GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ BA 9/5/2006 TUẦN IV PHỤC SINH |
? Bản Đúc Kết phổ biến cho Phóng Viên ngày 2/5/2006 của Đại Hội Học Viện Tòa Thánh Về Các Khoa Xã Hội Học liên quan tới đề tài: “Giới Trẻ Đang Tan Biến”
? Thế giá của Giáo Hoàng Biển Đức XVI trở nên khá hơn đối với bản xứ Đức Quốc của ngài
? ĐỨC HỒNG Y PHẠM MINH MẪN CHIA SẺ VỚI GIỚI LIÊN TU SĨ SÀI-GÒN
Học Viện Tòa Thánh Về Các Khoa Xã Hội Học được thành lập vào năm 1994 để kiến thức tốt đẹp nhất nơi những ngành xã hội học này mưu ích cho giáo huấn về xã hội của Giáo Hội. Mỗi năm học viện này tổ chức một đại hội về một đề tài đặc biệt. Năm nay đại hội đã có trên 30 bài thuyết trình của các học giả trên khắp thế giới, một cuộc họp trên 30 tiếng trong 5 ngày. Như bình thường, các diễn trình của cuộc hội nghị này sẽ được phổ biến sau khi nó được thu thập đầy đủ theo thông lệ một cách khoa học.
Hôm qua là ngày kỷ niệm 15 năm bức thông điệp lịch suử “Bách Chu Niên - Centesimus Annus”. Đức cố Thánh Cha là Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vị đã khởi xướng việc thành lập Học Viện Tòa Thánh Về Các Khoa Xã Hội Học, đã viết rằng giáo huấn về xã hội của Giáo Hội cần phải được giao tiếp với thế giới của các khoa xã hội học:
“Giáo huấn về xã hội của Giáo Hội có một chiều kích quan trọng liên phân khoa. Để hiện thực hơn nữa sự thật duy nhất về con người trong các môi trường đổi thay một cách khác nhau và liên tục về xã hội, kinh tế và chính trị, giáo huấn này cần phải đối thoại trao đổi với các phân khoa khác nhau liên quan tới con người. Giáo huấn ấy đồng hóa với những gì được các phân khoa ấy đóng góp, và giúp cho chúng hướng về một chân trời bao rộng hơn, nhắm tới chỗ phục vụ từng cá thể là thành phần được nhận biết và yêu thương với tất cả ơn gọi của họ” (đoạn 59).
Học viện này, một học viện có cả các phần tử ngoài Công Giáo, cống hiến cho Giáo Hội một học thức về khoa học xã hội tốt đẹp nhất. Ngược lại, giáo huấn về xã hội của Giáo Hội cũng cống hiến cho các khoa xã hội học một chân trời bao rộng hơn để hòa nhập các phân khoa khác nhau liên quan tới con người với các chiều kích cá nhân, xã hội, kinh tế, chính trị, pháp lý, văn hóa và tôn giáo của họ.
Năm nay đại hội cũng bao gồm hai điều mới mẻ: 1) những tường trình theo miền ở Bắc Mỹ, Phi Châu, Á Châu, Mỹ Châu Latinh và Âu Châu, và 2) sáu người trẻ được mời từ các châu lục khác nhau để lắng nghe những diễn trình của đại hội và cho chúng tôi cảm nghĩ của họ.
Chúng tôi đã mời các người trẻ là vì năm nay đề tài của chúng tôi là “Phải chăng giới trẻ đang tiêu tán? Tình Đoàn Kết với Trẻ Em và Giới Trẻ trong Một Thời Đại Hỗn Loạn”.
Đề tài này là một phần trong dự phóng nhiều năm của học viện trong vấn đề khảo sát những ý nghĩa rộng lớn của những đổi thay về nhân khẩu của mấy thập niên vừa qua. Hai năm trước đây, đại hội của học viện này đã chú ý tới thành phần lão thành, đặc biệt liên quan tới vấn đề an sinh xã hội và hệ thống sức khỏe.
Năm nay chúng ta nhìn vào cũng những đổi thay này cùng với ảnh hưởng của chúng nơi trẻ em và giới trẻ khắp thế giới. Điều này mở ra một cơ hội mới cho giáo huấn về xã hội của Giáo Hội mà cho tới nay chưa tập trung một cách chuyên biệt tới tình hình giới trẻ gặp phải, chẳng hạn, về vấn đề lao động, hay vấn đề nữ giới, hoặc vấn đề sống trong nghèo khổ.
