GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 CHÚA NHẬT 30/4/2006

 TUẦN III PHỤC SINH

 

?  Chúa Nhật một tổng hợp đời sống Kitô hữu và là một điều kiện sống tốt lành (ĐTC GPII: Tông Thư Ngày Của Chúa - DIES DOMINI)

?  Năm câu vấn đáp giữa giới trẻ và Giáo Hoàng Biển Đức XVI ngày Thứ Năm 6/4/2006 tại Quảng Trường Thánh Phêrô dịp sửa soạn cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới XXI 9/4 ở Giáo Phận Địa Phương

?  LÀM CON PHẢI HIẾU

 

 

?  Chúa Nhật một tổng hợp đời sống Kitô hữu và là một điều kiện sống tốt lành (ĐTC GPII: Tông Thư Ngày Của Chúa - DIES DOMINI)

81.          Các kho tàng về tinh thần và mục vụ của Ngày Chúa Nhật, như nó đã được truyền thống lưu lại cho chúng ta, thật sự là to lớn. Một khi hoàn toàn hiểu được tính cách quan trọng và ý nghĩa của nó thì Chúa Nhật, một cách nào đó, trở thành một tổng hợp đời sống Kitô hữu và là một điều kiện sống tốt lành. Bởi thế mới thấy được lý do tại sao việc giữ Ngày của Chúa rất thân thương với Giáo Hội, và tại sao theo luật lệ của Giáo Hội nó vẫn là một điều thực sự buộc phải làm. Tuy nhiên, việc tuân giữ này cần phải được coi như là một nhu cầu xuất phát từ thẳm cung của đời sống Kitô hữu, hơn là một qui luật. Vấn đề hết sức quan trọng ở đây là tất cả mọi tín hữu cần phải thâm tín rằng họ không thể nào sống niềm tin của mình hay tham dự một cách trọn vẹn vào đời sống của cộng đồng Kitô Giáo trừ phi họ thường xuyên tham dự vào việc qui tụ cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật. Thánh Thể là việc hoàn toàn hiện thực việc tôn thờ nhân loại cần phải tỏ ra đối với Thiên Chúa, và nó không thể nào so sánh với bất cứ một cảm nghiệm về tôn giáo nào khác. Việc thể hiện đặc biệt hiệu năng của điều này đó là việc cả cộng đồng qui tụ vào Ngày Chúa Nhật, lắng nghe lời của Chúa Kitô Phục Sinh là Đấng kêu gọi tín hữu qui tụ lại để ban cho họ ánh sáng lời Người và dưỡng chất Mình Người như một mạch nguồn vĩnh viễn về bí tích của ơn cứu chuộc. Ân sủng tuôn ra từ mạch nguồn này là những gì canh tân nhân loại, sự sống và lịch sử.

82.          Chính vì tin tưởng mạnh mẽ xác tín và ý thức về gia sản của các thứ giá trị nhân bản bao hàm trong việc giữ Ngày Chúa Nhật, mà Kitô hữu ngày nay cần phải đương đầu với những thứ du dỗ của một nền văn minh hưởng ứng những lợi ích của việc nghỉ ngơi và thời giờ tự do, thế nhưng lại là một thứ văn minh thường sử dụng những thứ ấy một cách nhẹ dạ nông nổi và có những lúc còn bị lôi cuốn bởi những hình thức tiêu khiển có vấn đề về luân lý. Thật ra Kitô hữu cũng không khác với người khác về việc hoan hưởng ngày nghỉ ngơi hằng tuần; thế nhưng họ đồng thời ý thức rõ ràng về tính cách đặc thù và nguyên tuyền của Ngày Chúa Nhật, một ngày họ được kêu gọi để cử hành việc cứu độ của họ và việc cứu độ của toàn thể nhân loại. Chúa Nhật là ngày vui mừng và là ngày nghỉ ngơi chính bởi vì nó là “Ngày của Chúa”, ngày Chúa Phục Sinh.

