GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 18/5/2006

 TUẦN V PHỤC SINH

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Lạy Nữ Vương Chúa Nhật V Phục Sinh 14/5/2006 về Đời Sống Nội Tâm Kitô Giáo và Ngày 13/5 năm 1917 và 1981

?  Học Viện Tòa Thánh Về Sự Sống: Bản Đúc Kết Đại Hội 12 23/3/2006 Về Vấn Đề Phôi Thai Nhân Bào trong Thời Kỳ Tiền Cấy

?  “Phương Tiện Truyền Thông: Một Cơ Cấu Truyền Đạt, Hiệp Thông và Hợp Tác”

 

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Lạy Nữ Vương Chúa Nhật V Phục Sinh 14/5/2006 về Đời Sống Nội Tâm Kitô Giáo và Ngày 13/5 năm 1917 và 1981

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Vào Chúa Nhật Phục Sinh Thứ Năm này, phụng vụ cho đọc đoạn Phúc Âm của Thánh Gioan về việc Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ trong bữa tiệc ly rằng hãy liên kết hiệp nhất với Người như cành nho. Đây là một dụ ngôn thật là ý nghĩa, vì nó giải thích rất sâu sắc về cuộc sống của người Kitô hữu là một mầu nhiệm hiệp thông với Chúa Giêsu: ‘Ai ở trong Thày và Thày ở trong họ thì sinh nhiều hoa trái, vì ngoài Thày ra các con chẳng làm gì được hết’ (Jn 15:5).

 

Cái bí mật của thành quả thiêng liêng là mới hiệp nhất với Thiên Chúa, mối hiệp nhất được thể hiện trước nhất nơi Thánh Thể, cũng được gọi là Hiệp Thông. Tôi muốn nhấn mạnh đến mầu nhiệm hiệp nhất này ở vào thời điểm trong năm đây, một thời điểm có nhiều cộng đồng giáo xứ cử hành việc rước lễ lần đầu cho các em.

 

Tôi đặc biệt chào tất cả các em trong những tuần lễ được hội ngộ với Chúa Giêsu Kitô trong Bí Tích Thánh Thể lần đầu tiên, hy vọng các em sẽ trở thành những cành của cây nho là Chúa Giêsu, và lớn lên như những người môn đệ đích thực của Người.

 

Có một cách thức để kết hợp với Chúa Kitô, như cành nho với cây nho, đó là chạy đến với việc chuyển cầu của Mẹ Maria, vị chúng ta tôn kính hôm qua là ngày 13/5 để đặc biệt nhớ lại những lần Mẹ hiện ra ở Fatima mấy lần trong năm 1917 với ba em mục đồng nhỏ là Phanxicô, Giaxinta và Lucia.

 

Sứ điệp Mẹ gửi cho họ, tiếp tục sứ điệp ở Lộ Đức, là một lời thiết tha kêu gọi nguyện cầu và hoán cải, một sứ điệp thật sự là hợp thời, nhất là khi người ta thấy rằng thế kỷ 20 bị thảm họa bởi những hủy hoại chưa từng thấy, gây ra bởi chiến tranh và các chế độ độc tài chuyên chế, cùng với những cuộc bách hại rộng rãi chống lại Giáo Hội Công Giáo.

 

Ngoài ra, vào ngày 13/5/1981, 25 năm trước đây, người tôi tớ Chúa là Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã cảm thấy rằng mình đã được thoát chết một cách nhiệm mầu bởi việc can thiệp của ‘bàn tay từ mẫu’, như chính ngài nói, và toàn thể giáo triều của ngài được đánh dấu bởi những gì được Vị Trinh Nữ này đã nói ở Fatima.

 

Mặc dù không thiếu những lo âu và khổ đau, không thiếu những lý do e ngại về tương lai nhân loại, lời ‘Bà mặc áo trắng’ đã hứa với các em mục đồng vẫn là những gì an ủi, đó là ‘Cuối cùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ thắng?’