Những cân nhắc của học viện này không cố ý nhắm tới việc cung cấp một bản đúc kết trực diện, nhưng tôi xin nhấn mạnh cùng quí vị về một số đề tài chính trong các cuộc bàn thảo cân nhắc của chúng tôi:
Những bóng tối tăm
Nhiều trẻ em trên thế giới sống trong những bóng tối tăm của đàn áp và khai thác. Nhiều em không được sống để thấy được ánh sáng mặt trời, hay bị bỏ cho chết vào những ngày đầu tiên trong cuộc sống. Điều này đặc biệt xẩy ra cho các em gái, vì tình trạng mất quân bình nam nữ hiện nay đang xẩy ra ở những phần đất đông dân trên thế giới.
Giáo sư Mina Ramirez thuộc Học Viện Xã Hội Á Châu ở Manila Phi Luật Tân đã nghiên cứu về tình trạng luật pháp của gia đình và trẻ em khắp Á Châu, nhận định về việc làm thế nào các chính sách về việc lao động trẻ em, về luật pháp gia đình và về những thực hành hôn nhân thường hạn chế những cơ hội của giới trẻ đối với việc phát triển của xã hội.
Giáo sư Paulus Zulu thuộc Đại Học Kwazulu-Natal ở Durban, Nam Phi, đã cặn kẽ trình bày làm thế nào tình trạng nghèo khổ, chính quyền yếu kém, cuộc xung đột võ trang và hội chứng hay vi khuẩn liệt kháng đã đẩy trẻ em ra rìa, thậm chí hoàn toàn loại trừ các em khỏi xã hội.
“Mùa đông nhân khẩu”
Trong khi thế giới quá quen thuộc với chính sách một con của Trung Hoa thì Giáo Sư Gérard-Francois Dumont, Viện Trưởng Đại Học Sorbone ở Paris đã nhận định rằng những gia đình một con hiện nay đang nắm ưu thế ở Âu Châu – không cần phải có chuyện chính quyền áp lực. Tình trạng này liên quan tới ‘một thứ chối từ tương lai’ dẫn tới một thứ văn hóa phi anh chị em cô dì chú bác họ hàng.
‘Tự bản chất, tình yêu hướng tới tương lai’, Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã viết như thế trong sứ điệp của mình cho học viện đây khi ngài khai triển cùng một đề tài với học viện này. ‘Có lẽ vì thiếu một thứ yêu thương sáng tạo và hướng tới như thế là lý do tại sao nhiều cặp nam nữ ngày nay đã quyết định không lập gia đình, tại sao nhiều cuộc hôn nhân bị đổ vỡ, và tại sao mức sinh sản bị giảm sút một cách đáng kể’.
Phải chăng thành phần cha mẹ đang tan biến?
Phu nhân Chrie Booth, Q.C., một luật sư về nhân quyền quốc tế và là vợ của Thủ Tướng Tony Blair ở Hiệp Vương Quốc, đã nói về việc làm thế nào ‘trẻ em bị bắt buộc phải lớn lên quá mau… đã mang lấy những trách nhiệm của người lớn hay bị áp lực chấp nhận những mối bận tâm và vấn đề của người lớn mà không được chúng ta nâng đỡ một cách xứng đáng’. Phu nhân Booth, một vị khách được mời, đã nhấn mạnh rằng mối đoàn kết với giới trẻ nghĩa là bỏ giờ ra với chúng – một trách nhiệm khó khăn nhưng cần thiết của cha mẹ tân tiến bận bịu ngày nay.
Tuổi thanh thiếu niên kéo dài
Hồng Y Alfonso Lopéz Trujillo đã đề cập tới một khía cạnh khác của văn hóa giới trẻ khi nói về ‘hội chứng của thành phần thanh thiếu niên khôn tận’. Mang đặc tính của thái độ tránh né trách nhiệm, một ước muốn duy trì tất cả những gì là thuận lợi hơn là việc thường xuyên dấn thân, và một thứ chối bỏ những hạn chế về luân lý nơi lãnh vực tính dục con người, hội chứng này làm cho giới trẻ hầu như không thể chấp nhận những hy sinh chịu đựng cần phải có để xây dựng cuộc sống hôn nhân và gia đình vững chắc.
