GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 6/5/2006

 TUẦN III PHỤC SINH

 

?  Linh Đạo Fatima với Sứ Điệp Fatima – 1) Mệnh Lệnh Cải Thiện Đời Sống 

?  Nạn Khai Thác Tình Dục trong Cuộc Đấu Quán Quân Túc Cầu Thế Giới 2006 tại Đức Quốc

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI huấn dụ hàng giáo sĩ sống thân tình với Chúa Kitô (tiếp)

 

 

?  Linh Đạo Fatima với Sứ Điệp Fatima – 1) Mệnh Lệnh Cải Thiện Đời Sống 

 

Đúng thế, nếu tu đức Kitô Giáo là một linh đạo tam cấp, bậc khởi sinh –thanh tẩy bỏ mình, bậc tiến sinh – nội tâm nguyện cầu, và bậc hiệp sinh – cảm nghiệm chiêm niệm, thì Sứ Điệp Fatima bao gồm 3 Mệnh Lệnh Fatima cũng bao gồm tam cấp này:

 

1.      Mệnh Lệnh Fatima Cải Thiện Đời Sống là mệnh lệnh liên quan tới và thích hợp với giai đoạn tu đức khởi sinh sống thanh tẩy bỏ mình;

 

2.      Mệnh Lệnh Fatima Cầu Kinh Mân Côi là mệnh lệnh liên quan tới và thích hợp với giai đoạn tu đức tiến sinh sống nội tâm nguyện cầu; 

 

3.      Mệnh Lệnh Fatima Tôn Sùng Mẫu Tâm là mệnh lệnh liên quan tới và thích hợp với giai đoạn tu đức hiệp sinh sống cảm nghiệm chiêm niệm.

 

Mệnh Lệnh Fatima Cải Thiện Đời Sống là mệnh lệnh liên quan tới và thích hợp với giai đoạn tu đức khởi sinh sống thanh tẩy bỏ mình.

 

Trong 3 Mệnh Lệnh Fatima, mệnh lệnh chính yếu là Mệnh Lệnh Cải Thiện Đời Sống. Bởi vì, tất cả mục đích của chung những lần Mẹ hiện ra (chẳng hạn như ba lần chính yếu ở Pháp là Paris năm 1830, La Salette năm 1846, và Lộ Đức năm 1858), và riêng Biến Cố Fatima ở Bồ Đào Nha năm 1917 với 3 Thiếu Nhi Fatima cả 6 lần đó là kêu gọi con người hãy quay về với Thiên Chúa.

 

Lời Mẹ đã nói ở tiệc cưới Cana xưa thế nào: “Người bảo làm gì thì xin hãy làm như thế” (Jn 2:5) cũng âm vang nơi tất cả mọi và từng Sứ Điệp Thánh Mẫu thời đại như vậy, rõ ràng nhất là ở Biến Cố Fatima vào lần hiện ra cuối cùng ngày 13/10 của Mẹ, những lời lẽ cuối cùng được Mẹ nói một cách hết sức buồn bã để kết thúc toàn bộ Biến Cố Fatima năm 1917, đó là: “Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Người đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi”, những lời lẽ âm vang lời Tiền Hô Gioan Tẩy Giả kêu gọi trong việc dọn đường cho Đấng Thiên Sai đến, một Đấng Đến Sau ngài ấy cũng lập lại đúng những lời kêu gọi của vị tiền hộ của mình: “Hãy cải thiện đời sống! Triều đại Thiên Chúa đến rồi” (Mt 3:2; 4:17.

