GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ TƯ 10/5/2006 TUẦN IV PHỤC SINH |
? Kỷ Niệm 25 Năm Biến Cố Đức Gioan Phaolô II Bị Ám Sát: Thánh Tượng Mẹ Fatima Về Vatican và Tượng Đức Gioan Phaolô Ở Tô Cách Lan
? “Lời Kêu Gọi Hòa Bình” của các thành phần Đại Biểu Tôn Giáo trong Cuộc Họp Quốc Tế 2006 Nguyện Cầu Cho Hòa Bình tại Washington, DC, Hoa Kỳ
? Hiện Tượng Hồi Giáo Nổi Loạn: Nguyên Nhân và Nội Dung của Vấn Đề – Làm sao để phòng chống
Ngày 13/5/2006 tới đây chẳng những là ngày Lễ Mẹ Fatima của Giáo Hội Hoàn Vũ mà còn là ngày kỷ niệm biến cố định mệnh của riêng Đức Gioan Phaolô II và chung thế giới liên quan đến Đông Âu và Nước Nga trở lại.
Đúng thế, nếu Tượng Mẹ Fatima ở Linh Địa Thánh Mẫu Fatima đã được mang về Giáo Đô Vatican ngày 25/3/1984 để Đức Gioan Phaolô II hiệp cùng với tất cả các vị giám mục trên thế giới hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ thế nào, thì ngày 13/5/2006 này, ngày kỷ niệm Đức Gioan Phaolô II bị ám sát song không chết, cũng vậy, Thánh Tượng Mẹ Fatima được mang từ Linh Địa Thánh Mẫu Fatima về Giáo Đô Vatican một lần nữa.
Thánh Tượng Mẹ này sẽ được cung nghinh bằng một chiếc trực thăng đến Vatican vào chiều Thứ Bảy 13/5 ở Castel Sant’Angelo. Từ đó, đoàn hành hương sẽ được Đức Hồng Y Ivan Dias ở Bombay đến nghênh đón Thánh Tượng rồi kiệu về Đền Thờ Thánh Phêrô qua con đường Via della Conciliazione.
Khi băng ngang qua Quảng Trường Thánh Phêrô, đoàn kiệu sẽ dừng lại ở vị trí Đức Gioan Phaolô II bị ám sát. Đức Hồng Y Camillo Ruini, chủ tịch Công Cuộc Hành Hương Của Người Rôma và là vị đại diện Giáo Hồng ở Rôma sẽ chủ tế Thánh Lễ ở Đền Thờ Thánh Phêrô. Sau đó, việc cử hành sẽ được chấm dứt bằng cuộc bắn pháo bông ở Quảng Trường Thánh Phêrô để tôn vinh Đức Gioan Phaolô II.
Theo thông báo gửi cho mạng điện toán toàn cầu Zenit (được mạng điện toán này phổ biến hôm 9/5/2006) của cơ quan Công Cuộc Hành Hương Của Người Rôma thì biến cố này là để nhắc lại “mối liên hệ bất khả phân ly” giữa “Giáo Hoàng Karol Wojtyla và Đức Trinh Nữ Maria”. “Đức Gioan Phaolô II đã nói: ‘Một bàn tay đã bấm cò súng; một bàn tay khác đã làm lệch đi viên đạn’. Thật là đặc biệt khi Đức Gioan Phaolô II muốn dâng một trong những viên đạn do Ali Agca bắn ra cho Trinh Nữ Fatima và viên đạn này được gắn vừa vặn lên triều thiên của Đức Nữ Trinh, như thể đã được ấn định như thế vậy”.
Cũng vào ngày Thứ Bảy 13/5/2006 đặc biệt này, tại Tô Cách Lan, một bức tượng Đức Gioan Phaolô II cũng được làm phép bởi Giám Mục Joseph Devine ở Motherwell, có Đức Tổng Giám Mục hưu trí Szczepan Wesoly đặc trách di dân Balan và linh mục Marian Antoni Lakawa đại diện cộng đồng Balan ở Tô Cách Lan tham dự. Bức tượng này được nhóm lo về dự án mục vụ Giáo Xứ Thánh Phanxicô Xavier ở Carfin thực hiện.