Tình trạng trống rỗng về tâm linh
Giáo sư Kevin Ryan thuộc Đại Học Massachusetts đã tiếp tục cùng một đề tài, khi nhận định rằng giới trẻ Bắc Mỹ có quá nhiều thứ giải trí và không đủ vấn đề giáo dục. Tình trạng thịnh hành vấn đề giải trí về điện tử – nhiều đến 40 tiếng một tuần – nghĩa là lãnh vực về các thứ giá trị và giáo dục tôn giáo bị loại bỏ. Cần phảu cung cấp một chương trình đại thể giáo lý đặc biệt cho giới trẻ Công Giáo để giúp cho chúng có một nền tảng cần thiết để sống một cuộc đời sâu xa thỏa nguyện tâm thần.
Giáo sư Mloch ở Đại Học Charles, Prague, và Giáo Sư Vymêtalìk, cả hai đều nhấn mạnh rằng ở Trung Âu và Đông Âu hậu cộng sản đang xẩy ra một thứ trống rỗng về tâm linh nào đó. Những bất mãn nơi cuộc chuyển sang một xã hội tự do đã làm phát sinh ra một thứ vỡ mộng làm ngăn cản việc theo đuổi những lý tưởng sâu xa. Giáo Sư José Raga ở Maní cũng nhận định tình trạng trống rỗng hiện nay nơi giới trẻ hiện đại là kết quả của tự do phi giá trị.
Hy vọng về tương lai
Bản chất của việc nghiên cứu khoa xã hội học là ở chỗ nó nhận ra những vấn đề – nhất là những vấn đề dai dẳng không dễ có được những giải pháp. Tuy nhiên, các phần tử của học viện này không thể bỏ qua sự kiện là giới trẻ bẩm sinh vốn hy vọng, họ chẳng những mang đến những vấn đề mà còn cả những giải pháp nữa, và lòng nhiệt thành cùng óc sáng tạo của họ bao giờ cũng vẫn là một nguồn mạch cao cả nhất ở bất cứ một xã hội nào. Giáo sư Ombretta Fumagalli Carulli thuộc Đại Học Công Giáo Milan nhận định rằng thế kỷ 20 là ‘thế kỷ của trẻ em’, vì có những bản hiến chương và thỏa hiệp quốc tế bảo vệ giới trẻ. Kinh nghiệm của Giáo Hội trong những thập niên vừa qua cũng đã là một kinh nghiệm về tính chất sống động lạ lùng nơi giới trẻ.
Không có một xã hội nào, không có một nền văn hóa nào, có thể chấp nhận được vấn đề ‘giới trẻ tan biến’, vì với họ cũng sẽ tan biến đi niềm hy vọng thực sự cùng với những lý tưởng cao quí của mọi dân tộc.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 3/5/2006
Thế giá của Giáo Hoàng Biển Đức XVI trở nên khá hơn đối với bản xứ Đức Quốc của ngài
Sau khi Hồng Y Joseph Ratzinger được bầu làm giáo hoàng một ngày thì ở Đức, tờ nhật báo Die Tageszeitung đã có phổ biến một bài viết ở trang chính với tựa đề “Oh, mein Gott!”. Sau một năm làm giáo hoàng của ngài, báo chí đã nhấn mạnh tới những thành quả tốt đẹp của việc chọn bầu vị giáo hoàng Đức Quốc này.
Một số người đã thậm chí nhận định rằng dường như đang có một cuộ ctái sinh đức tin tại Đức Quốc. Con số sinh viên thần học và rửa tội người lớn đang gia tăng, cũng như con số người Công Giáo trở lại với Giáo Hội cũng thế. Trong khi đó, con số người lìa bỏ Giáo Hội giảm xuống. Trên đây là những nghiên cứu của phóng viên Vicente Poveda Soler thuộc cơ quan tín vụ Đức Quốc Deutsche Presse-Agentur (DPA).
Theo phóng viên này thì trong Cuộc Hội Luận Chuyên Gia lần thứ năm của Các Văn Phòng Truyền Thông Thuộc Giáo Hội, diễn ra tại Đại Học Thánh Giá ở Rôma từ ngày 27 đến 29 Tháng Tư năm 2005 thì “những phê bình chỉ trích chính về Ratzinger bao giờ cũng ở Đức Quốc”. Thế nhưng, từ ngày ngài được bầu làm giáo hoàng, “một phong thái mới đã hiện lên đối với hình ảnh của Vị Giáo Hoàng này”.
Vai trò giáo hoàng của Đức Biển Đức XVI “đã được báo chí phân tích một cách đầy đủ như là một bước quan trọng trong việc hoàn toàn phục hồi xứ sở này 60 năm sau cuộc giải phóng trại tử thần Auschwitz, sau vụ tự tử của Hitler và sau Thế Chiến Thứ Hai”.