 

Với niềm xác tín như thế, giờ đây chúng ta hãy hướng về Mẹ Maria rất thánh, cám ơn Mẹ về việc liên lỉ chuyển cầu của Mẹ và xin Mẹ hãy tiếp tục trông coi đường đi nước bước của Giáo Hội và của nhân loại, nhất là của các gia đình, của các người mẹ và của những trẻ em.
 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 14/5/2006

 

 

TOP

 

 

 ?  Học Viện Tòa Thánh Về Sự Sống: Bản Đức Kết Đại Hội 12 23/3/2006 Về Vấn Đề Phôi Thai Nhân Bào trong Thời Kỳ Tiền Cấy

 

Vào dịp Tổng Nghị lần thứ 12, Học Viện Tòa Thánh Về Sự Sống đã thực hiện một Hội Nghị quốc tế về đề tài: ‘Nhân bào phôi thai trong thời kỳ tiền cấy: các khía cạnh khoa học và các cân nhắc về đạo đức sinh học’. Vào lúc kết thúc hội nghị, học viện này đã cống hiến cho cộng đồng giáo hội cũng như cho chung quần chúng một số điều cân nhắc về đề tài này qua việc suy tư bàn thảo của mình.  

 

1.-        Không ai có thể chối cãi được rằng cuộc tranh cãi về khoa đạo lý sinh học hiện đại, nhất là trong những năm gần đây, đã chú trọng chính yếu tới thực tại của nhân bào phôi thai, thứ nhân bào phôi thai được cứu xét theo bản chất của nó hay liên quan tới cách thức con người tác hành đối với nó. Điều này chỉ là những gì tự nhiên vì những liên hệ đa dạng (khoa học, triết lý, đạo đức, tôn giáo, pháp luật, tài chính, ý hệ v.v.) dính dáng tới những lãnh vực đa dạng ấy là những gì không thể nào tránh được việc hóa giải những xu hướng khác nhau, cũng như việc thu hút sự chú trọng của những ai tìm cách tác hành về đạo lý một cách chân thực.

 

Nhu cầu cần phải đặt vấn nạn căn bản ‘Phôi thai nhân bào là ai hay là gì?’ bởi thế đã là vấn đề không thể nào tránh được, để có thể rút ra từ một giải đáp thích đáng nhất quán cho vấn nạn ấy cái qui chuẩn hoạt động hoàn toàn tôn trọng sự thật nguyên vẹn về chính phôi bào.

 

Để đạt được mục đích ấy, theo phương pháp học đứng đắn của khoa đạo lý sinh học thì trước hết cần phải nhìn vào dữ kiện hôm nay chúng ta có được nhờ kiến thức cập nhật hóa nhất, nhờ đó chúng ta biết rõ về những tiến trình khác nhau giúp con người mới bắt đầu hình thành việc hiện hữu của mình. Bởi vậy mà những dữ kiện ấy cần phải tùy thuộc vào việc dẫn giải về nhân loại học để nhấn mạnh đến tầm mức quan trọng của chúng cùng với những giá trị kèm theo là những gì cần phải qui chiếu để rút lấy những qui tắc về luân lý cho hoạt động cụ thể cũng như cho các phương thức mẫu mực.

 

(còn tiếp 2 kỳ nữa)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 1/5/2006 cũng là tài liệu được tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, phát hành ngày 26/4/2006, trang 6

 

 

TOP

 

 

?   “Phương Tiện Truyền Thông: Một Cơ Cấu Truyền Đạt, Hiệp Thông và Hợp Tác”

 

(Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Sứ Điệp cho Ngày Thế Giới Truyền Thông Thứ 40, 27/5/2006)

 

Anh Chị Em thân mến,

 

1.         Sau cuộc mừng kỷ niệm 40 năm bế mạc Công Đồng Chung Vaticanô II, tôi hân hoan nhắc lại Sắc Lệnh của Công Đồng này về Các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội, Inter Mirifica, một sắc lệnh đặc biệt công nhận quyền lực của các phương tiện này trong việc chúng ảnh hưởng đến toàn thể xã hội loài người. Chính nhu cầu cần phải sử dụng quyền lực này cho lợi ích của tất cả nhân loại đã thúc đẩy tôi, trong sứ điệp đầu tiên của mình cho Ngày Thế Giới Truyền Thông này, chia sẻ vắn gọn về ý nghĩ phương tiện truyền thông là cơ cấu dễ dàng hóa việc truyền đạt, hiệp thông và hợp tác.

