GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ TƯ 3/5/2006

 TUẦN III PHỤC SINH

 

?  Giáo Hoàng Biến Đức XVI với Tham Dự Viên Khóa Hội Luận ở Sảnh Đường Phaolô ngày 10/4/2006 về Giáo Dục Cao Học Ở Âu Châu

?  Câu vấn đáp 4 trong 5 câu giữa giới trẻ và Giáo Hoàng Biển Đức XVI ngày Thứ Năm 6/4/2006 tại Quảng Trường Thánh Phêrô dịp sửa soạn cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới XXI 9/4 ở Giáo Phận Địa Phương

?  THƠ ẤU PHÚC ÂM

 

 

?  Giáo Hoàng Biến Đức XVI với Tham Dự Viên Khóa Hội Luận ở Sảnh Đường Phaolô ngày 10/4/2006 về Giáo Dục Cao Học Ở Âu Châu

 

Kính Đức Hồng Y,

Quí Huynh Khả Kính trong Hàng Giáo Phẩm và trong Hàng Linh Mục,

Quí Tôn Vị Nữ Nam,

 

Tôi hân hạnh tiếp đón anh chị em và thân ái chào tất cả anh chị em đang tham dự Buổi Hội Luận về đề tài: “Gia Sản Về Văn Hóa cùng Các Giá Trị Hàn Lâm của Đại Học Âu Châu và Tính Chất Thu Hút của Lãnh Vực Giáo Dục Cao Học Âu Châu”. Anh chị em đến tham dự từ khoảng 50 quốc gia Âu Châu gắn bó với cái được gọi là “Tiến Trình Bologna”, một tiến trình Giáo Hội cũng góp phần xây dựng của mình.

 

Tôi xin chào Đức Hồng Y Zenon Grocholewski, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo, vị đã ngỏ những lời lẽ nhã nhặn và trân trọng với tôi thay cho anh chị em, đồng thời giải thích cho biết những mục tiêu của cuộc họp này của anh chị em, và tôi xin cám ơn ngài về việc tổ chức cuộc họp này ở Vatican với sự hợp tác của Hội Đồng Viện Trưởng Các Đại Học Tòa Thánh, Học Viện Tòa Thánh Về Các Khoa Xã Hội Học, UNESCO-CEPES và Hội Đồng Âu Châu, với sự bảo trợ của Ủy Ban Âu Châu.

 

Tôi xin đặc biệt chào các vị Bộ Trưởng và các vị Đại Diện thuộc các Tổ Chức Quốc Tế cũng muốn đến tham dự cuộc họp này.

 

Trong những ngày này, việc anh chị em suy nghĩ tập trung vào sự đóng góp được các đại học Âu Châu, các đại học được phong phú hóa bởi một truyền thống lâu đời, có thể cống hiến vào việc xây dựng Âu Châu của ngàn năm thứ ba, chú trọng tới sự kiện là hết mọi thực tại về văn hóa vừa thuộc về ký ức quá khứ vừa là một dự phóng cho tương lai.

 

Giáo Hội có ý định thực hiện việc đóng góp của mình vào việc suy tư này như Giáo Hội đã từng làm qua các thế kỷ. Giáo Hội đã liên lỉ chú trọng tới những trung tâm nghiên cứu và những đại học của Âu Châu, một Âu Châu, cùng với ‘việc phục vụ về tư tưởng’, đã truyền lại cho các thế hệ trẻ những thứ giá trị của một gia sản đặc biệt về văn hóa được phong phú hóa bởi hai ngàn năm kinh nghiệm về nhân bản và Kitô Giáo (x Ecclesia in Europa, đoạn 59).

 

Trước tiến là đời sống đan viện đã thực hiện một ảnh hưởng đáng kể. Công lênh sự nghiệp của đời sống đan tu này, cả trong bối cảnh về tinh thần lẫn tôn giáo, cũng bao gồm cả các lãnh vực về kinh tế và tri thức nữa. Trong thời Charlemagne, các học đường thực sự được thành lập bằng việc đóng góp của Giáo Hội, và vị Hoàng Đế này nhiều người bao nhiêu có thể được hưởng lợi ích của những trường học đó.

 

Một ít thế kỷ sau tới việc xuất hiện đại học đường, cũng được xuất phát từ động lực chính yếu là Giáo Hội. Nhiều đại học Âu Châu, từ Đại Học Bologna đến các đại học ở Paris, Krakow, Salamanca, Cologne, Oxford và Prague, chỉ cần đầ cập tới một ít thế thôi, phát ttriển nhanh chóng và đóng một vai trò quan trọng trong việc củng cố căn tính Âu Châu và xây dựng gia sản văn hóa của nó.

