GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
CHÚA NHẬT 28/5/2006 TUẦN VII PHỤC SINH - Thăng Thiên |
? “Khi Chúa Nhật mất đi ý nghĩa chính yếu của mình và trở thành một phần thuần túy của một 'cuối tuần'”
? “Ngày nay Giáo Hội ở Balan đang gặp phải những thách đố cả thể về mục vụ” - GH Biển Đức XVI Tông Du Balan 25-28/5/2006: Huấn Từ với Hàng Giáo Sĩ Balan Thứ Năm 25 tại Vương Cung Thánh Đường Warszawa
? Linh Mục là Mục Tử phục vụ Đàn Chiên Chúa: Vị Linh Mục Sống Thân Tình Với Chúa Kitô Mới Biết Được Chiên và Mới Được Chiên Biết Đến
“Khi Chúa Nhật mất đi ý nghĩa chính yếu của mình và trở thành một phần thuần túy của một 'cuối tuần'”
(ĐTC GPII: Tông Thư Ngày Của Chúa - DIES DOMINI)
3. Tầm quan trọng chính yếu của Chúa Nhật đã được nhìn nhận qua hai ngàn năm lịch sử và đã được Công Đồng Chung Vaticanô II tái nhấn mạnh rằng: “Cứ mỗi bảy ngày Giáo Hội lại cử hành mầu nhiệm Phục Sinh. Đây là một truyền thống từ thời các Tông Đồ, bắt nguồn từ chính ngày Phục Sinh của Chúa Kitô – một ngày bởi đó đáng được gọi là ‘Ngày của Chúa’” (5). Đức Phaolô VI đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng này một lần nữa khi ngài phê chuẩn bản tân Lịch Chung Rôma cùng với Những Qui Tắc Phổ Quát ấn định bậc lễ của Phụng Niên (6). Việc tiến đến Ngàn Năm Thứ Ba, một việc kêu gọi tín hữu hãy suy tư về giòng lịch sử trong ánh sáng Chúa Kitô, cũng là việc kêu gọi họ hãy tái nhận thức một cách mãnh liệt một lần nữa ý nghĩa của Chúa Nhật, về “mầu nhiệm” của ngày này, về việc cử hành ngày này, về tầm quan trọng của ngày này với Kitô hữu cũng như với sự sống con người.
Tôi lấy làm hài lòng nhận thấy rằng trong những năm tháng từ Công Đồng Chung Vaticanô II, đề tài quan trọng này đã thúc đẩy chẳng những nhiều thứ nhắc nhở bởi Chư Huynh Giám Mục thân mến với tư cách là thày dạy đức tin, mà còn cả những phương sách về mục vụ khác nhau được chư huynh, với sự trợ giúp của hàng giáo sĩ của mình, phác họa ra một mình hay chung nhau. Trước ngưỡng cửa của Đại Năm Thánh 2000, tôi muốn cống hiến cho chư huynh Bức Tông Thư này để nâng đỡ những nỗ lực mục vụ của chư huynh ở lãnh vực hệ trọng này. Thế nhưng, đồng thời tôi cũng muốn hướng về tất cả anh chị em tín hữu của Chúa Kitô như thể tôi đã hiện diện về tinh thần nơi tất cả mọi cộng đồng mà anh chị em qui tụ lại quanh các Vị Mục Tử của mình vào mỗi Chúa Nhật để cử hành Thánh Thể và “Ngày của Chúa”. Nhiều điều nhận thức và trực giác gợi ý trong Bức Tông Thư này đã được phát triển từ việc phục vụ của tôi khi còn làm giám mục ở Krakow, cũng như từ thời gian tôi lãnh nhận thừa tác vụ làm Giám Mục Rôma khi đến viếng thăm các giáo xứ ở Rôma một cách thường lệ vào các Chúa Nhật khác mùa trong Phụng Niên. Tôi thấy Bức Thư này như những gì tiếp tục việc trao đổi một cách sống động mà tôi luôn cảm thấy vui thích khi thực hiện với tín hữu, như tôi chia sẻ với anh chị em về ý nghĩa của Chúa Nhật và nhấn mạnh đến lý do sống Chúa Nhật như “Ngày của Chúa” thực sự, cũng như trong những hoàn cảnh thay đổi của thời đại chúng ta đây.
