GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
CHÚA NHẬT 11/6/2006 TUẦN CHÚA BA NGÔI |
? "Chúa Nhật là một ngày ở ngay chính cốt lõi của đời sống Kitô hữu" - Đức Gioan Phaolô II: Tông Thư Ngày NGÀY CỦA CHÚA – DIES DOMINI
? “Anh chị em hãy đứng vững trong đức tin” - Tóm Lược Toàn Bộ Chuyến Tông Du Mục Vụ Balan của Giáo Hoàng Biển Đức XVI
? Tòa Thánh Vatican tấn công kỹ nghệ tình dục ở Giải Vô Địch Túc Cầu Thế Giới tại Đức Quốc
"Chúa Nhật là một ngày ở ngay chính cốt lõi của đời sống Kitô hữu" - Đức Gioan Phaolô II: Tông Thư Ngày NGÀY CỦA CHÚA – DIES DOMINI
5. Theo quan điểm ấy thì tình hình này dường như xẩy ra một cách hỗn hợp. Một đàng thì có gương mẫu của một số Giáo Hội trẻ cho thấy họ có thể cử hành Chúa Nhật một cách sốt sắng ra sao, dù ở các vùng phố thị hay ở các làng mạc rải rác khắp nơi. Trái lại, ở những miền đất khác trên thế giới, vì áp lực của xã hội như đã được đề cập tới, mà có lẽ vì động lực đức tin yếu kém, tỷ số tham dự phụng vụ Chúa Nhật rất là thấp. Trong tâm trí của nhiều tín hữu, chẳng những cảm quan về vai trò trọng yếu của Thánh Thể, mà thậm chí ngay cả cảm quan về nhiệm vụ cần phải tri ân cảm tạ Chúa và cùng với kẻ khác nguyện cầu với Người trong cộng đồng Giáo Hội, là những gì dường như đang bị suy giảm.
Sự thật cũng xẩy ra, cả ở các xứ sở truyền giáo cũng như ở những xứ sở được truyền bá phúc âm hóa lâu đời, tình trạng thiếu thốn linh mục khiến cho việc cử hành Thánh Thể Chúa Nhật không thể được luôn bảo đảm ở hết mọi cộng đồng dân Chúa.
6. Trước tình trạng bố trận của những tình hình mới này cũng như những vấn nạn bởi đó mà ra, hơn bao giờ cần phải phục hồi những nền tảng tín lý sâu xa làm nền cho luật định của Giáo Hội, nhờ đó giá trị vĩnh tồn của Chúa Nhật nơi đời sống Kitô hữu được sáng tỏ đối với tất cả mọi tín hữu. Để làm việc này, chúng ta hãy theo truyền thống cổ truyền của Giáo Hội, một truyền thống được Công Đồng Chung Vaticanô II mạnh mẽ lập lại trong giáo huấn của mình về Chúa Nhật “Các tín hữu Kitô giáo cần phải qui tụ lại để tưởng niệm cuộc khổ nạn, Phục Sinh và hiển vinh của Chúa Giêsu, bằng việc nghe Lời Chúa và chia sẻ Thánh Thể, cũng như để tạ ơn Thiên Chúa là Đấng đã ban cho họ tặng ân tái sinh vào một niềm hy vọng sống động nhờ Việc Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh từ kẻ chết (x 1Pt 1:3)” (8).
7. Phận sự giữ Chúa Nhật thánh hảo, nhất là bằng việc tham phần vào Thánh Thể, cũng như bằng việc nghỉ ngơi trong một tinh thần vui mừng và huynh đệ Kitô giáo, có thể dễ dàng hiểu được nếu chúng ta để ý tới những khía cạnh khác nhau của ngày này, những khía cạnh cần chúng ta chú trọng đến trong bức Tông Thư này.