83.          Được hiểu và sống như thế, Chúa Nhật, một cách nào đó, trở thành hồn sống của các ngày khác, nhờ đó, chúng ta có thể nhớ lại cái minh thức của Origen rằng người Kitô hữu trọn lành ‘bao giờ cũng giữ Ngày của Chúa và bao giờ cũng cử hành Ngày Chúa Nhật’ (131). Chúa Nhật là một học đường thực sự, một chương trình kéo dài cho việc giáo dục của Giáo Hội – một khoa giáo dục bất khả thay thế, nhất là với những điều kiện xã hội hiện nay càng ngày càng bị phân mảnh và đa văn hóa liên lỉ thử thách lòng trung thành của cá nhân người Kitô hữu đối với những đòi hỏi cụ thể theo đức tin của họ. Ở nhiều phấn đất trên thế giới, chúng ta thấy một thứ Kitô Giáo “lưu vong”, một Kitô Giáo bị thử thách vì thành phần môn đệ Chúa Kitô phân tán không còn dễ dàng bảo tồn việc liên hệ với nhau nữa, và thiếu sự nâng đỡ về các cơ cấu và truyền thống hợp với văn hóa Kitô Giáo. Trong tình trạng khó khăn như thế, cơ hội đến với nhau vào Ngày Chúa Nhật, trao đổi các tặng ân của tình huynh đệ, là một sự hỗ trợ bất khả châm chước.

(còn tiếp vào mỗi Chúa Nhật)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ văn khố điện toán toàn cầu của Tòa Thánh: http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/apost_letters/documents/hf_jp-ii_apl_05071998_dies-domini_en.html

 

 

TOP

 

 

 ?  Năm câu vấn đáp giữa giới trẻ và Giáo Hoàng Biển Đức XVI ngày Thứ Năm 6/4/2006 tại Quảng Trường Thánh Phêrô dịp sửa soạn cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới XXI 9/4 ở Giáo Phận Địa Phương

 

Theo chiều hướng đi sâu vào lòng người bằng việc đối thoại với moị thành phần dân Chúa, chẳng hạn vào ngày 15/10/2005 ở Quảng Trường Thánh Phêrô với 7 em trong thành phần thiếu nhi rước lễ lần đầu trong năm đó, hay với 5 vị linh mục thuộc hàng giáo sĩ Giáo Phận Rôma ngày 2/3/2006 tại Sảnh Đường Phúc Đức, Giáo Hoàng Biển Đức XVI, một thần học gia kiêm giáo sư thần học lâu năm, đã tiếp tục chiều hướng này với giới trẻ vào ngày Thứ Năm 6/4/2006 tại Quảng Trường Thánh Phêrô nhân dịp sửa soạn cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới XXI (Chúa Nhật Lễ Lá 9/4) ở Giáo Phận Địa Phương. Sau đây là 5 câu vấn đáp giữa ngài và giới trẻ.

 

Vấn 1:             Tâu Đức Thánh Cha, tên con là Simone và con thuộc Giáo Xứ Thánh Bathômêô. Con năm nay 21 tuổi và đang học ngành kỹ sư hóa học ở Đại Học La Sapienza Rôma.

 

Trước hết, con xin cám ơn Đức Thánh Cha về việc Đức Thánh Cha nói với chúng con sứ điệp cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới XXI về đề tài lời Chúa sáng soi đường đi nước bước của nhân loại qua cuộc đời.

 

Trước những lo âu và bất định về tương lai, thậm chí chỉ nguyên việc con đang phải vật lộn với nhịp sống hằng ngày, con cũng cảm thấy nhu cầu cần phải được nuôi dưỡng bởi lời Chúa và cần phải nhận biết Chúa Kitô hơn, nhờ đó mới có thể tìm thấy những giải đáp cho những vấn nạn của con.

 

Con thường tự hỏi Chúa Giêsu sẽ làm gì ở vào trường hợp của con, thế nhưng con vẫn không thể nào hiểu được những gì Thánh Kinh muốn nói với con. Ngoài ra, con biết rằng các cuốn sách Thánh Kinh được viết bởi thành phần khác nhau thuộc các thời đại khác nhau, dù sao cũng rất cách xa con. Vậy thì làm sao con có thể hiểu được rằng những gì con đọc tuy nhiên cũng là lời Chúa, lời đặt vấn đề với cuộc sống của con? Con xim cám ơn Đức Thánh Cha. 


Đáp:   Để bắt đầu, cha sẽ trả lời bằng việc nhấn mạnh đến điểm thứ nhất: Trước hết cần phải nói rằng người ta không được đọc Thánh Kinh như đọc bất cứ một loại sách lịch sử nào, chẳng hạn như của Homer, Ovid hay Horace; thật sự cần phải đọc Thánh Kinh như lời Chúa, tức là tiến tới việc đàm thoại với Chúa.

