GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ HAI 1/5/2006

 TUẦN III PHỤC SINH

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Buổi Nguyện Kinh “Nữ Vương Thiên Đàng” Chúa Nhật III Phục Sinh 30/4/2006 về cảm nghiệm Phục Sinh và Tháng Hoa trong Mùa Phục Sinh

?  Năm câu vấn đáp giữa giới trẻ và Giáo Hoàng Biển Đức XVI ngày Thứ Năm 6/4/2006 tại Quảng Trường Thánh Phêrô dịp sửa soạn cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới XXI 9/4 ở Giáo Phận Địa Phương

?  HÔN NHÂN BỆNH HOẠN

 

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Buổi Nguyện Kinh “Nữ Vương Thiên Đàng” Chúa Nhật III Phục Sinh 30/4/2006 về cảm nghiệm Phục Sinh và Tháng Hoa trong Mùa Phục Sinh

 

Trong Mùa Phục Sinh, phụng vụ cống hiến cho chúng ta nhiều điều phấn khích để củng cố niềm tin của chúng ta nơi Chúa Kitô phục sinh. Chẳng hạn vào Chúa Nhật Thứ Ba Ohục Sinh này, Thánh Luca trình thuật rằng hai môn đệ đi Emmau, sau khi đã thấy được “việc bẻ bánh”, liền hết sức vui mừng trở về Giêrusalem để thông báo cho những vị khác những gì đã xẩy ra cho họ. Thế rồi thực sự là khi các vị đang nói vào lúc bấy giờ thì chính Chúa hiện ra cho thấy chân tay của Người mang những dấu vết khổ nạn.

 

Trước tình trạng ngơ ngác ngờ vực của các tông đồ, Chúa Giêsu xin họ trao cho Người miếng cá nướng và Người đã ăn trước mắt họ (x Lk 24:35-43). Nơi trình thuật này và các trình thuật khác, có một lời mời gọi nhất quán về việc thắng vượt sự hoài nghi ngờ vực để tin tưởng vào việc phục sinh của Chúa Kitô, vì các môn đệ thật sự được kêu gọi để làm chứng nhân về biến cố phi thường này.

 

Việc phục sinh của Chúa Kitô là biến cố chính yếu của Kitô Giáo, một sự thật nền tảng cần phải được tái khẳng định một cách mạnh mẽ qua mọi thời đại, vì việc từng nỗ lực hay tiếp tục nỗ lực chối bỏ nó bằng nhiều cách thức khác nhau, hay biến nó thành một biến cố thuần thiêng liêng là những gì làm cho đức tin của chúng ta trở thành vô bổ. “Nếu Chúa Kitô không sống lại, thì việc rao giảng của chúng ta luống công vô ích và đức tin của anh em chẳng có lợi ích gì” (1Cor 15:14).

 

Trong những ngày sau khi Chúa Kitô phục sinh, các tông đồ vẫn tập trung lại với nhau, với sự hiện diện an ủi của Mẹ Maria, và sau khi Người Thăng Thiên, các vị đã kiên tâm cầu nguyện với Mẹ, để chờ đợi Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Đối với các vị thì Vị Trinh Nữ này là mẹ và là thày, một vai trò Mẹ tiếp tục thi hành đối với các Kitô hữu qua mọi thời đại. Hằng năm, trong Mùa Phục Sinh, chúng ta sống lại cảm nghiệm này một cách mãnh liệt hơn, và có lẽ, chính vì lý do ấy mà truyền thống phổ thông đã giành riêng Tháng Năm cho Mẹ Maria là tháng thường rơi vào giữa Phục Sinh và Hiện Xuống.

 

Bởi thế, tháng hoa được bắt đầu vào ngày mai này giúp chúng ta tái khám phá ra vai trò từ mẫu được Mẹ thực hiện trong đời sống của chúng ta, để chúng ta có thể luôn là những người môn đệ đơn sơ dễ dạy và là những chứng nhân can trường của Chúa Kitô phục sinh.