 

Các cơ cấu đại học luôn được nổi bật bởi lòng yêu chuộng sự khôn ngoan và tìm cầu chân lý, như mục đích thật sự của các đại học, những điều liên lỉ gắn liền với nhãn quan Kitô Giáo là nhãn quan nhìn nhận con người là tác phẩm chính của thiên nhiên tạo vật, vì họ được dựng nên theo hình ảnh và tương tự như Thiên Chúa (x Gen 1:26-27).

 

Niềm xác tín rằng có một mối liên hệ sâu xa giữa sự thật và sự thiện, giữa những cái nhìn của trí khôn với những cái nhìn của tấm lòng: ‘Ubi amor, ibi oculos’, như Riccardo di San Vittore đã nói (x Beniamin minor, c. 13), đã luôn là mô mẫu của nhãn quan này: tình yêu làm cho con người nhìn thấy. Các đại học đường hiện hữu bởi lòng yêu chuộng kiến thức cũng như bởi sự tò mò muốn biết, muốn biết bản chất của thế giới, bản chất của con người, nhưng cũng hiện hữu bởi một thứ kiến thức dẫn đến tác hành, một kiến thúc cuối cùng dẫn tới yêu thương.

 

Quí tôn vị nữ nam, với một thoáng nhìn về Châu Lục ‘cổ’ dễ thấy được những thách đố về văn hóa Âu Châu ngày nay đang đương đầu, vì nó quyết tâm tái nhận thức căn tính của nó, một căn tính không phải chỉ hoàn toàn về kinh tế hay chính trị. Vấn đề căn bản ngày nay, cũng như trong quá khứ, vẫn là vấn đề về nhân loại học, đó là vấn đề con người là gì? Họ từ đâu tới? Họ rồi phải đi đâu? Họ phải đi như thế nào?

 

Nói cách khác, nó là vấn đề làm sáng tỏ quan niệm về con người, thành phần là nền tảng cho các dự phóng mới.

 

Và anh chị em có lý hỏi mình rằng đại học đường có ý định phục vụ nhân loại nào đây, hình ảnh con người nào đây: một cá thể thu mình vào việc bênh vực những tư lợi của họ, bênh vực quan điểm duy nhất về lợi lộc, một quan điểm duy vật, hay là một con người hướng về tình đoàn kết với kẻ khác trong việc tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc sống, một cuộc sống có một ý nghĩa chung vượt lên trên cá thể?

 

Chúng ta cũng ngẫm nghĩ về mối liên hệ giữa con người, khoa học và kỹ thuật là gì nữa. Nếu trong thế kỷ 19 và 20, kỹ thuật đã đạt được mức tiến bộ lạ lùng, thì ở đầu thế kỷ 21 này, những bước tiến đã được diễn ra, ở chỗ, kỹ thuật cũng nhờ khoa điện toán học cũng góp phần vào tiến trình tâm trí của chúng ta, với những thành quả liên quan tới cách thức chúng ta suy nghĩ và có thể hạn định chính tự do của chúng ta.

 

Cần phải mạnh mẽ nói rằng nhân loại không thể nào và không bao giờ được trở thành tế vật cho việc thành đạt của khoa học và kỹ thuật: đó là lý do tại sao cái được gọi là ‘vấn đề nhân loại học’ cho thấy tầm quan trọng hoàn toàn của nó.

 

Đối với chùng ta, thành phần thừa hưởng của truyền thống nhân bản được bắt nguồn từ các giá trị Kitô Giáo, vấn đề này cần phải được đối diện theo chiều hướng của những nguyên tắc sáng suốt thuộc nền văn minh của chúng ta, một nền văn minh được thành lập ở nơi các phòng thí nghiệm thực sự của các việc đại học Âu Châu trong việc nghiên cứu và việc đào sâu kiến thức.

 

‘Từ quan niệm thánh kinh về con người, Âu Châu kín múc được nền văn hóa đệ nhất về nhân bản’, Đức Gioan Phaolô II đã nhận định như thế trong Tông Huấn Hậu Thượng Nghị Giám Mục Ecclesia in Europa, “và đã phát triển phẩm vị của con người như là chủ thể của các thứ quyền lợi bất khả chuyển nhượng” (khoản 25). Bởi vậy, ‘Giáo Hội’, vị Tiền Nhiệm khả kính của tôi còn viết thêm, ‘ đã giúp làm phát triển và củng cố các thứ giá trị làm cho văn hóa Âu Châu trở thành phổ quát’ (ibid.).

 

Thế nhưng, con người không thể hiểu được chính mình hoàn toàn nếu họ coi thường Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao, cùng một lúc Âu Châu của ngàn năm thứ ba đang được xây dựng thì chiều kích tôn giáo của cuộc sống con người không thể bị loài trừ.