 

Người ta cần phải bắt đầu bằng việc cầu nguyện và nói cùng Chúa rằng: “Xin hãy mở cửa cho con”. Và những gì được Thánh Âu Quốc Tinh thường nói trong các bài giảng của ngài: “Con gõ cửa lời để cuối cùng tìm thấy những gì Chúa muốn nói với con”, đối với tôi, dường như là một vấn đề rất quan trọng. Người ta không được đọc Thánh Kinh một cách học thức, mà bằng việc nguyện cầu, thân thưa cùng Chúa rằng: “Xin hãy giúp con hiểu được lời Chúa, hiểu được những gì Chúa muốn nói với con ở đoạn này”.

 

Điểm thứ hai đó là: Thánh Kinh là những gì dẫn con người đến chỗ hiệp thông với gia đình của Thiên Chúa. Bởi thế, người ta không được đọc Sách Thánh một mình. Dĩ nhiên là bao giờ cũng cần phải đọc Thánh Kinh một cách riêng tư, bằng cuộc đối thoại riêng tư với Chúa; thế nhưng đồng thời cũng cần phải đọc Thánh Kinh theo nhóm là nơi chúng ta có thể tiến triển nhờ sự giúp đỡ của các vị đại sư phụ về “việc đọc sách thánh – lectio divina”.

 

Chẳng hạn chúng ta có nhiều cuốn sách hay của Đức Hồng Y Martini, một bậc sư phụ thực sự của “việc đọc sách thánh”, vị giúp chúng ta tiến vào sự sống của Thánh Kinh. Tuy nhiên, ai là người hoàn toàn thông thuộc tất cả mọi trạng huống lịch sử, tất cả mọi yếu tố đặc biệt trong quá khứ thì cũng luôn cởi mở để chứng tỏ rằng những lời có vể thuộc về quá khứ cũng là những lời của hiện tại.

 

Những vị sư phụ này giúp chúng ta hiểu hơn cũng như học cách để làm sao giải thích Thánh Kinh một cách thích đáng. Ngoài ra, nói chung cũng thích hợp thực hiện việc đọc Thánh Kinh với bạn bè là thành phần cùng tiến bước với tôi, thành phần đang cùng với tôi kiếm cách để có thể sống với Chúa Kitô, để tìm thấy một sự sống tuyệt vời do lời Chúa mang lại cho chúng ta.

 

Điểm thứ ba đó là: Nếu cần phải đọc Thánh Kinh với sự hỗ trợ của các bậc thày và cùng với bạn bè, thành phần cùng tiến bước, thì cũng đặc biệt cần phải đọc Thánh Kinh trong đại cộng đồng dân Chúa lữ hành, tức là trong Giáo Hội.

 

Thánh Kinh có hai chủ thể. Trước hết và trên hết là chủ thể thần linh đó chính là Thiên Chúa, Đấng phán dạy. Tuy nhiên, Thiên Chúa muốn con người tham dự vào lời của Ngài. Trong khi những người Hồi Giáo tin rằng Sách Kinh Koran được Thiên Chúa linh ứng bằng lời nói, thì chúng ta lại tin rằng, Thánh Kinh – như các thần học gia nói – có tính chất “synergy”, tức là tính chất hợp tác giữa Thiên Chúa và con người.

 

Thiên Chúa muốn con người tham dự vào lời của Ngài mà chủ thể thứ hai là con người – chủ thể thứ nhất như tôi đã nói là Thiên Chúa. Có những cá vị trước tác, thế nhưng vẫn có sự liên tục về một chủ thể thường hằng – đó là dân Chúa là thành phần tiếp tục cuộc hành trình bằng lời Chúa và bằng việc đàm đạo với Chúa. Nhờ việc lắng nghe Chúa, người ta biết lắng nghe lời Chúa để rồi cũng biết dẫn giải lời Chúa. 

 

Như thế, lời Chúa trở thành hiện tại, vì những ngôi vị cá thể qua đi nhưng chủ thể sống động là dân Chúa vẫn luôn sống còn và là một chủ thể trải qua các thiên kỷ: Lời Chúa bao giờ cũng sống trong cùng một chủ thể sống động.

 

Điều này cũng cho thấy được nhiều cấu trúc của Thánh Kinh, nhất là của việc được gọi là đọc lại Thánh Kinh. Một cuốn sách cổ thời được đọc lại nơi một cuốn sách khác, chẳng hạn viết 100 năm sau đó, và những gì đã không thể nào hiểu được vào thời điểm xa xưa ấy, cho dù chúng đã được chất chứa nơi cuốn sách trước đó, đã hiểu được một cách sâu xa.

