GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ SÁU 28/4/2006 TUẦN II PHỤC SINH |
? ĐTGM Lajolo Giải Thích về những Tương Quan và Khác Biệt giữa Giáo Hội, Tòa Thánh và Quốc Đô Vatican
? Vị Lãnh Sự Đài Loan Trở Lại Công Giáo Sau Thời Gian Hoạt Động Ngoại Giao bên Cạnh Tòa Thánh Vatican
? Linh Đạo Thánh Mẫu của Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort) theo Đức Gioan Phaolô II: Thánh Thiện là Đức Ái Trọn Hảo
ĐTGM Lajolo Giải Thích về những Tương Quan và Khác Biệt giữa Giáo Hội, Tòa Thánh và Quốc Đô Vatican
Hôm 16/4/2006, tờ nhật báo Nam Dương là Kompas đã phổ biến một bài phỏng vấn giữa họ với ĐTGM Giovanni Lajolo, 71 tuổi, bộ trưởng Ngoại Vụ, liên quan tới những vấn đề như vị thế đặc biệt của Quốc Đô Vatican, hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh Vatican, việc phân chia giữa Giáo Hội và Quốc Gia, và việc đối thoại liên tôn.
ĐTGM cho biết là tiếng “Vatican” thường được dùng để nói đến 2 điều rất khác nhau, thứ nhất là Quốc Đô Vatican, một quốc gia với những quyền lợi riêng biệt của nó, “mặc dù chỉ là một thực thể chính trị nhỏ xíu, và có mục đích duy nhất trong việc bảo toàn tính cách độc lập của Giáo Hoàng như tối thượng quyền của Giáo Hội Công Giáo khỏi bất cứ hình thức thuộc phạm vi dân sự nào”, và thứ hai là Tòa Thánh Vatican, tức là “Giáo Hoàng và Giáo Triều Rôma,… mà đôi khi thường ám chỉ một cách sai lầm như Vatican, vì nó có trung tâm trong Quốc Đô Vatican. Thế nhưng, Tòa Thánh không phải là một cơ cấu của chính quyền dân sự, bởi đó không có những hoạt động chính trị. Bởi vậy mới không xẩy ra tình trạng lẫn lộn hay lấn lướt nhau giữa hai hoạt động – hoạt động chính trị của Quốc Gia và hoạt động tôn giáo của Giáo Hội”.
Vị TGM tiếp tục nhấn mạnh sự phân biệt như thế này, mặc dù Quốc Đô Vatican trực tiếp liên hệ với Ý Quốc và một số ít tổ chức quốc tế, nhưng Tòa Thánh có cả “một cơ cấu bao rộng các lãnh sự (về kỹ thuật được coi là ‘các vị đại sứ tòa thánh’) trên khắp thế giới”.
Không giống như các tòa lãnh sự khác, vị TGM tiếp, những vị khâm sứ của Tòa Thánh không dính dáng tới “các vấn đề chính trị, quốc phòng hay mậu dịch, mà là những vấn đề liên quan tới quyền t75 do của Giáo Hội và nhân quyền. Tòa Thánh hầu hết can thiệp vào việc bảo đảm vị thế pháp lý của Giáo Hội, và ở một số quốc gia, can thiệp vào bênh vực tín hữu Công Giáo bị áp bức hay bị áp đảo và kỳ thị; và Tòa Thánh làm điều này bằng việc nại tới những quyền lợi được chấp thuận trong Bản Tuyên Ngôn Chung Nhân Quyền và Bản Thỏa Ước Quốc Tế Về Các Thứ Quyền Dân Sự Và Chính Trị, hay ngay cả những quyền lợi được tu chính bởi các Bản Hiến Pháp của các Quốc Gia riêng…. Có những tiêu chuẩn khác nhau để thực hiện việc can thiệp theo từng trường hợp, và những tiêu chuẩn ấy thường được tác động bởi ý muốn cứu giúp bằng những cách thức hiệu nghiệm nhất có thể, nhờ đó, với sự khôn ngoan cần thiết, bảo đảm là không gây ra những hậu quả tiêu cực nào”.