4. Cho đến mới đây vẫn còn dễ dàng giữ Chúa Nhật thánh hảo ở những xứ sở Kitô Giáo truyền thống, vì nó là một việc thực hành hầu như phổ quát, cũng như vì, ngay cả ở tổ chức xã hội dân sự, việc nghỉ ngơi Chúa Nhật được coi là một phần cố định của chương trình làm việc. Tuy nhiên, ngày nay, ngay cả ở những xứ sở theo pháp lý chấp thuận tính chất ngày lễ của Chúa Nhật, thì những đổi thay ở những điều kiện về kinh tế xã hội cũng thường gây ra những cải biến sâu xa nơi tác hành về xã hội, bởi đó nơi cả tính chất của Chúa Nhật. Tục lệ về một thứ “cuối tuần” đã trở nên thông dụng hơn, một gian đoạn nghỉ ngơi hằng tuần, được sống có thể xa nhà và thường tích cực tham gia vào những sinh hoạt về văn hóa, chính trị hay thể thao là những sinh hoạt thường được tổ chức vào các ngày nghỉ. Hiện tượng về xã hội và văn hóa này không phải là không có những khía cạnh tích cực của nó, nếu, trong khi tôn trọng những giá trị thực sự, nó góp phần vào việc phát triển của con người cũng như vào việc thăng tiến đời sống xã hội nói chung. Tất cả những sinh hoạt ấy chẳng những đáp ứng các nhu cầu nghỉ ngơi, mà còn cả nhu cầu mừng vui vốn có nơi nhân tính của chúng ta. Tiếc thay, khi Chúa Nhật mất đi ý nghĩa chính yếu của mình và trở thành một phần thuần túy của một “cuối tuần”, thì vấn đề xẩy ra là con người tự giam mình trong một chân trời hạn hẹp đến nỗi họ không còn thấy được “các tầng trời” nữa (7). Bởi thế, mặc dù muốn vui mừng mà họ vẫn thực sự không thể nào làm được điều này.
Tuy nhiên, thành phần môn đệ của Chúa Kitô được yêu cầu tránh đi bất cứ lẫn lộn nào giữa việc cử hành Chúa Nhật, một cử hành phải thực sự trở thành cách thức giữ Ngày của Chúa thánh hảo, với việc mừng vui “cuối tuần” được hiểu như một thời gian thuần túy để nghỉ ngơi và xả hơi. Điều này cần phải có một mức độ trưởng thành thực sự về tâm linh là những gì khiến Kitô hữu có thể “trở thành những gì họ là”, hoàn toàn hợp với tặng ân đức tin, lúc nào cũng sẵn sàng chứng tỏ niềm hy vọng nơi họ (x 1Pt 3:15). Có thế, họ mới tiến được đến chỗ hiểu biết sâu xa hơn Chúa Nhật, nhờ đó, ngay cả trong những trường hợp khó khăn, họ vẫn có thể sống hoàn toàn dễ dậy với Thánh Linh.