Vị phóng viên này đã trưng dẫn nhiều thí dụ điển hình cho thấy những đổi thay đó. Hội Ngôn Ngữ Đức Quốc đã đồng ý với cụm từ “Somos Papa” như là biểu hiệu quan trọng đứng hàng thứ hai trong năm 2005, chỉ thua có chữ ‘Bundeskanzlerin’ mà thôi, liên quan tới ‘vị thủ tướng liên bang’ sau khi có nữ tân thủ tướng Angela Markel.
Vị phóng viên Tây Ban Nha của DPA ở Bá Linh này còn vạch ra rằng “những chính trị gia quan trọng nhất trong nước, từ Markel đến tổng thống Horst Kohler và nguyên thủ tướng Gerhard Schroder, đều nói là họ ‘hãnh diện’ về việc hồng y Ratzinger được bầu làm giáo hoàng, cho dù cả 3 người họ đều là Tin Lành”.
Ngoài ra, theo vị phóng viên này, thì “những người trình chiếu truyền hình phổ thông nhất nước, như Harald Schmidt và Stefan Raab, nhận định là họ đã đọc các tác phẩm của vị Giáo Hoàng này, những tác phẩm đã hết sạch sau khi ngài được bầu làm giáo hoàng”.
Vị phóng viên còn nhận định rằng trước kia có một “bầu khí tiêu cực chống lại Giáo Hội chính thức – ‘Amtskirche’, tức là ‘Rôma’”, và sở dĩ tình trạng này xẩy ra là vì “sự hiện diện truyền thông mãnh liệt của các nhà bình phẩm Công Giáo như nhóm Wir Sind Kirche, Hams Kung và Eugen Drewermann”.
Điều thay đổi đáng kể nhất đó là Vị Giáo Hoàng này không còn được coi như là “vị canh giữa đức tin” mà là “mục tử”.
Chẳng hạn, tờ nhật báo Suddeutsche Zeitung đã nói hôm 22/4 rằng: “Vị Biển Đức kêu gọi chuyên tâm và chiêm niệm, còn vị tiền nhiệm của ngài” tìm kiếm “sự lớn rộng”. Biển Đức XVI tìm kiếm “cái sung mãn” và “cái cốt lõi”.
Vị phóng viên thêm: “Và đối với Đức Joseph Ratzinger thì cái cốt lõi đây không phải là Giáo Hội hay phẩm trật trong giáo hội mà là đức tin”. Vị phóng viên nhấn mạnh tới “vẻ đẹp của đức tin” và “sự khiêm tốn và tốt lành thực sự” của vị Giáo Hoàng này.
Ở Đức Quốc, bầu khí phục hồi niềm tin tưởng vào Giáo Hội và vào Đức Thánh Cha đã được chuyển thành một thứ chú trọng hơn nữa tới các đề tài về tôn giáo và thành một thứ gia sút đáng kể nơi số người lià bỏ Giáo Hội.
Trong năm 2004 có 101.252 người bỏ Giáo Hội; năm 2005 con số được giảm xuống 1/3. Ngoài ra, còn phải kể đến hiện tượng sách của vị Giáo Hoàng này được bán chạy hơn và danh xưng Biển Đức hiện nay càng trở thành những gì là thời trang đối với những em bé sơ sinh. Danh xưng này được tiến lên từ hạng thứ 50 tới hạng thứ 37 về tính cách được dân chúng ưa chuộng.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 4/5/2006
ĐỨC HỒNG Y PHẠM MINH MẪN CHIA SẺ VỚI GIỚI LIÊN TU SĨ SÀI-GÒN
Thứ năm ngày 27.4.2006, tại Hội trường Toà Tổng Giám Mục Giáo Phận Sài-gòn, Đức Hồng Y G.B. Phạm Minh Mẫn, đã nói chuyện với giới Liên Tu Sĩ của Tổng Giáo Phận Sài-gòn Có khoảng 60 đại diện của các Dòng Tu và Tu Hội nam nữ đã tham dự buổi chia sẻ này. Buổi chia sẻ bắt đầu vào khoảng 8 giờ 15 và kết thúc vào khoảng 9 giờ 20. Mở đầu Đức Hồng Y cho biết mỗi lần gặp gỡ giới Tu Sĩ thành phố Sài-gòn là một dịp mang lại cho ngài niềm vui, vì hai lý do:
Thứ nhất: Cuộc gặp gỡ tạo sự hiệp thông giữa các Dòng Tu, Tu Hội với Giáo Phận. Sự hiệp thông này đưa đến sự hiệp nhất là điều mà Chúa Giê-su lưu ý chúng ta. Sự hiệp nhất này giúp chúng ta vượt qua những khó khăn trắc trở và giúp Giáo Hội phát triển.