Về vấn đề tách biệt giữa Giáo Hội và Quốc Gia, vị TGM cho biết: “Giáo Hội không bao giờ tìm cách áp đặt bất cứ điều gì về luật lệ dân sự, nếu các lực lượng chính trị không tự mình thực hiện luật lệ này. Nguyên tắc căn bản về việc tách biệt giữa hai lãnh vực chính trị và tôn giáo này, và về việc mạnh mẽ bảo vệ quyền tự do tôn giáo được áp dụng ở chỗ, như Quốc Gia không pha mình vào các hoạt động của Giáo Hội thế nào thì Quốc Gia cũng không làm theo chỉ thị của Giáo Hội như vậy. Giáo Hội, thực tế là các vị giám mục ở các quốc gia liên hệ, tìm cách soi đồng cho thành phần Công Giáo và quần chúng… bằng việc sử dụng những bản tuyên ngôn công khai để giải thích chủ trương Công Giáo về các vấn đề luân lý xuất phát từ hoạt động chính trị và lập pháp, và nhất là chấp nhận tất cả những lập luận hợp lý khả tri nhất đối với cả những ai không có niềm tin”.
“Ở tầm cấp hoàn vũ, Tòa Thánh can thiệp vào các vấn đề luân lý trọng đại gây ra bởi chính trị qua các văn kiện như các Thông Điệp và Tông Huấn của Giáo Hoàng, cũng như qua các bản hướng dẫn được ban hành bởi Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin. Có những tiêu chuẩn khác nhau trong việc phán đoán về lúc nào thích hợp để lên tiếng can thiệp, thế nhưng Giáo Hội, ở bất cứ trường hợp nào, cũng không thể câm nín khi phẩm giá hay các quyền lợi căn bản của con người, hoặc quyền tự do tôn giáo gặp trục trặc”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo VIS ngày 21/4/2006
? Vị Lãnh Sự Đài Loan Trở Lại Công Giáo Sau Thời Gian Hoạt Động Ngoại Giao bên Cạnh Tòa Thánh Vatican
Hôm 19/4/2006, vị lãnh sự Đài Loan, 64 tuổi, là Tou Chou-seng đã trả lời cuộc phỏng vấn của mạng điện toán toàn cầu CNS (Catholic News Service). Ông đã được rửa tội ngày Chúa Nhật 17/4/2006 tại Nhà Thờ giáo xứ của ông là Thánh Eugenio ở Rôma, và là nhà thờ được quản nhiệm bởi tổ chức Opus Dei và vị lãnh đạo của tổ chức này là Giám Mục người Tây Ban Nha Javier Echevarria Rodriguez đã chủ tế Thánh Lễ và ban Phép Rửa cho ông.
Vị lãnh sự này cho biết cảm tưởng của mình là ông cảm thấy “rất hạnh phúc” được trở thành phần tử của Giáo Hội Công Giáo và có được cho một sự sống hoàn toàn mới. Ông nói rằng quyết định trở lại của ông là “một tiến trình dài, một suy tư, một khám phá thấy những sự thật về Công Giáo”. Có nhiều yếu tố qua nhiều tháng năm đã đưa ông tới việc trở lại này, bắt đầu từ việc ông được bổ nhiệm làm lãnh sự ở Tòa Thánh Vatican.
Việc bổ nhiệm này là “một ân sủng Chúa ban”, vì nó làm cho ông liên hệ tới nhiều văn kiện và giáo huấn của Giáo Hội cũng như những bài giảng của giáo hoàng. Ông đồng thời cũng gặp gỡ nhiều viên chức Vatican, các tu sĩ nam nữ, các giáo dân Công Giáo qua hoạt động ngoại giao của ông ở Rôma.