 

Đúng thế, nếu xét về nội dung và thần học có chất chứa tính cách Mạc Khải Thánh Kinh như thế thì Mệnh Lệnh Fatima Cải Thiện Đời Sống đầu tiên và chính yếu này là Mệnh Lệnh quan trọng nhất, đến nỗi, không có Mệnh Lệnh Cải Thiện Đời Sống cũng không có hai Mệnh Lệnh Cầu Kinh Mân Côi và Tôn Sùng Mẫu Tâm là hai mệnh lệnh có vẻ liên quan trực tiếp đến Thánh Mẫu hơn là đến chính Thiên Chúa. Vì dầu sao, Mẹ cũng chỉ là đường đến với Chúa, Đấng là cùng đích của con người mà thôi, đúng như vai trò trung gian chuyển cầu Mẹ đã đóng một cách hiệu nghiệm ở tiệc cưới Cana.

 

Thế nhưng, nếu tâm điểm của Biến Cố Fatima là Bí Mật Fatima, và cốt lõi của Bí Mật Fatima là Mẹ Maria, là Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ, một bí mật chưa bao giờ được trời cao minh nhiên tiết lộ như ở Fatima, đó là bí mật “Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới” để nhờ đó “nhiều linh hồn được cứu rỗi và thế giới được hòa bình” theo Dự Án Fatima của Đấng Quan Phòng Thần Linh từ đầu thế kỷ 20, cuối Thế Chiến Thứ Nhất (1914-1918) và thời điểm mở đầu cho chế độ Cộng Sản ở Liên Sô (10-11/1917), thì ba Mệnh Lệnh Fatima lại có tính cách tu đức và theo tiến trình tu đức tam cấp, với hai Mệnh Lệnh về Thánh Mẫu là Cầu Kinh Mân Côi và Tôn Sùng Mẫu Tâm thuộc về hai giai đoạn tu đức cao hơn Mệnh Lệnh Cải Thiện Đời Sống là mệnh lệnh liên quan tới Thiên Chúa.

 

Đúng thế, theo tu đức, con người không thể nào sống đời nội tâm cầu nguyện, được thể hiện cụ thể nhất qua việc hằng ngày Cầu Kinh Mân Côi, hợp với giai đoạn tu đức thứ hai, để rồi nhờ đó họ có thể tiến đến giai đoạn tu đức thứ ba là cảm nghiệm chiêm niệm, một cảm nghiệm chiêm niệm tuyệt hảo nhất ở nơi Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria “đầy ơn phúc” qua tiếng “xin vâng” đầy đức tin tuân phục của Mẹ, nếu họ không biết hay không chịu cải thiện đời sống, ở chỗ từ bỏ con đường tội lỗi mà trở về cùng “Chúa là Thiên Chúa chúng ta, vì Người đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi”.

 

“Chúa là Thiên Chúa của chúng ta” đây là ai, nếu không phải là Chúa Giêsu Kitô, Đấng được tông đồ Tôma, vào ngày thứ 8 sau Phục Sinh, trước những dấu tích tử giá hiển nhiên bất khả chối cãi của Người, cuối cùng, đã phải sấp mình tuyên xưng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Jn 20:28). Thế nhưng, những gì xúc phạm đến “Chúa là Thiên Chúa là Thiên Chúa của chúng ta” ở đây là gì, nếu không phải là những tội xúc phạm đến Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng đã được Thiên Thần Hòa Bình hiện ra với 3 Thiếu Nhi Fatima vào năm 1916 ba lần (vào mùa xuân, mùa hè và mùa thu) để dạy cho các em biết những điều trọng yếu đối với Chúa Giêsu Thánh Thể sau đây: thứ nhất là cầu nguyện cùng Người; thứ hai là hy sinh đền tạ Người; và thứ ba là rước lễ đền tạ Người.