 

Chúng ta hãy ký thác các nhu cầu của Giáo Hội và của thế giới cho Mẹ Maria, nhất là trong lúc được đánh dấu không ít tối tăm này. Cũng kêu xin Thánh Giuse chuyển cầu, vị chúng ta đặc biệt kính nhớ ngày mai liên quan tới thế giới lao động, chúng ta dâng lên Mẹ lời kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng là kinh làm cho chúng ta nếm hưởng niềm vui an ủi của việc Chúa Kitô phục sinh hiện diện.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 30/4/2006

 

 

TOP

 

 

 ?  Năm câu vấn đáp giữa giới trẻ và Giáo Hoàng Biển Đức XVI ngày Thứ Năm 6/4/2006 tại Quảng Trường Thánh Phêrô dịp sửa soạn cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới XXI 9/4 ở Giáo Phận Địa Phương

 

Vấn 2:             Tâu Đức Thánh Cha, tên con là Anna. Con 19 tuổi, con đang theo học văn chương, và con thuộc về Giáo Xứ Thánh Maria Camêlô.

 

Một trong những vấn đề chúng con thường phải đối diện đó là làm sao để giải quyết các vấn đề về cảm xúc. Chúng con thường thấy yêu thương là cái gì khó khăn. Phải, nó là vấn đề khó khăn: Bởi vì nó dễ bị lẫn lộn yêu thương với vị kỷ, nhất là ngày nay khi mà hầu hết truyền thông đại chúng áp đặt trên chúng ta một thứ nhãn quan duy cá nhân và tục hóa về dục tính, một nhãn quan nhìn mọi sự đều hợp pháp và mọi sự đều được phép làm, nhân danh tự do và lương tâm cá nhân con người.

 

Gia đình được xây dựng trên hôn nhân giờ đây dường như là một cái gì đó do Giáo Hội sáng chế ra, chưa nói đến những liên hệ tiền hôn là những gì bị cấm đoán mà đối với nhiều người trong tín hữu chúng con khó có thể hiểu được hay bị lỗi thời rồi vậy.

 

Nhận thức rõ là rất nhiều người trong chúng con đang cố gắng sống cuộc sống tình cảm một cách hữu trách, Đức Thánh Cha có thể nào giải thích cho chúng con những gì Lời Chúa đã nói với chúng ta về vấn đề này chăng? Con xin cám ơn Đức Thánh Cha.


Đáp:   Đây là một câu hỏi bao rộng, chắc chắn không thể trả lời cho nó trong vòng mất phút đồng hồ, thế nhưng tôi sẽ cố gắng nói mấy lời.

 

Chính bản thân của Anna đã cống hiến cho chúng ta một số những câu hỏi. Cô nói rằng ngày nay yêu thương thường được hiểu sai vì nó được trình bày cho thấy như là một cảm nghiệm vị kỷ, trong khi đó nó thực sự là một bỏ mình, nhờ đó trở thành một việc khám phá thấy bản thân mình.

 

Cô còn nói rằng thứ văn hóa hưởng thụ làm cho đời sống của chúng ta bị sai lạc bởi tương đối chủ nghĩa là những gì dường như ban cho chúng ta hết mọi sự thế nhưng thật ra lại làm cho chúng ta hoàn toàn bị cạn kiệt.

 

Bởi vậy chúng ta hãy lắng nghe lời Chúa về vấn đề này. Anna có lý để muốn biết những gì lời Chúa phán dạy. Đối với tôi thật là tuyệt vời khi nhận thấy rằng ngay ở những trang đầu tiên của Thánh Kinh, sau trình thuật về việc con người được tạo dựng nên, chúng ta thấy ngay được ý nghĩa của yêu thương và của hôn nhân.

 

Tác giả sách thánh nói với chúng ta rằng: “Người nam sẽ lìa bỏ cha mẹ mình mà gắn bó với vợ mình, và họ sẽ trở nên một xác thịt”, một đời sống (x Gen 2:24-25). Chúng ta được mở màn cho thấy và được cống hiến cho thấy một lời báo trước về ý nghĩa của hôn nhân; và ý nghĩa này vẫn còn nguyên như thế ở trong Tân Ước.

 

Hôn nhân là việc yêu thương theo người khác, nhờ đó trở nên một cuộc sống duy nhất, một xác thịt suy nhất, nên là những gì bất khả phân ly; một đời sống mới được xuất phát từ mối hiệp thông yêu thương này, mối hiệp thông liên kết và bởi đó cũng tạo nên tương lai.

 

Các thần học gia thời trung cổ, khi cắt nghĩa việc khẳng định được thấy nơi những trang đầu tiên của Thánh Kinh ấy, đã nói rằng hôn nhân là bí tích đầu tiên trong 7 bí tích đã được Thiên Chúa thiết lập vào lúc tạo thành, trong vườn địa đường, khi lịch sử mở màn và trước cả lịch sử của nhân loại nữa.