Thứ hai: Chúa Giê-su nói rằng Mục Tử để 99 con chiên trong đàn lại để đi tìm một con chiên lạc. Nay thời buổi có quá nhiều chiên lạc xuất hiện lẻ tẻ trong hàng ngũ của mình và xuất hiện nhiều hơn nữa trong xã hội. Do đó, tôi vận động 99 con chiên còn lại trong đàn kia cùng tôi đi tìm những con chiên lạc mà đưa về đàn.
Như lời Đức Hồng Y nói, ngài chia sẻ thông tin liên quan đến hai chuyện và những cảm nghiệm kèm theo. Một là về chuyến đi Rô-ma. Hai là về Giáo Phận.
I. CHUYỆN LIÊN QUAN ĐẾN CHUYẾN ĐI RÔ-MA
1. Đợt vừa qua, Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm thêm 15 vị Hồng Y nhằm bảo đảm cho Hồng Y Đoàn đủ 120 vị từ 80 tuổi trở xuống để sẵn sàng cho cuộc bầu cử Đức Tân Giáo Hoàng trong tương lai.
Quan điểm của Toà Thánh và Đức Giáo Hoàng hiện nay là mong muốn sự bang giao giữa Toà Thánh với các quốc gia diễn ra ở mức tốt đẹp nhất và mở ra một sự hiệp thông sâu xạ. Do đó, trong 15 tân Hồng Y tấn phong lần này, Toà Thánh chọn một vị là người Hồng Kong, thay vì là người Đài Loan để tránh gây căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, Toà Thánh vẫn không tránh được khó khăn trong việc chọn lựa vị Tân Hồng Y này. Lý do là Đức Giáo Hoàng đương kim và các bậc tiền nhiệm, không có thói quen hỏi ý kiến trước các chính phủ như khi bổ nhiệm làm Giám Mục, nhưng đồng thời lại báo cho Nhà Nước về việc tấn phong Hồng Y.
Các Hồng Y ở bên nhau. Góp ý và cố vấn cho Đức Giáo Hoàng. Ngài lắng nghe. Tôi có gặp một ông cựu bộ trưởng Bộ Cựu Chiến Binh của Hoa Kỳ hiện làm đại sứ tại Vatican. Ông hỏi tôi: Đức Giáo Hoàng có khoẻ không ? Năm nay ngài 79 tuổi rồi. Tôi trả lời. Hồi ngài còn làm Hồng Y thì tôi thấy ngài trắng bạch, nay thì lại hồng hào. Ngài ngồi suốt một ngày nghe chúng tôi nói. Ngài chỉ đúc kết trong 15 phút. Ngài đưa ra phương hướng ứng xử chung chứ không giải quyết từng việc. Đường hướng của Vatican hiện nay là ôn hoà. Trước phong trào Hồi Giáo cực đoan, thì phải tìm các nhóm Hồi Giáo ôn hoà để tác động.
2. Qua trao đổi với các vị trong Hồng Y Đoàn, tôi thấy nhiều vấn đề nảy sinh từ các Giáo Hội địa phương. Khó khăn nhất là ở các nước Hồi Giáo. Còn tại các nước Tây Phương khó khăn xuất hiện từ các nhóm cực hữu, cực tả, từ Giáo Dân, Giáo Sĩ, từ các Giáo Phận và các Dòng Tu. Thậm chí từ các Giám Mục. Chẳng hạn có vị hỏi: Hồng Y và Giám Mục là Linh Mục đời đời, thế mà 75 tuổi phải về hưu, thì dựa trên cơ sở Thần Học nào mà quyết định như vậy ?
Tôi nói chuyện với một số Đức Hồng Y ở Châu Á. Tôi thấy vấn đề của Giáo Hội Hong Kong là làm thế nào để Giáo Hội có được các quyền như mọi người. Vấn đề của Giáo Hội Hàn Quốc là hoà hợp và hoà giải dân tộc. Vấn đề của Giáo Hội Philippines là làm thế nào để người ta thoát khỏi cảnh nghèo khó và có cuộc sống xứng đáng phẩm giá con người.