 

Ở đây vai trò đặc biệt của đại học hiện lên như là một vũ trụ về khoa học không chỉ giới hạn vào những thứ chuyên biệt khác nhau: trong tình hình hiện nay thì đại học đường không được dừng lại ở việc giảng dạy hay ở việc truyền đạt kiến thức về kỹ thuật và chuyên nghiệp là những khoa rất quan trọng nhưng chưa đủ, vì nó cũng cần phải thực hiện việc đóng một vai trò giáo dục đặc biệt để phục vụ các thế hệ mới nữa, bằng việc sử dụng di sản của các thứ lý tưởng và giá trị làm nên đặc tính của các thiên kỷ đã qua.

 

Nhờ đó, các việc đại học mới có thể giúp cho Âu Châu bảo trì và tái nhận thức được ‘cái hồn’ của nó, khi làm tái sinh động các căn gốc Kitô Giáo là những gì đã làm nên nó.

 

Quí tôn vị nữ nam, xin Thiên Chúa làm cho công cuộc của anh chị em và các nỗ lực của anh chị em mang lại lợi ích cho nhiều giới trẻ, thành phần là hy vọng của Âu Châu. Kèm theo niềm ước vọng này, tôi hứa cầu nguyện đặc biệt cho mỗi người trong anh chị em, và xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em.

 

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2006/april/documents/hf_ben-xvi_spe_20060401_cath-educ_en.html

 

TOP

 

 

 ?  Câu vấn đáp 4 trong 5 câu giữa giới trẻ và Giáo Hoàng Biển Đức XVI ngày Thứ Năm 6/4/2006 tại Quảng Trường Thánh Phêrô dịp sửa soạn cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới XXI 9/4 ở Giáo Phận Địa Phương

 

Vấn 4:             Tâu Đức Thánh Cha, con tên là Vittorio, con thuộc Giáo Xứ Thánh Gioan Bosco ở Cinecittà. Con 20 tuổi và đang theo học ngành giáo dục ở Đại Học Tor Vergata.

 

Trong sứ điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới XXI, một lần nữa, Đức Thánh Cha mời gọi chúng con đừng sợ đáp lại Chúa một cách quảng đại, nhất là khi Người gợi ý muốn chúng con theo Người sống đời tận hiến hay linh mục. Đức Thánh Cha nói với chúng con rằng nếu chúng con không sợ hãi, nếu chúng con tin tưởng nơi Người, thì chúng con sẽ không bị lừa đảo.

 

Con tin rằng nhiều người trong chúng con, ở nơi đây hay trong số những ai đang ở nhà theo dõi chúng ta buổi tối hôm nay trên truyền hình, đang nghĩ về việc theo Chúa Giêsu sống đời đặc biệt tận hiến, thế nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng hiểu được đó có phải là con đường ngay chính hay chăng.

 

Đức Thánh Cha có thể nói cho chúng con biết chính Đức Thánh Cha đã tiến đến chỗ hiểu được ơn gọi của Đức Thánh Cha hay chăng? Đức Thánh Cha có thể ban cho chúng con lời khuyên dụ để chúng con có thể thực sự hiểu được rằng Chúa Kitô đang gọi chúng con theo Người để sống đời tận hiến hay linh mục hay chăng? Con xin cám ơn Đức Thánh Cha.


Đáp
:               Đối với trường hợp của tôi, tôi đã lớn lên ở một thế giới rất khác với thế giới ngày nay, nhưng cuối cùng thì tình trạng lại giống như nhau.

 

Một mặt thì tình trạng “Kitô Giáo” vẫn còn đó, vẫn còn được đến nhà thờ như thường và chấp nhận đức tin theo như Thiên Chúa mạc khải, và cố gắng sống theo mạc khải của Ngài; đàng khác lại có chế độ Nazi lớn tiếng tuyên bố rằng: “Ở tân Đức quốc này không còn vấn đề linh mục, không còn vấn đề sống đời tận hiến, chúng ta không cần đến những thành phần ấy; hãy tìm kiếm một nghề nghiệp khác”.

 

Tuy nhiên, chính vì nghe thấy những tiếng “la lối” ấy, đối diện với cảnh tàn ác của chế độ ấy với một gương mặt phi nhân, mà tôi đã nhận ra rằng lại càng cần phải có các vị linh mục.

 

Cái tương phản ấy, việc chứng kiến thấy thứ văn hóa phản nhân bản ấy, đã củng cố niềm xác tín của tôi là Chúa Kitô, Phúc Âm và đức tin mới chỉ cho thấy con đường ngay chính, và chúng ta buộc phải dấn thân bảo đảm để còn đường này được tồn tại. Trong trường hợp như thế, ơn gọi làm linh mục tăng tiến nơi tôi, hầu như là tự nhiên, không hề xẩy ra một biến cố hoán cải thảm thiết nào.