(còn tiếp vào mỗi Chúa Nhật)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ văn khố điện toán toàn cầu của Tòa Thánh: http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/apost_letters/documents/hf_jp-ii_apl_05071998_dies-domini_en.html
? “Ngày nay Giáo Hội ở Balan đang gặp phải những thách đố cả thể về mục vụ” - GH Biển Đức XVI Tông Du Balan 25-28/5/2006: Huấn Từ với Hàng Giáo Sĩ Balan Thứ Năm 25 tại Vương Cung Thánh Đường Warszawa
(tiếp 27 Thứ Bảy)
Người tín hữu mong đợi chỉ một điều duy nhất nơi các vị linh mục, đó là các vị trở thành những chuyên viên cổ động việc hội ngộ giữa con người với Thiên Chúa. Vị linh mục không được yêu cầu hãy trở thành chuyên viên về kinh tế, kiến trúc hay chính trị. Ngài cần phải trở thành chuyên viên về đời sống thiêng liêng. Để nhắm tới mục đích này, trong những bước đầu, vị linh mục trẻ cần phải làm cho có thể tham vấn với một bậc thày đầy kinh nghiệm có thể giúp họ không bị lạc đường giữa đầy những tâm tưởng được nền văn hóa thời đại tung ra. Trước những khuynh hướng của chủ nghĩa tương đối hay của xã hội yếm thế, vị linh mục thực sự không cần phải biết được tất cả những gì là cập nhật hóa nhất, việc thay đổi các trào lưu tư tưởng; cái tín hữu mong đợi nơi ngài đó là việc ngài trở thành một nhân chứng cho đức khôn ngoan hằng hữu được chất chứa nơi lời mạc khải. Mối quan tâm đến phẩm chất của việc nguyện cầu riêng tư cũng như đến việc trao luyện tốt đẹp về thần học là những gì sinh hoa kết trái trong đời sống. Sống dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa chuyên chế độc đoán có thể gây ra một khuynh hương vô thức trong việc nấp sau chiếc mặt nạ, do đó trở thành một cái gì đó giả hình. Dĩ nhiên là điều này không làm gia tăng những mối liên hệ huynh đệ chân chính và có thể sẽ dẫn tới chỗ quá tập trung vào bản thân mình. Thực sự chúng ta tăng trưởng một cách chín chắn về tình cảm nếu lòng chúng ta gắn bó với Thiên Chúa. Chúa Kitô cần đến những vị linh mục trưởng thành, cứng cát, có thể vun trồng tính cách thân phụ thiêng liêng chân thực. Để thực hiện điều ấy, các vị linh mục cần phải tỏ ra chân thành, cởi mở với vị linh hướng và tin tưởng vào tình thương thần linh.
Nhân dịp Đại Năm Thánh, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thường huấn dụ Kitô hữu hãy thực hiện việc thống hối về những bất trung bội tín trong quá khứ. Chúng ta tin rằng Giáo Hội là thánh, nhưng lại có các tội nhân nơi thành phần chi thể của Giáo Hội. Chúng ta cần loại trừ ước muốn chỉ đồng hóa mình với những ai vô tội. Làm sao Giáo Hội có thể loại trừ tội nhân ra khỏi hàng ngũ của mình được chứ? Chính vì phần rỗi của họ mà Chúa Giêsu đã mặc lấy xác thịt, đã chết và phục sinh. Bởi thế chúng ta cần phải biết thực hiện việc thành tâm thống hối theo Kitô giáo. Nhờ thực hành việc này, chúng ta hiệp với những người khác xưng thú các tội lỗi riêng tư, trước mặt họ và trước nhan Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta phải canh chừng yêu sách ngông cuồng cho mình có quyền phán xét các thế hệ trước kia, thành phần sống ở những thời điểm khác và trong hoàn cảnh khác. Cần phải chân thành khiêm tốn để chẳng những không phủ nhận tội lỗi trong quá khứ, đồng thời cũng không chiều theo những cáo buộc dễ dàng khi thiếu những bằng cớ thực sự hay chẳng lưu ý gì tới những tiền kiến khác ở thời bấy giờ. Ngoài ra, việc xưng thú lỗi lầm - confessio peccati, như Thánh Âu Quốc Tinh diễn tả, bao giờ cũng cần phải được kèm theo bằng việc xưng thú chúc tụng - confession laudis. Khi chúng ta xin lỗi về lỗi lầm đã làm trong quá khứ, chúng ta cũng cần phải nhớ đến sự thiện kèm theo nữa, nhờ ơn Chúa ban, sự thiện cho dù được chứa đựng trong những bình sành sinh hoa kết trái thường tuyệt vời.
