GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
CHÚA NHẬT 7/5/2006 TUẦN IV PHỤC SINH |
? Ngày Chúa Nhật có một giá trị chứng từ và loan báo (ĐTC GPII: Tông Thư Ngày Của Chúa - DIES DOMINI)
? Phân Tích, Học Hỏi và Áp Dụng Sứ Điệp của Giáo Hoàng Biển Đức XVI cho Ngày Thế Giới Ơn Thiên Triệu 7/5/2006 “Ơn Thiên Triệu trong mầu nhiệm của Giáo Hội”
? Giáo Hoàng Biển Đức XVI huấn dụ hàng giáo sĩ sống thân tình với Chúa Kitô (tiếp)
(tiếp theo các Chúa Nhật tuần trước)
84. Trong việc thực sự bảo trì đời sống Kitô hữu, Ngày Chúa Nhật còn có một giá trị nữa đó là giá trị chứng từ và loan báo. Là một ngày của việc nguyện cầu, của hiệp thông và của niềm vui, Ngày Chúa Nhật làm âm vang khắp xã hội những thứ năng lực sinh động và những lý do hy vọng. Chúa Nhật là việc loan báo rằng thời gian, một phạm trù được Người là Vị Chúa Phục Sinh của lịch sử lập cư, không phải là một nấm mộ chôn những ảo tưởng của chúng ta, mà là cái nôi của một tương lai luôn tươi mới, một cơ hội giúp chúng ta biến những giây phút trôi qua của cuộc đời này thành những mầm mống vĩnh hằng. Chúa Nhật là một mời gọi để hướng về phía trước; nó là ngày cộng đồng Kitô Giáo kêu lên cùng Chúa Kitô rằng: ‘Maranatha: Ôi Chúa, xin hãy đến’ (1Cor 16:22). Bằng lời kêu vang hy vọng và mong đợi này, Giáo Hội đồng hành và hỗ trợ niềm hy vọng của nhân loại. Qua các ngày Chúa Nhật, được soi động bởi Chúa Kitô, Giáo Hội tiến tới một Ngày Chúa Nhật khôn cùng của Giêrusalem thiên đình, một Giêrusalem ‘không cần mặt trời mặt trăng tỏa sáng trên nó, vì vinh quang của Thiên Chúa là ánh sáng của nó và Con Chiên là đèn soi của nó’ (Rev 21:23).
85. Khi gắng sức tiến về đích điểm của mình, Giáo Hội được Thần Linh nâng đỡ và tác động. Chính Ngài là Đấng khơi dậy ký ức và làm hiện thực cho mọi thế hệ biến cố Phục Sinh. Ngài là tặng ân nội tại liên kết chúng ta với Chúa Kitô Phục Sinh cũng như với anh chị em của chúng ta trong mối thân mật của thân thể duy nhất, phục hồi niềm tin của chúng ta, làm cho lòng chúng ta tràn đầy bác ái và canh tân niềm hy vọng của chúng ta. Thần Linh không ngừng hiện diện nơi từng ngày sống của Giáo Hội, xuất hiện một cách khôn lường và dồi dào ban phát tặng ân của Ngài. Thế nhưng, chính trong cuộc qui tụ vào Ngày Chúa Nhật để hằng tuần cử hành Phục Sinh mà Giáo Hội lắng nghe Thần Linh một cách đặc biệt và cùng với Ngài tiến tới với Chúa Kitô bằng một lòng thiết tha mong ước Người trở lại trong vinh quang. ‘Thần Linh và Cô Dâu nói ‘Hãy đến!’” (Rev 22:17). Chính vì quan tâm tới vai trò của Thần Linh mà tôi muốn là lời huấn dụ nhắm đến việc tái nhận thức ý nghĩa của Ngày Chúa Nhật này được phổ biến trong năm kính Thánh Linh trong giai đoạn sửa soạn gần cho Đại Năm Thánh này.