Chúa Nhật là một ngày ở ngay chính cốt lõi của đời sống Kitô hữu. Từ đầu Giáo Triều của mình, tôi đã không thôi lập lại rằng: “Đừng sợ! Hãy cởi mở, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô!” (9). Cũng thế, hôm nay đây tôi cũng hết sức xin mọi người hãy tái nhận thức Chúa Nhật: Đừng sợ hiến thời giờ của anh chị em cho Chúa Kitô! Phải, chúng ta hãy mở thời gian của chúng ta cho Chúa Kitô, để Người chiếu ánh sáng lên nó và hướng dẫn nó. Người là Đấng biết được cái bí mật của thời gian và bí mật của vĩnh hằng, và Người ban cho chúng ta “ngày của Ngài” như một tặng ân hằng mới mẻ của tình Ngài yêu thương. Việc tái nhận thức về ngày này là một ân huệ chúng ta cần phải van nài, chẳng những để chúng ta có thể sống những đòi hỏi của đức tin một cách toàn vẹn, mà còn để chúng ta có thể đáp ứng một cách cụ thể những khát vọng sâu xa nhất của con người. Thời gian được hiến cho Chúa Kitô sẽ không bao giờ là một thời gian bị mất mát cả, mà là một thời gian chiếm hữu, nhờ đó, các mối liên hệ của chúng ta, đúng hơn cả đời sống của chúng ta càng trở nên nhân bản thực sự hơn nữa.
(còn tiếp vào mỗi Chúa Nhật)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ văn khố điện toán toàn cầu của Tòa Thánh:
? “Anh chị em hãy đứng vững trong đức tin” - Tóm Lược Toàn Bộ Chuyến Tông Du Mục Vụ Balan của Giáo Hoàng Biển Đức XVI
Vị Giáo Hoàng đương kim Biển Đức XVI của chúng ta đã thực hiện một chuyến tông du mục vụ lần thứ hai trong giáo triều mới được 13 tháng 1 tuần của ngài, vào cuối Tháng Hoa Đức Mẹ từ Thứ Năm 25 đến hết Chúa Nhật 28 năm 2006. Nếu chuyến tông du mục vụ đầu tiên là chuyến ngài đến với Ngày Giới Trẻ Thế Giới XX là biến cố đã được tiền định bởi Đấng Quan Phòng Thần Linh cho diễn ra tại chính quê hương Đức Quốc của ngài, thì chuyến tông du mục vụ lần thứ hai của ngài, được ngài quyết định, là chuyến tông du mục vụ ở Balan, quê hương của đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vị tiền nhiệm rất quí yêu của ngài, một nước Balan đã bị nước Đức của ngài xâm chiếm vào Thế Chiến Thứ II. Trong chuyến tông du mục vụ lần hai này, ngoại trừ 2 bài ở phi trường để khai từ và tạ từ, và 2 bài huấn từ ngắn với giới trẻ hai lần, một tại Tòa Tổng Giám Mục Krakow và một lần trước khi nguyện Kinh Lạy Nữ Vương cuối Thánh Lễ Chúa Nhật, ngài đã nói tất cả là 10 bài chính, và đối tượng của 10 bài nói chính này bao gồm cả nhân vật lẫn cảnh vật. Thành phần nhân vật được coi là đối tượng của các bài huấn từ của ngài, theo thứ tự thời gian, thứ nhất là hàng giáo sĩ, thứ hai là thành phần đại kết, thứ ba là thành phần tu sĩ, chủng sinh và tông đồ giáo dân, thứ bốn là bệnh nhân, thứ năm là giới trẻ, và thứ sáu là chung cộng đồng Dân Chúa. Còn cảnh vật là đối tượng của những bài diễn từ của ngài là ngôi Thánh Đường Wadowice, nơi sinh trưởng của Đức Gioan Phaolô II, và Trại Tử Thần Đức Quốc Xã Auschwitz, nơi diệt chủng Do Thái trong Thế Chiến Thứ Hai. Tuy nhiên, chủ đề chính của tất cả các bài nói, tổng cộng là 14 bài dài ngắn, đó là câu châm ngôn cho chuyến tông du mục vụ lần hai này. Câu đó là: “Anh chị em hãy đứng vững trong đức tin”. Sau đây là lược tóm những câu nói trực tiếp liên quan khít khao với chủ đề của chuyến tông du mục vụ thứ hai này của ngài.