 

Và chính việc đọc lại, đọc lại sau các thời đại, mà một lần nữa, thấu hiểu được những khía cạnh khác, những chiều kích khác của lời Chúa. Bởi vậy mà Thánh Kinh đã tiến triển, nơi việc mãi mãi đọc lại và viết lại theo chiều hướng liên tục sâu xa, theo một tiến trình liên tục của các thời điểm đợi trông.

 

Cuối cùng, với việc Chúa Kitô xuất hiện và cảm nghiệm của các vị tông đồ, lời Chúa trở thành vĩnh viễn. Do đó, không còn viết lại Thánh Kinh hơn được nữa, nhưng vẫn cần đến việc chúng ta tiếp tục hiểu biết sâu xa hơn. Chúa Kitô đã phán: “Thánh Thần sẽ dẫn chúng con vào những tầng sâu thẳm mà giờ đây các con không thể nào dò thấu”.

 

Như thế, mối hiệp thông của Giáo Hội là chủ thể sống động của Thánh Kinh. Tuy nhiên, cả ở đây nữa, chủ thể chính vẫn là chính Chúa, Đấng tiếp tục phán dạy qua Thánh Kinh là cuốn sách chúng ta đang có trong tay.

 

Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải học biết thực hiện ba điều sau đây: đó là việc đọc Thánh Kinh một cách đàm thoại tư riêng với Chúa; đọc Thánh Kinh theo sự hướng dẫn của các bậc thày có kinh nghiệm về đức tin, thành phần thấu đáo Thánh Kinh, và đọc Thánh Kinh với đại gia đình Giáo Hội là nơi phụng vụ không thôi hiện hữu hóa những biến cố và là nơi Chúa nói với chúng ta hôm nay đây.

 

Nhờ đó chúng ta mới từ từ tiến sâu hơn nữa vào Thánh Kinh là nơi Thiên Chúa thực sự nói với chúng ta hôm nay đây

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 23-24/4/2006

 

 

TOP

 

 

?   LÀM CON PHẢI HIẾU

 

Trần Mỹ Duyệt

 

“Thứ Bốn thảo kính cha mẹ”. Thử hỏi có Kitôi hữu nào mà không một lần đọc hoặc nghe câu này. Vậy mà trong đời sống thực hành, nhiều người đã coi như chưa bao giờ nghe và chưa bao giờ đọc nó cả.

 

Những chuyện chửi cha, mắng mẹ. Những chuyện khinh thường và bất kính với cha mẹ là những chuyện xảy ra thường ngày như cơm bữa, đặc biệt, trong bối cảnh xã hội thời nay. Cây thơ sau đây không chỉ đúng ở vào thời điểm 40, 50, mà ngay trong thời đại của chúng ta:

 

“Nhà kia lỗi đạo, con khinh bố.

Mụ nọ chanh chua, vợ chửi chồng”

(Tú Xương)

 

Đâu đâu và hầu như trong mọi câu chuyện mà các phụ huynh lớn tuổi nói về con cái, thường bao giờ cũng kèm theo lời ca thán, phàn nàn. Ngược lại, khi các thanh thiếu niên nói đến cha mẹ mình thì cũng lại phàn nàn, ca thán. Những kinh nghiệm này tôi đã tiếp nhận được bằng những va chạm thường ngày trong nghề nghiệp của mình. Và mới đây qua báo chí và truyền thông, tôi đọc được câu truyện một người con đã giết chết mẹ mình, chặt đầu, chặt chân tay và xẻ thịt mẹ mình đem nướng chín để vào tủ lạnh vì sợ rằng để ở ngoài sẽ bị hôi thối và bị lộ tẩy. Rốt cuộc đứa con có máu lạnh này cũng sa lưới pháp luật. Những điều này càng làm cho tôi thâm tín hơn giới luật “thảo kính cha mẹ”, mà Chúa đã truyền cho con người.