86. Tôi xin ký thác bức Tông Thư này cho việc chuyển cầu của Đức Trinh Nữ, để nó được cộng đồng Kitô hữu chấp nhận và mang ra thực hành. Không bao giờ làm lệch đi tính cách chủ yếu của Chúa Kitô và Thần Linh của Người, Mẹ Maria bao giờ cũng hiện diện trong Ngày Chúa Nhật của Giáo Hội. Chính mầu nhiệm của Chúa Kitô đòi hỏi nhjư thế, ở chỗ, thật sự nếu Mẹ thực sự là Mẹ Chúa và Mẹ Giáo Hội thì chẳng lẽ Mẹ lại không đặc biệt hiện diện hay sao trong ngày vừa là ngày của Chúa dies Domini và là ngày của Giáo Hội dies Ecclesiae?
Khi lắng nghe lời được công bố nơi cộng đồng Chúa Nhật, người tín hữu nhìn lên Trinh Nữ Maria, học nơi Mẹ việc giữ lấy lời ấy và suy niệm trong lòng mình (x Lk 2:19). Với Mẹ Maria, họ biết đứng dưới chân Thập Giá, hiến dâng lên Chúa Cha hy tế của Chúa Kitô và hợp với hy tế này là việc hiến tế của đời sống của họ. Với Mẹ Maria, họ cảm nghiệm được niềm vui Phục Sinh, sử dụng lời ca vịnh Ngợi Khen để tôn tụng tặng ân khôn cùng của tình thương thần linh tràn trề tháng năm: ‘Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia hằng bao bọc những kẻ kính sợ Ngài’ (Lk 1:50). Qua các ngày Chúa Nhật, thành phần dân lữ hành này theo bước chân của Mẹ Maria, và việc chuyển cầu từ mẫu của Mẹ làm tăng thêm quyền lực và ưu ái đặc biệt cho lời nguyện cầu được Giáo Hội dâng lên Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh.
87. Anh Chị Em thân mến, việc sắp tới Đại Năm Thánh mời gọi chúng ta hãy dấn thân sâu xa hơn về tâm linh và mục vụ. Thật thế, đó là mục đích thực sự của nó. Trong Đại Năm Thánh này, nhiều điều sẽ được thực hiện để làm cho nó mang một dấu tích đặc biệt cần phải có trước khi kết thúc Đệ Nhị Thiên Niên và mở màn cho Đệ Tam Thiên Niên từ khi Lời Chúa Nhập Thể. Thế nhưng, năm ấy và thời điểm đặc biệt ấy rồi cũng sẽ qua đi, như chúng ta thấy nơi các cuộc mừng kỷ niệm và các biến cố long trọng khác. Tuy nhiên, là một ‘lễ trọng’ hằng tuần, Chúa Nhật sẽ tiếp tục hình thành thời gian lữ hành của Giáo Hội, cho đến Ngày Chúa Nhật không còn đêm tối nữa.
Bởi thế, Quí Huynh Giám Mục và Linh Mục thân mến, tôi thiết tha xin quí huynh hãy không ngừng làm việc với tín hữu để bảo đảm rằng giá trị về ngày linh thánh này được hiểu biết và sống động sâu xa hơn nữa. Điều này sẽ sinh nhiều hoa trái nơi các cộng đồng Kitô hữu, và sẽ không ngừng có một ảnh hưởng tích cực trên toàn thể xã hội dân sự.
Trong việc nhận biết Giáo Hội, một Giáo Hội mà mỗi Chúa Nhật hân hoan cử hành một mầu nhiệm từ đó Giáo Hội kín múc sự sống, chớ gì con người nam nữ của Đệ Tam Thiên Niên tiến đến chỗ nhận biết Chúa Kitô Phục Sinh. Và liên lỉ được canh tân bởi việc hằng tuần tưởng niệm Phục Sinh, chớ gì thành phần môn đệ của Chúa Kitô trở thành khả tín hơn bao giờ hết trong việc loan báo Phúc Âm cứu độ và hữu hiệu hơn bao giờ hết trong việc xây dựng nền văn minh yêu thương.
Tôi ban phép lành cho tất cả mọi anh chị em!
Tại Điện Vatican ngày 31/5/1998, Lễ Hiện Xuống, Năm Thứ 20 Giáo Triều của tôi.