 

Nó là một bí tích của Đấng Tạo Thành vũ trụ; bởi thế, nó được ghi khắc nơi chính hữu thể con người, thành phần hướng chiều về cuộc hành trình này, một cuộc hành trình mà người nam bỏ cha mẹ để nên một với một người nữ hầu trở thành một xác thịt duy nhất, nhờ đó cả hai sống một cuộc sống duy nhất.

 

Do đó bí tích hôn nhân không phải là một sáng kiến của Giáo Hội; nó thực sự là những gì “được đồng sáng tạo nên” với con người, như là một thứ hoa trái của năng lực yêu thương, một năng lực làm cho con người nam nữ tìm thấy chính bản thân mình, nhờ đó làm cho họ thấy cả được Đấng Hóa Công là Vị đã kêu gọi họ yêu thương.

 

Thật sự là con người đã sa ngã và bị đuổi ra khỏi vườn địa đường, hay nói cách khác, nói một cách tân tiến hơn, thật sự là tất cả mọi nền văn hóa đều bị ô nhiễm bởi tội lỗi, bởi những lỗi lầm của loài người trong lịch sử, và thật sự là dự án nguyên thủy được ghi khắc nơi bản tính của chúng ta vì thế đã bị mờ ám đi. Đúng thế, chúng ta thấy nơi các nền văn hóa của con người cái mờ ám này bao phủ dự án nguyên thủy của Thiên Chúa.

 

Tuy nhiên, nếu đồng thời chúng ta nhìn vào các nền văn hóa, nhìn vào toàn bộ lịch sử văn hóa của nhân loại, chúng ta nhận thấy rằng con người chưa bao giờ hoàn toàn quên được dự án ấy, một dự án hiện diện thẳm sâu nơi hữu thể của họ. Ở một nghĩa nào đó, họ luôn biết rằng các hình thức khác của mối liên hệ nam nữ không thực sự xứng hợp với dự án nguyên thủy giành cho hữu thể của họ.

 

Do đó mà nơi các nền văn hóa, nhất là các nền văn hóa lớn, chúng ta thấy đi thấy lại là chúng hướng về thực tại này, đó là thực tại một vợ một chồng, thực tại người nam làm chồng ấy và người nữ làm vợ ấy trở nên một xác thịt.

 

Đó là cách thức làm thế nào để một tân thế hệ có thể phát triển một cách trung thực, làm thế nào để một truyền thống văn hóa có thể bền vững, liên tục cải tiến chính mình và đạt được tình trạng thực sự tiến bộ.

 

Chúa Kitô, Đấng đã nói về điều này bằng các ngôn từ của những vị tiên tri trong dân Yến Duyên, khi nói về việc Moisen là người đã cho phép ly dị, đã phán rằng Moisen cho phép các người ly dị “vì sự cứng lòng của các người”. Sau nguyên tội, cõi lòng trở nên “cứng cỏi”, thế nhưng đó không phải là những gì Đấng Hóa Công đã dự tính, và các vị tiên tri đã nhấn mạnh càng lúc càng sáng tỏ hơn đến dự án nguyên thủy này.

 

Để canh tân lại con người, Chúa Kitô – khi ám chỉ tới những tiếng nói của các vị tiên tri luôn hướng dẫn Yến Duyên hướng tới chỗ sáng tỏ về tình trạng đơn hôn – đã cùng với tiên tri Êzêkiên nhìn nhận rằng, để sống ơn gọi ấy, chúng ta cần phải có một con tim mới; thay cho con tim bằng đá – như tiên tri Êzêkiên nói – chúng ta cần một con tim bằng thịt, một con tim thực sự loài người.

 

Và Chúa Kitô đã “cấy” trái tim mới này nơi chúng ta khi chúng ta tin tưởng lãnh nhận phép rửa. Đây không phải là một thứ cấy ghép về thể lý, song chúng ta có thể sử dụng việc so sánh này. Sau cuộc cấy ghép, sinh vật ấy cần phải được trị liệu, cần phải có những thứ thuốc men thiết yếu để có thể sống với con tim mới này, nhờ đó nó trở nên “con tim riêng của con người” chứ không phải là “con tim của người khác”.