 

Còn hai điều khác cũng đã giúp tôi trong cuộc hành trình này, ở chỗ, là một đứa con trai, được cha mẹ và linh mục coi xứ giúp đỡ, tôi đã khám phá ra vẻ đẹp của phụng vụ, và tôi tiến đến chỗ yêu chuộng phụng vụ mỗi ngày một hơn, vì tôi cảm thấy rằng vẻ đẹp thần linh tỏ hiện nơi phụng vụ và trời cao mở ra trước mắt chúng ta.

 

Yếu tố thứ hai là việc khám phá ra vẻ đẹp của kiến thức, của việc hiểu biết Thiên Chúa và Thánh Kinh, nhờ đó mới có thể tiến vào cuộc phiêu lưu cả thể của việc đối thoại với Thiên Chúa đó là thần học. Bởi vậy, thật là niềm vui khi tiến vào công cuộc thần học cả ngàn năm này, tham dự vào việc cử hành phụng vụ này là việc trong đó Thiên Chúa ở với chúng ta và cử hành với chúng ta.

 

Dĩ nhiên, cũng không phải là không có vấn đề. Tôi đã tự hỏi rằng tôi thực sự có thể sống độc thân suốt đời của mình được chăng. Là một con người được đào luyện về lý thuyết chứ không phải thực hành, tôi cũng biết rằng việc yêu chuộng thần học vẫn chưa đủ để trở thành một vị linh mục tốt lành, song còn cần phải luôn trở nên thuận lợi cho giới trẻ, cho người già, cho bệnh nhân và cho người nghèo, tức nhu cầu cần phải trở thành giản dị với thành phần đơn thành.

 

Thần học là những gì đẹp đẽ thật, nhưng tính chất đơn thành nơi ngôn từ và đời sống Kitô hữu là những gì bất khả châm chước. Bởi vậy mà tôi đã tự hỏi mình rằng: Liệu tôi có thể sống tất cả những điều ấy hay chăng, chứ không chỉ sống một chiều, thuần túy là một thần học gia v.v.?

 

Tuy nhiên, Chúa Kitô đã giúp tôi và thành phần bạn hữu, trong đó đặc biệt có các vị linh mục và thày dạy tốt lành đã giúp đỡ tôi.

 

Trở về với câu hỏi, tôi nghĩ cần phải chú ý tới những cử chỉ của Chúa nơi cuộc hành trình của chúng ta. Người nói với chúng ta qua các biến cố, qua con người, qua các cuộc gặp gỡ: Cần phải chú ý tới tất cả những điều ấy.

 

Thế rồi, vấn đề thứ hai đó là cần phải tiến vào cuộc thân tình thật sự với Chúa Giêsu bằng mối liên hệ riêng tư với Người, chứ không phải chỉ biết Chúa Giêsu là ai từ kẻ khác hay từ các thứ sách vở, mà là sống mối liên hệ riêng tư sâu xa hơn với Chúa Giêsu, để có thể bắt đầu hiệu được những gì Người đang muốn ngỏ ý với chúng ta.

 

Sau đó là việc nhận thức về những gì tôi là, về những khả năng của tôi, ở chỗ, một mặt thì can đảm, mặt khác thì khiêm tốn, tin tưởng và cởi mở, cùng với cả sự giúp đỡ của bạn bè, của thẩm quyền Giáo Hội cũng như của các vị linh mục, của các gia đình: Chúa muốn gì nơi tôi đây?

 

Dĩ nhiên, đó luôn là một cuộc đại mạo hiểm, thế nhưng cuộc sống chỉ thành công nếu chúng ta can đảm mạo hiểm, tin tưởng rằng Chúa Kitô sẽ không bao giờ để tôi một mình, Chúa Kitô sẽ đi với tôi và giúp đỡ tôi.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 23-24/4/2006

 

 

TOP

 

 

?   THƠ ẤU PHÚC ÂM

 

Trần Mỹ Duyệt

 

“Hãy để các em nhỏ đến với Thầy đừng ngăn cấm chúng. Nước Thiên Chúa thuộc về những người như chúng. Thầy bảo thật, ai không đón nhật Nước Trời như em bé này sẽ không vào đó được” (Lc 18:16-17).

 

 “Ai tiếp nhận một em nhỏ vì danh thầy là tiếp rước thầy. Ai làm gương xấu cho một em nhỏ đang tin thầy đây, thì thà rằng buộc cối đá vào cổ nó mà quăng xuống biển còn hơn” (Mt 18:5-6).

 

“Hỡi đoàn con nhỏ đừng lo, vì Cha ta đã vui lòng ban nước trời cho các con” (Lc 12:32).

 

“Ai trở nên bé nhỏ như em nhỏ này, kẻ đó sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời” (Mat 18:4).