3. Tôi thấy Giáo Hội ở nước nào cũng có những khó khăn và những vấn đề phải giải quyết. Nước nhiều tự do cũng có lắm vấn đề; nước ít tự do cũng có lắm vấn đề. Chẳng hạn ở nước mình bây giờ: Thiếu khả năng tiếp nhận Ơn Gọi. Ở Chủng Viện Sài-gòn đây hiện có 210 Chủng Sinh. Mỗi lớp 7 – 80 sinh viên làm sao các giáo sư theo dõi việc học và sửa bài vở cho các sinh viên cho tốt được. Rồi chỗ ăn chỗ ở. Trước kia Nhà Nước giới hạn ứng sinh vào Chủng Viện. Năm nay Nhà Nước không cắt nữa. Xin bao nhiêu cho bấy nhiêu. Vì thế, lớp học từ 7 – 80 tăng lên khoảng 100. Thế là phải dọn cả kho để làm chỗ ở.
Cách đây 5 năm, Hội Đồng Giám Mục đề nghị Nam Bắc mỗi miền mở thêm thêm một Chủng Viện. Tháng 12 năm rồi, chính quyền cho phép mở cơ sở II cho Chủng Viện Thánh Giu-se Sài-gòn tại Xuân Lộc. Chính quyền kêu tôi bổ nhiệm Phó Giám Đốc cho cơ sở này. Tôi đâu có quyền hạn gì trên Xuân Lộc mà bổ nhiệm. Thế là chúng tôi bàn nhau và Đức Giám Mục Xuân Lộc để tôi làm giấy bổ nhiệm người làm Giám Đốc cho cơ sở này về mặt chính quyền. Còn về mặt Gíao Hội thì Đức Giám Mục Xuân Lộc làm giấy bổ nhiệm.
Nhờ có Chủng Viện Xuân Lộc, nhu cầu cơ sở vật chất của Chủng Viện Sài-gòn bớt căng thẳng. Thực ra tôi muốn chia Chủng Viện Sài-gòn từ tháng 10 năm rồi mà chưa được. Nhưng tháng 7 tới đây cũng sẽ chia. Các Chủng Sinh 4 Giáo Phận: Xuân Lộc, Bà Rịa-Vũng Tàu, Phan Thiết, Đà Lạt sẽ học tại Chủng Viện Xuân Lộc. Chủng Viện Sài-gòn chỉ còn đào tạo Chủng Sinh của các Giáo Phận: Phú Cường, Mỹ Tho và Sài-gòn.
Liên quan đến Chủng Viện, bây giờ có đề nghị năm thứ nhất của Chủng Viện làm năm tu đức để rửa sạch bụi đời và trau dồi những khả năng cần thiết khác. Vì nhiều Chủng Sinh đã học đại học mà viết một câu tiếng Việt cũng không rồi. Bên cạnh thiện chí, còn có nhiều chuyện khác không lành mạnh đi vào tâm thức của những người trẻ nhập tu. Do đó, phải đào tạo cho các Chủng Sinh có ý hướng ngay lành, có kỹ năng đáp trả Ơn Gọi, có khả năng bỏ mình và vác thập giá. Tôi cảm nghiệm điều này hết sức sâu xa: Phải bỏ thói đời. Phải bỏ thói ăn gian nói dối. Vì cả xã hội đã như vậy rồi.
Làm sao năm đầu rửa sạch được cái này. Nếu không bỏ được thì tác hại như thế nào ? Vì thói đời nhiễm vào thì hàng Linh Mục bị phân hoá. Có khi thới đời nhiễm nặng như trường hợp ở một Giáo Phận nọ bên Thuỵ Sĩ Đức Giám Mục phải từ chức và Chủng Viện của Giáo Phận phải đóng cửa.
4. Nói chuyện với các Hồng Y ở các nước xung quanh, họ nói có nhiều cộng đoàn Ki-tô hữu Việt Nam là lao động xuất khẩu ở các nước như Đài Loan, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Hàn Quốc. Các ngài nói với tôi sao không thấy các Linh Mục Việt Nam sang giúp họ. Tôi nghĩ rằng Giáo Hội Việt Nam có trách nhiệm với người lao động ở Đài Loan, Philippines, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan.