 

Tuy nhiên, những tội phạm đến Chúa Giêsu Thánh Thể ở đây, không phải chỉ là những tội trực tiếp phạm đến Bí Tích Thánh Thể, như tội không tin rằng Người thực sự hiện diện trong Bí Tích Yêu Thương này, hay thậm chí như tội nặng nhất là mang Người ra làm nhục ở các thứ Lễ Đen của thành phần Phò Satan (Satanism), hoặc cho dù chỉ là thái độ tỏ ra thờ ơ lạnh nhạt của thành phần sống đời tận hiến tu trì hay tư tế thừa tác, thái độ không thiết tha tôn kính và đền tạ Người để bù lại những gì Người phải ngày đêm liên lỉ chịu đựng trong Ngục Tụ Tình Yêu nơi Nhà Tạm, giống như ba môn đệ thân tín của Người trong Vườn Cây Dầu vào đêm tăm tối Thứ Năm Tuần Thánh (x Mt 26:36-38,40-41,43,45). Đấy là chưa kể đến vấn đề cử hành phụng vụ Thánh Thể được Công Đồng Chung Vaticanô II (1962-1965) canh tân, song đã bị lạm dụng, đến nỗi bản chất linh thánh hướng thượng của phụng vụ cao cả hầu như càng ngày càng bị xoay ngang, theo chiều kích thuần tính chất xã hội, như của anh chị em Kitô hữu bên Tin Lành.

 

Nếu lời kêu gọi thiết tha của Mẹ Maria để hoàn toàn chấm dứt Biến Cố Fatima là “đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Người đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi”, một lời kêu gọi vang lên vào đầu thế kỷ 20, thì nội dung lời của kêu gọi này, về thời điểm lịch sử, cho thấy liên quan đến cả quá khứ lẫn tương lai. Đến quá khứ: “Vì Người đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi”, và đến tương lai: “Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa”.

 

Lời kêu gọi đừng xúc phạm đến Chúa Giêsu Thánh Thể này không liên quan đến quá khứ là gì, qua sự kiện Thánh Giáo Hoàng Piô X (1903-1914), vị Giáo Hoàng trong thời điểm của trào lưu Tân Tiến Thuyết vô cùng nguy hại đến tận nền tảng đức tin Kitô Giáo, vào năm 1905 đã ban hành sắc lệnh khuyến khích việc năng rước lễ hơn, nhất là vào năm 1910 đã ban hành sắc lệnh Quam singulari cho phép trẻ em được rước lễ sớm.

 

Lời kêu gọi đừng xúc phạm đến Chúa Giêsu Thánh Thể này không liên quan đến tương lai là gì, với những tội phạm đến chính bản chất của Bí Tích Thánh Thể là Yêu Thương và Hiệp Thông Bác Ái. Không phải hay sao, con người trong thế kỷ 20 nói riêng và con người hiện đại nói chung cho tới đầu thiên kỷ thứ ba Kitô Giáo này, thực tế phũ phàng cho thấy, càng văn minh tân tiến về cả vật chất (khoa học và kỹ thuật) lẫn nhân bản (tự do và nhân quyền), con người càng chém giết nhau về chính trị, với Thế Chiến I (1914-1918) và II (1939-1945), những thế chiến chưa từng xẩy ra trong lịch sử loài người, và là những thế chiến gây ra bởi và xẩy ra từ một Châu Lục Kitô Giáo, một châu lục đã từng truyền bá phúc âm hóa khắp thế giới trước đó lại trở thành sắt máu, qua những ý hệ chính trị quái thai như Nazi và Cộng Sản, và con người càng bị khủng hoảng về văn hóa, qua các thứ luật pháp công khai cho phép ly dị (từ thập niên 1960), phá thai (từ thập niên 1970) và triệt sinh an tử (từ thập niên 1990). Đó là chưa kể đến những chính sách kinh tế có tính cách toàn cầu nhưng lại ngả theo chiều hướng đế quốc tân thực dân hóa, hoàn toàn có lợi cho các nước giầu thịnh, những quốc gia giành ra những ngân khoản khồng lồ cho việc cân bằng vũ khí đại công phá, cũng như cho những hoạt động phò văn hóa sự chết (điển hình nhất là các chương trình kế hoạch hóa gia đình theo kiểu triệt sản hay phá thai), thay vì dùng số tiền này để có thể cứu sống bao nhiêu là những người anh chị em bần cùng khốn khổ ở các quốc gia đang phát triển, những nơi chẳng những bị thiếu thốn về mọi mặt mà còn bị “áp lực” chính trị hay lạm dụng kinh tế bởi các cường quốc “viện trợ nhân đạo” cho họ nữa.