 

Theo lời Chúa Giêsu thì việc trở nên như con trẻ đây là điều kiện tiên quyết để chúng ta có thể chiếm hữu Nước Trời. Không những chiếm hữu được Nước Trời, mà còn trở nên những người chiếm địa vị cao trên đó, điều mà ngay các Tông Đồ cũng đã tranh cãi và dành dật. Nhưng theo Chúa Giêsu thì: 1) Trẻ nhỏ ở đây là ai? 2) Tại sao phải trở nên như trẻ nhỏ mới được vào nước Trời? 3) Tại sao trẻ nhỏ lại có địa vị cao trên nước trời?

 

 TRẺ NHỎ THEO QUAN NIỆM PHÚC ÂM

 

Trước khi tìm hiểu về 3 vấn nạn trên theo sau những lời của Chúa Giêsu đã phán, chúng ta phải hiểu về quan niệm trẻ nhỏ theo cái nhìn của Phúc Âm.

 

Hiển nhiên khi Chúa Giêsu nói đến tính thơ trẻ liên quan đến hạnh phúc Nước Trời, Ngài muốn chúng ta hiểu rằng đây là cái nhìn và quan niệm tâm linh. Có nghĩa là Ngài không nói đến trẻ nhỏ theo phương diện thể lý, phương diện tự nhiên nhưng là đề cao tính thơ trẻ theo nghĩa tâm linh và tâm lý trực tiếp liên quan đến những giá trị của Tin Mừng. Trong ý nghĩa này, và theo tinh thần Tin Mừng, tuổi trẻ mới là lý do chiếm hữu được Nước Trời, và hơn thế nữa, được chiếm những địa vị cao trên đó.

 

Thật vậy, trong khi đề cao tinh thần thơ ấu thiêng liêng, và tính thơ trẻ của Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nói nhiều lần rằng Nước Trời, hạnh phúc Thiên Đàng không phải là một của “cho không, biếu không”, mà là một phần thưởng. Mà vì là một phần thưởng nên đòi hỏi sự cố gắng. Những từ ngữ mà Chúa Giêsu dùng để diễn tả hành động chiếm hữu này như vào “cửa hẹp”: “Hãy vào cửa hẹp,. Thầy bảo thật, nhiều nguời muốn vào mà không được” (Lc 13: 24). Hoặc “bền đỗ”: “Ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu rỗi”, hoàn toàn tương phản với những gì mà chúng ta thấy nơi các trẻ em theo thể lý và một hình thức nào đó, xét về phương diện ý thức. Trẻ em làm gì có sức mạnh. Trẻ em làm gì có khả năng bền đỗ. Và trẻ em làm gì có khả năng đi vào đường hẹp. Những đòi hỏi và những đặc tính này thuộc về người lớn. Không những lớn mà còn phải là những người lớn khoẻ mạnh, phát triển và có ý chí.

 

Tóm lại, thơ ấu Phúc Âm không phải là lối nhìn và so sánh theo tính chất thể lý và tự nhiên. Điều này được dẫn chứng qua đời sống của những vị tu hành, những tâm hồn đạo đức, thánh thiện, những thánh nhân. Trong đời sống tu đức và sự phát triển về tâm linh, các vị thánh nhân đã không chỉ trưởng thành về mặt thể lý mà còn cả về tâm lý, tâm linh, và đạo đức nữa.

 

Không mạnh mẽ, không trưởng thành và không tin tưởng làm sao dám đưa cổ cho lý hình chém. Không trưởng thành, không ý chí làm sao dám liều thân đi giữa và sống giữa những người mà mình không hề quen biết như các nhà truyền giáo tại Phi Châu, Á Châu, hay tại các quốc gia Hồi Giáo hiện nay. Không trưởng thành và không mạnh mẽ can đảm thì làm sao dám hy sinh cuộc sống riêng tư cho những tiếng gọi tận hiến, tu trì, hoặc ngay cả tiếng gọi hôn nhân gia đình. Những cuộc đời này không chỉ thuần tuý đẹp theo lý thuyết, nhưng rõ ràng được đan dệt bằng bao thử thách, bao chông gai, và hy sinh, hãm dẹp.

 

Tóm lại, tính cách thơ ấu mà Chúa Giêsu đề cập đến trong Tin Mừng rõ ràng không phải là một hình thức ấu thơ theo nghĩa thể lý, mà là hoàn toàn mang tính tâm linh và thuộc lãnh vực tâm linh.

 

THƠ ẤU PHÚC ÂM

 

Thơ ấu Phúc Âm hay thơ ấu thiêng liêng mà chúng ta bàn tới đây chính là những yếu tố xây dựng học thuyết Đường Thơ Ấu Thiêng Liêng, một học thuyết đã đưa Têrêsa lên hàng hiển thánh và là Tiến Sỹ Hội Thánh. Vậy, thế nào là thơ ấu Phúc Âm?