(còn tiếp vào mỗi Chúa Nhật)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ văn khố điện toán toàn cầu của Tòa Thánh: http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/apost_letters/documents/hf_jp-ii_apl_05071998_dies-domini_en.html
? Phân Tích, Học Hỏi và Áp Dụng Sứ Điệp của Giáo Hoàng Biển Đức XVI cho Ngày Thế Giới Ơn Thiên Triệu 7/5/2006 “Ơn Thiên Triệu trong mầu nhiệm của Giáo Hội”
Trong sứ điệp gửi cho Ngày Thế Giới Ơn Thiên Triệu lần thứ 43 ngày 7/5/2006, vị Giáo Hoàng Biển Đức XVI của chúng ta nói về đề tài “Ơn Thiên Triệu trong mầu nhiệm của Giáo Hội”, trong đó, có ít là 4 điểm đáng và cần đặc biệt chú ý sau đây:
Điểm thứ nhất, đó là việc ngài cảm nhận và xác tín về mầu nhiệm ơn gọi hiệp thông thần linh được bắt nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi như sau: “Trước khi thế giới được tạo thành, trước khi chúng ta được hiện hữu, Cha trên trời đã chọn riêng chúng ta, kêu gọi chúng ta đến với mối liên hệ con cái với Ngài, nhờ Đức Giêsu, Lời Nhập Thể, dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh”.
Để chứng minh cụ thể mầu nhiệm ơn gọi của riêng bản thân mình, trong cuộc gặp gỡ giới trẻ Rôma vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh 13/4/2006 tại Quảng Trường Thánh Phêrô để sửa soạn cho họ cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới XXI Chúa Nhật Lễ Lá 16/4/2006, trong 5 câu vấn đáp với 5 người trẻ, nhất là với Vittorio, thuộc Giáo Xứ Thánh Gioan Bosco ở Cinecittà, 20 tuổi, đang theo học ngành giáo dục ở Đại Học Tor Vergata, ngài đã đề cập tới 3 yếu tố được Chúa Quan Phòng định liệu liên quan tới ơn gọi làm linh mục của ngài, đó là bối cảnh chủ nghĩa Đức Quốc Nazi, phụng vụ và khoa thần học Kitô Giáo. Ngài nói:
“Đối với trường hợp của tôi, tôi đã lớn lên ở một thế giới rất khác với thế giới ngày nay, nhưng cuối cùng thì tình trạng lại giống như nhau. Một mặt thì tình trạng ‘Kitô Giáo’ vẫn còn đó, vẫn còn được đến nhà thờ như thường và chấp nhận đức tin theo như Thiên Chúa mạc khải, và cố gắng sống theo mạc khải của Ngài; đàng khác lại có chế độ Nazi lớn tiếng tuyên bố rằng: ‘Ở tân Đức quốc này không còn vấn đề linh mục, không còn vấn đề sống đời tận hiến, chúng ta không cần đến những thành phần ấy; hãy tìm kiếm một nghề nghiệp khác’. Tuy nhiên, chính vì nghe thấy những tiếng ‘la lối’ ấy, đối diện với cảnh tàn ác của chế độ ấy với một gương mặt phi nhân, mà tôi đã nhận ra rằng lại càng cần phải có các vị linh mục. Cái tương phản ấy, việc chứng kiến thấy thứ văn hóa phản nhân bản ấy, đã củng cố niềm xác tín của tôi là Chúa Kitô, Phúc Âm và đức tin mới chỉ cho thấy con đường ngay chính, và chúng ta buộc phải dấn thân bảo đảm để còn đường này được tồn tại. Trong trường hợp như thế, ơn gọi làm linh mục tăng tiến nơi tôi, hầu như là tự nhiên, không hề xẩy ra một biến cố hoán cải thảm thiết nào.