 

Chúa Giêsu Thánh Thể chẳng những đớn đau trước những tội trực tiếp phạm đến Bí Tích Yêu Thương của Người, mà còn gián tiếp quằn quại bởi những tội lỗi do con người nói chung, nhất là thành phần Kitô hữu nói riêng, gây ra cho các chi thể của Người là thành phần Người khẳng định trong cuộc chung thẩm là làm cho hay phạm đến họ là làm cho hay phạm đến chính Người (x Mt 25:40,45).

 

Bởi thế, lời Mẹ Maria kêu gọi ở Fatima vào giây phút cuối cùng của Biến Cố Fatima năm 1917: “Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Người đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi” là Mẹ có ý kêu gọi con người hãy trở về với Người, bằng việc nhận biết tình yêu thương vô đối của Người đối với họ trong Bí Tích Thánh Thể, và bằng việc đáp ứng tình yêu thương vô biên này của Người nơi tha nhân.

 

(còn tiếp hằng tuần vào Th Bảy)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

TOP

 

 

 ?  Nạn Khai Thác Tình Dục trong Cuộc Đấu Quán Quân Túc Cầu Thế Giới 2006 tại Đức Quốc

 

Liên Hiệp Hội Đồng Các Bề Trên Chính ở Âu Châu đang hỗ trợ các khởi động của mọt số dòng tu nữ giới trong việc vận động chống lại vấn đề khai thác trong cuộc tranh hùng Quán Quân Thế Giới về Túc Cầu ở Đức vào mùa hè này.

 

Theo Sơ tổng bí thư của tổ chức UCESM là Annick Bimbenet thì các hiệp hội Công Giáo phục vụ thành phần nữ giới gặp nạn, các hiệp hội chống lại vấn đề du lịch tìm kiếm tình dục và buôn bán nữ giới, ước lượng rằng có khoảng 40 ngàn điếm nữ trẻ, nhiều người trong họ thuộc các quốc gia Đông Âu, sẽ tới Đức Quốc vào thời kỳ tranh hùng túc cầu tới đây.

 

Những hiệp hội này cho biết rằng, nhiều người trong số nữ giới ấy, ngoài việc đến Đức một cách bất hợp pháp, họ còn bị buộc phải làm việc mãi dâm chỉ vì sợ hãi hay bị áp lực, đã nói với cảnh sát cùng các cơ quan phục vụ xã hội rằng họ tự nguyện tham gia vào việc mãi dâm.

 

Câu khẩu hiệu của cuộc vận động đang thực hiện để giúp đỡ thành phần nữ giới này là “Thẻ Đỏ Đối Với Việc Khai Thác Tình Dục Và Việc Áp Buộc Mãi Dâm”.

 

Những biện pháp ngăn ngừa đã được thực hiện ở những xứ sở của thành phần phụ nữ này, bao gồm cả các cuộc vận động để nhạy cảm hóa dư luận quần chúng Âu Châu. Ngoài ra, còn có một đường giây điện thoại khẩn cấp trực cả ngày để cứu trợ những người phụ nữ cần giúp đỡ, nhất là trong suốt thời gian tranh hùng túc cầu này.

 

UCESM, Chư Hội Đồng Tu Sĩ Nam Nữ Đức Quốc, Liên Minh Nữ Giới Công Giáo, và Cộng Đồng Nữ Giới Công Giáo Đức Quốc đang hỗ trợ và thực hiện tất cả mọi hoạt động qua tổ chức Liên Kết Nữ Giới Khủng Hoảng, nhưng họ cần được đóng góp về tài chính cũng như về vấn đề ngôn ngữ (nhất là những người nữ biết nói tiếng Anh, Pháp, Nga hay Romania). Có thể liên lạc với tổ chức cứu trợ nữ giới này bằng điện thư solwodi@t-online.de.