 

1. Trẻ nhỏ là những ai?

 

Khi Chúa Giêsu nói :“Hãy để các em đến với Thầy đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng” (Mat 20:14). Và khi Ngài dùng cách so sánh để ví các em như những “đại diện”, những “sứ giả” của mình: “Ai tiếp nhận một em nhỏ vì danh thầy là tiếp rước thầy” Luc 18:5), chúng ta nhận ra rằng trẻ nhỏ là những nhân vật rất có thế giá, gần gũi, và thân mật với Ngài. Vậy trẻ nhỏ là những ai.

 

Trước hết, theo ý nghĩa của Tin Mừng và theo những lời Chúa Giêsu nói, thì trẻ nhỏ là những người được lời hứa Nước Trời: “Vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng” – giống như các trẻ nhỏ. Tiếp đến, trẻ nhỏ theo nghĩa Tin Mừng là những hiện thân, là những đại diện, và sứ giả của Chúa Giêsu: “Ai tiếp rước một em nhỏ vì danh thầy là tiếp rước thầy”.

 

Trẻ nhỏ theo ánh sáng Tin Mừng là thế. Đây không phải là những em nhỏ thuần túy theo cái nhìn thể lý, mà là tất cả những ai “nên giống” hay có tinh thần thơ ấu của Tin Mừng. Và theo tinh thần ấy, thì trẻ nhỏ là những ai thể hiện và sống một cuộc đời: 1) Đơn sơ, tín thác nơi Chúa. 2) Sống trong sạch và thanh khiết tùy theo ơn gọi. 3)  Sống yêu mến và thiết tha đối với Thiên Chúa.

 

1- Đơn sơ và tín thác:

 

Đây là nét đặc thù đầu tiên của những tâm hồn thánh thiện, những trẻ nhỏ của Tin Mừng, những sứ giả của Chúa. Chỉ có những tâm hồn đơn sơ, tín thác nơi Thiên Chúa mới bộc lộ được vẻ “thơ trẻ” thiêng liêng và mới tạo sự thu hút mà qua đó, Chúa Giêsu mới chúc phúc và ôm ẵm họ vào lòng. Họ là những tâm hồn sống không lệ thuộc vào trần gian, và không tin tưởng vào trần gian. Và sự đơn sơ, tín thác này bắt nguồn từ sự trong sạch và thánh thiện của Thiên Chúa.   

 

 “Hỡi đoàn con nhỏ đừng lo, vì Cha ta đã vui lòng ban nước trời cho các con” (Lc 12:32). Đây là lời hứa yêu thương mà Chúa Giêsu đã và sẽ thực hiện cho tất cả những ai trở nên thơ ấu nước trời. Họ sẽ không phải lo lắng gì, vì ngoài sự âu yếm, thân mật, và săn sóc, Thiên Chúa đã hứa Nước Trời cho những tâm hồn thơ ấu ngay trên trần thế rồi vậy.

 

2- Trong sạch và thanh khiết:

 

Nét thứ hai của những tâm hồn thơ ấu Phúc Âm là sự trong sạch và thanh khiết tùy theo ơn gọi của mình.

 

Nếu dục vọng và những đam mê xác thịt làm nặng nề và chôn bám những ai đam mê theo đuổi nó vào thế giới vật chất, thì sự trong sạch, thanh khiết nâng cao những ai đi theo lời hứa Phúc Âm. Họ chính là những thiên thần giữa trần thế. Họ không bị giới luật thứ 6 và thứ 9 làm vẩn đực đời mình. Họ là những chứng nhân của một thân xác phục sinh giữa lòng đời và trong cuộc đời. Phần nào đời sống họ được mô phỏng qua thái độ trong sạch và ngây thơ của các em nhỏ. Các em nhỏ, trong khi vui đùa với nhau, sống gần gũi nhau, giao tiếp với nhau nhưng không bị những quyến rũ, và ham muốn dục vọng làm hoen ố tâm hồn, ý nghĩ, và hành động.

 

Thái độ trong trắng, ngây thơ ở đây không chỉ trong phạm vi giới luật thứ 6 và thứ 9, mà nó còn bao gồm giới luật thứ 5, thứ 7, thứ 8, và thứ 10. Đó là những tâm hồn thành thật, không gian dối, không làm hại ai, và không tham lam của người một cách bất chính. Và đây chính là những “con trẻ” của Tin Mừng. Coi chừng những ai làm gương xấu cho những “trẻ thơ” Nước Trời, vì họ sẽ gặp vào sự chống đối và bảo vệ của Chúa Giêsu: “Ai làm gương xấu cho một em nhỏ đang tin thầy đây, thì thà rằng buộc cối đá vào cổ nó mà quăng xuống biển còn hơn” (Mt 18:6).

