăn này, nuôi dưỡng niềm tin tưởng của chúng ta nơi vai trò môi giới từ mẫu của Người Mẹ Chúa Kitô”.

Thật thế, ngài đã phân tích cuốn Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria (TTSKMM) theo chiều hướng Công Đồng Chung Vaticanô II, đặc biệt theo Hiến Chế Tín Lý “Ánh Sáng Muôn Dân” về Giáo Hội, với 5 vấn đề thiết yếu được ngài nhấn mạnh như sau: 1- “Nhờ Mẹ Maria đến với Chúa Giêsu” (TTSKMM đoạn 61, 62, 225, 261, 53, 120, 63); 2- Mẹ Maria là chi thể hảo hạng của Nhiệm Thể và là Mẹ của Giáo Hội (TTSKMM - 32, 33, 258); 3- Thánh thiện là đức ái trọn hảo (TTSKMM - 72, 169); 4- Cuộc “hành trình đức tin” (TTSKMM - 214); 5- Dấu hiệu của niềm hy vọng vững chắc (TTSKMM - 34, 49-59, 175, 169).

 

(xin xem tiếp ngày mai: Tác Phẩm LUẬN VỀ LÒNG THÀNH THỰC SÙNG KÍNH MẸ MARIA - Một Linh Đạo Thánh Mẫu)

 

TOP

 

 

?   “PHÚC ÂM GIUĐA”: Đâu là những vấn đề rắc rối gây ra bởi nội dung của cuốn sách này - Về số phận đời đời của Giuđa

 

(tiếp 23 Chúa Nhật - “Phúc Âm Giuđa” có thực sự là một cuốn sách cổ xưa hay chăng? Nội dung của nó như thế nào? 24 Thứ Hai - Có hợp với đức tin Kitô Giáo hay chăng? 25 Thứ Ba - Đâu là những vấn đề rắc rối gây ra bởi nội dung của cuốn sách này - về sổ bộ Thánh Kinh Kitô Giáo)

  

Sau nữa, về phần rỗi của tông đồ Giuđa Íchca. Nếu loài người chúng ta không ai biết được ngày tận thế ra sao thì cũng chẳng ai biết được số phận đời đời của bất cứ người nào, kể cả tông đồ Giuđa. Chính Đức Gioan Phaolô II, trong cuốn Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng của mình năm 1994 đã nói về vấn đề này (ấn bản Anh ngữ, trang 186) như sau: “Ngay cả khi Chúa Giêsu nói về Giuđa, kẻ phản bội, ‘thà con người ấy đừng sinh ra thì hơn’ (Mt 26:24), thì những lời của Người cũng không ám chỉ rõ ràng đến việc đời đời trầm luân”. Tuy nhiên, ở đây Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II không bàn luận gì về câu Chúa Giêsu nói rõ hơn nữa liên quan tới thân phận của tông đồ Giuđa này trong lời nguyện kết Bữa Tiệc Ly: “Con đã cẩn thận gìn giữ họ để không một ai trong họ bị hư đi, không một ai ngoại trừ kẻ bị hư đi để lời Thánh Kinh được nên trọn” (Jn 17:12).

 

Không biết có phải vì liên quan tới cuốn “Phúc Âm Giuđa” này hay không, mà vị Giáo Hoàng đương kim Biển Đức XVI của chúng ta, trong bài giảng cho Lễ Chiều Thứ Năm Tuần Thánh ngày 13/4/2006 tại Đền Thờ Gioan Lareranô, đã nói rất rõ và khá dài (2/5 so với toàn bài) về người tông đồ mang tiếng phản bội Thày ấy, những lời lẽ chưa từng thấy nơi các vị giáo hoàng tiền nhiệm của ngài trước đó.  

 

“‘Người đã yêu thương những kẻ thuộc về mình thì Người đã yêu thương họ tới cùng’ (Jn 13:1). Thiên Chúa yêu thương tạo vật của Ngài là con người. Ngài cũng yêu thương con người khi họ sa ngã và không bỏ rơi mặc thây họ cho rồi đời. Ngài yêu thương họ tới cùng. Bằng tình yêu của mình Ngài đã đi cho tới cùng, cho tới cực độ: Ngài đã hạ giáng không còn vinh hiển thần linh của Ngài nữa. Ngài đã bỏ đi vinh hiển thần linh của Ngài và mặc lấy thân phận tôi đòi. Ngài đã xuống tận chỗ thấp hèn nhất của tình trạng sa đọa của chúng ta. Ngài đã quì xuống trước chúng ta và cống hiến chúng ta một việc làm của người tôi tớ. Ngài rửa chân bẩn thỉu của chúng ta để chúng ta có thể được thông phần với Ngài, để chúng ta được xứng đáng ngồi vào bàn với Ngài, một việc tự mình chúng ta không bao giờ có thể làm và dám làm…

 