 

1. Ảnh hưởng băng hoại của xã hội

 

Nghĩ đến những đối xử tàn tệ với cha mẹ, tự nhiên tôi lại nghĩ thêm về điều mà ta gọi là “nhân quả”, là “quả báo”, khi thấy cha mẹ thời nay “giết” con mình một cách không gớm tay. Giết một cách tàn bạo. Giết không những một đứa, mà có khi hai hoặc ba đứa. Đó là những vụ phá tha, giết thai nhi một cách công khai hay lén lút. Tôi muốn nhắc lại kết quả khảo cứu mà các nhà xã hội và tâm lý gần đây cho biết, đó là quan niệm ngày nay, không mấy ai cho hành động phá thai là một hành động giết người và tội lỗi nữa. Mặc cảm tội lỗi do hành động phá thai đã bị loại khỏi danh sách những hội chứng tâm lý. Khoảng chừng gần 20 năm trước, khi đề cập đến việc giết thai nhi, các nhà tâm lý đã liệt kê nó là một hội chứng tâm bệnh. Các phụ nữ thời đó cũng cùng một quan niệm như vậy. Nhiều phụ nữ sau khi phá thai đã đau khổ và hối hận suốt đời. Một vài người đã rơi vào tình trạng tâm bệnh vì những ảnh hưởng dồn nén và hối hận. Trái lại, ngày nay hành động phá thai đối với nhiều phụ nữ được coi như một động tác đau bụng và đi cầu. Có nghĩa là chỉ nhói đau dăm ba phút để rồi sau đó thấy mình nhẹ nhõm, quẳng đi được “cái của nợ” mà mình đã không may vướng vào. Cha mẹ thời nay, ở một nghĩa nào đó, quả thật có quá nhiều tội lỗi đối với con cái. Tuy Thượng Đế không liệt kê những tội danh nào mà cha mẹ đã làm đối với con cái, nhưng ít nhất những hành động sau đây là những gì vẫn thường xẩy ra mà cha mẹ đã làm đối với con cái:

 

1. Phá thai: Mỗi năm có bao nhiêu triệu, triệu thai nhi bị giết. Ai giết và giết bằng cách nào thì những phụ huynh đã trải qua những lần phá thai đều biết. Đây là một tội danh ghê tởm nhất mà những kẻ làm cha mẹ có thể làm cho con cái. Tội danh này đến các loài thú vật cũng không làm cho con cái mình, ngoại trừ con người.

 

2. Thiếu trách nhiệm giáo dục: Trong bổn phận làm cha mẹ, rất nhiều phụ huynh đã bỏ rơi con cái mà không hề để ý quan tâm giáo dục chúng. Điều này đã được kiểm chứng qua những hồ sơ phạm pháp của các em tuổi vị thành niên. Có thể nói, đến 99% các vụ phạm pháp của các trẻ em tuổi này có xuất xứ từ một ảnh hưởng giáo dục xấu trong gia đình, đặc biệt, là ảnh hưởng của cha mẹ.

 

Không những lơ là việc giáo dục, nhiều phụ huynh còn hành hạ và ức chế con cái mình về tinh thần cũng như thể xác. Đánh đập, hành hạ, và khủng bố tâm lý. Nhiều em đã mất hẳn tình cảm đối với gia đình và cha mẹ vì bị những ảnh hưởng trầm trọng về tâm lý dưới sức khống chế độc đoán của người cha hay người mẹ, hoặc cả hai.

 

3. Bỏ rơi con cái: Hành động bở rơi ở đây không chỉ có trong lãnh vực tâm lý mà còn ở trong lãnh vực thể xác nữa. Những văn phòng xã hội, những hiệp hội bảo vệ trẻ em ngày đêm hoạt động. Những tổ chức buôn bán trẻ vị thành niên, tất cả ít nhiều đều liên quan đến việc bỏ rơi con cái của nhiều phụ huynh.

 

4. Con cái gánh tội cha mẹ: Những cha mẹ nghiện hút, rượu chè. Những cha mẹ ngày đêm hoang phí sức lực và tinh thần mình bằng việc sử dụng cần sa, ma tuý, và trác táng dục tình. Họ không hề nghĩ rằng qua những hành động ích kỷ ấy, những đứa con bệnh hoạn đang chuẩn bị vào đời sẽ phải gánh lấy hậu quả những hành động của họ. Hội chứng Down Syndrome, Cerebral Palsy, Mental Retardation, Autism, schizophrenia, buồn chán, tự tử, hay các tâm bệnh khác đều bắt nguồn từ những hậu quả mà những cha mẹ vô trách nhiệm đã để lại cho con cái mình.