 

Điều này cũng đặc biệt xẩy ra nơi “việc cấy ghép thiêng liêng” khi Chúa Kitô cấy nơi chúng ta một con tim mới, một con tim hướng về Đấng Hóa Công, cởi mở trước ơn gọi của Thiên Chúa. Để có thể sống với con tim mới mẻ này cần phải được trị liệu đầy đủ; người ta cần phải sử dụng những loại thuốc men thích hợp để nó có thể trở nên thực sự là “con tim của chúng ta”.

 

Bởi thế, nhờ việc sống hiệp thông với Chúa Kitô, với Giáo Hội của Người, con tim mới ấy thực sự trở thành “con tim riêng của chúng ta” và làm cho hôn nhân trở thành khả dĩ. Tình yêu thương độc chiếm giữa một con người nam và một con người nữ này, đời sống như vợ chồng của họ theo dự án của Đấng Hóa Công, trở thành khả thể, cho dù bầu khí của thế giới chúng ta đây làm cho nó trở thành khó khăn tới độ dường như bất khả.

 

Chúa Kitô ban cho chúng ta một con tim mới và chúng ta cần phải sống với con tim mới này, bằng cách sử dụng những trị liệu thích hợp để bảo đảm rằng nó thực sự là “của riêng chúng ta”. Có thế chúng ta mới có thể sống với tất cả những gì Đấng Hóa Công ban cho chúng ta và nhờ đó mới tạo nên được một đời sống hạnh phúc đích thực.

 

Quả thực chúng ta cũng có thể thấy được nó trên thế giới này, bất kể có nhiều kiểu sống khác: Có rất nhiều gia đình Kitgô hữu sống trung thành và hân hoan cuộc đời và tình yêu được Đấng Hóa Công chỉ định cho chúng ta, nhờ đó mà một tân nhân loại đang được phát triển.

 

Sau hết, tôi muốn nói thêm là tất cả chúng ta đều biết rằng để đạt tới đích điểm ở một môn thể thao hay nơi ngành nghề nào của mình, thì cần phải có kỷ cương và hy sinh; thế nhưng, nhờ đạt tới đích điểm ước mong, mà hoàn toàn được công thành danh toại.

 

Chính sự sống cũng như thế. Nói cách khác, việc trở thành con người nam nữ theo ý muốn của Chúa Giêsu là việc đòi phải hy sinh, thế nhưng những hy sinh ấy hoàn toàn không phải là những gì tiêu cực; trái lại, chúng là một thứ trợ giúp để sống như một con người có quả tim mới, sống một con người thực sự và sống một cuộc đời hạnh phúc.

 

Vì thứ văn hóa hưởng thụ hiện hữu là để ngăn cản chúng ta sống theo dự án của Đấng Hóa Công mà chúng ta cần phải tỏ ra can trường trong việc tạo nên những hải đảo, những ốc đảo, rồi những vươn dài trải rộng mảnh đất văn hóa Công Giáo là thứ văn hóa sống trọn dự án của Đấng Hóa Công.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 23-24/4/2006

 

 

TOP

 

 

?   HÔN NHÂN BỆNH HOẠN

 

Một cái nhìn sơ lược về những cuộc hôn nhân ngoại lai tại Việt Nam

 

Trần Mỹ Duyệt

 

Mỗi lần tôi có dịp đọc trên internet hoặc theo dõi những báo chí về hằng trăm cô gái Việt Nam khỏa thân đứng sắp hàng chờ mấy anh “củ sâm” hay mấy lão  “xì thẩu” ngắm nghía và chọn lựa, tim tôi thắt lại, và nước mắt tôi tự nhiên chẩy dài trên mái. Mẹ Âu Cơ ơi, con gái của mẹ rẻ rúng lắm vậy sao? Anh linh của các bà Trương, bà Triệu đâu hãy về mà chứng giám cho cảnh nữ nhi của các bà bị hạ nhục một cách thậm tệ! Thiếu nữ Việt Nam, con gái Việt Nam nay đã trở thành trò chơi dục vụng cho những con người “dâm dục”, và “vô giáo dục” đến thế sao!!!