 

Thánh Phaolô, trong Thư gửi Giáo Đoàn Êphêsô, đã sống động diễn tả ơn gọi của con người là “những người thông phần vào bản tính thần linh” (Dei Verbum, 2): nhờ Chúa Kitô, chúng ta đến được với Cha trong một Thần Linh duy nhất; bởi thế chúng ta không còn là những kẻ xa lạ và ngoại lai mà là thành phần công dân cùng với các thánh và các phần tử thuộc gia đình Thiên Chúa, trở thành một đền thánh, một nơi Thiên Chúa cư ngụ (x Eph 2:18-22). Bức tranh cao quí này về một đời sống hiệp thông bao gồm tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống là Kitô hữu của chúng ta. Lời kêu gọi hãy trung thực với việc tự thông mình của Thiên Chúa nơi Chúc Kitô thực sự là một lời kêu gọi hãy nhìn nhận mãnh lực năng động của Ngài trong chúng ta, một mãnh lực bởi vậy tìm cách vươn tới những người khác, để tình yêu của Ngài thực sự trở thành một tầm vóc chính yếu của thế giới này (cf. Homily for World Youth Day, Cologne, 21 August 2005).

 

2.         Những tiến bộ về kỹ thuật nơi ngành truyền thông ở một ý nghĩa nào đó đã chế ngự thời gian và không gian, làm cho việc truyền thông giữa dân chúng, ngay cả khi họ ở cách nhau rất xa, vừa cấp thời vừa trực tiếp. Việc phát triển này cho thấy một khả năng khổng lồ trong việc phục vụ công ích và là những gì “làm nên một gia sản cần được bảo toàn và cổ động” (Rapid Development, 10). Tuy nhiên, như tất cả chúng ta đều biết, thế giới của chúng ta còn xa vời mới trở thành tuyệt hảo. Hằng ngày chúng ta vẫn được nhắc nhở rằng tính cách tức khắc của việc truyền thông không phải lúc nào cũng được chuyển thành việc xây dựng vấn đề hợp tác và hiệp thông trong xã hội.

 

Việc mở mang kiến thức cho lương tâm con người và việc giúp vào vấn đề hình thành ý nghĩ của họ không bao giờ lại là một công việc trung dung cả. Việc truyền thông đích thực đòi phải có một lòng can đảm và cương quyết về nguyên tắc. Nó đòi phải có một quyết tâm nơi thành phần hoạt động nơi ngành truyền thông, không được gục xuống dưới gánh nặng của quá nhiều tín liệu hoặc thậm chí chiều theo những sự thật bán phần hoặc nhất thời. Thay vào đó, cần phải vừa tìm kiếm vừa truyền đạt những gì là nền tảng sâu xa và ý nghĩa đối với cuộc hiện hữu của con người, dù riêng tư hay xã hội (cf. Fides et Ratio, 5). Nhờ đó, ngành truyền thông mới có thể góp phần một cách xây dựng vào việc phổ biến tất cả những gì là tốt lành và chân thật.

 

3.         Tiếng gọi này đối với ngành truyền thông ngày nay để đảm nhận – để trở thành người bênh vực cho chân lý và từ đó cổ võ hòa bình – cần phải đối đầu với nhiều thách đố. Trong khi các phương tiện khác của việc truyền thông xã hội làm dẽ dàng hóa vấn đề trao đổi tín liệu, ý nghĩ, và tương kiến giữa các nhóm, thì chúng cũng bị lọ lem bởi tính cách mập mờ. Bên cạnh vấn đề đối thoại theo kiểu “đại bàn tròn”, cũng có một số khuynh hướng trong ngành truyền thông làm phát sinh ra một thứ độc tôn văn hóa làm lu mờ đi cái tài năng sáng tạo, làm giảm giá đi cái phẩm chất tinh tế của ý nghĩ phức tạp và làm hạ giá đi cái chuyên biệt của những việc thực hành văn hóa và tính cách đặc thù của niềm tin tôn giáo. Những cái méo mó này xẩy ra khi kỷ nghệ truyền thông trở thành một thứ kỹ nghệ phục vụ mình hay chỉ được thúc đẩy tìm lợi lộc mà thôi, mất đi cái cảm quan về tính cách trách nhiệm đối với công ích.