· Khai Từ tại Phi Trường Okecie ở Warszaw ngày Thứ Năm 25
‘Hãy đứng vững trong đức tin của anh chị em’. Tôi đề cập tới điều này ngay từ đầu để nhấn mạnh rằng đầy không phải chỉ là một cuộc hành trình theo tình cảm, mặc dù bao gồm cả vấn đề này nữa, mà là một cuộc hành trình đức tin, một phần của sứ vụ do Chúa Kitô ký thác cho tôi nơi con người của Tông Đồ Phêrô, vị đã được kêu gọi để củng cố anh chị em mình trong đức tin (x Lk 22:32). Tôi cũng muốn rút ra từ mạch suối dồi dào đức tin của anh chị em, một đức tin liên lỉ chảy cả hơn một ngàn năm.
……………..
‘Hãy đứng vững trong đức tin của anh chị em’ – đây là câu tâm niệm cho chuyến Tông Du của tôi. Tôi hy vọng rằng những ngày của chuyến tông du này sẽ giúp vào việc làm kiên cường đức tin của tất cả mọi người chúng ta – các phần tử thuộc Giáo Hội ở Balan và cả chính tôi nữa. Chớ gì chuyến viếng thăm của tôi sẽ trở thành một thời gian của tình huynh đệ, thiện ích và hy vọng cho cả những ai chưa được ơn đức tin song lòng của họ tràn đầy thiện chí nữa. Chớ gì những giá trị bền bỉ này của nhân loại trở thành nền tảng vững chắc cho việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, một thế giới mà trong đó mọi người được hoan hưởng cả về sự giầu thịnh về vật chất lẫn niềm vui thiêng liêng. Đó là ý nguyện của tôi cho toàn thể nhân dân Balan. Một lần nữa tôi xin cám ơn Ngài Tổng Thống cùng các Vị Giám Mục Balan đã ngở mời tôi. Tôi thân ái gắn bó với nhân dân Balan ở khắp mọi nơi và tôi xin họ hãy hỗ trợ cuộc hành trình đức tin này của tôi bằng lời nguyện cầu.
· Huấn Từ với Hàng Giáo Sĩ Balan tại Vương Cung Thánh Đường Warszawa Thứ Năm 25
Hãy đứng vững trong đức tin của anh chị em! Tôi cũng trao phó câu tâm niệm cho cuộc hành trình này của tôi nơi anh em nữa. Hãy sống chân chính đích thực trong cuộc đời của anh em cũng như nơi thừa tác vụ của anh em. Gắn mắt nhìn lên Chúa Kitô, anh em hãy sống một đời khiêm tốn, đoàn kết với tín hữu là thành phần anh em được gửi tới với họ. Hãy phục vụ mọi người; hãy trở thành thuận lợi trong các giáo xứ cũng như nơi những tòa giải tội, hãy hỗ trợ các phong trào và hội đoàn mới, hãy nâng đỡ các gia đình, đừng quên mối liên hệ với giới trẻ, hãy lưu ý tới thành phần nghèo khổ và bị bỏ rơi. Nếu anh em sống bởi đức tin thì Thánh Thần sẽ tỏ cho anh em biết những gì anh em cần phải nói năng và cách thức anh em cần phải phục vụ. Anh em bao giờ cũng có thể tin tưởng vào sự trợ giúp của Mẹ Maria là Đấng đi trước Giáo Hội trong đức tin. Tôi khuyên anh em hãy luôn kêu cầu Mẹ bằng những lời anh em quá quen thuộc, đó là: ‘Chúng con gắn bó với Mẹ, chúng con tưởng nhớ đến Mẹ, chúng con dõi theo Mẹ’.