 

Tôi càng cảm thấy bàng hoàng và sửng sốt hơn nữa, khi biết đó là những lựa chọn cho một cuộc hôn nhân. Điều này càng khiến tôi khó hiểu, và thật sự không thể hiểu được làm sao lại có những chọn lựa như thế, và làm sao những chọn lựa này lại dẫn đến một đời sống hôn nhân hạnh phúc. Không lẽ đã đến lúc “tình cho không biếu không” đối với những thiếu nữ Việt Nam lúc này đang thèm khát tình yêu, và “có tiền mua tiên cũng được” đối với những gã Đại Hàn, Hồng Kông hay Đài Loan kia.

 

KHỦNG HOẢNG VỀ Ý NIỆM

 

Đối với các nhà tâm lý học, hoặc những nhà tâm lý hôn nhân gia đình, thì cả hai phía người đứng để được chọn và người chọn, trong những trường hợp ấy đều mang hội chứng tâm lý bệnh hoạn. Đây không phải là tìm hiểu để dẫn tới hôn nhân, mà là một cuộc mua bán, đổi chác có tính cách tiền bạc và dục vọng.

 

Cứ mỗi lần tranh luận về hiện tượng này xảy ra giữa chúng tôi, thì một vài người biện hộ cho rằng: “Cái khó nó bó cái khôn”, và “bần cùng sinh đạo tặc” huống hồ làm công việc khỏa thân cho người khác chọn lựa. Nhưng đại đa số thì không đồng ý với lập luận này.

 

Tại các nước văn minh Tây Phương trong các cuộc thi tuyển hoa hậu, phần trình diễn thời trang áo tắm cũng đã bị phản đối vì cho rằng những thí sinh đã tỏ ra thiếu vải, mặc dầu đây vẫn được cho là một phần trình diễn mang tính nghệ thuật và đề cao sắc đẹp nữ giới. Nhưng thiếu vải đến độ không còn gì như những thí sinh kén chồng mà hình ảnh được đăng trên internet hoặc báo chí, thì tính nghệ thuật và vẻ đẹp nữ giới ở đây đã trở thành một hành vi bệnh hoạn.

 

Xét về tâm lý hôn nhân, thì đây không phải là sự chọn lựa dẫn tới hôn nhân. Dứt khoát là không. Người chọn và kẻ được chọn trong trường hợp này đã hiểu như vậy, và do đó, chỉ là một sự chọn lựa dẫn tới những hành động bệnh hoạn. Kết quả mà chúng ta được nghe và được thấy qua những cuộc lạm dụng, và cưỡng chế tình dục xẩy ra cho những cô gái Việt Nam hiện nay tại Hồng Kông, Đài Loan, Nam Hàn sau khi lấy những người đã chọn mình, hoặc được mai mối là một thí dụ điển hình.

 

Gọi đây là những hành vi tâm bệnh, vì một em bé khi lên 4 tuổi, em đã hiểu mình là gái hay trai. Và sự khác biệt trai gái không cho phép em hành động khác hơn với ý thức về phái tính. Thái độ mắc cở, và những ngượng ngùng nếu xẩy ra vì không che đậy được các phần thân thể cần che kín đã là một tâm lý phát triển dẫn tới hành vi đạo đức của con người. Sự trưởng thành về thể lý càng dẫn tới sự trưởng thành về tâm lý và đạo đức, khiến người ta sau này chỉ có thể trần truồng mà không xấu hổ đối với trước người mình yêu và trong những tác động ân ái vợ chồng. Ở đây vì cả hai đã trở thành một, và đã được khiên thuẫn của tình yêu bao bọc, nên người ta mới không thấy xấu hổ.

 

NHỮNG ĐIỂM CHỌN LỰA

 

Giờ đây, chúng ta thử tìm hiểu xem những yếu tố nào được coi là cần thiết cho một cuộc hôn nhân. Đó là sự tìm hiểu về tâm linh, về tâm lý và thể lý.

 

1. Tâm linh: Đối với các nhà tâm lý, đặc biệt là tâm lý hôn nhân, thì sự tìm hiểu này hết sức quan trọng và nó chiếm 40% quyết định cho một cuộc hôn nhân.

 

Ở đây hai nguời yêu nhau phải tìm hiểu xem người yêu, người chồng, người vợ tương lai của mình có phải là một người có tầm nhìn và kiến thức về đạo lý không? Có phải là người dễ mẫn cảm trước những nỗi đau khốn cùng của người khác, và rộng tay giúp đỡ không? Có phải là người có tấm lòng rộng lượng dễ nhịn, dễ tha thứ không? Và nhất là có một niềm tin tôn giáo đủ để giúp vượt qua những khó khăn và thử thách, biết chấp nhận và hy sinh con người ích kỷ của mình.