Ông nói ông đã thấy được “một điều rất đặc biệt” nơi những con người ấy, một cái gì đó bất thường khiến ông phải tò mò chú ý tới. Ông cảm thấy họ hầu như tất cả đều có được “một thứ bình an, bình an nội tâm, hạnh phúc, và là những gì thực sự đánh động tôi”. Ông nói rằng ông đã cố gắng lật tẩy lý do về niềm hạnh phúc của họ và ông đã khám phá ra rằng đó là “vì họ có Chúa Kitô trong lòng họ và họ sống theo gương Chúa Kitô”.
Vị lãnh sự này vào đời năm 1942 ở nội địa Trung Hoa, nhưng vào lúc 5 tuổi ông theo cha mẹ dọn tới Đài Loan. Ông không được giáo dục theo bất cứ một tôn giáo nào, cho dù đã tham dự nhà thờ Tin Lành khi còn ở trung học đệ nhất cấp và đệ nhị cấp. Ông là một con mọt sách về triết lý và các sách vở Khổng Tử và Phật Giáo nhưng ông “không bị đánh động” tí nào cả.
Vợ ông và 2 con trai của ông là Công Giáo và họ cảm thấy xúc động trước quyết định trở lại của ông. Ông nói rằng mặc dù gia đình ông và bạn bè Công Giáo của ông nói rằng họ cầu nguyện cho ông, song ông không bị áp lực trở lại nào từ họ cả.
Ông được bài sai làm lãnh sự ở Tòa Thánh Vatican từ năm 2004. Ông chưa thông báo cho chính phủ của ông về việc ông trở lại nhưng ông sẽ làm. Ông cho biết Đài Loan là nước hoàn toàn có tự do tôn giáo, bởi thế việc ông thông báo chỉ là vấn đề hình thức chứ không phải vấn đề xin chính phủ chấp thuận cho phép.
Trong cuộc rửa tội của ông có sự hiện diện của những vị lãnh sự khác cũng như một số phần tử thuộc Văn Phòng Quốc Vụ Khanh, trong đó có bộ trưởng ngoại vụ là ĐTGM Giovanni Lajolo. Bà lãnh sự Phi Luật Tân ở Vatican được ông nhận làm mẹ đỡ đầu.
Ông cho biết việc trở thành người Công Giáo là tiêu biểu cho “một cuộc tái sinh”: “Mỗi khi tôi nói năng hay phản ứng tôi giờ đây nghĩ gấp đôi vì tôi là một người Công Giáo. Tôi không thể tác hành như trước kia nữa”, ông vừa nói vừa cười ra tiếng.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo CNS ngày 21/4/2006
Linh Đạo Thánh Mẫu của Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort) theo Đức Gioan Phaolô II: Thánh Thiện là Đức Ái Trọn Hảo
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch mừng Lễ Thánh Long Mộng Phố 27/4
6. Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Ánh Sáng Muôn Dân nói: ‘Thế nhưng, trong khi nơi Vị Trinh Nữ Rất Thánh này Giáo Hội đã đạt tới sự trọn lành mà nhờ đó Giáo Hội hiện hữu một cách tinh tuyền không tì ố (x Eph 5:27), thì tín hữu vẫn cố gắng chiến thắng tội lỗi và thăng tiến thánh đức. Bởi thế họ mới hướng về Mẹ Maria là vị chiếu soi toàn thể cộng đồng thành phần được tuyển chọn như là mô phạm của các nhân đức’ (khoản 65). Thánh thiện là sự trọn hảo của đức ái, của lòng mến yêu Thiên Chúa và tha nhân, một tình yêu là đối tượng của giới răn cao cả nhất do Chúa Giêsu truyền dạy (x Mt 22:38). Nó cũng là tặng ân cao cả nhất của Thánh Linh (x 1Cor 13:13). Bởi thế, trong các bài Ca Vịnh của mình, Thánh Luois Marie đã cho tín hữu thấy được nơi cấp trật này tính cách tuyệt hảo của đức ái (Ca Vịnh 5), ánh sáng của niềm tin (Ca Vịnh 6) và sự vững vàng của lòng trông cậy (Ca Vịnh 7).