Nghệ sĩ đắp bức tượng này là Tom Allan. Phát ngôn viên của nhóm này là Tommy Hughes cho biết “Việc nắm được yếu tính của Đức Gioan Phaolô II là một việc rất ư là khó khăn nhưng chúng tôi cảm thấy Tom Allan đã thắng vượt được cái thách đố này”. Vị phát ngôn viên này còn cho biết thêm rằng giáo triều của Đức Gioan Phaolô II “đã có một ảnh hưởng toàn cầu. Ngài rất quan trọng đối với chúng tôi vì chuyến tông du năm 1982 của ngài tới Tô Cách Lan”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 9/5/2006, trừ 2 đoạn đầu
? “Lời Kêu Gọi Hòa Bình” của các thành phần Đại Biểu Tôn Giáo trong Cuộc Họp Quốc Tế 2006 Nguyện Cầu Cho Hòa Bình tại Washington, DC, Hoa Kỳ
Sau đây là nguyên văn Lời Kêu Gọi Hòa Bình được phổ biến ngày 27/4/2006 của thành phần tham dự viên thuộc các tôn giáo khác nhau hiện diện trong Cuộc Họp Quốc Tế 2006 Nguyện Cầu Cho Hòa Bình được tổ chức ở Washington DC, bởi Tổng Giáo Phận Washington, Đại Học Georgetown, Đại Học Công Giáo Hoa Kỳ, và Cộng Đồng Sant’Egidio ở Rôma, với mục đích để tiếp tục ‘Tinh Thần Assisi’ được Đức Gioan Phaolô II phát động.
Lời Kêu Gọi Hòa Bình
Chúng tôi là những con người nam nữ của các tôn giáo khác nhau từ các lục địa khác nhau trên thế giới qui tụ lại ở Hoa Kỳ lần đầu tiên theo nhiệt tình thiêng liêng của ‘tinh thần Assisi’. Ở Washington này, chúng tôi đã nguyện cầu, chúng tôi đã đối thoại trao đổi, và chúng tôi đã cầu khẩn Thiên Chúa ban đại tặng ân hòa bình.
Chúng tôi cũng lắng nghe những lời nguyện cầu của nhiều người yêu cầu thực hiện một cuộc toàn cầu hóa về tình đoàn kết; chúng tôi đã nghe tiếng kêu gọi của họ trong việc khắc phục nạn nghèo khổ. Qua chứng từ của nhiều người, chúng tôi đã nghe thấy tiếng cầu khẩn. Nó xuất phát từ những nạn nhân của những cuộc bạo động, cũng như từ những nạn nhân của nạn khủng bố và chiến tranh; nó phát xuất từ những ai thiếu thốn ngay cả những quyền lợi căn bản nhất của con người, quyền được chăm sóc về y tế, quyền được hưởng nước uống và thực phẩm, và quyền được tự do tôn giáo. Chúng tôi cảm thấy rằng một thế giới có cả hằng tỉ người đang phải chống chọi để sống còn là những gì bất khả chấp, ở vào lúc mà nhân loại có nhiều nguồn lợi thuận lợi hơn tất cả mọi thế hệ trước đây.
Chúng tôi nam nữ đã đến đây như những con người hành hương tìm kiếm hòa bình. Thế giới của chúng ta dường như đã quên đi rằng sự sống của con người là những gì linh thánh. Thiên Chúa đã xót thương những ai chịu khổ đau, những ai bị chiến tranh tác hại, và những nạn nhân của nạn khủng bố mù quáng. Thế giới này trở nên meat mỏi sống trong lo âu sợ hãi. Sợ hãi là những gì làm hạ thấp những gì tốt đẹp nhất nơi chúng ta. Sợ hãi và bi quan yếm thế đôi khi trở thành một độc lộ song lại là một độc lộ dẫn vào một ngõ tối tăm mù mịt. Các tôn giáo không muốn thấy bạo lực, chiến tranh hay khủng bố; xin đừng tin vào những ai nói khác với những điều như thế!