 

Thiếu tâm lý đạo đức này, hôn nhân sẽ rất dễ đi tới chỗ đổ vỡ, vì hôn nhân dù là một cuộc sống hạnh phúc, nhưng hạnh phúc này chỉ mua được bằng những hy sinh và chấp nhận thử thách. Con số những cuộc ly dị của thời nay cho biết tính chất tâm lý đạo đức đã trở nên thiếu thốn trong hôn nhân chứ không phải do thiếu tự do lựa chọn, thiếu tiện nghi và thiếu thốn vật chất.

 

2. Tâm lý: Theo sau sự lựa chọn về tâm linh, là những lựa chọn về tâm lý. Nếp sống trưởng thành về mặt tâm lý cho phép chúng ta hiểu nhau, chấp nhận nhau, và giúp nhau thăng hoa cuộc sống. Sự hòa hợp về tâm tính còn cho phép hai người hóa giải được những khác biệt thường đưa tới những hiểu lầm và tranh cãi. Người yêu của tôi có tính nóng nẩy. Người yêu của tôi thích trầm lặng hơn giao thiệp bề ngoài. Người yêu của tôi là người thích hoạt động xã hội và có nhiều bạn bè, hay ngược lại, trầm ngâm và thích yên lặng một mình. Trước những bất đồng và bất trắc xẩy ra, người yêu của tôi giải quyết những vấn đề đó như thế nào?

 

Bởi vì thiếu hiểu biết, và thiếu thông cảm được với nhau, nhiều gia đình, nhiều cuộc tình có bắt đầu đẹp đẽ những đã kết thúc bằng đổ vỡ, đắng cay. Vậy nếu  sự lựa chọn ở đây là phải cân nhắc xem rằng giữa những cái khác biệt của tôi với người yêu, tôi liệu sẽ chịu đựng được bao nhiêu và bao lâu? Và nếu xẩy ra những bất hoà, thì tôi phải có những giải quyết như thế nào. Những lựa chọn này cũng chiếm 30% trong số điểm lựa chọn cho một cuộc tình dẫn tới hôn nhân.

 

3. Thể lý: Tâm lý học gọi đó là sự hấp dẫn có tính cách hóa học. Một sự thu hút theo khoa học thực nghiệm. Đó là những hấp dẫn bên ngoài. Cả nam cũng như nữ, trước khi đi đến những phân tích và lựa chọn về tâm lý và tâm linh, sức hấp dẫn thể lý được coi là khởi đầu và là những thu hút quan trọng.

 

Ở điểm này, người Việt Nam có câu: “Gái tham tài, trai tham sắc”. Và sự gắn bó thể lý này xét theo tâm lý phát triển có khoảng cách từ 5 đến 10 tuổi. Và càng xa dần tức là sự khác biệt về tuổi tác càng cao thì mức hấp dẫn và sự thu hút càng giảm dần. Lúc đó sự khác biệt càng ngày càng đào sâu thêm hố ngăn cách, khiến hai người không hiểu nhau và không cảm thấy mức hấp dẫn cần thiết vốn tạo nên sự quyến luyến và gắn bó giữa hai người phối ngẫu. Mức độ hấp dẫn thể lý cũng chiếm 30% sự quyết định của một người khi nghĩ tới việc tiến tới hôn nhân.

 

KHÓ KHĂN CỦA HÔN NHÂN DỊ CHỦNG

 

Ba tiêu chuẩn chọn lựa trên không áp dụng được một điểm nào cho những lần kén vợ, kén chồng theo kiểu khỏa thân, sắp hàng chờ người khác gọi tên. Thế nhưng nếu người nào đó dám chấp nhận “đỏ đen” với số mệnh như hiện tượng lấy chồng thời nay tại Việt Nam, thì liệu những thiếu nữ này có thể vượt qua những khó khăn kế tiếp về mặt văn hóa, ngôn ngữ, và chủng tộc không?