· Diễn Từ với Thành Phần Đại Kết Balan tại Nhà Thờ Ba Ngôi Chí Thánh Warsaw Tối Thứ Năm 25
‘Kìa, Người đang đến trên đám mây và mọi con mắt sẽ được trông thấy Người’ (Rev 1:7). Những lời này của Sách Khải Huyền nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta đang hành trình tiến đến cuộc hội ngộ tối hậu với Chúa Kitô, khi Người tỏ mình ra trước mắt chúng ta cái ý nghĩa của lịch sử con người, một lịch sử có tâm điểm là Thập Tự Giá của hy tế cứu độ. Là cộng đồng môn đệ, chúng ta được hướng dẫn tới cuộc hội ngộ ấy, một cuộc hội ngộ đối với chúng ta là ngày cứu độ tràn đầy hy vọng và tin tưởng, ngày mà tất cả mọi niềm khát vọng của chúng ta được nên trọn, nhờ việc chúng ta sẵn sàng để mình được hướng dẫn bởi một đức ái hỗ tương là những gì do Thần Linh gợi lên trong chúng ta. Chúng ta hãy xây dựng niềm tin tưởng này không phải bằng công lênh của mình mà bằng việc nguyện cầu là việc Chúa Kitô nhờ đó tỏ cho thấy ý nghĩa về việc Người đến trên thế gian và về cái chết cứu độ của Người: ‘Lạy Cha, con muốn rằng cả họ nữa, thành phần Cha đã ban cho Con, cũng được ở với Con để chiêm ngưỡng vinh hiển Cha đã ban cho Con vì yêu Con trước khi tạo thành thế gian’ (Jn 17:24).
· Bài Giảng cho chung Cộng Đồng Dân Chúa trong Thánh Lễ ở Quảng Trường Pilsudzki Sáng Thứ Sáu 26 tại Warsaw
‘Hãy đứng vững trong đức tin của anh chị em’! Chúng ta vừa nghe những lời của Chúa Giêsu: ‘Nếu các con yêu mến Thày, các con sẽ tuân giữ các giới huấn của Thày. Và Thày sẽ cầu xin cùng Cha và Ngài sẽ ban cho các con một Đấng An Ủi khác để mãi ở với các con, đó là Thần Chân Lý’ (Jn 14:15-17a). Với những lời ấy, Chúa Giêsu mạc khải mối liên hệ sâu xa giữa đức tin và việc tuyên xưng Chân Lý Thần Linh, giữa đức tin và việc dấn thân cho Chúa Giêsu trong yêu thương, giữa đức tin với việc thực hành một đời sống được tác động bởi những huấn giới. Tất cả 3 chiều kích đức tin là hoa trái của tác động Thánh Linh. Tác động này được bộc phát như một quyền lực nội tại làm hòa hợp tâm can của thành phần môn đệ với Con Tim của Chúa Kitô và làm cho họ có thể yêu thương như Người đã yêu thương họ. Bởi vậy mà đức tin là một tặng ân, đồng thời cũng là một công tác.