 

Ngoài ra, Liên Minh Chống Buôn Bán Nữ Giới đã thực hiện một cuộc vận động chống lại thị trường mãi dâm kiểu ấy. Trong một bản thông cáo nhan đề “Mua Bán Làm Tình không phải là một Môn Thể Thao”, nhóm liên mình này ước lượng khoảng 40 ngàn nữ giới sẽ “’được nhập cảng’ từ Trung Âu và Đông Âu… để thực hiện việc ‘phục vụ tình dục’” cho gần 3 triệu người ham mộ túc cầu tham dự môn thể thao này.

 

Bản thông cáo này nhận định rằng “Đức quốc đã hợp thức hóa việc mai mối và kỹ nghệ tình dục này. Tuy nhiên, người ta dự đoán rằng những khu vực đèn đỏ pháp lý sẽ quá nhỏ đối với cả hằng bao nhiêu là ngàn nhà thể thao hay du lịch tìm kiếm tình dục đến tham dự biến cố này”.

 

Đó là lý do, “để sửa soạn cho tình trạng tràn ngập này, kỹ nghệ tình dục Đức Quốc đã xây một khi vực mãi dâm đồ sộ cho ‘thương vụ’ được mong đợi này” trong Giải Quán Quân Thế Giới 2006.

 

“Túc cầu và tình dục thuộc về nhau”, một luật sư bệnh vực cho một nhà thổ vừa mở ở Bá Linh, cạnh nơi gặp gỡ chính của Giải Quán Quân Thế Giới để chứa 650 ngàn thân chủ. Ngoài ra, bản thông cáo còn cho biết thêm là có “những ‘túp lều tình dục’ bằng gỗ cũng được xây ở trong các khu vực có hàng rào rộng cỡ bằng một sân banh chộp (football)” cho vấn đề mãi dâm.

Liên minh này nhận định rằng, “việc đối xử với thân thể của nữ giới như là những món hàng tình dục là những gì vi phạm tới những tiêu chuẩn quốc tế về thể theo là những tiêu chuẩn cổ võ bình đẳng, tương kính và không kỳ thị”.

 

 Liên minh cũng đang kêu gọi “32 quốc gia tham dự Những Trận Đấu Quán Quân Thế Giới đã chấp nhận những hiệp ước của Liên Hiệp Quốc và hay những nghị định chống lại việc mãi dâm hay buôn bán nữ giới hãy chống lại việc Đức Quốc phát động việc mãi dâm, và hãy công khai tách biệt đội cầu thủ của mình khỏi kỹ nghệ mãi dâm ấy”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 1+4/5/2006

 

 

TOP

 

 

?   Giáo Hoàng Biển Đức XVI huấn dụ hàng giáo sĩ sống thân tình với Chúa Kitô 

 

(tiếp 4 Thứ Năm, 5 Thứ Sáu)

 

Tiếp theo, ngài nói đến bn cht ca vic sng thân tình vi Chúa Giêsu là ti có cùng mt tâm tưởng như Người:

 

Bài giảng trong Thánh Lễ Truyền Dầu Sáng Thứ Năm Tuần Thánh 13/4/2006 tại Đền Thờ Thánh Phêrô:

 

“Tình thân hữu là để chia sẻ tâm tư và ước muốn. Trong mối hiệp thông này, Thánh Phaolô nói với chúng ta ở Thư gửi giáo đoàn Philiphê (x 2:2-5), chúng ta cần phải làm cho mình tưởng nghĩ như Chúa Giêsu. Và mối hiệp thông về tâm tưởng này không phải chỉ là những gì về tri thức, mà là một thứ chia sẻ về những cảm thức cùng ý muốn nên cũng chia sẻ về cả hành động nữa”.