 

Ngay trong những nước văn minh, tân tiến, khi sự chọn lựa và đời sống ái tình hoàn toàn tự do, nhiều cuộc hôn nhân ngoại chủng, và dị biệt văn hóa cũng đã gây ra rất nhiều khó khăn và đem đến đổ vỡ. Thử hỏi có những thiếu nữ Việt Nam nào gần đây lấy chồng Đài Loan, Hồng Kông, Đại Hàn mà biết rõ về ngôn ngữ và phong tục, tập quán của những dân tộc này. Bao nhiêu cô đã nói và viết được tiếng Trung Hoa hay tiếng Đại Hàn. Bao nhiêu có đã nắm vững được những nét khác biệt về phong tục, tập quán và nếp sống địa phương ở mỗi nơi này.

 

Nếu không giải thích được những yếu tố chọn lựa và tiến tới hôn nhân như vừa nêu trên, vậy chúng ta phải nghĩ gì về những thiếu nữ khỏa thân tìm chồng theo kiểu báo chí và internet loan tải. Họ có thật sự đáng thương và đáng nâng đỡ không? Những khó khăn mà họ gặp phải sau này có đủ lý do để chúng ta thông cảm và chia sẻ không?

 

HÃY TỰ CỨU LẤY MÌNH

 

Hiện nay đang có những cuộc vận động nâng đỡ những người thiếu nữ Việt Nam đang bị sử dụng làm nô lệ tình dục tại Đài Loan, Hồng Kông, và Đại Hàn. Rất tiếc, những câu truyện được kể lại nghe rất thương tâm, nhưng vẫn không đủ làm cho nhiều thiếu nữ Việt Nam suy nghĩ lại con đường lựa chọn của mình. Hay họ lại đổ thừa cho xã hội, cho hoàn cảnh sống, và cho những lầm lỡ của cuộc đời.

 

Chúng ta không phủ nhận ảnh hưởng xã hội và yếu tố kinh tế. Nhưng có phải hễ đói thì phải làm vậy sao? Trong xã hội Việt Nam lúc này tuy có những vấn đề về kinh tế, chính trị gây ngạc nhiên cho nhiều người, nhưng những thiếu nữ này không thể nói họ bị cưỡng bức, áp chế, ngoại trừ yếu tố thông thường là đói ăn. Trong phân tâm học, con ngưòi ngoài phần bản năng, còn có phần bản ngã và siêu ngã. Có nghĩa là con người ngoài việc sống lệ thuộc bản năng như các động vật khác, nhưng vượt hẳn mọi loài động vật ở cái tôi và siêu ngã. Chính vì thế mà ở con người không phải hễ đói là cái gì cũng ăn. Nhưng ăn như thế nào, làm gì có của để ăn lại là vấn đề mà những loài động vật không có. Con người “linh ưu vạn vật” là thế.

 

Đi vào những chọn lựa mà một số thiếu nữ Việt Nam khỏa thân sắp hàng chờ mấy chàng “củ sâm” hoặc mấy lão “xì thẩu” tới ngắm nghía và đón đi, rõ ràng là những phụ nữ này đã không còn hành động theo bản ngã, và siêu ngã. Tức là những phần thuộc về con người. Tuy nhiên, nếu sự chọn lựa ấy không đem lại cho họ cái mà phần “con người” như họ mong muốn, lập tức họ phản ứng và kêu gọi lòng trắc ẩn của người khác. Họ muốn cả hai. Muốn đánh bạc với sự nguy hiểm mà họ biết và lại muốn mọi người thương xót. Điều này là một lối sống thiếu trưởng thành và quân bình về tâm lý.

 

Mặc dù trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, hiện tượng quái đản này xẩy ra cũng không ngoài những bàn tay mai mối, và những lường gạt của những kẻ bán rẻ lương tâm, mánh mung và dụ dỗ hoặc đe dọa kẻ khác. Những điều này tạo nên một hiện tượng xã hội kỳ quái và bệnh hoạn. Nhưng quan trọng nhất vẫn là những thiếu nữ kia. Chính họ đã tìm đến và chấp nhận cuộc chơi, vậy họ còn kêu ai bây giờ!!! 

 

Chỉ còn một điều đáng quan tâm là các vị lãnh đạo tinh thần đã giúp gì các tín hữu của mình ý thức được căn bệnh thời đại. Và những phụ huynh đã hành xử như thế nào khi ngỏ lời khuyên dậy con cái. Xã hội Việt Nam liệu có cần những nàng Kiều kiểu này không? Và liệu những nàng Kiều thời đại hôm nay có sức chuộc nổi cha mình, hay rồi cũng phải để người khác phải chuộc lại mình. Đây thật là một hình thức hôn nhân bệnh hoạn.

 

 

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