GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ HAI 8/5/2006 TUẦN IV PHỤC SINH |
? Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Lạy Nữ Vương Chúa Nhật IV Phục Sinh 7/5/2006 về Ơn Thiên Triệu
? Tòa Thánh Vatican gửi Sứ Điệp Mừng Lễ Phật Đản của Tín Đồ Phật Giáo: “Phật Tử và Kitô Hữu cùng Phục Vụ Nhân Loại”
? Mùa Thụ Phong Linh Mục Ở Hoa Kỳ Năm 2006
Anh Chị Em thân mến:
Vào ngày Chúa Nhật Thứ Bốn này, Ngày Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, thời điểm cử hành Ngày Thế Giới Nguyện Cầu Cho Ơn Gọi, tôi hân hoan truyền chức cho 15 tân linh mục thuộc Giáo Phận Rôma.
Cùng với họ, tôi nghĩ đến tất cả những ai, ở tất cả các nơi trên thế giới lãnh nhận chức linh mục vào cùng thời điểm này. Trong việc dâng lời tạ ơn Chúa về tặng ân các tân linh mục phục vụ Giáo Hội, chúng ta đã đặt họ vào tay Mẹ Maria, kêu xin Mẹ chuyển cầu để gia tăng thêm số những ai chấp nhận lời mời gọi của Chúa Kitô theo Người trên con đường linh mục và đời sống tận hiến.
Năm nay, đề tài của Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi là ‘Ơn gọi nơi Mầu Nhiệm Giáo Hội’. Trong sứ điệp ấy ngỏ cùng toàn thể cộng đồng dân Chúa nhân dịp này, tôi đã nhắc lại cảm nghiệm nơi những người môn đệ tiên khởi của Chúa Giêsu, sau khi gặp gỡ Người ở bờ hồ và trong các làng mạc Galilêa, đã bị thu hút bởi tình yêu của Người.
Ơn gọi Kitô hữu bao giờ cũng bao hàm việc canh tân tình thân hữu riêng tư với Đức Giêsu Kitô, một mối thân hữu mang lại ý nghĩa cho đời sống của con người và làm cho nó trở nên thuận lợi cho Vương Quốc của Thiên Chúa.
Giáo Hội sống bởi mối thân hữu này, một mối thân hữu được nuôi dưỡng bằng lời Chúa và các bí tích là những thực tại thánh hảo được đặc biệt trao phó cho các vị giám mục, linh mục và phó tế, những thành phần được thánh hiến bởi bí tích truyền chức thánh. Đó là lý do, như tôi đã nhấn mạnh đến trong sứ điệp ấy, sứ vụ của vị linh mục là những gì bất khả thay thế, và mặc dù ở một số miền thiếu giáo sĩ, không được hồ nghi là Thiên Chúa tiếp tục kêu gọi các thanh thiếu niên, giới trẻ và người lớn từ bỏ tất cả mọi sự để hiến mình cho việc rao giảng Phúc Âm và thừa tác mục vụ.
Một cách theo Chúa đặc biệt khác nữa là ơn gọi sống đời tận hiến, một đời sống tận hiến được thể hiện nơi một đời sống nghèo khó, thanh khiết và tuân phục, hoàn toàn hiến mình cho Thiên Chúa, trong việc chiêm niệm và cầu nguyện, để phục vụ anh em mình, nhất là những con người bé mọn và nghèo khổ.
Tuy nhiên, chúng ta đừng quên rằng hôn nhân Kitô Giáo cũng là một ơn gọi nên thánh theo đúng nghĩa của nó, và gương mẫu của các người làm cha làm mẹ thánh hảo là điều kiện thuận lợi nhất cho việc triển nở ơn gọi linh mục và sống đời tận hiến.
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy kêu xin Mẹ Maria chuyển cầu, người mẹ của Giáo Hội, cho các vị linh mục cũng như chon am nữ tu sĩ, ngoài ra, chúng ta cũng hãy nguyện cầu để hạt giống ơn gọi được Chúa gieo rắc nơi tâm hồn của tín hữu được chín mùi và sinh hoa kết trái thánh thiện trong Giáo Hội và trên thế giới.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 7/5/2006
Tòa Thánh Vatican gửi Sứ Điệp Mừng Lễ Phật Đản của Tín Đồ Phật Giáo: “Phật Tử và Kitô Hữu cùng Phục Vụ Nhân Loại”
Quí Bạn Phật Tử thân mến,
1. Thay mặt cho Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Đối Thoại Liên Tôn, tôi xin gửi đến quí bạn cùng tất cả mọi cộng đồng Phật Tử trên thế giới lời chúc tốt đẹp nhất cho ngày Lễ Phật Đản. Tôi hy vọng rằng quí bạn có được một ngày mừng lễ vui.