Việt Nam mình bây giờ mở cửa. Các nước Á Châu mình gắn kết với và giao lưu với nhau. Vì thế có các cộng đoàn kiều dân người Nhật, người Hàn, người Ấn, người Thái, người Phi, v.v... hiện diện trong thành phố chúng ta. Vì thế, tôi cũng tạo điều kiện cho các Hồng Y sang thăm các cộng đoàn của họ ở đây. Tôi mời các Hồng Y của các nước Nhật, Hàn, Phi, Ấn, Thái sang đây thăm các cộng đoàn kiều dân của họ. Có vị nói “Tôi sẽ làm điều đó”, vị khác nói “Ý kiến hay”. Các vị bảo tôi cho biết thời gian. Tôi dự định thời điểm đầu tháng 12 năm nay.
Tôi nhờ Dòng Tên đứng ra thu thập tài liệu và tổ chức một buổi hội thảo vào đầu tháng 12 tới đây nhân dịp kỷ niệm 500 năm truyền giáo Á Châu. Do đó tôi dự kiến mời các Hồng Y sang đây vào đầu tháng 12. Ngày 1 tháng 12 các vị sẽ thăm các cơ sở của Giáo Phận; ngày 2 tháng 12 thăm cuộc hội thảo và kết thúc cuộc hội thảo bằng một Thánh Lễ. Ngày 3 tháng 12 thăm các cộng đoàn di dân của nước họ. Các cộng đoàn kiều dân này cũng rất mong các vị Hồng Y của họ đến thăm họ cho biết. Họ sẽ báo cáo cho Hồng Y của mình biết về cuộc sống và sinh hoạt đạo nghĩa của họ ở đây. Chúng tôi và các cộng đoàn kiều dân sẽ phối hợp với nhau tiếp đón các Hồng Y.
II. CHUYỆN LIÊN QUAN ĐẾN TỔNG GIÁO PHẬN SÀI-GÒN
1. Mấy năm nay nhiều Nhà Thờ mới được xây dựng khang trang. Nhiều Nhà Dòng cũng vậy. Trước hiện tượng này, từ trong nước ra hải ngoại có dư luận rằng chúng ta đang xây dựng một Giáo Hội giàu có, trong khi còn nhiều người rất nghèo.
Tại sao người ta nói thế ? Có lẽ vì ở nhiều nước có hiện tượng ngược lại: Từ Rô-ma đến nhiều nơi khác có nhiều Nhà Thờ đóng cửa vì không có ai đi Lễ, nhiều Nhà Dòng biến thành nhà trọ vì không có ai tu. Trong khi đó mình lại cứ tiếp tục xây Nhà Thờ và Tu Viện. Mình đi ngược lại họ, do đó họ khó hiểu và từ đó có dư luận như trên.
Thực tế là phải xây dựng thêm Nhà Thờ, vì số Giáo Dân gia tăng rất nhanh. Khi tôi về đây năm 1998 Giáo Phận có khoảng 520.000 Giáo Dân. Đến năm 2005, con số tăng lên 630.000 Giáo Dân. Trong 8 năm tăng hơn 100.000 Giáo Dân. Chưa tính cả trăm nghìn di dân không kiểm kê được.
Nhà Thờ được xây dựng và sửa sang nhiều, nhưng người đứng tràn ra đường vẫn có. Tôi nghe nói chỗ này chỗ kia người ta đi lễ ôm. Tôi đi xem một số nơi, thì thấy một số nào đó đi lễ ôm thật, nhưng tuyệt đại đa số không phải vậy. Tôi dự Lễ đêm Phục Sinh ở DCCT. Lễ kéo dài hơn hai tiếng. Bao nhiêu người khác cũng đứng mỏi chân như mình. Mà họ đứng cũng trang nghiêm sốt sắng. Đứng như vậy có phân biệt giàu nghèo không ?
Ông Đại sứ Hoa Kỳ ở Vatican hỏi tôi: Nhà Thờ ở Việt Nam đầy người đúng không ? Tôi nói đúng vậy. Mỗi lần tôi đi cử hành Lễ, ở mọi nơi tôi đều thấy vậy. Tôi thấy họ phải đứng vì Nhà Thờ không đủ chỗ. Cho nên phải mở rộng Nhà Thờ ra, phải xây mới. Cũng vì thấy người ta đứng chen nhau thế nên tôi thấy phải đưa Lễ vào Trung Tâm Văn Hoá của Giáo Phận – Trung Tâm này vừa được mở rộng sức chứa từ 5 nghìn lên 12 nghìn người.