Với tất cả thành phần đạo hữu của chúng tôi, với hết mọi con người nam nữ, chúng tôi muốn nói rằng những ai sử dụng võ lực là những kẻ đáng bị ngờ vực về mục đích của họ. Những ai tin rằng bạo lực càng mạnh là thái độ đáp trả những gì sai trái họ phải chịu là những kẻ không thấy được những ngọn núi hận thù do họ nhúng tay vào để kiến tạo nên. Hòa bình là tên gọi của Thiên Chúa. Thiên Chúa không bao giờ muốn loại trừ kẻ khác; những người con trai con gái của thành phần đối phương chúng ta không bao giờ lại là kẻ thù của chúng ta: Họ là những trẻ em để yêu thương và bảo vệ, tất cả mọi em.
Nhân loại không trở nên tốt đẹp hơn nhờ bạo lực và khiếp sợ mà bằng niềm tin và yêu thương. Chủ nghĩa bảo thủ là một thứ bệnh hoạn trẻ con đối với tất cả mọi tôn giáo và văn hóa, vì nó giam nhốt con người vào một thứ văn hóa hận thù. Đó là lý do tại sao, trước mặt các bạn là giới trẻ, chúng tôi xin nói cùng những ai sát hại, những ai gieo kinh hoàng khiếp sợ và nhân danh Thiên Chúa để gây ra chiến tranh: ‘Hãy dừng tay! Đừng sát hại nữa! Với võ lực ai nay đều là kẻ thảm bại! Chúng ta hãy cùng nhau nói chuyện để Thiên Chúa soi chiếu trên chúng ta!’ Chỉ có hòa bình là những gì thánh hảo! Chúng ta hãy thực hiện và tranh đấu cho việc thực hiện một cuộc đối thoại nghiêm chỉnh và chân tình!
Đối thoại là một nghệ thuật. Nó không phải là quyết định của thành phần sợ hãi, của thành phần đầu hàng sự dữ bất cần chiến đấu. Đối thoại thách đố tất cả mọi con người nam nữ trong việc nhìn thấy những gì tốt đẹp nhất nơi người khác, cũng như trong việc cảm nhận được những gì là tốt đẹp nhất trong họ. Đối thoại là một phương dược chữa lành các vết thương và giúp vào việc làm cho thế giới này trở thành nơi đáng sống cho các thế hệ hiện nay và mai hậu.
Hôm nay, một lần nữa, chúng tôi long trọng xin chính chúng tôi cũng như tất cả mọi con người nam nữ, thành phần tín đồ và những ai thiện tâm, hãy can đảm sống nghệ thuật đối thoại. Chúng tôi yêu cầu điều này cho chính bản thân mình cũng như cho các thế hệ tương lai, để thế giới được hướng tới một niềm hy vọng về một kỷ nguyên mới của hòa bình và công lý.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 7/5/2006
Hiện Tượng Hồi Giáo Nổi Loạn: Nguyên Nhân và Nội Dung của Vấn Đề – Làm sao để phòng chống
Tình trạng căng thẳng giữa người Hồi Giáo và Kitô Giáo càng ngày càng trở nên dữ dội hơn đặc biệt ở nước Nigeria Phi Châu, vì chiều hướng muốn chính trị hóa Hồi Giáo nói riêng và tôn giáo nói chung. Đó là nhận định của linh mục Obiore Ike, tổng đại diện của Giáo Phận Enugu, ở miền bắc nước Nigeria, trong cuộc viếng thăm mới đây của ngài tại một cơ quan có trung tâm ở Đức quốc là tổ chức Cứu Trợ Giáo Hội Túng Thiếu. Vị linh mục tổng đại diện này cho biết chi tiết như sau:
“Hồi Giáo đến Nigeria vào khoảng năm 1000 và Kitô Giáo, mặc dù trẻ trung hơn ở Nigeria, cũng đã hiện hữu sát cánh với những người Hồi Giáo, và đã từng có một mối liên hệ rất tự nhiên và nhân bản qua một thời gian rất dài.