Còn hai điều khác cũng đã giúp tôi trong cuộc hành trình này, ở chỗ, là một đứa con trai, được cha mẹ và linh mục coi xứ giúp đỡ, tôi đã khám phá ra vẻ đẹp của phụng vụ, và tôi tiến đến chỗ yêu chuộng phụng vụ mỗi ngày một hơn, vì tôi cảm thấy rằng vẻ đẹp thần linh tỏ hiện nơi phụng vụ và trời cao mở ra trước mắt chúng ta. Yếu tố thứ hai là việc khám phá ra vẻ đẹp của kiến thức, của việc hiểu biết Thiên Chúa và Thánh Kinh, nhờ đó mới có thể tiến vào cuộc phiêu lưu cả thể của việc đối thoại với Thiên Chúa đó là thần học. Bởi vậy, thật là niềm vui khi tiến vào công cuộc thần học cả ngàn năm này, tham dự vào việc cử hành phụng vụ này là việc trong đó Thiên Chúa ở với chúng ta và cử hành với chúng ta”.
Điểm thứ hai, ngài đã khẳng định và trấn an rằng: “Để đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa và để bắt đầu cuộc hành trình của chúng ta thì không cần gì phải hoàn hảo đã”. Thế rồi chính ngài đã dẫn giải bằng lập luận như sau:
“Chúng ta biết rằng việc nhận thức về tội lỗi của mình đã làm cho người con hoang đàng bắt đầu cuộc hành trình trở về của mình, nhờ đó cảm thấy được niềm vui hòa giải với Cha. Những yếu hèn và các giới hạn của con người không phải là những chướng vật, miễn là chúng giúp cho chúng ta ý thức hơn về sự kiện chúng ta cần đến ơn cứu chuộc của Chúa Kitô. Đó là cảm nghiệm của Thánh Phaolô, vị đã thú nhận rằng: ‘Tôi càng hãnh diện hơn về những nỗi yếu hèn của mình, để quyền năng của Chúa Kitô được tỏ hiện nơi tôi’ (2Cor 12:9). Trong mầu nhiệm Giáo Hội, Nhiệm Thể của Chúa Kitô, quyền lực yêu thương thần linh biến đổi tâm can con người, làm cho họ có thể thông đạt tình yêu của Thiên Chúa cho anh em mình. Qua các thế kỷ, nhiều con người nam nữ, được tình yêu thần linh biến đổi, đã tận hiến đời mình cho Nước Trời”.
Chưa hết, cũng cùng câu trả lời cho Vittorio là người trẻ thứ tư trên đây, liên quan tới Ơn Thiên Triệu của ngài, ngài đã thành thật thú nhận những khó khăn ngài đồng thời đã gặp phải trước khi đi học làm linh mục như thế này:
“Dĩ nhiên, cũng không phải là không có vấn đề. Tôi đã tự hỏi rằng tôi thực sự có thể sống độc thân suốt đời của mình được chăng. Là một con người được đào luyện về lý thuyết chứ không phải thực hành, tôi cũng biết rằng việc yêu chuộng thần học vẫn chưa đủ để trở thành một vị linh mục tốt lành, song còn cần phải luôn trở nên thuận lợi cho giới trẻ, cho người già, cho bệnh nhân và cho người nghèo, tức nhu cầu cần phải trở thành giản dị với thành phần đơn thành. Thần học là những gì đẹp đẽ thật, nhưng tính chất đơn thành nơi ngôn từ và đời sống Kitô hữu là những gì bất khả châm chước. Bởi vậy mà tôi đã tự hỏi mình rằng: Liệu tôi có thể sống tất cả những điều ấy hay chăng, chứ không chỉ sống một chiều, thuần túy là một thần học gia v.v.? Tuy nhiên, Chúa Kitô đã giúp tôi và thành phần bạn hữu, trong đó đặc biệt có các vị linh mục và thày dạy tốt lành đã giúp đỡ tôi”.
Điểm thứ ba, ngài đã khẳng định bản chất của vấn đề nam nhân làm linh mục, khi nói: “Trong chiều hướng của ơn gọi phổ quát này, Chúa Kitô, Linh Mục Thượng Phẩm, trong mối quan tâm của mình đối với Giáo Hội, bởi vậy mới kêu gọi nơi mỗi thế hệ những con người để chăm sóc cho dân của Người; đặc biệt là Người kêu gọi lên hàng linh mục thừa tác những nam nhân thi hành vai trò thân phụ là vai trò được bắt nguồn từ chính vai trò thân phụ của Thiên Chúa (x Eph 3:14)”.