 

Huấn dụ Các Chủng Sinh tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới XX hôm 19/8/2005:

 

“Cái bí mật của thánh đức đó là mối thân tình với Chúa Kitô và trung thành tuân phục ý muốn của Người. Thánh Ambrôsiô đã nói: ‘Chúa Kitô là tất cả đối với chúng ta’; và Thánh Biển Đức đã cảnh giác việc coi bất cứ sự gì hơn tình yêu Chúa Kitô. Chớ gì Chúa Kitô là tất cả mọi sự cho các bạn. Các chủng sinh thân mến, các bạn hãy là những người đầu tiên hiến dâng lên Người những gì cao quí nhất đối với các bạn, như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nêu lên trong sứ điệp ngài viết cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới này: đó là thứ vàng tự do của các bạn, nhũ hương thiết tha nguyện cầu của các bạn, mộc dược cảm tình sâu xa nhất của các bạn (x khoản số 4)”.

 

Chưa hết, ngài nói ti vn đề thc hin c th vic sng thân tình vi Chúa Kitô bng cách đọc Thánh Kinh:

 

Bài giảng trong Thánh Lễ Truyền Dầu Sáng Thứ Năm Tuần Thánh 13/4/2006 tại Đền Thờ Thánh Phêrô:

 

“Điều này có nghĩa là chúng ta cần phải nhận biết Chúa Giêsu một cách thân tình hơn bao giờ hết, lắng nghe Người, chung sống với Người, bỏ giờ ra với Người. Việc lắng nghe Người – nơi việc ‘lectio dinina’, tức là việc đọc Thánh Kinh, không phải theo kiểu học thức mà là theo kiểu thiêng liêng; nhờ đó chúng ta biết cách gặp gỡ Chúa Giêsu là Đấng đang hiện diện và nói với chúng ta. Chúng ta cần phải suy nghĩ và phản tỉnh những lời của Người cũng như những hành động của Người trước nhan Người và cùng với Người.

 

“Việc đọc Thánh Kinh là việc cầu nguyện, nó phải là việc cầu nguyện – nó phải xuất phát từ việc nguyện cầu và dẫn tới việc nguyện cầu. Các thánh ký nói với chúng ta rằng Chúa Kitô thường ẩn mình ở trên núi cầu nguyện thâu đêm. Chúng ta cũng cần đến thứ ‘núi’ này: đó là độ cao nội tâm chúng ta cần phải leo lên, đó là ngọn núi nguyện cầu. Chỉ có thế mối thân hữu mới phát triển. Chỉ có thế chúng ta mới có thể thi hành công việc phục vụ tư tế của chúng ta, chỉ có thế chúng ta mới có thể đem Chúa Kitô và Phúc Âm của Người đến cho con người. Việc chỉ biết hăng say hoạt động thậm chí có thể là những gì anh hùng. Thế nhưng hoạt động bề ngoài, cuối cùng, vẫn chẳng sinh hoa kết trái và mất đi hiệu năng, nếu nó không được xuất phát từ mối hiệp thông sâu xa thân mật với Chúa Kitô.

 

“Thời gian chúng ta giành cho việc làm này thực sự là thời gian của hoạt động mục vụ, của hoạt động mục vụ đích thực. Một linh mục trước hết là một con người nguyện cầu. Thế giới thường lạc hướng của mình theo chiều hướng duy hoạt động cuồng loạn của nó. Hoạt động của nó và các khả năng của nó trở thành những gì hủy hoại, nếu không có sức mạnh của việc nguyện cầu là những gì xuất phát giòng nước sự sống có khả năng làm cho đất đai khô cằn trở nên mầu mở phì nhiêu. 

 

(còn tiếp)

Đaminh Maria Cao Tấn T ĩnh, BVL, phân tích, tổng hợp và chuyển dịch

 

 

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