 

Cũng chính vì thế, mà tình trạng hành hung, đối xử tàn tệ với người già cả, lớn tuổi ngày nay đang trở thành một hành động bình thường. Những người già cả, lớn tuổi ở các nước Âu Mỹ, nhất là nước Mỹ không mong gì được sự kính nể, nhường bước của giới trẻ như những gì chúng ta thường nghe và thấy ở những quốc gia như Việt Nam. Tuy nhiên, tại Việt Nam lúc này cái hậu quả của “quả báo” kia xem ra cũng khá nhiều và khá trầm trọng, vì rằng tỷ số phá thai ở Việt Nam bây giờ được coi như nhất nhì Đông Nam Á.

 

2. Đạo hiếu và giới răn thứ 4:

 

Tuy nhiên, giới luật của Chúa vẫn là “đèn soi lối con đi”, và vẫn là những gì mà “một chấm, một phẩy cũng không qua đi”. Và vì thế, bổn phận người làm con vẫn là phải làm thế nào để đáp lại công ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ.

Chúng ta được sinh ra làm người, và đặc biệt hơn là người Công Giáo. nhân dịp tháng Năm, tháng hoa kính Đức Mẹ, và cũng có ngày hiền mẫu, chúng ta hãy cùng nhau suy tư về một số quan điểm thần học Kitô Giáo đối với nền văn hoá dân tộc, ứng dụng vào hành động thảo hiếu không chỉ dành riêng cho người mẹ mà cả cha lẫn mẹ.

 

Tại Việt Nam do ảnh hưởng của Nhọ Học, hiếu thảo không còn thuầy túy chỉ là một hành động có tính cách đạo đức xã hội, mà còn được gọi là một đạo: Đạo hiếu. Nhà nào cũng có bàn thờ tổ tiên, nhang khói, và hoa quả. Điều đó nói lên rằng, với truyền thống văn hóa từ lâu đời, người Việt chúng ta vẫn sống và thực hành đức hiếu thảo một cách hết sức cung kính và trang trọng, không chỉ có tính cách xã hội mà còn đi vào tâm thức tâm linh và cuộc sống nội tâm của con người nữa. Do đó, việc bất kính hay hành động bất hiếu với cha mẹ được coi như một trọng tội. Điều này không khác với những gì mà Thiên Chúa đã truyền dậy cho con người qua quan niệm thần học Kitô Giáo.: “Thứ Bốn thảo kính cha mẹ”.

 

Trước đây, do sự hiểu lầm và cắt nghĩa một chiều của một số nhà truyền giáo, Đạo Công Giáo đã được coi như một tà đạo, một đạo ngoại lai chối bỏ cội nguồn, bất hiếu, vì đã chối bỏ hành động tôn kính tổ tiên.

 

Thật ra như vừa trình bày do hai cái nhìn và hai quan niệm mới gặp nhau nên sự hiểu lầm đã xẩy ra và ảnh hưởng ác cảm cũng phần nào đi vào với lối sống đạo và suy tư của một phần các tín hữu Kitô Giáo Việt Nam.

 

Nhưng nếu chúng ta để ý đọc và suy niệm lời Chúa, và nhất là sống lời Chúa, thì chúng ta sẽ thấy rằng không phải chỉ trong giáo thuyết của Ngài, mà chính Chúa Giêsu đã làm gương thực hành đạo hiếu một cách trọn vẹn và đầy đủ nhất. Hiếu thảo đối với Cha Trên trời. Hiếu thảo đối với hiền mẫu mình là Maria, và hiếu thảo với Thánh Phụ Giuse, Cha nuôi công chính của Ngài. Thánh Kinh đã ghi rõ: “Ngài theo ông bà trở về Nazareth, và vâng phục các ngài” (Luca 2:51). Ý ám chỉ sau biến cố lạc nhau ở đền thờ Giêrusalem, và sau khi cha mẹ Ngài tìm gặp Ngài, thì Ngài đã trở về nhà vâng phục cha mẹ mình. Và khi nói đến kết quả của sự vâng phục và hiếu kính ấy, Thánh Kinh đã ghi rõ: “Phần mình, Giêsu lớn lên khẻo mạnh, khôn ngoan và đầy ân sủng trước mặt Thiên Chúa và con người” (Luca 2:52). Điều này nói lên rằng Chúa Giêsu có lớn lên, khỏe mạnh, khôn ngoan và đầy ơn sủng Thiên Chúa, chính là vì Ngài là một người con có hiểu và vâng phục.