Ngày nay Giáo Hội ở Balan đang gặp phải những thách đố cả thể về mục vụ, ở chỗ làm sao để có thể chăm sóc cho thành phần tín hữu rời bỏ quê hương xứ sở. Nạn thất nghiệp bắt buộc nhiều người phải xuất ngoại. Đó là một hiện tượng tràn lan và có tầm mức rộng lớn. Khi các gia đình bị phân chia như thế, khi những liên hệ về xã hội bị đổ vỡ, Giáo Hội làm thế nào có thể dửng dưng cho được. Những ai lìa bỏ như thế cần phải được các vị linh mục chăm sóc, những vị linh mục, cộng tác với Giáo Hội địa phương, thực hiện thừa tác mục vụ nơi thành phần di dân. Giáo Hội ở Balan đã có được nhiều linh mục và nữ tu để chẳng những phục vụ thành phần Balan tha hương, mà còn phục vụ cả những địa điểm truyền giáo đôi khi trong những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn ở Phi Châu, Á Châu, Mỹ Châu latinh cùng các miền khác. Xin đừng quên những nhà truyền giáo này, hỡi các vị linh mục yêu dấu của tôi. Tặng ân có được nhiều ơn gọi do Chúa ban cho Giáo Hội của anh em cần phải được lãnh nhận bằng một quan điểm thật sự là Công Giáo. Hỡi các vị linh mục Balan, xin đừng sợ xa lìa vùng thế giới an ninh và quen thuộc của mình, để lên đường phục vụ ở những nơi thiếu thốn linh mục và ở những nơi lòng quảng đại của anh em sinh hoa kết trái.
Hãy đứng vững trong đức tin của anh chị em! Tôi cũng trao phó câu tâm niệm cho cuộc hành trình này của tôi nơi anh em nữa. Hãy sống chân chính đích thực trong cuộc đời của anh em cũng như nơi thừa tác vụ của anh em. Gắn mắt nhìn lên Chúa Kitô, anh em hãy sống một đời khiêm tốn, đoàn kết với tín hữu là thành phần anh em được gửi tới với họ. Hãy phục vụ mọi người; hãy trở thành thuận lợi trong các giáo xứ cũng như nơi những tòa giải tội, hãy hỗ trợ các phong trào và hội đoàn mới, hãy nâng đỡ các gia đình, đừng quên mối liên hệ với giới trẻ, hãy lưu ý tới thành phần nghèo khổ và bị bỏ rơi. Nếu anh em sống bởi đức tin thì Thánh Thần sẽ tỏ cho anh em biết những gì anh em cần phải nói năng và cách thức anh em cần phải phục vụ. Anh em bao giờ cũng có thể tin tưởng vào sự trợ giúp của Mẹ Maria là Đấng đi trước Giáo Hội trong đức tin. Tôi khuyên anh em hãy luôn kêu cầu Mẹ bằng những lời anh em quá quen thuộc, đó là: ‘Chúng con gắn bó với Mẹ, chúng con tưởng nhớ đến Mẹ, chúng con dõi theo Mẹ’.
Tôi ban phép lành cho tất cả anh em!
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh
Linh Mục là Mục Tử phục vụ Đàn Chiên Chúa: Vị Linh Mục Sống Thân Tình Với Chúa Kitô Mới Biết Được Chiên và Mới Được Chiên Biết Đến
Bài Giảng của Giáo Hoàng Biển Đức XVI Trong Thánh Lễ Truyền Chức Thánh cho 15 Tân Linh Mục Ở Đền Thờ Thánh Phêrô ngày Chúa Nhật Chúa Chiên Lành 7/5/2006
(tiếp 25 Thứ Năm, 26 Thứ Sáu, 27 Thứ Bảy)
Vị Linh Mục Sống Thân Tình Với Chúa Kitô Mới Biết Được Chiên và Mới Được Chiên Biết Đến
Điều thứ hai Chúa Kitô nói với chúng ta đó là ‘Tôi biết chiên Tôi và chiên Tôi biết Tôi, như Cha Tôi biết Tôi và Tôi biết Cha Tôi’ (Jn 10:14-15).