Riêng tôi, căn cứ vào điểm thứ ba này, khi có ai hỏi chúng ta rằng tại sao Giáo Hội không truyền chức linh mục cho nữ giới, chúng ta nói rằng bởi vì căn cứ vào Mạc Khải và Thánh Truyền, Mạc Khải vì Chúa Kitô không làm như thế và theo Truyền Thống các tông đồ cũng không làm như vậy. Nếu được hỏi thêm, thế thì tại sao Chúa Kitô lại không chọn nữ giới làm linh mục, chúng ta có thể trả lời rằng vì Chúa Kitô là Linh Mục và là nam nhân chứ không phải nữ nhân. Nếu cần, để trả lời cho câu hỏi vậy thì tại sao Lời Nhập Thể là nam nhân mà không phải nữ nhân, chúng ta có thể đáp rằng vì Thiên Chúa được Chúa Giêsu dạy chúng ta gọi là Cha chứ không phải là mẹ. Còn vấn đề tại sao Thiên Chúa là Cha mà không phải là mẹ là bởi vì Cha đây là danh xưng và là vai trò liên quan tới sự sống, tới tác động thông ban sự sống, tới nguồn gốc sự sống. Bởi thế nam nhân được chọn làm linh mục để thông truyền sự sống thần linh qua việc ban các bí tích thánh vậy.
Điểm thứ bốn, ngài còn khẳng định tính cách bất khả thay thế của vai trò linh mục thừa tác, khi nói: “Sứ vụ của vị linh mục trong Giáo Hội là những gì không thể nào thay thế được. Thế nên, cho dù ở một số miền thiếu hàng giáo sĩ cũng không bao giờ được ngờ vực việc Chúa Kitô tiếp tục tuyển chọn thành phần nam giới, như các vị Tông Đồ, bỏ lại tất cả mọi việc khác, hoàn toàn dấn thân cho việc cử hành các mầu nhiệm thánh, cho việc rao giảng Phúc Âm và cho việc thừa tác mục vụ”. Tuy nhiên, để làm sao có được dồi dào ơn gọi và biết được mình có ơn gọi, Đức Thánh Cha đã cho biết như sau.
Về việc làm sao cho có ơn Thiên Triệu trong Giáo Hội, ngài nói là sống nguyện cầu và thân tình với Chúa Kitô, như ngài đã đề cập tới trong chính sứ điệp cho Ngày Thế Giới Ơn Thiên Triệu 2006 như sau:
“Khi nhớ đến lời khuyên của Chúa Giêsu: ‘Mùa màng thì bề bộn mà thờ gặt lại ít oi; vậy các con hãy xin chủ mùa sai thợ tới làm mùa cho Ngài’ (Mt 9:37), chúng ta nhận thấy nhu cầu quan trọng của việc nguyện cầu cho ơn thiên triệu linh mục và sống đời tận hiến. Không lấy gì làm lạ ở đâu con người thiết tha nguyện cầu thì ở đó ơn gọi phát triển. Sự thánh thiện của Giáo Hội chính yếu lệ thuộc vào mối hiệp nhất với Chúa Kitô cũng như vào việc hướng về mầu nhiệm ân sủng đang tác động nơi tâm can của Kitô hữu. Bởi thế, tôi cần phải mời tất cả mọi tín hữu hãy nuôi dưỡng mối liên hệ thân tình với Chúa Kitô, Vị Sư Phụ và là Vị Mục Tử của dân Người, noi gương bắt chước Mẹ Maria là vị lưu giữ các mầu nhiệm thần linh trong lòng mà trân trọng suy niệm (x Lk 2:19)”.