· Huấn Dụ Thành Phần Tu Sĩ, Chủng Sinh và Đại Diện Các Phong Trào, ở Czestochowa Thứ Sáu 26
‘Đức tin là mối giao hệ với mầu nhiệm của Thiên Chúa’ (cùng nguồn vừa dẫn, đoạn 17), vì ‘tin tưởng tức là phó mình cho sự thật nơi lời của Thiên Chúa hằng sống, nhận biết và khiêm tốn nhìn nhận phán quyết của Ngài là những gì khôn dò và đường lối của Ngài thì khôn thấu’ (cùng nguồn, 14). Đức tin là một tặng ân, được ban cho chúng ta nơi Phép Rửa, một Phép Rửa làm hiện thực việc chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng ẩn thân trong mầu nhiệm; nghĩ rằng hiểu được Ngài có nghĩa là muốn giam nhốt Ngài vào ý nghĩ và kiến thức của chúng ta, bởi thế sẽ mất Ngài ngay tức khắc. Tuy nhiên, với đức tin, chúng ta có thể thấy được trước mặt một con đường xuyên qua các quan niệm, thậm chí là những quan niệm về thần học, và có thể ‘đụng chạm’ tới Vị Thiên Chúa hằng sống. Và Thiên Chúa, một khi được chạm tới, liền ban cho chúng ta quyền lực của Ngài. Khi chúng ta phó mình cho Vị Thiên Chúa hằng sống này, khi chúng ta chạy đến với Ngài bằng tấm lòng khiêm tốn, thì một thứ suối nguồn của sự sống thần linh thầm kín tuôn tràn ra trong chúng ta. Quan trọng biết bao việc tin tưởng vào quyền năng của đức tin, vào khả năng của đức tin trong việc tạo nên một mối liên hệ chặt chẽ với Vị Thiên Chúa hằng sống! Chúng ta cần phải hết sức chú trọng tới việc phát triển đức tin của chúng ta, để đức tin được thực sự thấm đậm tất cả mọi thái độ, tâm tưởng, hành động và ý hướng của chúng ta. Đức tin có một chỗ đứng, chẳng những trong tình trạng của linh hồn và nơi các cảm nghiệm về đạo nghĩa, nhất là trong tâm tưởng và hành động, trong công việc làm hằng ngày, trong cuộc chiến đấu với bản thân mình, trong đời sống cộng đồng cũng như trong việc tông đồ, vì đức tin là những gì bảo đảm cho việc đời sống của chúng ta được thấm đẫm quyền năng của chính Thiên Chúa. Đức tin bao giờ cũng có thể mang chúng ta về với Thiên Chúa thậm chí cả những lúc tội lỗi dẫn chúng ta đi vào con đường sai trật lệch lạc chăng nữa.
· Huấn Dụ Thành Phần Dân Chúng ở Wadowice, Rynek Square Thứ Bảy 27
Đức Gioan Phaolô II, khi quay về với những thuở ban đầu của mình, thường đề cập tới một dấu hiệu, đó là dấu hiệu bể rửa tội, là dấu hiệu được chính ngài đặc biệt tôn kính nơi Giáo Hội ở Wadowice. Vào năm 1979, trong chuyến hành hương đầu tiên của ngài về Balan, ngài đã nói rằng: ‘Nơi bể rửa tội này đây, vào ngày 20/6/1920, tôi đã lãnh nhận ơn được làm con Thiên Chúa, cùng với đức tin vào Đấng Cứu Chuộc của tôi, và tôi đã được đón nhận vào cộng đồng Giáo Hội. Tôi đã trịnh trọng hôn bể rửa tội này vào năm mừng kỷ niệm đệ nhất thiên niên Balan được lãnh nhận Phép Rửa, vào lúc tôi làm Tổng Giám Mục Kraków hồi ấy. Tôi đã hôn bể rửa tội này một lần nữa vào dịp kỷ niệm 50 năm tôi được lãnh nhận bí tích thanh tẩy, lúc tôi làm Hồng Y, và hôm nay đây tôi hôn bể rửa tội này lần thứ ba, khi tôi từ Rôma trở về như Vị Thừa kế Thánh Phêrô’ (Wadowice, 7/6/1979). Dường như nơi những lời này của Đức Gioan Phaolô II có chất chứa cái then chốt để hiểu được tính cách nhất trí nơi đức tin của ngài, tính cách sâu xa nơi đời sống Kitô hữu của ngài, và ước vọng nên thánh được ngài liên tục bộc lộ. Ở đây, với ý thức sâu xa về ân sủng thần linh, về tình yêu vô tư của Thiên Chúa đối với loài người, mà thành phần Dự Tòng, nhờ nước và Thánh Linh được thuộc vào số muôn vàn con cái của Ngài, thành phần được Máu Chúa Kitô cứu chuộc. Đường lối của đời sống Kitô hữu chân chính là những gì tương đương với lòng trung thành thực hiện các lời hứa quyết của Phép Rửa thánh. Câu khẩu hiệu cho chuyến hành hương này là ‘Hãy đứng vững trong đức tin của anh chị em’ ở nơi đây có một chiều kích cụ thể có thể được diễn đạt bằng lời huấn dụ như thế này: ‘Hãy cương quyết tuân giữ các lời hứa quyết của phép rửa’. Một chứng nhân của chính đức tin này là Người Tôi Tớ Chúa Gioan Phaolô II, vị được nơi chốn này nói tới một cách rất đặc biệt.