Tôi thấy người ta tìm đến Giáo Hội như một chỗ dựa để vững niềm tin. Họ đến đông quá, mình phải xây dựng cơ sở vật chất, người ta không hiểu hết hoàn cảnh của mình, cho nên người ta nói không đúng. Nhưng nếu mình chỉ xây dựng nhà cửa mà không quan tâm đến việc giúp đỡ người nghèo và người bất hạnh cho đủ thì điều người ta nói là đúng.
2. Tôi muốn các Nhà Dòng góp phần cùng tôi đi tìm và chăm sóc các con chiên lạc. Lâu nay tôi thấy nhiều Dòng Tu đã làm. Nhưng nay phải quan tâm hơn nữa. Trước giờ chính quyền có cho mình làm gì đâu ! Cùng lắm chỉ cho coi nhà trẻ, mẫu giáo. Mà xem lại có đúng không, chỉ toàn con cán bộ, công an, doanh nghiệp ? Có phục vụ người nghèo không ?
Tôi cũng muốn các Dòng Tu góp phần phục vụ, vì nhu cầu thực tế của thành phố, ví dụ như Trung Tâm Chăm Sóc AIDS của thành phố ở Bình Phước. Mục tiêu chiến lược của Nhà Nước đề ra từ 5, 6 năm nay là giúp người nhiễm HIV hoà nhập với đời sống xã hội, đồng thời ngăn chặn HIV. Vậy mà chính ông Bí Thư thành phố này mới nói với tôi rằng đại dịch cứ càng ngày càng tràn lan mà nạn nhân lại không được ai chăm sóc. Làm sao giúp họ chịu đựng và hoà nhập được với xã hội?
Một số Dòng Tu hợp tác với tôi để chăm sóc phục hồi sức khoẻ và sự sống cho các bệnh nhân HIV-AIDS ở Trung Tâm Bình Phước. Đó là các Dòng St Paul, Vinh Sơn, Salésien Don Bosco, Thừa Sai Bác ái Chúa Ki-tô và Chúa Chiên Lành. Tuần vừa rồi chúng tôi vừa hình thành Ban Quản Trị của Trung Tâm. Theo sự sắp xếp này thì Ban Giám Đốc lo việc chuyên môn, còn Ban Quản Trị gồm thành viên của 5 Dòng kia thì lo việc chăm sóc và giúp đỡ các bệnh nhân.
Trong Giáo Phận chúng ta còn có các nhóm công tác xã hội phục vụ người nghèo và người bệnh hoạt động cũng tích cực. Tháng hay hai tháng một lần họ báo cáo tình hình với tôi. Nhưng họ không có con số thống kê cụ thể, rõ ràng. Tôi đang nhờ các Hội Đồng Giáo Xứ làm thống kê cho rõ ràng, cụ thể hơn.
Trong khi đó, tôi cũng phải xem chính quyền có để cho chúng ta cộng tác giúp đỡ người nghèo khổ không ? Hôm Tết, chính quyền nói cho phép người Công Giáo góp phần lành mạnh hoá đời sống gia đình. Họ nói phải làm thôi, vì chúng tôi làm không xuể. Nhưng cũng có người của chính quyền nghĩ rằng mình làm để tranh giành ảnh hưởng này kia. Ý là vậy.
Tóm lại là chúng ta phải yêu thương mọi người mà ưu tiên là những người nghèo khổ nhất. Đó là cách thi hành Lời Chúa dạy. Chúng ta cố gắng làm một cái gì đó để thế hệ trẻ thấy chúng ta và để chúng ta trở thành gương mẫu khích lệ họ sống Lời Chúa và phục vụ hết mình. Tôi vẫn đang phát động, gây ý thức và kêu gọi đông đảo các thành phần Dân Chúa dấn thân vào các công tác này. Đấy là nhu cầu bức thiết của thành phố chúng ta.
Kết thúc buổi nói chuyện, đáp lại lời kêu gọi của Đức Hồng Y, cha Vũ Khởi Phụng, DCCT, Chủ tịch Liên Tu Sĩ thành phố phát biểu rằng: Những điều Đức Hồng Y vừa nói, chúng con sẽ tiếp tục trao đổi và bàn hỏi để việc phối hợp phục vụ giữa Giáo Phận và các Dòng Tu, giữa các Dòng Tu với nhau được tốt hơn. Cha chủ tịch cũng cho biết: Để phục vụ nhu cầu của Giáo Phận, Liên Tu Sĩ thành phố đang làm danh sách các anh chị em có khả năng chuyên môn trong các Dòng Tu và Tu Hội.
Lm. NGUYỄN VĂN KHẢI, DCCT, lược ghi
(trích từ EPHATA 266)