Ở đây, hai mối liên hệ hoàn toàn khác nhau theo hình thức được đan kết với nhau nơi câu nói này, đó là mối liên hệ giữa Chúa Giêsu với Chúa Cha và mối liên hệ giữa Chúa Giêsu với thành phần được ủy thác cho Người. Tuy nhiên, cả hai mối liên hệ ấy có tương quan với nhau, vì cuối cùng chúng cũng đưa đến việc con người thuộc về Chúa Cha và việc họ tìm kiếm Đấng Hóa Công, tìm kiếm Thiên Chúa.
Khi các mối liên hệ ấy thấy rằng có một ai đó đang nhân danh họ mà nói và xuất phát từ bản thân họ mà thôi thì các mối liên hệ ấy cho rằng họ là những gì quá bé nhỏ và không thể trở thành những gì được các mối liên hệ ấy đang tìm kiếm; thế nhưng, ở bất cứ nơi nào âm vang tiếng nói của một ai khác trong con người, tiếng của Đấng Hóa Công, của Chúa Cha, thì cửa ngõ liền được mở ra cho mối liên hệ mà con người đang trông mong.
Như thế thì cách thức cần phải xẩy ra nơi chúng ta là như thế này. Trước hết, chúng ta cần phải sống liên hệ với Chúa Kitô trong lòng mình, và nhờ Người, sống liên hệ với Chúa Cha, để rồi cho tới lúc ấy chúng ta mới thực sự hiểu được dân, thâm cung con người chỉ hiện tỏ trong ánh sáng của Thiên Chúa. Bấy giờ những ai lắng nghe chúng ta mới nhận thấy rằng chúng ta không nói về bản thân mình hay về một điều gì đó mà là về Vị Mục Tử chân thực.
Tất nhiên là những lời Chúa Giêsu dạy cũng chứa đựng tất cả công việc mục vụ cụ thể nữa, việc chăm sóc cho con người nam nữ, việc lên đường tìm kiếm họ, việc đáp ứng những nhu cầu và vấn nạn của họ.
Quả thực là việc hiểu biết một cách thực tiễn và cụ thể về con người được ký thác cho tôi là những gì nồng cốt thiết yếu, và quả thực là cần phải nắm được cách thức ‘hiểu biết’ kẻ khác này theo ý nghĩa của Thánh Kinh, đó là không có vấn đề hiểu biết thực sự nếu thiếu vắng tình yêu thương, nếu không có một mối liên hệ nội tại và nếu thiếu vắng việc sâu xa chấp nhận nhau.
Vị mục tử không thể mãn nguyện với việc biết được tên tuổi và ngày tháng. Cách thức ngài biết chiên của ngài bao giờ cũng phải là việc biết bằng cõi lòng.
Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể thực hiện được điều này một cách xứng hợp nếu Chúa Kitô mở lòng của chúng ta ra; nếu việc biết của chúng ta không ràng buộc người ta vào cái tôi nhỏ bé riêng tư của chúng ta, vào con tim nhỏ bé của chúng ta, mà là làm cho họ ý thức được Trái Tim của Chúa Giêsu, Trái Tim của Chúa Kitô. Nó cần phải là việc biết bằng Con Tim của Chúa Giêsu, việc biết hướng về Người, một cách thức biết không ràng buộc con người lại với tôi mà là dẫn họ đến với Chúa Giêsu, nhờ đó, làm cho con người được tự do thanh thoát. Có thế, cả chúng ta nữa mới sống gần gũi với thành phần con người nam nữ.
Chúng ta hãy luôn nguyện cầu một cách mới mẻ cùng Chúa Kitô để chúng ta được Người ban cho chúng ta thực hiện cách biết bằng Trái Tim Chúa Giêsu, cách biết không ràng buộc với tôi mà là gắn bó với Trái Tim Chúa Giêsu, để nhờ đó chúng ta kiến tạo nên một cộng đồng thực sự.
(còn 1 kỳ nữa)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh (các tiểu đề để phân đoạn là do người dịch tự ý thực hiện để có thể thấy rõ ý chính của từng đoạn cũng như bố cục mạch lạc của toàn bài giảng)