· Huấn Dụ Thành Phần Bệnh Nhân ở Krakow - Tagiewniki Thứ Bảy 27
Quí bạn bệnh nhân thân mến, những người mang dấu tích đau thương nơi thân xác hay tâm hồn, quí bạn được liên kết mật thiết nhất với Thập Tự Giá của Chúa Kitô, và đồng thời quí bạn cũng là những chứng nhân sống động nhất của tình thương Thiên Chúa. Qua quí bạn cũng như nhờ những khổ đau của quí bạn, Người đang ưu ái cúi mình xuống trên nhân loại. Quí bạn nào âm thầm thốt lên rằng: ‘Giêsu ơi, con tin nơi Chúa’ là người dạy cho chúng ta rằng không có niềm tin nào sâu xa hơn, không có hy vọng nào sống động hơn, và không có tình yêu nào nồng nhiệt hơn đức tin, đức cậy và đức mến của một con người giữa khổ đau biết an bình phó mình vào bàn tay của Thiên Chúa. Chớ gì bàn tay nhân loại của những ai chăm sóc cho quí bạn nhân danh tình thương trở thành cánh tay nối dài rộng mở của Thiên Chúa.
· Huấn Dụ Thành Phần Giới Trẻ, ở Krakow-Błonie, Thứ Bảy 27
Quí bạn thân mến, suy niệm về những lời của Chúa Kitô diễn tả tảng đá là nền tảng thích đáng cho một ngôi nhà, chúng ta không thể nào không chú ý tới lời cuối cùng là một lời hy vọng. Chúa Giêsu nói rằng, bất chấp tình trạng cay nghiệt của các yếu tố thiên nhiên thì ngôi nhà ấy vẫn không bị hủy hoại, bởi nó được xây trên tảng đá. Lời của Người chất chưa một niềm cậy trông đặc biệt nơi cái vững chắc của nền tảng này, một đức tin không sợ những thứ nghịch thường, vì đức tin này được củng cố kiên cường bởi cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô. Đó là đức tin mà những năm sau đó Thánh Phêrô đã tuyên xưng trong bức thư của ngài: ‘Này Ta đặt ở Sion một viên đá, một viên đá gốc được chọn lọc và quí giá, và ai tin vào Người sẽ không bị hổ thẹn’ (1Pet 2:6).