Nơi linh đạo của Thánh Montfort, năng lực của đức ái được đặc biệt diễn tả bởi cái biểu hiệu của việc làm nô lệ tình yêu cho Chúa Giêsu, theo gương mẫu và với sự hỗ trợ từ mẫu của Mẹ Maria. Nó là vấn đề của mối hiệp thông trọn vẹn vào cuộc kenosis – hư không hóa bản thân của Chúa Kitô, một cuộc hiệp thông được Mẹ Maria sống, một cuộc hiệp thông hiện diện thân mật nơi các mầu nhiệm đời sống Con Mẹ. “Không có gì nơi Kitô hữu làm cho chúng ta hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu Kitô và Người Mẹ thánh của Người hơn là việc làm nô lệ của ý muốn, theo gương của chính Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã mace lấy thân phận tôi đòi vì yêu thương chúng ta” – forman servi accipiens – “cũng như theo gương của Vị Trinh Nữ thánh đức đã nhận mình là tôi tớ và nữ tì của Chúa (Lk 1:38). Thánh Tông Đồ nói về mình là ‘nô lệ của Chúa Kitô’ (servus Christi) như thể danh xưng này là một cái gì vinh dự vậy. Kitô hữu cũng thường được gọi như thế trong Sách Thánh” (cf. Treatise on True Devotion, n. 72). Thật thế, Người Con Thiên Chúa, Đấng đã đến thế gian vì vâng lời Cha nơi mầu nhiệm Nhập Thể (x Heb 10:7), sau đó đã hạ mình tuân phục cho đến chết và chết trên thập giá (x Phil 2:7-8). Mẹ Maria đã đáp lại ý muốn của Thiên Chúa bằng tất cả việc hiến dâng bản thân mình, cả xác lẫn hồn, vĩnh viễn, từ lúc Truyền Tin tới Thập Giá và từ Thập Giá tới Mông Triệu. Dĩ nhiên, việc tuân phục của Chúa Kitô và việc vâng lời của Mẹ Maria không phải là những gì cân xứng với nhau, vì tính cách khác biệt về bản thể giữa Ngôi Vị thần linh của Người Con và ngôi vị nhân loại của Mẹ Maria. Điều này cũng cho thấy tính cách duy nhất nơi tác hiệu cứu độ trọng yếu xuất phát từ việc tuân phục Chúa Kitô là Đấng nhờ Người mà Mẹ của Người đã nhận được ân sủng để có thể hoàn toàn tuân phục Thiên Chúa và cộng tác vào sứ vụ của Con Mẹ.
Việc nô lệ tình yêu bởi thế cần phải được giải thích theo chiều hướng của việc trao đổi tuyệt vời này giữa Thiên Chúa và nhân loại trong mầu nhiệm Lời nhập thể. Đó là việc trao đổi thực sự của tình yêu giữa Thiên Chúa và tạo vật của Ngài trong cuộc hoàn toàn hiến mình cho nhau. ‘Tinh thần (của việc tôn sùng này) là ở chỗ: về bề trong chúng ta lệ thuộc vào Mẹ Maria Rất Thánh; chúng ta là thành phần nô lệ của Mẹ Maria, và qua Mẹ là nô lệ của Chúa Giêsu’ (The Secret of Mary, n. 44). Nghịch thường thay, ‘mối liên hệ đức ái’ này, ‘việc nô lệ tình yêu’ này, lại làm cho con người được hoàn toàn tự do, một thứ tự do thực sự của thành phần con cái Thiên Chúa (cf. Treatise on True Devotion, n. 169). Nó là vấn đề hoàn toàn hiến thân cho Chúa Giêsu, bằng việc đáp ứng thứ Tình Yêu được Ngài yêu thương chúng ta trước. Những ai sống trong tình yêu này có thể nói cùng với Thánh Phaolô rằng: ‘không phải là tôi sống nữa mà là Chúa Kitô sống trong tôi’ (Gal 2:20).
(còn tiếp)