“Chúa Kitô nói: ‘Các con thanh sạch nhưng không phải tất cả mọi người trong các con đâu’ (Jn 13:10). Trong câu này Ngài đã tỏ cho chúng ta thấy tặng ân thanh tẩy cao cả Ngài cống hiến cho chúng ta, vì Ngài muốn ngồi vào bàn chung với chúng ta, trở nên lương thực cho chúng ta. ‘Thế nhưng không phải là tất cả đâu’; đây là mầu nhiệm tối tăm của vấn đề khước từ, một mầu nhiệm đã xẩy ra cho Giuđa mà chúng ta cần phải suy nghĩ thực sự trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh này, ngày Chúa Giêsu ban mình cho chúng ta. Tình yêu của Chúa Kitô vô giới hạn thế mà con người lại đặt giới hạn cho tình yêu này.

 

“‘Các con thanh sạch những không phải là tất cả các con đâu’. Cái gì làm cho con người ra ô uế bẩn thỉu? Đó là thái độ khước từ tình yêu, không muốn được yêu thương, không yêu thương. Đó là thái độ cao ngạo cho rằng không cần thanh tẩy, khép mình trước sự thiện hảo cứu độ của Thiên Chúa.

 

“Thái độ cao ngạo không muốn thú nhận và nhìn nhận rằng chúng ta cần được thanh tẩy. Nơi Giuđa, chúng ta thấy bản chất của thái độ khước từ một cách rõ ràng hơn nữa. Hắn nghĩ về Chúa Giêsu theo những gì là quyền lực và thành đạt. Đối với hắn, chỉ có thực tại về quyền lực và thành đạt mà thôi, còn tình yêu chẳng có nghĩa gì cả. Và hắn là một con người thèm muốn: Tiền bạc là những gì còn quan trọng hơn cả mối hiệp thông với Chúa Giêsu, quan trọng hơn cả Thiên Chúa và tình yêu của Ngài. Bởi đó, hắn cũng trở thành một tên dối trá, hắn cả gan ăn thua đủ với sự thật; hắn sống trong gian dối và nhắm mắt lại trước sự thật là Thiên Chúa. Bởi thế hắn bị cứng lòng, không thể ăn năn hối cải, không thể bắt đầu tin tưởng trở về như người con hoang đàng mà bỏ đi cuộc đời băng hoại.

 

“‘Các con thanh sạch nhưng không phải là tất cả đâu’. Chúa Kitô muốn cảnh giác chúng ta ngày nay trước cái tự mãn đến độ đặt giới hạn cho tình yêu vô hạn của Ngài. Ngài mời gọi chúng ta hãy bắt chước sự khiêm tốn của Người, hãy tin tưởng vào sự khiêm tốn này, hãy để mình bị ‘nhiễm lây’ nó. Ngài mời gọi chúng ta hãy trở về nhà, bất kể chúng ta cảm thấy sai lạc đến đâu đi nữa và hãy để cho sự thiện hảo thanh tẩy của Ngài thăng hóa chúng ta và làm cho chúng ta được hiệp thông với Ngài, với chính Thiên Chúa”.

 

Phải chăng những gì vị Giáo Hoàng Biển Đức XVI của chúng ta nói về thái độ của Giuđa trên đây phản ảnh những gì Chúa Giêsu đã tỏ cho nữ tu Josepha biết về số phận đời đời của người tông đồ của câu Phúc Âm Gioan 17:12, những lời được chị viết lại trong cuốn “The Way of Divine Love” (trang 263, 283) như sau:

 

“Sau vụ phản bội trong Vườn Cây Dầu, Giuđa lang thang bất định, một con người trốn lánh, một con mồi bị lương tâm gặm nhắm, oán trách về những phạm thánh xấu xa nhất. Rồi khi Giuđa nghe thấy rằng Cha bị lên án tử, hắn hoàn toàn tuyệt vọng và tự treo cổ…”

 

“Ai có thể lường được Trái Tim Cha đớn đau mãnh liệt và sâu xa là chừng nào, khi thấy linh hồn này được tình yêu dạy dỗ lâu dài như thế…, con người nhận lãnh giáo huấn của Cha, một con người thường được nghe môi miệng Cha nói về lòng thứ tha đối với những tội ác xấu xa nhất, cuối cùng lại gieo mình vào lửa hỏa ngục?

 

“A! Giuđa ơi, tại sao con lại không gieo mình xuống dưới chân Thày, để Thày có thể tha thứ cho con? Nếu con sợ đến gần Thày, vì nhóm người man rợ đang bủa vây chung quanh Thày, thì ít là con hãy nhìn vào Thày… Đôi mắt của Thày sẽ bắt gặp đôi mắt của con, ngay cả cho đến lúc này đây, đôi mắt của Thày vẫn âu yếm chú ý đến con”.

 

(xem toàn bài: Phúc Âm Giuđa)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