 

3- Yêu mến:

 

Nhưng đặc tính quan trọng nhất của trẻ em là yêu mến và làm hài lòng cha mẹ. Qua đặc tính này, những tâm hồn trẻ thơ Phúc Âm chính là những tâm hồn yêu mến Thiên Chúa và dễ bén nhậy, dễ gần gũi, thân mật với Ngài.  

 

Trong những việc mà một em bé có thể làm là yêu mến cha mẹ. Một em vừa lọt lòng mẹ ra đã biết làm điều này. Em không xa rời cha mẹ, và đặc biệt là mẹ. Đúng ra, em không thể sống được nếu không có mẹ. Và điều này, Thiên Chúa muốn tất cả chúng ta phải bắt chước, và phải nên giống trẻ nhỏ. Càng xa Thiên Chúa, càng cho mình trưởng thành và không cần đến Thiên Chúa, con người càng đi vào những tội lỗi, xấu xa. Và càng phạm vào những tội lỗi xấu xa, linh hồn càng xa Chúa, càng khiến họ trở thành kẻ thù của tình yêu Ngài. Và đây là điều mà tại sao Thiên Chúa muốn tất cả chúng ta phải trở nên thơ trẻ như con trẻ. Vì Ngài thương yêu chúng ta, và không muốn chúng ta trở thành những đứa con thù nghịch với tình yêu cao vời của Ngài. 

 

Tất cả những đặc tính cần thiết mà chúng ta tìm thấy qua Thánh Kinh về tinh thần thơ ấu Phúc Âm được gồm tóm trong ba ý nghĩa vừa được nêu trên. Và những ai trong tư tưởng, lời nói, và hành động thực hành được ba đặc tính này đều được gọi là những tâm hồn, những “em nhỏ” của Tin Mừng, của Phúc Âm, và là những trẻ nhỏ đúng nghĩa của Chúa Giêsu.

 

Cũng qua 3 đặc tính căn bản vừa nêu trên chúng ta được trở thành đáng yêu trước mặc Thiên Chúa, không ai, dù là các Tông Đồ của Chúa có quyền cản ngăn chúng ta đến gần Chúa. Và ở một khía cạnh nào đó, chúng ta là những hiện thân, những sứ giả của Ngài. Qua chúng ta, thiên hạ nhìn thấy Thiên Chúa, vì khi họ tiếp rước chúng ta, chính là họ tiếp rước Thiên Chúa.  

 

2. Tại sao phải trở nên như trẻ nhỏ?

 

Chúa Giêsu đã nói: “Hãy để các em nhỏ đến với Thầy đừng ngăn cấm chúng. Nước Thiên Chúa thuộc về những người như chúng. Thầy bảo thật, ai không đón nhật Nước Trời như em bé này sẽ không vào đó được” (Lc 18:16-17).

 

Thật vậy, Nước Trời - cuộc sống bình an của trần thế và Thiên Đàng sau khi con người giã cõi đời - là một trạng thái bình an, thanh nhàn, vui vẻ, và đời đời hạnh phúc. Một trạng thái mà trong đó không có chém giết, thù hận, chia rẽ, khủng bố, bệnh hoạn, và những trói buộc hoặc cám dỗ của dục vọng. Ở đó không có lộng ngôn, phạm thượng, nhất là không có đau khổ và chết chóc. Nhưng cái làm cho trạng thái Thiên Đàng hay vĩnh hằng ấy trở thành một nơi, và thực tại đáng ao ước vì ở đó tất cả đều yêu thương và được yêu thương một cách thánh thiện, trong sạch; nhất là hiểu và đón nhận tình Chúa yêu thương. 

 

Nhưng khi Chúa Giêsu bảo nơi thanh nhàn, hạnh phúc vô song ấy là nơi của những trẻ thơ, và những ai vào đó được cũng đều là những người giống như trẻ thơ, thì chúng ta phải hiểu đây là sự thơ trẻ thiêng liêng, hay gọi là thơ ấu Phúc Âm.

 