Về việc làm sao biết được mình có ơn thiên triệu làm linh mục hay sống đời tận hiến, cũng trong câu trả lời cho người trẻ thứ tư trên đây, ở phần cuối, ngài đã chỉ dẫn thế này:
“Trở về với câu hỏi, ‘Đức Thánh Cha có thể ban cho chúng con lời khuyên dụ nào để chúng con có thể thực sự hiểu được rằng Chúa Kitô đang gọi chúng con theo Người để sống đời tận hiến hay linh mục hay chăng?’, tôi nghĩ cần phải chú ý tới những cử chỉ của Chúa nơi cuộc hành trình của chúng ta. Người nói với chúng ta qua các biến cố, qua con người, qua các cuộc gặp gỡ: Cần phải chú ý tới tất cả những điều ấy. Thế rồi, vấn đề thứ hai đó là cần phải tiến vào cuộc thân tình thật sự với Chúa Giêsu bằng mối liên hệ riêng tư với Người, chứ không phải chỉ biết Chúa Giêsu là ai từ kẻ khác hay từ các thứ sách vở, mà là sống mối liên hệ riêng tư sâu xa hơn với Chúa Giêsu, để có thể bắt đầu hiểu được những gì Người đang muốn ngỏ ý với chúng ta. Sau đó là việc nhận thức về những gì tôi là, về những khả năng của tôi, ở chỗ, một mặt thì can đảm, mặt khác thì khiêm tốn, tin tưởng và cởi mở, cùng với cả sự giúp đỡ của bạn bè, của thẩm quyền Giáo Hội cũng như của các vị linh mục, của các gia đình: Chúa muốn gì nơi tôi đây? Dĩ nhiên, đó luôn là một cuộc đại mạo hiểm, thế nhưng cuộc sống chỉ thành công nếu chúng ta can đảm mạo hiểm, tin tưởng rằng Chúa Kitô sẽ không bao giờ để tôi một mình, Chúa Kitô sẽ đi với tôi và giúp đỡ tôi”.
Ngoài ra, trong bài huấn từ ngỏ cùng Chủng Sinh tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới XX hôm 19/8/2005, ngài còn cho biết thêm về một dấu chỉ nữa có thể so sánh với tiếng sét ái tình như sau:
“Tại sao các Nhà Đạo Sĩ từ xa lên đường đến Bêlem? Câu trả lời có liên hệ tới mầu nhiệm ‘ngôi sao’ được họ thấy ‘ở Phương Đông’ và là ngôi sao họ nhìn nhận là ngôi sao của ‘Vua dân Do Thái’, tức là dấu chỉ hạ sinh của Đấng Thiên Sai (x Mt 2:2). Bởi vậy cuộc hành trình của họ đã được thúc đẩy bởi một niềm hy vọng mãnh liệt, một niềm hy vọng được ngôi sao này củng cố và hướng dẫn, ngôi sao dẫn họ đến với Vị Vua của dân Do Thái, tới vương quyền của chính Thiên Chúa. Các Nhà Đạo Sĩ lên đường vì ước vọng sâu xa thúc đẩy họ lìa bỏ mọi sự và bắt đầu cuộc hành trình. Hình như họ đã từng đợi chờ ngôi sao ấy. Hình như cuộc hành trình này lúc nào cũng là một phần nơi số phận của họ, và cuối cùng sắp sửa bắt đầu.
“Các bạn thân mến, đó là mầu nhiệm của lời Chúa kêu gọi, mầu nhiệm của ơn kêu gọi. Nó là một phần trong cuộc sống của hết mọi Kitô hữu, thế nhưng nó đặc biệt hiển nhiên nơi những ai được Chúa Kitô xin hãy bỏ hết mọi sự mà theo Người khít khao hơn. Người chủng sinh cảm nghiệm thấy vẻ đẹp của ơn gọi ấy vào giây phút ân sủng là giây phút có thể được gọi là ‘phải lòng’. Linh hồn họ cảm thấy đầy những ngỡ ngàng bàng hoàng khiến họ đặt vấn đề khi cầu nguyện là: ‘Chúa ơi, tại sao lại là con nhỉ?’ Thế nhưng tình yêu không hế biết đến vấn đề ‘tại sao’; nó là một tặng ân nhưng không mà con người đáp lại bằng việc hy hiến bản thân mình”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và tuyển dịch
Giáo Hoàng Biển Đức XVI huấn dụ hàng giáo sĩ sống thân tình với Chúa Kitô
(tiếp 4 Thứ Năm, 5 Thứ Sáu, 6 Thứ Bảy)
Sau hết, ngài nói tới thành quả của việc sống thân tình với Chúa Kitô, đó là sinh hoa trái mục vụ:
Huấn từ ngỏ cùng hàng giáo sĩ Rôma vào ngày Thứ Sáu 13/5/2005 ở Đền Thờ Gioan Latêranô:
“Thày không còn gọi các con là tôi tớ mà là bạn hữu. Yếu tính của thiên chức linh mục đó là làm bạn của Chúa Giêsu Kitô. Chỉ có thế chúng ta mới thực sự nói ‘thay cho Chúa Kitô – in persona Christi’, cho dù nội tâm chúng tax a lìa Chúa Kitô vẫn không thể làm tổn thương tới tính cách hiệu thành của bí tích. Làm bạn với Chúa Giêsu, làm linh mục nghĩa là làm một con người nguyện cầu. Vậy chúng ta hãy tình bạn này và hãy thoát khỏi cảnh vô tri của những người tôi tớ quê mùa. Vậy chúng ta hãy biết làm sao để sống, để chịu khổ và để tác hành với Người và cho Người”.