 

Bởi thế luôn phải duy trì việc tường trình xác đáng về các biến cố, giải thích đầy đủ về các vấn đề quần chúng quan tâm, và trình bày công bằng các quan điểm khác biệt. Đặc biệt cần phải đề cao và nâng đỡ đời sống hôn nhân và gia đình, chính là vì nó liên quan tới nền tảng của hết mọi nền văn hóa và xã hội (cf. Apostolicam Actuositatem, 11). Cộng tác với thành phần phụ huynh, các phương tiện truyền thông xã hội và các kỹ nghệ tiêu khiển giúp vui có thể là những gì hỗ trợ cho một ơn gọi khó khăn song cũng hết sức an ủi trong việc nuôi dưỡng con cái, bằng việc trình bày những mẫu mực về sự sống và yêu thương con người vững chắc (cf. Inter Mirifica, 11). Tất cả chúng ta cảm thấy chán nản và thiệt hại biết bao khi thấy hầu như xẩy ra trái ngược hẳn. Tâm can của chúng ta không quằn quại hay sao, nhất là khi thấy giới trẻ của chúng ta nhào đầu vô những thứ bày tỏ hạ cấp và sai lầm về yêu thương là những gì bôi bẩn phẩm vị thiên phú của mọi con người cũng như làm suy yếu đi những phúc lợi của gia đình?

 

4.         Để khích lệ cả sự hiện diện xây dựng lẫn nhận thức tích cực về ngành truyền thông trong xã hội, tôi muốn lập lại tầm quan trọng của ba bước tiến được vị tiền nhiệm đáng kính của tôi là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đề ra, cần thiết cho việc chúng phục vụ công ích, đó là đào luyện, tham dự và đối thoại (cf. Rapid Development, 11).

 

Vấn đề huấn luyện trong việc sử dụng một cách hữu trách và cẩn trọng phương tiện truyền thông là những gì giúp cho dân chúng biết sử dụng chúng một cách sáng suốt và thích hợp. Không thể nào quá coi thường tầm ảnh hưởng sâu xa của các từ ngữ và hình ảnh mới đối với tâm trí, những gì được các phương tiện điện tử đặc biệt đưa vào xã hội một cách hết sức dễ dàng. Chính vì các phương tiện truyền thông hiện đại hình thành nền văn hóa phổ thông mà chính chúng cần phải thắng vượt bất cứ khuynh hướng mạo dụng nào, nhất là mạo dụng thành phần giới trẻ, và thay vào đó, theo đuổi ước muốn xây dựng và phục vụ. Nhờ đó, chúng bảo vệ thay vì làm suy yếu cơ cấu của một xã hội dân sự xứng đáng với con người.

 

Vấn đề tham dự vào các phương tiện truyền thông đại chúng xuất phát từ bản chất của chúng như là một sự thiện giành cho tất cả mọi người. Là một việc phục vụ quần chúng, vấn đề truyền thông xã hội đòi phải có tinh thần hợp tác và đồng trách nhiệm trong việc sử dụng các phương tiện công cộng một cách hết sức ý thức, cũng như trong việc thi hành các vai trò được quần chúng trao phó (cf. Ethics in Communications, 20), bao gồm cả việc sử dụng những tiêu chuẩn thông thường và những biện pháp khác hay những cơ cấu khác được đề ra để đạt tới đích điểm này.

 

Sau hết là vấn đề cổ võ đối thoại, qua việc trao đổi kiến thức, bày tỏ tình đoàn kết và việc nối kết hòa bình, là những gì cống hiến một cơ hội tốt đẹp cần phải được công nhận và thực hiện đối với các phương tiện truyền thông đại chúng. Nhờ thế chúng mới trở thành những phương tiện gây ảnh hưởng và được cảm nhận trong việc xây dựng nền văn minh yêu thương được mọi người trông mong.

 

Tôi tin rằng những nỗ lực thận trọng trong việc cổ võ ba bước tiến này sẽ giúp cho ngành truyền thông phát triển cách lành mạnh như là một cơ cấu của việc truyền đạt, hiệp thông và hợp tác, giúp cho con người nam nữ và trẻ em, càng nhận thức hơn nữa phẩm vị của con người, càng tỏ ra có trách nhiệm hơn nữa, và càng cởi mở với các người khác, nhất là các phần thiếu thốn nhất và yếu kém nhất trong xã hội (cf. Redemptor Hominis, 15; Ethics in Communications, 4).

 

Để đúc kết, tôi trở lại với những lới khích lệ của Thánh Phaolô: Chúa Kitô là bình an của chúng ta. Trong Người chúng ta là một (x Eph 2:14). Chúng ta hãy cùng nhau phá đổ những bức tường chia rẽ của hận thù và xây dựng mối hiệp thông yêu thương theo dự định của Đấng Hóa Công được tỏ ra qua Người Con của Ngài!

 

Tại Vatican ngày 24/1/2006, lễ Thánh Phanxicô Salêsiô

 

Biển Đức XVI

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo

 

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/messages/communications/documents/hf_ben-xvi_mes_20060124_40th-world-communications-day_en.html

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