 

10 điều luật mà Thiên Chúa đã ban cho Maisen để làm tiêu chuẩn và thước đo sự thánh đức của mỗi người, trong đó có luật: “Hãy thảo kính cha mẹ”. Điều luật này, Ngài xếp thứ 4 sau ba điều dành ưu tiên cho Ngài. Theo truyền thống văn hóa Việt Nam, và nhất là khi nghĩ tới giới luật thứ 4 của Thiên Chúa, chúng ta cũng cần phải suy nghĩ và tự hỏi: “Giới luật thứ 4 là thảo kính cha mẹ” đối với tôi có nghĩa gì? Có bao giờ tôi nghĩ rằng nếu phạm 1 trong những giới luật của Thiên Chúa như bỏ lễ Chúa Nhật, tà dâm, gian dối, và ngoại tình với vợ chồng người sẽ đem tôi vào hỏa ngục, thì liệu việc tôi bất hiếu, bất kính với cha mẹ tôi có đủ lý để đưa tôi vào hỏa ngục hay không? Hay nếu tôi không muốn nhìn khía cạnh này bằng cặp mắt bi quan, và tiêu cực, thì liệu tôi có bao giờ nghĩ rằng những lời nói, hành động, và tâm tư tôi đối với cha mẹ mình cũng sẽ là một phần phúc cho chính cuộc đời của mình và con cháu mình sau này không?

 

3. Hãy thảo kính cha mẹ:

 

Một trong những việc làm hiếu thảo nhất là sống sao nên người con của cha mẹ. Đừng để vì mình mà cha mẹ bị mang tiếng xấu và tủi hổ. Trong Nho Giáo, vì mình mà để cho người khác xúc phạm đến cha mẹ mình là một tội bất hiếu.  Riêng đối với Công Giáo, và theo tinh thần giới răn thứ 4, thì việc bất hiếu, bất kính và coi thường cha mẹ không chỉ là một trọng tội mà nó còn có khả năng đẩy ta xuống hỏa ngục, như đã trình bày trên.

 

Chúng ta thấy một hình ảnh tương phản này, là khi con còn bé thơ, cha mẹ mong cho con chóng biết đi, biết chạy. Khi còn tập tễnh bước những bưóc đầu đời cha mẹ theo sát để bảo vệ. Nếu không may, con vấp ngã thì chính cha mẹ là người cảm cái đau trước khi con cất tiếng khóc. Nhưng khi về già, con cái đi trước, cha mẹ già lủi thủi theo sau. Và nếu không theo kịp sẽ bị con quay lại mắng vốn: “Đi đứng gì mà chậm chạp, và lâu la thế”. Qua cái nhìn của giới răn thứ 4, và qua cái nhìn của Đạo Hiếu, chúng ta, những người con hãy nghĩ xem rằng mình phải có bổn phận hiếu thảo đối với cha mẹ như thế nào?

 

1. Trọng kính vâng lời khi còn bé: Điều này cũng áp dụng cả khi chúng ta đã khôn lớn. Hành động trọng kính và vâng lời là hành động của những người con, dù những người con ấy là bất cứ ai và ở vào tuổi tác nào. 

 

2. Giúp đỡ an ủi khi cha mẹ khi già yếu: Sự giúp đỡ không chỉ nhằm tới tính cách vật chất, mà còn cả về mặt tâm lý và tinh thần.

 

3. Đừng để vì mình mà cha mẹ bị người đời khinh dể.

 

4. Cầu nguyện cho cha mẹ khi các ngài đã qua đời: Không phải chỉ là mỗi năm một lần xin lễ, mà là mọi ngày trong lời kinh nguyện của chúng ta.

 

5. Nhắc nhớ về cội nguồn: Nhiều gia đình treo đầy các thứ hình ảnh, nhưng không có một hình ảnh cha mẹ, ông bà nào được treo lên để con cháu biết mà hãnh diện về nguồn gốc của mình.

 

6. Bảo tồn ngôn ngữ: Đối với những người Việt tha hương thì vấn đề ngôn ngữ vẫn là một trăn trở lớn lao mà các bậc phụ huynh cần để ý. Chúng ta không thể nào nghĩ rằng con cái mình sẽ duy trì được truyền thống và tinh thần văn hóa của minh, khi chúng không biết đọc, không biết viết, và không biết nói tiếng Việt.

 

 

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