Huấn dụ Các Chủng Sinh tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới XX hôm 19/8/2005:
“Những năm chủng viện là một thời gian hành trình, một thời gian thăm dò, nhất là một thời gian khám phá ra Chúa Kitô. Chỉ khi nào một con người trẻ có được một cảm nghiệm riêng tư về Chúa Kitô họ mới có thể thực sự hiểu được ý của Chúa và nhờ đó hiểu được ơn gọi của mình. Các bạn càng biết Chúa Giêsu thì mầu nhiệm của Người càng thu hút các bạn. Các bạn càng khám phá ra Người các bạn càng được thúc đẩy tìm kiếm Người. Đó là một biến động của một tinh thần kéo dài suốt cuộc đời của các bạn, và là tinh thần làm cho chủng viện trở thành một thời gian đầy hứa hẹn, một “mùa xuân” thực sự vậy”.
Bài giảng trong Thánh Lễ Truyền Dầu Sáng Thứ Năm Tuần Thánh 13/4/2006 tại Đền Thờ Thánh Phêrô:
“Là linh mục tức là làm bạn với Chúa Giêsu Kitô, và điều này càng trở nên hơn thế nữa qua cả cuộc sống của chúng ta. Thế giới cần đến Thiên Chúa – không cần đến bất cứ một thần linh nào, mà là cần đến Vị Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, đến Vị Thiên Chúa hóa thành huyết nhục, Vị đã yêu thương chúng ta đến chết vì chúng ta, Vị đã phục sinh và đã tao nên nơi bản thân Ngài một khoảng trống cho con người. Vị Thiên Chúa này cần phải sống trong chúng ta và chúng ta cần phải sống trong Ngài. Đó là ơn gọi linh mục của chúng ta: Chỉ có thế hoạt động linh mục của chúng ta mới sinh hoa kết trái mà thôi.
“Tôi muốn kết thúc bài giảng này bằng một câu nói của Andres Santoro, vị linh mục của Giáo Phận Rôma bị sát hại ở Trebisonda đang khi nguyện cầu; Đức Hồng Y Cé đã nói cho chúng ta biết câu ấy trong Tuần Phòng (đầu Mùa Chay cho giáo triều Rôma vừa rồi). Lời đó là: ‘Tôi ở nơi đây để sống giữa những thành phần dân chúng này, nhờ đó Chúa Giêsu hiện diện giữa họ qua xác thịt của tôi… Người ta có khả năng cứu độ chỉ bằng việc hiến ban xác thịt của mình mà thôi. Sự dữ của thế giới này được hạ sinh và khổ đau được cảm nghiệm thấy, chính yếu là ở chỗ thấm nhập vào xác thịt riêng của người ta, như Chúa Giêsu đã làm’. Chúa Giêsu đã mặc lấy xác thịt của chúng ta. Chúng ta hãy hiến nó cho Người, để nhờ đó Người có thể vào đời mà đổi đời. Amen”.
Đaminh Maria Cao Tấn T ĩnh, BVL, phân tích, tổng hợp và chuyển dịch