“Tuy nhiên, mới đây, chúng ta đã nhận thấy xuất hiện tình trạng tấn công và bạo loạn. Chúng ta thấy tình trạng bừng lên một cuộc chính trị hóa Hồi Giáo và có lẽ chính trị hóa cả tôn giáo.
“Việc chính trị hóa Hồi Giáo chính yếu nhất và hệ trọng nhất là cuộc chính quyền quân đội vào năm 1985 muốn hợp thức hóa Nigeria thành một quốc gia Hồi Giáo.
“Nigeria đã được một vị tổng thống người Hồi Giáo ghi danh như là một trong những quốc gia thuộc về tổ chức các quốc gia Hồi Giáo. Dĩ nhiên là Kitô Hữu chống lại, nhưng Nigeria vẫn là một phần tử của các quốc gia Hồi Giáo.
“Ngoài ra – và đây là những gì ngấm ngầm – 12 tiểu bang ở Nigeria đã quyết định làm cho the Shariah trở thành một luật chủ yếu nơi lãnh địa của họ. Điều này trái với hiến pháp liên bang, bản hiến phái qui định Nigeria là một quốc gia trần thế và không một tôn giáo nào được coi là quốc giáo cả”.
Vị linh mục tổng đại diện kết luận bằng việc trưng dẫn một thí dụ điển hình, đó là trường hợp tiểu bang Kaduna là tiểu bang “đã áp đặt Shariah (luật Hồi Giáo) và có dân số Kitô hữu chiếm 70 % với chẳng có người Hồi Giáo nào ở đó. Vậy tại sao quí vị lại đi áp đặt luật Hồi Giáo trên thành phần không muốn thứ luật này và thậm chí áp đặt luật Hồi Giáo ở những tiểu bang đó, qua mặt cả Hiến Pháp Nigeria chứ?”
Sau đây là bài phỏng vấn do mạng điện toán toàn cầu Zenit thực hiện với vị linh mục dòng Tên là Cha Mitch Pacwa, một thần học gia, một học giả về Trung Đông và là người cùng cộng tác vào việc thực hiện bộ đĩa hình DVD ‘Hồi Giáo và Kitô Giáo’.
Theo vị linh mục này thì cuộc nổi loạn của Hồi Giáo để phản ứng về hình ảnh của vị giáo tổ họ bị báo chí Tây Phương biếm họa một cách phạm thượng, tuy là những phản ứng tự nhiên bình thường của bất cứ tôn giáo nào khi bị xúc phạm tới như thế, nhưng những cuộc nổi loạn này ở thế giới Hồi Giáo lại bị xui khiến và giật giây bởi một số chính quyền cho mục đích chính trị riêng của những chính quyền này trong việc họ mưu đồ muốn làm chủ thế giới Hồi Giáo, một Hồi Giáo đã từng một thời vang bóng của một đế quốc song đã bị sụp đổ từ Thế Chiến Thứ Nhất, chứ những cuộc nổi loạn này, hay cuộc nổi dậy chung chung của thế giới Hồi Giáo mới đây, điển hình nhất là vụ và kể từ sau vụ 911 ở Hoa Kỳ năm 2001, không phải chỉ gây ra bởi nguyên do về kinh tế hay về văn hóa trước một Tây Phương giầu thịnh mà lại hoàn toàn bị tục hóa, và trước tình hiện tượng Hồi Giáo chống Tây Phương bị họ đồng hóa là Kitô Giáo như thế, Giáo Hội cần phải phản ứng trước cao trào cực đoan của thành phần Hồi Giáo mưu đồ khuấy động này ra sao?
(còn tiếp)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 2-3/5/2006