Do 2 điều kiện Chúa đòi cho những ai muốn vào Thiên Đàng, muốn chiếm hữu được Nước Trời là sức mạnh để vào “cửa hẹp”, và sự can đảm, bền chí để “bền đỗ đến cùng”. Và với 3 đặc tính của những trẻ thơ Phúc Âm, như 1) Đơn sơ, tín thác nơi Chúa. 2) Sống trong sạch và thanh khiết. 3) Sống yêu mến và thiết tha đối với Thiên Chúa. Việc trở nên thơ ấu Phúc Âm và trẻ thơ tinh thần ấy chính là để chiếm hữu và vào được Nước Trời. Thánh Têrêsa đã dùng linh đạo thơ ấu thiêng liêng này để vào Thiên Đàng, và gọi là “thang máy thiêng liêng”. Theo Thánh Nữ, nếu để tự sức riêng con người thì sự vất vả và khó khăn của con đường hẹp kia sẽ làm mất đi nhiều ý chí và sẽ có người không thể “bền đỗ đến cùng” mà vào Thiên Đàng. Nhưng đơn sơ tín thác, trong trắng ngây thơ, và yêu mến thiết tha là “nghề” của trẻ thơ. Trẻ thơ không cần học hỏi nhiều cũng đơn sơ, phó thác. Trẻ thơ không cần nhắc nhở và canh phòng, cũng trong trắng, ngây thơ. Và trẻ thơ không cần huấn luyện, cũng yêu mến thiết tha cha mẹ mình. Và đó chính là điểm mà Chúa Giêsu muốn chúng ta thực hiện để đem chúng ta vào Thiên Đàng: “Ta bảo thật các ngươi, ai không đón nhận Nước Trời như em nhỏ này sẽ không vào được. Rồi ngài ôm các em vào lòng, đặt tay trên các em và chúc lành cho các em” (Mac 9:15-16). Và : “Hỡi đoàn con nhỏ đừng lo, vì Cha ta đã vui lòng ban nước trời cho các con” (Lc 12:32).

 

3. Tại sao trẻ nhỏ lại có địa vị cao trên nước trời?

 

Trong Tân Ước, khi nhìn về viễn tượng tương lai của mình, và bị cám dỗ bởi quyền hành, các Tông Đồ cũng đã có lần tranh nhau ngôi thứ. Thánh Kinh ghi nhận không phải là sự bàn tán có tính cách vui chơi, hoặc tìm hiểu mà là tranh luận với nhau. Cũng trong Thánh Kinh cho biết, mẹ của 2 Tông Đồ Giacôbê và Gioan cũng đã “gửi gấm” hai ông cho Chúa Giêsu cũng vì địa vị trong Nước Trời. Và câu trả lời của Chúa Giêsu không chỉ riêng cho anh em Giacôbê, Gioan, và cho các môn đệ Ngài, mà là cho tất cả mọi người chúng ta: “Ai trở nên bé nhỏ như em nhỏ này, kẻ đó sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời” (Mat 18:4).  

 

Trở nên thơ ấu như một em nhỏ sẽ chiếm địa vị cao trên Nước Trời. Vậy thì mấy ông hoàng, bà chúa. Mấy tổng thống, thủ tướng, dân biểu, nghị sĩ, quan tòa tối cao pháp viện. Mấy giáo hoàng, hồng y, giám mục, linh mục, phó tế và nam nữ tu sĩ. Mấy ông bà chủ tịch, hội trưởng các hội đoàn. Mấy ân nhân hạnh nhất, hạng nhì, hạng ba... sẽ ngồi ở chỗ nào, ngôi thứ nào trên Thiên Đàng? Vì như lời Chúa Giêsu đã nói, thì Thiên Đàng, Nước Trời không những được dành riêng cho các em nhỏ, mà em nào càng nhỏ, càng bé, lại càng có địa vị cao. Điều này sẽ làm thất vọng những ai muốn làm lớn, và tự cho mình là sinh ra để làm lớn.

 

Như Chúa Giêsu đã nói “Ai trở nên bé nhỏ như em nhỏ này, kẻ đó sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời” (Mat 18:4), và khi áp dụng vào 3 đặc tính của thơ ấu Phúc Âm thì cái thước do công trạng của một người để xắp chỗ trong Nước Trời, chính là lòng yêu mến Thiên Chúa. Bởi vì trẻ em chẳng biết làm gì ngoài việc yêu mến như Thánh Nữ Têrêsa đã dẫn giải về linh đạo Thơ Ấu Phúc Âm của mình. Chính Thánh Nữ cũng xin được làm công việc yêu mến ấy và cho mình có bổn phận làm con tim của Hội Thánh để yêu mến. Chúa Giêsu, qua vị thụ khải Margarita đã trao cho các hồn nhỏ trong Đạo Binh Hồn Nhỏ một việc – một nghề – dựa vào bản tính của tuổi thơ là yêu mến: “Nghề của hồn nhỏ là yêu thay và đền thay”. Yêu thay cho những người không yêu Chúa, và đền thay cho những người chưa bao giờ yêu Ngài. Và một khi đã yêu Ngài, thì tự nhiên sống thanh khiết, đơn sơ, và tín thác. Chúa phán:

 

“Hãy để các em nhỏ đến với Thầy đừng ngăn cấm chúng. Nước Thiên Chúa thuộc về những người như chúng. Thầy bảo thật, ai không đón nhật Nước Trời như em bé này sẽ không vào đó được” (Lc 18:16-17).

 

 “Ai tiếp nhận một em nhỏ vì danh thầy là tiếp rước thầy” (Mt 18:5).

 

“Ai trở nên bé nhỏ như em nhỏ này, kẻ đó sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời” (Mat 18:4).

 

 

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