· Bài Giảng cho chung Cộng Đồng Dân Chúa ở Krakow trong Thánh Lễ Chúa Nhật 28
Anh chị em thân mến, tôi đã chọn làm câu châm ngôn cho chuyến hành hương Balan của tôi theo bước chân Đức Gioan Phaolô II những lời là: ‘Anh chị em hãy đứng vững trong đức tin của mình!’ Lời kêu gọi này được trực tiếp ngỏ cùng tất cả chúng ta là phần tử thuộc cộng đồng môn đệ Chúa Kitô, cùng mỗi người và mọi người trong chúng ta. Đức tin là một tác động nhân loại riêng tư sâu xa, một tác động có hai khía cạnh. Tin tưởng nghĩa là trước hết chấp nhận như thật những gì trí khôn chúng ta không thể thấu triệt. Chúng ta phải chấp nhận những gì Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta về chính mình Ngài, về chúng ta, về mọi sự chung quanh chúng ta, bao gồm cả những gì vô hình, khôn tả và ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Tác động chấp nhận sự thật được mạc khải là những gì nới rộng chân trời kiến thức của chúng ta và kéo chúng ta tới mầu nhiệm bao trùm chúng ta. Để trí khôn của chúng ta bị giới hạn như thế không phải là một chuyện dễ làm. Đến đây chúng ta thấy khía cạnh thứ hai của đức tin, đó là khía cạnh niềm tin tưởng nơi một con người, không phải là một con người bình thường, mà là chính Chúa Giêsu Kitô. Những gì chúng ta tin tưởng đều quan trọng, nhưng còn quan trọng hơn thế nữa đó là Đấng chúng ta tin tưởng.
· Diễn Từ ở Trại Tử Thần Auschwitz, Auschwitz-Birkenau, Chúa Nhật 28
Không thể nào nói được bất cứ điều gì ở nơi kinh hoàng này đây, ở nơi đã xẩy ra vô vàn tội ác chưa từng có phạm đến Thiên Chúa và con người, nhất là lại nói bởi một Kitô hữu, bởi một vị Giáo Hoàng xuất thân từ Đức. Ở một chốn như thế này thì lời nói đành câm nín; để rồi chỉ còn duy nỗi lặng thinh kinh hãi – một thứ lặng thinh tự mình là một lời kêu gào chân tình lên Thiên Chúa: Lạy Chúa, tại sao Chúa lại cứ thinh lặng chứ? Làm sao Chúa lại có thể chịu đựng được tất cả những thứ này? Bởi vậy, trong thinh lặng, chúng ta cúi đầu trước vô tận những ai đã chịu khổ cực và bị sát hại ở nơi đây; tuy nhiên việc thinh lặng của chúng ta lại trở thành một lời van xin tha thứ và hòa giải, một lời van nài Vị Thiên Chúa hằng sống đừng bao giờ để điều này tái diễn nữa… Bởi vậy, ở địa điểm này đây, tôi muốn kết thúc bằng một lời nguyện cầu của lòng tin tưởng – bằng một trong những lời Thánh Vịnh của dân Do Thái cũng là một lời nguyện của Kitô hữu, đó là: ‘Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng còn thiếu thốn chi. Nơi đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ; tới nguồn nước chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi, tâm hồn tôi Người lo bồi dưỡng. Vì uy danh Người, Người dẫn tôi theo đường ngay nẻo chính. Dù bước đi trong thung lũng tối, tôi không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng tôi, cây roi và cái trượng của Ngài, đó là điều an ủi lòng tôi… Tôi sẽ cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi’
· Tạ Từ tại Phi Trường Okecie ở Warszaw ngày Chúa Nhật 28
Tôi xin kết thúc chuyến viếng thăm của tôi bằng những lời của Thánh Tông Đồ Phaolô đã đồng hành với cuộc hành hương của tôi ở lãnh thổ Ba Lan, đó là: ‘Hãy tỉnh thức đề phòng, hãy đứng vững trong đức tin của anh chị em, hãy can trường, hãy mạnh bạo. Chớ gì tất cả những gì anh chị em làm đều được thực hiện trong yêu thương’ (1Cor 16:13-14). Tôi ban phép lành cho tất cả anh chị em!
Tòa Thánh Vatican tấn công kỹ nghệ tình dục ở Giải Vô Địch Túc Cầu Thế Giới tại Đức Quốc
Đức Tổng Giám Mục Agostino Marchetto, thư ký của Hội Đồng Tòa Thánh Về Di Dân Và Du Dân, đã nói với Đài Phát Thanh Vatican rằng ở đằng sau hiện tượng mãi dâm, một hiện tượng làm lu mờ đi cái bối cảnh của cuộc tranh tài túc cầu Vô Địch Thế Giới 2006 ở Đức Quốc, là vấn đề buôn bán con người.