2.- Nhưng thông lệ cho tới nay, tôi xin lợi dụng dịp này để chia sẻ với quí bạn một số ý nghĩ có thể giúp vào việc làm kiên cường mối liên hệ giữa hai cộng đồng của chúng ta. Năm nay những chia sẻ này được căn cứ vào bức thông điệp đầu tiên của Giáo Hoàng Biển Đức XVI gửi cho người Công Giáo khắp thế giới. Bức thông điệp này, bức thông điệp ‘Thiên Chúa là Tình Yêu’, hay theo nhan đề tiếng Latinh ‘Deus Caritas Est’ (DCE), là bức thông điệp khảo sát về bản chất của tình yêu. Dức Giáo Hoàng này tin rằng chữ yêu thương ấy, một chữ rất thường được sử dụng nhưng lại cũng rất thường bị hiểu lầm, cần phải phục hồi ý nghĩa đích thực của nó để nó có thể trở nên một hải đăng soi chiếu cuộc sống hằng ngày.
3.- Giáo Hoàng Biển Đức nói về hai loại yêu thương, trước hết là tình ái, tình yêu giữa một người nam và một người nữ, một tình yêu tìm thỏa mãn bản thân; rồi tới ‘từ ái’, một tình yêu tìm kiếm sự thiện của người khác, cho dù người đó chúng ta không thích hay thậm chí không quen biết. Đối với Kitô hữu thì chỉ có thể thực hiện loại yêu thương thứ hai này chỉ khi nào nó được bắt nguồn nơi tình yêu mến Thiên Chúa, một tình yêu đáp lại tình Ngài yêu thương loài người. Bởi vậy mà tình yêu mến Thiên Chúa và tình yêu thương nhau là những gì bất khả phân ly, làm nên một giới huấn duy nhất. ‘Yêu thương phát triển nhờ thương yêu. Tình yêu là thần linh vì nó xuất phát từ Thiên Chúa và liên kết chúng ta với Thiên Chúa’ (DCE 18).
4. Kitô hữu chúng tôi tin rằng việc bộc lộ trọn vẹn ‘từ ái’ này được thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hóa thân làm người, Đấng đã sống trọn cuộc đời của mình bằng việc loan truyền Tin Mừng về tình yêu của Thiên Chúa bằng cả lời nói và việc làm. Việc thể hiện cao cả nhất của tình yêu này xẩy ra khi Đức Giêsu hiến sự sống mình cho toàn thể nhân loại. Chưa hết, Đức Giêsu còn là nguồn ‘từ ái’, đặc biệt qua việc Người ban mình nơi Bí Tích Thánh Thể. Rút tỉa từ nguồn mạch này, Kitô hữu cố gắng theo chân Đức Giêsu bằng việc thể hiện tình yêu thương anh chị em mình, nhất là cho người nghèo khó và khổ đau.
5.- Nhờ việc đối thoại của chúng ta, chúng tôi đã cảm nhận được tầm quan trọng mà quí bạn Phật Tử gán cho tình yêu thương đối với tha nhân đồng loại, một tình yêu được diễn đạt nơi ý niệm về ‘metta’, tức ý niệm về một tình yêu không có một tham vọng chiếm hữu nào ngoài việc giúp đỡ kẻ khác. Nó được hiểu như là một thứ yêu thương sẵn sàng hy sinh tư lợi cho thiện ích của nhân loại. Bởi vậy ‘metta’, theo giáo huấn của Phật Tổ, không chỉ thu hẹp trong ý tưởng từ thiện mà còn bao gồm cả việc thực hiện các việc bác ái nữa, việc phục vụ từng người và mọi người. Nó thực sự là một thứ từ tâm phổ quát. Người ta cũng không được quên một nhân đức khác là ‘karuna’ là nhân đức cho thấy lòng thương cảm cả với tất cả mọi sinh vật nữa.
6.- Trong thế giới ngày nay, nơi tiếng yêu thương rất thường được sử dụng và lạm dụng, thì Phật Tử và Kitô Hữu chẳng lẽ lại không cần phải tái khám phá ra ý nghĩa nguyên tuyền của tiếng này theo truyền thống tương xứng của mình cũng như chia sẻ việc hiểu biết của mình với nhau hay sao? Đây là niềm phấn khích cho môn đồ của cả hai truyền thống trong việc cùng nhau làm việc để xây dựng những mối liên hệ dựa trên yêu thương và sự thật, để cổ võ niềm tương kính, để nuôi dưỡng việc đối thoại và để phát triển việc hợp tác phục vụ những ai đang cần đến chúng ta.
7.- Theo chiều hướng những suy nghĩ ấy ước nguyện cuối cùng của tôi là lễ Phật Đản này trở thành một thời điểm củng cố tình bằng hữu giữa Phật Tử và Kitô Hữu, và kiên cường việc hợp tác trong tinh thần ‘từ ái’ và ‘metta’. Trong tinh thần này tôi xin chúc quí bạn một Lễ Phật Đản rất Phúc Hạnh.
Thành Vatican ngày 14/2/2006
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 5/5/2006
Mùa Thụ Phong Linh Mục Ở Hoa Kỳ Năm 2006
Căn cứ vào các dữ kiện được thu thập bởi Văn Phòng Đặc Trách Ơn Gọi của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ và được phân tích bởi Trung Tâm Nghiên Cứu Áp Dụng Tông Đồ Vụ, một nhóm nghiên cứu về Giáo Hội ở Đại Học Georgetown thì mùa thụ phong linh mục 2006 ở Hoa Kỳ có những đặc tính như sau.
Khoảng 80% nam nhân được thụ phong linh mục trong năm 2006 này ở Hoa Kỳ đã xong đại học và 30% đã xong cao học.
Tuổi trung bình của năm 2006 được thụ phong là 37 tuổi, với 22% dưới 30 (trẻ nhất là Jason Vidrine, 24, thuộc Giáo Phận Lafayette, Louisiana) và 4% trên 60 (già nhất là Thomas Bartolomeo, 69, thuộc Giáo Phận Rockford, Illinois), và gần 1/3 không sinh tại Hoa Kỳ.
Theo cuốn Official Catholic Directory thì còn số chịu chức linh mục năm 2005 là 438, 2004 là 454 và 2003 là 472.
Thành phần tân linh mục được thụ phong đông nhất trong năm 2006 là ở Newark, với con số lên tới 18. Sau đó tới TGP Washington thủ đô Hoa Kỳ, với 12, TGP Denver tiểu bang Colorado 11, và Giáo Phận Rockford tiểu bang Illinois 10. Đáng kể nhất là ở Salk Lake City tiểu bang Utah chỉ có 8% là Công Giáo nhưng cũng được tới 4.
Theo tỷ lệ trong số được thụ phong linh mục năm 2006 thì thành phần Á Châu (13%) cao hơn thành phần Công Giáo Á Châu Hoa Kỳ (2%); và thành phần Mỹ Châu Latinh (12%) thấp hơn thành phần Mỹ Châu Latinh Công Giáo Hoa Kỳ (28%).
Thành phần sinh ở ngoài Hoa Kỳ, đông nhất là Việt Nam (5%), Mễ Tây Cơ (5%) và Phi Luật Tân (3%). Tổng số sinh tại Hoa Kỳ là 70%.
Tỷ lệ của thành phần tân chức sinh ở ngoài Hoa Kỳ tăng từ 24% vào năm 1998 tới 30% vào năm 2006.
75% tường trình là
đã có kinh nghiệm làm việc toàn thời trước khi vào chủng viện, hầu hết ở ngành
giáo dục. 10% đã đi lính, trong đó hơn 1/3 ở binh chủng hải quân. 6% là thành
phần trở lại Công Giáo (như
Steven Rogers, 49,
thuộc Giáo Phận Kansas City-St. Joseph, Missouri, từ giáo phái Tin Lành Southern
Baptist).
Trong mùa
thụ phong linh mục 2006 còn có những đặc điểm nổi bật sau đây: một cặp sinh đôi,
một ông nội, các nguyên mục sư Tin Lành, bố của vị linh mục và con của một vị
phó tế.
Cặp linh mục sinh đôi là James và Joseph Campbell, 26 tuổi, trẻ nhất trong một gia đình có 13 đứa con, sẽ được thụ phong cho Giáo Phận Erie, tiểu bang Pennsylvania. James học ở Chủng Viện Thánh Vinh Sơn ở Latrobe tiểu bang Pennsylvania, và Joseph học ở Đại Học Bắc Mỹ Rôma.
Các nguyên mục sư Tin Lành là Jeffrey Hopper, 48, thuộc TGP Louisville, trước kia là một linh mục Episcopal, và Leonard Klein, 60, thuộc giáo phận Wilmington, Delaware, hiện có gia đình và sau 30 phục vụ giáo phái Tin Lành Luthêrô.
Gia đình làm linh mục như David Axtmann, 61, thuộc Giáo Phận Sioux Falls tiểu bang South Dakota, bố của một vị linh mục, và hay gia đình thuộc hàng giáo sĩ như Joseph Pins, ở Giáo Phận Des Moines, Iowa, cảm thấy được Chúa gọi khi tham dự lễ thụ phong phó tế vĩnh viễn của bố.
Trong số thụ phong
linh mục năm 2006 cũng có những vị làm cha hay ông, chẳng hạn như
Stephen Geer, 51, thuộc TGP Portland, Oregon, là một kế toán viên có chứng chỉ
và là một người cha nuôi của một đưa con trai khi nó mới được 3 tuổi; và Charles
Huck, 51, thuộc Giáo Phận Crookston, Minnesota, có 7 người con và 8 người cháu.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 2/5/2006