Hội Nghị Quốc Hội của Hội Đồng Âu Châu cảnh báo là có từ 30 đến 60 ngàn nữ giới và nữ nhi trở thành nạn nhân cho việc bị bó buộc làm mãi dâm và bị lạm dụng trong kỳ tranh giải Vô Địch túc cầu thế giới này.
Việc mãi dâm được hợp pháp hóa ở Đức vào năm 2002. Kỹ nghệ tình dục đã sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho sóng người lên đến 3 triệu kẻ hâm mộ túc cầu đổ về Đức, bằng việc xây cất những cơ sở làm điếm và những ‘túp lều làm tình’, có bãi đậu xe riêng, phòng tắm và khu vực bảo toàn quyền lợi tư riêng của thân chủ.
Nói với các đội túc cầu, ĐTGM Marchetto cho biết rằng ‘Cần phải loại bỏ đi một số thẻ đỏ chống lại thứ kỹ nghệ này, chống lại các thân chủ của nó và các thẩm quyền điều hợp biến cố này.
‘Thật vậy, việc mãi dâm là những gì vi phạm đến phẩm vị của con người, làm cho con người trở thành một đối tượng và là một dụng cụ để thỏa mãn tình dục. Nữ giới trở thành một món hàng hóa, còn rẻ hơn cả thậm chí một vé coi đấu túc cầu nữa’
‘Một số người nữ bị bắt buộc thi hành ‘việc chuyên nghề’ này ngược lại với ý muốn của họ, bởi thế họ trở thành đối tượng cho việc buôn bán con người’.
Nhiều tổ chức, bao gồm cả Hội Ân Xá Quốc Tế, các dòng tu, Quốc Hội Âu Châu và Hội Đồng Âu Châu, đã bài bác việc làm ấy, và viên chức Vatican trên đây đã nhấn mạnh đến trách nhiệm của ‘các vị thẩm quyền Đức Quốc’: ‘Trái banh đang nằm ở bên phần đất của họ’.
Một năm trước đây, Hội Đồng Tòa Thánh Về Di Dân Và Du Dân đã tổ chức một hội nghị thế giới về vấn đề mãi dâm và việc buôn người.
Bản tuyên ngôn đúc kết của cuộc hội nghị này đã viết rằng Giáo Hội phải lãnh trách nhiệm bênh vực các quyền lợi hợp lý của những người nữ ấy, cổ võ việc giải phóng họ cũng như nâng đỡ việc kiếm tìm lợi tức của họ.
Đó là lý do nhiều dòng nữ đã hoạt động ở Đức để giúp cho những phụ nữ có thể trở thành nạn nhân của các đường giây mafia hay bị những áp lực bởi những vấn đề khác.
Trong số các tổ chức cứu trợ này đặc biệt có tổ chức Liên Kết Với Các Phụ Nữ Bị Khốn Khó là tổ chức qui tụ được khoảng 20 dòng tu nữ. Nhóm này cống hi61n một loạt những dịch vụ ở các trung tâm đón tiếp, bao gồm nhà ở an toàn cùng các chương trình hội nhập giáo dục và làm việc.
Vị TGM 65 tuổi trên đây nói rằng những người nữ bị khai thác cần phải được cứu trợ bởi các vị có thẩm quyền để họ có thể tái hội nhập ‘bằng phép được tạm cư hay thường cư. Ngoài ra, họ cần phải làm sao để có thể kiếm được việc làm xứng đáng và những hình thức bồi thường’
‘Cần phải có
những sáng kiến về thứ loại này để phục hồi phẩm giá. Điều này bao gồm việc áp
dụng luật lệ và trừng phạt những ai mưu lợi từ kỹ nghệ tình dục và buôn người.
Việc buôn người cần phải bị theo dõi và trừng phạt bằng tiền bạc’.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 8/6/2006